Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Chín - Pháp Hội Hư Không Mục - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT 

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ NĂM MƯƠI CHÍN

PHÁP HỘI HƯ KHÔNG MỤC  

PHẦN BỐN  

Này Đại Vương! Đây là nhân duyên có sách tướng lành mười hai tháng, là nhân sanh diệt thế gian chẳng phải pháp nhân duyên vượt qua tam giới lục đạo cũng chẳng phải pháp dứt diệt ba ác đạo khổ.

Lúc ấy Di Lặc Bồ Tát ở trước Phật tâm niệm nói kệ hỏi nơi Đức Phật Thế Tôn:

Chẳng phải có đướng sá

Mà cũng có luân chuyển

Như Lai cũng chẳng trụ

Tất cả đạo phi đạo

Phi đạo thấy là đạo

Đạo thấy là phi đạo.

Đức Phật nói: Này Di Lặc! Phi đạo là chẳng xuất chẳng diệt chẳng trụ, chẳng phải trí chẳng phải cảnh giới của trí, chẳng phải minh ám, chẳng phải thường đoạn, chẳng phải thiện ác, chẳng phải sắc ấm đến thức ấm. Đây gọi là thiệt tánh, là pháp tánh, là nhất thiết hành, là chân thiệt tiết. Đây gọi là phi đạo.

Trong đạo ấy, Chư Phật Như Lai chuyển chánh pháp luân mà chẳng thủ trước. Các đạo như vậy, nếu có chúng sanh đạo thấy là phi đạo, phi đạo thấy là đạo thì chẳng đạt được đạo và phi đạo. Mới biết rằng ba đạo Như Lai đều hay phân biệt giải nói nhẫn đến chẳng dứt nơi đạo.

Này Di Lặc! Như Lai Thế Tôn ở trong không có đạo mà chuyển pháp luân để phá hoại chúng sanh ba thứ đạo vậy.

Những gì là ba thứ đạo?

Đó là phiền não đạo, khổ đạo và nghiệp đạo. Nghiệp đạo là hành và hữu. Phiền não đạo là vô minh, ái và thủ. Khổ đạo là thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, sanh và lão tử. Ba đạo như vậy do nhân duyên gì mà có. Đó là do xúc làm duyên mà có.

Này Di Lặc! Nhân nhãn thấy sắc mà sanh ái tâm, ái tâm ấy là vô minh. Do ái tâm gây tạo nghiệp gọi là hành, chí tâm chuyên niệm gọi là thức, thức cùng đi chung với sắc gọi là danh sắc, sáu căn sanh tham gọi là lục nhập, nhân nhập cầu thọ gọi là xúc, tâm tham trước gọi là ái, cầu lấy các pháp ấy gọi là thủ, pháp như vậy sanh gọi là hữu, thứ đệ chẳng dứt gọi là sanh, thứ đệ dứt gọi là tử, sanh tử nhân duyên các khổ bức bách gọi là não, nhẫn đến thức nhân duyên sanh tham cũng như vậy.

Mười hai nhân duyên ấy, nơi một người trong một niệm đều có đủ cả. Xuất có ba thứ, đó là nhân xuất, vật xuất và đạo xuất.

Nếu có Tỳ Kheo tu hành pháp hạnh quán sát tướng mạo ái tâm mà mình có. Tỳ Kheo nên quán sát nếu có ái tâm tức là vô minh. Thể tánh của vô minh hay xuất ra hai lỗi đó là xuất ra hành và thức.

Thức cũng hay xuất ra hai lỗi đó là xuất ra danh và sắc.

Danh sắc xuất ra hai là vô trụ và làm lục nhập.

Lục nhập xuất ra hai là chẳng nhàm dục và xúc.

Xúc cũng xuất ra hai là sanh tâm thọ và cầu thọ.

Thọ xuất ra hai là thọ khổ lạc và tâm tham ái.

Ái xuất ra hai là hệ phược bền chắc và cầu lấy tức là thủ.

Thủ xuất ra hai là tâm thâm và cầu có tức hữu.

Hữu xuất ra hai là thích ở và nhân duyên.

Duyên xuất ra hai là sanh già và khổ duyên.

Già xuất ra hai là hư hoại sắc trẻ và làm nhân cho tử.

Tử cũng xuất ra hai là hư hoại thọ mạng và ái biệt ly.

Đây gọi là xuất nhân.

Nếu Tỳ Kheo tu tập pháp hành quán các pháp như vậy cũng là xuất cũng là diệt thì gọi là vật xuất.

Đức Thế Tôn lại bảo Tôn Giả Kiều Trần Như: Này Kiều Trần Như! Thế nào là đạo xuất?

Nếu Tỳ Kheo kiến đạo thì có hai hạng là hành hành và huệ hành.

Chừng ông có biết hành hành và huệ hành ấy chăng?

Tôn Giả Kiều Trần Như nói: Bạch Đức Thế Tôn! Tôi chưa biết. Duy nguyện Như Lai vì Tỳ Kheo quán mười hai nhân duyên được đại trí huệ phá phiền não kiết sử mà phân biệt giải nói. Tỳ Kheo nghe rồi sẽ thọ trì đầy đủ.

Đức Thế Tôn hỏi Bảo Tràng Đồng Tử rằng: Này Bảo Tràng! Chừng ông có biết hơi thở ra vào chăng?

Bảo Tràng Đồng Tử bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tôi chẳng biết.

Đức Phật nói: Này thiện nam tử! Pháp hành Tỳ Kheo trước tiên quán vô minh đến lão tử.

Thế nào gọi là trước quán vô minh?

Trước tiên quán trung ấm nơi cha mẹ sanh tâm tham ái. Do ái nhân duyên nên tứ đại hoà hiệp hai giọt tinh huyết hiệp thành một giọt bằng hột đậu gọi là Ca La La. Ca La La ấy có ba sự là mạng căn, thức và hơi nóng. Nghiệp duyên quả báo trong đời quá khứ không có tác giả và thọ giả.

Sơ tức xuất nhập gọi là vô minh Ca La La. Lúc ấy hơi thở ra vào có hai đường đó là theo hơi thở lên xuống của bà mẹ cứ bảy ngày thì một lần biến đổi.

Hơi thở ra vào gọi là thọ mạng đây gọi là phong đạo. Chẳng thúi chẳng rã đây gọi là noãn nóng. Tâm ý trong ấy gọi là thức. Nếu người muốn được quả Bích Chi Phật thì nên quán mười hai nhân duyên như vậy. Lại quán ba thứ thọ, nhân duyên ngũ ấm, thập nhị nhập, thập bát giới.

Quán thế nào?

Theo nơi niệm tâm quán hơi thở ra vào, quán sát nội thân da thứa thịt gân xương tuỷ như mây trên không. Gió động trong thân cũng như vậy.

Có gió hay lên, có gió hay xuống, có gió hay đầy, có gió hay cháy, có gió hay tăng trưởng. Vì vậy nên hơi thở ra vào gọi là thân hành. Vì hơi thở ra vào theo giác quán mà sanh nên gọi là ý hành. Hoà hiệp phát ra âm thanh nên gọi là khẩu hành. Do nhân duyên ba hành ấy nên có thức sanh. Do nhân duyên thức nên có bốn ấm và sắc ấm nên gọi là danh sắc.

Nhân duyên ngũ ấm mà thức hiện hành sáu chỗ gọi là lục nhập. Nhãn và sắc đối nhau đến ý và pháp đối nhau gọi đó là xúc. Nhân duyên xúc nên nhớ ghi sắc ấy đến pháp ấy gọi là thọ. Tham trước nơi sắc đến pháp thì gọi đó là ái.

Nhân duyên ái nên tìm cầu bốn phương đây gọi là thủ. Do nhân duyên thủ nên có thân sau đây gọi là hữu. Do nhân duyên hữu nên có sanh và lão tử các thứ khổ. Đây gọi là cội cây lớn mười hai nhân duyên, ngũ ấm, thập nhị nhập, thập bát giới vậy.

Vì thế nên duyên nơi xuất nhập tức hay sanh ra tất cả các khổ phiền não. Phàm phu lúc sanh là phiền não hệ phược, lúc tử cũng phiền não hệ phược, trọn chẳng được thân tâm tự tại, chẳng được tam muội, chẳng hết các lậu.

Nếu có Tỳ Kheo quán xuất nhập tức như gió trong hư không, không có ngã ngã sở, không có tác giảkhông có thọ giả, nó theo duyên mà sanh cũng từ nơi duyên mà diệt, không có tướng không có vật không có giác quán. Gió của chúng sanh cũng như vậy, cùng chung tứ đại mà hiện hành.

Lúc sanh Ca La La chín lỗ đến chín vạn chín ngàn lỗ. Các lỗ ra vào không có tác giả không có thọ giả, chỉ là gió ra vào khối thịt như vậy. Do nhân duyên ấy mà có vô minh đến lão tử các khổ tụ họp.

Này thiện nam tử! Ví như hư không không có vật không có ngã. Cũng vậy, các hơi thở ra vào địa thuỷ hỏa phong thọ mạng noãn ấm thức tâm vô minh đến sanh lão bệnh tử cũng không có ngã không có vật.

Chúng sanh mê lầm điên đảo ở trong chẳng phải ngã mà lầm thấy ngã, trong chẳng phải vật mà lầm thấy vật. Nơi những thứ đồng hư không mà tưởng ấm nhập giới. Do điên đảo mê lầm như vậy mà phàm phu luân chuyển sanh tử không có cùng tận.

Nếu Tỳ Kheo quán hơi thở ấy lạnh thì cả thân lạnh, nếu quán hơi thở ấy ấm nóng thì cả thân ấm nóng. Thân thể lúc ấy theo ý theo hơi gió.

Nếu lúc quán lạnh mà chẳng được thiền định chẳng vào định tụ, thì người quán ấy đoạ vào lãnh địa ngục.

Nếu lúc quán nóng mà chẳng được thiền định chẳng vào định tụ, thì người quán ấy đoạ vào nhiệt địa ngục.

Nếu đệ tử Phật tu tập pháp hành lúc quán hơi thở ra vào lạnh hay nóng thì được chánh đạo.

Pháp hành Tỳ Kheo như thiệt quán sát vô minh đến sanh lão bệnh tử, tâm chẳng điên đảo thì gọi là Tịnh Mục Đà La Ni vậy.

Này thiện nam tử! Nếu ông có thể học Đà La Ni ấy, tức là chân thiệt quán xuất nhập tức.

Bảo Tràng Bồ Tát bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Cảnh giới Chư Phật bất khả tư nghị, chẳng phải Thanh Văn, Duyên Giác đến được.

Tứ Đại Thiên Vương bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tuỳ xứ nào có lưu bố Kinh Điển này, chúng tôi cần phải theo hầu thủ hộ, bao nhiêu ác sự đều làm cho tiêu diệt.

Vua Tần Bà Sa La bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nhân nơi các hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật tu hành pháp hạnh nên khiến Diêm Phù Đề không có tật dịch đói kém và các ác sự.

Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát tu tứ vô lượng tâm, nếu có tứ tánh chúng sanh cung kính cúng dường thì được bao nhiêu phước đức?

Đức Phật nói: Này Đại Vương! Nếu có Bồ Tát tu tứ vô lượng tâm, tuỳ xứ nào có Bồ Tát ấy ở thì xứ ấy có đủ tám sự lành cao thượng. Một là nhân dân xứ ấy cúng dường cha mẹ, tăng trưởng tàm quí, cung kính Sa Môn các Bà La Môn, bậc kỳ cựu có đức thọ trì cấm giới.

Này Đại Vương! Xứ nào có Bồ Tát tu bốn tâm vô lượng thì nhân dân xứ ấy thành tựu sự lành tốt ban đầu như vậy.

Hai là Bồ Tát tu tứ vô lượng tâm ở xứ nào thì nhân dân xứ ấy tu tập từ tâm xa lìa sát hại, lòng họ điều nhu không có tham dục sân hận mà thường bình đẳng không hai.

Ba là Bồ Tát tu tứ vô lượng tâm ở xứ nào thì nhân dân xứ ấy không tham gian, ưa thích bố thí, quở trách trộm cắp.

Bốn là Bồ Tát tu tứ vô lượng tâm ở xứ nào thì nhân dân xứ ấy vợ chồng trinh chánh, quở trách gian dâm phi pháp.

Năm là Bồ Tát tu tứ vô lượng tâm ở xứ nào thì nhân dân xứ ấy chân ngữ, thiệt ngữ, hoà hiệp ngữ, nhu hoà ngữ, quở trách vọng ngôn, ác khẩu, lưỡng thiệt, ỷ ngữ.

Sáu là Bồ Tát tu tứ vô lượng tâm ở xứ nào thì nhân dân xứ ấy không có lòng ganh tỵ ghét ghen ác độc.

Bảy là Bồ Tát tu tứ vô lượng tâm ở xứ nào thì nhân dân xứ ấy chánh kiến chẳng mê lầm, không có tà kiến.

Tám là Bồ Tát tu tứ vô lượng tâm ở xứ nào thì nhân dân xứ ấy tất cả cung kính cúng dường Tam Bảo xa lìa ác kiến.

Còn nữa, này Đại Vương! Nếu Bồ Tát tu bốn tâm vô lượng ở xứ nào thì xứ ấy không có tám sự bố uý.

Một là không có sự bố uý về binh cách trong nước và ngoài nước.

Hai là không có bố uý về ác quỷ.

Ba là không có bố uý về ác tinh tú.

Bốn là không có bố uý về ác bệnh.

Năm là không có bố uý về ác thú.

Sáu là không có bố uý về ác tặc.

Bảy là không có bố uý về hạn khô và lụt lũ.

Tám là không có bố uý về thiếu lương thực.

Còn nữa, này Đại Vương! Nếu Bồ Tát tu tứ vô lượng tâm ở xứ nào thì xứ ấy có tám hạng đại trượng phu:

Một là có các chúng sanh từ quá khứ ở chỗ vô lượng Phật vun trồng thiện căn thích sanh vào xứ ấy.

Hai là có các chúng sanh từ vô lượng đời quá khứ tu trì tịnh giới và đa văn thích sanh vào xứ ấy.

Ba là có các chúng sanh từ vô lượng đời quá khứ hiếu kính cúng dường cha mẹ, Sư Trưởng, Hoà Thượng kỳ cựu bậc có đức thích sanh vào xứ ấy.

Bốn là có các chúng sanh từ vô lượng đời quá khứ tu tập nghiệp Trời sẽ thọ thân Trời mà cố ý chuyển báo trời thích sanh vào xứ ấy.

Năm là có các chúng sanh hay phá trừ ác nghiệp ba ác thú thích sanh vào xứ ấy.

Sáu là có các chúng sanh đủ pháp Thanh Văn thừa thích sanh vào xứ ấy.

Bảy là có các chúng sanh đủ pháp Duyên Giác thừa thích sanh vào xứ ấy.

Tám là có các chúng sanh từ vô lượng đời quá khứ tu sáu Ba la mật thích sanh vào xứ ấy.

Còn nữa, này Đại Vương! Nếu có Bồ Tát tu bốn tâm vô lượng ở xứ nào thì xứ ấy đất đai mầu mỡ, nước dùng lành tốt, có pháp vị vô thượng, tất cả nhân dân cùng mọi loài có lòng thân yêu nhau, xả thân hiện tại đều được sanh Cõi Trời được Thiên thân.

Này Đại Vương! Như một cái hộp đựng bốn thứ hương thơm là Trầm Thuỷ hương, Đa Già La hương, Ngưu Đầu Chiên Đàn hương và Đa Ma La Diệp hương. Bốn thứ hương ấy hiệp có bốn lượng. Có người trong tứ tánh đem bốn thứ y phục để vào hộp hương ấy được vài ngày rồi mỗi người mỗi tánh tự cầm y phục của mình mà đi.

Bốn thứ hương ấy vẫn còn đủ phân lượng, không có hao tổn, mà trong các y phục ấy đều có mùi thơm của hương.

Này Đại Vương! Nếu có Bồ Tát tu tứ vô lượng tâm ở xứ nào thì nhân dân xứ ấy thành tựu các thứ công đức, mà Bồ Tát ấy không có tổn giảm.

Vua Tần Bà Sa La bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát tứ vô lượng tâm bất khả tư nghị. Tại sao, vì Đại Bồ Tát tu bốn tâm vô lượng mà có thể làm cho vô lượng vô biên chúng sanh được lợi ích lớn.

Bây giờ trong đại hội có một Bồ Tát tên là Tịnh Quang nói với Vô Thắng Bồ Tát rằng: Thưa Đại Sĩ! Nay Ngài đã được lợi ích vô thượng. Tại sao, vì Ngài thường tu tập tứ vô lượng tâm vậy.

Vô Thắng Bồ Tát nói: Thưa Đại Sĩ! Nay tôi thế nào được đại lợi ích!

Vì trong pháp như vậy không có tác không có thọ, không có giác không có tri không có kiến, không có thử không có bỉ. Như có người nói tôi có thể đem anh lạc trang nghiêm khắp hư không. Dầu nói như vậy mà chân thiệt chẳng thể trang nghiêm hư không được.

Tất cả các pháp cũng như hư không, không có xuất không có hoại, không sanh không diệt, không nơi chỗ, không có giác quán, là tịnh tam muội giải thoát không có tướng không có tác không có nguyện.

Pháp Giới như vậy không có chuyển đổi, không có tan rã, không có hiệp tụ, không có chướng ngại, không có trược, không có biên dường như hư không, không có hòa hiệp, không có mong muốn, không có tánh, không thấy không nói, pháp tánh không số không ít không nhiều, không có cảnh giới, không có hai, không thủ trước, không lượng, không sắc không thanh tịch tĩnh.

Không biến đổi không biên lượng, dường như hư không, không sánh, không hơn, không thường không đoạn, khó thấy khó biết, khó tư duy được, kiên cố không có hành, không có sân hận, nhiếp Chư Phật Giới, đây gọi là phạm hạnh, gọi là tứ vô lượng, Như Lai tu tập tâm không có nhàm đủ siêng tu tinh tiến, đây gọi là Phật Pháp, là đại tín, đại niệm, đại bất phóng dật, chí tâm chẳng quên.

Nếu Đại Bồ Tát tu tập tứ vô lượng tâm như vậy tức là Đại Bồ Tát tu hành thậm thâm pháp giới. Bồ Tát như vậy gần nhập vô sanh pháp nhẫn hành sáu Ba la mật hộ trì Chư Phật Pháp.

Bồ Tát như vậy đã gần đệ tam như pháp pháp nhẫn chân thiệt thấy thân Phật, hay phá ma chúng trừ tà đạo qua sông sanh tử vào biển đại trí, thông đạt tất cả cảnh giới Chư Phật, trang nghiêm tất cả công đức Chư Phật. Bồ Tát như vậy có sắc thân chủng tánh tài vật đều hơn các chúng sanh.

Thứ đệ sẽ ngồi pháp toạ Như Lai, đầy đủ tất cả tam muội tổng trì, chẳng bị tất cả Thánh Nhân khinh, được hàng Duyên Giác tán thán, thường được Chư Phật hộ niệm, hay hiểu ngữ ngôn của các loài chúng sanh trong tất cả Quốc Độ, trong tất cả pháp chẳng thấy người thọ người thí, cũng không thấy có người nói người nghe pháp, không có tác giả không có thọ giả, dường như hư không.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần