Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Sáu - Phẩm Sáu Bài Kệ - Chuyện Pháp ấn Tiền Thân Dhammaddhaja

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG SÁU  

PHẨM SÁU BÀI KỆ  

CHUYỆN PHÁP ẤN

TIỀN THÂN DHAMMADDHAJA  

Hành trì đức hạnh, hỡi chư huynh. Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỳ Kheo lừa dối.

Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, kẻ này không chỉ lừa dối lần đầu tiên. Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa. Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát được sinh làm một con chim. Khi lớn lên Ngài sống giữa bầy chim tùy tùng của Ngài trên một đảo giữa biển cả.

Một hôm có đoàn thương nhân đem theo một con quạ và khởi hành ra khơi, đến giữa biển, tàu bị chìm.

Con quạ bay đến đảo này, nghĩ thầm: Ðây có cả đàn chim lớn, nếu ta dùng kế lừa gạt chúng rồi ăn thịt cả trứng lẫn chim non thì hay biết bao. Thế rồi nó bay xuống giữa bầy chim, vừa há mỏ vừa đứng một chân trên mặt đất.

Bầy chim hỏi: Thưa Tôn Giả, Ngài là ai?

Ta là một Thánh Giả.

Tại sao Ngài chỉ đứng một chân?

Nếu ta đặt chân kia xuống, quả đất không thể chịu đựng nổi ta.

Thế tại sao Ngài vừa đứng vừa há mỏ?

Ta không ăn thực phẩm gì cả, chỉ hút gió.

Cùng với lời này, quạ gọi bầy chim lại bảo: 

Ta sẽ thuyết giáo cho các anh, hãy lắng nghe.

Rồi quạ ngâm vần kệ đầu để giảng giáo lý:

Hành trì đức hạnh, hỡi chư huynh,

Cầu chúc chư huynh đệ phước lành!

Ta nói lại: Hành trì đức hạnh

Ðời này, đời kế đạt an bình.

Ðàn chim không biết quạ nói thế với âm mưu lừa dối chúng để ăn trứng chim, liền ca ngợi quạ và ngâm vần kệ thứ hai:

Chim này chánh hạnh, phước ân tràn,

Thuyết giảng chỉ cần đứng một chân.

Bầy chim đầy tin tưởng con quạ gian ác này, liền bảo: Thưa Tôn Giả, Ngài không cần thực phẩm gì cả, chỉ cần hút gió mà sống, vậy xin Ngài canh chừng lứa trứng này và bầy chim non của chúng tôi.

Như thế, chúng bay đi đến nơi ăn thường lệ. Khi chúng đã đi xa, con quạ độc hại này ăn đầy một bụng cả trứng lẫn chim non. Rồi khi bầy chim trở lại, nó liền đứng yên lặng trên một chân và há mỏ ra.

Ðàn chim không thấy lũ chim non khi bay về tổ liền kêu thét lên: Ai có thể ăn chúng rồi chứ?

Song chúng lại bảo nhau: Ông quạ này là một bậc Thánh mà! Chúng không nghi ngờ gì con quạ cả.

Sau đó, một hôm, Bồ Tát nghĩ thầm: Trước đây không có gì nguy hiểm xảy ra, chỉ từ khi có con quạ này đến mới bắt đầu có tai họa, vậy tốt hơn phải thử nó. Vì thế Ngài làm như thể sáp bay đi ăn cùng bầy chim kia, rồi Ngài quay lại đậu một chỗ kín đáo. Con quạ tin tưởng bầy chim đã bay hết liền đứng lên, đến ăn cả trứng lẫn chim non, xong lại đứng trên một chân, há mỏ ra như cũ.

Khi bầy chim bay về, chim chúa tụ tập chúng lại và bảo: Hôm nay ta đã quan sát mối hiểm họa đến với đàn con của chúng ta và ta thấy con quạ gian ác này đã ăn thịt chúng, vậy ta quyết bắt nó.

Như thế Ngài họp bầy chim vây quanh con quạ và bảo:

Nếu nó bay đi trốn, ta phải bắt lấy nó.

Rồi Ngài ngâm các vần kệ tiếp theo:

Các con không biết tính chim này

Khi tán các con, ngu dại thay!

Ðức hạnh nó rao, đức hạnh mãi,

Rồi ăn cả trứng lẫn con bầy!

Những điều nó giảng, giọng thanh thanh,

Song bọn chúng không thể thực hành,

Ðức hạnh nó ồn ào trống rỗng,

Chánh chân của nó chẳng chân thành.

Giả dối trong tâm, lưỡi phỉnh phờ,

Nó là rắn hổ lén bò vô:

Nó nhờ áo khoác ngoài lừa gạt

Dân chúng, vì chúng quá dại khờ.

Lấy mỏ, cánh lôi nó đánh ngay,

Xé tan nó với móng chim này!

Ðời tàn cho đáng, tên hèn hạ

Phản bội niềm tin chính nghĩa đây.

Cùng với những lời này, chính chim chúa vụt bay lên lấy mỏ đánh vào đầu quạ và cả đàn chim cũng lấy mỏ và chân đánh quạ cho đến chết.

Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân: Thời ấy con quạ là Tỳ Kheo lừa dối này, và chim chúa chính là ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần