GÃ NGHÈO ĐỐT Y PHỤC
Lời dẫn: Người làm nghề kinh doanh muốn được có lãi, họ bỏ vốn đầu tư muốn kiếm được tiền lời cho nhiều. Người nông dân cày cấy cực khổ mong được thu hoạch trúng mùa.
Nhưng có người bỏ vốn đầu tư bị phá sản, khác nào ráng chiều le lói hư huyễn. Chúng ta nhìn thấy họ giàu sang, quý phái; nhưng trong thoáng chốc trở thành kẻ trắng tay. Đây không phải cuộc đời là một giấc mộng hay sao?
Ngày xưa có một gã nghèo xơ xác, hắn làm việc rất cần cù chăm chỉ, giúp đỡ mọi người làm việc nặng nhọc; nhưng họ trả tiền công cho hắn rất ít, chỉ đủ cho hắn sống tạm qua ngày. Một hôm, hắn muốn sắm thêm cho mình một bộ quần áo, hắn cũng phải chi tiêu rất dè sẻn, ra sức làm việc dành dụm một thời gian dài; hắn mới tạm đủ mua cho mình một bộ quần áo vải xấu.
Bỗng một ngày, có người bà con xa đến nói với hắn:
- Vì sao anh mặc y phục vải xấu thế này? Hắn đáp:
- Y phục vải xấu có gì là không tốt, chỉ do tâm phân biệt vải xấu, vải đẹp mà thôi.
- Anh không muốn mặc y phục đắc tiền và cuộc sống sung sướng sao?
- Tất nhiên là muốn rồi, nhưng làm bằng cách nào? Số phận tôi như vậy, anh có biện pháp gì?
- Không! Anh là hậu duệ của hàng quý tộc, chỉ cần anh chịu cầu thần thì thần sẽ ban cho anh cuộc sống sung sướng.
- Cầu bằng cách nào?
- Anh đem bộ y phục vải xấu này đốt đi, chí thành cầu thần thì sẽ ban cho anh một bộ y phục đắt tiền xinh đẹp; lại ban cho anh cuộc sống hạnh phúc. Thần sẽ ban cho anh toại nguyện.
Gã nhà nghèo tuy cuộc sống túng thiếu, nhưng không đến nỗi khó khăn lắm, hắn bằng lòng cuộc sống hiện tại; nhưng khi, hắn nghe người bà con xa dụ dỗ, liền hi vọng niềm tin mộng đẹp giàu sang. Vì thế, hắn nhờ người bà con chủ trì nghi thức cầu thần, đem đốt bộ y phục vải xấu và chí thành cầu nguyện. Cho dù hắn cầu lạy sói đầu, y phục vải đẹp vẫn không xuất hiện. Sau đó, hắn hối hận nói: “Tại sao ta lại ngu si như thế này? Đem đốt y phục của mình để cầu thần ban cho hạnh phúc và y phục đẹp, nhưng lại mù mịt không biết thần ở đâu?”.
—o0o—
Bài học đạo lý
Đây là câu chuyện thí dụ, người nghèo khổ là chỉ cho hàng phàm phu chúng ta; y phục vải xấu giống như cuộc sống cực khổ. Mặc dù y phục vải thô xấu nhưng gã nhà nghèo phải khổ công làm việc rất lâu mới sắm được nó. Hiện tại con người tuy khổ cực, nhưng đời quá khứ cũng có tu các căn lành mới có thể được thân người. Nếu như chúng ta không nương vào thân này, cố gắng tu pháp xuất thế, thoát khỏi sinh tử mà tạo các ác nghiệp làm cho nhiều đời sau chịu đau khổ vô cùng, cho đến sinh tử luân hồi không dứt thì chẳng phải là kẻ ngu si hay sao?
Đức Phật dạy: “Trồng nhân không chân thật thì gặt quả đèo cong”. Tất cả mọi việc có nhân thì có quả, nhân chánh thì kết quả chánh; nhân tà thì quả tà. Cho nên, khi chúng ta làm việc gì, hay nói điều gì phải chú ý nhân chánh mới là đạo lý làm người. Thí dụ hàng ngày chúng ta làm việc có chánh đáng không, lời nói có dối gạt, thêu dệt, lừa đảo v.v… Do đó, chúng ta biết được quả báo tương lai như thế nào? Cho nên, mỗi việc ở thế gian có họa có phúc, có khổ có vui đều do nhân quá khứ mà chiêu cảm quả báo hiện tại.
Nói theo tín ngưỡng, chúng ta tin theo vị thần nào thì cảm ứng với vị thần đó, tương lai cùng loại với vị thần đó; giống như chúng ta tin theo những vị thần như thần đá, thần cây v.v… thì tương lai phần đông cũng cùng loại với vị thần này; hoặc làm thuộc hạ của thần, tuyệt đối không thể vượt hơn thần này.
Chúng ta đốt hàng mã, tiền bạc cho quỷ thần, những thứ này con người không dùng được; vậy quỷ thần có dùng được không? Nếu dùng được thì quỷ thần này cũng là loài thấp hơn người; bằng không thì gạt mình, gạt quỷ thần, tương lai cũng bị người gạt lại. Lúc đó, làm kẻ câm nuốt hoàng liên. Vì vậy, bất cứ việc gì chúng ta cũng phải dựa theo lý trí để phán đoán đúng sai, không thể ai nói sao nghe vậy. Người ta bảo sao chúng ta làm theo như vậy, chẳng những là mê tín mà còn cuồng dại ngơ ngơ ngẩn ngẩn.
—o0o—
Chính,chính kiến,tà kiến,Lời Thầy dạy,Truyện Phật giáo
“Thầy an cư tại Tu viện, con an cư ở đâu?”