Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Sáu Mươi Sáu - Phẩm Bà Thế Chất

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tuệ Giác, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT KINH HIỀN NGU

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tuệ Giác, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU MƯƠI SÁU

PHẨM BÀ THẾ CHẤT  

Tôi nghe nói như thế này!

Thuở nọ Đức Phật ở nước La Duyệt Kỳ, trong núi Kỳ Xà Quật. Bấy giờ ở nước này có một vị trưởng giả giàu có tên Thi Lợi Chất, nhà cửa giàu có, của báu đầy ắp. Bà vợ ông mang thai, sau đó sinh ra được một cậu con trai dung mạo nghiêm diệu, ở đời ít ai sánh bằng. Cha mẹ rất vui mừng cho là rất may phước, bèn mời thầy về xem tướng.

Thầy tướng xem nói với song thân: Đứa bé này có phước đúc, sẽ làm vinh hiển dòng họ. trưởng giả nghe thế càng thêm vui mừng, lại nhờ thầy đặt tên.

Thầy tướng lại hỏi: Từ khi mang thai có điềm ứng gì không?

Trưởng giả nói: Bà mẹ đứa bé vốn nói năng vụng về, nhưng từ khi mang thai ăn nói khéo léo lanh lẹ vô cùng!

Thầy tướng bèn đặt tên là Bà thế chất. Cậu bé lớn lên thông minh siêu quần. Một hôm cùng đồng bạn dạo chơi, chàng trông thấy nhà của nhạc vũ công Na La có một người con gái diện mạo xinh đẹp, dung nhan ít người có được, bèn sinh lòng yêu mến muốn được hỏi làm vợ, về thưa cha mẹ xin cầu hôn cô gái ấy.

Cha mẹ bảo: Con là dòng quý phái, còn cô gái kia dòng tộc hạ tiện, cao thấp chẳng bằng nhau, làm sao có thể thương yêu sâu đậm được, không thể tự ý được.

Bà thế chất lại thưa: Xin cha mẹ chớ nói đến môn đăng hộ đối, chỉ nói đến bản thân, xin hãy rủ lòng thương xót vì con mà cầu hôn, nếu không được như chí muốn, con xin tự vẫn. Cha mẹ bèn nghe theo, sai người đi đến đó cầu hôn.

Họ về báo: Nhà anh vốn dòng tộc lớn, còn nhà tôi là tiểu nhân, hai bên không cân xứng làm sao cưới hỏi được?

Người con ân cần năn nỉ mãi không chịu ngừng, sai người đem thư đến hỏi nữa.

Nhà bên gái đáp rằng: Nếu có thể theo bên nhà tôi, học tập các thứ thuật ca múa…, đều phải biết đầy đủ, cho đến ở trước nhà Vua thi đậu, sau đó mới thành hôn nhân. Người con trai mê hoặc sắc đẹp cô gái, không hổ thẹn gì cả liền qua bên nhà gái, học tập hí nghệ, trải qua một thời gian đều thành tựu cả.

Khi đó Quốc Vương tập hợp các Na La, chơi trò trốn tìm…, thi tài kỹ nghệ… bấy giờ người con trưởng giả cũng theo bên Vua ứng hiện kỹ thuật, chạy đi tìm kiếm, Vua thoắt mất không thấy, lại muốn trèo lên cao tìm. Khí lực dần dần suy yếu giữa đường muốn rớt xuống, trong lòng lo sợ không chỗ nương tựa.

Bấy giờ Tôn Giả Mục Liên đi trên hư không đến bên cạnh bảo: Như con nay muốn toàn thân mạng tham gia học đạo, hay chịu rớt xuống đất mà lấy người con gái kia?

Chàng ta bèn nói: Nguyện tôi còn sống, không cần đến người con gái đó nữa. Ngài Mục Liên liền từ trong hư không hóa làm đất bằng, chàng ta liền ngưng sợ sệt, từ đất mà xuống, được toàn thân mạng, nhờ đó an ổn mừng không thể tả, theo Tôn Giả Mục Kiền Liên đi đến chỗ Thế Tôn, lễ bái cúng dường.

Bấy giờ Đức Phật rộng thuyết diệu luận, như luận nói về Bố thì, luận nói về trì giới, về sinh Thiên… muốn xa lìa bất tịnh, mau nhất là ra khỏi.

Tâm ý chàng khai giải liền được Sơ Quả, nhân đó bạch Phật nguyện được xuất gia phụng tu chánh pháp. Thế Tôn nhận lời, râu tóc chàng tự rụng, pháp y mặc trên thân, trở thành vị Sa Môn, chuyên tinh Thiền định, tư duy, tu theo chánh nghiệp, dứt sạch các lậu, thành A La Hán.

Ngài A Nan đến trước bạch Phật: Bạch Thế Tôn, Sa Môn Bà thế chất, kiếp trước cùng người con gái kia có nhân duyên gì mà tâm mê hoặc đắm nhiễm, hầu như đến nguy ngập.

Lại tạo nhân duyên gì mà gặp Tôn Giả Mục Kiền Liên nhờ ân được tế độ, lại được nhân duyên gì mà đạt được quả ứng chân?

Đức Phật bảo: Này A Nan, thời quá khứ vô lượng kiếp trước, ở nước Ba La Nại, có một vị trưởng giả sinh được một cậu con trai, tướng mạo đoan chánh vô cùng. Đang lúc đó, trong nhà có người đi biển trở về đem một trứng chim dâng cho trưởng giả, ông nhận lấy.

Trải qua một thời gian trứng ấy nở ra được một con chim phượng hoàng lông cánh sáng rực. trưởng giả rất yêu mến nó, đem cho đứa con để chơi, dần dần con chim to lớn. Bấy giờ đứa con của trưởng giả cỡi lên lưng nó bay đi khắp nơi xem cảnh, thỏa mãn rồi trở về nhà, ngày ngày cứ như thế.

Trải qua một thời gian đứa con trưởng giả đã lớn, nghe Quốc Vương ở nước khác có mở cuộc thi, bèn cỡi chim bay đến đó đáp xuống xem. Chim đậu trên ngọn cây, vị ấy bỗng thấy vương nữ nên đem lòng thương mến, sai người đem thư tỏ bày tâm sự. Vương nữ đồng ý, bèn cùng nhau quan hệ tình cảm, do thương yêu không kín đáo, bị nhà Vua biết, sai người truy bắt. Bắt được chàng ta trói lại định đem xử trảm.

Người con của trưởng giả nói: Vì sao các ông định giết tôi?

Hãy cho tôi lên trên cây gieo mình xuống chết đi. Mọi người đồng ý, liền cho anh ta lên cành cây. Anh ta leo lên lưng chim bay lên hư không đi mất. Nhờ con con chim mà kéo dài được mạng sống.

Đức Phật bảo: Này A Nan, người con của vị trưởng giả kia nay chính là Bà Thế Chất. Vương nữ thuở đó nay là con gái của nhà kia, còn con chim phượng hoàng nay chính là Tôn Giả Mục Kiền Liên. Ở đời quá khứ do mê nhan sắc mà đưa đến khốn đốn, nhờ con chim mà được cứu sống.

Nay lại tham sắc đẹp cũng sắp tử vong, do nhờ Mục Kiền Liên mà được an ổn. Bà thế chất nói năng thông biện thành bậc vô lậu, là do về thuở quá khứ, có một Cư Sĩ nước Ba La Nại gặp Bích Chi Phật đi khất thực, Cư Sĩ liền đem cơm cúng thí, nhân đó lại thỉnh Ngài thuyết Kinh pháp. Bích Chi Phật ấy từ chối không thể thuyết, rồi quăng cái bát lên hư không nhảy vọt lên mà đi.

Cư Sĩ nghĩ rằng: Người này thần lực biến hóa vô cùng, nhưng không thể diễn bày thuyết hóa, nguyện ta đời sau, gặp được Thánh Tôn hơn vị Đạo Sĩ này khoảng ức vạn lần, diễn tán pháp nghĩa vô cùng vô tận, khiến thân ta cũng được quả chứng.

Do nhân duyên đó, đời này thông minh, đạt đến quả A La Hán. Lúc Đức Phật nói tiền kiếp nhân duyên, người nghe không ai chẳng hoan hỷ. Có người nghe xong đắc quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, có người gieo trồng căn lành Duyên Giác, có người phát tâm Bồ Tát, đều tin lời Đức Phật đảnh lễ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần