ĐỒNG TỬ BẢO HẢI

Truyện phật giáo   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:01 PM

Tu sửa cúng dường tháp Phật, Cảm được kho báu tràn đầy.

Lúc đức Như Lai ở thành Vương-xá, trong thành có một vị phú ông rất giàu có, tài sản tương đương với Đa văn thiên tử. Ông cùng vợ có một cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn.

Sau khi vợ ông mang thai, tự nhiên xuất hiện rất nhiều điềm lạ, như trong nhà bỗng dưng xuất hiện nhiều đồ trang sức, cờ báu, lọng báu…, hoa nở rộ khắp nơi, hương thơm ngào ngạt, giường ngủ cũng biến thành giường báu của chư thiên. Những điềm lành này làm cho vị phú ông rất nghi hoặc, không hiểu gì cả. Ông lo sợ rằng vợ mình bị ma nhập hoặc bị dạ-xoa làm hại.

Do đó, ông vội vàng tìm đến một thầy tướng, hỏi xem rốt cuộc thì những hiện tượng này là điềm lành hay dữ? Vị thầy tướng sau khi xem xong liền nói:

– Đây chẳng phải tai họa gì đâu, mà là do phước đức của thai nhi mới xuất hiện ra những tướng lành này. Ông không nên lo lắng.

Nghe vị thầy tướng nói thế, ông phú hộ mới yên tâm phần nào.

Sau 10 tháng mang thai, người vợ phú ông sinh hạ được một bé trai hết sức khả ái, tướng mạo đoan nghiêm, không giống người bình thường. Thân thể em khi sinh ra vô cùng sạch sẽ, không những chẳng dính nhau thai và máu dơ, mà trên người lại sẵn có những bảo châu, chuỗi ngọc, y phục cõi trời quý báu vô cùng…

Lúc những người hầu tắm rửa cho em, mỗi khi vừa cởi bỏ y phục trên người em ra liền tức thời xuất hiện y phục khác, khiến họ chẳng biết phải làm thế nào, chỉ còn cách để nguyên y phục và trang sức của em mà tắm rửa. Tắm rửa xong, khi những người hầu đặt em lên giường thì giường ấy lập tức biến thành giường lớn, được trang hoàng bằng trân bảo vi diệu xinh đẹp. Trên trần nhà lại xuất hiện tòa cung điện trang nghiêm, phía trên cung điện có những cờ báu, phướng báu…, bên trong cung điện có hoa tươi và hương thơm ngào ngạt, trước giường lại xuất hiện một tháp báu, trong tháp có chứa các loại vật báu, lấy hoài không hết, quả thật là hy hữu vô cùng.

Vị phú ông vui mừng không sao nói hết, liền tổ chức tiệc mừng hết sức long trọng. Bởi lúc em vừa sinh ra thì bảo châu trong nhà tự nhiên xuất hiện nhiều như nước biển, nên ông liền đặt tên cho em là đồng tử Bảo Hải.

Đồng tử Bảo Hải được tám vị nhũ mẫu nuôi nấng bằng những thức ăn bổ dưỡng, như sữa tươi, sữa chua, khô dầu… Em lớn lên rất nhanh, và mỗi khi em đi đến đâu đều có những hàng phi nhân[19] hiện ra trải thảm đỡ chân, lại có những phi nhân, thiên nữ rải hoa cúng dường.

Lớn lên, chàng Bảo Hải tinh thông các môn học vấn thế gian như văn học, y thuật, tám loại quán sát… Cha chàng đặc biệt xây dựng bốn cung điện riêng biệt thích hợp với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông để chàng lúc nào cũng có nơi ở thật thoải mái. Trên các cung điện ấy tự nhiên xuất hiện những cờ báu, lọng báu, lại có các thiên nữ hiện xuống cùng vui chơi. Chàng hưởng thụ cuộc sống tốt đẹp đó một cách thỏa thích.

Một hôm, chàng Bảo Hải phát khởi lòng tin lớn đối với Ba ngôi báu,[20] tự suy nghĩ rằng: “Phước báo nhân thiên của thế gian mình đã được hưởng đầy đủ, giờ chính là lúc nên xuất gia sống đời tỉnh thức, tinh tấn tu tập giáo pháp giải thoát của Phật-đà để đoạn trừ tất cả thống khổ của sinh tử luân hồi.”

Thế là chàng đem hết tài sản ra bố thí, giúp cho rất nhiều người được an lạc, sau đó đến đảnh lễ đức Như Lai xin theo Ngài xuất gia sống đời tỉnh thức. Sau khi xuất gia, đồng tử Bảo Hải đi đến bất cứ nơi đâu cũng vẫn có rất nhiều phi nhân hiện ra làm cho mặt đất bằng phẳng, dựng cờ báu, che lọng báu và vô số thiên nữ vây quanh.

Một số người xuất gia cảm thấy như vậy là không hợp lý. Họ xì xầm bàn tán với nhau:

– Tỳ-kheo Bảo Hải đã là người sống đời thoát tục, vì sao đi đến nơi nào cũng mang theo những cờ báu, lọng báu, lại có thiên nữ vây quanh. Nếu còn ham thích năm món dục thì ông ấy đến đây để làm gì?

Đồng tử Bảo Hải cũng vì chuyện này mà sinh tâm phiền não, bèn đến thưa hỏi đức Thế Tôn, cầu mong Ngài chỉ dạy cho cách đối trị như thế nào.

Đức Như Lai dạy:

– Nếu con quán xét tất cả những thứ ấy đều không cần thiết, tự nhiên chúng sẽ biến mất.

Tỳ-kheo Bảo Hải liền thực hành theo đúng lời dạy của đức Như Lai, quả nhiên tất cả đều không còn nữa. Thầy cảm thấy nhẹ nhàng thư thái, càng tinh tấn tu trì, không bao lâu sau đã đoạn trừ được hết phiền não trong Ba cõi, chứng đắc thánh quả A-la-hán.

Lúc đó, các vị tỳ-kheo liền đến thỉnh vấn đức Như Lai:

– Kính bạch đức Thế Tôn! Đồng tử Bảo Hải có nhân duyên nghiệp lành như thế nào mà được sinh vào gia đình giàu sang phú quí, tướng mạo đoan trang, trời sinh có đầy đủ các loại trang sức châu báu, khi chào đời thân thể không dơ bẩn, tự nhiên xuất hiện cung điện, bảo tháp, hoa tươi, đi đến đâu cũng đều có phi nhân và thiên nữ trải thảm, rải hoa cúng dường? Lại do nhân duyên gì phát khởi được lòng tin thanh tịnh vào Ba ngôi báu, xuất gia sống đời tỉnh thức, chứng đắc quả vị A-la-hán? Ngưỡng mong đức Như Lai từ bi giải thích cho chúng con được rõ, chúng con rất muốn nghe.

Đức Như Lai nhìn khắp đại chúng một lượt rồi nói:

– Đây là sự thành tựu nguyện lực đời trước của tỳ-kheo Bảo Hải. Trong Hiền kiếp này, vào lúc tuổi thọ con người là 20.000 tuổi, đức Phật Ca-diếp còn tại thế. Khi đó, tại vườn Lộc Dã ở Ấn Độ có một vị trưởng giả giàu có ngang với Đa văn thiên tử, có niềm tin thanh tịnh và vào Ba ngôi báu. Ông ta đặc biệt xây dựng giảng đường, cung thỉnh đức Phật Ca-diếp và toàn thể tăng chúng đến thuyết pháp và cúng dường lên chư vị đủ các loại thức ăn thơm ngon, lại còn thỉnh đức Như Lai và chư tỳ-kheo tắm rửa thay y phục, rồi thu nhặt tóc và móng tay của đức Phật Ca-diếp để xây tháp cúng dường.

Ngày nọ, có rất nhiều chim đến làm tổ trên ngọn tháp. Ông ta thấy vậy cho là bất kính, liền xây thêm một tầng lầu bên trên tháp, lại dùng các loại phướng báu, lọng báu để trang sức, bên trong dùng các loại châu báu, chuỗi ngọc quý giá để trang hoàng, trông thật trang nghiêm, xinh đẹp vô cùng. Sau đó, ông phát nguyện:

– Nhờ tất cả công đức tu tạo bảo tháp này, nguyện cho con được đời đời kiếp kiếp sinh vào gia đình giàu sang, tướng mạo đoan trang, trời sinh đầy đủ các loại bảo vật trang sức, khi chào đời thân thể không dơ bẩn, tự nhiên hiển hiện cung điện, bảo tháp, hoa tươi, bên trong bảo tháp cất chứa nhiều báu vật lấy hoài không hết, đi đến đâu cũng đều có phi nhân và thiên nữ trải thảm, rải hoa. Sau cùng, sinh khởi lòng tin thanh tịnh vào Ba ngôi báu, được xuất gia đắm mình trong pháp lành của đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn, chứng đắc quả vị A-la-hán.

Đức Phật kể xong nhân duyên nghiệp lành đời trước của tỳ-kheo Bảo Hải, tất cả đại chúng đều sinh tâm hoan hỷ, đảnh lễ tin nhận.

 

icon phước bao,nhân duyên,đức phật,truyện phật giáo

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Tháng ngày hạnh phúc

Truyện phật giáo   •   25.12.2023
Lần đầu tiên anh em Kiến được đến sân bay. Bé Bống reo hò khi nhìn qua cửa kính, thấy những chiếc máy bay cất cánh bay lên bầu trời.

“Thầy an cư tại Tu viện, con an cư ở đâu?”

Truyện phật giáo   •   25.12.2023
Cánh cửa được mở ra, những làn gió nhẹ thổi qua, chim kêu ríu rít, thiền đường khổng lồ của sự sống được hiển bày.

Con thằn lằn chọn nghiệp

Truyện phật giáo   •   25.12.2023
Một sức mầu nhiệm đã giúp cho con thằn lằn đạt được ý nguyện: chỉ trong một hơi mà dĩa dầu đã cạn: bộ kinh chỉ tụng được quá nửa mà thôi.

Chị Hai

Truyện phật giáo   •   25.12.2023
Lời nguyền thật: cụ nằm liệt, “báo” người thân (nặng nhất đương nhiên là Hai) hơn năm năm mới chịu mất. Chưa hết; đoạn cuối đời mê lẫn, mỗi lần tiểu/đại tiện cụ lại lăn lê trây trét chất thải tùm lum ra áo quần giường chiếu.

Tên ăn trộm

Truyện phật giáo   •   25.12.2023
Đêm kia, thầy thấy cậu ăn trộm rình núp ở đây. Người bạn ăn đêm kiên nhẫn đợi thầy tắt đèn và đi nghỉ, nên thầy đã tắt đèn và đi nghỉ!

Tiểu Bạch

Truyện phật giáo   •   25.12.2023
Nhân lúc Tiểu Bạch đối đáp mà vô ý sơ sểnh, lão đạo sĩ phóng thanh kiếm trừ tà trảm yêu về hướng Tiểu Bạch. Phút giây nguy cấp không kịp phán đoán gì, Lục Lang lao đến lấy thân che cho Tiểu Bạch và thanh kiếm cắm ngập vào ngực.