Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Tạp - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI SÁU

PHẨM TẠP  

TẬP BA  

Ai làm việc cứu đời được phước không thể lường: Đức Như Lai nói về phước đức của việc bố thí cho Thánh Chúng. Trong đại chúng, có người diệt được ái dục thì sự bố thí của họ dù ít, vẫn được phước báo vô lượng, được quả báo nhiều không thể kể xiết.

Cho nên nói: Ai làm việc cứu đời được phước không thể lường.

Như mảnh ruộng khô cằn

Cỏ giận dữ tràn lan

Nên phải dứt giận dữ

Bố thí báo vô lượng.

Như mảnh ruộng khô cằn, cỏ giận dữ tràn lan: Tại sao gọi là ruộng khô cằn?

Gọi là khô cằn là vì không những tự hại mình còn hại kẻ khác. Tự hại mình là vì giận dữ lẫy lừng thì sắc mặt biến đổi, tính tình đổi khác. Cho nên nói tự hại mình.

Mà còn hại kẻ khác: Giận dữ lẫy lừng thì làm hại kẻ khác, cho đến bỏ mạng.

Vị ấy nói: Như mảnh ruộng khô cằn, cỏ giận dữ tràn lan.

Nên phải dứt giận dữ, bố thí báo vô lượng: Người ta do giận dữ về sau phải chịu quả báo của sự giận dữ. Người ta do giận dữ mà mất nước, tan nhà. Trái lại, người làm việc nhân nghĩa, ban bố phước đức mà không giận dữ thì được phước vô lượng.

Cho nên nói:

Nên phải dứt giận dữ,

Bố thí báo vô lượng.

Như mảnh ruộng khô cằn

Cỏ ngu si mọc đầy

Nên phải dứt ngu si

Thì được báo vô lượng.

Như mảnh ruộng khô cằn, cỏ ngu si mọc đầy: Như người mù không trông thấy cao nguyên hay đồng bằng, cũng không thấy màu tốt màu xấu, xanh vàng đỏ trắng.

Các loại chúng sinh này cũng giống như vậy, bởi bị vô minh tăm tối tự trói buộc nên không thấy pháp Tứ Đế, pháp thiện, bất thiện. Nó che lấp trí tuệ sáng suốt và ba mươi bảy phẩm đạo. Ngoại đạo dị học và các Phạm Chí bị si mê che lấp, không biết đạo chân chánh. Thánh Chúng của Như Lai hoàn toàn không bị sự trói buộc ấy.

Cho nên nói: Như mảnh ruộng khô cằn, cỏ ngu si mọc đầy.

Nên phải dứt ngu si, thì được báo vô lượng: Người tu hành muốn thoát khỏi ngu si, thì phải tìm nơi đâu?

Đáp: Thì phải tìm nơi Thánh Chúng của Như Lai.

Vì sao?

Vì Thánh Chúng đã quán xét ngọn ngành, hoặc lớn, hoặc nhỏ, hoặc tốt, hoặc xấu. Phân biệt bốn đế bằng mắt sáng tỏ, trí giác, không mảy may sai chạy. Bố thí cho Thánh Chúng của Như Lai là một tập thể, không còn ai ngu si nên được phước vô lượng.

Cho nên nói: 

Nên phải dứt ngu si,

Thì được báo vô lượng.

Như mảnh ruộng khô cằn

Cỏ kiêu mạn mọc đầy

Nên phải dứt kiêu mạn

Thì được báo vô lượng.

Như mảnh ruộng khô cằn, cỏ kiêu mạn mọc đầy: Ngoại đạo dị học rất kiêu mạn.

Cho nên Như Lai nói bài kệ rằng:

Bà La Môn kiêu mạn

Khi đời này chết đi

Sẽ sinh trong sáu đường

Gà, heo, chó, sói, lừa,

Địa ngục nữa là sáu.

Bố thí cho những người này thì không được phước báo gì.

Cho nên nói: Như mảnh ruộng khô cằn, cỏ kiêu mạn mọc đầy.

Nên phải dứt kiêu mạn, thì được báo vô lượng: Trong đại pháp của Như Lai phải dứt bỏ kiêu mạn phách lối. Như khi đắp y, ôm bát vào làng khất thực thì tự nhún mình như cô gái dòng Chiên Đà La, dù mặc áo quý, giá trị cả ngàn vàng đi nữa, nhưng khi cô đến nhà người khác cũng phải tựa cửa đứng chờ, chứ không dám bước vô nhà.

Thầy Tỳ Kheo không kiêu mạn cũng như vậy, vốn xuất thân từ dòng họ giàu sang nhưng tự kham khổ, tu theo pháp khất sĩ, chế ngự tâm ý như cầm gươm bén, tay ôm bình bát như người đi xin ăn trong xã hội. Người trong Cõi Diêm Phù Lợi này lấy mái tóc làm đẹp thì Sa Môn của ta lại cạo bỏ râu tóc.

Người trong Cõi Diêm Phù Lợi tham nhiều đồ mặc thì hàng Sa Môn trong sạch lại nhuộm y của mình thành màu sắc xấu. Người trong Cõi Diêm Phù Lợi, ai phạm tội mới bị đày vào núi sâu, còn Sa Môn thì lấy núi sâu, rừng rậm làm nhà.

Người không tham dục giữ hạnh như thế, huống gì là người hướng quả mà tâm có thể đổi dời hay sao?

Cho nên nói:

Nên phải dứt kiêu mạn,

Thì được báo vô lượng.

Như mảnh ruộng khô cằn

Cỏ tham dục mọc đầy

Nên phải dứt tham dục

Thì được báo vô lượng.

Như mảnh ruộng khô cằn, cỏ tham dục mọc đầy: Người có tâm keo kiệt tham lam đến chết cũng không thay đổi. Có khi do keo kiệt tham lam mà bị chết yểu. Cho nên người hiểu biết thì dứt bỏ keo kiệt, tham lam.

Cho nên nói: Như mảnh ruộng khô cằn, cỏ tham dục mọc đầy. Vì thế nên phải dứt bỏ tham dục, thì được báo vô lượng.

Sáu, Vua tăng thượng

Đứng đầu đắm nhiễm

Không nhiễm, giải thoát

Nhiễm là ngu si.

Sáu, Vua tăng thượng: Sao gọi là Vua?

Đó là ý thức. Theo thứ lớp mà đếm thì nó đứng thứ sáu, tính ngược, cũng là sáu. Nói tăng thượng là bởi khi ý thức tác động thì năm thức kia động theo thành năm căn. Có thể nói tất cả hoạt động của các giác quan đều bởi ý thức tạo ra, như trong Khế Kinh của Phật nói thì, năm giác quan, mỗi giác quan đều có cảnh giới, chúng không lẫn lộn nhau, cũng không xâm lấn nhau.

Ý thức đứng đầu năm giác quan, bởi nó có mặt trong năm giác quan ấy, sai khiến năm giác quan không bao giờ ngưng hoạt động. Trong năm căn thì ý thức vượt hơn và nhiệm mầu, vì thế gọi nó là Vua.

Cho nên nói: Sáu là Vua tăng thượng.

Đứng đầu đắm nhiễm: Sao gọi là nhiễm?

Nhiễm là nhiễm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Cho nên nói: Đứng đầu đắm nhiễm.

Không nhiễm, giải thoát: Thế nào là không nhiễm?

Không nhiễm là bậc A La Hán. Tuy nói bậc Tu Đà Hoàn, các bụi nhơ sạch hết, được mắt pháp trong sạch, nhưng chưa hoàn toàn trong sạch.

Phải là bậc A La Hán mới trong sạch hoàn toàn.

Cho nên nói: Không nhiễm thì giải thoát.

Nhiễm là ngu si: Bởi kẻ ngu sống mãi theo thói quen, mê đắm vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Điều đáng suy nghĩ thì không suy nghĩ.

Cho nên nói: Nhiễm là ngu si.

Dựng xương cốt làm thành

Máu huyết để tô trát

Cửa giác quan mở hết

Giặc kết sử tung hoành.

Dựng xương cốt làm thành, máu huyết để tô trát: Thành ở đây nghĩa là lấy thân năm ấm làm vách tường, xương cốt là rào vách tô bằng máu. Nếu đem mọi cái bên trong này phơi bày ra ngoài thì sinh khởi quán ác lộ, không đắm nhiễm thân, khởi ý tưởng không đáng ưa thích, bởi vì đó chỉ là lớp da che phủ xương cốt tạo ra hình dáng đẹp đẽ. Người hiểu biết quán xét thì thấy không có một vật gì đáng tham.

Cho nên nói: Dựng xương cốt làm thành, máu huyết để tô trát.

Cửa giác quan mở hết, giặc kết sử tung hoành: Mắt mở nhận lấy hình tượng bên ngoài.

Hỏi: Ai mở?

Đáp: Do không suy nghĩ nên khiến giặc kết sử xâm nhập cướp đi của cải căn lành. Tai, mũi, miệng, thân, tâm cũng như vậy. Ý căn mở rộng ra nên giặc kết sử mới xâm nhập.

Cho nên nói:

Cửa giác quan mở hết,

Giặc kết sử tung hoành.

Có duyên thì thêm khổ

Quán ba nhân trói buộc

Dứt bỏ nhờ Thánh Chúng

Trừ ngu không từ ngoài.

Có duyên thì thêm khổ: Đời trước có nhân duyên đời này thêm khổ.

Đời trước nếu không có nhân duyên thì khổ từ đâu mà sinh?

Như có suối nguồn chảy ra mới thành sông, ngòi. Ở đây cũng như vậy, vì đời trước có nhân duyên cho nên khổ phát sinh, dần dần tăng lên đến bốn trăm lẻ bốn hoạn nạn.

Cho nên nói: Có duyên thì thêm khổ.

Quán ba nhân trói buộc: Như kẻ ngu bị giam hãm và bị sai làm việc không ở yên. Ở đây cũng như vậy, là thân năm ấm lẫy lừng bị kết sử trói buộc, ưu sầu khổ não sai khiến tâm thức không để đứng yên. Rồi lại bị bốn trăm lẻ bốn bệnh.

Cho nên nói: Quán ba nhân trói buộc.

Dứt bỏ nhờ Thánh Chúng: Muốn bố thí với lòng tin phải đến trong đại chúng, thí ít mà được phước nhiều. Như bậc trượng phu khỏe mạnh có khả năng đánh lui kẻ địch bên ngoài, mới gọi là mạnh mẽ, lại được ban thưởng, vượt trên mọi người.

Chúng Thánh Hiền của Như Lai cũng như vậy, như biển cả thu nạp nước muôn sông cũng không bỏ một dòng nước nhỏ nào. Thánh Chúng ấy, nếu có ai đến cúng dường thì cũng không lấy làm vui, nếu không có ai đến cúng dường thì cũng không lấy làm buồn.

Cho nên nói: Dứt bỏ nhờ Thánh Chúng.

Trừ ngu không từ ngoài: Người ngu mê trên thế gian đã điên đảo từ lâu nay, chấp có tôi, ta, tham đắm năm ấm, cho là thân thật có. Như có người chưa hề bị rắn độc cắn nên không chịu né tránh.

Người không biết mình bị kết sử trói buộc, nên cứ gây tạo nghiệp.

Từ đó, bị bụi nhơ bên ngoài nhuốm bẩn.

Cho nên nói: Trừ ngu không từ ngoài.

Vì sao gọi là tạp?

Nói tạp là bởi nghĩa của các bài kệ được giảng nói khác nhau. Các bài kệ khác có nghĩa đơn giản không đồng với ở đây nói. Cho nên nói là tạp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần