GƯƠNG BỐ THÍ
Ngày xưa có một vị Bồ tát, nhân thấy cuộc đời vô thường cho đến cả thân mạng và của cải cũng vậy.
Nên Bồ tát phát tâm dõng mãnh đem tất cả sản nghiệp của mình bố thí.
Trong khi bố thí Bồ tát không phân biệt người oán kẻ thân, miễn thấy ai thiếu thốn khổ sở là Ngài đem lòng thương xót và tận tâm giúp đỡ. Cũng vì thế, nên lòng nhân từ của Ngài vang khắp mọi nơi, và ai nghe đến tên Ngài cũng đều cảm phục.
Nhân đó, một vị Thiên đế Thích chưởng quản Dục giới sanh lòng ghen ghét lo sợ. Ông ta thầm nghĩ: “Nếu vị Bồ tát này tu hạnh bố thí quảng đại như vậy không bao lâu phước đức của người sẽ hơn ta và khi ấy địa vị Thiên Ðế Thích này chắc gì ta giữ mãi được”. Nghĩ thế rồi; Thiên Ðế Thích bày mưu kế để lung lạc hạnh bố thí của Bồ tát. Ông bèn dùng thần thông hóa hiện một cảnh địa ngục ghê rợn trước mắt Bồ tát và trong địa ngục ấy, một tội nhân đang bị hành hạ khổ sở… Thấy tội nhân bị hành hạ Bồ tát thấy làm đau đớn thương xót trong khi ấy thì Thiên Ðế Thích kia liền đến chỉ vì chuyên tu hạnh bố thí, nên ngày nay y phải chịu quả báo đau khổ và nếu ngươi tu hạnh bố thí, thì sau này khi mạng chung, ngươi cũng phải đọa vào địa ngục này để chịu mọi điều đau khổ như thế. Vậy, ngươi còn muốn tu hạnh bố thí nữa không?”.
Nghe Thiên Ðế Thích nói, Bồ tát rất ngạc nhiên, và bảo với Thiên Ðế Thích rằng: “Tôi chưa hề nghe ai nói bố thí mà bị đọa vào địa ngục và chịu mọi đau khổ!”. Ðế Thích trả lời: “Nếu ngươi không tin, thì ngươi thử đến hỏi tội nhân ấy”. Bồ tát liền đến hỏi tội nhân: “Ngươi vì duyên cớ gì mà phải chịu hình phạt như thế?”. Tội nhân trả lời: “Cũng vì lúc sanh tiền có bao nhiêu tiền của tôi đều đem giúp hết cho người, nên nay tôi chịu quả báo đau khổ ở đây”. Bồ tát lại hỏi: “Nếu ngươi đem tiền của bố thí mà nay phải chịu quả báo đau khổ, vậy những kẻ được bố thí thì sao?”. Tội nhân đáp: “Những kẻ được bố thí, sau khi mạng chung sẽ được sanh lên cõi trời hưởng quả báo an vui”.
Nghe vậy Bồ tát vui vẻ nói: “Sở dĩ ta đã bố thí là vì muốn cho chúng sanh thoát khổ được vui… Nhưng nếu vì bố thí mà thân ta phải đọa vào địa ngục để chịu muôn ngàn đau khổ, ta cũng vẫn vui lòng. Vả lại cứu giúp chúng sanh mà thân mình bị đau khổ cũng là điều rất thường đối với Bồ tát”.
Thiên Ðế Thích nghe vậy, rất lấy làm cảm phục và cung kính hỏi rằng: “Vì chí nguyện gì mà người có những hành động quả cảm như thế?” Bồ tát trả lời: “Chí nguyện của ta không ngoài mục đích cầu Phật đạo để cứu khổ chúng sanh”.
Sau khi biết rõ chí nguyện của Bồ tát, Thiên Ðế Thích tự thấy hối hận, liền thành kính đến quì trước Bồ tát: “Thưa Ngài chỉ vì nghiệp chướng mê mờ, sợ mấy quyền vị Ðế Thích nên tôi giả bày cảnh địa ngục ấy, để hầu lung lạc chí nguyện bố thí mà phải chịu quả báo đau khổ! Nghĩ lại hành động lỗi lầm của tôi, tôi rất hổ thẹn và đau đớn. Vậy trước Ngài tôi xin sám hối và xin nguyện sẽ mãi mãi noi gương bố thí cao quý của Ngài; và nguyện sẽ hết lòng giúp đỡ những ai trong cõi Dục giới này, phát tâm tu hạnh bố thí.”
Thuật giả: Chơn Trí
Sướng gì hơn sướng làm lành
Cho bao nhiêu của để dành bấy nhiêu
bố thí,gieo duyên,truyện Phât,Lời Phật dạy
“Thầy an cư tại Tu viện, con an cư ở đâu?”
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Mười Một - Phẩm Nhân Duyên Bảo Thiên
Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Một - Phẩm Quang Tán - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Sáu - Phẩm đại - Kinh A Thấp Bối
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Sáu Mươi Chín - Phẩm Sa Di Quân đề