Phật Thuyết Kinh Cha Con Gặp Nhau - Phẩm Một - Vua Tịnh Phạn Mới Phát Lòng Tin - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nhật Xưng, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH CHA CON GẶP NHAU
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nhật Xưng, Đời Tống
PHẨM MỘT
VUA TỊNH PHẠN MỚI PHÁT LÒNG TIN
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Đức Phật ở tại nước Xá Vệ thuyết pháp giáo hóa đã xong, rồi đến nước Ca Tỳ La và đang ở trong rừng Ni Câu Luật Đà, cách thành không xa, cùng với đại chúng Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, đều là A La Hán, đã tận các lậu.
Không còn phiền não, tâm thiện giải thoát, tuệ thiện giải thoát, như đại Long Vương, việc làm đã xong, trút bỏ gánh nặng, hoàn tất việc lợi mình, dứt sạch các hữu kết, tâm được tự tại, có khả năng vượt qua bờ bên kia rốt ráo tối thượng.
Tên của các vị là A Nhã Kiều Trần Như, Ma Ha Ca Diếp, Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Già Da Ca Diếp, Na Đề Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, các vị đều là đại A La Hán được nhiều người biết.
Lại còn có các chủng loại sai biệt bỏ tà quy chánh, ngoại đạo Ni Kiền Tử, Sa Môn, Bà La Môn, vô số chúng hội đều đến tập hợp.
Đó là: Điều phục điều phục chúng, tịch tĩnh tịch tĩnh chúng, thiện siêu bỉ ngạn, thiện siêu bỉ ngạn chúng. Thiện trụ an ổn, thiện trụ an ổn chúng. Xuất ly phiền não, xuất ly phiền não chúng.
Năng ly tội ác, năng ly tội ác chúng. Tốt trừ tội cấu, tẩy trừ tội cấu chúng. Thiện siêu tam hữu thiện, Siêu tam hữu chúng. viễn ly ngũ trần, viễn ly ngũ trần chúng. Ly chư chướng ngại, ly chư chướng ngại chúng. Thanh tịnh ý lạc, thanh tịnh ý lạc chúng.
Cụ túc chư căn, cụ túc chư căn chúng. Vi thuận giải thoát, vi thuận giải thoát chúng. Thiện hộ tự thân, thiện hộ tự thân chúng. Cụ chư chánh niệm, cụ chư chánh niệm chúng. Cụ tứ thần túc, cụ tứ thần túc chúng. Lạc thuyết minh ký, lạc thuyết minh ký chúng.
Minh liễu duyên đế, minh liễu duyên đế chúng. Thiện tịch chư căn, thiện tịch chư căn chúng. Tín giải quyết định, tín giải quyết định chúng. Lạc cầu nghĩa lợi, lạc cầu nghĩa lợi chúng. Quán sát vô ngã, quán sát vô ngã chúng.
Ly chư phân biệt, ly chư phân biệt chúng. Đoạn trừ nghi hoặc, đoạn trừ nghi hoặc chúng. Thân hành khinh an, thân hành khinh an chúng. Tự tại ái lạc, tự tại ái lạc chúng. tâm thiện giải thoát, tâm thiện giải thoát chúng, tuệ thiện giải thoát, tuệ thiện giải thoát chúng. Trụ Thánh chủng tộc, trụ Thánh chủng tộc chúng.
Các chúng hội như vậy thân ý thư thái, vui được thiện lợi, tất cả đều cùng với đồ chúng quyến thuộc đến chỗ Phật, như cây Bát La Xa to lớn, nhánh lá sum suê, phát triển đều đặn, đứng yên sừng sững.
Đầu đêm hôm ấy, Đức Thế Tôn ngồi giữa đất trống, im lặng không động, tất cả đại chúng cung kính vây quanh.
Đồng thời, Đức Thế Tôn quán sát chúng hội Tỳ Kheo rồi hỏi: Vị nào kham nhẫn đến giáo hóa Vua Tịnh Phạn, khuyến khích hướng dẫn phát sinh lòng tin thanh tịnh?
Đức Phật vừa hỏi xong, Tôn Giả Kiều Trần Như từ chỗ ngồi đứng dậy bày vai áo bên phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay đảnh lễ thưa: Thưa Thế Tôn! Con xin nguyện đi.
Đức Phật dạy: Này Kiều Trần Như! Ông là bậc thượng thủ trong chúng Thanh Văn, hiểu rõ đế nghĩa, danh xưng to lớn, tất cả chúng sinh tôn trọng phụng sự như thầy. Thôi đi, chớ nói như vậy, việc này không phải cần đến ông.
Lúc đó trong hội, bốn Đại Ca Diếp và Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên đều đảnh lễ thưa: Thưa Thế Tôn! Con có thể đến giáo hóa Tịnh Phạn Thánh Vương.
Nhưng Phật đều không chấp nhận như trước.
Sau khi Đức Phật không chấp nhận, Mục Kiền Liên liền nghĩ: Không biết hôm nay Đức Như Lai sai ai đến chỗ Phụ Vương. Nghĩ rồi liền nhập định quán thấy Tâm Quang Như Lai muốn nhìn thẳng đến Ưu Đà Di, như mặt trời chiếu xuyên qua lầu gác, từ tường phía Đông chiếu thẳng đến vách phía Tây.
Thấy vậy, Mục Kiền Liên liền xả định, đến chỗ Tôn Giả Ưu Đà Di nói: Đức Thế Tôn sẽ sai Tôn Giả đến giáo hóa Phụ Vương, cho nên tôi đến báo cho Tôn Giả biết.
Ưu Đà Di nói: Nếu Đức Thế Tôn dạy thế thì tôi xin vâng lệnh.
Mục Kiền Liên nói: Tôn Giả đến đó việc này rất khó, vậy nên xét kỹ lại để sau khỏi phải hối hận.
Vì sao?
Vì Vua là dòng Sát Đế Lợi, có làm lễ quán đảnh, oai đức tôn nghiêm, tánh không sai phạm. Vậy làm sao để hướng dẫn, đối đáp thế nào, huống nữa là giáo hóa phát sinh lòng tin. Ví như người nọ sai trăm người trải qua nhiều năm mang vác củi khô chất thành đống lơn, rồi châm lửa đốt, lửa bốc lên cao, rồi lại dùng dầu tô đổ thêm lên trên.
Lúc đó, có người đi trên đống lửa đang cháy đó mà không bị tổn hại. Lại như có người muốn lấy ngà ở nơi miệng của một con voi hung dữ.
Nên biết, người này nhất định bị tổn hại. Nay Tôn Giả muốn đến giáo hóa Tịnh Phạn Thánh Vương, việc này cũng rất khó như vậy. Tôi nay chỉ nêu một vài ví dụ nhỏ, để khi gặp việc biết cách lo liệu cho được ý an ổn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn cho gọi Tôn Giả Ưu Đà Di đến bảo: Trong chúng Thanh Văn đệ tử của ta, ông là người dòng họ Thích, đầy đủ biện tài, khéo nói pháp yếu, vậy nay ông có thể đến giáo hóa Tịnh Phạn Phụ Vương khéo dùng phương tiện khai phát đạo tâm.
Ưu Đà Di vâng lời Đức Phật dạy bạch: Bạch Thế Tôn! Con sẽ đi đến đó. Cúi xin Đại Từ chớ có lo. Giả sử Phụ Vương thấy con mà nổi giận thì mong nhờ từ quang cứu hộ.
Lúc đó, Đức Thế Tôn vì Ưu Đà Di mà nói kệ rằng:
Lành thay, Ưu Đà Di
Nay lắng nghe ta nói
Ông đầy đủ biện tài
Là thượng thủ trong chúng.
Dòng Thích Tịnh Phạn Vương
Thấy ắt sinh vui thích
Thế nên ông nên đi
Mau khiến Vua phát tâm.
Nếu giáo hóa Phụ Vương
Phát sinh ý thanh tịnh
Chư Thiên và thế nhân
Đều tăng trưởng thiện lợi.
An nhàn không tu thiện
Như bờ sắp bị lở
Ở ngay trong đời này
Trừ ngã mạn nghi hoặc,
Sát na được giàu có
Cùng phóng dật nhiễu trước
Như khách lữ không của
Suy nghĩ thêm khổ não.
Ở cung điện tối thắng
Thọ dục lạc quá lắm
Phật dạy không hiểu biết
Hết vui sinh buồn khổ.
Đủ bốn thứ binh chúng
Bảy báu các quyến thuộc
Tùy ý mà tự do
Hết vui sinh bi não.
Có Dạ Xoa quỷ thần
Ăn tinh khí chúng sinh
Khiến người nhiễm các bệnh
Sao không hộ thân này.
Tích tập các trân báu
Như núi Kế La Bà
Bị ngu si trói buộc
Không thể tự quán sát.
Do ngu si che tâm
Không hiểu rõ thiện pháp
Như người ở trong mộng
Làm sao có tri giác.
Phàm phu mất tuệ sáng
Nhất định bị lo sợ
Ví như đi đường xa
Mà không có bạn bè.
Thế nên, Ưu Đà Di
Nên dùng thiện phương tiện
Khiến Vua dừng tín tràng
Xô ngã mạn cống cao.
Người khác không thiện xảo
Trợ giúp khiến phát tâm
Ông đầy đủ biện tài
Chỉ rõ khổ ba cõi.
Ta nhớ kiếp quá khứ
Có Vua hiện ở đời
Danh tiếng vang mười phương
Tên là Chân Thật Tụ
Đem thiện pháp trị đời
Cảnh giới rong vô cùng
Đủ ức vạn muôn ngàn
Thần dân đều quy phụng,
Các tụ lạc thành ấp
Đầy đủ các hoa quả
Đất chỉ mọc cỏ mềm
Không ngói gạch gai gốc
Suối chảy và cây rừng
Vây quanh khắp mọi nơi
Trăm ngàn Càn Thát Bà
Tấu lên các âm nhạc,
Hiền thánh tập hợp lại
Dân, vật đều sung túc
Có nhiều chúng Tỳ Kheo
Nương tựa trì tịnh giới.
Lại có các ngoại đạo
Đại tiên, đại trí giả
Số ấy đến trăm ngàn
Rời bỏ tu khổ hạnh,
Đều sinh kiến chân thật
Tin thọ chánh pháp Phật
Lo sợ ba đường ác
Mong được sinh Thiên Giới.
Vua ấy có Thái Tử
Tên là Kiên Cố Tuệ
Từng gặp Phật quá khứ
Đã trồng đức căn bản
Trong trăm ngàn muôn ức
Nhân dân đều thân cận
Quán lỗi lầm năm dục
Tâm thường sinh nhàm chán.
Thấy chỗ của Vua ở
Như Thiên cung điện kia
Hậu, phi tranh vây quanh
Thọ dục lạc vô cực,
Khi ấy, Kiên Cố Tuệ
Liền tâu với Vua rằng
Con nay rất thành tâm
Thệ cầu đạo vô thượng,
Đối thể nữ quyến thuộc
Đều không sinh ham thích
Thiếu niên đắm trước dục
Hết vui khổ lại đến,
Như Đại Tiên thuở xưa
Nghỉ ở tại hang núi
Không màng đến năm dục
Lấy tịch tĩnh làm vui
Vua bảo Kiên Cố Tuệ
Chớ nói lời như vậy
Nếu không thọ dục lạc
Sao gọi là con ta!
Có đất nước giàu sang
Khác gì Đa Văn thiên
Các lầu gác cung điện
Trang nghiêm bằng các báu,
Trăm ngàn thứ kỹ nhạc
Luôn sẵn sàng túc trực
Đủ sắc tướng tối thượng
Không khác gì Thiên Nữ,
Diện mạo đều tròn đầy
Môi đỏ răng bằng khít
Trán rộng lại bằng thẳng
Mắt tợ hoa sen xanh,
Hình nghi đều đoan chánh
Da sạch như kha tuyết
Diễn xuất điệu ca múa
Làm vui thích lẫn nhau,
Niên thiếu sắc trắng đẹp
Như hoa tươi trên cành
Con nên ở nơi đây
Chớ bỏ sự giàu sang,
Ta thành thật bảo con
Không chê cũng không khen
Thái Tử khéo hiểu biết
Vương vị không gì bằng.
Ta nghe lời ấy rồi
Rất khó cầu xuất ly
Đối cảnh ngũ dục kia
Không trước như giấc mộng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba