Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba ​​​​​​​- Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI THỨ BA  

PHẨM BA MƯƠI MỐT

PHẨM TUYÊN HÓA  

PHẦN MỘT   

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát này an trụ trong nhóm định hay bất định?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này đều trụ vào nhóm định.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát này trụ vào nhóm định nào?

Thanh Văn Thừa, Độc Giác thừa hay Vô Thượng Thừa?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này trụ vào Vô Thượng Thừa.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Lúc nào Đại Bồ Tát này mới gọi là trụ vào nhóm định, trụ sơ phát tâm, ngôi vị bất thối hay thân cuối cùng?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này lúc mới phát tâm, hoặc là ở ngôi vị bất thối, hay thân cuối cùng đều trụ vào nhóm định.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát trụ vào nhóm định này có bị đọa vào đường ác không?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát trụ vào nhóm định này thì nhất định không đọa vào đường ác.

Lại bảo Thiện Hiện! Ý ông thế nào?

Người nhập Đệ bát, Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán, Độc Giác có bị đọa vào đường ác không?

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không đọa.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát cũng lại như vậy. Từ lúc mới phát tâm tu hành bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa và vô lượng, vô biên các Phật Pháp khác, đoạn tận tất cả pháp ác bất thiện. Do nhân duyên này không thể đọa vào các đường ác, không thể sanh vào Cõi Trời Trường Thọ, vì các chỗ ấy các thiện pháp thù thắng không hiện hành.

Nếu Đại Bồ Tát này sanh vào nơi biên địa hạ tiện, không có tín căn thì không có sự việc ấy. Vì ở nơi ấy không thể tu hành thiện pháp thù thắng, phần nhiều phát sanh ác kiến, không tin nhân quả, ưa tạo các nghiệp nhơ xấu, không nghe Tam Bảo, không có bốn chúng.

Đại Bồ Tát này cũng không sanh vào nhà tà kiến, vì sanh vào nơi ấy thuờng bị chấp trước các xu hướng ác kiến, hành ác hạnh, bác bỏ diệu hạnh và quả báo, chẳng tu điều thiện, ưa làm các điều ác, nên các Đại Bồ Tát không sanh vào nhà ấy.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát lúc mới phát tâm quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, đem ý lạc thù thắng thọ hành mười điều nghiệp đạo bất thiện, cũng không có sự việc ấy.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát này từ lúc mới phát tâm, thành tựu công đức thiện căn như vậy, không sanh vào chỗ ác thì tại sao Thế Tôn mỗi khi vì chúng thuyết về bổn sanh của mình, có rất nhiều cả trăm ngàn thứ, trong ấy cũng có sanh vào chỗ ác, lúc đó thiện căn trụ vào chỗ nào?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát không vì nghiệp xấu mà thọ thân chỗ ác, chỉ vì lợi ích an vui các loài hữu tình, do bổn nguyện mà thọ thân này. Vì vậy không nên cho đó là nạn.

Lại bảo Thiện Hiện! Ý ông thế nào?

Các Độc Giác, hoặc A La Hán dùng phương tiện thiện xảo thù thắng như các chúng Đại Bồ Tát thành tựu phương tiện thiện xảo thù thắng, thọ thân bàng sanh, khi ấy có thợ săn muốn đến làm hại, Bồ Tát liền sanh tâm từ bi an nhẫn vô thượng, muốn làm cho người kia được lợi ích an vui nên tự xả thân mạng và không làm hại người khác, phải không?

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Độc Giác không làm như vậy.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Do nhân duyên này, nên biết Bồ Tát vì muốn lợi ích an vui các hữu tình, vì lòng đại từ bi mau viên mãn, vì muốn chứng đắc đại bồ đề, nên tuy chịu thọ thân bàng sanh nhưng không do tội lỗi bàng sanh làm ô nhiễm.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát trụ vào thiện căn nào, vì muốn làm lợi ích an vui cho hữu tình nên thọ thân nơi cảnh giới ác?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Không có thiện căn nào của chúng Đại Bồ Tát là không viên mãn. Nhưng vì chúng Đại Bồ Tát chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề nên phải viên mãn tất cả thiện căn.

Nghĩa là chúng Đại Bồ Tát từ khi mới phát tâm cho đến khi an tọa nơi tòa diệu bồ đề, không có thiện căn nào là không viên mãn, do viên mãn hoàn toàn tất cả thiện pháp mới chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Nếu còn một thiện pháp nào chưa viên mãn mà chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề thì không có việc ấy.

Vì vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát từ khi mới phát tâm cho đến khi an tọa nơi tòa diệu bồ đề. Trong thời gian ấy thường tu học đầy đủ tất cả thiện pháp. Học rồi, phải đầy đủ trí nhất thiết tướng, đoạn trừ vĩnh viễn sự tương tục của tập khí mới có thể chứng đắc trí nhất thiết trí.

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao các Đại Bồ Tát thực hành các pháp Thánh vô lậu bạch tịnh mà còn sanh vào đường ác, còn thọ thân bàng sanh?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?

Như Lai có thành tựu tất cả pháp Thánh vô lậu bạch tịnh không?

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như Lai thành tựu tất cả pháp Thánh vô lậu bạch tịnh.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?

Như Lai hóa sanh vào cảnh giới ác, thọ thân bàng sanh vì lợi ích an vui cho hữu tình có phải là làm việc Phật Sự không?

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như Lai hóa sanh vào cảnh giới ác, thọ thân bàng sanh vì lợi ích an vui cho hữu tình là làm việc Phật Sự.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?

Khi Như Lai hóa làm thân bàng sanh là thật loài bàng sanh chịu khổ không?

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Khi Như Lai hóa làm thân bàng sanh, chẳng thật bàng sanh, chẳng chịu khổ.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát cũng lại như vậy. Tuy thành tựu tất cả các pháp Thánh vô lậu bạch tịnh nhưng vì thành thục các loài hữu tình, vì lòng bi nguyện thọ thân bàng sanh nên phải thành thục các loài hữu tình.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?

Bậc A La Hán đoạn trừ các lậu, có thể hóa làm thân người, tạo ra các sự nghiệp, đem sự nghiệp ấy làm cho người khác an vui không?

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bậc A La Hán đoạn trừ các lậu, làm cho người khác an vui.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát cũng lại như vậy. Tuy đã thành tựu các pháp Thánh vô lậu bạch tịnh, nhưng vì lợi ích an vui cho các loài hữu tình, đem lòng bi nguyện thọ thân bàng sanh, làm các Phật Sự. Tuy thọ thân ấy nhưng không cùng với chúng chịu các khổ não, cũng không bị tội lỗi kia làm ô uế.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?

Có nhà ảo thuật hay học trò của ông biến hóa ra các thứ như voi, ngựa v.v… làm cho nhiều người trông thấy vui mừng phấn khởi.

Đối với những thứ ấy có thật là voi, ngựa v.v… không?

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đối với những thứ ấy không có thật.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, tuy thành tựu các pháp Thánh vô lậu bạch tịnh, nhưng vì lợi ích an vui cho các loài hữu tình, đem lòng bi nguyện thọ thân bàng sanh. Tuy thọ thân ấy nhưng không thật có, cũng không bị tội lỗi kia làm ô nhiễm.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát phương tiện thiện xảo rộng lớn như vậy, tuy đủ thành tựu các pháp Thánh vô lậu bạch tịnh, nhưng vì hữu tình dùng lòng bi nguyện phương tiện thiện xảo thọ đủ loại thân, tùy theo sự thích nghi của chúng mà thị hiện làm lợi ích.

Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát an trụ vào những pháp nào để làm phương tiện thiện xảo, tuy thọ các loại thân bàng sanh như vậy, nhưng không bị tội lỗi ấy làm ô nhiễm?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát trụ vào bát nhã Ba la mật đa sâu xa như vậy để làm phương tiện thiện xảo. Do sức phương tiện thiện xảo này, nên tuy trải qua hằng hà sa Thế Giới Chư Phật khắp mười phương, hiện nhiều thứ thân, làm lợi ích an vui cho các loài hữu tình, nhưng ở trong ấy không sanh tâm đắm nhiễm.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát này đối với tất cả pháp đều vô sở đắc. Do vô sở đắc nên không có người nhiễm, nơi chốn nhiễm và nhân duyên nhiễm.

Vì sao?

Vì tự tánh của tất cả pháp đều không.

Thiện Hiện nên biết! Không tánh không thể nhiễm không tánh. Không cũng không thể nhiễm pháp nào khác, cũng không có pháp nào nhiễm không.

Vì sao?

Vì trong không, không tánh còn không thể đắc, huống là có các pháp khác được. Như vậy, gọi là không thể đắc không. Các Đại Bồ Tát an trụ trong ấy có thể chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, vận Chuyển Pháp Luân vi diệu, độ thoát các hữu tình.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát vì chỉ an trụ bát nhã Ba la mật đa sâu xa, nên dùng phương tiện thiện xảo như vậy, hay là an trụ vào pháp nào khác?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Không có pháp nào là không tóm thâu vào bát nhã Ba la mật đa sâu xa, sao ông còn đặt câu hỏi ấy?

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật đa sâu xa tự tánh vốn không, làm sao cho rằng bát nhã Ba la mật đa sâu xa tóm thâu tất cả pháp?

Chẳng phải trong pháp không cho rằng có pháp thu nhiếp hay không thu nhiếp?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Há chẳng phải các pháp tự tánh đều không?

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Đúng vậy!

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Nếu tất cả pháp tự tánh đều không, thì trong pháp không ấy có nhiếp thu tất cả pháp?

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Đúng vậy!

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Do nhân duyên này, bát nhã Ba la mật đa sâu xa tóm thâu tất cả pháp. Nên biết chúng Đại Bồ Tát trụ vào bát nhã Ba la mật đa sâu xa, nên dùng phương tiện thiện xảo như vậy làm lợi ích an vui cho hữu tình.

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, an trụ trong tất cả pháp tự tánh đều không, phát sanh thần thông Ba la mật đa, an trụ vào thần thông Ba la mật đa này có thể đến được hằng hà sa số Thế Giới Chư Phật khắp mười phương, cúng dường, cung kính, tôn trọng Chư Phật Thế Tôn, lắng nghe Chư Phật thuyết pháp và trồng nhiều căn lành?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, xem hằng hà sa số Thế Giới Chư Phật khắp mười phương và lắng nghe Chư Phật thuyết pháp tự tánh đều không, chỉ có thế tục mới lập ra danh tự nói là có Thế Giới, có Phật, có pháp và chúng đệ tử. Như vậy, thế tục lập ra danh tự, tự tánh cũng đều không.

Thiện Hiện nên biết! Nếu Phật, pháp và chúng đệ tử khắp mười phương Thế Giới cùng nhau thuyết pháp, lập ra danh tự, tự tánh đều chẳng không, thuyết nói về không là thành phần nhỏ, đem thuyết nói về không cũng chẳng phải thành phần nhỏ, nên tất cả pháp tự tánh đều không, lý ấy mới hoàn toàn không hai, không riêng khác.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát này hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, dùng phương tiện thiện xảo quán không nên có thể phát sanh được thần thông thù thắng Ba la mật đa. An trụ vào thần thông Ba la mật đa này, Bồ Tát có khả năng phát sanh thiên nhãn, thiên nhĩ, thần cảnh, tha tâm, túc trụ, tùy niệm và trí lậu tận vi diệu thông tuệ.

Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ Tát không xa lìa thần thông Ba la mật đa, có năng lực tự tại, thành thục hữu tình, nghêm tịnh Cõi Phật, chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Vì vậy, thần thông Ba la mật đa là đạo bồ đề, các Đại Bồ Tát đều nương vào đạo này cầu đạt đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Trong lúc đạt đến, tự mình có thể viên mãn tất cả thiện pháp, cũng có thể khuyên người tu các thiện pháp. Dù làm việc này nhưng đối với việc ấy không đắm trước.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát này biết các thiện pháp tự tánh đều không, chẳng phải tự tánh không mà có sự đắm trước. Nếu có đắm trước là có vị ái. Do không đắm trước, không vị ái, nên trong tự tánh không. Do không có vị ái nên người có vị ái, đối tượng có vị ái và nhân duyên có vị ái ở trong pháp không đều bất khả đắc.

Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ Tát này hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, an trụ thần thông Ba la mật đa, phát sanh thiên nhãn thanh tịnh hơn người. Dùng thiên nhãn này quán tất cả pháp tự tánh đều không.

Vì thấy tất cả pháp tự tánh đều không, nên chẳng nương theo pháp tướng tạo ra các nghiệp. Tuy vì hữu tình thuyết pháp như vậy, nhưng cũng không đắc tướng các hữu tình và sự hoạt động kia. Đại Bồ Tát này đem vô sở đắc làm phương tiện phát sanh thần thông thù thắng của Bồ Tát, dùng thần thông này làm tất cả sự nghiệp đáng làm.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát này dùng thiên nhãn hoàn toàn thanh tịnh hơn người, xem khắp hằng hà sa số Thế Giới của Chư Phật khắp mười phương, xem rồi phát sanh thần cảnh trí thông, qua Thế Giới khác làm lợi ích cho các loài hữu tình. Hoặc dùng bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa để làm lợi ích. Hoặc dùng ba mươi bảy pháp phần bồ đề để làm lợi ích.

Hoặc dùng tịnh lự, vô lượng, Vô Sắc để làm lợi ích. Hoặc dùng giải thoát, đẳng trì, đẳng chí để làm lợi ích. Hoặc dùng pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện để làm lợi ích. Hoặc dùng các thiện pháp thù thắng khác để làm lợi ích. Hoặc dùng Thanh Văn, Độc Giác, Bồ Tát và các Phật Pháp khác để làm lợi ích.

Đại Bồ Tát này dạo khắp mười phương Thế Giới, nếu thấy hữu tình nào nhiều bỏn xẻn tham lam thì sanh tâm thương xót, thuyết pháp khuyên như vậy: Hữu tình các ông phải tu bố thí, người nào tham lam, bỏn xẻn sẽ chịu khổ vô cùng.

Vì nghèo túng nên không có oai đức, không thể làm lợi ích cho mình, huống là làm lợi ích cho người khác. Vì vậy nên các ông phải luôn bố thí để an vui cho mình và cũng làm cho người khác được an vui. Đừng vì sự bần cùng mà sát hại lẫn nhau, đều không giải thoát khỏi khổ trong các đường.

Nếu thấy hữu tình nào hủy phá tịnh giới thì sanh lòng thương xót, thuyết pháp khuyên như vậy: Hữu tình các ông phải giữ gìn tịnh giới, người nào phá giới chịu khổ nơi đường ác. Người phá giới không có oai đức, không làm lợi ích cho mình, huống là cho người khác.

Nhân duyên phá giới đọa vào các đường ác, chịu khổ quả bảo đau đớn, không thể chịu đựng nổi, không thể tự cứu mình huống là cứu người khác. Vì vậy, nên các ông phải giữ gìn tịnh giới, không nên chấp chứa tâm phá giới dù chỉ một niệm, huống là lâu dài. Chớ buông lung tâm ý, sau này phải ăn năn.

Nếu thấy hữu tình nào sân giận với nhau, kết oán thù tổn hại nhau, Bồ Tát sanh tâm thương xót, thuyết pháp khuyên như vậy: Hữu tình các ông phải tu an nhẫn, đừng sân giận với nhau, kết oán thì tổn hại nhau. Tâm thù hận như vậy chẳng thuận với thiện pháp, tăng trưởng ác pháp, hiện đời thọ lấy sự tổn hại. Qua đời sau sẽ bị đọa vào đường ác, chịu khổ vô cùng, khó mong ra khỏi.

Vì vậy, nên các ông chẳng nên chấp chứa tâm thù hận, dù chỉ một niệm, huống là nối nhau lâu dài. Ngày nay các ông tuần tự duyên nhau, nên sanh lòng từ bi làm việc lợi ích.

Nếu thấy hữu tình nào giải đãi biếng nhác, sanh lòng thương xót, thuyết pháp khuyên như vậy: Hữu tình các ông nên siêng năng tinh tấn, không nên đối với thiện pháp giải đãi, biếng nhác. Những người biếng nhác đối với các thiện pháp và các thắng sự đều không thể thành công được. Do đây các ông đọa vào đường ác, chịu khổ vô biên. Vì vậy, các ông chẳng nên chấp chứa tâm biếng nhác, dù chỉ một niệm, huống là nối nhau lâu dài.

Nếu thấy hữu tình nào thất niệm, tán loạn, tâm chẳng vắng lặng, sanh lòng thương xót, thuyết pháp khuyên như vậy: Hữu tình các ông nên tu tịnh lự, không nên sanh tâm thất niệm, tán loạn. Tâm như vậy chẳng thuận với thiện pháp, tăng trưởng ác pháp, hiện đời thọ lấy sự tổn suy.

Do nhân duyên này, sau khi thân hoại mạng chung, các ông phải đọa vào đường ác, chịu khổ vô biên. Vì vậy, các ông chẳng nên chấp chứa tâm tương ưng với thất niệm, tán loạn dù chỉ một niệm, huống là nối nhau lâu dài.

Nếu thấy hữu tình nào ngu si ác tuệ, sanh lòng thương xót, thuyết pháp khuyên như vậy: Hữu tình các ông nên tu thắng tuệ, không nên sanh ác tuệ. Người nào sanh tâm ác tuệ, đối với các cảnh giới thiện còn chẳng đến được, huống là giải thoát. Do nhân duyên ác tuệ này mà các ông phải đọa vào đường ác, chịu khổ vô biên. Vì vậy, các ông chẳng nên chấp chứa tâm tương ưng với ngu si ác tuệ dù chỉ một niệm, huống là nối nhau lâu dài.

Nếu thấy hữu tình nào nhiều tham dục, sanh lòng thương xót, dùng phương tiện làm cho họ tu quán bất tịnh.

Nếu thấy hữu tình nào nhiều sân giận, sanh lòng thương xót, dùng phương tiện khuyên họ tu quán từ bi.

Nếu thấy hữu tình nào nhiều ngu si sanh lòng thương xót, dùng phương tiện khuyên họ tu quán duyên khởi.

Nếu thấy hữu tình nào nhiều kiêu mạn, sanh lòng thương xót, dùng phương tiện khuyên họ tu quán các giới.

Nếu thấy hữu tình nào nhiều tầm tứ, sanh lòng thương xót, dùng phương tiện khuyên họ tu quán hơi thở.

Nếu thấy hữu tình nào mất chánh đạo, sanh lòng thương xót, dùng phương tiện khuyên họ trở về với chánh đạo, đó là đạo Thanh Văn, đạo Độc Giác, đạo Bồ Tát, đạo Như Lai.

Dùng phương tiện thuyết pháp cho họ như vậy: Điều mà các ông chấp lấy, tự tánh đều không. Chẳng phải trong pháp không có chỗ chấp, dùng vô sở chấp làm không tướng.

Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, an trụ trong thần thông Ba la mật đa, mới có thể tự tại giảng thuyết chánh pháp, làm lợi ích an vui cho các loài hữu tình.

Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ Tát nào xa lìa thần thông Ba la mật đa, thì không thể tự tại giảng thuyết chánh pháp, cùng với các hữu tình làm việc lợi ích an vui.

Thiện Hiện nên biết! Cũng như chim không cánh, không thể tự tại bay lượn giữa hư không, hay bay đến nơi xa tận. Các Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, nếu không có thần thông Ba la mật đa, thì không thể tự tại giảng thuyết chánh pháp, cùng với các hữu tình làm việc lợi ích an vui.

Vì vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa phát sanh thần thông Ba la mật đa. Nếu vị nào phát sanh thần thông Ba la mật đa, thì có thể tự tại giảng thuyết chánh pháp, tùy ý làm lợi ích an vui cho các loài hữu tình.

Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ Tát dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn người, xem hằng hà sa số Thế Giới Chư Phật khắp mười phương và xem các loài hữu tình sanh vào Thế Giới ấy.

Quán rồi, phát sanh thần cảnh trí thông, trải qua trong sát na liền đến Thế Giới ấy, dùng tha tâm trí như thật biết rõ các tâm và tâm sở pháp của các hữu tình kia, tùy theo chỗ thích ứng mà nói pháp cho họ.

Nghĩa là nói pháp bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa. Hoặc nói bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo. Hoặc nói bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Hoặc nói pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Hoặc nói tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Hoặc nói pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa.

Hoặc nói pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không. Hoặc nói chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì. Hoặc nói Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Hoặc nói nhân duyên cho đến tăng thượng duyên.

Hoặc nói các pháp theo duyên sanh ra. Hoặc nói vô minh cho đến lão tử. Hoặc nói các môn uẩn xứ giới. Hoặc nói đạo Thanh Văn, hoặc nói đạo Độc Giác, hoặc nói đạo Bồ Tát, hoặc nói đạo bồ đề, hoặc nói Niết Bàn, làm cho các hữu tình kia nghe pháp này rồi đều được lợi ích an vui thù thắng.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát này dùng thiên nhĩ thanh tịnh hơn người, có thể nghe tất cả tiếng người chẳng phải người. Do thiên nhĩ này nghe được sự thuyết pháp của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trong hằng hà sa số Thế Giới Chư Phật khắp mười phương.

Nghe rồi thọ trì, tư duy nghĩa lý, tùy pháp đã nghe có thể vì hữu tình mà như thật giảng thuyết. Hoặc nói bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa, nói rộng cho đến hoặc nói bồ đề, hoặc nói Niết Bàn, làm cho hữu tình kia nghe pháp này rồi đều được lợi ích an vui thù thắng.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát này biết rõ tâm và tâm sở pháp của các loài hữu tình, tùy theo sự thích ứng mà nói pháp, hoặc là nói bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa. Nói rộng cho đến hoặc nói bồ đề, hoặc nói Niết Bàn, làm cho hữu tình kia nghe pháp này rồi đều được lợi ích an vui thù thắng.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát này dùng tịnh túc trụ tùy niệm trí thông, như thật nhớ rõ đời quá khứ của Chư Phật và chúng đệ tử đều sai khác.

Nếu các hữu tình nào ưa nghe các việc túc trụ đời quá khứ mà được lợi ích, nên vì giảng thuyết các việc túc trụ. Nhân đó, Bồ Tát dùng phương tiện vì họ mà nói chánh pháp, hoặc là nói bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa. Nói rộng cho đến hoặc nói bồ đề, hoặc nói Niết Bàn, làm cho hữu tình kia nghe pháp này rồi đều được lợi ích an vui thù thắng.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát này dùng thần cảnh trí thông trong một sát na qua đến hằng hà sa Thế Giới của Chư Phật khắp mười phương, gần gũi cúng dường Chư Phật Thế Tôn, trồng các thiện căn với Chư Phật, rồi trở về bổn quốc, vì các hữu tình mà nói những việc như ở Cõi Phật kia.

Nhân đó, Bồ Tát dùng phương tiện vì họ thuyết chánh pháp. Nghĩa là nói bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa. Nói rộng cho đến hoặc nói bồ đề, hoặc nói Niết Bàn, làm cho hữu tình kia nghe pháp này rồi đều được lợi ích an vui thù thắng.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát này dùng lậu tận trí thông, tùy chỗ chứng đắc, như thật biết rõ các lậu của hữu tình đã đoạn hay chưa đoạn, cũng như thật biết dùng phương tiện để đoạn trừ các lậu. Vì kẻ chưa đoạn mà giảng thuyết pháp yếu, nghĩa là nói bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa. Nói rộng cho đến hoặc nói bồ đề, hoặc nói Niết Bàn, làm cho hữu tình kia nghe pháp này rồi đều được lợi ích an vui thù thắng.

Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa nên phát sanh thần thông Ba la mật đa. Đại Bồ Tát này tu tập thần thông Ba la mật đa được viên mãn, nên tùy ý ưa thích để thọ các loại thân, nhưng không bị các khổ, vui, tội lỗi làm ô nhiễm. Như hóa thân Phật, tuy có thể kiến tạo ra những sự nghiệp nhưng không bị sự khổ, vui, tội lỗi ấy làm tạp nhiễm.

Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa nên dùng du hý thần thông Ba la mật đa. Nếu dùng du hý thần thông Ba la mật đa, thì có thể thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật, và có thể mau chứng đắc trí nhất thiết trí.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát nào chẳng thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật thì nhất định không thể chứng được trí nhất thiết trí.

Vì sao?

Vì tư lương bồ đề của các Đại Bồ Tát này chưa viên mãn, nên chắc chắn chẳng thể chứng đắc trí nhất thiết trí.

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là tư lương bồ đề của các Đại Bồ Tát?

Làm thế nào các Đại Bồ Tát viên mãn tư lương bồ đề để có thể chứng đắc trí nhất thiết trí?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Tất cả thiện pháp đều là tư lương bồ đề của Bồ Tát. Các Đại Bồ Tát nào viên mãn tư lương bồ đề như vậy mới có thể chứng đắc trí nhất thiết trí.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tất cả thiện pháp là những gì?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát từ lúc mới phát tâm tu hành bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa.

Ở trong pháp ấy không còn phân biệt chấp trước, như suy nghĩ: Đây là pháp bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa, do đây, vì đây mà tu bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa. Ba sự phân biệt chấp trước đều không.

Vì biết tất cả pháp tự tánh đều không. Do đây pháp tu sáu pháp Ba la mật đa như bố thí v.v… có thể tự lợi, cũng có thể làm lợi ích cho tất cả hữu tình ra khỏi sanh tử, được vui Niết Bàn, nên nói là thiện pháp, cũng gọi là tư lương bồ đề của Bồ Tát, cũng gọi là đạo Đại Bồ Tát.

Vì chúng Đại Bồ Tát ở đời quá khứ, vị lai, hiện tại đều hành đạo này, nên đã, đang và sẽ đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Cũng làm cho hữu tình đã, đang và sẽ được thoát ra biển lớn sanh tử, được vui Niết Bàn.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát từ lúc mới phát tâm tu bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định Vô Sắc.

Tu bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo.

An trụ pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không.

An trụ vào chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì.

An trụ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo.

Tu pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện.

Tu tám giải thoát cho đến mười biến xứ.

Tu các Bậc Đại Bồ Tát.

Tu pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa.

Tu mười lực của Phật cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng.

Tu đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả.

Tu pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả.

Tu trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.

Đối trong pháp ấy đều không phân biệt chấp trước, như nghĩ: Đây là bốn tịnh lự, nói rộng cho đến trí nhất thiết tướng. Do đây, vì đây mà tu bốn tịnh lự, nói rộng cho đến trí nhất thiết tướng. Ba sự phân biệt chấp trước đều không.

Vì biết tất cả pháp tự tánh đều không, nên do đây tu bốn tịnh lự v.v… có thể tự lợi ích, cũng có thể làm lợi ích cho tất cả hữu tình ra khỏi sanh tử, được vui Niết Bàn, nên nói là thiện pháp, cũng gọi là tư lương bồ đề của Bồ Tát, cũng gọi là đạo Đại Bồ Tát.

Chúng Đại Bồ Tát ở đời quá khứ, vị lai, hiện tại hành đạo này nên đã, đang và sẽ được đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, cũng làm cho hữu tình đã, đang và sẽ được thoát ra biển lớn sanh tử, được vui Niết Bàn.

Thiện Hiện nên biết! Lại có vô lượng sự tu công đức của chúng Bồ Tát đều gọi là thiện pháp, cũng gọi là tư lương bồ đề của Bồ Tát, cũng gọi là đạo Đại Bồ Tát. Các Đại Bồ Tát nào chuyên tu các thiện pháp thù thắng cho được viên mãn hoàn toàn như thế mới có thể chứng đắc trí nhất thiết trí. Chủ yếu là chứng đắc trí nhất thiết trí mới có thể tùy thuận Chuyển Pháp Luân vi diệu, độ các hữu tình thoát khỏi khổ sanh tử, chứng đắc Niết Bàn an vui rốt ráo.

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu các pháp này là pháp của Bồ Tát thì còn pháp nào gọi là pháp của Phật không?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Pháp của Bồ Tát cũng gọi là pháp của Phật. Bởi vì các Bồ Tát đối với tất cả pháp hiểu tất cả tướng. Do đây sẽ chứng được trí nhất thiết tướng, đoạn trừ vĩnh viễn tất cả tập khí tương tục.

Còn chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đối với tất cả pháp chỉ một sát na tương ưng với bát nhã liền hiện Đẳng Giác rồi, chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, đó gọi là Bồ Tát khác với Chư Phật. Như hai Bậc Thánh, tuy đồng là Thánh nhưng có sự khác biệt về hành, hướng, trụ, quả, pháp được thành tựu đều có khác nhau.

Như vậy, này Thiện Hiện! Nếu hành vô gián đạo đối với tất cả pháp chưa lìa ám chướng, chưa đến bờ giác, chưa được tự tại, khi chưa đạt được quả thì gọi là Bồ Tát. Còn nếu ở giải thoát đạo, hành tất cả pháp đã lìa ám chướng, đã đến bờ giác, đã được tự tại, khi đã được quả thì mới gọi là Phật. Đây gọi là Bồ Tát khác với Chư Phật. Do địa vị có khác, nhưng pháp không khác, nên không thể nói pháp tánh khác được.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp tự tướng đều không thì trong không của tự tướng làm sao có được các loại sai biệt, nói đây là địa ngục, cho đến đây là Trời, đây là chủng tánh, nói rộng cho đến đây là Như Lai?

Như vậy, đã nói con người bất khả đắc thì sự tạo nghiệp của họ cũng bất khả đắc.

Như sự tạo nghiệp đã bất khả đắc, quả dị thục kia cũng bất khả đắc, thì làm sao có được các loại sai biệt?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Tất cả pháp tự tướng đều không, trong tự tướng không đó loài người đã vô sở hữu thì nghiệp quả dị thục cũng vô sở hữu. Trong vô sở hữu không có tướng sai biệt.

Nhưng các hữu tình đối với tất cả pháp, lý của tự tướng không chẳng thể biết hết được, nên tạo ra các nghiệp hoặc thiện, hoặc ác, hoặc là vô lậu. Do nơi nghiệp thiện tạo ra được tăng trưởng nên sanh trong Cõi Trời, Người.

Do nơi ác nghiệp tạo ra càng tăng trưởng nên đọa vào ba đường ác. Ở trong nghiệp thiện, do nơi định nghiệp tạo ra tăng trưởng nên được sanh vào Cõi Sắc, hoặc Cõi Vô Sắc. Do vô lậu nghiệp gia hạnh căn bản có các chủng tánh Hiền Thánh sai khác.

Do nhân duyên này, các Đại Bồ Tát tu hành bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa, cho đến tu hành trí nhất thiết tướng và vô lượng, vô biên các Phật Pháp khác. Đại Bồ Tát này đối với pháp phần bồ đề đã nói đây không gián đoạn, không khuyết, tu hành làm cho viên mãn.

Đã viên mãn rồi liền có thể phát sanh định Kim cương dụ, gần tiến đến bồ đề, chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề và làm lợi ích lớn cho các hữu tình thường không hoại diệt. Vì không hoại diệt, nên làm cho các hữu tình giải thoát sanh tử, chứng đắc thanh tịnh Niết Bàn thường lạc.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ngài đã chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề rồi, có còn bị các pháp sanh tử đưa đến các cảnh giới không?

Phật đáp: Không có.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ngài đã chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề rồi, có bị hắc nghiệp, bạch nghiệp, hắc bạch nghiệp, chẳng phải hắc bạch nghiệp không?

Phật đáp: Không có.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu Ngài chẳng bị các cảnh giới sanh tử và nghiệp khác nhau thì làm sao nói đây là địa ngục cho đến Trời, Người, đây là chủng tánh cho đến phận vị khác nhau của Như Lai?

Phật hỏi Thiện Hiện: Các loài hữu tình có biết tự tướng của các pháp là không chăng?

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng biết.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Nếu các hữu tình tự biết tự tướng của các pháp là không thì các Đại Bồ Tát đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề chẳng nên cầu chứng đắc, dùng phương tiện thiện xảo độ các hữu tình thoát khỏi đường ác sanh tử.

Vì các hữu tình chẳng biết tự tướng các pháp là không, nên luân hồi trong các nẻo, chịu khổ vô cùng. Vì vậy, nên Bồ Tát đã nghe Chư Phật thuyết tất cả pháp tự tướng là không rồi, vì muốn làm lợi ích cho các hữu tình nên cầu chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, dùng phương tiện thiện xảo độ các hữu tình thoát khỏi đường ác sanh tử.

Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ Tát này thường nghĩ: Chẳng phải tất cả pháp thật có tự tướng như các phàm phu ngu muội đã chấp. Nhưng vì do sức phân biệt điên đảo, nên trong ấy chẳng phải thật có, mà vọng tưởng là thật có.

Nghĩa là trong vô ngã vọng tưởng là có ngã, nói rộng cho đến trong không có người thấy vọng tưởng là có người thấy. Lại trong không có sắc vọng tưởng có sắc, trong không có thọ, tưởng, hành, thức vọng tưởng có thọ, tưởng, hành, thức.

Nói rộng cho đến trong không vô vi vọng tưởng vô vi. Vì sức phân biệt điên đảo như vậy, nên trong chẳng phải thật có vọng tưởng thật có. Hư dối, chấp trước, đảo loạn nơi tâm, tạo nghiệp thiện hay bất thiện nơi thân, khẩu, ý, không thể giải thoát được đường ác sanh tử. Ta phải cứu độ giúp cho họ được giải thoát.

Đại Bồ Tát này nghĩ như vậy rồi, hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, dùng các thiện pháp tóm thâu vào trong ấy, tùy thuận tu hành các hạnh Bồ Tát, tuần tự viên mãn tư lương bồ đề.

Tư lương bồ đề đã được viên mãn, chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Bồ Đề viên mãn rồi, vì các hữu tình mà giảng thuyết, khai thị, phân biệt, thành lập nghĩa bốn Thánh đế. Nói đây là Thánh đế khổ, đây là Thánh đế khổ tập, đây là Thánh đế khổ diệt, đây là con đường đưa đến Thánh đế khổ diệt.

Lại dùng tất cả pháp phần bồ đề tóm thâu vào trong bốn Thánh đế như vậy, rồi nương vào tất cả pháp phần bồ đề, thành lập, tạo dựng Phật, Pháp, Tăng Bảo. Nhờ Tam Bảo này có mặt ở thế gian, nên các loài hữu tình giải thoát sanh tử.

Các hữu tình nào không chịu quy tín Phật, Pháp, Tăng Bảo, tạo ra các nghiệp thì phải luân hồi các nẻo, chịu khổ vô cùng. Vì vậy, nên phải quy y Phật, Pháp, Tăng Bảo, cần cầu lợi ích an vui cho mình và người.

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì nhờ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo mà các loài hữu tình chứng nhập Niết Bàn, hay vì nhờ Thánh trí khổ, tập, diệt, đạo mà các loài hữu tình chứng nhập Niết Bàn?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Chẳng phải nhờ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo mà các loài hữu tình chứng nhập Niết Bàn. Cũng chẳng phải nhờ Thánh trí khổ, tập, diệt, đạo mà các loài hữu tình chứng nhập Niết Bàn.

Này Thiện Hiện! Ta nói tánh bình đẳng của bốn Thánh đế tức là Niết Bàn. Như vậy, Niết Bàn chẳng phải nhờ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo, cũng chẳng nhờ Thánh trí khổ, tập, diệt, đạo. Chỉ nhờ chứng tánh bình đẳng của bát nhã Ba la mật đa nên gọi là chứng nhập Niết Bàn.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tánh bình đẳng của bốn Thánh đế là thế nào?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Nếu ở nơi mà không có khổ, tập, diệt, đạo đế. Không có khổ, tập, diệt, đạo trí thì gọi là tánh bình đẳng của bốn Thánh đế. Tánh bình đẳng này tức là bốn Thánh đế, là cảnh giới chân như, nói rộng cho đến cảnh giới bất tư nghì. Như Lai dù ra đời hoặc chẳng ra đời thì tánh tướng vẫn thường trụ không hoại diệt, không biến đổi. Như vậy, gọi là tánh bình đẳng của bốn Thánh đế.

Các Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, vì muốn hiểu rõ tánh bình đẳng của bốn Thánh đế đây, nên hành bát nhã Ba la mật đa. Nếu có thể hiểu rõ tánh bình đẳng của bốn Thánh đế này thì gọi là hiểu biết hoàn toàn tất cả Thánh đế, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, vì muốn hiểu rõ tánh bình đẳng của bốn Thánh đế này nên hành bát nhã Ba la mật đa?

Nếu có thể hiểu rõ tánh bình đẳng của bốn Thánh đế này thì gọi là chơn hiểu biết hoàn toàn tất cả Thánh đế, không rơi vào địa vị Thanh Văn, Độc Giác, thẳng đến Chánh tánh ly sanh của Bồ Tát.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, không đối với tất cả pháp, không có chút pháp nào là không thấy như thật. Khi đối với tất cả pháp thấy như thật đều vô sở đắc.

Khi đối với tất cả pháp vô sở đắc thì thấy như thật tất cả pháp đều không. Nghĩa là thấy như thật các pháp thuộc về tứ đế hoặc không thuộc về tứ đế. Khi thấy như vậy có thể nhập vào chánh tánh ly sanh của Bồ Tát.

Vì có thể nhập vào chánh tánh ly sanh của Bồ Tát, nên mới trụ trong địa vị chủng tánh của Bồ Tát. Đã trụ trong địa vị chủng tánh của Bồ Tát, thì có thể quyết định chẳng bị đọa lạc. Nếu có bị đọa lạc thì rơi vào địa vị Thanh Văn, Độc Giác.

Đại Bồ Tát này an trụ trong địa vị chủng tánh của Bồ Tát, phát sanh bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc.

Đại Bồ Tát này an trụ địa vị xa ma tha như vậy, liền có thể quyết tâm chọn tất cả pháp tánh và tùy theo đó mà giác ngộ được bốn Thánh đế.

Bấy giờ, Bồ Tát tuy đã biết rõ các khổ nhưng không khởi tâm duyên theo khổ.

Tuy đoạn trừ vĩnh viễn tập nhưng không khởi tâm duyên theo tập.

Tuy có thể chứng diệt nhưng không khởi tâm duyên theo diệt.

Tuy có thể tu đạo nhưng không khởi tâm duyên theo đạo.

Chỉ khởi tâm tùy thuận hướng đến bồ đề, như thật biết rõ tướng của các pháp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần