Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Bốn - Phẩm Năm - Phẩm Phước Môn - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
HỘI THỨ BỐN
PHẨM NĂM
PHẨM PHƯỚC MÔN
PHẦN MỘT
Bấy giờ, Trời Đế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa, vì cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, đem tâm thanh tịnh cung kính tin thọ, chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tinh tấn tu học, tư duy đúng lý, giảng thuyết, khai thị rộng rãi cho các hữu tình.
Dùng tuệ tăng thượng quán sát kỹ càng, vì muốn chánh pháp trụ lâu ở đời, muốn Phật nhãn không hoại diệt, vì muốn chánh pháp không ẩn mất, muốn hộ trì Bồ Tát làm cho tăng trưởng, vì muốn pháp nhãn thanh tịnh thế gian không hoại diệt, nên biên chép bát nhã Ba la mật đa sâu xa, và trang nghiêm bằng các báu. Lại đem các tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen.
Lại suy nghĩ: Bát nhã Ba la mật đa sâu xa thành tựu công đức thù thắng rộng lớn rất khó được, không nên vứt bỏ, phải tự giữ gìn, cúng dường, cung kính, tư duy, đọc tụng.
Các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào biên chép bát nhã Ba la mật đa sâu xa này, trang nghiêm bằng các báu, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, hay đem cho người khác thọ trì, truyền bá rộng rãi thì trong hai nhóm phước này, phước nào nhiều hơn?
Bấy giờ, Phật Bảo Trời Đế Thích: Ta nay hỏi lại ông, tùy ý ông đáp. Các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào theo người thỉnh được Xá Lợi của Phật, đựng trong hộp báu, để nơi thanh tịnh. Lại đem các thứ tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen.
Hoặc có thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào theo người thỉnh được Xá Lợi của Phật, đem chia cho người khác chừng hạt cải, khiến cho người đó cung kính thọ nhận, đem để chỗ thanh tịnh đúng pháp, lại dùng các thứ tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen.
Ý ông thế nào?
Trong hai nhóm phước này, phước người nào hơn?
Trời Đế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Theo ý con hiểu nghĩa Phật đã nói, trong hai nhóm phước này, phước người sau nhiều hơn.
Bấy giờ, Phật khen Trời Đế Thích: Hay thay! Hay thay! Đúng như lời ông nói.
Này Kiều Thi Ca! Đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa, nếu tự mình thọ trì, cúng dường, cung kính, hoặc chỉ cho người khác, truyền bá rộng rãi. Trong hai nhóm phước này, phước người sau nhiều hơn.
Vì sao?
Vì nhờ chuyển cho người khác nên vô lượng, vô số hữu tình được lợi ích an lạc.
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Nếu có người đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa này nói được nghĩa lý sâu xa như thật, vì người khác phân biệt, giảng nói làm cho họ hiểu được đúng đắn, người này được nhiều phước, lại còn truyền bá thí pháp cho người khác thì công đức càng nhiều gấp trăm ngàn lần. Phải kính Pháp Sư này cũng như kính thờ Phật.
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào biên chép, thọ trì bát nhã Ba la mật đa sâu xa, nên biết đó là pháp khí, trang nghiêm bằng các báu, cúng dường, cung kính, tự mình đi đến chỗ khác truyền bá bố thí pháp cho người khác, khuyên họ siêng năng đọc tụng thì các thiện nam tử, thiện nữ v.v… này được phước đức vô lượng, vô biên.
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào giáo hóa các loài hữu tình ở Châu Thiệm Bộ, làm cho chúng được an trụ trong mười thiện nghiệp đạo.
Ý ông thế nào?
Các thiện nam tử, thiện nữ v.v… đó nhờ nhân duyên này được phước có nhiều không?
Trời Đế Thích bạch: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.
Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều.
Bấy giờ, Phật Bảo Trời Đế Thích: Các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa, đem tâm thanh tịnh cung kính tín thọ, vì cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề nên biên chép phân phát.
Lại giảng nói cho người khác, đối với nghĩa lý sâu xa làm cho họ không còn nghi ngờ, khuyên bảo chỉ dạy các loài hữu tình: Các ngươi nên siêng năng tu chân đạo Bồ Tát, đó gọi là bát nhã Ba la mật đa. Nếu có thể siêng năng tu học đạo này, thì mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, cứu vớt vô biên loài hữu tình, chứng được thật tế, đoạn tận các lậu, nhập Vô Dư Y bát Niết Bàn thì phước của các thiện nam tử, thiện nữ v.v… này đạt được rất nhiều hơn trước.
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Hãy gác việc các loài hữu tình của Châu Thiệm Bộ, nếu các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào giáo hóa các loài hữu tình trong bốn đại châu đều được an trụ trong mười thiện nghiệp đạo, thì ý ông thế nào?
Cho đến nói rộng…
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Hãy gác việc các loài hữu tình trong bốn đại châu lại, nếu có thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào giáo hóa loài hữu tình Cõi Tiểu Thiên được an trụ trong mười thiện nghiệp đạo.
Ý ông thế nào?
Cho đến nói rộng…
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Hãy gác việc các loài hữu tình của Cõi Tiểu Thiên lại, nếu các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào giáo hóa các loài hữu tình Cõi Trung Thiên đều được an trụ trong mười thiện nghiệp đạo, cho đến nói rộng hơn.
Ý ông thế nào?
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Hãy gác việc các loài hữu tình Cõi Trung Thiên lại, nếu các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào giáo hóa các loài hữu tình Cõi Đại Thiên đều được an trụ trong mười thiện nghiệp đạo, cho đến nói rộng hơn.
Ý ông thế nào?
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Hãy gác việc các loài hữu tình Cõi Đại Thiên lại, nếu các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào giáo hóa các loài hữu tình nhiều như hằng hà sa… Thế Giới khắp mười phương đều được an trụ mười thiện nghiệp đạo.
Ý ông thế nào?
Các thiện nam tử, thiện nữ v.v… đó do nhân duyên này được phước nhiều không?
Trời Đế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.
Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều.
Bấy giờ, Phật Bảo Trời Đế Thích: Các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa này đem tâm thanh tịnh cung kính tín thọ, vì cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, biên chép phân phát, giảng nói cho người khác, đối với nghĩa lý sâu xa không còn nghi ngờ, dạy bảo giáo giới các loài hữu tình: Các ngươi nên siêng năng tu chân đạo Bồ Tát, đó gọi là bát nhã Ba la mật đa.
Nếu siêng năng tính tấn tu học đạo này, thì mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, cứu vớt vô biên các loài hữu tình, chứng được thật tế, đoạn tận các lậu, nhập Vô Dư Y bát Niết Bàn, thì phước của các thiện nam tử, thiện nữ v.v… này đạt được rất nhiều hơn trước.
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào giáo hóa các loài hữu tình ở Châu Thiệm Bộ đều được an trụ bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định Vô Sắc, năm loại thần thông.
Ý ông thế nào?
Thiện Nam Tử, Thiện Nữ v.v… đó do nhân duyên này được phước đức nhiều không?
Trời Đế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.
Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều.
Bấy giờ, Phật Bảo Trời Đế Thích: Các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa đem tâm thanh tịnh cung kính tín thọ, vì cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề nên biên chép, lại giảng nói cho người khác, để họ hết nghi ngờ nghĩa lý sâu xa, dạy bảo giáo giới các hữu tình:
Các ngươi nên siêng năng tu chân đạo Bồ Tát, đó là bát nhã Ba la mật đa. Nếu có thể siêng năng tu học đạo này thì mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, cứu vớt vô biên các loài hữu tình, chứng được thật tế, đoạn tận các lậu, nhập Vô Dư Y bát Niết Bàn, thì phước đức của các thiện nam tử, thiện nữ v.v… này đạt được nhiều hơn trước.
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Thôi, hãy gác việc các loài hữu tình ở Châu Thiệm Bộ lại, nếu các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào giáo hóa các loài hữu tình trong bốn đại châu đều được an trụ bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông, cho đến nói rộng… thì ý ông hiểu sao?
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Thôi, hãy gác việc các loài hữu tình trong bốn đại châu lại, nếu các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào giáo hóa các loài hữu tình trong Cõi Tiểu Thiên đều được an trụ bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông, cho đến nói rộng… thì ý ông hiểu sao?
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Thôi, hãy gác việc các loài hữu tình Cõi Tiểu Thiên lại, nếu các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào giáo hóa các loài hữu tình Cõi Trung Thiên làm cho an trụ bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông, cho đến nói rộng… thì ý ông hiểu sao?
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Thôi, hãy gác việc các loài hữu tình Cõi Trung Thiên lại, nếu các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào giáo hóa các loài hữu tình Cõi Đại Thiên đều được an trụ bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông, cho đến nói rộng… thì ý ông hiểu sao?
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Thôi, hãy gác việc các loài hữu tình Cõi Đại Thiên lại, nếu các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào giáo hóa các loài hữu tình nhiều như hằng hà sa…
Thế Giới khắp mười phương đều được an trụ bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông, cho đến nói rộng… thì ý ông hiểu sao?
Các thiện nam tử, thiện nữ v.v… này do nhân duyên ấy được phước có nhiều không?
Trời Đế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.
Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều.
Bấy giờ, Phật Bảo Trời Đế Thích: Các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa, đem tâm thanh tịnh cung kính tín thọ, vì cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, biên chép, phân phát, lại giảng nói cho người khác, để họ không còn nghi ngờ nghĩa lý sâu xa, dạy bảo giáo giới các hữu tình: Các ngươi nên siêng năng tu chân đạo Bồ Tát, đó là bát nhã Ba la mật đa.
Nếu có thể siêng năng tu học được đạo này thì mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, cứu vớt vô biên các loài hữu tình, chứng được thật tế, đoạn tận các lậu, nhập Vô Dư Y bát Niết Bàn, thì phước đức của các thiện nam tử, thiện nữ v.v… này đạt được nhiều hơn trước.
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tu học, tư duy đúng lý, được phước nhiều hơn phước người giáo hóa, dẫn dắt rộng rãi các loài hữu tình trong Châu Thiệm Bộ, đều được an trụ mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông.
Cũng hơn phước giáo hóa loài hữu tình trong bốn đại châu, đều được an trụ mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông.
Cũng hơn phước giáo hóa, dẫn dắt các loài hữu tình trong Cõi Tiểu Thiên đều được an trụ mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông.
Cũng hơn phước giáo hóa, dẫn dắt các loài hữu tình trong một Trung Thiên Thế Giới đều được an trụ mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông.
Cũng hơn phước giáo hóa, dẫn dắt các loài hữu tình trong Cõi Đại Thiên đều được an trụ mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông.
Cũng hơn phước giáo hóa, dẫn dắt các loài hữu tình khắp mười phương hằng hà sa Thế Giới đều được an trụ mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông.
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa đem vô lượng pháp môn vì người khác diễn nói, giảng thuyết, chỉ bày giải thích rõ ràng, phân biệt nghĩa lý, làm cho họ dễ hiểu thì sẽ được phước nhiều hơn tự mình lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tu học, tư duy đúng lý, nhờ bát nhã Ba la mật đa sâu xa đạt được công đức vô lượng gấp bội.
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào tự mình đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tu học, tư duy đúng lý, đem vô lượng môn vì người khác tuyên thuyết rộng rãi, giảng giải, chỉ bày, giải thích, phân biệt nghĩa lý rõ ràng, làm cho họ dễ hiểu. Người này được phước nhiều hơn phước trước vô lượng, vô biên.
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa, biên chép, trang nghiêm, thọ trì, đọc tụng. Lại có các thiện nam tử, thiện nữ v.v… khác đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa, biên chép, trang nghiêm, phân phát cho hữu tình. Người này đạt được phước nhiều hơn phước người trước vô lượng, vô biên.
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa biên chép, trang nghiêm, truyền bá cho các loài hữu tình. Lại có thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa biết hoàn toàn về nghĩa lý, thường dùng nhiều văn nghĩa thâm diệu giảng nói cho người khác, thì người này được phước nhiều hơn phước người trước vô lượng, vô biên.
Khi ấy, Trời Đế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào cũng phải dùng văn nghĩa thâm diệu để diễn nói bát nhã Ba la mật đa sâu xa cho người khác nghe hay sao?
Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Đúng vậy! Đúng vậy! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào có thể dùng các thứ văn nghĩa thâm diệu, vì người khác diễn nói bát nhã Ba la mật đa sâu xa này thì được vô biên đại công đức.
Trời Đế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nên vì giảng thuyết nghĩa lý sâu xa bát nhã Ba la mật đa này cho các loài hữu tình nào?
Bấy giờ, Phật Bảo Trời Đế Thích: Nếu các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào không biết nghĩa lý sâu xa của bát nhã Ba la mật đa thì nên giảng thuyết nghĩa lý bát nhã Ba la mật đa sâu xa cho các thiện nam tử, thiện nữ v.v… ấy.
Vì sao?
Này Kiều Thi Ca! Vì đời sau có thiện nam tử, thiện nữ v.v… cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, nghe người khác giảng thuyết tương tự bát nhã Ba la mật đa, tâm liền mê lầm, thối thất giữa đường.
Khi ấy, Trời Đế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là tương tự bát nhã Ba la mật đa mà gọi là giảng thuyết tương tự bát nhã Ba la mật đa?
Bấy giờ, Phật Bảo Trời Đế Thích: Ở đời sau có các Bí Sô không thể chuyên tu thân giới, tâm tuệ, trí tuệ thấp kém cũng như trâu dê, dù họ muốn giảng thuyết chân thật bát nhã Ba la mật đa cho các loài hữu tình nhưng lại điên đảo nói tương tự bát nhã Ba la mật đa.
Thế nào là Bí Sô điên đảo giảng thuyết tương tự bát nhã Ba la mật đa?
Nghĩa là Bí Sô kia vì người phát tâm vô thượng bồ đề mà nói sắc hoại nên gọi là vô thường. Nói thọ, tưởng, hành, thức hoại nên gọi là vô thường.
Lại nói như vậy: Nếu hành như vậy là hành bát nhã Ba la mật đa.
Này Kiều Thi Ca! Như vậy gọi là điên đảo tuyên nói tương tự bát nhã Ba la mật đa.
Này Kiều Thi Ca! Không nên vì sắc hoại mà quán sắc là vô thường. Không nên vì thọ, tưởng, hành, thức hoại mà quán thọ, tưởng, hành, thức là vô thường.
Nếu quán sắc cho đến thức là vô thường như vậy, nên biết người kia đã hành tương tự bát nhã Ba la mật đa.
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào giảng thuyết bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa cho người phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, nói lời như vậy: Thiện Nam Tử, đến đây!
Ta sẽ dạy ông tu học bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa. Nếu y theo lời ta dạy mà tu học sẽ mau được an trụ từ sơ địa cho đến Thập Địa Bồ Tát, sẽ được vô lượng các Phật Pháp khác, mau nhập Chánh tánh ly sanh của Bồ Tát, vượt hơn các địa vị Thanh Văn, Độc Giác.
Này Kiều Thi Ca! Những người kia đem hữu tướng và hữu sở đắc mà làm phương tiện, nương thời phần tưởng dạy tu bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa. Đó gọi là điên đảo giảng thuyết tương tự bát nhã Ba la mật đa.
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào bảo người có chủng tánh Bồ Tát: Nếu đối với bát nhã Ba la mật đa chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tu học, tư duy đúng lý sẽ được vô biên công đức thù thắng.
Này Kiều Thi Ca! Người kia đem hữu tướng và hữu sở đắc làm phương tiện nói lời như vậy, đó gọi là điên đảo nói tương tự bát nhã Ba la mật đa.
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ v.v… này bảo người có chủng tánh Bồ Tát: Các ông đối với Chư Phật Thế Tôn ở đời quá khứ, vị lai, hiện tại, từ lúc mới phát tâm cho đến rốt ráo có bao nhiêu căn lành đều nên tùy hỷ nhóm hợp tất cả, vì các hữu tình hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Này Kiều Thi Ca! Người kia đem hữu tướng và hữu sở đắc làm phương tiện nói lời như vậy, gọi là điên đảo nói tương tự bát nhã Ba la mật đa.
Vì vậy, này Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào đem vô sở đắc làm phương tiện, vì các hữu tình giảng thuyết bát nhã Ba la mật đa sâu xa chân thật không điên đảo, thì đạt được phước vô lượng, vô biên, hay làm lợi ích an vui cho loài hữu tình.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Tán Thán Phật định Quang
Phật Thuyết Kinh Pháp Thừa Nghĩa Quyết định - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Ba - Phẩm Người - Phần Chín - Mù Lòa
Phật Thuyết Kinh Huyễn Sĩ Nhân Hiền - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phương đẳng Bát Nê Hoàn - Phẩm Chín - Phẩm Như Lai Hóa Thuyết Pháp
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Thế Ký - Phẩm Mười Hai - Thế Bổn Duyên
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Mười Tám - Phẩm Hiện Bệnh