Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
HỘI THỨ BA
PHẨM BA MƯƠI MỐT
PHẨM TUYÊN HÓA
PHẦN HAI
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào các Đại Bồ Tát biết rõ thật tướng của các pháp?
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát quán tất cả pháp đều không. Đây là biết rõ thật tướng của các pháp.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát quán tất cả pháp đều không?
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát quán tự tướng của tất cả pháp đều không. Đây là Đại Bồ Tát quán tất cả pháp đều không.
Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ Tát do quán tướng không Tỳ Bát Xá Na, quán các pháp không, đều không thấy có tự tánh của các pháp trụ ở trong ấy nên chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Vì sao?
Vì quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật và tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh. Đó là sắc uẩn cho đến thức uẩn đều lấy vô tánh làm tự tánh.
Nói rộng cho đến tất cả hạnh Đại Bồ Tát, quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật cũng lấy vô tánh làm tự tánh. Vô tánh như vậy chẳng phải chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, Độc Giác, Bồ Tát, các quả và hướng của Thanh Văn làm ra, cũng chẳng phải ai khác làm ra.
Chỉ vì hữu tình đối với tất cả pháp chẳng biết, chẳng thấy như thật đều không. Vì vậy, nên chúng Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba La Mật Đa sâu xa, dùng phương tiện thiện xảo tự mình đã hiểu biết rồi, vì các hữu tình mà giảng thuyết, khai thị, làm cho chúng xa lìa sự chấp trước, thoát khổ sanh tử, được nhập Niết Bàn, an vui rốt ráo.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh. Tự tánh như thế chẳng phải chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, Độc Giác, Bồ Tát, Thanh Văn v.v… làm ra, thì làm sao cho rằng các pháp có khác nhau, nói đây là địa ngục, súc sanh, cõi quỷ, Trời, Người v.v… nhiều loại sai khác. Đây là Trời Tứ Đại Thiên Vương cho đến Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ và có phần vị của Tam thừa khác nhau.
Do nghiệp như thế nói có địa ngục, do nghiệp như thế nói có bàng sanh, do nghiệp như thế nói có cõi quỷ, do nghiệp như thế nói có cõi người, có Châu Thiệm Bộ, Châu Thắng Thân, châu Ngưu Hóa, Châu Câu Lô v.v… các thứ khác nhau, do nghiệp như thế nói có Cõi Trời, có Trời Tứ Đại Thiên Vương cho đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ các thứ khác nhau, do nghiệp như thế nói có quả Dự Lưu cho đến Độc Giác, do nghiệp như thế nói có Bồ Tát và các Đức Như Lai.
Bạch Thế Tôn! Pháp vô tánh chắc chắn không tác dụng, làm sao nói
Do nghiệp này nên sanh vào địa ngục?
Như vậy, cho đến do nghiệp này nên sanh vào Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, và do nghiệp này mà đắc quả Dự Lưu, nói rộng cho đến Độc Giác Bồ Đề?
Do nghiệp này nên nhập vào địa vị Bồ Tát hành đạo Bồ Tát?
Do nghiệp này nên có thể chứng đắc trí nhất thiết trí, được gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, làm lợi ích an vui cho tất cả hữu tình?
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Trong pháp vô tánh không thể nói rằng các pháp khác nhau, không nghiệp, không quả, cũng không tác dụng.
Chỉ vì phàm phu ngu muội không hiểu rõ Thánh Pháp và Tỳ Nại Da, nên không như thật biết các pháp đều lấy vô tánh làm tánh, ngu si điên đảo tạo ra các nghiệp, theo nghiệp khác nhau mà thọ các loại thân.
Nương theo phẩm loại thân khác nhau như thế nói có địa ngục, súc sanh, cõi quỷ, Người, Chư Thiên, cho đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.
Vì muốn cứu độ những phàm phu ngu muội điên đảo như thế bị khổ sanh tử nên nói có phần vị khác nhau của Thánh Pháp và Tỳ Nại Da. Nương vào phần vị này nói có quả Dự Lưu cho đến Độc Giác, Bồ Tát, Như Lai.
Nhưng tất cả pháp tánh đều lấy vô tánh làm tự tánh. Trong pháp vô tánh thật không có pháp nào khác, không nghiệp, không quả, cũng không tác dụng, vì pháp vô tánh thường hằng vô tánh.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Như ông đã nói, pháp vô tánh chắc chắn không tác dụng.
Như vậy, làm sao nói do nghiệp như thế được quả Dự Lưu cho đến chứng đắc trí nhất thiết trí, được gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác làm lợi ích an vui cho tất cả hữu tình?
Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Có phải sự tu đạo là vô tánh không?
Các quả Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán, Độc Giác Bồ Đề, các đạo Bồ Tát, trí nhất thiết trí cũng là vô tánh không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Đúng vậy! Sự tu đạo, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí đều là vô tánh.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Pháp vô tánh có thể đắc pháp vô tánh không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không được.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Vô tánh và đạo, tất cả pháp này đều chẳng tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, vô sắc, vô kiến, vô đối, nhất tướng, gọi là vô tướng. Phàm phu ngu muội đối với pháp vô tướng hư vọng phân biệt, vọng tưởng là hữu tướng, chấp trước các uẩn, các xứ, các giới.
Ở trong vô thường vọng sanh tưởng là thường.
Ở trong các khổ vọng sanh tưởng là vui.
Ở trong vô ngã vọng sanh tưởng có ngã.
Ở trong bất tịnh vọng sanh tưởng là tịnh. Ngu si điên đảo đối với pháp vô tánh chấp trước là hữu tánh v.v… Do nhân duyên này, các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba La Mật Đa sâu xa, thành tựu phương tiện thiện xảo thù thắng, cứu vớt các loài hữu tình như thế xa lìa điên đảo hư vọng phân biệt, dùng phương tiện an lập họ trong pháp vô tướng, giúp họ siêng năng tu học, giải thoát sanh tử, chứng đắc Niết Bàn an vui rốt ráo.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ví như có chút vật nhỏ là chơn thật, chẳng phải hư vọng, kẻ phàm phu ngu muội chấp trước nơi vật ấy rồi tạo ra các nghiệp.
Do đó bị luân hồi trong các nẻo, không thể giải thoát khổ sanh tử phải không?
Và nếu không có chút vật nhỏ là chơn thật, chẳng phải hư vọng, thì làm sao kẻ phàm phu ngu muội chấp trước nơi vật chất ấy tạo ra các nghiệp để bị luân hồi trong các nẻo?
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Kẻ phàm phu ngu muội đã chấp trước các vật, cho đến không có chút mảy may vật nhỏ nào là chơn thật, chẳng phải hư vọng, vì chấp trước vào đó nên tạo ra các nghiệp.
Do nhân duyên này luân hồi trong các nẻo, không thể giải thoát các khổ sanh tử, chỉ vì điên đảo hư vọng chấp trước. Nay Ta vì ông mà nói rộng thí dụ, làm rõ nghĩa này để cho dễ hiểu, và những người có trí nhờ thí dụ này nên đối với nghĩa đã nói sẽ hiểu rõ một cách chính xác.
Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Trong mộng thấy có người thọ năm dục lạc, ví như trong mộng có chút phần nhỏ nào là thật thì có thể làm cho người kia thọ dục lạc không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không có. Trong mộng thấy người còn chẳng thật có, huống là thật sự có thể làm cho người ấy an trụ trong mộng thọ năm dục lạc.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Ví như có pháp hoặc là hữu lậu, hoặc là vô lậu, hoặc là thế gian, hoặc là xuất thế gian, hoặc là hữu vi, hoặc là vô vi, chẳng phải như việc trong mộng đã thấy không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nhất định không có pháp hoặc là hữu lậu, hoặc là vô lậu, hoặc là thế gian, hoặc là xuất thế gian, hoặc là hữu vi, hoặc là vô vi chẳng phải như việc trong mộng đã thấy.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Ở trong mộng có chơn thật qua lại trong các đường sanh tử không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thật.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Ở trong mộng có chơn thật tu đạo, nương sự tu đạo ấy có lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thật.
Vì sao?
Vì mộng và thấy pháp đều chẳng có thật, chẳng phải có hoạt động, chẳng phải bị hoạt động tu đạo hay không, huống là nương vào sự tu đạo ấy có xa lìa tạp nhiễm và được thanh tịnh.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Trong gương sáng v.v… được thấy các hình tượng là có thật sự, có thể theo đó tạo nghiệp, do đã tạo nghiệp sẽ bị đọa vào đường ác, hoặc sanh vào Cõi Trời, Người, thọ các sự khổ, vui không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thật. Bởi vì trong gương sáng được thấy các hình tượng đều không thật sự, chỉ gạt những trẻ khờ dại, nên làm sao có thể y vào đó để tạo nghiệp, rồi do nghiệp đã tạo sẽ đọa vào đường ác, hoặc sanh vào Cõi Trời, Người, thọ các sự khổ vui.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Các hình tượng đã hiện trong gương sáng, ví như hình tượng ấy có chơn thật tu đạo, nương vào sự tu đạo kia có lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thật.
Vì sao?
Vì hình tượng đã hiện kia đều không thật, chẳng phải có hoạt động, chẳng phải bị hoạt động, tu đạo còn không có, huống là nương sự tu đạo ấy có lìa tạp nhiễm và được thanh tịnh.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Trong các hang núi vọng ra những tiếng vang là có thật để y theo đó tạo nghiệp, rồi do nghiệp đã gây tạo sẽ bị đọa vào đường ác, hoặc sanh vào Cõi Trời, Người, thọ các sự khổ vui không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thật. Bởi vì trong các hang núi vọng ra những tiếng vang đều không thật, chỉ gạt những trẻ khờ dại nên làm sao có thể y vào đó để tạo nghiệp, rồi do nghiệp đã gây tạo sẽ bị đọa vào đường ác, hoặc sanh vào Cõi Trời, Người, thọ các sự khổ vui.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Ví như các tiếng vang có chơn thật tu đạo, nương vào sự tu đạo kia có lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thật.
Vì sao?
Vì các tiếng vang trong hang núi đều không thật, chẳng phải có hoạt động, chẳng phải bị hoạt động, tu đạo còn không có, huống là nương sự tu đạo ấy có lìa tạp nhiễm và được thanh tịnh.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Nước ở trong sóng nắng là có thật để y theo đó tạo nghiệp, rồi do nghiệp đã gây tạo sẽ bị đọa vào đường ác, hoặc sanh vào Cõi Trời, Người, thọ các sự khổ vui không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thật. Bởi vì nơi trong sóng nắng hiện ra nước đều không thật, chỉ gạt những trẻ khờ dại nên làm sao có thể y vào đó để tạo nghiệp, rồi do nghiệp đã gây tạo sẽ bị đọa vào đường ác, hoặc sanh vào Cõi Trời, Người, thọ các sự khổ vui.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Ví như sóng nắng hiện ra nước có chơn thật tu đạo, nương vào sự tu đạo kia có lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thật.
Vì sao?
Vì ánh nắng và nước đều không thật, chẳng phải có hoạt động, chẳng phải bị hoạt động, tu đạo còn không có, huống là nương sự tu đạo ấy có lìa tạp nhiễm và được thanh tịnh.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Trong các ánh sáng hiện ra sắc tướng là có thật để y theo đó tạo nghiệp, rồi do nghiệp đã gây tạo sẽ bị đọa vào đường ác hoặc sanh vào Cõi Trời, Người, thọ các sự khổ vui không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thật. Bởi vì trong các ánh sáng hiện ra sắc tướng đều không thật sự, chỉ gạt những trẻ khờ dại nên làm sao có thể y vào đó để tạo nghiệp, rồi do nghiệp đã gây tạo sẽ bị đọa vào đường ác hoặc sanh vào Cõi Trời, Người, thọ các sự khổ vui.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Ví như các sắc tướng do ánh sáng hiện ra có chơn thật tu đạo, nương vào sự tu đạo kia có lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thật.
Vì sao?
Vì sắc tướng do ánh sáng hiện ra đều không thật, chẳng phải có hoạt động, chẳng phải bị hoạt động, tu đạo còn không có, huống là nương sự tu đạo ấy có lìa tạp nhiễm và được thanh tịnh.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Nhà huyễn thuật biến hóa ra các đạo quân như quân voi, ngựa v.v… các thứ hình tượng là có thật để y theo đó tạo nghiệp, rồi do nghiệp đã gây tạo sẽ bị đọa vào đường ác, hoặc sanh vào Cõi Trời, Người, thọ các sự khổ vui không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thật. Bởi vì voi, ngựa v.v… được biến hóa ra đều không thật, chỉ gạt những trẻ khờ dại nên làm sao có thể y vào đó để tạo nghiệp, rồi do nghiệp đã gây tạo sẽ bị đọa vào đường ác, hoặc sanh vào Cõi Trời, Người, thọ các sự khổ vui.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Ví như việc huyễn hóa có chơn thật tu đạo, nương vào sự tu đạo kia có lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thật.
Vì sao?
Vì voi, ngựa v.v… sự huyễn hóa đều không thật sự, chẳng phải có hoạt động, chẳng phải bị hoạt động, tu đạo còn không có, huống là nương sự tu đạo ấy có lìa tạp nhiễm và được thanh tịnh.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Những hóa thân do người biến hóa ra là có thật để y theo đó tạo nghiệp, rồi do nghiệp đã gây tạo sẽ bị đọa vào đường ác, hoặc sanh vào Cõi Trời, Người, thọ các sự khổ vui không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thật. Bởi vì các thân được biến hóa ra đều không thật sự, thì làm sao có thể y vào đó để tạo nghiệp, rồi do nghiệp đã gây tạo sẽ bị đọa vào đường ác, hoặc sanh vào Cõi Trời, Người, thọ các sự khổ vui.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Ví như hóa thân có chơn thật tu đạo, nương vào sự tu đạo kia có lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thật. Vì sao?
Vì thân được biến hóa ra đều không thật, chẳng phải có hoạt động, chẳng phải bị hoạt động, tu đạo còn không có, huống là nương sự tu đạo ấy có lìa tạp nhiễm và được thanh tịnh.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Trong thành tầm hương hiện ra nhiều loại vật là có thật để y theo đó tạo nghiệp, rồi do nghiệp đã gây tạo sẽ bị đọa vào đường ác, hoặc sanh vào Cõi Trời, Người, thọ các sự khổ vui không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thật. Bởi vì trong thành tầm hương hiện ra nhiều loại vật đều không thật thì làm sao có thể y vào đó để tạo nghiệp, rồi do nghiệp đã gây tạo sẽ bị đọa vào đường ác, hoặc sanh vào Cõi Trời, Người, thọ các sự khổ vui.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Ví như các vật trong thành tầm hương có chơn thật tu đạo, nương vào sự tu đạo kia có lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thật.
Vì sao?
Vì các loại vật cũng như thành kia đều không thật, chẳng phải có hoạt động, chẳng phải bị hoạt động, tu đạo còn không có, huống là nương sự tu đạo ấy có lìa tạp nhiễm và được thanh tịnh.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Vì các loại vật cũng như thành kia đều không thật sự, chẳng phải có hoạt động, chẳng phải bị hoạt động, tu đạo còn không có, huống là nương sự tu đạo ấy có lìa tạp nhiễm và được thanh tịnh.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Ví như các pháp hoặc là hữu lậu, hoặc là vô lậu, hoặc là thế gian, hoặc là xuất thế gian, hoặc là hữu vi, hoặc là vô vi, chẳng phải như hình tượng, tiếng vang, sóng nắng, ảnh tượng trong ánh sáng, việc huyễn hóa, vật loại trong thành tầm hương ấy không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng có. Bởi vì nhất định không có pháp hoặc là hữu lậu, hoặc là vô lậu, hoặc là thế gian, hoặc là xuất thế gian, hoặc là hữu vi, hoặc là vô vi, chẳng phải như hình tượng v.v…
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Trong đây thật có người tạp nhiễm, người thanh tịnh không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng có. Trong ấy đều không thật có người tạp nhiễm, người thanh tịnh.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Như người tạp nhiễm hoặc thanh tịnh thật vô sở hữu. Do nhân duyên này, tạp nhiễm và thanh tịnh cũng chẳng thật có.
Vì sao?
Vì các loài hữu tình trụ nơi ngã hay ngã sở đều hư vọng phân biệt, cho rằng có người tạp nhiễm và thanh tịnh. Do nhân duyên này cho rằng có tạp nhiễm và có thanh tịnh. Chẳng phải thật có người thấy cho rằng có người tạp nhiễm và người thanh tịnh. Như người thật thấy biết không có người tạp nhiễm và người thanh tịnh. Như vậy, sự tạp nhiễm và thanh tịnh cũng không, vì tất cả pháp tự tướng đều không.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Tán Thán Phật định Quang
Phật Thuyết Kinh Pháp Thừa Nghĩa Quyết định - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Ba - Phẩm Người - Phần Chín - Mù Lòa
Phật Thuyết Kinh Huyễn Sĩ Nhân Hiền - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phương đẳng Bát Nê Hoàn - Phẩm Chín - Phẩm Như Lai Hóa Thuyết Pháp
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Thế Ký - Phẩm Mười Hai - Thế Bổn Duyên
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Mười Tám - Phẩm Hiện Bệnh