Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Năm - Thành Hoại Của Năm ấm - Tập Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM NĂM
THÀNH HOẠI CỦA NĂM ẤM
TẬP HAI
Bài tụng rằng:
Tạo tác tội ở đời
Khổ sở ôm phiền nao
Bệnh đau loạn tâm chí
Mạng dơ luôn bức xúc.
Bị bệnh làm chìm đắm
Thấy chết mới sợ hãi
Thiên Đế và các thần
Chẳng cứu nỗi, huống ta!
Thầy thuốc nghĩ: Mạng sống kéo dài chưa dứt nên thoái thác tránh đi, liền nói với mọi người: Nay, người bệnh này, nếu có đòi ăn thức ăn ngon thì phải chiều ý cho ăn, không được trái ý. Ta có việc gấp, xin cáo từ. Xong viêc sẽ trở lại.
Viện lý do này rồi liền ra đi.
Khi mạng sống sắp dứt
Bị bệnh thật khốn đốn
Lăn lộn với trần lao
Tội đến chẳng tự biết.
Điềm lạ tự nhiên khởi
Bị các ấm thiêu đốt
Dù cầm nắm kim cương
Cũng chẳng cứu được mạng.
Khi ấy, nam, nữ, già, trẻ trong nhà có người bệnh nghe thầy thuốc nói, liền dẹp hết thuốc thang và các chú thuật. Toàn gia quyến thuộc, họ hàng cùng những người gần gũi quen biết đều đến vây quanh người bệnh, buồn rầu khóc lóc quán niệm nỗi thống khổ của bệnh.
Ví như người đồ tể bắt heo trong bầy heo, đem ra sắp giết. Những con heo khác đều kinh hãi dồn lại, vểnh tai nghe tiếng, hoảng sợ nhìn chăm chăm. Ví như cọp dữ bắt bò, trong bầy bò, những con bò khác sợ hãi chạy mất, hoặc chạy lên núi hoặc chui vào hang, hoặc vào rừng cây, vọt nhảy kêu rống. Ví như ngư phủ bủa lưới bắt cá.
Các con cá khác thấy sợ chạy tứ tán, lặn trốn vào bờ đá, hoặc dưới cỏ. Lại như con chim nhạn vào giữa bay chim mà có con bị bắt thì các chim khác thấy vậy đều bay táo tác. Người ấy cũng vậy, vô thường đến nơi, thân thể hư hoại, gia đình thân thuộc, nghĩ sắp biệt ly nên buồn đau dường ấy.
Mạng sắp chấm dứt, sứ giả của Diêm Vương tự nhiên đi đến, tới nơi thấy buộc trói, tên sắt bắn vào, lên thuyền sinh tử, bị tội dẫn dắt, liền muốn dắt đi.
Gia đình vây quanh, xõa tóc buồn thương, mặt mắt lem luốc, khóc lóc thở than, nước mắt ràn rụa, cùng nói: Đau đớn thay! Tại sao bỏ nhau! Đấm ngực, cào mặt, ca ngợi bao nhiêu đức hạnh của người bệnh, lòng luôn buồn rầu.
Bài tụng rằng:
Người tật bệnh khốn khổ
Nhiệt tiêu, thân lạnh cóng
Người nhà đều tụ quanh
Cất tiếng khóc thê, thảm.
Tạo nghiệp rồi khổ vui
Như ong chọn vị hoa
Tâm liền nhận buồn bã
Và buồn cả thân tộc.
Người kia bệnh tật như vậy, trong thân phong đao khởi, khiến cho xương cốt chân tay người bệnh rã rời. Có gió làm đứt các chi tiết. Có gió làm chấn động gân mạch giãn ra. Có gió làm khiến phá vỡ xương tiêu tủy bệnh nhân. Có gió làm cho biến đổi sắc mặt, mắt, tai, mũi, miệng, yết hầu đều xanh. Các lỗ chân lông đều bít lấp, phá hoại da dẽ trên thân.
Lại có một thứ gió tên là Chỉ hiếp khiến cho thịt ở thân và đầu gối, lông mi, hông lưng, xương sống, bụng sụp xuống, ruột già, ruột non, gan, phổi, tim, tỳ và nội tạng đều ngừng hoạt động. Có gió tên là Toàn, khiến mỡ, huyết, cơ quan đại tiểu tiện sinh tạng, thục tạng đều chẳng lưu thông, lạnh, hoặc nóng đều khô. Có gió tên là Tiết gian khiến tay chân hoặc co rút, hoặc duỗi ra, rồi giơ tay chân ra muốn nắm bắt hư không.
Ngồi đây bần thần, có lúc cười vu vơ, lại thở ra não nuột, các bộ phận cơ thể rã rời, gân giãn mạch trầm, tủy não tiêu hao, mắt chẳng thấy sắc, tai chẳng nghe tiếng, mũi chẳng biết mùi, miệng chẳng biết vị, thân lạnh khí dứt, không còn biết gì, dưới tim còn nóng, thần thức vẫn còn, nhưng người cứng đơ như gỗ, chẳng thể cử động.
Bài tụng rằng:
Khi gió đao khởi lên,
Thân động nhiều chẳng an
Các duyên đều kéo đến,
Chẳng tự hay biết gì
Thân gặp biết bao khổ,
Mạng sống mới kết thúc.
Ví như dây cung nỏ,
Chùng, căng chẳng dùng được.
Bấy giờ, tâm người ấy lẩn quẩn, bốn đại đều suy hoại, mạng yếu ớt đi, tuy tồn tại nhưng như đèn sắp tắt. Trong tâm người này có thân ý căn, lúc còn sống đã làm những việc thiện, ác, tâm liền nghĩ đến cội nguồn của các điều họa phúc, lành, dữ. Đời này, đời sau đã và sẽ làm gì, tâm đều tư biết. Người làm điều thiện thì sắc diện khoan hòa, kẻ làm điều ác thì sắc diện chẳng vui.
Người mà tâm vui, sắc diện tốt thì nên biết chắc chắn là đi về cõi thiện. Còn người sắc diện xấu, tâm niệm chẳng tốt thì sẽ bị đọa vào nẻo ác. Như có người già soi vào gương trong, tự thấy thân mình đầu bạc mặt nhăn, răng rụng ghẻ chốc, dơ bẩn đen xấu, da dùn, lưng còng, tuổi già run rẩy.
Đã thấy như vậy lại tự xấu hổ, nhắm mắt ném gương, tự nhủ ta đã già rồi! Già suy dẫn đến, lòng ôm lo sầu, từ bỏ an ổn, đến với cùng cực. Kẻ chuyên làm ác, khi lâm chung đến, thấy hiện tượng ác, sầu thảm sợ sệt, tự khắc trách mình. Ta sa nơi cõi ác chắc chắn vậy rồi. Cũng như người già soi gương thấy hình biết là già nua.
Bài tụng rằng:
Vàng báu làm các thứ
Đẹp xấu thành bất đồng
Nếu có người làm ác
Chìm đắm vào vực sâu
Đã chìm rồi nổi lên
Ngoái nhìn không chỗ tựa
Như bị nước cuốn trôi
Đến chết cũng như vậy.
Người làm thiện thì có ba việc: Nhiếp thân, khẩu, ý tịnh tu các đức. Lấy pháp làm tài sản, khi lâm chung, tâm luôn hoan hỷ, nhất định sinh Thiên. Ví như khách buôn đi xa kiếm sống, qua được đường hiểm, thâu nhiều tài lợi, trở về đến nhà, lòng vui vô cùng.
Lại như nhà nông cày cấy được mùa, gió thuận mưa hòa, thu nhiều lúa thóc, chứa đầy kho lúa, lòng rất vui mừng. Như bệnh nặng được lành, tra hết nợ nần, trong lòng vui vẻ cũng lại như vậy. Như ong hút hoa cốt để làm mật, tích đức cũng vậy, lòng họ rất vui, nhất định sinh lên Cõi Trời.
Bài tụng rằng:
Kẻ chánh sĩ có học
Tích lũy hành chân pháp
Để vượt các họa hoạn
Tự đạt được minh đạo
Ví như người nhàn nhã
Lên núi cao nhìn xuống
Người kia khi mạng chung
Thấy đường thiện cũng thế.
Bấy giờ, mạng đã tận, thân căn, thức diệt, liền thọ thân Trung ấm. Như cái cân tùy theo sự nhẹ hay nặng mà lên hoặc xuống, thiện ác cũng như vậy. Thần thức lìa xác, thân trụ ở thân Trung ấm, năm ấm đều đầy đủ không thiếu ấm vào. Khi chết, năm ấm chẳng đến với thân Trung ấm nhưng năm ấm của thân trung ấm cũng chẳng rời bỏ cội nguồn.
Ví như lấy cái ấn ấn xuống bùn, ấn chẳng dính bùn, bùn cũng chẳng rời ấn. Như trồng ngũ cốc, mầm sinh ra thân quả nhưng thân quả chẳng phải là gốc rễ mà cũng chẳng lìa gốc rễ. Như vậy, tinh thần hồn phách của người chết chẳng cùng ở với năm ấm, nhưng chẳng lìa gốc.
Tùy theo sự gieo trồng mà gặt được quả báo. Người làm điều phước đức thì trụ ở thân trung ấm thiện. Người chỉ làm việc ác thì ở thân trung ấm tội lỗi, chỉ có đạo nhãn mới thấy mà thôi.
Ở thân Trung ấm có ba loại thức ăn: Một là xúc chạm sự mềm mại, hai là tâm thực, ba là ý thức thực. Ở thân trung ấm hoặc một ngày nhiều nhất là bảy ngày. Đến như cha mẹ cũng tùy theo hạnh nghiệp chính mà hoặc bị đọa vào ba đường ác, hay sinh nơi nhân gian, thiên thượng.
Người làm việc ác nhiều, tại thân trung ấm thấy lửa dữ khởi lên bao quanh thân hình, như lửa đồng hoang thiêu đốt cỏ cây, bụi bặm, phủ khắp thân, thấy các loài quạ, chim cắt, người ác, móng răng đều dài, mặt xấu xí.
Y phục rách rưới, trên đầu lửa cháy, ai nấy đều cầm đao gậy đánh đập, mâu đâm, kích chém, tâm luôn sợ sệt, muốn cầu cứu hộ, xa thấy rừng cây, đi vào trong ấy, lúc đó rừng cây liền mất. Năm ấm của thân trung ấm đi vào rừng đao kiếm trong chống địa ngục, người bị đọa vào địa ngục, thần thức thấy như thế.
Bài tụng rằng:
Cuồng mê như voi say
Làm trái Thánh pháp dạy
Nhiễm ô như thấm nước
Tâm mê loạn như thế.
Thường tổn hại chánh đạo
Buông tâm vào đường tà
Người này gặp các khổ
Mạng chung đọa địa ngục.
Người làm ít việc ác thì thấy khói lửa bụi bặm vây quanh khắp thân mình và bị sư tử, hổ, báo, rắn hổ mang, voi rượt đuổi. Lại thấy kên to, nguồn suối, sông sâu, núi lở, khe lớn, tâm luôn sợ sệt, chạy vào trong đó. Khi ấy các thứ kia liền mất. Năm ấm của thân trung ấm bị đọa vào súc sinh. Người thấy những hiện tượng như vậy thì biết là thọ thân súc sinh.
Bài tụng rằng:
Theo si bỏ trí tuệ
Hoặc mê đọa đường tối
Ác khẩu nói lời thô
Thích việc đánh đập người.
Lại bị phạm tội ương
Ưa làm việc bất thiện
Người vô từ như vậy
Sinh vào loài súc sinh.
Nếu người tội nhẹ thì chung quanh bốn bên có sức nóng thổi lên, thân thể nung nấu, tự nhiên đói khát, xa thấy người đến đều cầm đao gậy, mâu kích cung tên, đứng vây chung quanh. Trông thấy thành lớp, ý muốn vào trong, vưa móng ý ấy, thành liền biến mất, năm ấm của thân trung ấm sinh vào loài quỷ đói, thấy những hiện tượng như vậy biết là bị đọa vào ngạ quỷ.
Bài tụng rằng:
Ương ngạnh ưa gièm pha
Xa giới, chẳng theo pháp
Phạm cấm viec ô uế
Tham lam ăn một mình.
Đọa vào chốn máu mũ
Đói khát phiền não đốt
Nên biết đám người này
Nhất định làm ngạ quỷ.
Người tu đức lành thanh tịnh thì gió mát bốn phía đến, gió đó rất thơm, biết bao loại hương xông bao phủ khắp trên thân, các loại âm thanh, kỹ nhạc cùng hòa âm. Xem thấy vườn cảnh, rừng cảnh hoa quả đều tươi tốt, mới móng ý muốn vào, tức thời biến mất, tinh thần của năm ấm nơi thân Trung ấm tự nhiên sinh lên Cõi Trời Đao Lợi.
Bài tụng rằng:
Theo pháp về Thánh đạo,
Gieo nghiệp phước sinh Tiên
Dùng kỹ nhạc tự vui
Dạo trong vườn cây hoa.
Chúng ngọc nữ đẹp đẽ
Mắt sáng ngời, đoan chánh
Thường xem, tâm ưa thích
Ở trên đỉnh Thái Sơn.
Người làm việc thiện hoặc ác không thuần nhất thì sẽ sinh vào loài người. Khi cha mẹ giao hợp, tinh huyết chẳng mất thì đứa con sẽ đầu thai. Cha mẹ cùng nghĩ về đức tốt ngang nhau thì bào thai suông sẻ, không có gì trở ngại, tâm luôn luôn vui vẻ, không nghĩ bậy thì được an ổn, không buồn bực, không có bệnh tật, có thể giữ lấy thai nhi.
Nhưng chẳng được xem thường, cũng không làm việc ngang ngược, làm theo chánh pháp chẳng bị nhiễm ô, tức là dứt bỏ tất cả trần cấu, tội lỗi. Còn tinh huyết chẳng trong cũng chẳng đục, vừa phải, chẳng mạnh cũng chẳng hư, cũng không đỏ đen, chẳng bị phong hàn, các độc xen lộn, chẳng lẫn với nước tiểu, thì thần thức của kẻ sắp sinh hướng đến, tâm tự nghĩ.
Nếu ta là nam thì chẳng cùng tương hợp với người nữ, ta muốn cùng tương thông thì khởi tâm sân giận. Kẻ nam tử oán giận kia, ý chí mềm yếu, nghĩ đến người nữ thì vừa giận, vừa vui, liền chê người nam, muốn đến người nữ. Nên khi tinh của người cha vọt ra thì thần thức vào của kẻ ấy vui, mừng, gọi là cho ta.
Bấy giờ, năm ấm của thân trung ấm liền biến mất, bèn nhập vào tinh huyết cha mẹ hợp lại thành bào thai.
Đã ở trong bào thai thì vui vẻ bội phần, cái chẳng phải là năm ấm của thân trung ấm, cũng chẳng lìa nó, thì khi vào bào thai gọi là sắc ấm, khi hoan hỷ là thống lạc ấm, khi nghĩ đến tinh huyết là tưởng ấm, do các duyên tội phước sẵn có được vào bào thai là hành ấm, thần thức ở trong bào thai tức là thức ấm. Hòa hợp như vậy gọi là năm ấm.
Khi tìm đến thai liền được hai căn: Ý căn và thân căn.
Tuần đầu ở trong thai chẳng tăng giảm gì.
Tuần thứ hai thai mới biến chuyển chút ít giống như váng sữa mỏng.
Đến tuần thứ ba tương tợ như kem.
Tuần thứ tư ngưng đọng lại như bơ.
Đến tuần thứ năm bào thai biến đổi giống như váng sữa.
Tuần thứ sáu biến thành cục thịt nhỏ.
Tuần thứ bảy chuyển thành như cục thịt lớn.
Qua tuần thứ tám, nó cứng như đất.
Tuần thứ chín biến thành năm khối u, hai cùi chỏ, hai đùi vế và cổ từ trong đó mọc ra.
Đến tuần thứ mười, lại có năm khối u, đó là hai tay, hai chân và đầu.
Tuần thứ mười một, tiếp tục sinh hai mươi bốn khối u, ngón tay, ngón chân, mắt, tai, mũi, miệng từ đây phát sinh.
Tuần thứ mười hai, tướng bào thai lần lần hình thành.
Tuần thứ mười ba, hiện tướng bụng.
Tuần thứ mười bốn sinh gan, phổi, tim và tỳ, thận.
Tuần thứ mười lăm thì sinh ruột già.
Tuần thứ mười sáu thì có ruột non.
Tuần thứ mười bảy thì có dạ dày.
Tuần thứ mười tám thì khởi hai chỗ sinh tạng và thục tạng.
Tuần thứ mười chín, sinh xương đùi vế và xương chân, bàn tay, bàn chân, cánh tay, các bộ phận của chân tay đã liền nhau.
Tuần thứ hai mươi, sinh hình dáng hậu môn, lỗ rún, khuôn mặt.
Tuần thứ hai mươi mốt, xương cộ của các bộ phận theo đó sinh ra. Hai xương ở sọ đầu, ba mươi hai răng ở miệng, bảy xương ở cổ, hai xương ở đùi vế, hai xương khuỷu tay.
Bốn xương cánh tay, mười hai xương ở bụng, mười tám xương ở lưng, hai xương cổ tay, bốn xương đầu gối, bốn mươi xương ở chân, một trăm lẻ tám xương nhỏ dính với thịt, trong đó, mười tám xương ở hai bên hông, hai xương ở trên mi. Như vậy, xương trong thân thể gồm có ba trăm, chúng dính liền nhau, mềm như trái bầu mới ra.
Tuần thứ hai mươi hai, xương cứng dần như trái bầu chưa già.
Tuần thứ hai mươi ba, xương chuyển thành cứng như hồ đào.
Ba trăm xương này đều nối liền nhau: Xương chân nối xương chân, xương đầu gối dính xương đầu gối, xương mắt cá dính với xương mắt cá, xương đùi vế dính với xương đùi vế, xương mông dính với xương mông, xương sống dính với xương sống, xương ngực dính với xương ngực, xương hông dính với xương hông, xương vai dính với xương vai. Các xương cổ, mặt, cánh tay, cổ tay, chân lần lượt nói dính liền nhau.
Các xương kết tụ như vậy giống như huyễn hóa. Lại như dồn xương làm bờ tướng, gân bó lại, máu chảy quanh, da thịt bít lấp bên trong, lớp da mỏng phủ lên. Do cái nhân là tội hay phước mà gặt hái cái quả như thế, nó không có tư tưởng, nương theo cái gốc tâm của nó theo phong đại dắt dẫn mà cử động.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Hai - Kinh Pháp Cú - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm địa Ngục
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Phương Quảng Phật Quang
Phật Thuyết Kinh Vua Tần Bà Sa La
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Bốn Mươi Chín - Phẩm Chăn Trâu - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm An Ban - Phần Một