Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Sáu Mươi Mốt - Pháp Hội Vô Tận ý Bồ Tát - Phần Bảy
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ SÁU MƯƠI MỐT
PHÁP HỘI VÔ TẬN Ý BỒ TÁT
PHẦN BẢY
Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Bồ Tát tu tâm từ cũng chẳng thể tận.
Tại sao vậy?
Tâm từ của Bồ Tát vô lượng vô biên. Bồ Tát tu tâm từ không có hạn lượng, đồng với chúng sanh giới. Bồ Tát tu tâm từ phát tâm che chở khắp tất cả chúng sanh.
Ví như Hư Không không đâu là chẳng khắp trùm che, tâm từ của Bồ Tát cũng như vậy, tất cả chúng sanh không ai là chẳng được trùm che.
Như chúng sanh giới vô lượng vô biên chẳng thể cùng tận, tâm từ của Bồ Tát cũng như vậy, vô lượng vô biên không có cùng tận.
Vì Hư Không vô tận nên chúng sanh vô tận. Vì chúng sanh vô tận nên Bồ Tát tu tâm từ cũng chẳng thể cùng tận. Đây gọi là tâm từ được tu của Đại Sĩ chẳng thể cùng tận.
Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi: Bạch Đại Sĩ! Ngang chừng nào gọi là chúng sanh giới?
Vô Tận Ý Bồ Tát nói: Thưa Tôn Giả! Bao nhiêu địa giới, thuỷ giới, hoả giới và phong giới, lượng ấy vô biên mà còn chẳng nhiều hơn chúng sanh giới.
Tôn Giả nói: Bạch Đại Sĩ! Chừng có thể nói ví dụ so sánh được chăng?
Vô Tận Ý Bồ Tát nói: Thưa Tôn Giả! Nói được, chỉ chẳng được dùng việc nhỏ để ví dụ. Phương Đông cách đây trọn một hằng hà sa số Thế Giới Chư Phật, Nam, Tây, Bắc, cùng bốn hướng và thượng hạ phương tất cả đều một hằng hà sa số Thế Giới Chư Phật. Mười phương Thế Giới ấy chung làm thành một biển lớn đầy nước.
Khiến một hằng hà sa số chúng sanh đồng tụ họp cầm một phần trăm của một sợi lông chẻ ra đồng chấm lấy giọt nước biển ấy. Một lần chấm nước biển ấy là một hằng hà sa số giọt, nhẫn đến chấm lấy hết nước biển lớn ấy. Như vậy vẫn còn chưa hết số chúng sanh giới. Từ tâm của Bồ Tát đều có thể che trùm hết chúng sanh như vậy.
Thưa Tôn Giả! Ý Ngài nghĩ sao, Bồ Tát tu từ thiện căn có thể tận được chăng?
Tôn Giả nói: Bạch Đại Sĩ! Thiệt chẳng thể tận. Hư không tánh còn có thể tận, từ tâm của Bồ Tát chẳng thể tận được. Nếu có Bồ Tát nghe lời này mà chẳng kinh sợ, thì nên biết Bồ Tát ấy được từ tâm vô tận vậy.
Vô Tận Ý Bồ Tát nói: Thưa Tôn Giả! Từ ấy có thể ủng hộ tự thân, mà cũng hay lợi ích người khác. Từ ấy không có tranh. Từ ấy hay đoạn dứt tất cả sân hận giận thù hệ phược.
Từ ấy hay lìa các kiết sử. Từ ấy hoan hỷ. Từ ấy chẳng thấy lỗi tất cả chúng sanh phá giới. Từ ấy không có nóng thân tâm thọ lạc.
Từ ấy xa lìa tất cả não hại. Từ ấy hay lìa tất cả bố uý. Từ ấy hay thuận đạo Chư Thánh. Từ ấy hay làm cho kẻ giận hoan hỷ. Từ ấy hay thắng tất cả đấu tranh.
Từ ấy hay xuất sanh lợi dưỡng và khen ngợi. Từ ấy trang nghiêm oai đức Đế Thích Phạm Vương. Từ ấy thường được người trí khen.
Từ ấy thường thủ hộ phàm phu ngu muội. Từ ấy thường tuỳ thuận đạo thanh tịnh. Từ ấy chẳng tạp uế hay xa lìa Dục Giới. Từ ấy hay hướng đến pháp môn giải thoát.
Từ ấy hay nhiếp tất cả thừa. Từ ấy hay nhiếp công đức pháp tài. Từ ấy trưởng dưỡng tất cả công đức. Từ ấy hơn các công đức vô tác. Từ ấy hay trang nghiêm tướng hảo. Từ ấy hay lìa căn độn hạ liệt. Từ ấy hay mở chánh đạo lành nhân Thiên Niết Bàn. Từ ấy hay lìa tam ác bát nạn. Từ ấy mến thích các thiện pháp.
Từ ấy như nguyện tất cả chỗ mong muốn đều thành tựu tự tại. Từ ấy bình đẳng với các chúng sanh. Từ ấy phát hành lìa những dị tướng. Từ ấy hướng ngay môn trì giới.
Từ ấy hay thủ hộ kẻ phạm giới. Từ ấy hay thành nhẫn lực vô thượng. Từ ấy hay lìa các mạn và phóng dật. Từ ấy phát khởi tinh tiến vô tranh nhập vào chánh đạo. Từ ấy căn bổn nhập vào Thánh thiền định.
Từ ấy hay khéo phân biệt tâm hành lìa các phiền não. Từ ấy nhân huệ mà sanh tổng trì ngữ ngôn văn tự. Từ ấy làm bạn với chánh định mà lìa bạn ma kiết sử.
Từ ấy thường ở chung với hoan hỷ. Từ ấy khéo làm sứ cho tâm. Từ ấy giữ chặt oai nghi giới cấm. Từ ấy hay lìa các điệu cử tháo động. Từ ấy hay diệt các thứ tướng. Từ ấy là hương lành tàm quý xoa thân. Từ ấy hay trừ hơi hôi thúi phiền não.
Thưa Tôn Giả! Phàm người tu tâm từ thì hay ủng hộ tất cả chúng sanh. Hay xả sự vui của mình mà ban cho chúng sanh. Hàng Thanh Văn tu tâm từ ngang với thân mình. Bồ Tát tu tâm từ trọn vì vô lượng chúng sanh.
Thưa Tôn Giả! Phàm người tu tâm từ hay qua khỏi các dòng. Chỗ được đến của tâm từ là duyên chúng sanh, duyên pháp và không có duyên. Duyên chúng sanh là sơ phát tâm từ. Duyên pháp duyên từ là đã tập làm. duyên vô duyên là được thâm pháp nhẫn vậy. Đây gọi là Bồ Tát tu hành đại từ mà chẳng thể tận vậy.
Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát tu hành đại bi cũng chẳng thể tận.
Tại sao?
Như mạng căn của người thì lấy hơi thở vào ra làm gốc. Bồ Tát tu học đại thừa như vậy lấy đại bi làm gốc. Như Vua Chuyển Luân Vương lấy luân bảo làm gốc. Bồ Tát tu nhất thiết trí lấy đại bi làm gốc. Như trưởng giả chỉ có một con trai thì tình thương yêu rất nặng. Bồ Tát đại bi với tất cả chúng sanh thương yêu như con trai một.
Đại bi như vậy ta đã làm rồi.
Đại bi như vậy làm rồi lợi mình.
Đại bi như vậy chẳng nhờ sự việc khác.
Đại bi như vậy tâm mình ra làm chẳng siểm khúc.
Đại bi như vậy việc ra làm phát xuất từ chánh quyết định.
Đại bi như vậy chủng tánh ra làm phát xuất từ trực đạo.
Đại bi như vậy tâm không tà vạy sanh chánh trực.
Đại bi như vậy không có kiêu mạn phát xuất cảnh giới chúng sanh.
Đại bi như vậy quên bỏ thân mình xuất sanh thân Như Lai.
Đại bi như vậy chẳng tham thọ mạng phát xuất chẳng làm điều ác.
Đại bi như vậy ủng hộ chúng sanh xuất sanh bồ đề.
Đại bi như vậy hộ pháp chân thiệt phát xuất tâm thanh tịnh.
Đại bi như vậy thấy kẻ nghèo cùng hoạn nạn phát xuất sự giúp cứu.
Đại bi như vậy bổn thệ kiên cố phát xuất tâm bất động.
Đại bi như vậy chẳng khi mình Nhân Thiên Hiền Thánh phát xuất chẳng hư dối.
Đại bi như vậy đồng hành thanh tịnh phát xuất thiện nghiệp.
Đại bi như vậy tự bỏ vui mình phát xuất ban vui cho người.
Đại bi như vậy chẳng làm khổ kẻ khác phát xuất chẳng cháy nóng.
Đại bi như vậy hay khiến chúng sanh bỏ gánh nặng phát xuất tinh tiến vững bền.
Đại bi như vậy có thế lực nhẫn phát xuất thủ hộ kẻ vô lực.
Đại bi như vậy chẳng nhàm sự đáng gớm phát xuất hay trông mong kẻ bịnh tật.
Đại bi như vậy được pháp tự tại phát xuất giáo hoá chúng sanh căn độn.
Đại bi như vậy che đậy công đức mình phát xuất hiển bày công đức người.
Đại bi như vậy phát xuất lìa các khổ.
Đại bi như vậy phát xuất cầu vô lậu lạc.
Đại bi như vậy phát xuất xả vật mình ưa thích.
Đại bi như vậy phát xuất làm những thiện nghiệp không hề nhiễu não.
Đại bi như vậy phát xuất khéo trì cấm giới chẳng bỏ kẻ phá giới cấm.
Đại bi như vậy phát xuất giáo hoá chúng sanh.
Đại bi như vậy phát xuất chẳng tiếc thân mạng.
Đại bi như vậy phát xuất xả bỏ tay chân mình.
Đại bi như vậy phát xuất sanh thiện căn cho người.
Đại bi như vậy phát xuất thiện căn lợi ích mình.
Đại bi như vậy phát xuất chẳng tham trước các thiền.
Đại bi như vậy phát xuất chẳng nhàm Dục Giới.
Đại bi như vậy xuất sanh quán huệ.
Đại bi như vậy phát xuất thiện căn chẳng ô nhiễm.
Đại bi như vậy phát xuất các chúng sanh thành tựu như sở nguyện.
Đại bi như vậy phát xuất hữu vi vô vi.
Đại bi như vậy phát xuất chẳng chứng vô vi.
Đại bi như vậy phát xuất biết chúng sanh tánh đồng vô vi mà hay giáo hoá.
Đại bi như vậy phát xuất thủ hộ kẻ phạm giới cấm.
Đại bi như vậy phát xuất tán thán Phật cấm giới.
Các bi Đại Thừa như vậy phát xuất đại bi.
Do nhân duyên ấy nên gọi là đại bi.
Gọi rằng đại bi ấy, là quyết định khéo thật hành bố thí trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí huệ và các trợ đạo pháp, để được trí huệ tự nhiên vô sư, kinh doanh sự nghiệp được làm của các chúng sanh khác, chuyên tinh cần mẫn như lo công việc của mình. Do nhân duyên ấy nên gọi là đại bi. Đây gọi là Bồ Tát tu hành đại bi mà chẳng thể tận.
Thưa Tôn Giả! Đại Bồ Tát tu hành tâm hỷ cũng chẳng thể tận.
Thế nào là hỷ?
Thường niệm chánh pháp hoan hỷ dũng dước, chẳng sanh giải đãi không có những nhiệt não. Lìa vui ngũ dục an trụ nơi pháp lạc.
Tâm hoà duyệt dự, thân nhẹ nhàng dịu dàng, ý siêng nhắc nhở dốc lòng thường sanh tâm bi. Thích cầu Như Lai Vô Thượng Pháp Thân, thích tu tướng hảo để tự trang nghiêm.
Nghe pháp không nhàm nhớ làm chánh pháp, làm chánh pháp rồi sanh tâm hoan hỷ, sanh hoan hỷ rồi đủ được pháp bi. Thường với chúng sanh chẳng sanh tâm trở ngại, dùng tăng thượng dục siêng cầu chánh pháp. Siêng cầu pháp rồi thâm tâm được hiểu Phật Pháp thậm thâm.
Xa lìa Nhị Thừa phát tâm vô thượng. Trừ những lẫn tiếc phát tâm xả, thấy người đến xin sanh lòng hoan hỷ. Lúc thí hoan hỷ thí rồi không tiếc, bố thí như vậy ba thời gian đều thanh tịnh. Được thanh tịnh rồi tâm được duyệt dự.
Nơi người trì giới thường hành bố thí, nơi kẻ phá giới lòng vui nhiếp thủ, tự trì cấm giới tâm thường thanh tịnh. Có thể làm cho các chúng sanh ác đạo kinh sợ được không sợ hãi xa lìa ác đạo. Tất cả hồi hướng Như Lai cấm giới, kiên trì vững chắc chẳng thể kém hư. Bị người mắng nhiếc đánh đập kham nhẫn chẳng báo trả.
Nơi các chúng sanh tâm không kiêu mạn, nơi các Tôn Trưởng thì tâm khiêm hạ cung kính, nói năng hoà vui lìa sự sụt sùi, trước dùng lời yêu thương trọn không dua vạy, chẳng có tà tâm dụ dỗ gạt phỉnh người, tâm mình thanh tịnh không có lỗi thô, nơi kẻ chẳng được chẳng thấy lỗi họ, chẳng tìm chỗ dở của người chẳng cử tội người, chuyên tâm chánh niệm các pháp hoà kính.
Nơi Chư Bồ Tát tưởng là Như Lai. Thương mến người thuyết pháp coi trọng hơn thân mình. Mến trọng Như Lai như tiếc mạng mình.
Nơi chư Sư Trưởng tưởng như cha mẹ.
Nơi các chúng sanh tưởng như con cái.
Nơi các oai nghi như bảo hộ đầu mặt.
Nơi các Ba la mật như thương ta mình.
Nơi các thiện pháp coi như trân bảo.
Nơi người dạy bảo coi như ngũ dục.
Nơi hạnh tri túc coi như không có bịnh. Ưa thích cầu pháp coi như diệu dược.
Nơi người cử tội mình coi như lương y. Nhiếp ngự các căn không có giải đãi.
Đây gọi là hỷ.
Hỷ ấy tịch tĩnh vì giác tri vi diệu vậy.
Hỷ ấy tịch diệt vì không có điệu hí vậy.
Hỷ ấy là chỗ dựa các hành vì không có hí luận vậy.
Hỷ ấy là căn bổn vì tâm chẳng loạn vậy.
Hỷ ấy là đa văn vì nắm lấy thiện ngữ vậy.
Hỷ ấy là bình đẳng vì tâm nhu nhuyến vậy.
Hỷ ấy dũng mãnh vì giỏi làm sự nghiệp vậy.
Hỷ ấy chẳng hối vì chuyên làm điều thiện vậy.
Hỷ ấy chánh trụ vì chẳng giải đãi vậy.
Hỷ ấy bất động vì không có sở y vậy.
Hỷ ấy bất cộng vì khó xô dẹp vậy.
Hỷ ấy thiệt nghĩa vì chẳng quên mất vậy.
Hỷ ấy chân thiệt vì không có biến đổi khác vậy.
Hỷ ấy thành thiệt vì đúng như chỗ làm vậy.
Hỷ ấy hay xả vì thế lực kiên lao vậy.
Hỷ ấy đại lực vì không gì thắng hơn được vậy.
Hỷ ấy hay làm thần lực Chư Phật vì cầu pháp Chư Phật vậy.
Đây gọi là Bồ Tát tu hành tâm hỷ mà chẳng thể tận vậy.
Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát tu hành tâm xả cũng chẳng thể tận.
Thế nào là Bồ Tát tu xả vô tận?
Bồ Tát tu xả là xả ba thứ, đó là xả các phiền não, xả hộ mình người và xả thời phi thời.
Thế nào là xả các phiền não?
Được cung kính cúng dường tâm chẳng cao, bị khinh chê trách mắng tâm cũng chẳng hạ. Nếu được lợi dưỡng tâm chẳng tham cậy, bị suy não tâm cũng chẳng sầu. Nếu được thưởng khen trước mặt tâm không mừng rỡ, bị chê trước mặt tâm cũng không lui sụt.
Nếu được khen sau lưng tâm khéo an trụ pháp giới, bị chê sau lưng tâm không kém sút. Nếu gặp sự khổ tâm gắng nhẫn thọ, gặp sự vui tâm thấy vô thường. Hay buông bỏ sở ái, hay đoạn dứt giận hờn.
Nơi người thân người chẳng thân tâm luôn bình đẳng.
Nơi người trì giới hay kẻ phá giới ý không tăng giảm.
Nơi làm thiện làm ác tâm không có hai tướng.
Nơi ái chẳng ái tâm không tham chấp.
Nghe thiện bất thiện tâm hay kham nhẫn.
Nơi lời thiện ác tâm không dính buộc.
Nơi tội lỗi họa tâm lượng không có hai.
Nơi các chúng sanh được tâm bình đẳng.
Nơi thượng trung hạ được quang minh đồng nhất. Chẳng tiếc thân mạng, với tốt xấu danh tiếng đồng như pháp giới.
Nơi pháp thiệt chẳng thiệt tâm được thanh tịnh.
Nơi những thế pháp được Bồ Tát xả.
Đây gọi là Bồ Tát xả các phiền não.
Thế nào là Bồ Tát xả hộ mình người?
Nếu bị chặt đứt thân thể tay chân tâm không sân hận chẳng cầu thù báo. Vì được tâm xả nên có thể xả hai thứ nội ngoại thân khẩu. Ở trong hai thứ ấy chẳng sanh tranh tụng.
Nơi nhãn cùng sắc không có dục nhơ, nơi nhĩ cùng thanh, tỷ cùng hương, thiệt cùng vị, thân cùng xúc và ý cùng pháp cũng đều không có dục nhơ. Ở trong những hai thứ ấy chẳng sanh tranh tụng nên gọi là xả. Chẳng tổn thương chẳng gây hại nên gọi là xả. Xả hộ mình và người nên gọi là xả.
Nơi lợi chẳng lợi tâm hành bình đẳng nên gọi là xả. Nơi đệ nhất nghĩa chẳng sanh tranh luận nên gọi là xả. Nơi tâm mình khéo hay phân biệt nên gọi là xả. Quán xả bỏ thân mình nên gọi là xả. Chẳng hại thân người nên gọi là xả. Bồ Tát tu xả, nơi các thiền định thường hành xả tâm. Chư Phật Thế Tôn chẳng cho Bồ Tát ở nơi các chúng sanh mà hành xả tâm.
Tại sao?
Vì Bồ Tát thường tu tinh tiến vì lợi tự tha ma siên cầu thiện căn vậy. Đây gọi là Bồ Tát xả hộ mình và người vậy.
Thế nào là Bồ Tát xả thời phi thời?
Phi khí chúng sanh xả mà chẳng dẫn tiếp. Suy huỷ cơ khổ xả mà chẳng thọ. Xả người cầu Thanh Văn thành quyết định. Lúc hành bố thí xả tu trì giới. Lúc tu trì giới xả bố thí.
Lúc tu nhẫn nhục xả thí giới tiến. Lúc tu tinh tiến xả thí giới nhẫn. Lúc hành thiền định xả bố thí. Lúc tu trí huệ xả năm Ba la mật.
Việc chẳng nên làm trọn chẳng còn làm. Các pháp như vậy an trụ giới hạnh, tinh cần dũng mãnh đầy đủ tu hành. Đây gọi là Bồ Tát tu vô tận xả vậy.
Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Bồ Tát các thông cũng chẳng thể tận.
Những gì là các thông?
Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, và như ý thông, đây gọi là Bồ Tát các thông.
Thế nào là Bồ Tát thiên nhãn thông?
Bồ Tát thiên nhãn là đệ nhất trên tất cả những thiên nhãn của Chư Thiên, Long, Bát Bộ, Thần và của hàng hữu học vô học Thanh Văn, Duyên Giác.
Bồ Tát thiên nhãn vi diệu thù thắng mở suốt tỏ rõ, do công đức hướng về nhất thiết trí cảm thành, chẳng đồng với Thiên Long và Nhị Thừa.
Mười phương vô lượng vô biên Thế Giới Chư Phật, trong ấy có bao nhiêu hình mạo sắc tượng quang minh hoặc thô hoặc tế hoặc gần hoặc xa, Bồ Tát thiên nhãn đều thấy tất cả soi rõ rành rẽ khéo hiểu khéo thấy, cũng thấy trong ấy bao nhiêu những chúng sanh thọ sanh các thú.
Trừ Vô Sắc Thiên, còn bao nhiêu những nghiệp hành sanh tử tương tục, hoặc nghiệp hoặc quả các căn sai khác đều thấy biết không sót.
Mười phương vô lượng vô biên Thế Giới Chư Phật trang nghiêm thanh tịnh vi diệu đều thấy rõ cả không thừa. Thấy rõ như vậy rồi, Bồ Tát thanh tịnh trì giới nguyện hồi hướng trang nghiêm Quốc Độ mình. An Trụ Trì giới ấy đúng như sở nguyện đều được thành tựu vô lượng lợi ích lớn.
Trong những Thế Giới mười phương ấy, Bồ Tát thiên nhãn cũng thấy đại chúng Bồ Tát tu hành Đạo bồ đề, bốn oai nghi nơi thân và chánh ức niệm, được pháp môn giải thoát an trụ tổng trì, biện tài phương tiện nhập vào huệ phương tiện. Thấy rồi, Bồ Tát tự tu đầy đủ những công hạnh ấy.
Bồ Tát thiên nhãn thanh tịnh vì thấy được sắc không có trở ngại vậy.
Bồ Tát thiên nhãn chẳng ô nhiễm vì chẳng tham trước nơi các sắc vậy.
Bồ Tát thiên nhãn giải thoát vì xa lìa các kiến phiền não vậy.
Bồ Tát thiên nhãn sáng sạch vì tánh minh liễu vậy.
Bồ Tát thiên nhãn chẳng y chỉ vì lìa cảnh sở duyên vậy.
Bồ Tát thiên nhãn chẳng phát xuất vì đoạn dứt phiền não vậy.
Bồ Tát thiên nhãn không mờ vì đoạn dứt lưới nghi vậy.
Bồ Tát thiên nhãn chẳng khởi vì đoạn dứt chướng ngại vậy.
Bồ Tát thiên nhãn được sáng vì soi rõ các pháp vậy.
Bồ Tát thiên nhãn niệm biết vì chẳng hành thức vậy.
Bồ Tát thiên nhãn không tham ái, sân khuể, ngu si vì hay dứt trừ các kiết sử vậy.
Bồ Tát thiên nhãn vô thượng vì thẳng đến Thánh bổn vậy.
Bồ Tát thiên nhãn vô ngại vì quang minh bình đẳng chiếu chúng sanh vậy.
Bồ Tát thiên nhãn vô cấu vì dứt các ác pháp vậy.
Bồ Tát thiên nhãn chẳng nhiễm vì tánh thanh tịnh vậy.
Bồ Tát thiên nhãn nhập Phật nhãn vì cứu cánh chẳng bỏ vậy.
Bồ Tát thiên nhãn chẳng hệ phược vì dứt tham sân vậy.
Bồ Tát thiên nhãn chiếu nghĩa xuất sanh chân thiệt tu hành vì nhớ biết đạo pháp thanh tịnh vậy.
Tại sao?
Vì Đại Sĩ ấy an trụ đại bi thâm giải pháp tướng, khéo phân biệt nghĩa không có tranh tụng, tùy thấy nghe nói pháp trái pháp bất thiện, xu hướng Đạo Tràng tâm không có chướng ngại, thấy người xan lẫn thì hay xả bỏ của cải bố thí, thấy kẻ phạm giới thì hay thanh tịnh trì giới.
Thấy người giận thù hay nhẫn chẳng tranh, thấy người giải đãi thì hay nhiếp thủ khuyên gắng, thấy người tán tâm thì chỉ dạy thiền chi, thấy người không có trí huệ thì hay ban cho huệ nhãn, thấy người hành tà đạo thì dạy họ Thánh đạo, thấy người tu hạ hành thì vì họ nói Phật Pháp thậm thâm vi diệu khiến nhập nhất thiết trí, chẳng thối thất các thần thông đầy đủ đạo bồ đề. Đây gọi là Bồ Tát thiên nhãn thần thông mà chẳng thể tận.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Lòng Ham Muốn Dẫn đến đau Khổ
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tát Giá
Phật Thuyết Kinh Tô Tất địa Yết La - Phẩm Bảy - Phẩm Trì Giới
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Hai - Kinh để Dành Sữa
Phật Thuyết Kinh đà La Ni Tập - Phần Mười - Kim Cang Tạng Hàng Ma Pháp
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Miêu Ly
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Bốn Mươi Sáu - Kinh Trộm Trâu ăn Thịt