Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Tám Mươi Năm - Phẩm Tánh Không
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
HỘI THỨ HAI
PHẨM TÁM MƯƠI NĂM
PHẨM TÁNH KHÔNG
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu các pháp v.v… tánh bình đẳng đều là bản tánh không. Bản tánh không này, tất cả pháp chẳng thể tạo tác.
Vậy làm sao khi Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa chẳng động thắng nghĩa, mà dùng bốn nhiếp sự nhiêu ích hữu tình?
Phật Bảo: Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Tất cả pháp tánh bình đẳng đều là bản tánh không. Bản tánh không này, tất cả pháp chẳng thể tạo tác, nhưng các Bồ Tát vì hữu tình, lấy bố thí v.v… làm việc nhiêu ích. Nếu các hữu tình tự biết các pháp đều bản tánh không, thì các Như Lai và các Bồ Tát chẳng hiện Thần Thông làm việc hy hữu.
Nghĩa là ở trong bản tánh không của các pháp, tuy không động nhưng khiến cho hữu tình xa lìa các loại vọng tưởng điên đảo, nghĩa là khiến cho các hữu tình xa lìa tưởng ngã, tưởng hữu tình, cho đến tưởng tri giả, kiến giả.
Cũng khiến cho xa lìa tưởng sắc cho đến thức, tưởng nhãn xứ cho đến ý xứ, tưởng sắc xứ cho đến pháp xứ, tưởng nhãn giới cho đến cho đến ý giới, tưởng sắc giới cho đến pháp giới, tưởng nhãn thức giới cho đến ý thức giới, tưởng nhãn xúc cho đến ý xúc, tưởng nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ, cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ, tưởng địa giới cho đến ý thức giới, tưởng vô minh cho đến lão tử.
Cũng khiến cho xa lìa tưởng hữu vi giới, trụ vô vi giới giải thoát tất cả sanh, lão, bệnh, tử. Vô vi giới tức là các pháp không, nương thế tục gọi là vô vi giới.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Do cái gì không nên nói các pháp không?
Phật Bảo: Này Thiện Hiện! Do tưởng không nên nói các pháp không.
Lại nữa, Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao?
Nếu thân biến hóa lại làm việc hóa, đây có thật sự là chẳng phải không chăng?
Thiện Hiện thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Các điều biến hóa đều không thật có, tất cả đều không.
Phật Bảo: Này Thiện Hiện! Biến hóa và không, hai pháp như thế chẳng hợp chẳng tan. Vì hai pháp đây đều không không nên không chẳng nên phân biệt cái này không, cái này hóa.
Vì sao vậy?
Vì chẳng phải trong tánh không, có hai việc không và hóa có thể được, vì tất cả pháp rốt ráo không vậy.
Lại nữa, Thiện Hiện! Không có sắc nào là chẳng phải hóa. Không có thọ, tưởng, hành, thức nào là chẳng phải hóa. Các pháp hóa này đều là không. Các pháp khác, hữu tình cũng phải biết như vậy.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Các pháp thế gian như uẩn, giới, xứ v.v… và các hữu tình đều là hóa.
Pháp xuất thế gian như Bốn Niệm Trụ v.v… và các hữu tình lẽ nào cũng là hóa?
Phật Bảo: Này Thiện Hiện! Tất cả pháp thế gian và pháp xuất thế gian… đều là hóa. Nhưng ở trong ấy, có hóa Thanh Văn, có hóa Ðộc Giác, có hóa Bồ Tát, có hóa Như Lai, có hóa phiền não, có hóa các nghiệp. Bởi nhân duyên đây nên ta nói tất cả đều như biến hóa… không sai khác nhau.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả quả đoạn như là quả Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán, Ðộc Giác, Như Lai, dứt hẳn phiền não tập khí nối nhau, lẽ nào cũng là hóa?
Phật Bảo: Này Thiện Hiện! Các pháp như thế, nếu cùng hợp với hai tướng sanh diệt thì cũng đều là hóa.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Pháp nào chẳng phải hóa?
Phật Bảo: Này Thiện Hiện! Nếu pháp nào chẳng hợp với hai tướng sanh diệt thì pháp ấy chẳng phải hóa.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Pháp nào chẳng hợp với tướng sanh diệt?
Phật Bảo: Này Thiện Hiện! Pháp chẳng hư dối tức là Niết Bàn. Pháp này chẳng hợp với tướng sanh diệt, nên chẳng phải hóa.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Như Thế Tôn nói, pháp tánh bình đẳng, tất cả đều không, không có kẻ năng động, không có hai để được, không có một chút pháp nào mà tự tánh chẳng phải là không.
Như vậy, lẽ nào có thể nói Niết Bàn là chẳng phải hóa?
Phật Bảo: Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói, không có một chút pháp nào mà tự tánh chẳng phải là không. Tự tánh không này chẳng phải Thanh Văn làm, chẳng phải Ðộc Giác làm, chẳng phải Bồ Tát làm, chẳng phải Như Lai làm, cũng chẳng phải ai làm.
Có Phật hay không có Phật, tánh ấy vẫn thường không. Đây tức là Niết Bàn. Cho nên Như Lai nói Niết Bàn chẳng phải hóa, chẳng phải thật có pháp gọi là Niết Bàn, có thể nói vô sanh diệt chẳng phải hóa.
Lại nữa, Thiện Hiện! Ta vì các Bồ Tát tân học mà nói Niết Bàn chẳng phải hóa, chẳng riêng thật có Niết Bàn bất không. Vì vậy, chẳng nên chấp đây là khó.
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bèn thưa Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Dùng phương tiện nào truyền trao, dạy bảo các tân học Bồ Tát khiến cho biết tự tánh các pháp là thường không?
Phật Bảo: Này Thiện Hiện! Lẽ nào tất cả pháp trước có sau không mà chẳng thường không. Nhưng tất cả pháp trước đã chẳng phải có, sau cũng chẳng phải không, tự tánh thường không, chẳng nên kinh sợ. Nên dùng phương tiện khéo léo như thế, truyền trao dạy bảo tân học Bồ Tát khiến cho biết tự tánh các pháp là thường không.
Khi Đức Thế Tôn thuyết kinh này rồi, vô lượng chúng Đại Bồ Tát, Bồ Tát Từ Thị làm thượng thủ. Các Ðại Thanh Văn như cụ thọ Thiện Hiện, Xá Lợi Tử, Ðại Thái thục thị, Ðại Ca Diếp Ba, A Nan Đà… và các Trời, rồng, A Tố Lạc… tất cả đại chúng nghe Phật thuyết xong đều rất vui mừng, tín thọ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bốn - Phẩm Ngạ Quỷ - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Mười Một - Phẩm Kệ Tụng Phần Thứ Nhì - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Một - Phẩm Hội Mật Nghiêm
TỀ HOẰNG CÔNG VÀ THỢ ĐẼO BÁNH XE
Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Ba - Nhẫn Nhục độ Vô Cực - Kinh Số Bốn Mươi Chín