Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Phạm Hạnh - Phần Tám

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương

 PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương  

PHẨM HAI MƯƠI

PHẨM PHẠM HẠNH  

PHẦN TÁM  

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát có thân xa lìa mà chẳng phải khẩu, có khẩu xa lìa mà chẳng phải thân, có chẳng phải thân, chẳng phải khẩu mà cũng xa lìa.

Lìa sát, đạo, dâm gọi là thân xa lìa mà chẳng phải khẩu. Lìa vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, vô nghĩa ngữ thời gọi là khẩu xa lìa mà chẳng phải thân. Xa lìa tham lam, ganh ghét, giận hờn, tà kiến thời gọi là ý xa lìa, mà chẳng phải thân chẳng phải khẩu.

Đại Bồ Tát chẳng thấy một pháp nào là thân là nghiệp cùng ông chủ xa lìa, nhưng cũng có xa lìa. Do đây nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn, khẩu và ý cũng như vậy.

Này thiện nam tử! Từ nơi thân xa lìa thân, từ nơi khẩu xa lìa khẩu, từ trí huệ xa lìa chẳng phải thân chẳng phải khẩu. Thật có trí huệ này nhưng chẳng thể khiến Bồ Tát xa lìa vì không có một pháp nào hoại được làm được. Tánh của pháp hữu vi, lúc sanh khác, lúc diệt khác. Vì thế nên trí huệ này chẳng thể xa lìa.

Này thiện nam tử! Trí huệ chẳng thể phá, lửa chẳng thể cháy, nước chẳng thể rã, gió chẳng thể động, đất chẳng thể giữ, sanh chẳng thể sanh, lão chẳng thể lão, trụ chẳng thể trụ, hoại chẳng thể hoại, tham chẳng thể tham, sân chẳng thể sân, si chẳng thể si.

Bởi tánh của pháp hữu vi lúc sanh khác, lúc diệt khác. Đại Bồ Tát trọn chẳng nghĩ rằng tôi dùng trí huệ này phá các phiền não mà tự nói rằng tôi phá phiền não, dầu nói như vậy nhưng chẳng phải hư vọng. Do đây nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật! Thế Tôn! Nay tôi mới biết Đại Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn, Phật, Pháp, Chúng Tăng, Kinh Đại Niết Bàn và người thọ trì Bồ Đề Niết Bàn đều chẳng thể nghĩ bàn.

Bạch Thế Tôn! Phật Pháp vô thượng thời gian bao lâu sẽ diệt?

Này thiện nam tử! Nếu đệ tử ta còn có người thọ trì đọc tụng biên chép diễn thuyết nghĩa của Kinh Đại Niết Bàn, nhẫn đến năm hạnh: Thánh hạnh, Phạm hạnh, Thiên hạnh, bệnh hạnh, anh nhi hạnh, được chúng sanh cung kính tôn trọng tán thán cúng dàng, nên biết đó là thời kỳ Phật Pháp Chư a diệt.

Này thiện nam tử! Nếu Kinh Đại Niết Bàn lúc lưu hành đầy đủ, hàng đệ tử của ta phần nhiều phạm giới cấm tạo nghiệp ác, không kính tin Kinh Điển này, vì không tin nên chẳng thọ trì đọc tụng biên chép, giải thuyết ý nghĩa của Kinh này, chẳng được mọi người cung kính cúng dường, lúc thấy người thọ trì lại khinh chê, nên biết đó là thời kỳ Phật Pháp sắp diệt chẳng còn lâu.

Ca Diếp Bồ Tát lại bạch Phật: Thế Tôn!

Chính tôi từng nghe Phật nói rằng: Chánh pháp của Phật Ca Diếp ở đời bảy ngày thời diệt hết.

Bạch Thế Tôn! Phật Ca Diếp có Kinh Đại Niết Bàn này chăng?

Nếu như có sao lại nói là diệt?

Nếu Hư Không có thời sao lại nói rằng Kinh Đại Niết Bàn là tạng bí mật của Chư Phật?

Này thiện nam tử! Trước kia ta nói rằng chỉ có Văn Thù Sư Lợi mới hiểu được nghĩa này.

Nay ta sẽ nói lại, ông nên chí tâm lắng nghe! Này thiện nam tử!

Chư Phật có hai loại pháp: Một là Thế pháp, hai là đệ nhất nghĩa pháp. Thế pháp thời có hoại diệt, đệ nhất nghĩa pháp không có hoại diệt.

Lại có hai loại: Một là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, những pháp này có hoại diệt, hai là thường, lạc, ngã, tịnh, pháp này không hoại diệt.

Lại có hai loại: Một là pháp của nhị thừa thọ trì đây thời có hoại diệt, hai là pháp của Bồ Tát thọ trì, đây thời không hoại diệt.

Lại có hai loại: Một là ngoại pháp thời có hoại diệt, hai là nội pháp thời không hoại diệt.

Lại có hai loại: Một là pháp hữu vi thời có hoại diệt, hai là pháp vô vi thời không hoại diệt.

Lại có hai loại: Một là pháp có thể được thời có hoại diệt, hai là pháp không thể được thời không hoại diệt.

Lại có hai loại: Một là cộng pháp thời có hoại diệt, hai là bất cộng pháp thời không hoại diệt.

Lại có hai loại: Một là pháp trong loài người thời có hoại diệt, hai là pháp trong loài Trời thời không hoại diệt.

Lại có hai loại: Một là mười một Bộ Kinh thời có hoại diệt, hai là Kinh Phương Đẳng thời không hoại diệt.

Này thiện nam tử! Nếu hàng đệ tử của ta thọ trì đọc tụng, biên chép giải thuyết cùng cung kính cúng dàng tôn trọng tán thán Kinh Phương Đẳng đại thừa, nên biết đó là thời kỳ Phật Pháp chẳng diệt.

Này thiện nam tử! Vừa rồi ông hỏi Phật Ca Diếp có Kinh này chăng?

Này thiện nam tử! Kinh Đại Niết Bàn là tạng bí mật của tất cả Phật. Vì Chư Phật dầu có mười một Bộ Kinh, nhưng chẳng nói Phật Tánh, chẳng nói thường, lạc, ngã, tịnh của Như Lai, chẳng nói Chư Phật trọn không rốt ráo nhập Niết Bàn. Vì thế nên Kinh này gọi là tạng bí mật của Như Lai.

Trong mười một Bộ Kinh chẳng nói đến nên gọi là tạng. Như thất bảo của người chẳng đem ra ngoài để dùng thời gọi là Bảo Tạng.

Tài vật của người này chứa cất để dùng vào việc tương lai. Nghĩa là dự phòng lúc lúa gạo mắc, giặc đến xâm lăng, chính trị khổ khắc, thời dùng để chuộc mạng, hoặc đường giao thông bế tắc mới đem ra dùng.

Cũng vậy, tạng bí mật của Như Lai cũng để dự phòng đời vị lai các Tỳ Kheo ác chứa vật bất tịnh, đối với tứ chúng nói Như Lai rốt ráo nhập Niết Bàn, đọc tụng sách vở thế gian, chẳng kính Kinh Điển của Phật.

Lúc những điều ác như vậy hiện ra nơi đời, Đức Như Lai vì muốn dứt các sự ác ấy nên diễn nói Kinh này, khiến mọi người xa lìa những lợi dưỡng tà mạn. Lúc Kinh Tạng bí mật này dứt diệt, nên biết đó là thời kỳ Phật Pháp diệt.

Này thiện nam tử! Kinh Đại Niết Bàn thường còn chẳng biến đổi, sao ông lại hỏi rằng lúc Phật Ca Diếp có Kinh này chăng?

Này thiện nam tử! Thời kỳ Phật Ca Diếp, chúng sanh ít tham dục, nhiều trí huệ, hàng Đại Bồ Tát điều thuận nhu hòa dễ giáo hóa, có đại oai đức tổng trì chẳng quên, như Đại Tượng Vương.

Cõi nước thanh tịnh. Tất cả chúng sanh đều biết Như Lai chẳng rốt ráo nhập Niết Bàn thường trụ chẳng biến đổi, nên dầu có Kinh này mà chẳng cần diễn thuyết.

Chúng sanh đời nay phiền não nhiều, ngu si ưa giận hờn không trí huệ, lòng tin chẳng vững, nhiều nghi ngờ, cõi nước bất tịnh, chúng sanh cho rằng Như Lai vô thường dời đổi rốt ráo nhập Niết Bàn. Do cớ này nên Như Lai diễn thuyết Kinh đây.

Này thiện nam tử! Chánh pháp của Phật Ca Diếp thật chẳng diệt mất vì chánh pháp thường trụ chẳng biến đổi.

Này thiện nam tử! Nếu có chúng sanh đối với chân ngã mà thấy là vô ngã, vô ngã lại thấy là có ngã, chân thường thấy là vô thường, vô thường thấy là thường, chân lạc thấy là vô lạc, vô lạc thấy lạc, chân tịnh thấy là bất tịnh, bất tịnh thấy là tịnh, diệt thấy là bất diệt, bất diệt thấy là diệt, tội thấy là chẳng phải tội, phi tội thấy là tội, tội nhẹ thấy là nặng, tội nặng thấy là nhẹ.

Thừa thấy là phi thừa, phi thừa thấy là thừa, đạo thấy là phi đạo, phi đạo thấy là đạo, thật là bồ đề thấy chẳng phải bồ đề, thật chẳng phải là bồ đề thấy lầm là bồ đề, khổ thấy chẳng phải khổ, tập thấy chẳng phải tập, diệt thấy chẳng phải diệt, đạo thấy chẳng phải đạo.

Thật là thế đế lại thấy là đệ nhất nghĩa đế, còn đệ nhất nghĩa đế lại thấy là thế đế, quy thấy là chẳng quy, chẳng phải quy thấy là quy, cho lời của Phật nói là lời của ma, còn thiệt lời ma lại cho là lời Phật, vào thời kỳ như trên đây Chư Phật bèn nói Kinh Đại Niết Bàn.

Này thiện nam tử! Thà nói vòi con muỗi tột đến đáy biển lớn, chẳng nên nói chánh pháp của Như Lai diệt. Thà nói rằng lấy dây vấn buộc luồng gió mạnh, thà nói lấy miệng thổi tan núi Tu Di.

Thà nói trong đống lửa hừng mọc bông sen, thà nói thuốc A Dà Đà là độc dược, thà nói có thể làm cho mặt trăng nóng mặt trời lạnh, thà nói bốn đại chúng đều bỏ tánh chất của nó, trọn chẳng nên nói rằng chánh pháp của Như Lai diệt.

Này thiện nam tử! Lúc Phật mới ra đời chứng đặng vô thượng bồ đề rồi, hàng đệ tử chưa có người hiểu thấu đại thừa rất sâu, Đức Phật đó bèn nhập Niết Bàn, nên biết chánh pháp đó chẳng ở lâu nơi đời.

Nếu có hàng đệ tử đã hiểu thấu nghĩa đại thừa rất sâu, Phật dầu nhập Niết Bàn nhưng chánh pháp vẫn ở lâu nơi đời.

Này thiện nam tử! Nếu Phật ra đời chứng vô thượng bồ đề, hàng đệ tử dầu có người hiểu nghĩa đại thừa rất sâu, mà không có hàng Bạch Y Đàn Việt hết lòng kính tin tôn trọng Phật Pháp, khi Phật nhập Niết Bàn rồi, thời chánh pháp đó chẳng ở lâu nơi đời.

Nếu có hàng Bạch Y Đàn Việt hết lòng kính tin Phật Pháp. Phật dầu nhập Niết Bàn nhưng chánh pháp vẫn ở lâu nơi đời.

Này thiện nam tử! Nếu Phật ra đời chứng vô thượng bồ đề, có các đệ tử hiểu nghĩa đại thừa rất sâu, cũng có Bạch Y Đàn Việt hết lòng kính tin tôn trọng Phật Pháp, mà các đệ tử thuyết pháp lại vì danh lợi, chẳng cầu Niết Bàn, khi Phật diệt rồi thì chánh pháp chẳng ở lâu nơi đời.

Trái lại nếu hàng đệ tử thuyết pháp vì cầu Niết Bàn chẳng ham danh lợi, Phật dầu nhập diệt nhưng chánh pháp vẫn ở lâu nơi đời.

Này thiện nam tử! Nếu Phật ra đời chứng đặng vô thượng bồ đề, dầu có các hàng đệ tử hiểu nghĩa đại thừa rất sâu, cũng có hàng Bạch Y Đàn Việt hết lòng kính tin tôn trọng Phật Pháp, mà các đệ tử sanh nhiều sự tranh tụng hơn thua phải quấy lẫn nhau, Phật lại nhập Niết Bàn, thời chánh pháp chẳng ở lâu nơi đời.

Trái lại các đệ tử thật hành pháp hòa kính, chẳng hơn thua phải trái nhau, tôn trọng lẫn nhau, dầu Phật nhập Niết Bàn nhưng chánh pháp vẫn ở lâu chẳng diệt.

Này thiện nam tử! Nếu Phật ra đời chứng vô thượng bồ đề, có những đệ tử hiểu nghĩa đại thừa rất sâu, cũng có hàng Bạch Y Đàn Việt hết lòng kính tin tôn trọng Phật Pháp, các đệ tử vì cầu Đại Niết Bàn mà thuyết pháp, cung kính lẫn nhau, nhưng cất chứa những vật bất tịnh, lại khen rằng tôi đặng quả Tu Đà Hoàn, nhẫn đến quả A La Hán Phật lại nhập Niết Bàn thời chánh pháp đó chẳng ở lâu nơi đời.

Trái lại hàng đệ tử chẳng cất chứa những vật bất tịnh cũng chẳng tự nói mình đã chứng quả Tu Đà Hoàn, nhẫn đến quả A La Hán, Phật dầu diệt độ, nhưng chánh pháp vẫn còn không diệt.

Này thiện nam tử! Nếu Phật ra đời chứng vô thượng bồ đề có các đệ tử đủ những điều kiện trên nhưng lại chấp kiến giải của mình mà lập những dị thuyết: Này Trưởng Lão! Giới của Phật chế, bốn giới trọng nhẫn đến bảy pháp diệt tránh, vì chúng sanh nên hoặc ngăn, hoặc mở, mười hai Bộ Kinh cũng như vậy.

Vì Phật biết Cõi nước đều sai khác, chúng sanh căn tánh lợi độn chẳng đồng vì thế nên Như Lai nói có khinh có trọng, hoặc ngăn hoặc mở.

Như lương y trị bệnh người bệnh nóng thời cho uống sửa, bệnh lạnh thời ngăn không cho uống sữa. Đức Như Lai quán sát căn bệnh phiền não của chúng sanh, nên cũng mở cũng ngăn.

Này Trưởng Lão tôi đích thân nghe Phật nói nghĩa ấy, chỉ tôi biết chớ Ngài không biết được, chỉ tôi hiểu luật chớ Ngài không hiểu, chỉ tôi biết kinh chứ Ngài không biết được.

Nên biết khi Phật diệt độ chánh pháp đó chẳng ở lâu nơi đời. Trái lại hàng đệ tử đủ các điều kiện trên lại không lập dị thuyết. Phật dầu diệt độ nhưng chánh pháp vẫn ở lâu nơi đời.

Này thiện nam tử! Lúc chánh pháp của ta diệt, hàng Thanh Văn đệ tử hoặc có người nói có thần, hoặc nói không thần, có trung ấm hoặc không trung ấm, có ba đời hoặc không ba đời, có ba thừa hoặc không ba thừa, hoặc nói tất cả đều có, hoặc nói tất cả đều không, hoặc nói chúng sanh có thỉ có chung.

Hoặc nói chúng sanh không thỉ không chung, hoặc nói có mười hai nhân duyên là pháp hữu vi, hoặc nói là pháp vô vi, hoặc nói Như Lai có bệnh khổ, hoặc nói Như Lai không bệnh khổ, hoặc nói Như Lai không cho Tỳ Kheo ăn mười thứ thịt:

Thịt người, thịt rắn, thịt voi, thịt ngựa, thịt lừa, thịt chó, thịt sư tử, thịt heo, thịt chồn, thịt khỉ vượn, ngoài ra đều cho, hoặc nói tất cả thứ thịt đều không cho ăn, hoặc nói Tỳ Kheo chẳng được làm năm việc:

Chẳng đặng bán những thứ: Sanh vật, dao, rượu, thuốc nhuộm, dầu mè, ngoài ra đều cho, hoặc nói chẳng cho vào năm thứ nhà: Nhà hàng thịt, nhà dâm nữ, nhà rượu, cung Vua, nhà Chiên Đà La, ngoài ra đều cho, hoặc nói chẳng cho mặc y Kiều Xa Gia, ngoài ra đều cho, hoặc nói Như Lai cho các Tỳ Kheo lãnh thọ và chứa cất y phục đồ nằm trị giá mười muôn lượng vàng, hoặc nói chẳng cho.

Hoặc nói Niết Bàn là thường, lạc, ngã, tịnh, hoặc nói Niết Bàn chính là kiết sử dứt hết không còn có pháp gì khác nên gọi là Niết Bàn, như dệt chỉ gọi đó là y, y đã hư rách thời gọi là không y, không có pháp gì khác gọi là không y, thể của Niết Bàn cũng như vậy.

Đương thời kỳ đó, các đệ tử của ta: Chánh thuyết thời ít tà thuyết thời nhiều, thọ chánh pháp thời ít, thọ tà pháp thời nhiều, thọ lời Phật thời ít, thọ lời ma thời nhiều.

Bây giờ trong nước Câu Diêm Di có hai đệ tử: Một là La Hán hai là phá giới, người phá giới có năm trăm đồ chúng, La Hán có một trăm đồ chúng. Người phá giới nói Đức Như Lai rốt ráo nhập Niết Bàn, chính tôi nghe Phật nói nghĩa đó, bốn giới trọng của Phật chế, nếu trì cũng được.

Nếu phạm cũng không tội, nay tôi cũng đặng quả A La Hán, bốn trí vô ngại, mà A La Hán cũng phạm tội như vậy, nếu bốn giới trọng thật là tội, thời A La Hán lẽ ra chẳng phạm. Lúc Đức Như Lai còn ở đời bảo phải giữ gìn, đến lúc nhập Niết Bàn thời đều phóng xả.

Lúc đó A La Hán bảo Tỳ Kheo rằng: Này Trưởng Lão ông chẳng nên nói Đức Như Lai rốt ráo nhập Niết Bàn. Tôi biết Đức Như Lai thường còn chẳng biến đổi. Đức Như Lai ở đời cùng lúc đã nhập Niết Bàn, phạm bốn trọng giới, tội không sai khác.

Nếu nói A La Hán phạm trọng giới thời không đúng nghĩa. Vì Tu Đà Hoàn còn chẳng phạm cấm giới huống là A La Hán.

Nếu Trưởng Lão nói rằng tôi là A La Hán. Trưởng Lão nên biết A La Hán trọn chẳng tưởng rằng tôi đặng A La Hán. A La Hán chỉ nói pháp lành chẳng nói pháp ác. Lời nói của Trưởng Lão thuần là phi pháp.

Nếu có người được đọc mười hai Bộ Kinh thời quyết định biết rằng Trưởng Lão chẳng phải A La Hán. Lúc đó đồ chúng của Tỳ Kheo phá giới liền giết A La Hán chết. Ma Vương nhân hai chúng giận hờn nhau bèn hại cả sáu trăm Tỳ Kheo.

Bầy giờ phàm phu trong đời đều bảo nhau rằng: Thương thay Phật Pháp nay đã dứt. Nhưng chánh pháp của ta thật chẳng dứt mất, vì trong nước ấy có mười hai muôn Đại Bồ Tát khéo hộ trì pháp của ta.

Lúc bấy giờ trong Diêm Phù Đề không có một Tỳ Kheo làm đệ tử của ta. Ma Vương Ba Tuần dùng lửa đốt tất cả Kinh Điển. Trong đó hoặc còn sót, hàng Bà La Môn bèn trộm lấy lượm lặt để vào trong sách của họ.

Do đây nên hàng Tiểu Bồ Tát, lúc Phật Chư a ra đời đem nhau tin lấy lời của Bà La Môn. Hàng Bà La Môn dầu nói rằng tôi có trai giới, nhưng thiệt ra các ngoại đạo đều không có.

Hàng ngoại đạo dầu nói: Có ngã, có lạc, có tịnh, nhưng thiệt ra họ chẳng hiểu nghĩa lạc, ngã, tịnh. Chính là họ lấy một chữ hai chữ một câu hai câu trong Phật Pháp rồi nói là trong sách vở họ có nghĩa như vậy.

Lúc bấy giờ trong rừng Ta La Song Thọ nơi thành Câu Thi Na, vô lượng vô biên vô số đại chúng nghe lời Phật nói như trên, liền đồng tiếng xướng rằng: Thế gian trống rỗng! Thế gian trống rỗng!

Ca Diếp Bồ Tát bảo đại chúng: Các người chớ lo rầu khóc lóc. Thế gian chẳng trống rỗng vì Phật Pháp và Tăng là thường trụ không biến đổi.

Đại chúng nghe lời này liền thôi khóc, tất cả đều phát tâm vô thượng bồ đề. Lúc bấy giờ thành Vương Xá, Vua A Xà Thế tánh tình tệ ác, thích chém giết, miệng đủ bốn điều ác, tham, sân, si đầy nơi tâm, chỉ thấy hiện tại chẳng thấy vị lai, thuần dùng người ác để làm quyến thuộc, vì tham ngũ dục hiện đời mà giết Vua cha vô tội. Hại cha xong lòng ăn năn bức rức, khắp mình sanh ghẻ lở tanh hôi chẳng ai dám gần.

Vua A Xà Thế liền tự nghĩ rằng: Nay ta đã phải thọ lấy quả báo, không bao lâu chắc phải bị quả báo nơi địa ngục. Thân mẫu của nhà Vua là bà Vi Đề Hy lấy các thứ thuốc để thoa xức, nhưng ghẻ càng lở nặng thêm.

Vua A Xà Thế thưa với mẹ: Ghẻ lở này do nơi tâm mà sanh chẳng phải do tứ đại, không thể dùng y dược trong đời mà điều trị được.

Vua bảo các vị Đại Thần: Nay thân tâm của ta đều đau khổ. Cha ta vô tội, ta lại giết hại. Từng nghe người trí bảo rằng người phạm tội ngũ nghịch quyết định chẳng thoát khỏi địa ngục. Nay ta đã phạm tội nghịch thân tâm đau khổ, không có lương y nào chữa trị được.

Đại Thần Nguyệt Xưng liền thưa với nhà Vua: Như người thích ngủ nghỉ, ngủ nghỉ càng thêm nhiều, như người mê dâm dục, dâm dục càng thêm nhiều, như người ưa uống rượu, càng lúc càng uống nhiều. Nếu thường sầu khổ nhiều, thêm sầu cũng như vậy. Như Đại Vương vừa nói người phạm tội ngũ nghịch quyết định chẳng thoát khỏi địa ngục.

Có ai đến ngục thấy việc ấy trở về thưa với Đại Vương chăng?

Lời nói địa ngục chính là người trí ở thế gian nói. Nay có Đại Y sĩ hiệu là Phu Lan Na đặng sức định tự tại thấy biết tất cả, tu tập hạnh thanh tịnh thường vì mọi người mà diễn thuyết đạo Niết Bàn Vô Thượng, dạy hàng đệ tử rằng không có nghiệp ác, không có báo ác.

Không có nghiệp lành không có báo lành. Không có nghiệp lành ác, không có báo lành ác.

Không có thượng nghiệp cũng không có hạ nghiệp. Đại Sư này hiện nay ở trong thành Vương Xá. Xin Đại Vương giá lâm, để nhờ Đại Sư ấy điều trị.

Vua nói: Nếu ông ấy có thể diệt trừ tội lỗi của ta, thời ta sẽ quy y. Lại có một vị Đại Thần tên Tạng Đức thưa với nhà Vua, mong Đại Vương chớ lo rầu sợ sệt.

Có hai thứ pháp luật: Một là xuất gia, hai là Vương pháp. Hại cha mình để lên ngôi trị nước, dầu là nghịch nhưng đối với Vương pháp thật không có tội.

Như trùng Ca La La phải cắn lủng bụng mẹ mới sanh được. Dầu cắn lủng bụng mẹ thật ra hàng trùng cũng không có tội. Con la nghén chửa cũng như vậy. Phương pháp trị nước theo phép phải như vậy, dầu giết hại cha anh cũng không có tội.

Còn pháp luật xuất gia thời nhẫn đến giết muỗi kiến cũng đều có tội cả. Xin Đại Vương chớ lo rầu, vì càng sầu khổ thời càng thêm sầu khổ. Như người ưa ngủ, thích rượu, tham dâm thời sự ngủ v.v… càng thêm.

Nay có vị Đại Sư tên Mạt Già Lê Câu Xá Ly Tử thương xót chúng sanh như con đỏ, thấy biết tất cả, đã lìa phiền não có thể cứu vớt chúng sanh khỏi ba mũi tên độc bén nhọn.

Đại Sư này thường dạy đệ tử rằng:

Tất cả chúng sanh thân có bảy nguyên tố: Địa, thủy, hỏa, phong, khổ, lạc và thọ mạng. Bảy thứ ấy chẳng phải hoá, chẳng thể làm chẳng thể hủy hại, như cỏ Y Sư Ca, an trụ chẳng động như núi Tu Di. Chẳng bỏ chẳng làm dường như sữa, như chất lạc.

Chẳng cãi lẻ nhau: Hoặc khổ hoặc vui, là lành hay chẳng lành. Lấy dao bén chặt không chỗ bị thương bị hại, vì trong bảy nguyên tố ấy trống rỗng không ngăn ngại. Mạng cũng không bị hại vì không có người hại và người chết, không làm không thọ, không nói không nghe không có ai nhớ cũng hư không người dạy bảo.

Đại Sư ấy thường thuyết pháp như vậy làm cho chúng sanh dứt trừ tất cả trọng tội. Nay Đại Sư ấy hiện ở trong thành Vương Xá. Xin Đại Vương đến đó. Nếu Đại Vương gặp được Đại Sư ấy thời các tội sẽ tiêu trừ.

Vua A Xà Thế bảo Đại Thần Tạng Đức: Nếu thật được như vậy ta sẽ quy y.

Lại có một Đại Thần tên là Thiệt Đức tâu cùng Vua rằng: Xin Đại Vương chớ sầu khổ. Nếu Tiên Vương tu đạo giải thoát, giết hại thời có tội. Nếu theo phép trị nước thời không có tội. Tất cả chúng sanh đều có nghiệp thừa, do nghiệp này nên thường bị sanh tử.

Nếu như Tiên Vương có nghiệp thừa Đại Vương giết hại thời có tội gì. Mong Đại Vương yên lòng chớ sầu khổ vì người thường sầu khổ thời sầu khổ càng thêm.

Hiện nay trong thành Vương Xá có vị Đại Sư hiệu là San Xà Dạ Tỳ La Chi Tử thấy biết tất cả, trí sâu rộng như biển cả, có oai đức, có thần thông, có thể làm cho chúng sanh lìa các lưới nghi.

Ngài dạy hàng đệ tử rằng: Trong quần chúng nếu là bậc Vua chúa, thời tự tại tùy ý làm việc lành việc ác, trọn không có tội, như lửa đốt cháy đồ vật không luận là sạch cùng chẳng sạch. Như mặt đất chứa chở cả sạch cùng nhơ. Như nước, sạch dơ đều rửa. Như gió, sạch dơ đều thổi.

Dầu có các việc như vậy mà đất nước v.v… trọn không giận, không mừng, phép của Vua chúa cũng đồng như vậy. Như cây mùa thu trụi lá, mùa xuân thời đâm chồi, dầu chặt cây trụi nhưng không có tội. Cũng vậy chúng sanh ở chỗ này chết trở lại sanh chỗ này, vì sanh trở lại nên không có tội.

Những quả báo khổ vui của tất cả chúng sanh đều chẳng phải do nghiệp đời hiện tại chính là do nghiệp nhân đời quá khứ. Hiện tại không nghiệp nhân thì vị lai không quả báo.

Do quả hiện tại nên chúng sanh trì giới tinh tấn tu hành để ngăn quả ác hiện tại. Do trì giới thời đặng vô lậu, vì đặng vô lậu thời hết nghiệp hữu lậu, vì hết nghiệp nên đặng hết khổ, vì hết khổ nên đặng giải thoát.

Xin Đại Vương mau đến đó. Nếu Đại Vương được thấy Đại Sư ấy thời tất cả tội đều trừ.

Vua đáp rằng: Nếu thật như vậy thời ta sẽ quy y.

Lại có một Đại Thần tên Tất Tri Nghĩa tâu cùng Vua rằng: Xin Đại Vương thư tâm chớ sầu khổ. Ngày xưa có Vua La Ma giết cha để lên ngôi. Vua Mạc Đề, Vua Tỳ Lâu Chân, Vua Na Hầu Sa, Vua Ca Đế Ca, Vua Tỳ Xá Khư, Vua Nguyệt Quang Minh, Vua Nhật Quang Minh, Vua Ái Vương, Vua Tỳ Đa Nhân, đều giết hại cha mình mà lên ngôi, nhưng không có một Vua nào bị đọa địa ngục.

Đời nay có Vua Tỳ Lưu Ly, Vua Ưu Đa Dạ, Vua Ác Tánh, Vua Thử Vương, Vua Liên Hoa, đều giết hại cha mình, mà không một Vua nào sanh lòng sầu não. Dầu nói rằng địa ngục, ngã quỷ, trên Trời, nhưng ai thấy được đó.

Tâu Đại Vương chỉ có hai loài: Một là người hai là súc sanh. Dầu có hai loài nhưng chẳng phải do nhân duyên sanh, cũng chẳng phải do nhân duyên chết. Đã chẳng phải do nhân duyên thời có gì là thiện là ác. Mong Đại Vương chớ buồn rầu sợ sệt. Vì người thường sầu khổ thời sầu khổ càng thêm.

Nay gần thành Vương Xá có vị Đại Sư hiệu là A Kỳ Đa Xúy Xá Khâm Bà La thấy biết tất cả, xem vàng cùng đất đồng nhau.

Đối với người lấy dao chém vào hông bên mặt cùng người lấy chiên đàn thoa vào hông bên trái, tâm của Ngài bình đẳng không sai khác, không oán, không thân, thật là bậc lương y trong đời.

Đại Sư dạy hàng đệ tử rằng: Hoặc tự làm, hoặc bảo người làm, hoặc tự chém, hoặc bảo người chém, hoặc tự đốt, hoặc bảo người đốt, hoặc tự hại, hoặc bảo người hại, hoặc tự trộm, hoặc bảo người trộm, hoặc tự dâm, hoặc bảo người dâm, hoặc tự vọng ngữ, hoặc bảo người vọng ngữ, hoặc tự uống rượu.

Hoặc bảo người uống rượu, hoặc giết một thôn, một thành, một nước, hoặc dùng đao luân giết tất cả chúng sanh, hoặc phía nam Sông Hằng bố thí chúng sanh, phía Bắc Sông Hằng giết hại chúng sanh, tất cả đều không tội không phước, không thí, không giới, không định. Nếu Đại Vương gặp được Đại Sư ấy thời những tội lỗi sẽ dứt trừ.

Vua bảo Đại Thần Tất Tri Nghĩa: Nếu thật được như vậy ta sẽ quy y.

Lại có Đại Thần tên là Kiết Đắc tâu cùng Vua rằng: Ai đến phỉnh gạt Đại Vương mà nói rằng là có địa ngục?

Như đầu gai nhọn ai làm ra?

Loài chim khác màu ai làm ra?

Tánh nước nhuần ướt, tánh đá cứng rắn, tánh lửa thời nóng, tánh gió thời động, tất cả muôn vật tự sanh tự chết ai làm ra?

Thuyết địa ngục chính là văn tự của người trí.

Hạ thần này xin trình bày nghĩa địa ngục: Chữ địa là đất, chữ ngục nghĩa là phá, phá địa ngục không có tội báo, đây gọi là địa ngục. Lại chữ địa là người, chữ ngục là Trời, bởi hại cha mình nên đến trong người trên Trời.

Do nghĩa này nên Bà Tẩu Tiên Nhân nói rằng: Giết dê đặng quả vui Cõi Trời cõi người, đây gọi là địa ngục. Lại chữ địa là mạng, chữ ngục là dài, do sát sanh nên đặng thọ mạng dài, đây gọi là địa ngục.

Tâu Đại Vương do đây nên biết thật không có địa ngục. Như gieo bắp đặng bắp, gieo lúa đặng lúa, giết địa ngục mắc phải địa ngục, giết hại người lẽ ra phải đặng báo người.

Đại Vương nên nghe lời hạ thần trình bày, thật không có sự giết hại, vì nếu có ngã thời không hại, nếu không ngãlại không chỗ hại.

Vì có ngã thời thường còn không biến đổi, vì thường còn nên chẳng thể giết hại, chẳng phá, chẳng hoại, chẳng trói, chẳng buộc, không giận, không mừng, dường như hư không, sao lại có tội giết hại.

Nếu không ngã thời các pháp đều vô thường, vì vô thường nên niệm niệm hoại diệt, vì niệm niệm hoại diệt nên người giết, người chết đều niệm niệm diệt, nếu đã niệm niệm diệt thời ai sẽ có tội.

Tâu Đại Vương như lửa đốt cây, lửa không có tội, như búa chặt cây, búa cũng không tội, như liềm cắt cỏ liềm thật không tội, như dao giết người, dao chẳng phải người dao đã không tội, sao người lại có tội?

Như thuốc độc giết người, thuốc độc chẳng phải người, thuốc độc đã không tội, sao người lại có tội?

Tất cả muôn vật cũng đều như vậy, thật không giết hại, sao lại có tội. Mong Đại Vương chớ nên sầu khổ, vì thường sầu khổ thời sầu khổ càng thêm.

Nay gần thành Vương Xá có vị Đại Sư hiệu là Ca La Cưu Đà Ca Chiên Diên thấy biết tất cả, rõ suốt ba đời, trong khoảng một niệm có thể thấy vô lượng vô biên thế giới, nghe tiếng cũng vậy, Đại Sư ấy có thể làm cho chúng sanh xa lìa tội lỗi, như Sông Hằng bao nhiêu đồ nhơ uế, đều làm cho sạch sẽ.

Đại Sư ấy dạy đệ tử rằng: Nếu người giết hại tất cả chúng sanh mà lòng không ăn năn hổ thẹn thời trọn chẳng đọa ác thú, như hư không chẳng dính bụi dính nước, nếu lòng ăn năn hổ thẹn liền đọa địa ngục, như nước thấm ướt đất. Tất cả chúng sanh đều do Tự Tại Thiên tạo ra.

Tự Tại Thiên mừng thời chúng sanh an vui, Tự Tại Thiên sân thời chúng sanh khổ não. Tất cả tội phước của chúng sanh đều do Tự Tại Thiên làm ra, sao lại nói rằng loài người có tội có phước.

Ví như thợ máy chế ra người máy, cũng đi đứng ngồi nằm, chúng sanh cũng như vậy. Tự Tại thiên dụ như máy, thân chúng sanh dụ như người máy. Tạo hoá như vậy thời ai là người có tội.

Nếu Đại Vương gặp được Đại Sư ấy thời tội Chư ớng sẽ tiêu trừ.

Vua bảo Đại Thần Kiết Đắc: Nếu thật được như vậy thời ta sẽ quy y.

Lại có Đại Thần tên Vô Sơ Úy tâu cùng Vua A Xà Thế rằng: Xin Đại Vương chớ sầu khổ. Xét về dòng Sát Đế Lợi là dòng Vua chúa, nếu vì nước, vì Sa Môn và Bà La Môn, vì vấn đề an ổn nhân dân, dầu có giết hại nhưng không tội.

Tiên Vương dầu cung kính Sa Môn mà chẳng phụng thờ các Bà La Môn, tâm không bìng đẳng chẳng phải thật dòng Sát Đế Lợi.

Nay Đại Vương muốn cúng dường các Bà La Môn mà giết hại Tiên Vương thời có tội gì?

Tâu Đại Vương! Thật ra không có giết hại. Xét về sự giết hại là giết hại mạng sống. Mạng là hơi gió, tánh hơi gió không thể giết hại được, sao lại nói rằng hại mạng thời sẽ có tội. Mong Đại Vương chớ sầu khổ, vì thường sầu khổ thời sầu khổ càng thêm.

Nay trong thành Vương Xá có vị Đại Sư hiệu là Ni Kiền Đà Nhã Đề Tử thấy biết tất cả, thương xót chúng sanh, rõ biết căn tánh lợi độn, tám pháp thế gian không làm ô nhiễm được ngài, tu tập phạm hạnh thanh tịnh, Đại Sư ấy dạy hàng đệ tử rằng: Không bố thí, không nghiệp lành, không cha, không mẹ, không đời nay, không đời sau, không A La Hán, không đạo hạnh, không tu hành.

Tất cả chúng sanh trải qua bốn muôn kiếp, tự nhiên sẽ thoát khỏi dòng sanh tử, không luận là người có tội hay vô tội, như bốn con sông lớn đều chảy vào biển cả, tất cả chúng sanh lúc đặng giải thoát đều đồng nhau không khác. Nếu Đại Vương gặp được Đại Sư ấy thời các tội chướng sẽ tiêu trừ.

Vua bảo Đại Thần Vô sở úy: Nếu thật như vậy ta sẽ quy y.

Mặc dầu các Đại Thần khuyên lơn giảng dạy đủ điều như vậy, nhưng Vua A Xà Thế vẫn sầu khổ.

Lúc đó Đại Y Sĩ Kỳ Bà tâu cùng Vua rằng: Đại Vương ngủ nghỉ có đặng yên chăng?

Vua A Xà Thế liền nói kệ rằng:

Nếu có người dứt hẳn được,

Tất cả những phiền não hoặc,

Chẳng tham nhiễm trong ba cõi.

Mới ngủ nghỉ được an ổn. 

Nếu người chứng Đại Niết Bàn,

Diễn thuyết nghĩa lý rất sâu.

Gọi là thiệt Bà La Môn.

Mới ngủ nghỉ được an ổn,

Thân không tạo nghiệp ác,

Miệng xa lìa bốn điều lỗi,

Tâm không có những lưới nghi,

Mới ngủ nghĩ đặng an ổn.

Thân tâm đều không nhiệt não,

An trụ nơi chỗ tịch tịnh,

Đặng đến cảnh vui vô thượng,

Mới ngủ nghỉ được an ổn.

Trong lòng không có chấp lấy,

Xa lìa những niệm oán thù,

Thường hòa thuận không tránh tụng,

Mới ngủ nghỉ được an ổn.

Nếu chẳng tạo những nghiệp ác,

Thường có tâm niệm hổ thẹn,

Tin làm ác có quả báo,

Mới ngủ nghỉ được an ổn.

Cung kính phụng dưỡng cha mẹ,

Chẳng giết hại một sanh mạng.

Chẳng trộm cướp tài vật người,

Mới ngủ nghỉ được an ổn.

Điều phục sửa trị sáu căn.

Gần gũi bậc thiện tri thức,

Phá hoại tất cả bốn ma,

Mới ngủ nghỉ được an ổn.

Chẳng thấy lành cùng chẳng lành,

Với những sự khổ sự vui,

Vì cứu độ những chúng sanh,

Nên luân chuyển trong sanh tử,

Nếu người có thể như vậy,

Mớ ngủ nghỉ được an ổn.

Ai đặng ngủ nghỉ yên ổn?

Đáp rằng:

Chính là Chư Phật.

Quán sâu nơi tam muội.

Thân cùng tâm an chẳng động.

Ai ngủ nghỉ được an ổn?

Đáp rằng: Là đấng từ bi.

Thường siêng tu chẳng phóng dật,

Xem chúng sanh như con một.

Chúng sanh bị tội vô minh,

Chẳng thấy quả khổ phiền não,

Thường gây tạo những nghiệp ác,

Nên ngủ nghỉ chẳng được yên,

Hoặc vì lợi chính thân mình,

Và đến thân những người khác,

Mà gây tạo mười nghiệp ác,

Thời ngủ nghỉ chẳng được yên.

Nếu nói vì lên ngôi Vua,

Hại cha vẫn không tội lỗi,

Thuận theo ác tri thức này,

Thời ngủ nghỉ chẳng được yên.

Nếu ăn uống không tiết độ,

Uống chất lạnh mà quá nhiều,

Do đây phải mang bệnh khổ,

Thời ngủ nghỉ chẳng được yên.

Nếu đối với Vua có lỗi,

Tà niệm với vợ con người,

Cùng đi trên đường xa vắng,

Thời ngủ nghỉ chẳng được yên.

Trì giới chưa được quả lành.

Thái tử chưa được nối ngôi,

Kẻ trộm chưa lấy được của,

Thời ngủ nghỉ chẳng được yên.

*** 

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần