Phật Thuyết Kinh đại Tập Ví Dụ Vương - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TẬP VÍ DỤ VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy  

PHẦN MỘT  

Lại nữa, khi nói pháp này, mạng giả Xá Lợi Phất, từ chỗ ngồi, đứng dậy, sửa Y Ưu Đa La Tăng Già qua một bên, gối phải quỳ sát đất, chắp tay, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con có một số việc muốn hỏi, cúi mong Thế Tôn cho phép và giải đáp theo những gì con hỏi.

Phật bảo mạng giả Xá Lợi Phất: Này Xá Lợi Phất! Tùy theo những gì ông hỏi, Như Lai A La Ha Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, sẽ theo câu hỏi đó, giải đáp, để cho ông được tự tại.

Mạng giả Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Trong Châu Diêm Phù này, nếu có mưa thì mưa nơi nào mới gọi là mưa thiện?

Phật khen Xá Lợi Phất: Rất hay! Này Xá Lợi Phất! Ông hãy đem biện tài vi diệu của mình, để khéo suy nghĩ. Ông hỏi Như Lai về nghĩa này, là vì muốn lợi ích cho nhiều chúng sinh, muốn làm an lạc cho nhiều người, thương xót thế gian, vì lợi ích an lạc cho các hàng Trời, Người, cũng vì muốn khiến cho các thiện nam, thiện nữ ở hiện tại và vị lai, phát sinh tinh tấn, phát sinh bồ đề thừa.

Này Xá Lợi Phất! Hãy khéo lắng nghe, khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì ông mà nói.

Xá Lợi Phất thưa: Dạ vâng, thưa Thế Tôn! Con rất muốn nghe.

Phật bảo Xá Lợi Phất: Này Xá Lợi Phất!

Người trong Châu Diêm Phù này, gieo trồng các giống: Nào là mía, nho, đại mạch, tiểu mạch, lúa, lúa tẻ, vừng, đậu lớn, đậu nhỏ, đậu giang, đậu tất, đậu Ca trà ha lợi na giống như hạt đậu lớn, Trung Hoa không có. Nếu mưa xuống những ruộng đất đang gieo trồng những thứ ấy, gọi là mưa thiện.

Vì sao?

Vì nếu những nơi ấy, thu hoạch được các hương vị, nó sẽ nuôi sống người ở trong Châu Diêm Phù. Thế nên, mưa ở những nơi ấy, gọi là mưa thiện.

Xá Lợi Phất lại thưa: Thưa Thế Tôn! Nếu thiện nam, thiện nữ muốn bố thí pháp, thí ở nơi nào, mới gọi là bố thí thiện?

Phật đáp: Này Xá Lợi Phất! Ta nói pháp bố thí nếu ở nơi nào mà pháp được lan truyền khắp, gọi là thiện thí. Trong các pháp thí, bố thí pháp cho các Bồ Tát Ma Ha Tát mới là thiện thí tối thắng.

Vì sao?

Vì thiện nam kia, vì chúng sinh mà cầu pháp. Thế nên, khi thí pháp ấy, gọi là thiện thí tối thắng.

Xá Lợi Phất! Ví như mưa ngoài biển cả, không phải là không có quả, không phải là không thọ dụng.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Khi thí pháp cho các Bồ Tát Ma Ha Tát, không phải là không có quả, không phải là không thọ dụng.

Vì sao?

Vì thiện nam đó, đã vì các chúng sinh mà cầu pháp.

Xá Lợi Phất! Ví như có người mài dũa châu Ma Ni, nếu siêng năng ra sức, mới gọi là làm tốt.

Vì sao?

Vì lúc nào dũa châu Ma Ni, cùng làm với trăm ngàn châu thủy tinh…

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Nếu các Bồ Tát ra sức thì mới gọi là làm tốt.

Vì sao?

Vì thiện nam đó đã vì các chúng sinh mà cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, phát tâm hành vô thượng bồ đề.

Xá Lợi Phất! Ví như biển cả, không chỗ nào, là không xuống được, không chỗ nào, là không vào được.

Vì sao?

Vì biển cả dần dần sâu, dần dần cạn, thế nên không chỗ nào, là không xuống được, không chỗ nào là không vào được. Như vậy, Bồ Tát Ma Ha Tát tu hạnh Bồ Tát, đối với trí tuệ Ba la mật phương tiện thiện xảo thì không có pháp nào, mà không thể nói.

Xá Lợi Phất! Ví như lấy một ít nước trong ao, đem trồng hoa Ưu Bát La, lá nó mọc lên, tuy là nước cùng một ao, nhưng hoa bên ngoài, lá của nó không được vi diệu như vậy. Do đó, không thể khen là quý trọng. Còn hoa mà được trồng bên trong ao, nhất định được thiện nam, thiện nữ khen là quý trọng.

Cũng thế, này Xá Lợi Phất! Thanh Văn và Độc Giác cùng một pháp giới chứng, nhưng không được khen ngợi quý trọng. Còn Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà, lại được Trời, Người trong thế gian tán thán quý trọng.

Thế nên, Xá Lợi Phất! Khi thấy được nghĩa này rồi, thiện nam, thiện nữ cần phát tâm ấy, chớ có chứng cùng một pháp giới mà đắc Thanh Văn, Độc Giác. Thì sẽ không được tán thán quý trọng. Vậy nay chúng ta hãy phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, như Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mới được khen ngợi, quý trọng như vậy.

Này Xá Lợi Phất! Ví như cây Trầm thủy hoặc cây Chiên đàn, lá của nó, không được khen ngợi quý trọng như hương của lõi cây nó. Như thế, tuy cùng một pháp giới chứng, nhưng trí tuệ của Thanh Văn, Độc Giác không được đầy đủ, như hương chân thật.

Còn Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà, chân hương đầy đủ. Khi thấy được nghĩa ấy, các thiện nam, thiện nữ có được bao nhiêu thiện căn, đều nên hồi hướng về Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Xá Lợi Phất! Ta nói những người ấy, đều nhờ nơi thiện hữu, mà được thành tựu, sinh tâm hoan hỷ mến mộ đối với Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, rồi đem hướng dẫn, khuyến khích người khác siêng năng thực hành, sinh tâm hoan hỷ mến mộ.

Vì sao?

Vì xưa kia ta cũng nhờ thiện hữu giáo hóa, cho nên nay thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Xá Lợi Phất! Ví như có người, muốn lấy châu báu. Lại có người thứ hai, cũng muốn lấy châu báu. Người thứ nhất, hướng dẫn cho người thứ hai về con đường đi đến châu báu và chỗ có châu báu. Ta cho người này không tham lam keo kiệt.

Như vậy, Xá Lợi Phất! Người mà chỉ cho biết hết con đường đến chỗ châu báu, ta cho rằng, người này, cũng không tham lam keo kiệt.

Xá Lợi Phất! Có châu báu, giá trị đến trăm ngàn. Châu báu ấy được lấy từ trong biển, lúc nó còn ở trong biển, chưa có người mài dũa, nhưng khi đã được đưa lên Châu Diêm Phù rồi, mới có người mài dũa.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Nếu có người muốn thấy Như Lai, phải phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Khi thấy được mỗi mỗi công đức thù thắng của Như Lai rồi, liền thực hành rộng rãi, sẽ thành Thanh Văn.

Cứ lần lượt hành như vậy, sẽ thành Độc Giác, cho đến chứng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Còn các thiện căn khác đều nhờ gặp thiện hữu mà đều được thành tựu quảng đại. Thấy được nghĩa này rồi, thiện nam, thiện nữ. Nên cầu thiện hữu, để thân gần thừa sự. Thừa sự rồi, cần phải hành tập nhiều Phật Sự. Cứ làm như vậy, không bao lâu sẽ thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Vì sao?

Vì xưa kia ta cũng được sự giáo hóa của thiện hữu, nên nay mới thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Xá Lợi Phất! Như ngọc quý Ma Ni, lúc mài dũa, có các mạt vụn rơi xuống, các mạt vụn đó không được cho là quý trọng. Còn hạt báu Ma Ni kia. Hoặc Vua, hoặc đại thần của Vua cùng các người trí khác, mới có khả năng phân biệt nó là báu và khen ngợi quý trọng.

Như thế, này Xá Lợi Phất! Thanh Văn, Độc Giác tuy là cùng một pháp giới chứng, nhưng không được khen ngợi quý trọng. Còn Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà nhất định được hàng Trời, Người trong thế gian hoặc Càn Thát Bà, A Tu La… khen ngợi quý trọng.

Xá Lợi Phất! Ví như có người tự đem một nén vàng, đến chỗ của người thợ vàng, hay chỗ học trò của người thợ vàng, nói: Ông hãy đem nén vàng này, làm cho tôi một chiếc vòng, để tôi đeo vào chân.

Khi ấy, người thợ vàng hoặc học trò sẽ nói với người đó: Thưa anh! Tôi sẽ đem nén vàng này làm thành chuỗi, rồi tùy anh, muốn đội lên đảnh hay đeo vào cổ, vào tay nhất định sẽ được mọi người thấy và sinh vui thích, khen ngợi anh.

Xá Lợi Phất! Dù người thợ vàng có khuyên cách nào đi nữa, nhưng người ngu kia vẫn không chấp nhận, mà cứ khăn khăn bảo người thợ vàng, làm vòng đeo chân cho tôi!

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Có thiện nam, thiện nữ nào, ở chỗ Như Lai, hay chỗ Thanh Văn, hành pháp thí tối thắng.

Khi ấy, nếu có thiện hữu đến đó nói với họ: Này bạn, nay bạn thực hành pháp thí tối thắng này, là trái với việc thiện.

Vì sao?

Vì bạn đem pháp thí tối thắng này, ở trong pháp có hạn lượng, mà hồi hướng quả vị Thanh Văn, quả vị Độc Giác. Nay bạn thực hành pháp thí tối thắng này, để được các thiện căn thì phải đem thiện căn đó, hồi hướng đến Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Xá Lợi Phất! Trong pháp thế gian và xuất thế gian, trí tuệ tối thắng của Chư Phật Thế Tôn là đệ nhất, thế nên Chư Phật Thế Tôn tán thán Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Vì sao?

Vì đó là việc hồi hướng đến vô thượng. Khi thấy được nghĩa này rồi, các thiện nam, thiện nữ có bao nhiêu thiện căn đều nên hồi hướng đến Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Xá Lợi Phất! Như có hai người, trong đó có một người chuyên làm sợi tơ kim sắc Kiếp Ba Bà rất giỏi, tuy cùng một loại cây làm ra, nhưng áo đó mịn màng giá trị đến trăm ngàn.

Còn một người chỉ muốn làm áo thô kệch cho nộ bộc, người này đến chỗ thợ dệt nói: Này bạn! Sợi tơ sắc vàng Kiếp Ba Bà này của tôi, bạn hãy cố gắng lo liệu cho xong. Cùng một loại cây, nhưng bạn làm sao giúp tôi làm sợi cho tốt.

Thợ dệt nói: Này bạn! Tôi sẽ cùng với bạn may áo giá trị trăm ngàn, cần gì đến loại áo to thô đó.

Người kia không nhận lời khuyên tốt của thợ dệt mà cứ bảo. Hãy làm áo thô kệch cho tôi.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Tuy cùng một pháp, cùng một thiện căn, nhưng lại có người vin theo quả vị Thanh Văn, hoặc có người vin theo quả vị Duyên Giác, Độc Giác, hoặc có người trụ vào đạo Vô thượng.

Xá Lợi Phất! Trong đó nếu có người vin theo quả vị Thanh Văn, Độc Giác thì nên nói với người ấy như vậy: Thiện căn này của ngươi là nhân Như Lai.

Còn người cầu vô thượng bồ đề, nên nói với họ như vậy: Thiện căn mà ngươi có được, từ bố thí pháp, nên gom nó lại thành một khối, hồi hướng đến Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Hồi hướng như vậy rồi, đem thiện căn ấy thí cho chúng sinh, khởi tâm vô tận giáo hóa chúng sinh ấy. Nhân nơi thiện căn này, mà nguyện cho các chúng sinh sẽ được đầy đủ trí không thể nghĩ bàn, trí không thể kể, trí tối thắng vô thượng trong ba cõi… cũng như Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà.

Này Xá Lợi Phất! Ví như đệ nhất phu nhân của Vua, sinh ra tám người con. Trong các người con ấy, chỉ có một người đầy đủ vương tướng, được thừa kế vương vị và được làm lễ quán đảnh. Còn các người con khác chỉ làm cận thần, y theo pháp mà phụng sự.

Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao?

Chẳng phải bụng người mẹ có lỗi lầm, khiến các người con khác không được quán đảnh, kế thừa vương vị chăng?

Xá Lợi Phất thưa: Không phải kế thừa Thế Tôn! Vì sao?

Vì đời trước, các người con ấy, không tạo vương nghiệp, không trồng thiện căn, do nhân duyên đó, cho nên các người con này, không được kế thừa vương vị và quán đảnh.

Phật khen: Đúng thế! Này Xá Lợi Phất! Tuy cùng một pháp giới chứng, nhưng Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà được xưng là Pháp Vương. Còn các thiện nam chỉ được xưng là Thanh Văn.

Như vậy chẳng phải pháp giới này có lỗi lầm chăng?

Xá Lợi Phất thưa: Không phải thế, thưa Thế Tôn! Không phải pháp giới có lỗi lầm. Nhưng do đời trước, các thiện nam ấy, có các thiện căn, không hồi hướng đến vô thượng bồ đề, không hành đạo này, không phát nguyện, cũng không tạo thiện căn tối thượng, lại không cầu sự hiểu biết rộng rãi để làm lợi ích, cho nên nay, chỉ được Thanh Văn.

Những thiện nam ấy, cũng không hành hạnh Như Lai, lại không có công đức của Như Lai, không đầy đủ thần thông như các Đức Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà. Do nghĩa đó, nên thiện nam, thiện nữ tạo các thiện căn, nên hồi hướng đến vô thượng bồ đề.

Này Xá Lợi Phất! Ví như cây Ba Lợi Chất Đa La Câu Tỳ Đa La mới mọc, cả Cõi Trời Tam Thập Tam đều vui thích nói: Cây này đã mọc thì Cõi Trời Tam Thập Tam không còn trống không nữa.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Khi thiện nam, thiện nữ phát tâm vô thượng bồ đề thì khi đó có chánh tín với Tam Bảo, nên được các hàng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, nhân phi nhân… tâm sinh phấn khởi.

Nói rằng: Đạo Tràng này, nay không còn trống không nữa, rồi đây sẽ có Bồ Tát thành tựu vô thượng bồ đề.

Xá Lợi Phất! Ví như cây Ba Lợi Chất Đa La Câu Tỳ Đa La. Cõi Trời Tam Thập Tam thấy nó ra lá thì không còn khen ngợi, không còn quý trọng nữa. Mà chỉ khen ngợi vui thích, khi nào thấy nó trổ hoa.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Thanh Văn, Độc Giác, tuy cùng một pháp chứng, nhưng không được hàng Trời, Người tán thán, quý trọng. Còn như thấy Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà, liền sinh tâm phấn khởi.

Vì sao?

Vì Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà, đủ các thiện căn và ba mươi hai tướng đại trượng phu, ánh sáng hơn cả mặt trời, mặt trăng, chiếu khắp vô lượng Cõi Phật và thương xót chúng sinh.

Xá Lợi Phất! Ví như cây Ba Lợi Chất Đa La Câu Tỳ Đa La. Đến lúc nó phát triển, Cõi Trời Tam Thập Tam biết, cây này không bao lâu nữa sẽ ra nhiều lá, nhiều đến trăm ngàn câu chi na do tha lá, cho đến vô lượng A tăng kỳ lá, phủ kín khắp cả.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát, lúc mới phát tâm, lúc sinh, lúc lớn, nên biết sẽ có trăm ngàn câu chi na do tha Thanh Văn, cho đến vô lượng, vô biên A tăng kỳ các chúng Thanh Văn đến vây quanh Bồ Tát và có rất nhiều Thanh Văn, Độc Giác xuất hiện.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường