Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI THỪA MẬT NGHIÊM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Địa Bà Ha La, Đời Đường
PHẨM TÁM
PHẨM A LẠI DA VI MẬT
TẬP MỘT
Bấy giờ, trong chúng hội có Bồ Tát tên là Bảo Thủ nói với Vua chúng Sắc Tối Thắng: Nhà Vua nên thưa hỏi Bồ Tát Kim Cang Tạng trụ ở trong tam muội, tất cả thế gian có các pháp xa lìa các phân biệt và danh tự, không tương ưng với danh tướng, tự tánh của pháp ấy trụ ở đâu, các Phật Tử này nhất tâm mong được nghe.
Khi ấy Vua Sắc Tối Thắng liền theo nghĩa đó mà hỏi:
Danh tướng các cảnh giới
Tất cả pháp thế gian
Đây chỉ là phân biệt
Do lìa phân biệt có.
Như vậy mà lập danh
Danh ấy trú chỗ nào
Bậc Kim Cang tự tại
Xin giảng nói cho tôi.
Bấy giờ, Bồ Tát Kim Cang Tạng dùng kệ đáp:
Các pháp trong thế gian
Tất cả chỉ có danh
Do tưởng mà lập nên
Lìa danh không nghĩa khác.
Bốn uẩn chỉ danh tự
Vì thế gọi là danh
Như tên gọi trưởng giả
Chỉ danh không có thể.
Phật và các Phật Tử
Chỉ nhân tướng gọi tên
Lìa tướng mà có danh
Là phân biệt không thành
Do vì nương nơi tướng
Phân biệt vô số danh
Như cung kính, nói năng
Đây đều không thật có
Chỗ phàm phu phân biệt
Đều nương chấp theo tướng
Vì vậy pháp thế gian
Lìa tướng tức là không
Bình, vỏ và xe cộ
Tên gọi đều khác nhau
Sắc tướng có thể thuyết
Thể tánh không thật có
Các sắc pháp thế gian
Chỉ có tướng không khác
Nương vào tướng lập danh
Danh này không thật có
Vua nên quán thế gian
Lìa danh không thật có
Chỉ do tâm phân biệt
Sinh khởi sự chấp trước
Nếu xa lìa phân biệt
Thì chấp thủ không sinh
Vô sinh tức chuyển y
Chứng được pháp vô tận
Vì thế nên Đại Vương
Thường phải quán tưởng pháp
Chỉ là tâm phân biệt
Lìa đây thì không có
Hình tướng và thể chất
Tăng trưởng cùng hoại diệt
Những tên gọi như vậy
Đều chỉ là tưởng sắc
Danh, tướng và phân biệt
Thể tánh vốn không khác
Tùy theo nghĩa thế tục
Kiến lập không giống nhau
Nếu xa lìa danh tự
Tìm kiếm thể của vật
Quá khứ và vị lai
Việc này không có được
Biết các thức sinh khởi
Biết pháp không thật có
Biết nó chỉ là danh
Pháp thế gian như vậy
Do danh phân biệt pháp
Pháp không đúng với danh
Các pháp tánh như vậy
Không trụ nơi phân biệt
Do pháp chỉ có danh
Tưởng thì không có thể
Tưởng không, danh cũng không
Nếu không còn phân biệt
Thân tâm đều thanh tịnh
Như lửa đốt cây rồi
Hoàn toàn không sinh hại
Ví như người gánh nặng
Tên người gánh nặng này
Tùy gánh nặng nên khác
Tướng người gánh khác nhau
Danh như vật được gánh
Phân biệt tên người gánh
Do nơi các loại danh
Phân biệt tên khác nhau
Như thấy người làm ác
Thấy người do làm ác
Người ác phân biệt hai
Chỉ có nơi danh tự
Trong các đại hòa hợp
Do phân biệt có sắc
Nếu xa lìa các đại
Sắc tánh tức không có
Như đức y nơi bình
Bình theo tên cũng vậy
Bỏ tên mà lấy bình
Bình hoàn toàn không có
Bình không trụ thể bình
Danh đâu trụ ở danh
Cả hai sinh phân biệt
Danh lượng cũng chẳng có
Người trụ định như vậy
Tâm không bị dao động
Ví như vàng và đá
Xưa nay tướng nước không
Cùng với lửa hòa hợp
Hoặc như nước lưu chuyển
Tạng thức cũng như vậy
Thể pháp chẳng lưu chuyển
Các thức cùng tương ưng
Cùng pháp đồng lưu chuyển
Như sắt nhờ nam châm
Mà di chuyển qua lại
Cả hai không quan hệ
Tướng trạng có quan hệ
Lại da cùng bảy thức
Nên biết cũng như vậy
Bị tập khí trói buộc
Không người mà vẫn có
Ở khắp thân chúng sinh
Đi khắp các đường hiểm
Như sắt cùng nam châm
Cả hai chẳng biết nhau
Hoặc xa lìa đường hiểm
Mà trụ nơi các địa
Lực thần thông tự tại
Thủ Lăng Nghiêm như huyễn
Cho đến Đà La Ni
Đều thành tựu tất cả
Tán thán công đức Phật
Và làm việc cúng dường
Hoặc hiện vô lượng thân
Một thân vô lượng tay
Vai, đầu, miệng và lưỡi
Dần dần đến vô lượng
Đi đến mười phương cõi
Cúng dường các Như Lai
Hoặc mưa các hoa đẹp
Y báu và chuỗi ngọc
Chất thành đống to hơn
Như ngọn núi Tu Di
Cúng dường các Như Lai
Và các vị Bồ Tát
Hoặc làm cung điện báu
Như mây sáng rực rỡ
Hóa hiện các Thiên Nữ
Dạo chơi ở trong đó
Dùng đủ thứ âm nhạc
Để dâng cúng Chư Phật
Hoặc cùng Phật, Bồ Tát
Thường ở chung một chỗ
Tự tại mà nhiếp phục
Tất cả các ma oán
Tự chứng đắc tam muội
Chuyển được chỗ sở y
Xiển dương năm loại pháp
Tám thức và vô ngã
Liên tục không dừng nghỉ
Nhất tâm mà cúng dường
Hoặc hiện làm thân nhỏ
Số đó như vi trần
Hoặc hiện làm thân lớn
Vô biên không thể lường
Đủ các loại sắc tướng
Để cúng dường Như Lai
Hoặc ở trong thân mình
Thâu nạp các Thế Giới
Đặt ở trong hạt cải
Đem biển cả gom thành
Bằng như dấu chân bò
Trong các chúng sinh này
Thân tâm không loạn động
Dùng tất cả vật dụng
Bình đẳng làm lợi ích
Như nhật, nguyệt, như đất
Như nước và lửa, gió
Lại như cõi báu lớn
Cũng như vị thuốc hay
Các pháp không sinh diệt
Không đoạn cũng không thường
Một, khác và đến đi
Như vậy đều không có
Giả lập các thứ danh
Đây là tánh biến kế
Các pháp giống như huyễn
Như mộng thành Thát Bà
Sóng nắng, trong sắc nước
Vòng lửa, mây, điện chớp
Trong đó vọng chấp thủ
Đây là tánh biến kế
Đủ các thứ tên gọi
Vô số pháp thuyết giảng
Đây đều không thật có
Là do tánh biến kế
Tất cả pháp thế gian
Không xa lìa danh sắc
Đây đều chỉ có danh
Lìa danh không nghĩa khác
Tánh biến kế như vậy
Ta vì thế gian thuyết
Mắt duyên theo các sắc
Hòa hợp cùng sinh khởi
Tiếng phát theo dùi trống
Mầm từ đất mà sinh
Cung điện và bình, vỏ
Đều do các duyên khởi
Chúng sinh và các pháp
Đều nương theo tha tánh
Hoặc là pháp vô lậu
Không thể lìa nghĩa này
Tự chứng trí sinh khởi
Tánh này là chân thật
Tướng các pháp sai biệt
Tự tánh pháp đã thuyết
Nếu xa lìa tự tánh
Các pháp không hiện rõ
Như người dùng các vật
Làm đủ thứ hình giả.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Như Thật Tri - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tâm ý
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Hai Mươi Tám
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Ba Mươi Ba - Phẩm Thủ Hạnh
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Thế Ký - Phẩm Mười Một - Ba Trung Kiếp
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Bảy Mươi - Phẩm Bồ Tát Hạnh