Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Bảy - Phẩm Trì Giới Ba La Mật đa - Tập Tám
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM BẢY
PHẨM TRÌ GIỚI BA LA MẬT ĐA
TẬP TÁM
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Lúc Đại Bồ Tát nói kệ này rồi, liền đến trước chỗ Đức Phật Tối Thượng Chúng Niết Bàn, đảnh lễ xong rồi rơi lệ khóc lóc, nhiễu quanh trăm ngàn vòng rồi đứng qua một bên.
Lại nói kệ rằng:
Như Lai đối với các hữu tình
Khéo nói pháp chân thật tối thượng
Con nay phát khởi tâm chân thật
Nguyện cầu quả bồ đề vô thượng
Phật đủ đại trí, thân chân thật
Nay diệt độ rồi con không thấy
Chí phát thệ nguyện bằng Như Lai
Sẽ được các tướng tốt thù thắng
Con xưa từng ở nhà thế tục
Tâm không cung kính pháp Như Lai
Hiện chịu yếu kém căn ngu độn
Bị các ma chướng đến nhiễu não
Nay con chưa được nghe chánh pháp
Vô lượng khổ não thường bức bách
Nguyện được thân cận Điều Ngự Sư
Nguyện khởi thiện căn trồng đời trước
Con nay nói lời thành thật này
Đối với tám bộ chúng Trời rồng
Chứng minh tâm chân thật của con
Nguyện được quả chân thật đương lai
Con nguyện sẽ thừa sức thiện căn
Được thấy Nhân Trung Tôn tối thượng
Nghe chánh pháp rồi được thần thông
Như rồng to lớn phun cam lồ
Con nguyện không rơi vào tám nạn
Xa lìa tất cả các dục nhiễm
Tâm thường kính ngưỡng Đức Thế Tôn
Ác ma chướng nặng không thể trói
Con nguyện thường ở chỗ Chư Phật
Thân được nghe trì chánh pháp tạng
Nghiệp trong sạch mau chóng viên thành
Vô biên Phật tuệ đều thông đạt
Con nguyện mau được lời chân thật
Nhờ chân thật này được thành Phật
Sẽ ngồi bồ đề đại Đạo Tràng
Nói pháp chân thật lợi hàm thức
Con nguyện sớm bằng Tối Thượng Chúng
Vận sức thần thông cõi Đại Thiên
Câu chi Thiên Chúng đều vây quanh
Người được lợi ích tâm hoan hỷ
Phật sức thần thông khó nghĩ bàn
Ở trong hư không lại khó thấy
Con xưa tán thán nhân công đức
Phóng tịnh quang chiếu sáng chúng con
Sức thần thông Phật không hạn lượng
Thương xót hữu tình thường hiển hiện
Nói pháp vi diệu khiến con nghe
Ức ngàn vạn kệ khó vô tận.
Lại nữa, Đại Bồ Tát tâm sinh hoan hỷ càng thêm tăng tiến, nói kệ rằng:
Nếu con thuở xưa nhận ký biệt
Hiện tại sẽ được thành Phật Đạo
Tất cả hữu tình tùy tâm con
Đã tu cúng dường đều viên mãn
Cảnh giới chân tịnh chẳng nghĩ bàn
Người cầu bồ đề sẽ hướng đến
Chúng sinh nếu phát tâm như vậy
Thường thấy vô lượng Đức Như Lai.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát này thuở xưa ở chỗ Chư Phật, gieo trồng căn lành sâu xa, thân cận cúng dường thành tựu vô lượng căn lực, nên khi diệt độ ở cõi này rồi, được sinh lên Cõi Trời, hai mươi câu chi kiếp không đọa đường ác, hai mươi câu chi kiếp không đắm say năm dục.
Lại ở thuở xưa, do thân cận cúng dường bảy ngàn Như Lai, ở chỗ của mỗi Như Lai thành tựu các việc cúng dường rộng lớn.
Vì cầu vô thượng Chánh Đẳng, Chánh Giác, nên bất cứ lúc nào Bồ Tát cũng thường tu phạm hạnh, nhờ sức thiện căn đó, cho nên được thành Chánh Đẳng, Chánh Giác, hiệu là Sa La Thọ Vương Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, đầy đủ mười hiệu, xuất hiện thế gian.
Trong hội Đức Phật ấy có các Thanh Văn đến tập hội. Lại có hai mươi câu chi Tỳ Kheo cùng bốn vạn vị đại A La Hán, đã hết các lậu, không còn phiền não, đạt được việc lợi mình, dứt hết các hữu kết, tâm được tự tại, đạt đến bờ giác.
Này Xá Lợi Tử! Đức Sa la Thọ Vương Như Lai tuổi thọ đến hai mươi câu chi tuổi. Sau khi Niết Bàn, chánh pháp tồn tại ở thế gian đủ một vạn năm, tượng pháp tồn tại ở đời cũng lại như vậy, Xá Lợi toàn thân lưu bố thế gian, cúng dường khắp tất cả làm mọi Phật sự.
Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:
Ta trong hai mươi câu chi kiếp
Chưa từng đọa vào các đường ác
Trong hai mươi câu chi kiếp số
Cũng không đắm trước vào năm dục.
Bảy ngàn Như Lai đương trụ thế
Lúc đó đều nhập Bát Niết Bàn
Nhờ tu phạm hạnh được thành tựu
Thường cùng hữu tình được pháp dục.
Nay ta được thành đạo bồ đề
Hiệu Sa la Thọ Vương Như Lai
Trong hai mươi câu chi kiếp số
Lập quả bồ đề cho hữu tình.
Giác ngộ bồ đề nhân tối thượng
Nhiêu ích tất cả loài hữu tình
Trong hai mươi câu chi kiếp số
Sẽ vì hữu tình thường nói pháp.
Thường cùng bốn mươi câu chi chúng
Cùng ngồi Đạo Tràng nói chánh pháp
Đã hết các lậu không còn gì
Đạt được Niết Bàn quả vi diệu.
Thân Xá lợi ba đời Như Lai
Con từng xây tháp sáu mươi ngàn
Lại dựng câu chi số cờ báu
Ở trong vạn năm khởi cúng dường.
Chánh pháp trụ thế một vạn năm
Các vị có trí được lợi ích
Diệu âm thanh tịnh diễn nói ra
Ai nấy nghe rồi tâm hoan hỷ.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát viên mãn giới hạnh thanh tịnh, thường sinh đối trị với tất cả hữu tình, không sinh tham ái đối với cha mẹ, phát khởi đối trị đối với các hữu tình, không sinh đắm trước các cảnh dục.
Thế nào là pháp dục của Đại Bồ Tát?
Thế nào là pháp đối trị?
Pháp dục là mắt thấy sắc dục, tai nghe tiếng dục, mũi ngửi mùi dục, lưỡi nếm vị dục, thân xúc trước dục, sinh ra hòa hợp. Đối với hòa hợp này sinh ra đắm trước, nên gọi là pháp dục. Đã sinh đắm trước lại bị trói buộc, đối với các trói buộc sinh tưởng quyết định, pháp trói buộc này rốt ráo hư dối.
Do tham mê cho nên trói buộc càng sâu. Pháp trói buộc này gồm có ba bậc là cạn, sâu và rất sâu. Các chúng hữu tình phải nên xa lìa pháp trói buộc này. Lại nữa, sắc là trói buộc, thanh, hương, vị, xúc đều là trói buộc.
Sao gọi là sắc trói buộc?
Vì thành tựu thân mạng sắc cho nên sinh ra ngã tưởng, Bổ Đặc Già La tưởng, thọ giả tưởng, thường tưởng, bất hoại tưởng, quyết định bất biến tưởng, trần cảnh vật tưởng, tátgià la tưởng, năm uẩn tưởng. Các tưởng này đều là sắc pháp trói buộc.
Lại nữa, sắc là trói buộc, thành tựu thân mạng, sắc pháp là các pháp dục hữu ở thế gian, đắm trước thân mạng vợ con quyến thuộc, nên gọi là sắc pháp trói buộc. Cho đến xúc dục đều là trói buộc, từ đó các nhiễm duyên dần dần bám vào, tích tập các nghiệp bất thiện, đắm trước các dục không thể tạm xả.
Này Xá Lợi Tử! Sao gọi là dục không có lỗi lầm?
Là vì dục trong sạch thanh tịnh không có lỗi lầm, không sinh đắm trước đường ác.
Sao gọi là không sinh đắm trước đường ác?
Là vì dục không có lỗi lầm.
Này Xá Lợi Tử! Các chúng hữu tình đối với các việc dục thường luôn tiếp cận, chưa từng tạm xả một chút nào, do nghiệp báo này cho nên phải chịu quả khổ.
Này Xá Lợi Tử! Lần lượt quán sát ngàn Thế Giới, khi quán sát khắp rồi, các bạn ác không có một người nào so với vợ mình.
Vì sao?
Này Xá Lợi Tử! Tất cả hữu tình do vì ngu si, cho nên các người trí thường hay khinh chê ruồng bỏ. Vì thế nên biết, hiển hiện chánh pháp, các người vô trí thường hay nhiếp thọ.
Vì thế nên biết, hiển hiện phi pháp, các pháp hữu vi, trai, gái, thê, thiếp cùng nhau đắm trước, sinh ra ham thích luyến ái, tà đạo nhiếp thọ trai, gái, thê, thiếp, mỗi mỗi luyến ái chấp thủ, chướng nạn xuất ly, chướng nạn trì giới, chướng nạn tu định, chướng nạn sinh Thiên, chướng nạn Niết Bàn, chướng nạn tất cả pháp trong sạch, lại nhiếp thọ nô tỳ quyến thuộc. Nói tóm lại, hoặc nhiếp thọ bạn ác là sự nhiếp thọ của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
Lại nữa, nhiếp thọ trai, gái, thê, thiếp tức là nhiếp thọ tất cả căn bất thiện tạp nhiễm.
Lại nữa, nhiếp thọ trai, gái, thê, thiếp cho đến ăn uống, tận biên tế của nó đều là chướng ngại. Muốn thấy Như Lai nhưng bị chướng ngại, muốn nghe chánh pháp nhưng bị chướng ngại, muốn gần Thánh chúng nhưng bị chướng ngại. Tri kiến của Phật là pháp trong sạch thanh tịnh, tất cả Thánh chúng do vì chướng ngại, cho nên đều không thể thấy.
Lúc đó muốn cầu thành tựu nhưng lại bị chướng ngại, cầu bảy Thánh tài nhưng bị chướng ngại, đối với pháp không chánh tín trở lại sinh nhiếp thọ, cho đến phá giới, xan lận, ác tuệ, không tàm, không quý thảy đều nhiếp thọ, đối với pháp không phải bảy Thánh tài trở lại nhiếp thọ.
Lại nữa, nhiếp thọ trai, gái, thê, thiếp tức là nhiếp thọ các khổ bệnh tật, ung nhọt đau nhức, lửa dữ, rắn độc.
Lại nữa, nhiếp thọ trai, gái, thê, thiếp, chỗ ở, nhà cửa cũng như nghĩa địa tha ma. Trong bãi tha ma cất tiếng kêu gào thảm thiết, không có các thân hữu cho đến lắng nghe, tăng trưởng si mê. Đó là pháp hư huyễn, đối với thiện pháp thường bị chướng ngại.
Nói tóm lại, này Xá Lợi Tử! Người phá giới tạo các pháp ác cũng như mưa đá phá hủy tất cả các vật. Phá hoại thiện pháp cũng như vậy.
Lại nữa, đắm trước trai, gái, thê, thiếp cũng như người tham vị mà liếm vào kiếm bén, nuốt hòn sắt nóng, các vật bất tịnh. Thân cấu uế là do đắm trước, đem hương hoa, đèn bột hương cúng dường, cũng như trong địa ngục trang sức bằng các cực khổ.
Lại nữa, đối với các nô tỳ nhiếp thọ sai khiến.
Lại nữa, nhiếp thọ người ác đen xấu, mỗi mỗi hủy bỏ.
Lại nữa, nhiếp thọ lạc đà, lừa, heo, chó các loài súc sanh, tức là nhiếp thọ các kkổ não.
Lại nữa, nhiếp thọ trai, gái, thê, thiếp, này Xá Lợi Tử! Thà vào hàng ngàn du thiện na thành lửa dữ để chịu sự thiêu đốt, còn hơn là nhiếp thọ cha mẹ thê thiếp trai gái. Nếu thường khởi tâm nhiễm ái như vậy thì liền bị đọa lạc, huống là thọ lãnh các cảnh xúc chạm.
Vì sao?
Vì nhân các khổ lấy pháp tham nhiễm làm các căn bản, tổn hại thiện pháp căn bản, buồn lo khổ não căn bản, trói buộc thiện pháp căn bản, uế ác căn bản, ngu si căn bản, nhưng chẳng phải tuệ nhãn thanh tịnh căn bản.
Cũng như dậm phải sat nóng trên đất, khiến cho người này bị đọa lạc tà đạo. Vì lý do đó, cho nên gọi là đều do thê thiếp gây ra. Cũng như mang vác gánh nặng mà có thể đảm nhận, lại cam lòng nhận lấy gánh nặng đó, đi qua đường dài không chịu bỏ, chịu các khổ não, bức bách thân tâm làm cho tổn hại.
Vì lý do đó cho nên gọi là vợ. Như hữu tình này do khởi ái cho nên trở lại làm kẻ nô bộc, do đắm trước cho nên không được tự tại, bị các sự đánh đập trói buộc phải cúi đầu vâng theo, cúi đầu chịu mọi sai xử. Vì lý do đó cho nên gọi là vợ. Nếu nói cho đủ thì nó rộng lớn vô lượng.
Này Xá Lợi Tử! Gánh rất nặng là năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Năm uẩn này gọi là gánh rất nặng, không thể xả bỏ trai, gái, thê, thiếp, do nhân duyên đời trước cho nên làm quyến thuộc.
Này Xá Lợi Tử! Đây là duyên phá giới, duyên hoại chánh hạnh, duyên không chánh kiến, duyên ham ăn uống, duyên địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, làm chướng ngại cho tuệ thù thắng, đóng cửa Niết Bàn. Vì lý do đó cho nên tích tập tất cả khổ. Đây gọi là nhân quyến thuộc đời trước.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Dòng họ của mẹ cũng nhiều lỗi lầm. Đây nói dòng họ vô lượng vô biên các việc huyễn hóa. Có người tùy thuận tức là sinh lỗi lầm, các việc ma như trong lòng bàn tay, quyến thuộc của Ba tuần và các ma nữ mỗi mỗi huyễn hoặc gây nhiều lỗi lầm, tâm khinh chế, tâm coi thường, tâm điên cuồng, tâm khỉ vượn, nói hay hiển hiện các huyễn hoặc như vậy. Vì lý do đó cho nên gọi là dòng họ của mẹ.
Này Xá Lợi Tử! Các huyễn hoặc này cũng gọi là xóm làng, xây dựng Vương thành đường sá qua lại, nhân dân Thế Giới rộng lớn vô lượng không thể nghĩ bàn. Vì lý do đó cho nên gọi xóm làng huyễn hoặc.
Này Xá Lợi Tử! Huyễn hoặc và các lỗi lầm dục sẽ đọa vào đường ác.
Này Xá Lợi Tử! Ví như người bày trò ảo thuật làm việc huyễn hoặc, ở giữa mọi người chuẩn bị đủ mọi dụng cụ huyễn, rồi lại làm đủ việc huyễn. Người nữ huyễn hoặc cũng như vậy.
Này Xá Lợi Tử! Hữu tình thế gian thấy người nữ kia, lại bị trói buộc, hoặc có lúc nghe tiếng, có lúc xúc chạm, có lúc ca múa, khởi tâm đắm trước, có lúc hòa hợp khởi lên các huyễn hoặc, có lúc khóc lóc, đi, đứng, nằm, ngồi, bất cứ chỗ nào cũng đều bị trói buộc, cung cấp sai sử như kẻ nô bộc.
Này Xá Lợi Tử! Ví như thế gian, khi mùa lúa chín, gặp lúc mưa đá làm tổn hại mùa màng.
Này Xá Lợi Tử! Dòng họ của mẹ cũng như vậy, nó cũng có thể tổn hại dòng họ của cha, cũng có thể tổn hại tất cả pháp trong sạch.
Này Xá Lợi Tử! Các lỗi lầm của dục sẽ đọa vào đường ác, tất cả kẻ ngu không thể biết được mà trở lại nhiếp thọ thê thiếp quyến thuộc.
Này Xá Lợi Tử! Các Bồ Tát đối với các lỗi lầm của dục không có nghĩa lợi này, phải nên dùng sức phương tiện mà xa lìa.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Phẩm Bốn Mươi Chín - Phẩm Nhân ít, Quả Nhiều
Phật Thuyết Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật - Phần Mười Ba - như Pháp Thọ Trì
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn - Pháp Hội Tịnh Cư Thiên Thử - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tam Muội Ngồi Thiền - Phần Bốn - Pháp Môn Trị Lo Nghĩ