Phật Thuyết Kinh Nhân Quả Trong đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH NHÂN QUẢ TRONG ĐỜI

QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống  

PHẦN MỘT  

Tôi được nghe như vậy!

Một thời Phật cùng chư Tỳ Kheo trú ở vườn Trúc tại khu Lâm Viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ. Các vị Tỳ Kheo mỗi sáng thường mặc Ca Sa, ôm bình bát đi vào thành khất thực, xong về thọ trai rồi mỗi vị lửa tay xếp y, cất bát. Hôm ấy chư vị cùng tụ họp tại giảng đường bàn về nhân duyên trong quá khứ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bằng thiên nhĩ thanh tịnh siêu thế nghe được lời luận bàn của các Tỳ Kheo, liền rời khỏi chỗ ngồi đến giảng đường, ngồi vào giữa đại chúng rồi lên tiếng hỏi các Tỳ Kheo: Các ông họp nhau ở đây muốn nói pháp gì?

Khi ấy các Tỳ Kheo liền thưa với Phật: Bạch Đức Thế Tôn, chúng con sau khi ăn xong, rửa tay chân rồi tập họp ở đây, ai cũng muốn nghe nói về nhân duyên quá khứ.

Khi ấy Đức Thế Tôn bảo các vị Tỳ Kheo: Các ông thích nghe những việc nhân duyên trong quá khứ thì nên chăm chú lắng nghe và suy nghĩ thật kỹ. Nay ta sẽ vì các ông mà giảng nói.

Các Tỳ Kheo thưa: Thưa vâng. Bạch Đức Thế Tôn, chúng con xin vui thích lắng nghe.

Phật dạy: Này các Tỳ Kheo, trong quá khứ vô số A tăng kỳ kiếp có vị Tiên Nhân tên là Thiện Tuệ chuyên tu phạm hạnh để cầu được nhất thiết chủng trí, vì muốn thành tựu đại trí này nên vui sướng ở trong cõi sinh tử dạo quanh năm đường, hễ thân này mất thì thân khác sinh tử vô lượng, giả sử có người chặt hết cây cỏ trong thiên hạ để tính số thân mà vị Tiên này đã trải qua cũng không hết được.

Cứ một lần Trời đất trải qua một chu kỳ thành hoại là tính một kiếp, nhưng vị Tiên ấy đã trải qua không biết bao nhiêu kiếp như thế, do vì thương chúng sinh đắm chìm trong ái dục, trôi lăn trong biển khổ nên người phát tâm từ bi muốn cứu vớt tất cả.

Người thường nghĩ: Chúng sinh chìm trong sinh tử không thể tự giải thoát được đều do tham dục, giận dữ và ngu si, chìm đắm trong sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Ta nguyện dứt trừ căn bệnh ấy dù phải sinh vào các đường vẫn không quên tâm niệm này.

Bằng tâm bình đẳng xem oán thân như nhau, vị Tiên Nhân dùng hạnh bố thí cứu kẻ bần cùng, dùng trì giới giáo hóa kẻ phá giới, dùng nhẫn nhục thu phục kẻ hay giận dữ, dùng tinh tấn khích lệ kẻ biếng lười, dùng thiền định giáo hóa kẻ tâm trí tán loạn, dùng trí tuệ khơi mở cho kẻ ngu si…

Trong đêm dài sinh tử, Ngài đã làm lợi ích cho chúng sinh như thế, khiến cho tất cả đều quay về nương vào các Đấng Như Lai, cung kính cúng dường, ưa thích nghe pháp và thường nói pháp cho người khác nghe. Đối với Chư Tăng thì thường cúng đủ các thứ nhu cầu, đốì với Phật Pháp thì tôn trọng giữ gìn… những hạnh như vậy không biết bao nhiêu mà kể.

Lúc bấy giờ có vị Vua tên là Đăng Chiếu, thành của Vua tên là Đề Bá Bà Để, nhân dân trong nước ấy thọ tám vạn tuổi, cuộc sống vô cùng an ổn và thịnh vượng, muốn gì cũng toại ý chẳng khác gì Chư Thiên.

Quốc Vương nước ấy dùng chánh pháp để cai trị, không quấy nhiễu, hà khắc người dân, không có những hình phạt như chém giết, đánh đập, luôn xem dân như con một.

Khi ấy Vua Đăng Chiếu sinh được một Thái Tử có hình tướng đoan nghiêm không ai sánh bằng, uy đức đầy đủ với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Ngày Thái Tử ra đời bỗng hiện ra ánh sáng rực rỡ khắp nơi át cả ánh mặt trời, mặt trăng và những đèn lửa khác.

Nhà Vua thấy thế bèn họp quần thần bảo: Thái Tử lúc mới sinh đã có những điềm lạ như vậy, nên đặt tên cho Thái Tử là gì?

Quần thần đáp: Nên đặt tên cho Thái Tử là Phổ Quang.

Vua còn mời thầy tướng vào đoán tương lai cho Thái Tử.

Được mời đến hỏi, vị tướng sư đáp: Thần nay xem Thái Tử nếu sau này ở tại gia sẽ lên ngôi Chuyển Luân Thánh Vương thống trị bốn châu thiên hạ, còn nếu xuất gia sẽ được Trời người cung kính và thành Bậc Nhất thiết trí.

Vua cùng phu nhân và các cung tần mỹ nữ nghe thầy tướng nói thế càng sinh lòng yêu kính Thái Tử hơn nữa, lại được cả Thiên, Long A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân và Phi nhân cung kính cúng dường, ngợi khen.

Khi còn ở chốn hậu cung, Thái Tử đã nói các pháp cho phu nhân và các thể nữ nghe.

Khi được hai vạn chín ngàn tuổi, Thái Tử liền bỏ ngôi Luân Vương, xin cha mẹ đi xuất gia, nhưng không được phép. Thái Tử xin đến ba lần cũng không được chấp nhận. Thái Tử là người giàu lòng từ bi, lại là người con chí hiếu nên thà chịu sự sai trái nhỏ để thành tựu được việc lớn.

Ngài liền vào rừng sâu, dưới một cội cây cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, tu hành khổ hạnh trải qua sáu ngàn năm thì chứng quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác rồi vì Trời người và tám bộ chúng vận chuyển bánh xe pháp, thuyết pháp sâu xa mầu nhiệm mà tất cả thế gian, Trời, người, ma quỷ đều không thể chuyển được. Phật dùng pháp Tam Thừa hóa độ chúng sinh làm cho được lợi ích không sao kể xiết.

Khi Vua và phu nhân cùng các cung tần thể nữ biết được Thái Tử Phổ Quang đã đắc đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thì rất vui mừng.

Các quan trong triều, dân chúng và các vị Bà La Môn nghe tin Thái Tử đắc đạo, mỗi người đều tự nghĩ: Thái Tử Phổ Quang đã bỏ ngôi vị Vua Chuyển Luân, cạo bỏ râu tóc, vận pháp phục, xuất gia tu đạo nay đã thành Bậc Chánh Giác. Chúng ta cũng nên xuất gia. Suy nghĩ xong, tất cả đều đến chỗ Phật Phổ Quang.

Đức Phổ Quang Như Lai lúc ấy biết căn duyên của họ đã thành thục nên tùy duyên mà thuyết pháp hóa độ khiến cho bốn ngàn người đắc quả A La Hán. Nhân dân trong nước và của các nước khác ở bốn phương cũng đến trong hội để nghe pháp, có đến tám vạn người đạt Vô trước pháp nhẫn.

Bấy giờ Đức Như Lai Phổ Quang cùng tám vạn bốn ngàn vị La Hán đến các nước để giáo hóa. Vua cha nghe tin rất vui mừng liền ra lệnh cho nhân dân sửa sang đường sá, rưới nước thơm trên đường, lại treo cờ, lọng, báu bằng gấm lụa, tung rải các loại hoa quý dọc hai bên đường rất trang nghiêm suốt mười hai do tuần.

Lại cho đánh trống kêu gọi mọi người trong nước không được bán hoa mà nên đem đến cho Vua cúng dường Phật, Vua cũng ra lệnh cho dân chúng không được cúng dường Phật trước Vua, lại cho một vị Đại Thần cùng các nhạc công tấu nhạc, đốt hương, tán hoa rồi đến thỉnh Phật.

Tiên Nhân Thiện Tuệ lúc ấy đang ở trong núi ngủ mơ thấy năm giấc mộng đặc biệt: Một là thấy thân nằm trên biển cả, hai là thấy thân nằm gốì đầu lên núi Tu Di, ba là thấy chúng sinh trong biển cả chui vào thân, bốn là thấy tay cầm mặt trời, năm là thấy tay nắm mặt trăng.

Những giấc mơ ấy làm cho Tiên Nhân kinh ngạc tỉnh giấc, trong lòng suy nghĩ: Giấc mộng hôm nay của ta không phải chuyện bình thường nhưng giờ biết hỏi ai?

Ta nên vào Kinh Thành hỏi những bậc Thức giả. Nghĩ xong Tiên Nhân liền khoác áo da nai, tay cầm bình nước, gậy, dù che đi vào Thành.

Trên đường đi, ngang qua chỗ ở của năm trăm vị thượng thủ ngoại đạo, Thiện Tuệ nghĩ: Ta nên đem giấc mộng hỏi những người này, đồng thời xem họ tu hành thế nào.

Nghĩ rồi liền vào cùng những người ngoại đạo ấy giảng luận đạo lý, phá bỏ những ý kiến khác lạ làm cho năm trăm người chịu khuất phục xin làm đệ tử và rất tôn kính Tiên Nhân, mỗi người dâng cúng một đồng bạc, lại có năm trăm vị ngoại đạo khác thấy Thiện Tuệ biện tài thông minh nên sinh tâm vui theo.

Trong lúc trò chuyện, họ cho hay nay có Đức Như Lai Phổ Quang ra đời. Tiên Nhân Thiện Tuệ nghe được lời đó toàn thân giật bắn, lông dựng đứng, lòng vô cùng vui mừng vội chia tay với chúng ngoại đạo.

Các vị ngoại đạo hỏi: Thầy muốn đi đâu?

Tiên Nhân đáp: Ta nay muốn đến cúng dường Đức Phật Phổ Quang.

Họ đều nói: Nếu thầy đi, chúng tôi xin đi cùng.

Thiện Tuệ nói: Nay ta có duyên sự cần phải đi trước.

Thiện Tuệ mang năm trăm đồng bạc vội lên đường ra đi, các vị ngoại đạo buồn bã, bịn rịn từ giã trở về.

Thiện Tuệ đến nơi thấy người của Nhà Vua đang sửa sang đường đi, rưới nước thơm trên đất, treo tràng phan bảo cái trang nghiêm, liền hỏi: Vì sao phải chuẩn bị trang nghiêm thế này?

Người của Nhà Vua đáp: Có Đức Phật ra đời hiệu là Phổ Quang, nay Vua Đăng Chiếu thỉnh Phật vào thành nên chúng tôi phải gấp rút chuẩn bị, quét dọn, trang hoàng đường phố thật trang nghiêm.

Thiện Tuệ lại hỏi: Ông biết ở đâu bán hoa đẹp không?

Đáp: Vua Đăng Chiếu đã cho đánh trống truyền lệnh các loài hoa quý trong nước không được bán mà phải đem tất cả đến cho Nhà Vua.

Thiện Tuệ nghe thế trong lòng rất buồn, nhưng ý định mua hoa không bỏ, vất vả đi hỏi khắp nơi tìm chỗ bán hoa, tình cờ gặp được một thể nữ trong cung vì sợ lệnh Vua nên dấu kín bảy cành hoa sen trong bình đi ngang qua. Do lòng chí thành của Thiện Tuệ những cành hoa bỗng trồi lên, vượt ra ngoài bình.

Thiện Tuệ từ xa trông thấy liền chạy vội theo kêu lớn: Xin chị dừng chân, hoa đó có bán không?

Nàng thể nữ nghe thế rất ngạc nhiên nghĩ: Ta giấu hoa rất kín, tại sao người này thấy mà hỏi mua?

Nhưng khi nhìn vào bình thấy quả là hoa đã ló ra ngoài, trong lòng cảm thấy rất lạ, trả lời: Thưa anh, hoa sen xanh này tôi đem vào cung để cúng Phật không thể bán được.

Thiện Tuệ nói: Cô nhường lại cho tôi năm cành hoa với giá năm mươi đồng bạc được không?

Nàng thể nữ trong lòng nghi hoặc, thầm nghĩ: Hoa này chỉ đáng giá vài đồng thế mà chàng trai này lại đòi mua năm cành với giá đến năm mươi đồng bạc.

Nên liền hỏi: Anh dùng hoa này để làm gì?

Thiện Tuệ đáp: Nay có Đức Như Lai ra đời, Vua Đăng Chiếu thỉnh Phật vào thành nên tôi cần mua hoa này để cúng dường Phật. Chị nên biết các Đức Phật, Như Lai rất khó gặp, như hoa Ưu Đàm lâu lắm mới nở một lần.

Cô gái lại hỏi: Anh cúng dường Như Lai để cầu điều gì?

Thiện Tuệ đáp: Tôi cúng dường Phật vì muốn đạt được Nhất thiết chủng trí để độ thoát vô lượng chúng sinh.

Lúc ấy cô gái nghe Thiện Tuệ nói xong liền suy nghĩ: Chàng trai này dáng mạo trang nghiêm, thanh nhã, mặc áo da nai, có lòng thành kính đến nỗi không tiếc tiền bạc như thế.

Liền nói với Thiện Tuệ: Nay tôi xin tặng anh các đóa hoa này và nguyện đời đời được sánh duyên cầm sắc.

Thiện Tuệ đáp: Tôi tu Phạm hạnh, cầu đạo giải thoát nên không thể hứa nhận việc nhân duyên sinh tử.

Nàng thể nữ nói: Nếu không chấp nhận lời tôi thì anh không có hoa.

Thiện Tuệ nói: Nếu cô khăng khăng không chịu bán hoa thì tôi nhận lời cô, nhưng tôi có lập nguyện luôn bố thí thuận theo ý muốn của người xin, nếu sau này có người đến xin tôi bố thí đầu, mắt, xương, tủy, hoặc vợ con thì cô không được trái với hạnh nguyện của tôi.

Cô gái đáp: Thật là tốt lành! Xin tuân theo lời. Nay tôi là phụ nữ yếu ớt không đi nhanh được, nếu anh đến trước, xin mang giùm tôi hai cành hoa này dâng lên cúng Phật, để Phật gia hộ tôi đời đời không quên lời nguyện, dù đời sau anh có đẹp xấu vẫn không rời xa, luôn ghi khắc trong lòng.

Bấy giờ Vua Đăng Chiếu cùng các con, quan lại, Bà La Môn… đem đầy đủ hương thơm hoa đẹp và nhiều thứ khác ra khỏi thành nghinh tiếp Đức Phật Phổ Quang, nhiều người dân trong nước cũng đi theo.

Lúc đó năm trăm đệ tử của Tiên Nhân Thiện Tuệ cùng bàn với nhau: Hôm nay Đức Vua, các quan và dân chúng đều đến chỗ Phật, thầy chúng ta chắc cũng đi đến đó, vậy chúng ta cũng nên đến đấy kính lễ Phật.

Bàn xong họ liền khởi hành, đi được một đoạn không xa thì gặp Tiên Nhân Thiện Tuệ. thầy trò gặp nhau vui mừng vô cùng, liền cùng nhau đến nơi Đức Phật Phổ Quang.

Đến nơi họ thấy Vua Đăng Chiếu đã đến, đang lễ bái và dâng cúng dường Phật đầu tiên, tiếp đến là những Đại Thần cũng đến lễ và dâng cúng dường Phật. Những hoa quý mà Vua Đăng Chiếu và các quan dâng cúng khi rải lên đều rơi xuống đất cả.

Lúc ấy Thiện Tuệ và năm trăm đệ tử thấy mọi người cúng dường Phật xong, chàng chăm chú chiêm ngưỡng dung nhan và những tướng tốt của Như Lai, lại càng muốn cứu vớt tất cả nỗi khổ của chúng sinh và cũng mong thành tựu đầy đủ trọn vẹn nhất thiết chủng trí.

Do ước nguyện đó nên khi năm cành hoa Thiện Tuệ rải ra liền trụ lại ở không trung và biến thành một đài hoa, hai cành sen rải sau cũng trụ lại ở không trung và chầu ở hai bên Đức Phật. Bấy giờ Vua và quan, dân cũng như Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn tbát bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân và Phi nhân… thấy điều kỳ lạ ấy đều ngợi khen cho là điều chưa từng có.

Lúc ấy Đức Phổ Quang Như Lai dùng trí tuệ vô ngại khen ngợi Thiện Tuệ: Quý hóa thay! Này thiện nam tử, ông tu theo hạnh này trải qua vô lượng A tăng kỳ kiếp sau này sẽ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Khi Tiên Nhân Thiện Tuệ được Phật thọ ký, có vô lượng Thiên, Long, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân và Phi nhân… rải các loài hoa quý đầy trong bầu Trời rồi phát lời thệ nguyện: Trong tương lai, khi Thiện Tuệ thành Phật, chúng tôi đều nguyện làm quyến thuộc của người. Lúc đó Đức Phổ Quang Như Lai liền thọ ký cho họ đều sẽ được sinh ở Quốc Độ kia.

Sau khi Như Lai thọ ký xong, thấy Thiện Tuệ để tóc của một Tiên Nhân, thân mặc áo da nai, Ngài muốn làm cho Thiện Tuệ bỏ các y phục ấy liền biến vùng đất thành một vũng bùn.

Thiện Tuệ thấy Phật muốn đi ngang vũng đất bùn dơ lấm, vội suy nghĩ: Ta sao lại để cho bàn chân có hàng ngàn đường vằn bánh xe của Như Lai phải bước đi trên vũng sình này?

Nghĩ thế nên chàng liền cởi chiếc áo da nai trải lên vũng lầy, nhưng không phủ kín được hết, Tiên Nhân liền xỏa tóc phủ kín chỗ đất bùn còn lại, Đức Như Lai liền bước lên trên ấy đi qua, nhân đó lại thọ ký: Ông sau này sẽ thành Phật trong cõi ngũ trược ác thế nhưng việc hóa độ Trời người không vì thế mà khó khăn, chắc chắn sẽ được như Ta vậy.

Khi ấy Thiện Tuệ nghe Phật thọ ký như thế rất vui vẻ phấn chấn, mừng vui vô hạn, lập tức liễu ngộ pháp không, thành bậc vô sinh nhẫn, thân vọt lên cao hơn bảy lần cây Đa La, nói kệ ngợi khen Đức Phật:

Nhờ có bậc Đạo Sư

Khiến con được tuệ nhãn

Dạy con pháp thanh tịnh

Xa lìa mọi chấp trước

Gặp đấng Thiên Nhân Tôn

Nên chứng vô sinh nhẫn

Nguyện sau này thành đạo

Được như Đấng Lưỡng Túc.

Thiện Tuệ nói kệ ngợi ca Đức Phật xong, từ không trung hạ xuống đến trước Phật năm vóc cúi sát đất cung kính đảnh lễ và thưa: Kính xin Đức Thế Tôn thương xót châp thuận cho con được xuất gia.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần