Phật Thuyết Kinh Như Lai Trang Nghiêm Trí Tuệ Quang Minh Nhập Nhất Thiết Phật Cảnh Giới - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT KINH
NHƯ LAI TRANG NGHIÊM TRÍ
TUỆ QUANG MINH NHẬP
NHẤT THIẾT PHẬT CẢNH GIỚI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẦN BỐN
Nếu đạt được pháp thật tế thì không trụ với tất cả pháp. Nếu không trụ với tất cả pháp thì không cộng trụ. Nếu không cộng trụ thì đó là phi hữu phi vô. Nếu phi hữu phi vô thì đắc trụ trong pháp ấy. Nếu đắc trụ trong pháp thì được pháp tu hành chánh niệm. Nếu đắc pháp tu hành chánh niệm thì không có một pháp nào chẳng phải là pháp Phật.
Vì sao?
Vì hiểu biết tất cả pháp đều không.
Này Văn Thù Sư Lợi! Hiểu biết tất cả pháp đều không gọi là Bồ đề. Bồ đề gọi là giác ngộ tất cả pháp đều không, không tức là Bồ đề. Như vậy, không, vô tướng, vô nguyện vô tác vô hạnh, không nương tựa, không sinh, không nắm bắt, không xứ sở. Nếu ai giác ngộ pháp như vậy thì gọi là Bồ đề. Bồ đề tức là tu hành chánh niệm.
Này Văn Thù Sư Lợi! Nói tu hành chánh niệm thì không nắm bắt không xả bỏ tức là chánh niệm, không quán, không chia rẽ, phân biệt gọi là hành. Không chấp trước, không bó buộc, không tháo gỡ gọi là hành, không đến không đi gọi là hành.
Này Văn Thù Sư Lợi! Hành chánh niệm là chỗ không hành, không lợi ích, không có quả báo, không chứng.
Vì sao?
Này Văn Thù Sư Lợi! Vì tự tánh của tam vốn thanh tịnh. Tâm ấy bị khách trần phiền não làm nhiễm ô, nhưng tự tánh thanh tịnh của tâm không ô nhiễm. Mà tự tánh thanh tịnh của tâm ấy vốn không có sự ô nhiễm, và không bị ô nhiễm, nên tâm ấy không có pháp đối trị.
Vậy dùng pháp gì đối trị để có thể diệt trừ phiền não này?
Vì sao?
Vì thanh tịnh chẳng phải thanh tịnh, tức là bản tịnh. Bản tịnh tức là bất sinh. Bất sinh tức là không nhiễm. Không nhiễm là không lìa pháp nhiễm. Lìa pháp nhiễm là diệt tất cả sự nhiễm. Những pháp nào diệt tất cả nhiễm là bất sinh. Bất sinh là bồ đề. Bồ đề gọi là bình đẳng. Bình đẳng gọi là chân như. Chân như gọi là không sai khác. Không sai khác gọi là tánh như thật của tất cả các pháp hữu vi và vô vi.
Này Văn Thù Sư Lợi! Chân như là cảnh giới chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi, không có hai pháp. Nếu chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi, không có hai pháp thì đó là chân như.
Này Văn Thù Sư Lợi! Nói chân như đó là thật tế. Nói thật tế là không khác. Không khác là chân như vị lai. Nói chân như vị lai tức là không khác. Nói không khác là tức chân như. Nói tức chân như là phi thường không phải chân như.
Nói phi thường không phải chân như là không nhiễm không tịnh. Nói không nhiễm không tịnh là không sinh không diệt. Nói không sinh không diệt là Niết Bàn bình đẳng. Nói Niết Bàn bình đẳng là không ở thế gian, không ở Niết Bàn.
Nói không ở thế gian, không ở Niết Bàn là chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại. Nói chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại là chẳng phải thấp, chẳng phải trung bình, chẳng phải cao. Nói chẳng phải thấp, chẳng phải trung bình, chẳng phải cao tức là Như Lai. Nói Như Lai gọi là thật ngữ. Nói thật ngữ gọi là chân như. Nói chân như gọi là như thật.
Nói như thật gọi là ngã. Nói ngã tức là bất nhị. Nghĩa bất nhị tức là bồ đề. Bồ đề gọi là giác. Giác là nhập vào trí ba môn giải thoát. Trí ấy nhập vào tất cả pháp trí bình đẳng trong ba đời. Nói nghĩa là đối với tất cả pháp nghĩa không sai khác.
Nghĩa ấy không có tên không lời không thể nói. Nói trí là biết rõ về tất cả pháp nên gọi là trí, nhận thức biết tất cả pháp gọi là trí. Nói nghĩa là biết chúng sinh và nhận thức biết rõ nghĩa tức là pháp. Pháp tức là nghĩa.
Nghĩa trí, thức trí, liễu nghĩa trí, pháp trí, pháp trụ trí, pháp thể trí, tất cả đều dựa vào nghĩa của pháp, nếu pháp mà thay đổi thì nghĩa cũng thay đổi. Nhưng chính sự thay đổi ấy cũng bình đẳng không có hai nghĩa. Bình đẳng không hai nghĩa tức là bình đẳng. Bình đẳng tức là nghĩa.
Nói nghĩa thức trí bình đẳng là trí nhập pháp môn bất nhị gọi là liễu nghĩa, chứ chẳng phải bất liễu nghĩa. Nói bình đẳng tức là bình đẳng, tức là không. Nói không tức là ngã huyễn bình đẳng. Nói ngã bình đẳng tức là pháp bình đẳng. Nói pháp bình đẳng tức là lìa bình đẳng, lìa bình đẳng tức là giác ngộ bình đẳng. Giác ngộ bình đẳng tức là bồ đề.
Này Văn Thù Sư Lợi! Chấp trước sắc tức là chấp trước nhãn. Chấp trước nhãn tức là chấp trước tự tánh, chấp trước kiến tức là chấp trước tự ngã. Chấp trươc thân mình tức là chấp trước tự tánh không trí, chấp trước không quán chánh niệm tức la chấp trước pháp quán quang minh của pháp không chấp trước.
Chấp trước biếng trễ cấu uế là chấp trước trí chứng tinh tấn kiên cố. Biết pháp như thật gọi là chấp trước. Chấp trước năm cái và Bồ đề phần gọi là chấp trước, không chấp trước trí giải thoát và vô ngại vì tất cả pháp tự tánh thanh tịnh đều do nhân duyên mà có.
Lại Đại Bồ Tát biết như thật nguyên nhân của nhiễm tịnh nhưng không trụ vào trong nhân nhiễm tịnh. Nếu khởi lên ngã, khởi lên kiến thì gọi là nhân nhiễm, còn nhập vào tất cả pháp vô ngã thì gọi là nhân tịnh.
Kiến, ngã, ngã sở là nhân nhiễm. Bên trong tịch tĩnh bên ngoài không tạo nghiệp gọi là nhân tịnh. Dục, sân, hận, hại, giác quán là nhân nhiễm. Bất tịnh, từ bi hỷ xả, nhập, mười hai nhân duyên, nhẫn gọi là nhân tịnh.
Bốn điên đảo là nhân nhiễm, bốn niệm xứ là nhân tịnh.
Năm cái là nhân nhiễm, năm căn là nhân tịnh.
Sáu nhập là nhân nhiễm, sáu niệm là nhân tịnh.
Bảy pháp bất tịnh là nhân nhiễm, bảy giác phần là nhân tịnh.
Tám tà pháp là nhân nhiễm, tám chánh pháp là nhân tịnh.
Chín não sự là nhân nhiễm, chín thứ đệ định là nhân tịnh.
Mười nghiệp đạo bất thiện là nhân nhiễm, mười nghiệp thiện đạo là nhân tịnh.
Nói tóm lại tất cả niệm bất thiện là nhân nhiễm, tất cả niệm thiện là nhân tịnh. Cái gọi là nhân nhiễm, nhân tịnh ấy, nhưng thật ra tự tánh của các pháp là không.
Không có ngã, không có nhân, không có mạng, không có thọ giả, không có ngã, ngã sở, không có người sai khiến, như huyễn vô tướng, bên trong tịch diệt. Bên trong tịch tịnh tức là tịch diệt. Tịch diệt tức là tự tánh thanh tịnh. Tự tánh thanh tịnh tức là bất khả đắc. Bất khả đắc là vô xứ. Vô xứ tức là thật. Thật là hư không.
Vì sao?
Này Văn Thù Sư Lợi! Không có một pháp nào hoặc sinh hoặc diệt.
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu pháp như vậy thì làm sao Như Lai đắc bồ đề?
Phật dạy Văn Thù Sư Lợi: Này Văn Thù Sư Lợi! Vì vô căn vô trụ nên Như Lai đắc bồ đề.
Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Căn là gì và trụ là gì?
Phật dạy: Thân kiến gọi là căn. Không thật phân biệt gọi là trụ. Bồ đề ấy bình đẳng, Như Lai biết tất cả pháp đều bình đẳng, cho nên nói Như Lai vô căn vô trụ đắc bồ đề.
Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ gọi đề là tịnh cũng gọi là tịch tĩnh.
Tịnh là gì và tịch tĩnh là gì?
Này Văn Thù Sư Lợi! Ngã, ngã sở, nhãn đều không.
Vì sao?
Vì tự tánh không. Như vậy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, ngã và ngã sở đều không.
Vì sao?
Vì tự tánh không. Cho nên biết nhãn là không, không chấp trước sắc, cho nên nói là tịnh. Như vậy, biết nhĩ là không, không đắm trước âm thanh, đó là tịch tĩnh. Biết tỷ là không, không đắm trước hương, đó là tịch tĩnh. Biết thiệt là không, không đắm trước mùi vị, đó là tịch tĩnh. Biết thân là không, không đắm trước cảm xúc, đó là tịch tĩnh. Biết ý là không, không chấp trước pháp, đó là tịch tĩnh.
Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ đề tự tánh thanh tịnh, vì tự tánh thanh tịnh. Mà tự tánh thanh tịnh là nói tự tánh thanh tịnh không nhiễm giống như hư không, bình đẳng như hư không, tự tánh đồng với hư không. Ví như hư không xưa nay tự tánh thanh tịnh.
Này Văn Thù Sư Lợi! Nói bồ đề là không nắm bắt, không xả bỏ.
Thế nào là không nắm bắt?
Thế nào là không xả bỏ?
Nói không nắm bắt là không nắm bắt tất cả pháp. Cho nên nói là không nắm bắt. Nói không xả bỏ là không xả bỏ tất cả pháp. Cho nên nói không xả bỏ.
Này Văn Thù Sư Lợi! Như Lai vượt qua dòng nước lớn, cho nên không nắm bắt, không xả bỏ, nhưng chân như không thấy bờ bên này bên kia. Như Lai biết tất cả pháp nên xa lìa bờ bên này bờ bên kia. Thế nên gọi là Như Lai.
Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ đề vô tướng vô quán.
Vô tướng vô quán là gì?
Này Văn Thù Sư Lợi! Không thấy nhãn thức gọi là vô tướng, không thấy sắc gọi là vô quán. Không thấy nhĩ thức gọi là vô tướng, không nghe âm thanh gọi là vô quán. Không thấy tỷ thức gọi là vô tướng, không ngửi mùi hương gọi là vô quán.
Không thấy thiệt thức gọi là vô tướng, không biết mùi vị gọi là vô quán. Không thấy thân thức gọi là vô tướng, không biết xúc chạm gọi là vô quán. Không thấy ý thức gọi là vô tướng, không biết pháp gọi là vô quán.
Này Văn Thù Sư Lợi! Cảnh giới của các Thánh Nhân là cảnh giới ba cõi.
Này Văn Thù Sư Lợi! Nói bồ đề là chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại, ba đời bình đẳng, ba đời thanh tịnh.
Này Văn Thù Sư Lợi! Trí ba đời là gì?
Pháp quá khứ thì tâm không hành pháp vị lai thì thức không bỏ, pháp hiện tại thì niệm không trụ. Cho nên Như Lai không trụ vào tâm, ý, ý thức. Vì không trụ nên không phân biệt, vô phân biệt. Do không phân biệt, không có sự phân biệt nên không thấy pháp vị lai, pháp hiện tại, không hý luận.
Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ đề là vô thân vô vi.
Vô thân là gì và vô vi là gì?
Này Văn Thù Sư Lợi! Vô thân là chẳng phải cái biết của nhãn thức, chẳng phải là cái biết của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức.
Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu chẳng phải là cái biết của tâm, ý, ý thức thì nó là vô vi. Nói vô vi là không sinh, không trụ, không diệt. Cho nên nói ba đời thanh tịnh vô vi. Nếu vô vi mà biết thì hữu vi cũng vậy.
Vì sao?
Nói thể của tất cả pháp tức là vô thể. Vô thể thì xứ ấy không nói hai lời.
Này Văn Thù Sư Lợi! Nói bồ đề gọi là dấu chân không sai khác.
Không sai khác là gì?
Dấu chân là gì?
Này Văn Thù Sư Lợi! Vô tướng gọi là không sai khác, chân như gọi là dấu chân. Vô trụ là không sai khác, pháp là dấu chân. Vô dị là không sai khác, thật tế là dấu chân. Không thể đắc là không sai khác, bất động là dấu chân. Không là không sai khác, vô tướng là dấu chân. Vô giác là không sai khác, vô nguyện là dấu chân. Không cầu là không sai khác, không chúng sinh là dấu chân.
Thể của chúng sinh là không sai khác, hư không là dấu chân. Không thấy là không sai khác, bất sinh là dấu chân. Bất diệt là khong sai khác, vô vi là dấu chân. Vô hành là không sai khác, bồ đề là dấu chân. Tịch tĩnh là không sai khác, Niết Bàn là dấu chân. Không khởi là không sai khác, giác là dấu chân.
Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ đề không thể dung thân để đắc, không thể dùng tâm để đắc.
Vì sao?
Này Văn Thù Sư Lợi! Vì thân là ngu si, không biết, không tâm. Ví như cây cỏ, tường vách, đất đai, ảnh tượng. Tâm như huyễn, trống không, không sở hữu, không thật, không tạo tác.
Này Văn Thù Sư Lợi! Thân tâm biết như thật thì gọi là bồ đề, ấy là dựa vào danh từ thế gian mà nói chứ chẳng phải đệ nhất nghĩa.
Vì sao?
Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ đề chẳng phải thân, chẳng phải tâm, chẳng phải pháp, chẳng thật, chẳng phải không thật, chẳng phải như thật, chẳng phải không như thật, không thể nói như vậy.
Này Văn Thù Sư Lợi! Không thể dùng tất cả pháp để nói bồ đề.
Vì sao?
Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ đề không có trụ vào đâu để nói.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như hư không không có chỗ trụ, có thể nói là vô vi, vô sinh, vô diệt. Bồ đề cũng như vậy, có thể nói là không trụ vô vi, vô sinh, vô diệt.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như tất cả pháp trong thế gian, nếu tìm cầu sự thật của nó không thể nào nói được.
Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ đề cũng như vậy, nếu đem tất cả pháp để nói sự thật Bồ đề thì cũng không thể được.
Vì sao?
Này Văn Thù Sư Lợi! Vì trong pháp thật, không có danh từ chương cú có thể đắc.
Vì sao?
Vì nó bất sinh, bất diệt.
Này Văn Thù Sư Lợi! Nói bồ đề thì không thể nắm bắt, không thể nương dựa.
Này Văn Thù Sư Lợi! Không thể nắm bắt là gì?
Không thể nương tựa là gì?
Này Văn Thù Sư Lợi! Biết như thật về nhãn là không thể nắm bắt, không thấy sắc là không thể nương tựa. Biết như thật về nhĩ là không thể nắm bắt, không nghe âm thanh là không thể nương tựa. Biết như thật về tỷ là không thể nắm bắt, không nghe mùi là không thể nương tựa.
Biết như thật về thiệt là không thể nắm bắt, không biết vị là không thể nương tựa. Biết như thật về thân là không nắm bắt, không cảm giác sự xúc chạm là không thể nương tựa. Biết như thật về ý là không thể nắm bắt, không thấy các pháp là không thể nương tựa.
Này Văn Thù Sư Lợi! Như vậy, Như Lai không nắm bắt, không nương tựa đó gọi là chứng bồ đề. Như vậy, chứng bồ đề là không nắm lấy nhãn, không thấy sắc, cho nên trụ vào nhãn thức. Không chấp lấy nhĩ, không nghe âm thanh, cho nên không trụ vào nhĩ thức. Không chấp lấy tỷ, không nghe hương thơm, cho nên không trụ vào tỷ thức.
Không chấp lấy thiệt, không biết vị, cho nên không trụ vào thiệt thức. Không chấp lấy thân, không cảm giác về sự xúc chạm, cho nên không trụ vào thân thức. Không chấp lấy ý, không biết pháp, cho nên không trụ vào ý thức.
Này Văn Thù Sư Lợi! Như Lai không trụ vào tâm, ý, ý thức, cho nên gọi là Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri.
Này Văn Thù Sư Lợi! Chúng sinh có bốn tâm trụ vào pháp, nương vào bốn loại tâm ấy mà trụ vào pháp.
Những gì là bốn?
Đó là chúng sinh nương vào sắc tâm trụ, thọ, tưởng, hành v. v… cũng vậy, đó là chúng sinh nương vào bốn loại tâm mà trụ.
Này Văn Thù Sư Lợi! Bốn loại tâm trụ pháp này Như Lai như thật biết, không sinh không diệt. Cho nên gọi là Phật.
Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ đề chính là không.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Năm - Pháp Hội Hư Không Tạng Bồ Tát - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Nhân Quả Trong đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Phần Chín
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Dhananjani
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Năm - Pháp Hội Hư Không Tạng Bồ Tát - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Thế Ký - Phẩm Hai - Uất ðan Viết