Phật Thuyết Kinh Nhu Thủ Bồ Tát Vô Thượng Thanh Tịnh Phân Vệ - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tường Công, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH NHU THỦ BỒ TÁT

VÔ THƯỢNG THANH TỊNH PHÂN VỆ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tường Công, Đời Tống  

PHẦN BỐN  

Bồ Tát Nhu Thủ nói: Này Bồ Tát Long Thủ! Đối với sinh tử đều không có bạn bè cũng không có chỗ trói buộc. Nếu không có bạn bè, không có trói buộc thì có phân biệt, hoặc khởi lên tưởng về bạn bè là cùng với dục khởi. Bồ Tát thấu hiểu nên biết rõ về tưởng của bạn bè.

Vì sao?

Vì các pháp ấy như huyễn, như hóa, không bạn, chẳng phải có bạn.

Lành thay! Các pháp lo sợ không tin, như giấc mộng, hình ảnh, tiếng vang. Tuy đã có đấy nhưng cũng lại như không. Do tưởng, thức không an, không có nơi chốn, không nắm giữ, không ý, không niệm đều là không thật có, đã xa lìa các niệm ở trong niệm và vô niệm nên vốn là vô niệm.

Hỏi: Này Bồ Tát Nhu Thủ! Nhân Giả đã từng cùng với người do biến hóa nói chuyện, đi đến, đứng ngồi, bàn luận, tư duy chưa?

Bồ Tát Nhu Thủ đáp: Không có.

Bồ Tát Long Thủ hỏi: Người huyễn có tướng mạo như thế nào?

Đáp: Người huyễn ấy hình tướng giống loài người, hình tướng biến hóa của người huyễn cũng như thế.

Vì sao?

Vì huyễn hóa như thế cũng không thoát khỏi nơi này, lại chẳng thoát khỏi nơi kia. Sự huyễn hóa và người không khác nhau, người cũng không khác người huyễn hóa, vì người tức là huyễn hóa. Như người huyễn hóa dùng pháp huyễn hóa để hỏi việc huyễn hóa, các pháp cũng vậy.

Lại hỏi Bồ Tát Nhu Thủ: Nhân Giả lại tự mình từng cùng người huyễn hóa cùng ngồi đứng, đàm luận, giao du, giảng nói, hiểu biết…, đứng đối diện nhau không?

Đáp: Thế nào?

Này Bồ Tát Long Thủ! Huyễn sĩ và biến hóa cùng dục có khác chăng?

Cho đến đối với tôi, Bồ Tát, người, thọ mạng, pháp tăng trưởng có khác chăng?

Tôi đem lời nói huyễn hóa này, để hỏi thử Nhân Giả, nhận biết Đại Sĩ đối với điều này có tài biện luận khác, vậy nên nêu ra pháp gì?

Bồ Tát Long Thủ nói: Nhân Giả đã thử như thế, là nhằm thử pháp huyễn hóa của hư không.

Nhân Giả lại nghĩ: Huyễn hóa là có tưởng, người huyễn hóa vốn là không, không tưởng, không niệm, cũng không hình tượng, đều không thực có, đã xa lìa các niệm.

Bồ Tát Nhu Thủ nói: Này Bồ Tát Long Thủ! Pháp cũng như huyễn, huyễn hóa vốn là không, không ấy không có hình tượng, cũng không thể thấy.

Bồ Tát Long Thủ hỏi: Này Bồ Tát Nhu Thủ! Các pháp không có hình tượng thì không thể thấy chăng?

Như Nhân Giả đã nói, tất cả Đại Bồ Tát phải làm thế nào để thọ nhận sự lễ lạy ấy để thành tựu được đạo Vô Thượng Chánh Chân.

Vậy ai biết được để thọ nhận sự lễ bái ấy?

Bồ Tát Nhu Thủ đáp: Thế nào?

Này Bồ Tát Long Thủ! Bồ Tát đã từng đi vào trong núi sâu nghe tiếng vang, vậy ở trong núi có tiếng vang phát ra không?

Tiếng vang ấy có chỗ trú chăng?

Dùng nhĩ thức nào để nghe được tiếng ấy ư?

Tiếng ấy có đối tượng để nói chăng?

Há có duy trì được tiếng vang ấy ư?

Lại nữa, cùng với ai nghe tiếng vang kia?

Bồ Tát Long Thủ đáp: Không thể vậy.

Bồ Tát Nhu Thủ nói: Như thế thì Bồ Tát biết rõ các pháp, nếu như tiếng vang kia là không, thì tất cả các âm thanh, tiếng vang đều xa lìa các âm thanh. Nhưng Bồ Tát ấy dùng sự lễ bái này đối với đạo Vô Thượng Chánh Chân, đối với việc ấy cũng không có nhận thọ ký.

Chư Phật, Đại Bồ Tát ở trong mười phương đều nghe Bồ Tát Nhu Thủ giảng nói, hết sức vui mừng, khen ngợi vô cùng.

Bấy giờ, Bồ Tát Long Thủ nói với Bồ Tát Nhu Thủ: Đúng lúc cùng đi vào thành khất thực?

Hãy nghĩ đến thời gian không để bị trễ.

Đáp: Này Bồ Tát Long Thủ! Các pháp không trễ qua, cũng không có thời gian.

Hành giả ở trong tưởng hành ấy, thì tưởng đó có thời gian hay không có thời gian?

Bồ Tát thông đạt rõ ràng đối với sự hiểu biết rõ pháp không vốn là không, đâu có nói về thời gian hay không gian!

Vậy bàn về các pháp khác thì có thời gian hay không có thời gian?

Không thời gian chẳng phải thời gian mới ứng hợp với pháp luật vô thượng của Phật.

Nếu dùng toán số về thời gian thì có vượt hơn tưởng về thời gian ư?

Giống như đệ tử của các Đức Thế Tôn, Hiền Thánh luôn tự no đủ bằng trí tuệ của đạo, tuệ không có thức tưởng, đối với tưởng và vô tưởng thực hành không có sự tạo tác, cũng chẳng có tưởng niệm, vô niệm bất niệm, nhờ trí tuệ này mà luôn no đủ.

Hàng Thánh Chúng của Đức Thế Tôn đều không có niệm về ăn uống, cũng không có tưởng về việc ăn uống, ăn như thế mới gọi là người ăn đích thực, đó là Bậc Hiền thánh không xen vào sự ăn uống. Nếu ăn uống hoàn toàn như người ăn ấy, thì gọi là người ăn pháp cam lồ rộng lớn, bằng năng lực dùng thức ăn ấy thì có thể kéo dài mạng sống đến một kiếp hoặc hơn một kiếp.

Vì sao?

Vì người này hiểu rõ về hành của các pháp, nên không còn tưởng niệm, biết rõ là không thanh tịnh. Biết rõ như thế rồi, thì không còn phân biệt về sự mong cầu thức ăn, như hàng phàm phu chưa chứng đắc.

Lại nữa, các Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Giác và những Bậc Hiền thánh khắp nơi, có tâm từ, bi, hỷ, xả lớn, ban bố lòng nhân từ thương xót nhớ nghĩ chúng sinh, nên xuất hiện ở đời. Vì muốn cứu độ sự đau khổ trong năm đường, nên hiện bày đi vào nơi quận, huyện, xóm làng khất thực để thọ nhận thức ăn.

Nhưng các Bậc Thánh ấy đã xa lìa những thức ăn uống, đối với ăn như không ăn, chỉ dùng trí tuệ biết rõ các chánh định, thường được no đủ, đối với sự xa lìa thức ăn uống mà cùng với người ăn uống thì sẽ bị luân hồi trong sinh tử.

Công dụng của Chư Phật Thế Tôn là dùng các thức ăn thì nhận biết rõ ràng, hoàn toàn không có tưởng về thức ăn, phấn khởi, hòa nhã an nhiên giữ thân có thể như số cát sông Hằng hoặc vượt hơn số ấy. Từ lúc mới phát tâm, vĩnh viễn không còn các tưởng niệm về sự đói khát, cho đến khi sao mai xuất hiện nơi cây Bồ Đề, từ lúc ấy mới thọ nhận thức ăn.

Do thức ăn này cho nên Bậc Chánh Sĩ và Đại trượng phu anh hùng long mãnh, cho đến bậc Sư Tử, các bậc Điều nhu phu và Chúng hoa phù Chánh sĩ Tú Dị, vô vàn Liên Hoa nam tử Vô thượng Trượng phu Pháp Ngự Thiên Nhân Sư đối với chỗ nên thủ đắc, chỗ nên hiểu rõ, chỗ nên thông đạt, đều biết rõ ràng mà được no đủ. Lúc ấy tất cả đều hợp với trí tuệ, thì thành tựu được đạo tâm Vô Thượng Chánh Chân.

Như vậy, này Bồ Tát Nhu Thủ! Tất cả Bồ Tát, các Đức Như Lai và những Bậc Hiền thánh khắp nơi, đều nhờ thức ăn ấy mà được chứng đắc đạo quả Vô thượng Chánh Đẳng Giác, tuổi thọ có thể trụ như hằng sa kiếp, hoặc nói còn hơn đấy rất nhiều, mà các Đức Như Lai hoàn toàn không lệ thuộc.

Vì sao?

Vì nói bằng ứng hóa không có tưởng về ăn uống, vô niệm bất niệm, vô hợp bất hợp Bậc Hiền thánh cũng chẳng có tưởng niệm về hành, luôn tùy thuận xuất ra các mùi thơm, tự nhiên thanh tịnh, không tưởng không niệm, không còn các nẻo luân hồi, cũng không hý luận nơi hành, vốn là không, tự nó thanh tịnh.

Thế nên, này Bồ Tát Long Thủ! Đại Bồ Tát nên tạo món ăn như thế nào mới thích hợp với món ăn của pháp?

Bồ Tát Long Thủ đáp: Lành thay, lành thay! Bồ Tát Nhu Thủ đã giảng nói về sự vi diệu của các pháp, thì tôi đã no đủ vơí các món ăn thượng vị ấy.

Chỉ cần nghe giảng về các món ăn của pháp yếu, thì đã no đủ rồi, huống chi từ lâu đã ăn, không còn món ăn khác mà lại ăn món ăn nghĩ muốn hay sao?

Bồ Tát Long Thủ nói: Thế nào?

Này Bồ Tát Long Thủ! Thể của hư không sao lại có món ăn xen tạp?

Lại hỏi: Ngài no rồi sao?

Đáp: Này Bồ Tát Nhu Thủ, không, không thật có!

Lại hỏi: Này Bồ Tát Long Thủ! Vì sao có thể làm no đủ vật mà người huyễn đã biến hóa chăng?

Đáp: Không phải.

Lại hỏi: Thế nào?

Này Bồ Tát Long Thủ! Phàm là ở biển có thể được no đủ để hiển bày hình tượng chăng?

Đáp: Không phải!

Lại hỏi: Này Bồ Tát Long Thủ! Phàm là ở biển có thể được no đủ từ các dòng sông chăng?

Đáp: Không phải!

Bồ Tát Nhu Thủ lại nói: Như vậy, này Bồ Tát Long Thủ! Không nhàm chán các pháp, thì nếu như hư không mà nhân giả vừa nói có tưởng nên no đủ chăng?

Các pháp không, vô tướng, vô nguyện, là không khởi, không hành cũng không có chỗ làm, không có chỗ tạo, hoàn toàn như vậy.

Không muốn dùng định để giải thoát, không sắc, không tướng, không bền không chắc, hiểu rõ như hư không đều không có chỗ nắm bắt, các pháp như thế, làm sao khởi lên tưởng có no đủ?

Bồ Tát Long Thủ nói: Như vậy, này Bồ Tát Nhu Thủ! Còn tất cả hành giả ấy không ăn món ăn ư?

Thế nên Nhân Giả nói ăn vốn là không chăng?

Bồ Tát Nhu Thủ nói: Này Bồ Tát Long Thủ! Vậy thì tất cả chúng sinh không ăn.

Này Bồ Tát Long Thủ! Ví như Đức Thế Tôn biến hóa ra vô số người để ăn và cung cấp cho những người được biến hóa ăn.

Vì sao?

Này Thiện Nam! Những người biến hóa ấy lấy gì để ăn?

Lại còn có người ăn hay không?

Đáp: Người biến hóa không có tưởng, không có ngôn ngữ, đều không thực có, cũng lại không món ăn, huống chi nói có người ăn ư?

Bồ Tát Long Thủ nói: Như thế, này Bồ Tát Long Thủ! Có kiến chấp hay không kiến chấp về tất cả các pháp như huyễn hóa nên khắp các chúng sinh không hiểu rõ điều này.

Vì chúng không biết rõ, nên còn chịu luân hồi trong sinh tử, đối với sinh tử quán xét cũng đều không thực có, cũng không có chỗ thủ đắc, cũng chẳng có luân hồi. Biết rõ sinh tử là không, vốn là không có, thì tất cả chúng sinh không còn chịu luân hồi cũng chẳng còn sinh tử, vì không thấu rõ vốn là không nên có sinh tử.

Sinh tử ấy cũng không có sinh tử, đối với sinh tử ấy cũng không còn chịu luân hồi, cũng chẳng có chỗ thủ đắc, thì làm sao gọi là pháp sinh tử?

Đáp: Này Bồ Tát Nhu Thủ! Lời nói ấy rất hay. Nên biết đúng lúc có thể cùng đi, trở về nơi khu vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc. Những sự đói khát của tôi hoàn toàn đã chấm dứt.

Bồ Tát Long Thủ nói: Này Bồ Tát Long Thủ! Ví như huyễn sĩ đã biến hóa người.

Người được biến hóa ấy nói tôi có đói khát?

Sự đói khát như sóng nắng phải không?

Thế nên, này Bồ Tát Long Thủ! Tất cả cũng đều như vậy, các pháp ấy đều như sóng nắng, sự hiểu biết này mới chính là hiểu biết đích thực.

Như Thiện Nam đã nói, tôi không còn đói khát chăng?

Phải ăn thức ăn này, việc ăn uống như các pháp không đoạn dứt, không huỷ hoại, cũng chẳng có đói khát. Tất cả các pháp vốn đã no đủ.

Vì các phàm phu kẻ sĩ kia vốn không biết rõ việc này, nên mới nói như vậy: Tôi đói, ông khát lại nói no đủ. Các Bậc Hiền Thánh biết rõ ngồn gốc của các pháp, nó không có đói khát cũng chẳng nghĩ về sự no đủ, hiểu rõ những việc đói khát thì không còn sinh tử, cũng không hý luận nơi hành, cũng không có tưởng niệm, việc ấy đã không lay động cũng không chấp trước, các pháp đã giải thoát vốn không còn chấp trước.

Bồ Tát Long Thủ lại nói: Này Bồ Tát Nhu Thủ! Những nơi đã thuyết giảng nói pháp yếu ấy, nhưng chỉ nói pháp giới.

Bồ Tát Nhu Thủ nói với Bồ Tát Long Thủ: Pháp giới ấy cũng không nói, chẳng nói, cũng không nói nẻo hướng đến, không co, không duỗi.

Vì sao?

Này Bồ Tát Long Thủ! Pháp giới đều không thực có, cho rằng không nói cũng chẳng có chỗ nói và không hý luận nơi hành, cũng không có đối tượng chấp trước, không có hợp nhau, pháp không có tưởng niệm, cũng chẳng còn niệm, cũng không có chỗ khởi, cũng không có chỗ diệt hành.

Này Bồ Tát Long Thủ! Ví như cảnh giới của hư không, không tưởng, không niệm, không sinh, không diệt. Các pháp như vậy, đồng như hư không, tướng ấy vốn là không, vốn không thể nắm bắt được cũng chẳng thể nhận biết, tướng ấy như vậy nên không thể nắm bắt được mà có thể nắm bắt được được tướng ấy, các Đức Như Lai đã nhập diệt cũng không phải có thể nắm bắt được.

Như vậy, này Bồ Tát Long Thủ! Tất cả các pháp đều không có xứ sở, không sắc, không hình cũng không thể thấy. Vì vậy, cho nên hằng hà sa Chư Phật đã nhập diệt, đối với pháp ấy cũng không có nhập Niết Bàn cũng không có cảnh giới của đất, nước, lửa, gió để nhập Niết Bàn, cũng chẳng có cảnh giới của không, không có cảnh giới của thức. Như Lai nhập diệt là nhập diệt, ở trong Niết Bàn cũng không có Niết Bàn.

Nếu các pháp có tưởng về Niết Bàn, thì cảnh giới của hư không có tưởng về Niết Bàn chăng?

Vì sao?

Vì các pháp ấy vốn là không, các pháp là vắng lặng, mà pháp vắng lặng này đối với hàng phàm phu hạ sĩ sẽ khỏi có tưởng niệm về Niết Bàn.

Nhân đó có tôi, tôi có thọ nhận, tôi và ông đều có thọ nhận, mạng sống có thọ nhận, người và vật có thọ nhận, tưởng và thức có cùng một lúc biết rõ không có pháp chân thật, liền khởi tưởng ấy là tưởng niệm về Niết Bàn. Vì vậy nên không được giải thoát, vẫn bị chịu sinh, già, bệnh, chết. Rơi vào mười hai nhân duyên… cho đến các hoạn khổ lớn đã tích tập, do đó nói có Niết Bàn.

Hành giả vì không biết rõ các pháp vốn là không, không hiểu rõ nên chẳng giác ngộ, còn các Đức Như Lai Thế Tôn vì biết Bồ Tát đã vào sâu nơi hạnh phương tiện, nhờ các điều thiện ở đời trước nên đứng vững không hề thoái lui, tích chứa công đức, có oai thần lớn vì muốn dẫn dắt mọi người nên làm Bậc Đại Sư Vô Thượng và cùng những hạnh của Đại Bồ Tát như thế, nhằm ngăn cản sự khởi tưởng tranh chấp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần