Phật Thuyết Kinh Nói Về Mười Hai Phẩm Sinh Tử
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẬT THUYẾT KINH
VỀ MƯỜI HAI PHẨM SANH TỬ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
Đúng thật như thế, chính tôi được nghe!
Một thời, Đức Phật an trú tại Tinh Xá Kỳ Hoàn, trong vườn Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ.
Lúc bấy giờ, Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Nay ta sẽ nói Kinh cho các ông nghe.
Chư Tỳ Kheo đáp: Vâng, bạch Đức Thế Tôn! Chúng con nguyện vâng theo lời chỉ dạy.
Đức Phật nói rằng: Nói về cái chết của con người, có mười hai phẩm.
Những gì là mười hai?
Thứ nhất: Vô dư tử nghĩa là bậc A La Hán không còn dính mắc.
Thứ hai: Độ ư tử nghĩa là bậc A Na Hàm không còn trở lại.
Thứ ba: Hữu dư tử nghĩa là bậc Tư Đà Hàm còn trở lại.
Thứ tư: Học độ tử nghĩa là bậc Tu Đà Hoàn thấy được đạo đế.
Thứ năm: Vô khi tử, nghĩa là hàng Bát đẳng nhân.
Thứ sáu: Hoan hỷ tử nghĩa là hàng hành nhất tâm.
Thứ bảy: Sác sác tử nghĩa là người ác giới.
Thứ tám: Hối tử nghĩa là hạng người phàm phu.
Thứ chín: Hoạnh tử nghĩa là người khổ vì cô độc.
Thứ mười: Phược trước tử nghĩa là súc sanh.
Thứ mười một: Thiêu lạn tử nghĩa là chúng sinh ở địa ngục.
Thứ mười hai: Cơ khát tử nghĩa là quỉ đói.
Này các Tỳ Kheo! Phải biết rõ như thế, nên học những điều ấy, chớ có buông lung, chớ có khởi tâm háo sắc, xa lìa các điều sai trái để tâm thanh tịnh, chỗ chưa chứng đắc thường khiến cho thành tựu.
Vì sao thế?
Bởi vì sác sác tử rất khổ
Hối tử cũng khổ
Hoạnh tử cũng rất khổ
Phược trước tử cũng thống khổ
Thiêu lạn tử cũng rất thống khổ
Cơ khát tử cũng thống khổ.
Như thế, này các Tỳ Kheo! Nên học những điều ấy, siêng ở chỗ vắng vẻ, hoặc ở dưới gốc cây, một lòng tu tập thiền định, chớ xem thường và vui đùa để sau này không phải hối hận. Đây là những lời Phật dạy, là phép tắc của Phật.
Đức Phật đã nói như thế xong. Các Tỳ Kheo hoan hỷ phụng hành, cúi đầu lễ Phật rồi lui ra.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba