Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Phật Lô Xá Na - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
PHẠM VÕNG PHẬT LÔ XÁ NA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẦN BA
Tất cả Thế Giới đều khác nhau vô cùng tận. Pháp môn của Đức Lô Xá Na nêu dạy cũng vậy. Hôm nay, đức Như Lai đến Thế Giới này đã tám ngàn lần, vì Thế Giới Ta Bà ngồi nơi tòa Kim Cang hoa quang, đến cung của Thiên Vương Ma Hê Thủ la tóm tắt, khai thị hoàn thành Phẩm Phổ Môn tâm địa cho tất cả chúng sanh.
Rồi từ cung Thiên Vương trở xuống ngồi nơi gốc cây Bồ Đề của Châu Diêm Phù, vì tất cả chúng sanh mê mờ trên đất này nói lại giới pháp do chính thân Đức Phật Lô Xá Na đã nói trong Phẩm Pháp Môn Tâm Địa, giới pháp khi mới phát tâm Ngài đã thường tụng.
Giới ấy như ngọc kim cương sáng chói rực rỡ, là căn bản của Chư Phật, là nguồn gốc của tất cả Bồ Tát, là những hạt giống của Phật Tánh. Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh. Toàn bộ ý thức và sắc tâm của con người đều nhập vào trong pháp giới Phật Tánh. Thường có nhân như vậy nên đương nhiên có pháp thân thường trú.
Như vậy mười Ba La Đề Mộc Xoa xuất hiện ở Thế Giới này, đó chính là giới pháp của Phật, tất cả chúng sanh trong ba đời nên kính nhận thọ trì. Nay Như Lai sẽ nói lại cho đại chúng nghe mười vô tận tạng giới phẩm, chính là bản nguyên là tự tánh thanh tịnh của tất cả chúng sinh.
Như Lai Lô Xá Na
An tọa đài Liên Hoa
Xung quanh trên ngàn hoa
Lại hiện ngàn Thích Ca.
Mỗi hoa trăm ức Phật
Một nước một Thích Ca
Đều ngồi cây Bồ Đề
Cùng lúc thành Phật Đạo.
Như vậy ngàn, trăm, ức
Bản thân Lô Xá Na
Ngàn trăm ức Thích Ca
Tiếp vô lượng chúng sanh.
Đều đi đến chỗ ta
Nghe ta tụng giới Phật
Cửa cam lồ mở bày
Bấy giờ trăm ngàn ức.
Về lại Bồ Đề tràng
Ngồi nơi cây Bồ Đề
Tụng giới bổn sư ta
Mười trọng bốn tám khinh.
Giới sáng như mặt trăng
Mặt trời, ngọc anh lạc
Bồ Tát như vi trần
Do giới thành Chánh Giác.
Giới Lô Xá Na tụng
Như Lai cũng tụng lại
Các Bồ Tát mới học
Tôn kính thọ trì giới.
Đã thọ trì giới rồi
Chuyển trao các chúng sanh
Lắng nghe Như Lai tụng
Giới tạng trong pháp Phật.
Ba La Đề Mộc Xoa
Đại chúng chí tâm tin
Mình là Phật sẽ thành
Ta là Phật đã thành.
Thường tin tưởng như vậy
Giới pháp đã đầy đủ
Tất cả ai có tâm
Đều lãnh thọ giới Phật.
Chúng sanh thọ giới Phật
Tức vào quả vị Phật
Quả vị đồng Đại Giác
Là đích thật con Phật.
Đại chúng đều cung kính
Chí tâm nghe ta tụng.
Bấy giờ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đầu tiên an tọa nơi cội cây Bồ Đề, thành tựu tuệ giác vô thượng, bắt đầu quy định về giới của Bồ Tát, sự hiếu thuận với cha mẹ, thầy dạy, Chư Tăng, Tam Bảo, sự hiếu thuận là pháp hợp với đạo, sự hiếu thuận gọi là giới, cũng gọi là chế ngự, đình chỉ, tức từ kim khẩu Phật phóng ra vô lượng ánh sáng.
Lúc ấy, đại chúng có đến trăm vạn ức Bồ Tát, các vị Phạm Thiên ở trong mười tám tầng Trời, các vị Thiên Tử trong sáu tầng Trời thuộc Cõi Dục, các vị Quốc Vương của mười sáu nước hùng mạnh đều chấp tay, chí tâm lắng nghe Đức Thế Tôn tụng lại giới pháp đại thừa của hết thảy Chư Phật.
Đức Phật dạy: Này các vị Bồ Tát! Nay Như Lai cứ nửa tháng nửa tháng đích thân tụng lại giới pháp của Phật Pháp.
Các người, những vị Bồ Tát mới phát tâm, cho đến những vị Bồ Tát hành mười phát thú, mười trưởng dưỡng, mười Kim Cang, mười Địa cũng đều tụng y như vậy. Vì thế ánh sáng giới pháp từ kim khẩu của Như Lai phát ra. Ánh sáng đó có lý do chứ chẳng phải không có.
Nhưng ánh sáng ấy không phải xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, không sắc, không tâm, không có, không không, không có tính nhân quả mà là bản nguyên của Chư Phật, là căn bản của Bồ Tát, căn bản của đại chúng Phật Tử. Vì vậy, đại chúng Phật Tử nên thọ trì, đọc tụng, tự học.
Này Phật Tử! Hãy lắng nghe kỹ, nếu muốn lãnh thọ giới pháp của Phật thì không kể Quốc Vương, Vương Tử, Trăm Quan, Tể Tướng, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Phạm Thiên nơi mười tám tầng Trời.
Thiên Tử nơi sáu tầng Trời thuộc Cõi Dục, dân chúng, hoàng môn, dâm nam, dâm nữ, nô bộc, tỳ thiếp, quỷ thần trong tám bộ, Thần Kim Cang, súc sinh cho đến những kẻ biến hóa, hễ ai hiểu được tiếng nói của vị Pháp Sư truyền giới thì đều có thể thọ giới và được đắc giới, đều là người thanh tịnh bậc nhất.
Đức Phật dạy: Này các Phật Tử! Có mười giới pháp trọng. Nếu thọ giới Bồ Tát mà không tụng mười giới pháp này thì không phải Bồ Tát, không phải hạt giống Phật. Vì Như Lai cũng tụng như vậy, tất cả Bồ Tát đã, đang học và sẽ học. Như vậy, Như Lai đã nói vắn tắt đến tướng mạo của Bồ Tát giới. Các người nên học, kính tâm phụng trì.
Thế Tôn dạy: Này Phật Tử! Nếu tự mình giết bảo người khác giết, phương tiện khen ngợi giết, thấy người khác giết mà vui mừng theo, cho đến chú thuật giết, gieo nhân giết, tạo duyên giết, phương pháp giết, hành động giết, cho đến tất cả loài có mạng sống đều không được cố ý giết.
Là Bồ Tát thường nên khởi tâm từ bi, tâm hiếu thuận mà phương tiện cứu giúp và che chở cho tất cả chúng sanh. Nếu tự mặc sức, thích thú giết hại thì đó là tội Ba La Di của Bồ Tát.
Này Phật Tử! Nếu tự mình trộm cắp, bảo người khác trộm cắp, phương tiện trộm cắp, gieo nhân trộm cắp, tạo duyên trộm cắp, cách thức, động tác, chú thuật trộm cắp cho đến tài vật của quỷ thần, vật có chủ, vật của giặc cướp. Tất cả tài vật dù chỉ bằng một cây kim, ngọn cỏ cũng không cố ý trộm cắp.
Là Bồ Tát nên sanh tâm hiếu thuận, tâm từ bi nơi Phật Tánh, thường giúp mọi người, làm phước đức và được yên vui, ngược lại còn trộm cắp tài vật của người thì đó là tội Ba La Di của Bồ Tát.
Này Phật Tử! Nếu tự mình dâm dục, bảo người khác dâm dục, cho đến tất cả người nữ cũng không được cố dâm dục, gieo nhân dâm dục,tạo duyên dâm dục,phương pháp dâm dục, hành động dâm dục cho đến đối với giống cái trong súc sinh, phái nữ trong Chư Thiên và quỷ thần, hoặc những chỗ không phải bộ phận sinh dục đều không được cố ý dâm dục.
Là Bồ Tát nên sanh tâm hiếu thuận, cứu giúp tất cả chúng sanh, bằng cách đem pháp thanh tịnh cho người, ngược lại khởi dậy dâm dục với tất cả người nữ, kể cả súc sinh, đến nỗi đối với mẹ, con gái, em gái, bà con nội ngoại cũng hành dâm, không có lòng từ bi thì đó là tội Ba La Di của Bồ Tát.
Này Phật Tử! Nếu tự mình vọng ngữ, bảo người khác vọng ngữ, phương tiện vọng ngữ, gieo nhân, trợ duyên, phương pháp và hành động vọng ngữ, cho đến không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, thân, tâm đều vọng ngữ.
Là Bồ Tát thường nên nói lời chân chánh, nhận thức chân chánh cũng khiến cho chúng sanh nói lời chân chánh và thấy biết chân chánh, ngược lại khởi lên lời nói tà vạy, nhận biết sai lầm, hành động không đúng đắn thì đó là tội Ba La Di của Bồ Tát.
Này Phật Tử! Nếu tự mình bán rượu, bảo người khác bán rượu, gieo nhân, trợ duyên, phương pháp và hành động bán rượu, tất cả loại rượu không được mua bán, vì rượu là nhân duyên gây ra tội lỗi. Là Bồ Tát nên làm cho chúng sanh phát tâm trí tuệ sáng suốt thấu đạt, ngược lại làm cho tâm tánh của chúng sanh điên đảo thì đó là tội Ba La Di của Bồ Tát.
Này Phật Tử! Nếu tự mình nói những lỗi lầm của hàng Bồ Tát xuất gia, tại gia, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, lại bảo người khác nói lỗi lầm, gieo nhân nói lỗi lầm, trợ duyên, phương pháp và hành động tác của sự nói lỗi lầm.
Mà Bồ Tát khi nghe những kẻ xấu ngoại đạo và nhị thừa nói những điều trái giáo pháp, chẳng phải luật còn thường sanh tâm từ bi, giáo hóa kẻ xấu ác ấy, khiến cho họ sinh niềm tin nơi đại thừa. Nếu ngược lại tự mình nói lỗi lầm trong Phật Pháp thì đó là tội Ba La Di của Bồ Tát.
Này Phật Tử! Nếu tự khen ngợi mình, chê bai người, rồi dạy người khác khen ngợi mình chê bai người gieo nhân, chê bai, trợ duyên, phương pháp và hành động chê bai, mà Bồ Tát nên thay chúng sanh chịu những sự khinh chê, tủi nhục, khổ đau về mình, việc tốt dành cho người khác.
Vậy mà ngược lại, tự khoe cái hay của mình, giấu kín cái tốt của người, làm cho họ phải chịu mọi sự khinh khi thì đó là tội Ba La Di của Bồ Tát.
Này Phật Tử! Nếu tự mình xẻn tiếc, bảo người khác xẻn tiếc, gieo nhân xẻn tiếc, trợ duyên, phương pháp và hành động xẻn tiếc, mà Bồ Tát thấy bất cứ người nghèo thiếu nào đến cầu xin còn đều tùy chỗ cần dùng của họ, cung cấp những thứ mình có.
Ngược lại, vì tâm địa xấu ác, giận dữ, đến nỗi một đồng, một cây kim, một ngọn cỏ cũng không cho, có người cầu xin pháp đã không nói cho một câu, một bài kệ nhỏ như hạt bụi lại còn nhục mạ họ thì đó là tội Ba La Di của Bồ Tát.
Này Phật Tử! Nếu tự mình giận dữ, bảo người khác giận dữ, gieo nhân giận dữ, trợ duyên, phương pháp và hành động giận dữ, mà Bồ Tát phải nên làm cho chúng sanh phát sanh thiện căn không tranh chấp, thường phát tâm đại bi.
Ngược lại, đối với tất cả chúng sanh cho đến chẳng phải chúng sanh, còn nhục mạ bằng lời nói độc dữ, thêm sự đánh đập bằng tay chân và đao gậy vũ khí… vẫn chưa vừa lòng, người ta thưa cầu xin sám hối lỗi lầm, thế mà vẫn giận dữ không thôi thì đó là tội Ba La Di của Bồ Tát.
Này Phật Tử! Nếu tự mình hủy báng Tam Bảo, bảo người khác hủy báng Tam Bảo, gieo nhân hủy báng, trợ duyên, phương pháp và hành động hủy báng, mà Bồ Tát nghe tiếng ngoại đạo hay kẻ ác hủy báng Phật, chỉ một tiếng cũng như bị ba trăm mũi nhọn châm vào tim, huống nữa là tự miệng mình hủy báng, không sanh tâm ngưỡng mộ, hiếu thuận. Nếu ngược lại tăng thêm sự hủy báng cho kẻ tâm ác, tà kiến thì đó là tội Ba La Di của Bồ Tát.
Các nhân giả khéo tu học! Đó là mười giới trọng của Bồ Tát, các người nên tu học. Trong đó không được trái phạm giới nào cả, dù chỉ nhỏ bằng hạt bụi, huống nữa là phạm đủ cả mười giới.
Nếu ai phạm thì thân hiện tại không thể phát tâm Bồ Đề, ngôi vị Quốc Vương và Chuyển Luân Thánh Vương cũng mất, lại mất luôn phẩm vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, mất cả các quả vị Bồ Tát như mười phát thú, mười trưởng dưỡng, mười Kim Cang, mười địa và tất cả thành quả vi diệu, thường trú của Phật Tánh đều mất sạch, bị sa vào ba đường ác, hai kiếp đến ba kiếp không nghe được tiếng cha mẹ hay danh hiệu Tam Bảo.
Vì thế nhất nhất không được phạm. Tất cả Bồ Tát, các người nay đang học, về sau sẽ học, quá khứ đã học. Đây là mười giới pháp trọng phải nên kính cẩn phụng trì.
Trong phẩm Bát vạn oai nghi có giảng rộng.
Đức Phật dạy: Này chư vị Bồ Tát! Như Lai đã nói mười giới trọng rồi, bây giờ sẽ nói về bốn mươi tám giới khinh.
Đức Phật dạy: Này Phật Tử! Nếu khi sắp nhận ngôi vị Quốc Vương, ngôi vị Luân Vương, chức vị trăm quan, thì trước nên lãnh thọ giới Bồ Tát. Như thế sẽ được quỷ thần hộ trì thân vua và thân các quan, được Chư Phật hoan hỷ.
Đã đắc giới rồi nên sanh tâm hiếu thuận, cung kính. Khi thấy các vị Thượng Tọa, Hòa Thượng, A Xà Lê, các vị Đại Đức, đồng học, đồng kiến, đồng hành thì hãy đứng lên, đón tiếp, kính lễ, hỏi han.
Vậy mà ngược lại, Bồ Tát sanh tâm kiêu mạn, khinh lờn, ngu si không đứng lên, đón tiếp, kính lễ, hỏi han, nhất nhất không cúng dường đúng như pháp, như đem mọi giá trị nơi thân mình, quả vị, con cái, bảy báu và các tài vật khác để dâng cúng các vị. Nếu không làm như vậy thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Nếu cố ý uống rượu, mà rượu thì dẫn đến vô số lầm lỗi. Nếu tự tay mình trao rượu cho người khác uống, thì năm trăm đời cánh tay không có, huống nữa là chính mình tự uống.
Cũng không được chỉ bảo mọi người uống rượu hay bày cho các chúng sinh khác uống, huống nữa là chính mình uống. Tất cả các thứ rượu đều không được uống. Nếu cố ý uống hay bảo người khác uống thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Nếu cố ý ăn thịt, tất cả loại thịt nào cũng không được ăn. Ăn thịt thì đoạn mất hạt giống Phật Tánh vốn rất từ bi, khiến tất cả chúng sanh thấy liền bỏ chạy. Vì thế, tất cả Bồ Tát không được ăn thịt của mọi loại chúng sanh. Ăn thịt chịu vô lượng tội lỗi. Nếu cố ý ăn thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Không được ăn năm thứ cay nồng là tỏi, kiệu, hành, nén, hẹ. Năm thứ ấy trong bất cứ thức ăn nào cũng không được ăn. Nếu cố ý ăn thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Nếu thấy ai phạm tám giới, năm giới, mười giới, các giới khác, bảy tội nghịch, tám tai nạn, tất cả tội phạm giới đều phải chỉ dạy cho họ cách thức sám hối. Nếu Bồ Tát không khuyên bảo sám hối mà cùng họ ở chung, cùng hưởng lợi dưỡng, cùng Bố Tát và đồng chúng thuyết giới, lại không cử tội, chỉ bày cách sám hối cho họ thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Nếu thấy các vị Pháp Sư đại thừa, các vị cùng học cùng hiểu và cùng làm về đại thừa, đến tăng phường, nhà cửa, thành phố, thôn xóm của mình, dù ở xa cách trăm ngàn dặm cũng liền đứng lên, đón rước, tiễn đưa, kính lạy dâng cúng… mỗi ngày cúng dường ba lần, dù phải tốn kém nhiều đi nữa, tất cả các thứ uống ăn, nằm ngồi, thuốc thang đều cung cấp cho vị Pháp Sư.
Mọi nhu cầu của vị ấy đều cung phụng đầy đủ. Mỗi ngày ba lần, thường thỉnh vị Pháp Sư thuyết pháp. Mỗi ngày kính lễ ba lần, không hề có lòng sân hận, phiền bực. Vì pháp mà phải mất mạng, cũng vẫn cầu pháp không chán. Nếu không như vậy thì phạm tội Kinh cấu.
Này Phật Tử! Bất cứ chỗ nào có giảng thuyết Kinh Luật nói về giới pháp. Nơi ấy, dù nhà cửa to lớn mà có giảng thuyết pháp thì các vị Bồ Tát mới học nên đem Kinh Luật đến lắng nghe, tiếp nhận và thưa hỏi vị Pháp Sư.
Dù trong núi rừng, dưới tàng cây lớn, nơi chùa chiền, hay trong nhà, tất cả nơi có thuyết pháp đều nên đến nghe học. Nếu không đến nơi ấy thưa hỏi, thọ học thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Nếu có tư tưởng trái với Kinh Luật thường trú của đại thừa, cho không phải lời Phật dạy, rồi thọ trì những Kinh Luật giới cấm của nhị thừa Thanh Văn và ngoại đạo ác kiến, thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Nếu thấy bất kỳ người bệnh tật nào phải nên tận tâm cung dưỡng như dâng cúng Phật Đà. Trong tám ruộng phước đức, chăm sóc bệnh tật là ruộng tốt nhất. Nếu cha mẹ, Sư Tăng hay đệ tử bị bệnh có tật, trăm bệnh dày vò đều nên chăm sóc lành mạnh.
Mà Bồ Tát đem tâm ý không tốt, giận ghét không chăm sóc, cho đến ở nơi tăng phường nơi thành thị, thôn xóm, hoang dã, núi rừng đường sá, thấy người bệnh cũng không cứu giúp thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Không được cất chứa dao gậy, cung tên, giáo, búa và tất cả khí giới chiến đấu khác… cùng với vật dụng để sát sanh như chài, lưới, rập, bẫy.
Tất cả vật ấy không được cất chứa. Là Bồ Tát, đến nỗi kẻ giết cha mẹ mình cũng không giết lại để báo thù, huống nữa là người khác. Nếu cố ý cất chứa tất cả vật dụng đánh giết… thì phạm tội khinh cấu.
Đây là mười giới nhẹ, cần nên vâng học, kính trọng phụng trì.
Trong sáu phẩm sau có giảng rộng.
Này Phật Tử! Không được vì lợi lộc hay vì ý ác mà làm sứ thần cho hai nước hiệp hội, quân trận, đem binh đánh nhau, tàn hại vô lượng chúng sanh. Là Bồ Tát không được vào, ra trong quân trận, huống nữa là cố ý làm tên môi giới cho chiến tranh. Nếu cố ý thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Nếu cố ý buôn bán người hiền lành, nô bộc, tỳ thiếp, mua bán súc vật, quan tài và những dụng cụ tẩm liệm, mọi việc ấy còn tự mình không được làm, huống nữa là chỉ bảo người khác. Nếu cố ý hay bảo người khác làm thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Vì tâm địa xấu ác nên vô cớ phỉ báng những người hiền lành, bậc thiện đức, những bậc Pháp Sư, Sư Tăng Quốc Vương và hàng quý nhân, nói phạm bảy tội nghịch, mười giới trọng.
Đối với cha mẹ, chú bác, anh em trong nhà phải nên sanh lòng hiếu thuận, thương yêu. Vậy mà ngược lại tăng thêm sự trái ý, tổn thương khiến họ rơi vào cảnh khổ tâm, thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Vì tâm địa xấu ác nên phóng lửa lớn đốt cháy núi rừng, đồng nội. Từ tháng tư đến tháng chín phóng lửa, hoặc cháy lan đến nhà cửa, thành thị, thôn xóm, tăng phòng, ruộng vườn, cây cối của người và cung điện, tài vật của quỷ thần. Tất cả vật có chủ không được cố ý thiêu đốt, nếu cố ý thiêu đốt thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Với những người từ đệ tử Phật đến ngoại đạo, các người bà con, người quen biết tốt đều phải hướng dẫn họ thọ trì Kinh Luật đại thừa, nên giảng giải cho họ hiểu nghĩa lý của Kinh, làm cho họ phát tâm bồ đề: Mười tâm phát thú, mười tâm trưởng dưỡng, mười tâm Kim Cang. Ba mươi tâm ấy mỗi mỗi đều hướng dẫn cho họ hiểu rõ pháp dụng thứ tự.
Là Bồ Tát mà vì tâm xấu ác, tâm giận dữ đem Kinh Luật của nhị thừa Thanh Văn và học thuyết của ngoại đạo tà kiến để chỉ dạy khắp cho nhiều người thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Nên dùng tâm nguyện tốt đẹp, trước tiên nên học oai nghi và giới luật của Kinh Điển đại thừa, lý giải rộng sâu diệu nghĩa, ý vị của nó. Sau, thấy các vị Bồ Tát mới học từ trăm, ngàn dặm đến cầu học Kinh Luật đại thừa, phải nên nói cho họ đúng như pháp, nói về những khổ hạnh như thiêu đốt thân, cánh tay, ngón tay.
Nếu không thiêu đốt thân, cánh tay, ngón tay để cúng dường Chư Phật thì không phải là hàng Bồ Tát xuất gia. Cho đến hổ lang, sư tử và quỷ đang đói cũng nên xả thịt, hay tay chân của mình để cung cấp, sau đó nói tuần tự về giới pháp chính yếu, làm cho họ tâm khai ý mở.
Là Bồ Tát mà vì lợi lộc nên điều cần giải đáp lại không giải đáp, nói một cách rối loạn văn nghĩa Kinh Luật, không có trước, sau, chung cục là phỉ báng Tam Bảo thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Nếu tự mình vì việc ăn uống, tiền của, lợi dưỡng, danh vọng mà thân cận với các Quốc Vương, Vương Tử, Đại Thần, trăm quan, rồi ỷ thế cậy oai bức bách người khác, hành hung chiếm đoạt tiền tài, sản vật một cách ngang ngược.
Những cầu lợi như vậy là ham cầu xấu ác, ham cầu quá đáng, thế mà còn dạy bảo người khác ham cầu nữa, không còn lòng từ bi, hiếu thuận thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Nếu học, tụng giới Bồ Tát thì ngày đêm sáu thời nghiêm trì giới Bồ Tát, hiểu rõ, lý giải về tánh của Phật Tánh. Là Bồ Tát mà không hiểu được một câu một kệ và nhân duyên của giới luật, thế mà dối là có thể thông hiểu tất cả pháp Phật. Như vậy là tự lừa dối mình, lừa dối kẻ khác. Tất cả pháp đều mù mờ, không hiểu, vậy mà làm Pháp Sư truyền giới cho người khác, thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Vì tâm ý xấu ác nên thấy Tỳ Kheo trì giới tay bưng lư hương, thực hành hạnh Bồ Tát mà gây tạo mâu thuẫn cho bên này bên kia, phỉ báng, vu khống người thánh thiện, không việc ác nào không làm. Nếu cố ý làm thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Vì tâm từ bi nên thực hành phóng sanh, phải nghĩ như vậy: Tất cả nam giới là cha ta, tất cả nữ giới là mẹ ta. Ta nhiều đời đều từ họ sanh ra, nên sáu đường chúng sanh đều là cha mẹ ta, ta giết mà ăn tức là giết cha mẹ ta mà ăn, và cũng giết chính thân cũ của ta mà ăn.
Tất cả thể cứng, thể lỏng và sức nóng, sức động đều là thân thể cũ của ta. Vì thế nên thường phóng sanh. Đời đời thọ sanh, là pháp thường còn nên dạy bảo người khác phóng sanh. Khi thấy người đời giết hại sinh vật, nên tìm cách cứu hộ, giải thoát khổ nạn cho chúng.
Thường giáo hóa, giảng dạy giới Bồ Tát cho người để cứu hộ chúng sanh. Nếu gặp ngày mất của cha mẹ, anh em thì nên thỉnh Pháp Sư diễn giảng Kinh Luật Bồ Tát giới. Người chết nhờ phước đức ấy, được diện kiến Chư Phật hay sanh trong cõi người hoặc sinh lên cõi Trời. Nếu không làm như vậy thì phạm tội khinh cấu.
Đây là mười giới nhẹ cần nên vâng học, kính tâm phụng trì. Như trong phẩm diệt tội giảng rõ mỗi giới.
Này Phật Tử! Không được dùng sự giận dữ đáp lại sự giận dữ, không được dùng sự đánh đập trả lại sự đánh đập, cũng không được giữ tâm niệm báo thù những kẻ sát hại cha mẹ, anh em, bà con của ta, hay kẻ sát hại quốc chúa. Tàn sát sự sống để trả thù sự sống là điều không thuận với đạo hiếu.
Hãy còn không nuôi nô bộc, tỳ thiếp, rồi đánh đập mắng chửi, mỗi ngày dấy lên ba nghiệp nhất là khẩu nghiệp tạo ra vô lượng tội. Huống chi lại cố làm đến bảy tội nghịch. Là Bồ Tát xuất gia không có lòng từ bi mà cố báo thù đến nỗi trong họ hàng bà con cũng quyết không tha, thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Nếu mới xuất gia, chưa thông hiểu gì, tự ỷ mình thông minh, cao sang lớn tuổi, dòng họ quyền quý, kiến thức rộng lớn, phước nhiều giàu có, đủ cả bảy báu rồi sanh tâm kiêu mạn, không chịu học hỏi Kinh Luật với các vị Pháp Sư đã học trước.
Các vị đó có thể là người ở dòng họ thấp kém, tuổi tác nhỏ hơn, thuộc hàng thấp kém hay có tật nguyền, nhưng thật là người có đức, lý giải thấu đáo các Kinh Luật. Nếu Bồ Tát mới học mà chỉ chú tâm về dòng họ và địa vị, không chịu đến học hỏi đệ nhất nghĩa đế ở vị Pháp Sư ấy thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Sau khi Như Lai nhập diệt, nếu có tâm nguyện tốt muốn lãnh thọ giới Bồ Tát bằng cách tự nguyện lãnh thọ giới trước hình tượng Phật Đà, hình tượng Bồ Tát, thì phải sám hối trong bảy ngày trước hình tượng Phật Đà, hình tượng Bồ Tát, hễ thấy được tướng tốt là đắc giới.
Nếu chưa thấy được tướng tốt thì phải hai tuần, ba tuần cho đến một năm, cầu thấy được tướng tốt. Khi thấy được tướng tốt rồi, liền có thể thọ giới trước hình tướng Phật Đà, hình tượng Bồ Tát.
Nếu không thấy được tướng tốt, thì dù thọ giới trước hình tượng Phật cũng không thể gọi là đắc giới. Nên lãnh thọ giới Bồ Tát bằng cách hiện diện đối trước vị Pháp Sư đã thọ giới trước mình, thì không cần thấy được tướng tốt.
Vì sao?
Vì vị Pháp Sư đã được các vị Pháp Sư trước truyền giới rồi nên không cần thấy tướng tốt. Như vậy hễ thọ giới trước Pháp Sư liền đắc giới, do tâm hết mực kính trọng sanh khởi nên đắc giới ngay.
Nếu trong vòng ngàn dặm, không ai có thể làm vị Pháp Sư truyền thọ giới Bồ Tát thì người muốn thọ giới ấy có thể tự nguyện lãnh thọ trước hình tượng Phật Đà, hình tượng Bồ Tát, nhưng cũng phải thấy cho được tướng tốt.
Nếu vị Pháp Sư ỷ mình lý giải thông Kinh Luật và giới pháp đại thừa, chỉ làm bạn với Quốc Vương, Vương Tử, trăm quan, còn các vị Bồ Tát mới học đến thưa hỏi ý nghĩa của Luật của Kinh, vị Pháp Sư đó vì tâm lý khinh mệt, kiêu ngạo, không chịu tận tâm chỉ bảo những điều họ thưa hỏi, thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Nếu có chánh pháp đại thừa trong Kinh Luật Như Lai dạy về chánh kiến, chánh tánh, chánh pháp thân, không nỗ lực học tập, mà xả bỏ như bỏ bảy thứ báu, lại học tập sách vở theo tà kiến nhị thừa.
Ngoại đạo và thế tục như các Bộ A Tỳ Đàm, các luận thuyết hỗn tạp, thi văn truyện ký, thế thì làm mất Phật Tánh, cản trở đạo nghiệp không phải thực hành đạo. Nếu cố ý học tập thì phạm tội khinh cấu.
Này Phật Tử! Nếu sau khi Phật nhập diệt, làm chủ sự thuyết pháp, làm chủ nơi tăng phường, làm chủ sự giáo hóa, làm chủ sự tọa thiền, làm chủ sự đi lại, nên sanh tâm từ bi, khéo hòa giải mọi việc mâu thuẫn, khéo giữ gìn vật của Tam Bảo, đừng sử dụng vô độ như của riêng. Nếu trái lại làm cho Tăng Chúng rối loạn, tranh cãi, mặc sức sử dụng của Tam Bảo, thì phạm tội khinh cấu.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Sáu Mươi Chín - Phẩm Sự Tương Quan Giữa Sáu độ
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Jivaka
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh An Lạc - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh A Lợi đa La đà La Ni A Lỗ Lực
Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Phật Lô Xá Na - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hai Sự Khó đoạn
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Chín - Trưởng Lão Ni Kệ - Phẩm Chín - Tập Chín Kệ