Phật Thuyết Kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh Bất Thoái Chuyển Luân - Phần Hai Mươi
Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trí Nghiêm, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH
QUẢNG BÁC NGHIÊM TỊNH
BẤT THOÁI CHUYỂN LUÂN
Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trí Nghiêm, Đời Đường
PHẦN HAI MƯƠI
Hôm nay chúng con tất cả tội nghiệp thảy đều phát lộ sám hối không dám che giấu. Chúng con ngu si thấp kém không biết không hay, không có phương tiện cúi mong các Đức Phật vì lòng từ bi thương xót mà nhận lấy sự sám hối của chúng con!
Phật bảo các vị Thiện Nam: Lành thay, lành thay! Hôm nay ở trước mặt ta các vị đã phát lộ sám hối không hề che giấu tội lỗi của mình, như vậy đối chánh pháp của ta các vị sẽ được nhiều lợi ích.
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hiện nay trong chúng hội này, có một số vị sinh tâm nghi ngờ đối với Kinh, nên phải chịu khổ nơi cõi Địa Ngục như thế phải chăng?
Phật bảo A Nan: Hiện những vị trong chúng hội này sinh tâm nghi ngờ nhưng nhờ biết ăn năn sám hối nên tội ấy đã được giảm nhẹ.
A Nan bach Phật: Những người ấy phải chịu tội báo như thế nào?
Phật bảo A Nan: Khi người ấy sắp chết trong mỗi lỗ chân lông trên thân đều chịu vô lượng khổ, nhưng sự đau đớn ấy không kéo dài.
Vì sao?
Vì những người đó đã ở trước ta cũng như trước vô lượng, vô biên các Đức Phật Thế Tôn thành tâm sám hối những lỗi lầm của mình.
Này A Nan! Vì vậy mà các vị nam nữ trong dòng họ của Như Lai nếu muốn tránh tội báo về thân và lưỡi cũng như bao nỗi đau khổ cùng cực như thế thì phải nên kính tin, hiểu rõ Kinh này, chớ nên sinh tâm nghi ngờ.
Này A Nan! Nếu có các vị thiện nam, thiện nữ muốn luôn được gần gũi Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng, muốn luôn được gắn bó với chánh pháp của các Đức Phật ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, thì nên thọ trì Kinh này, đọc tụng thông suốt, giải thích cho người khác nghe và sao chép Kinh Điển để cúng dường.
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nay Như Lai nói Kinh Bất Thoái Chuyển Luân, vậy do nhân duyên gì mà Thế Tôn dạy rằng: Nếu muốn gần gũi Tăng, vậy chẳng hay gần gũi hạng Tăng nào?
Phật bảo A Nan: Tăng ấy chỉ cho những vị Tăng không còn thoái chuyển, gọi là Tăng, những vị không thoái chuyển đến nhóm họp trong chúng hội cũng được gọi là Tăng.
A Nan bạch Phật: Các vị Bồ Tát chưa được pháp không thoái chuyển thì chưa được xếp vào hàng tăng chăng?
Phật bảo A Nan: Nếu những vị đã phát tâm bồ đề sâu xa mà không chấp vào sự phát tâm ấy thì đều được xếp vào hàng Tăng không thoái chuyển.
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật là điều ít có, các Đức Phật đã đầy đủ năng lực phương tiện lớn lao, nhờ phương tiện mà nói pháp như vậy.
Bấy giờ, Thích Đề Hoàn Nhân liền dùng tung rải hoa Mạn Đà La Cõi Trời lên chỗ Phật và bạch: Bạch Thế Tôn! Cúi mong Đức Thế Tôn khiến cho tất cả chúng sinh cũng đều đầy đủ phương tiện như vậy.
Phật bảo Thích Đề Hoàn Nhân: Này Kiều Thi Ca! Nếu có người tin hiểu Kinh này thì đều sẽ thành tựu phương tiện như vậy để giảng nói các pháp chẳng khác gì như ta hiện nay.
Lúc này, có trăm ngàn các vị Trời tung rải hoa Mạn Đà La Cõi Trời lên chỗ Phật để cúng dường và nguyện: Nguyện cho tất cả chúng sinh đều thông đạt Kinh này.
Khi ấy Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Cúi mong Thế Tôn thương xót chúng sinh đời vị lai mà giữ gìn Kinh này.
Phật bảo A Nan: Nếu các thiện nam, thiện nữ đang lênh đênh trên biển cả mà muốn nghe Kinh này thì các thiện nam, thiện nữ ấy đều được nghe.
Vì sao?
Vì các Đức Phật Như Lai đời trước đã giữ gìn Kinh này.
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chư Phật, Như Lai đời trước tuy giữ gìn Kinh này, nhưng con cúi mong ngày nay Như Lai vì thương xót chúng sinh cũng giữ gìn Kinh này.
Lúc bấy giờ, mặt đất rung chuyển sáu cách, tức thì ở trước chỗ Phật tự nhiên hiện ra một đóa hoa Trời Diêm Phù Đề màu vàng vơi trăm ngàn muôn ức cánh, phát ra ánh sáng soi sáng hằng hà sa Thế Giới Chư Phật trong mười phương.
Bấy giờ, bốn chúng đều thấy các Đức Phật Thế Tôn nơi hằng hà sa Thế Giới trong mười phương, trước các Đức Phật này cũng đều có hoa Trời Diêm Phù Đề màu vàng tự nhiên xuất hiện với trăm ngàn muôn ức cánh, phát ra ánh sáng chiếu khắp mười phương.
Bấy giờ, Thích Đề Hoàn Nhân liền biến thành một vị cư sĩ, cầm các thứ hoa nói với bốn chung: Bây giờ các vị hãy tung rải hoa này lên chỗ Phật để cúng dường Như Lai, cũng là để cúng dường pháp mầu Kinh này.
Tức thì bốn chúng liền tung rải các hoa ấy lên chỗ Phật. Đức Như Lai dùng thần thông khiến cho tất cả các hoa được tung rải lên để cúng dường ấy kết lại thành một lọng hoa lớn.
Bốn chúng cùng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà mặt đất rung động sáu cách như vậy?
Lại có đóa hoa sen lớn hiện ra trước chỗ Phật và hằng hà sa Thế Giới trong mười phương, Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới và bốn hướng cũng đều hiện ra giống như thế?
Phật bảo bốn chúng: Những hiện tượng tốt đẹp hiện ra trước như vậy đủ biết các Đức Phật luôn giữ gìn Kinh này.
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như Lai hiện này đã dạy về việc giữ gìn Kinh này chăng?
Phật bảo A Nan: Đúng vậy! Ta đã chỉ dạy.
A Nan bạch Phật: Chỉ có mỗi Đức Thế Tôn giữ gìn Kinh này hay là các Đức Phật trong Thế Giới khác cũng đều giữ gìn Kinh này?
Đức Phật dạy: Các Đức Phật trong các Thế Giới nhiều như số cát Sông Hằng trong mười phương đều giữ gìn Kinh này.
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Kinh này được gọi tên là gì và thọ trì bằng cách nào?
Đức Phật nói: Kinh này gọi là Chẳng Chấp Các Quả, hoặc Xa Lìa Các Quả. Cũng có tên là Nói Về Mật Nghĩa Của Các Pháp kiên tín, kiên pháp, Tám Bậc, Bốn Quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán Và Hai Thừa Thanh Văn, Bích Chi Phật. Cũng có tên la Hàng Phục Đuổi Trừ Các Ma, cũng được gọi là Tương Ứng Với Sáu Pháp Ba la mật.
Vì sao được gọi như thế?
Vì nếu có các thiện nam, thiện nữ kính tin hiểu rõ Kinh này, thọ trì đọc tụng, cho đến sao chép Kinh Điển để cúng dường thì xem như những người ấy đã tu tập đầy đủ sáu pháp Ba la mật.
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao những người kính tin, hiểu rõ Kinh này, thọ trì đọc tụng thì được xem là đã tu tập đầy đủ sáu pháp Ba la mật?
Phật dạy: Nếu các thiện nam, thiện nữ kính tin, hiểu rõ Kinh này thì được gọi là bố thí Ba la mật. Chẳng sinh tâm nghi ngờ thì được gọi là trì giới Ba la mật. Gắng sức để nhận lãnh và thấu đạt pháp ấy thì được gọi là nhẫn nhục Ba la mật. Tâm mạnh mẽ, không yếu hèn thì được gọi là tinh tấn Ba la mật. Tâm được an định, không xao động nên gọi là thiền định Ba la mật. Chẳng phân biệt đối với tất cả các pháp gọi là Trí tuệ Ba la mật.
Này A Nan! Do vậy mà Kinh này được gọi là tương ứng với sáu pháp Ba la mật. Kinh này cũng còn gọi là tất cả các Đức Phật giảng nói chánh pháp. Cũng được gọi là pháp không thoái chuyển rộng lớn. Cũng gọi là pháp không thoái chuyển rộng lớn thanh tịnh trang nghiêm.
Này A Nan! Đó là các tên gọi của Kinh này, ông nên theo những ý nghĩa ấy mà thọ trì.
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chỉ được nghe tên Kinh này thôi cũng đã phát tâm lãnh hội tho trì, huống chi là đã được nghe giảng nói trước sau đầy đủ.
Đức Phật dạy: Đúng vậy, đúng như lời ông nói!
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sinh được nghe Kinh này, thì thoát được vòng sinh tử của bao nhiêu kiếp?
Đức Phật dạy: Nếu có người được nghe tên Kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh Bất Thoái Chuyển Luân, được nghe rồi lại sinh tâm kính tin hiểu rõ thì ông nên biết rằng những chúng sinh ấy sẽ thoát khỏi trăm ngàn kiếp sinh tử.
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sinh được nghe Kinh này, kính tin, hiểu rõ và phát tâm Bồ Đề thì sẽ đạt được pháp gì?
Đức Phật dạy: Những chúng sinh như vậy đều được các Đức Phật thọ ký là sẽ đạt đến Tuệ giác vô thượng bồ đề.
Lúc này, bốn chúng trong hội, mỗi vị đều thấy trước chỗ ngồi của mình tự nhiên hiện ra một đóa hoa sen rất to lớn, hoa ấy nở ra có đến trăm ngàn cánh với hàng trăm ngàn muôn ức ánh sáng màu sắc tỏa chiếu, khiến cho bốn chúng đều vui mừng hớn hở, liền dâng hoa ấy lên cúng dường Phật và cùng bạch Phật: Nguyện cho chúng con vào đời vị lai cũng được giảng nói rộng khắp về Kinh này chẳng khác gì Đức Thế Tôn hiện nay đang giảng nói.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vui vẻ mỉm cười: Cùng lúc, tất cả các thứ âm nhạc tự nhiên hòa tấu vang lừng, tất cả các thứ hương thơm tự nhiên xông tỏa ngào ngạt. Hàng trăm ngàn muôn ức vị Trời trên hư không hòa tấu các thứ nhạc trời. Lại có trăm ngàn muôn ức vị Trời trên không trung tung rải như mưa các thứ hương bột Chiên Đàn, cùng với vô số các loại hương Trời như Thiên A Ca Lâu Hương, hương bột mịn màng Đa Ma La Hương.
Lại tung rải như mưa các thứ châu báu như: Mạn Đà La, Ma Ha Mạn Đà La, Ba Lâu Sa, Ma Ha Ba Lâu Sa, Mạn Thù Sa, Ma Ha Mạn Thù Sa, Ca Ca La, Ma Ha Ca Ca La, Lâu Già Ma Na, Ma Ha Lâu Già Ma Na, Thiên Ưu Bát Lan, Câu Vật Đầu, Phân Đà Lợi… Các loại hoa nhiều như vậy được tung rải xuống chỗ Phật để cúng dường.
Lại có vô số các thứ hương trời, vô số các tràng hoa, chuỗi hoa, cho đến tất cả các thứ châu báu quý giá mà các vị Trời có được đều tung rải xuống để cúng dường.
Mọi người cũng rộn ràng không kém. Có các vị cởi những y phục quý giá dâng lên cúng dường Phật. Có các vị thì cởi những xâu chuỗi ngọc quý đeo trên cổ hoặc các thứ mũ não kết bằng các xâu chuỗi hoa… tung lên để cúng dường. Có các vị thì dùng những chiếc mũ quý làm bằng vàng ngọc, làm bằng các thư vật báu khác, hoặc được kết bằng các thứ hoa đẹp, các thứ hương Chiên Đàn cùng dâng lên cúng dường. Có các vị thì vui mừng hớn hở chúc thọ vang khắp.
Đồng thời các loài vật như trâu, ngựa thảy đều vui thích, phát ra tiếng kêu dịu dàng. Trên không trung các loài chim chóc thì nhóm họp từng đàn chung giọng hót vang những âm thanh hòa nhã. Chúng sinh ở các cõi như địa ngục, súc sanh đều lìa các nỗi đau khổ, tâm hưởng an lành. Chúng sinh ở cõi quỷ đói thì được no đủ, lìa các nỗi khổ não về cảnh đói khát.
Tám bộ chúng là Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân… thảy đều bộc lộ sự vui mừng tột độ, cũng như tất cả các chúng sinh đều dấy khởi tâm từ bi, đối xử với nhau theo tâm từ bi ấy không còn chút giận dữ, oán hờn.
Bấy giờ, A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Do đâu mà Đức Thế Tôn mỉm cười?
Các Đức Phật, Như Lai khi mỉm cười là nhằm để nêu dạy điều gì.
Phật bảo A Nan: Hiện nay bốn chúng đệ tử Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, cùng tám bộ chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân hiện đang có mặt nơi đây đều được nghe và lãnh hội Kinh này, thì đời sau cũng sẽ được gặp lại, nghe và lãnh hội, đều được pháp không thoái chuyển trên đường tiến đến quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, sau khi thành Bậc Giác Ngộ cũng sẽ giảng nói Kinh này, không thêm không bớt, chẳng khác gì ta hiện nay.
Lúc Phật nói Kinh này, có vô lượng, vô biên chẳng thể tính lường, chẳng thể nghĩ bàn, trăm ngàn muôn ức na do tha các vị Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân đều được pháp không lui sụt trên đường tiến đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Đức Phật nói xong Kinh này, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, vô lượng, vô biên các Đại Bồ Tát, Tôn Giả A Nan, các vị Đại Thanh Văn cung với bốn chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, tám bộ chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân cùng mọi chúng nhân thế gian, tất cả đều rất vui mừng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tam Mạn đà Bạt đà La Bồ Tát - Phẩm Một - Phẩm Năm Sự Che Lấp
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Sáu - phẩm Mười Năm - Phẩm Nhị Hạnh
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh điều Tương Sĩ
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Công đức Thâm Sâu - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - phẩm Bốn - Phẩm Vãng Sanh
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Hai - Phẩm Hai Kệ - Phẩm Hai
Phật Thuyết Kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật đa - Phẩm Bốn - Phẩm Nhị đế