Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Sáu - Sáu Pháp - Phẩm Sáu - ðại Phẩm - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG CHI BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

CHƯƠNG SÁU

SÁU PHÁP  

PHẨM SÁU

ÐẠI PHẨM

SONA  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Thế Tôn trú tại Ràjagaha Vương Xá núi Gijjhakùta Linh Thứu. Lúc bấy giờ Tôn Giả Sona trú ở Ràjagaha, tại rừng Sìta.

Rồi Tôn Giả Sona, trong khi độc cư thiền tịnh, tư tưởng sau đây được khởi lên: Những ai là đệ tử Thế Tôn, sống tinh cần tinh tấn, ta là một trong những vị ấy. Nhưng ta còn chấp thủ, tâm chưa giải thoát khỏi các lậu hoặc.

Gia đình ta có tài sản, và ta có thể hưởng thọ tài sản và làm điều công đức. Vậy ta hãy từ bỏ học pháp, hoàn tục, thọ hưởng tài sản và làm các công đức.

Rồi Thế Tôn với tâm của mình biết được tâm của Tôn Giả Sona, như một người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại hay co lại cánh tay đang duỗi ra, biến mất từ núi Gijjhakùta, hiện ra trước mặt Tôn Giả Sona, ở rừng Sìta. Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Tôn Giả Sona đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên.

Thế Tôn nói với Tôn Giả Sona đang ngồi một bên:

Này Sona, có phải trong khi thầy độc cư thiền tịnh, tư tưởng sau đây được khởi lên: Những ai là đệ tử Thế Tôn, sống tinh cần tinh tấn, ta là một trong những vị ấy. Nhưng ta còn chấp thủ, tâm chưa giải thoát các lậu hoặc. Gia đình ta có tài sản, ta có thể hưởng thọ tài sản ấy và làm các công đức.

Vậy ta hãy từ bỏ học pháp, hoàn tục, thọ hưởng tài sản và làm các công đức?

Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Thầy nghĩ thế nào, này Sona?

Có phải thuở trước, khi còn là gia chủ, thầy giỏi đánh đàn Tỳ Bà có dây?

Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Thầy nghĩ thế nào, này Sona?

Khi những sợi dây Đàn Tỳ Đà của thầy quá căng thẳng, trong khi ấy, đàn Tỳ Bà của thầy có phát âm hay sử dụng được không?

Thưa không, bạch Thế Tôn.

Thầy nghĩ thế nào, này Sona?

Khi những sợi dây đàn Tỳ Bà của thầy quá trùng, trong khi ấy, đàn Tỳ Bà của thầy có phát âm hay sử dụng được không?

Thưa không, bạch Thế Tôn.

Nhưng này Sona?

Khi những sợi dây đàn Tỳ Bà của thầy không quá căng thẳng, không quá trùng xuống, nhưng vặn đúng mức trung bình, trong khi ấy, đàn Tỳ Bà của thầy có phát âm hay sử dụng được không?

Thưa được, bạch Thế Tôn.

Cũng vậy, này Sona, khi tinh cần tinh tấn quá căng thẳng, thời đưa đến dao động. Khi tinh cần tinh tấn quá thụ động, thời đưa đến biếng nhác. Do vậy, này Sona, thầy phải an trú tinh tấn một cách bình đẳng, thể nhập các căn một cách bình đẳng, rồi tại đấy nắm giữ tướng.

Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn Giả Sona vâng đáp Thế Tôn.

Rồi Thế Tôn sau khi giáo giới Tôn Giả Sona với lời giáo giới, như một nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, cũng vậy, Thế Tôn biến mất tại rừng Sìta và hiện ra ở núi Gijjhakùta.

Rồi Tôn Giả Sona, sau một thời gian an trú tinh tấn một cách bình đẳng, thể nhập các căn một cách bình đẳng và tại đấy nắm giữ tướng.

Rồi Tôn Giả Sona sống độc cư, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu, do mục đích gì các Thiện Nam Tử chân chánh xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình, vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ và chứng đạt vô thượng cứu cánh phạm hạnh.

Vị ấy rõ biết: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa. Tôn Giả Sona trở thành một vị A La Hán.

Sau khi chứng được A La Hán, Tôn Giả Sona suy nghĩ như sau: Ta hãy đi đến Thế Tôn.

Sau khi đến, ta sẽ nói lên ý nghĩa này với Thế Tôn. Rồi Tôn Giả Sona đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, Tôn Giả Sona bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, Tỳ Kheo nào là bậc A La Hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, phạm hạnh đã thành, đã làm những việc cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã trừ diệt, đã được giải thoát nhờ chánh trí.

Vị ấy có sáu chỗ để xu hướng, xu hướng xuất ly, xu hướng viễn ly, xu hướng vô sân, xu hướng ái diệt, xu hướng thủ diệt, xu hướng vô si.

Bạch Thế Tôn, có thể ở đây, một số Tôn Giả suy nghĩ như sau: Có Tôn Giả này hoàn toàn chỉ y cứ trên tín, có xu hướng xuất ly.

Vị Tôn Giả ấy chớ có quan điểm như vậy!

Tỳ Kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, bạch Thế Tôn, phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn thấy trong mình còn cái gì cần làm, hay còn cái gì cần phải làm thêm. Do đoạn diệt tham ái, do viễn ly tham ái, vị ấy hướng tâm đến xu hướng xuất ly.

Do đoạn diệt sân, do viễn ly sân, vị ấy hướng tâm đến xu hướng xuất ly. Do đoạn diệt si, do viễn ly si, vị ấy hướng tâm đến xu hướng xuất ly.

Bạch Thế Tôn, có thể ở đây một số Tôn Giả suy nghĩ như sau: Tôn Giả này do tham muốn lợi dưỡng, cung kính, danh tiếng nên hướng tâm về xu hướng viễn ly.

Tôn Giả ấy chớ có quan niệm như vậy!

Bạch Thế Tôn, Tỳ Kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu phạm hạnh, đã làm những việc phải làm, không còn thấy trong mình còn cái gì cần làm hay còn cái gì cần phải làm thêm.

Do đoạn diệt tham ái, do viễn ly tham ái, vị ấy hướng tâm đến xu hướng viễn ly. Do đoạn diệt sân, do viễn ly sân, vị ấy hướng tâm đến xu hướng viễn ly. Do đoạn diệt si, do viễn ly si, vị ấy hướng tâm đến xu hướng viễn ly.

Bạch Thế Tôn, có thể đây một số Tôn Giả suy nghĩ như sau: Do đi ngược trở lại tối thắng giới cấm thủ, Tôn Giả này hướng tâm đến xu hướng vô sân.

Tôn Giả ấy chớ có quan điểm như vậy!

Bạch Thế Tôn, Tỳ Kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu phạm hạnh, đã làm những việc phải làm, không còn thấy trong mình còn cái gì cần phải làm hay còn cái gì cần phải làm thêm.

Do đoạn diệt tham ái, do viễn ly tham ái, vị ấy hướng tâm đến xu hướng vô sân.

Do đoạn diệt sân, do viễn ly sân, vị ấy hướng tâm đến xu hướng vô sân.

Do đoạn diệt si, do viễn ly si, vị ấy hướng tâm đến xu hướng vô sân.

Do đoạn diệt tham ái, do viễn ly tham ái, vị ấy hướng tâm đến xu hướng ái diệt.

Do đoạn diệt sân, do viễn ly sân, vị ấy hướng tâm đến xu hướng ái diệt.

Do đoạn diệt si, do viễn ly si, vị ấy hướng tâm đến xu hướng ái diệt.

Do đoạn diệt tham ái, do viễn ly tham ái, vị ấy hướng tâm đến xu hướng thủ diệt.

Do đoạn diệt sân, do viễn ly sân, vị ấy hướng tâm đến xu hướng thủ diệt.

Do đoạn diệt si, do viễn ly si, vị ấy hướng tâm đến xu hướng thủ diệt.

Do đoạn diệt tham ái, do viễn ly tham ái, vị ấy hướng tâm đến xu hướng vô si.

Do đoạn diệt sân, do viễn ly sân, vị ấy hướng tâm đến xu hướng vô si.

Do đoạn diệt si, do viễn ly si, vị ấy hướng tâm đến xu hướng vô si.

Như vậy, với Tỳ Kheo có tâm chân chánh giải thoát, bạch Thế Tôn, nếu nhiều sắc do mắt nhận thức đi vào trong giới vức của mắt, chúng không chinh phục tâm vị ấy, và tâm vị ấy không lộn xộn, an trú, đạt được không dao động, quán thấy tánh diệt của chúng.

Nếu nhiều tiếng do tai nhận thức nếu nhiều hương do mũi nhận thức nếu nhiều vị do lưỡi nhận thức nếu nhiều xúc do thân nhận thức nếu nhiều pháp do ý nhận thức đi vào trong giới vực của ý, chúng không chinh phục tâm của vị ấy, và tâm vị ấy không lộn xộn, an trú, đạt được không dao động, quán thấy tánh diệt của chúng.

Ví như, bạch Thế Tôn, một hòn núi đá, không có rạn nứt, không có trống bọng, một tảng đá lớn, nếu từ phương Ðông mưa to gió lớn đến, không có làm rung động, rung chuyển, chuyển động mạnh núi đá ấy.

Nếu từ phương Tây mưa to gió lớn đến nếu từ phương Bắc mưa to gió lớn đến. Nếu từ phương Nam mưa to gió lớn đến không có làm rung động, rung chuyển, chuyển động mạnh núi đá ấy.

Cũng vậy, bạch Thế Tôn, với Tỳ Kheo có tâm chân chánh giải thoát, nếu nhiều sắc do mắt nhận thức đi vào trong giới vức của mắt, chúng không chinh phục tâm vị ấy, và tâm vị ấy không lộn xộn, an trú, đạt được không dao động, quán thấy tánh diệt của chúng.

Nếu nhiều tiếng do tai nhận thức nếu nhiều hương do mũi nhận thức nếu nhiều vị do lưỡi nhận thức nếu nhiều xúc do thân nhận thức, nếu nhiều pháp do ý nhận thức đi vào trong giới vực của ý, chúng không chinh phục tâm vị ấy, và tâm vị ấy không lộn xộn, an trú, đạt được không dao động, quán thấy tánh diệt của chúng.

Với ai hướng xuất ly,

Tâm xu hướng viễn ly,

Với ai hướng vô sân,

Tâm xu hướng thủ diệt,

Với ai hướng ái diệt,

Tâm xu hướng vô si,

Có thấy xứ sanh khởi,

Tâm được chánh giải thoát.

Với vị chánh giải thoát,

Vị Tỳ Kheo tâm tịnh,

Không cần làm thêm gì,

Không có gì phải làm.

Như hòn núi đá tảng,

Gió không thể dao động,

Cũng vậy, toàn thể sắc,

Vị, tiếng, và hương, xúc,

Cho đến tất cả pháp,

Khả ái, không khả ái,

Không có thể dao động,

Một vị được như vậy,

Tâm kiên trú, giải thoát,

Thấy tánh diệt của chúng.  

PHAGGUNA  

Lúc bấy giờ, Tôn Giả Phagguna bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh.

Rồi Tôn Giả A Nan Đà đi đến Thế Tôn.

Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, Tôn Giả A Nan Đà bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, Tôn Giả Phagguna bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh.

Lành thay, bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn đi đến Tôn Giả Phagguna, vì lòng từ mẫn.

Thế Tôn im lặng nhận lời.

Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn Giả Phagguna.

Tôn Giả Phagguna thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy, muốn rời khỏi giường.

Rồi Thế Tôn nói với Tôn Giả Phagguna: Thôi được rồi, Phagguna!

Thầy chớ có rời khỏi giường. Ðã có những chỗ ngồi đã soạn từ trước, Ta sẽ ngồi tại các chỗ ấy. Rồi Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.

Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn Giả Phagguna: Này Phagguna, mong rằng thầy có thể kham nhẫn!

Mong rằng thầy có thể chịu đựng!

Mong rằng các khổ thọ được giảm thiểu, không tăng trưởng!

Mong rằng triệu chứng giảm thiểu được thấy rõ, không tăng trưởng!

Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn. Con không có thể chịu đựng. Khổ thọ của con tăng trưởng, không có giảm thiểu.

Triệu chứng tăng trưởng được thấy rõ, không có giảm thiểu!

Bạch Thế Tôn, ví như một người lực sĩ chém đầu một người khác với một thanh kiếm sắc bén. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, những ngọn gió kinh khủng thổi lên, đau nhói trong đầu con.

Bạch Thế Tôn, con không thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Khổ thọ của con gia tăng, không có giảm thiểu, triệu chứng gia tăng được thấy rõ, không có giảm thiểu.

Bạch Thế Tôn, như một người lực sĩ lấy một dây nịt bằng da cứng quấn tròn quanh đầu rồi siết chặt. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con cảm thấy đau đầu một cách kinh khủng.

Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng, khổ thọ của con gia tăng, không có giảm thiểu. Triệu chứng gia tăng được thấy rõ, không có giảm thiểu.

Bạch Thế Tôn, như một người đồ tể thiện xảo hay đệ tử người đồ tể cắt ngang bụng với một con dao cắt thịt bò sắc bén. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, một ngọn gió kinh khủng cắt ngang bụng của con.

Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Những khổ thọ của con gia tăng, không có giảm thiểu, triệu chứng gia tăng được thấy rõ, không có giảm thiểu.

Bạch Thế Tôn, ví như hai người lực sĩ, sau khi nắm cánh tay của một người yếu hơn, nướng người ấy, đốt người ấy trên một hố than hừng. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, một sức nóng kinh khủng khởi lên trong thân của con.

Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Những khổ thọ của con gia tăng, không có giảm thiểu, triệu chứng gia tăng được thấy rõ, không có giảm thiểu.

Rồi Thế Tôn, với pháp thoại, nói lên cho Tôn Giả Phagguna biết, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỉ, từ chỗ ngồi, đứng dậy và ra đi. Rồi Tôn Giả Phagguna, sau khi Thế Tôn ra đi không bao lâu, liền mệnh chung. Trong khi Tôn Giả lâm chung, các căn được sáng chói.

Rồi Tôn Giả A Nan Đà đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, Tôn Giả A Nan Đà bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, Tôn Giả Phagguna, sau khi Thế Tôn ra đi không bao lâu, đã mệnh chung. Trong khi Tôn Giả mệnh chung, các căn được sáng chói.

Này A Nan Đà, tại sao các căn của Tôn Giả Phagguna lại không sáng chói chứ?

Này A Nan Đà, với Tỳ Kheo Phagguna, tâm chưa được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử. Sau khi nghe pháp, tâm vị ấy được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử.

Có sáu lợi ích này, này A Nan Đà, nếu nghe pháp đúng thời, và thẩm sát ý nghĩa đúng thời.

Thế nào là sáu?

Ở đây, này A Nan Đà, Tỳ Kheo tâm chưa được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử, vị ấy trong khi mạng chung, được thấy Thế Tôn.

Thế Tôn thuyết pháp cho vị ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.

Sau khi nghe thuyết pháp, tâm vị ấy được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử. Ðây là lợi ích thứ nhất, này A Nan Đà, khi được nghe pháp đúng thời.

Lại nữa, này A Nan Đà, Tỳ Kheo với tâm chưa được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử, vị ấy trong khi mệnh chung, không được thấy Thế Tôn, nhưng chỉ được thấy đệ tử Như Lai.

Ðệ tử Như Lai thuyết pháp cho vị ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.

Sau khi nghe thuyết pháp, tâm vị ấy được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử. Này A Nan Đà, đây là lợi ích thứ hai khi được nghe pháp đúng thời. Lại nữa, này A Nan Đà, Tỳ Kheo với tâm chưa được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử, vị ấy trong khi mệnh chung, không được thấy Như Lai, cũng không được thấy đệ tử của Như Lai.

Nhưng với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học một cách thông suốt. Do vị ấy, với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học một cách thông suốt, nên tâm được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử.

Này A Nan Đà, đây là lợi ích thứ ba khi thẩm sát ý nghĩa đúng thời. Ở đây, này A Nan Đà, Tỳ Kheo với tâm đã được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử, nhưng tâm chưa giải thoát đối với vô thượng đoạn diệt sanh y, vị ấy trong khi mệnh chung được thấy Như Lai.

Và Như Lai thuyết pháp cho vị ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Sau khi được nghe thuyết pháp, tâm vị ấy được giải thoát đối với vô thượng đoạn diệt sanh y.

Này A Nan Đà, đây là lợi ích thứ tư khi được nghe pháp đúng thời. Lại nữa, này A Nan Đà, Tỳ Kheo với tâm đã được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử, nhưng tâm chưa giải thoát đối với vô thượng đoạn diệt sanh y, vị ấy trong khi mạng chung không được thấy Như Lai, chỉ được thấy đệ tử của Như Lai.

Ðệ tử Như Lai thuyết pháp cho vị ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Sau khi được nghe thuyết pháp, tâm vị ấy được giải thoát đối với vô thượng đoạn diệt sanh y.

Này A Nan Đà, đây là lợi ích thứ năm khi được nghe pháp đúng thời. Lại nữa, này A Nan Đà, Tỳ Kheo với tâm được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử, nhưng tâm chưa giải thoát đối với vô thượng đoạn diệt sanh y, vị ấy trong khi mệnh chung không được thấy Như Lai, cũng không được thấy đệ tử Như Lai.

Nhưng với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được học thông suốt, do vị ấy với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thông suốt, nên tâm được giải thoát đối với vô thượng đoạn diệt sanh y này.

Này A Nan Đà, đây là lợi ích thứ sáu khi được thẩm sát ý nghĩa đúng thời. Có sáu lợi ích này, này A Nan Đà, khi được nghe pháp đúng thời, và khi được thẩm sát ý nghĩa đúng thời.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần