Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bại Vong
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH BẠI VONG
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ. Bấy giờ, có một Thiên Tử tướng mạo tuyệt, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà.
Thiên Tử kia nói kệ hỏi Phật:
Thoái lạc, bị đánh bại
Làm sao mà biết được?
Cúi xin Thế Tôn nói,
Cửa bại vong thế nào?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Chỗ thắng dễ biết được,
Chỗ bại biết cũng dễ.
Pháp lạc chỗ thắng xứ,
Hủy pháp là bại vong.
Ưa thích tri thức ác,
Không ưa tri thức thiện.
Sanh oán kết bạn lành,
Đó gọi cửa bại vong.
Ưa thích người bất thiện,
Người thiện lại ganh ghét.
Muốn ác, không muốn thiện,
Đó gọi cửa bại vong.
Đấu, cân, lừa dối người,
Đó gọi cửa bại vong.
Đam mê rượu, cờ bạc,
Chơi bời mê nữ sắc.
Tiêu tan hết của cải,
Đó gọi cửa bại vong.
Người nữ không tự giữ,
Bỏ chồng theo người khác.
Người nam tính phóng đảng,
Bỏ vợ theo ngoại sắc.
Những gia đình như vậy,
Đều đọa cửa bại vong.
Vợ già lấy chồng trẻ,
Tâm thường hay ghen ghét.
Ghen ghét nằm không yên,
Đó gọi cửa bại vong.
Chồng già lấy vợ trẻ,
Đoạ bại vong cũng vậy.
Thường thích mê ngủ nghỉ,
Bạn bè cùng đi chơi.
Biếng lười, ưa sân hận,
Chúng rơi cửa bại vong.
Nhiều của kết bạn bè,
Ăn uống không điều độ.
Tiêu tan nhiều của cải,
Chúng rơi cửa bại vong.
Ít của nhiều tham dục,
Sanh vào nhà Sát Lợi.
Thường mong làm Vương Giả,
Đó là cửa bại vong.
Cầu châu ngọc anh lạc,
Giày da, che tàn lọng.
Trang sức từ keo kiệt,
Đó là cửa bại vong.
Nhận thức ăn của người,
Keo kiệt tiếc của mình.
Không đáp ơn cho người,
Đó là cửa bại vong.
Sa Môn, Bà La Môn,
Cung thỉnh vào nhà mình.
Keo lẫn không cúng kịp,
Đó là cửa bại vong.
Sa Môn, Bà La Môn,
Thứ lớp đi khất thực.
Quở trách không muốn cho,
Đó là cửa bại vong.
Cha mẹ nếu tuổi già,
Không tùy thời phụng dưỡng.
Có của mà không nuôi,
Đó là cửa bại vong.
Đối cha mẹ, anh em,
Đánh đuổi và mạ nhục.
Không tôn ti trật tự,
Đó là cửa bại vong.
Đối Phật và đệ tử,
Tại gia cùng xuất gia.
Hủy báng không cung kính,
Đó là đọa cửa phụ.
Thật chẳng A La Hán,
Tự xưng A La Hán.
Đó là giặc thế gian,
Rơi vào cửa bại vong.
Đó, bại vong ở đời,
Ta thấy biết nên nói.
Giống như đường hiểm sợ,
Người trí phải lánh xa.
Khi ấy Thiên Tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà La Môn,
Mau đạt Bát Niết Bàn.
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn đời ái ân.
Sau khi Thiên Tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Bốn - Phẩm Hai - Phẩm đế Thích
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Nhãn Vô Thường
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Năm - Phẩm Thân Gần Gũi - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Bảo Nữ Sở Vấn - Phẩm Mười - Phẩm hành Pháp
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Sáu Mươi Mốt - Kinh Sáng Tạo Muôn Vật
Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Kinh Phật Tâm Tổng Trì