Phật Thuyết Kinh Thuận Quyền Phương Tiện - Phẩm Hai - Phẩm Chứng Ngộ Chân Lý
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
THUẬN QUYỀN PHƯƠNG TIỆN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM HAI
PHẨM CHỨNG NGỘ CHÂN LÝ
Bấy giờ, Tôn Giả Tu Bồ Đề thầm khen ngợi: Thật chưa từng có! Cô gái này có tài biện luận, ánh sáng trí tuệ thật cao vời, âm thanh giảng nói pháp rất êm dịu, chắc chắn là nhờ oai thần của Phật. Nhất định cô gái ấy đã được Đức Như Lai biến hóa ra.
Cô gái biết rõ tất cả các ý niệm của Tôn Giả Tu Bồ Đề, liền thưa với Tôn Giả: Thưa Tôn Giả! Đúng như Tôn Giả đã suy nghĩ, pháp Sa Môn ấy xa lìa các cõi, không có cảnh giới, không lệ thuộc, không trói buộc cũng chẳng giải thoat.
Tôn Giả đã tự suy nghĩ: Chắc chắn là tôi đã được Như Lai biến hóa ra, quả đúng như vậy. Hôm nay, tôi quan sát về thân mình là đối tượng biến hóa của Như Lai, tuy làm thân nữ nhưng hiểu rõ tất cả đều không.
Vì sao?
Vì Đức Như Lai Chí Chân đã giảng nói các pháp vốn không. Thân tôi cũng vậy, cũng vốn là không. Do đó, tôi đã được Đức Như Lai biến hóa ra.
Như sắc của Như Lai vốn không, cũng vậy, sắc của tôi cũng vốn là không. Vì thế, tôi là đối tượng biến hóa của Đức Như Lai. Như sự đau bệnh, ốm gầy, hành, thức… đều vốn là không, năm ấm cũng vậy, cũng đều vốn là không. Do đó, tôi đã được Như Lai biến hóa ra.
Như Lai vốn là không, tất cả chúng sinh cũng vốn là không, các Bậc Thánh vốn là không, thân tôi cũng vậy, cũng vốn là không. Vì vậy nên nói rằng tôi là đối tượng biến hóa của Như Lai.
Như Lai vốn là không, tất cả các pháp cũng vốn không, tất cả nghĩa lý của đạo cũng vốn không, thân tôi cũng vậy, cũng vốn là không. Do đó, tôi đã được Đức Như Lai biến hóa ra.
Như Lai vốn không, không có sinh khởi cũng không có xứ sở, Như Lai vốn không nên không có sinh cũng chẳng co diệt. Cũng vậy, thân tôi cũng vốn không, chẳng sinh, chẳng diệt. Do đó, tôi là đối tượng biến hóa của Như Lai.
Như Lai vốn không, tất cả đều như huyễn. Cũng vậy, thân tôi cũng vốn không, vốn không có cả sự không sinh, không diệt. Vì thế, tôi đã được Đức Như Lai biến hóa ra.
Đối tượng biến hóa của Như Lai tất cả vốn đều là không, tất cả chúng sinh vốn không xứ sở, các pháp vốn không, chân lý sâu xa, chân thật của chúng cũng vốn là không, tất cả đều rỗng lặng, không hình tướng…
Lại nữa, thưa Tôn Giả! Nói tóm lại, tất cả các pháp đều vốn là không. Vì thế, tôi là đối tượng biến hóa của Đức Như Lai.
Bấy giờ, Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi cô gái: Hôm nay, cô nhờ oai thần của Đức Phật để biết được suy nghĩ của tôi hay là tự mình biết rõ điều đó?
Cô gái đáp: Thưa Tôn Giả! Có thể biết được tâm niệm của người khác sao?
Từ Thanh Văn, Duyên Giác, các Bồ Tát cho đến các vị tiên đạt được năm thông, các ngoại đạo… đều nhờ thần lực của Phật mà biết được.
Vì sao?
Vì tất cả đều đúng thời gian ứng hợp mà được nghe nhận lời dạy của Phật. Cũng như hôm nay, thưa Tôn Giả, tôi biết được tâm niệm của chúng sinh cũng phải nhờ oai thần của Phật mới có thể biết được.
Như tất cả chúng sinh trong thiên ha, nhờ ánh sáng Mặt Trời, Mặt Trăng, lửa, đuốc, đèn… các ánh sáng ở khắp mười phương… mới nhìn thấy được các sắc.
Cũng vậy, thưa Tôn Giả! Các đệ tử của Phật thấy được tâm chúng sinh có trí tuệ của Bậc Thánh chiếu soi, tiêu trừ ngu si tối tăm, đạt được ánh sáng đạo… đều nhờ thần lực Phật.
Khi ấy, Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi cô gái: Xin hãy nói cho tôi biết, hôm nay, cô là ai và từ đâu đến đây mà có sự biện luận này?
Cô gái nói: Giả sử có người hỏi đối tượng được hóa tác của Phật: Hôm nay, ngươi là ai và từ đâu đến thì khi ấy, hóa Phật phải trả lời như thế nào?
Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Không thể đáp được.
Cô gái nói: Cũng vậy, thưa Tôn Giả! Thân biến hóa ấy tự nhiên hiểu rõ pháp tướng. Tất cả những sự hiểu rõ như vậy cũng không thể biết được.
Rồi cô gái hỏi: Bây giờ tôi xin hỏi Tôn Giả là vị hữu học, là phàm phu hay là A La Hán?
Nếu được hỏi như thế thì phải trả lời thế nào?
Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Tôi không phải là vị hữu học, không phải là phàm phu cũng chẳng phải là A La Hán.
Cô gái lại hỏi: Tôn Giả nương vào tâm để trả lời tôi phải không?
Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Đúng vậy.
Còn cô thì trả lời tôi thế nào?
Cô gái nói: Nếu ở trong núi sâu, kêu lên một tiếng, có thể dùng tâm ý để trả lời nhau hay không?
Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Không thể. Vì tiếng vang nhờ hư không mà có âm thanh.
Cô gái hỏi: Tôn Giả đã có thể đến được đạo, nhờ vào pháp hành mà được thể nhập vào đạo rồi chăng?
Nhờ chứng được các minh, thành tựu công đức nên thấu rõ được âm thanh vốn không ngã, ngã sở, ngôn từ… đều như vậy, tất cả đều vốn không.
Khi ấy, trong hư không tự nhiên có âm thanh phát ra những lời khen ngợi như vậy. Cô gái nói lên những lời khiến cho Tôn Giả Tu Bồ Đề từ xa nghe được âm thanh tự nhiên trong hư không ấy.
Nghe xong, Tôn Giả đáp: Tôi chẳng phải là hữu học, chẳng phải là phàm phu cũng chẳng phải là A La Hán.
Cô gái hỏi: Tôn Giả đang thọ trì pháp gì, các lậu đã dứt sạch, đạt được định, chẳng phải là A La Hán chăng?
Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Nếu đối tượng biến hóa của Như Lai tu hành đạt được nơi chốn thì tôi cũng thọ trì pháp như vậy.
Cô gái nói: Tôn Giả chẳng phải A La Hán, các lậu chưa diệt tận thì sao Đức Phật lại ngợi khen Tôn Giả là người tu hành bậc nhất về pháp không trong số các Thanh Văn?
Tôn Giả Tu Bồ Đề nói: Tôi chẳng phải A La Hán, chưa diệt tận các lậu, cũng chẳng tu hành pháp không, chẳng phai được khen là người bậc nhất.
Cô gái lại hỏi: Thưa Tôn Giả! Sao Tôn Giả không để tâm được an lạc mà lại vọng ngữ như thế?
Tôn Giả Tu Bồ Đề nói: Giả sử tôi tự cho mình đã đạt trí tuệ thấu rõ các pháp, đã chứng quả A La Hán, đã diệt tận các lậu, được Đức Thế Tôn khen ngợi là người tu hành bậc nhất về pháp không… khi đó chính là lúc tôi vọng ngữ, nói lưỡi đôi chiều. Tôi không biết pháp, không thấy mình đạt được gì, vì vậy, tôi không vọng ngữ, đó là lời nói chân thật.
Cô gái lại hỏi: Thưa Tôn Giả! Các Thiên Tử đã chứng ngộ chân lý đang vân tập nơi sân nhà để nghe nhận Kinh Pháp này, Tôn Giả cũng cho là không thật chăng?
Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Đối với những vị đã chứng ngộ chân lý, Chư Thiên và loài người đều không nên khinh thường.
Cô gái lại hỏi: Nếu Tôn Giả có đối tượng nhìn thấy như vậy, tức Tôn Giả không chân thật?
Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Người có đối tượng nhìn thấy thì không phải là chân thật hay sao?
Cô gái nói: Tôn Giả đã nhìn thấy chân lý chắc thật vốn không thể thấy được.
Thưa Tôn Giả! Tôn Giả có thể nhìn thấy chân lý chắc thật được chăng?
Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Nếu như lời cô nói thì tôi còn không thấy nghiệp dối gạt, huống nữa là được thấy chân lý chắc thật.
Vì sao?
Vì tất cả đều không.
Rồi Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi: Chân thật là gì?
Cô gái đáp: Thưa Tôn Giả! Chân thật nghĩa là đối với tất cả các pháp đều không có đối tượng sinh khởi, người nào thấy có chân thật thì đó là người nhìn thấy điên đảo.
Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi: Vì sao cô lại nói như vậy?
Cô gái đáp: Thưa Tôn Giả! Ở trong điên đảo mà không khởi phiền não thì cũng không thấy chân lý, đó chính là chân lý chắc thật, vì thấy ở trong điên đảo nên không thấy chân lý chắc thật.
Khi ấy, thấy cô gái này có nghiệp thân vi diệu, các Thiên Tử đang vân tập nơi sân đều cúi đầu đảnh lễ cô gái và đảnh lễ Tôn Giả Tu Bồ Đề, rồi nói: Thưa Tôn Giả! Tôn Giả đã được từ cô gái này nghe pháp biện tài như vậy.
Rồi các vị lại khen ngợi: Tôn Giả đã được lợi ích lớn, thật đáng vui mừng. Nếu được nghe pháp này thì nên dốc lòng tin và vui mừng vì pháp này rất khó được gặp, huống là được thọ trì, công đức thật không thể suy lường.
Cô gái lại nói: Thưa Tôn Giả! Giống như đất chấp nhận mọi thứ, sạch hay không sạch, thơm tho hay hôi thối, đất cũng không vì thế mà tăng giảm. Nếu người nào thực hành tâm bình đẳng thì đều nhẫn chịu tất cả khổ vui, không vì thế mà tiến hay lùi.
Giống như nước sạch tẩy rửa được tất cả các vật sạch dơ mà không hề thương ghét. Cũng vậy, tâm của hành giả cũng giống như nước, có thể trừ sạch những nhơ uế tham, sân, si, đối với thiện, ác không có tâm tăng giảm.
Lại, giống như lửa đốt cháy rụi các vật. Cũng vậy, hành giả làm tiêu trừ hết mọi họa, phước, nếu gặp hai loại khó giáo hóa, tâm cũng luôn bình đẳng không tăng không giảm.
Giống như gió thổi lên làm bay mọi vật nhưng không hề có thương ghét. Cũng vậy, hành giả nếu gặp khổ vui, hiền ngu, sạch nhơ… đều không có tâm tăng giảm.
Giống như hư không chấp nhận mọi vật, nhưng hư không cũng không nghĩ mình nhận hay không nhận. Cũng vậy, hành giả có tâm bình đẳng như hư không, không tăng không giảm, gặp điều thiện, ác đều không vui không giận.
Giống như cầu, thuyền, tất cả mọi người, từ Vua cho đến tiểu nhân, giàu nghèo, lớn nhỏ đều nhờ đó mà qua sông qua biển được, mà cầu, thuyền không hề phân biệt. Người thực hành tâm bình đẳng cũng vậy, tâm ý như cầu, thuyền, không giận, không vui, bạn thù như một, đối với Bậc Hiền có trí tuệ sáng suốt cho đến kẻ phàm phu, trí tuệ Bậc Thánh vẫn luôn tịch tĩnh, tâm không phân biệt.
Vì sao?
Thưa Tôn Giả! Đối với người giận dữ, thù hận, Bậc Hiền sĩ đều nên nhẫn nhục, không nên đáp trả, như vậy sẽ khiến cho họ không còn sân hận.
Giống như khi lửa vừa cháy thì nên dập tắt liền, đừng để lửa bùng cháy mạnh.
Cũng vậy, thưa Tôn Giả! Khi tham dục, phiền não vừa sinh khởi thì phải chế ngự tâm, đừng để tâm buông lung, như vậy sẽ đạt được chánh định.
Bấy giờ, Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi cô gái: Cô chí nguyện mong cầu điều gì mà lại nói lời như tiếng gầm Sư Tử như vậy?
Cô gái đáp: Nếu có mong cầu thì không thể nói lời như tiếng gầm Sư Tử, không có chí mong cầu điều gì mới chính là tiếng gầm của Sư Tử.
Vì sao?
Vì người có mong cầu thì liền rơi vào điên đảo, vì điên đảo nên không thể gầm tiếng gầm của Sư Tử. Nếu có mong cầu liền vì tham thân, bị rơi vào các kiến chấp, không thể gầm lên tiếng gầm Sư Tử.
Lại nữa, Tôn Giả hỏi tôi vì mong cầu điều gì mà lại gầm lên tiếng gầm Sư Tử, vậy Tôn Giả vì mong cầu điều gì mà diệt tận các lậu, được tâm giải thoát?
Tôn Giả Tu Bồ Đề nói: Cô muốn biết điều đó sao không chí nguyện mong cầu để đạt giải thoát?
Cô gái nói: Lúc trước, Tôn Giả vốn không mong cầu mà được diệt tận các lậu và đạt tâm giải thoát chăng?
Tôi cũng đạt được điều không mong cầu như vậy và ở trong pháp giới tu hành điều không có đối tượng đạt được.
Tôn Giả Tu Bồ Đề nói: Tôi quan sát thấy nhất định là cô có chí nguyện đại thừa, vì thế mới nói pháp như tiếng gầm Sư Tử, mọi cử chỉ tới lui, lời lẽ nói năng của cô đều giống bậc tu đại thừa.
Cô gái hỏi: Chẳng lý nào có thể biết được cử chỉ tới lui, dấu hiệu của bậc đại thừa hay sao?
Tôn Giả Tu Bồ Đề nói: Thanh Văn tuy nghe được nhưng không thể diễn nói được đối tượng nhìn thấy của đại thừa. Chỉ có cô mới có thể diễn nói được đại thừa, thực hành pháp vi diệu sâu xa và giảng nói cho tất cả.
Cô gái nói: Thưa Tôn Giả! Bậc đại thừa không gì trở ngại được, trí tuệ không hề bị che lấp, nghĩa là các vị rất sáng suốt, tâm không phân biệt, giống như mặt trời, mặt trăng đi mạnh mẽ ngang qua trước Chư Thiên một cách tự nhiên, không trở ngại, không gì có thể ngăn che, ở giữa hư không mà chiếu sáng nhanh chóng, đi đến khắp bốn cõi thiên hạ, chiếu sáng cõi Diêm Phù Đề, làm cho chúng sinh đâu đâu cũng được nương nhờ ánh sáng…
Bậc chân chánh tu học pháp đại thừa cũng vậy, không bị trở ngại, không gì có thể che lấp được, tâm ý bình đẳng, an trụ nơi không có chỗ trụ, thực hành kính vâng theo sáu pháp Ba la mật, hiển bày ánh sáng tất cả pháp ở khắp mười phương, cho nên gọi là đại thừa.
Như Vua Chuyển luân du hành và ở khắp bốn châu, bậc Đại Sĩ Bồ Tát cũng đến nhiều nơi, ở trong các loài chúng sinh, những người làm điều ác… mà bình đẳng thực hành tâm từ. Bậc Đại Sĩ chân chánh như thế, đi đến chỗ nào cũng có thể chỉ đi một mình.
Đối với Sa Môn, Phạm chí, Chư Thiên, loài người, ở trong nước thành, châu huyện… làm lợi ích cho chúng sinh, Bồ Tát còn thực hiện báo đáp bốn ân để giáo hóa chúng sinh tu hành cung kính như vậy, cho nên gọi là đại thừa.
Bậc Thánh Hiền chân chánh, nhờ có trí tuệ sáng suốt nên thông đạt đối với tất cả các Trời, Rồng, Thần, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Đế Thích, Phạm Vương, bốn vị Trời Hộ Thế…, dùng các hạnh chân chánh bình đẳng để đưa họ đến chân lý chắc thật, để họ được kính vâng thực hành theo, vì thế gọi là đại thừa.
Thưa Tôn Giả! Chỉ có bậc đại thừa là không thể cung tận, không có đối tượng sinh khởi, không gián đoạn sự giáo hóa của Đức Phật và ba ngôi báu, thưa hỏi, nghe nhận những hạnh nghiệp đạo pháp, trí tuệ của Phật và phụng sự Thánh Chúng.
Bậc đại thừa dùng ánh sáng trí tuệ lớn để giáo hóa chúng sinh, đầy đủ hoàn hảo sự vi diệu rộng lớn, không có các hành nhỏ nhặt, thực hành những pháp chân chánh, giảng nói đầy đủ về sáu pháp Ba la mật, lấy việc thực hành báo đáp bốn ân để giáo hóa những người nguy khốn, định tĩnh, đĩnh đạc, tu hành tám chánh đạo, bốn niệm xứ, bốn chánh cần.
Thực hành tâm từ và tâm bi vô lượng, an trụ kiên cố trong đại đạo, dùng nhất thiết trí để dứt hẳn mọi lo sợ, thu phục các ma, lìa xa tăm tối, hiển bày ánh sáng trí tuệ, đầy đủ các công đức và các hạnh, được Chư Thiên, loài người, A Tu La quay về nương tựa, các ma và ngoại đạo đều quy phục, tất cả các Thanh Văn, Duyên Giác, không ai không tôn kính.
Bậc đại thừa giáo hóa những người không có lòng tin làm cho họ dốc lòng tin và ưa thích chánh pháp, dùng tâm từ bi thương những người giận dữ, làm hại, dùng tâm nhẫn nhục để giáo hóa người hung dữ, dùng tinh tấn để hóa độ người biếng trễ.
Dùng nhất tâm để giáo hóa người loạn động, dùng trí tuệ để hóa độ người ngu, dùng tiền của để giáo hóa người nghèo hèn, dùng an ổn để giáo hóa người bị khổ nạn và dùng tâm hoan hỷ để giáo hóa những người trí tuệ… vì thế nên gọi là đại thừa.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Ba - Phẩm Hành Không - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Du Hành - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Tập Yếu - Phẩm Sáu - Không Phóng Dật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Tám Mươi Chín - Kinh được Con Chuột Vàng
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Phi Pháp Thị Pháp
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười Năm - Phẩm Duy Niệm - Tập Hai