Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Ba - Phẩm Bốn - Phẩm Ba Bài Kệ Số Hai - Chuyện Con Trâu Tiền Thân Mahisa

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG BA  

PHẨM BỐN

PHẨM BA BÀI KỆ SỐ HAI  

CHUYỆN CON TRÂU

TIỀN THÂN MAHISA  

Sao Ngài vẫn kiên trì. Chuyện này do Bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một con khỉ ngỗ nghịch.

Tại Xá Vệ, một gia đình kia có một con khỉ. Con khỉ này thường chạy đến chuồng voi, nhảy lên lưng một con voi hiền lành, phóng uế trên đó rồi bắt đầu chạy nhảy lung tung. Con voi kia vừa hiền lành vừa nhẫn nại, chẳng làm gì cả.

Nhưng một hôm kia, một con voi trẻ và hung dữ đứng vào chỗ của con voi hiền nọ, khỉ cứ tưởng là con voi thường ngày, liền trèo lên lưng nó. Nó bị voi dùng vòi chộp lấy và quật xuống đất, khiến nó bị vỡ ra từng mảnh.

Các Tỳ Kheo biết được chuyện này và một hôm họ đem ra bàn tán: Này các hiền hữu có nghe chuyện con khỉ ngỗ nghịch đã lầm tưởng con voi dữ là con voi hiền nên trèo lên lưng nó để mất mạng không?

Bậc Ðạo Sư bước vào và hỏi: Này các Tỳ Kheo, các ông ngồi đây bàn tán chuyện gì thế?

Và khi được các Tỳ Kheo kể chuyện ấy, Ngài bảo: Ðây không phải là lần đầu tiên con khỉ ngỗ nghịch làm như thế, trước kia nó cũng đã làm như thế. Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.

Ngày xưa, khi Brahmadatta là Vua xứ Ba La Nại, Bồ Tát là một con Trâu sinh ra trong vùng Tuyết Sơn Hy Mã Lạp Sơn Ngài lớn lên, to lớn, khỏe mạnh và thường đi đây đó khắp đồi núi, đỉnh cao, hang sâu, rừng già.

Lần nọ, Ngài trông thấy một cái cây thích ý, liền đứng dưới cây để ăn. Bấy giờ, một con Khỉ ngỗ nghịch từ trên cây nhảy xuống trên lưng Trâu. Khỉ nắm một sừng trâu, móc đuôi và đu đưa thân mình. Bồ Tát tràn đầy kiên nhẫn, đức độ, từ bi đã không để ý tới sự ngỗ nghịch của Khỉ. Con Khỉ kia cứ làm như thế mãi.

Nhưng một hôm, vị thần của cây đứng trên thân cây hỏi Bồ Tát: Thưa Ngài Trâu chúa, sao Ngài cứ để mặc cho con khỉ ngỗ nghịch kia hỗn hào mãi thế?

Hãy khiến nó chấm dứt đi thôi!

Và nói rộng điều này, vị thần cây đọc hai bài kệ sau đây:

Sao Ngài vẫn kiên trì

Chịu đựng chuyện kỳ quặc,

Khỉ hỗn hào ích kỷ

Quấy phá Ngài lắm khi?

Hãy đạp nó bằng chân

Hãy đâm nó bằng sừng,

Phải liền ngăn cản nó

Kẻo bọn trẻ khinh lờn.

Bồ Tát nghe thế liền trả lời: Này thần cây, chịu cho nó bạc đãi mà không nguyền rủa thọ sanh, dòng dõi, thế lực của nó, nếu điều ấy ta không giữ được thì nguyện ước của ta sao toàn vẹn?

Nhưng rồi con khỉ kia cũng sẽ làm như thế đối với kẻ khác vì tưởng ai cũng như ta. Và nếu nó làm như thế với những con trâu khác thì nó sẽ bị hại ngay. Thế là ta được miễn đi sự phiền nhiễu và việc giết chóc.

Thế rồi Ngài đọc tiếp bài kệ thứ ba:

Nếu nó quấy kẻ khác,

Như đã quấy ta đây,

Nó liền bị hạ sát,

Ta sẽ thảnh thơi ngay.

Ít ngày sau, Bồ Tát đi nơi khác. Một con trâu rừng khác hung hãn đến đứng vào chỗ của Ngài. Con khỉ ác hiểm kia tưởng con trâu mới đến là con trâu trước kia, liền trèo lên lưng và làm như trước. Con trâu rừng quật nó xuống đất, dùng sừng đâm thủng ngực nó rồi lấy chân dẫm nát nó.

Khi Bậc Ðạo Sư kể xong pháp thoại này, Ngài tuyên thuyết Tứ Ðế và nhận diện tiền thân: Con trâu dữ trước kia là con voi dữ bây giờ đó, con Khỉ ngỗ nghịch trước kia cũng chính là nó bây giờ, còn con Trâu đức độ cao cả ấy chính là ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần