Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Hai - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI  

PHẨM HAI  

CHUYỆN HIẾU TỬ SÀMA

TIỀN THÂN SÀMA  

PHẦN HAI  

Sau khi tự khen ngợi tài năng mình như vậy, Vua hỏi gia thế của Ngài:

Ngươi là ai đó vậy, con ai,

Là gì ta sẽ gọi tên ngươi?

Và tên thân phụ cùng gia tộc,

Tên của nhà ngươi, hãy trả lời.

Bậc Đại Sĩ suy nghĩ: Nếu ta bảo rằng ta là Thiên Thần hay dòng dõi các Nữ Thần Kinnara Khẩn La Na, hoặc bảo ta là một Sát Đế Lỵ hay thuộc một quý tộc tương tự, vị này sẽ tin ngay, nhưng ta phải nói sự thật.

Vì thế Ngài nói:

Lúc ta sinh được gọi Sà Ma,

Con thợ săn cùng khổ chính ta,

Nay ở đây nằm trên đất lạnh,

Người nhìn ta đã gặp nguy cơ.

Tên độc của người bắn trọng thương,

Ta nằm đơn độc tựa linh dương,

Nạn nhân người giết nhờ tài nghệ,

Lăn lóc ta nay nhuộm máu hường.

Tên của người xuyên suốt thịt da,

Theo từng hơi thở máu trào ra,

Ngất ngư, ta vẫn còn than hỏi:

Sao muốn giết người mai phục ta?

Ngươi chẳng thể nào ăn thịt ta,

Cũng không thể sử dụng bao da,

Sao người nghĩ lấy ta làm đích,

Người đã tưởng đâu thắng lợi mà?

Khi Vua nghe vậy, biết rằng không thể nói thật được, liền bịa một câu chuyện như sau:

Một nai đã đến đúng vừa tầm,

Ta nghĩ rằng ta sắp hưởng phần,

Nhưng thấy ngươi, nai kinh hoảng chạy,

Với ngươi, ta chẳng có lòng sân.

Bậc Đại Sĩ đáp: Tại sao Đại Vương nói vậy được?

Cả vùng núi Himavat này không có nai nào thấy ta mà bỏ chạy:

Từ khi ta mới biết suy tư,

Nhớ lại thời xưa mãi đến giờ,

Không thú mồi hay nai chạy trốn,

kinh hoàng khi gặp bước ta qua.

Từ lúc ta mang áo vỏ cây,

Bỏ đằng sau chuỗi ngày thơ ngây,

Không nai hay thú mồi đào tẩu,

Khi thấy ta qua các lối này.

Các thú hoang kia chính bạn mình,

Cùng ta phiêu bạt khắp rừng xanh,

Nai này sao lại, như người nói,

Khi thấy ta liền chạy hãi kinh?

Khi Vua nghe nói, liền nghĩ thầm:

Ta đã làm trọng thương con người vô tội này và lại còn nói dối, thôi ta phải thú tội mới được.

Nghĩ vậy, Vua nói:

Chẳng có nai nào thấy Sà Ma,

Sao ta nói dối quá dư thừa?

Lòng ta tràn ngập niềm tham, hận,

Và bắn đầu tên đó ấy, chính ta.

Rồi Vua nghĩ: Suvanna không thể sống một mình trong rừng được, chắc phải có thân thích ở đây, để ta thử hỏi xem.

Vì thế Vua ngâm kệ:

Sáng sớm từ đâu đến, bạn lành,

Ai người bảo bạn phải cầm bình,

Đổ đầy nước múc bờ sông ấy,

Mang gánh nặng lui bước lộ trình?

Nghe vậy, bậc Đại Sĩ cảm thấy một nỗi đau đớn vô cùng và ngâm vần kệ trong khi máu trào ra từ miệng:

Cha mẹ sống rừng vắng phía xa,

Mù lòa chỉ lệ thuộc con thơ,

Vì hai thân, đến bên bờ nước,

Ta đổ đầy bình nước của ta.

Rồi Ngài tiếp tục than khóc số phận của cha mẹ:

Đời sống chỉ như lửa chập chờn,

Một tuần thực phẩm trữ không hơn

Nếu không có nước ta đem lại,

Yếu đuối, mù lòa chết thảm thương.

Ta chẳng sợ đau khổ tử vong,

Ấy là số phận mọi loài chung,

Sống không còn được nhìn thân phụ,

Điều ấy khiến tâm trí hãi hùng.

 Thời khắc lê thê nặng khổ buồn,

Mẹ ta ấp ủ nỗi sầu thương,

Nửa đêm và cả khi Trời sáng,

Dòng lệ chảy như suối nước tuôn.

Thời khắc lê thê nặng khổ buồn.

Cha ta ấp ủ nỗi sầu thương,

Nửa đêm và cả khi Trời sáng.

Dòng lệ chảy như suối nước tuôn.

Họ lang thang khắp chốn rừng hoang,

Than vãn con đi quá muộn màng,

Chờ đợi hoài công nghe tiếng bước,

Hay chờ ta vuốt tấm thân tàn.

Ý tưởng này, tên độc thứ hai,

Đâm sâu hơn trước nữa, than ôi!

Vì ta nằm tại đây chờ chết

Không thể nhìn cha mẹ nữa rồi!

Nhà Vua nghe Ngài than khóc, nghĩ thầm: Người này phụng dưỡng cha mẹ hết lòng hiếu thảo tận tụy, ngay bây giờ đang lúc đau đớn mà cũng chỉ nghĩ đến cha mẹ, thật ta đã gây tội ác với một Thánh Nhân như vậy, làm sao ta an ủi được người đây?

Khi ta đọa xuống địa ngục rồi thì ngai vàng có ích gì cho ta?

Thôi ta nguyện phụng dưỡng cha mẹ người như người đã phụng dưỡng họ. Như thế cái chết của người không ảnh hưởng mấy đến họ.

Liền sau đó Vua nói lên quyết tâm của mình qua các vần kệ sau:

Này hỡi Sà Ma dáng cát tường,

Chớ nên tuyệt vọng ngập tâm hồn,

Vì ta phụng dưỡng hai thân lão

Trong cảnh cô đơn nặng khổ buồn.

 Ta nay thành thạo với cây cung,

Lời hứa ta cương quyết thủy chung,

Ta sẽ thay người và phụng dưỡng

Mẹ cha người sống ở trong rừng.

Ta sẽ đi tìm miếng thịt nai,

Đủ dùng củ rễ, trái cây tươi,

Rồi ta hầu hạ hai thân lão,

Ta chính gia nô của các Ngài.

Hiện nay hai vị ở rừng nào?

Này hỡi Sama, hãy nói mau,

Ta thề bảo vệ, nuôi hai vị

Như chính người làm tự bấy lâu.

Bậc Đại Sĩ đáp: Thế thì tốt quá, xin Đại Vương nuôi nấng cha mẹ ta dùm.

Rồi Ngài chỉ đường cho Vua:

Nơi chốn đầu ta đặt ở đây,

Hai trăm tầm chạy giữa rừng cây,

Con đường dẫn đến lều cha mẹ,

Xin đến, làm ơn phụng dưỡng thay.

Sau khi chỉ đường và kiên nhẫn chịu đựng đau đớn khủng khiếp vì lòng thương yêu cha mẹ, Ngài kính cẩn chấp tay lại, thỉnh cầu Vua một lần cuối hãy nuôi dưỡng cha mẹ thay mình:

Cung kính lễ Ngài, bậc Đại Vương,

Ngài đi như vậy đúng con đường,

Mù lòa, cha mẹ ta đơn độc,

Xin bảo vệ, nuôi dưỡng, đoái thương.

Kính lễ Kàsi Chúa Thượng ôi,

Hai tay ta chắp khẩn cầu Ngài,

Nhân danh ta gửi về cha mẹ

Lời nhắn nhủ ta đã nói rồi.

Vua nhận lời ủy thác và bậc Đại Sĩ, sau khi nói xong lời nhắn nhủ cuối cùng, liền bất tỉnh.

Bậc Đạo Sư giải thích việc này như sau:

Sà Ma với vẻ mặt hiền lương,

Đã nói lời này với Đại Vương,

Rồi ngất lịm dần vì thuốc độc,

Nằm mê man tựa bỏ thân tàn.

Từ trước đến giờ Ngài cố gắng thốt ra những lời lẽ trên như thể người bị hụt hơi, nhưng đến đây tiếng nói đã đứt quãng vì toàn thân, tim óc, sinh lực của Ngài đều lần lượt chịu tác động dữ dội của thuốc độc, nên miệng và mắt Ngài khép lại, tay chân cứng đờ, toàn thân đẫm máu.

Vua kêu lên: Người này đang nói với ta cho đến giờ phút này, bỗng dưng tại sao lại hết thở vô ra rồi kìa?

Các cơ quan đã ngưng hoạt động, thân thể đã cứng đờ, chắc chắn Sà Ma đã chết rồi. Và không thể nào ngăn được sầu thương, Vua đấm vào đầu than khóc thảm thiết.

Đến đây bậc Đạo Sư ngâm kệ để làm sáng tỏ vấn đề này:

Đau đớn nhà Vua đã khóc than:

Trước kia chưa xảy đến tai nạn,

Ta không hề biết già rồi chết,

Trời hỡi, giờ ta biết rõ ràng!

Nay thấy mọi người phải chết thôi,

Chính SàMa cũng chết, than ôi!

Chàng vừa khuyên nhủ, lời trăn trối,

Khi hấp hối từ giã cõi đời.

Địa ngục đày, ta đọa hiển nhiên,

Thánh Nhân bị giết đó, nằm yên,

Mọi người thôn xóm nào ta gặp,

Sẽ nói đồng thanh tội lỗi trên.

Sống ở rừng hoang vắng vẻ này,

Họ tên ta có kẻ nào hay?

Đây miền hiu quạnh không người ở,

Ai sẽ nhắc ta mối nhục này?

Lúc bấy giờ có một Nữ Thần tên gọi Bahusodarì ở tại núi Gandhamàdana Hương Sơn đã là mẹ của Bồ Tát cách đây bảy đời trước của Ngài, vẫn thường tưởng nhớ đến Ngài với tình mẹ thương con.

Nhưng ngày hôm đó vì ham tưởng lạc thú Thiên Giới nên bà không nhớ đến Ngài như thường lệ. Các bằng hữu của bà lại bảo bà đã đi dự hội họp trên Thiên Giới cho nên đã im hơi lặng tiếng. Bỗng nhiên bà nghĩ đến Ngài đúng lúc Ngài đang bất tỉnh.

Bà tự nhủ: Việc gì đã xảy ra cho con ta, và bà nhìn thấy Vua Piliyakkha đã giết Ngài bằng mũi tên tẩm thuốc độc bên bờ sông Migasammatà, Ngài đang nằm trên bờ cát, còn nhà Vua đang than khóc thảm thiết. Nếu ta không đến đó thì con ta sẽ chết, Vua sẽ đau đớn lắm, còn cha mẹ Sà Ma sẽ chết đói, chết khát.

Nhưng nếu ta đến, thì Vua sẽ mang bình nước lại cho cha mẹ của con ta. Sau khi nghe họ nói, Vua sẽ dẫn họ đến gặp con, rồi ta và họ sẽ cùng thành tâm thực hiện lời nguyền trang nghiêm để đánh tan chất độc trong thân thể Sàma cho con ta sống lại.

Cha mẹ của con ta lại được sáng mắt ra và sau đó khi đã nghe Sàma thuyết giảng, Vua sẽ làm bố thí lớn và được tái sinh lên Cõi Trời, vậy ta phải đi liền. Thế rồi bà đến bờ sông Migasammatà, và tàng hình đứng trên không, thuyết pháp cho Vua nghe.

Đến đây bậc Đạo Sư ngâm kệ để làm sáng tỏ vấn đề này:

Thần nữ ẩn mình giữa cõi không,

Ở trên thượng đỉnh của Hương Sơn,

Rót vài câu kệ vào tai nọ,

Vì bởi xót thương vị chúa công:

Ngài đã tạo ra một ác hành,

Tội kia đè nặng ở trên mình,

Mẹ, cha, con thảy đều vô tội,

Mũi tên Ngài giết cả gia đình.

Đến đây ta bảo với Ngài nào:

Tìm chỗ trú an nương tựa vào,

Cấp dưỡng người mù rừng vắng nọ,

Tâm Ngài sẽ hạnh phúc dường bao!

Nghe Nữ Thần dạy bảo, Vua tin lời bà ngay rằng nếu đi phụng dưỡng hai kẻ mù lòa đó, Vua sẽ được lên Thiên Giới.

Vì thế Vua quyết định: Ta còn cần gì ngai vàng nữa, ta sẽ bỏ đi và hết lòng phụng dưỡng họ. Sau một hồi tuôn trào lời than khóc, Vua cố nén nỗi sầu bi vì cho rằng Sàma đã chết thật rồi, Vua làm lễ cung kính thi thể Ngài với đủ loại hoa thơm, vẩy nước lên thi thể Ngài, đi diễu quanh ba vòng, thân phía bên hữu hướng về thi thể và lễ bái khắp bốn phương. Rồi Vua cầm bình nước đã được giao và đi về hướng nam, lòng nặng trĩu u sầu.

Đến đây, bậc Đạo Sư giải thích thêm qua vần kệ:

Sau một hồi tuôn lệ khóc than,

Thương chàng xấu số nửa chừng xuân,

Vua liền tiến lại cầm bình nước,

Và hướng mặt đi đến phía nam.

Nhà Vua vốn là người mạnh khỏe, nên cầm bình nước cương quyết băng rừng đến am Ẩn Sĩ và cuối cùng cũng đến trước cửa am Hiền Giả.

Hiền Giả đang ngồi trong am, nghe tiếng chân người đến gần, phân vân không biết là ai, liền thốt lên lời kệ:

Ta đang nghe các bước chân này,

Một kẻ nào đi đến lối đây,

Không phải tiếng chân Sàma bước,

Xin nói, thưa Ngài, cho lão hay.

Vua nghe nói liền suy nghĩ: Nếu ta bảo thật cho ông lão biết ta đã giết con ông và không nói rõ ta là Vua thì họ sẽ phẫn nộ và mắng chửi ta, và lòng sân hận của ta sẽ nổi lên khiến ta xúc phạm đến họ, lại càng gây thêm tội ác. Nhưng thường tình ai gặp Vua mà lại không kinh sợ, vậy ta phải nói cho họ biết.

Vì thế Vua đặt bình vào đúng chỗ, rồi đứng trước cửa am nói to:

Kà si Chúa tể chính là ta,

Tên được gọi là Pi yak kha,

Từ giã ngôi vì thèm món thịt,

Săn nai, phiêu bạt chốn rừng già.

Có tài thiện xạ chính ta đây,

Cương quyết lòng ta chẳng chuyển lay,

Chẳng rắn thần nào hòng thoát khỏi,

Một khi đã đến trong tầm tay!

Lão Hiền Nhân chào mừng Vua với tình thân hữu, và đáp lời:

Kính mừng vạn tuế Đấng Quân Vương!

Hạnh ngộ Ngài đi lạc bước đường,

Chúa Thượng vinh quang và vĩ đại,

Sứ mạng gì xin được tỏ tường?

Tin dook, Pi yal, các lá cây,

Kàsu mà trái ngọt ngào thay,

Dù còn chỉ ít oi đôi chút,

Chọn thứ thiệt ngon có sẵn đây.

Nước mát này từ dưới động sâu,

Ẩn mình trên một ngọn đồi cao,

Kính mời Chúa Thượng, xin Ngài ngự,

Cầm lấy, uống vào thỏa ước ao.

Vua nghe lời tung hô nọ liền nghĩ: Nếu ta nói ngay với ông lão rằng ta vừa giết chết con lão thì thật là thất sách. Vậy ta phải khởi đầu câu chuyện như ta chẳng biết gì cả, rồi sẽ nói sau.

Vì thế Vua hỏi:

Sao ngươi mù lẩn quẩn rừng hoang,

Các trái này đây ai đã mang?

Người ấy phải là người sáng mắt,

Hái nhiều loại tích trữ kho hàng.

Lão Hiền Nhân ngâm hai vần kệ sau cho biết hai vợ chồng lão không đi hái trái mà con trai đã mang về:

Sà Ma, con trẻ tuổi hoa niên,

Tầm thước, đẹp sao mắt ngắm xem,

Tóc dài, đen nhánh quanh đầu nọ,

Cứ cuộn tròn trông thật tự nhiên.

Đem trái cây rồi lại bước ra,

Vội đi đổ nước đầy bình ta,

Sẽ quay trở lại tức thì đó,

Đường đến bờ sông cũng chẳng xa.

Vua đáp lời:

Sà Ma Hiếu Tử của hai người,

Người tả đẹp sao, tốt tuyệt vời,

Ta đã giết chàng nằm ở đó,

Tóc đen kia nhuộm máu hồng rồi!

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần