Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Tám - Phẩm Năm mươi Bài Kệ - Chuyện Hiền Giả đại Bồ đề Tiền Thân Mahà Bodhi
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG MƯỜI TÁM
PHẨM NĂM MƯƠI BÀI KỆ
CHUYỆN HIỀN GIẢ ĐẠI BỒ ĐỀ
TIỀN THÂN MAHÀ BODHI
Ý nghĩa gì chăng những vật này. Câu chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên, về sự viên mãn của trí tuệ tối thắng. Hoàn cảnh câu chuyện sẽ được kể trong Tiền Thân Mahà Ummagga, tập bảy.
Vào dịp này, bậc Ðạo Sư bảo: Không phải chỉ bây giờ mà cả xưa kia nữa, Như Lai cũng đã sáng suốt đánh bại mọi kẻ tranh chấp biện luận. Cùng với các lời nói này, Ngài kể câu chuyện quá khứ.
Ngày xưa trong triều Vua Brahmadatta, Bồ Tát được sinh tại Ba La Nại trong Vương quốc Kàsi vào một gia đình Bà La Môn miền Bắc có thế lực, của cải lên đến tám trăm triệu, cha mẹ đặt tên Ngài Nam tử Bodhi Ðại trí.
Khi Ngài lớn khôn, Ngài được dạy đủ các môn học thuật tại Takkasilà, rồi trở về nhà Ngài sống trong sự săn sóc nuông chiều của gia đình.
Dần dần Ngài đoạn trừ mọi ác dục thế gian và lui về sống ở vùng Tuyết Sơn, bắt đầu cuộc đời tu hành của một du sĩ khất thực. Ngài ở đó một thời gian thật lâu, ăn toàn củ và trái rừng. Vào mùa mưa Ngài hạ sơn đi khất thực dần dần đến gần thành Ba La Nại.
Tại đấy Ngài trú ngụ trong vườn ngự uyển, hôm sau Ngài đi vào Kinh Thành khất thực, vời tư cách của một vị Khất Sĩ, Ngài đến gần hoàng môn. Vua đứng bên cửa sổ trông thấy Ngài, và rất hoan hỷ trước dáng điệu thanh thản của Ngài, liền mời Ngài vào cung và ngồi trên Vương tọa.
Sau một hồi đàm đạo thân hữu, Vua được nghe Ngài thuyết pháp rồi tiếp đãi cúng dường Ngài đủ thứ cao lương mỹ vị.
Bậc Ðại Sĩ nhận vật thực và suy nghĩ: Thật ra Vương Triều này đầy hận thù và cừu địch. Ta không biết ai sẽ giải thoát cho ta khỏi nỗi lo sợ đang khởi lên trong lòng ta.
Vừa nhìn thấy con chó săn màu hung được Vua cưng quý đang đứng gần đó, Ngài lấy một miếng thịt tỏ vẻ muốn cho con chó. Vua thấy thế liền truyền đem dĩa của con chó lại và bảo Ngài lấy thức ăn cho con chó. Bậc Ðại Sĩ tuân lệnh và cũng vừa chấm dứt buổi ăn.
Vua xin Ngài chấp nhận việc xây một túp lều tranh cho Ngài trong ngự viên của hoàng thành, truyền ban tặng Ngài đủ vật dụng của một Ẩn Sĩ, và mời Ngài an trú tại đó.
Mỗi ngày hai ba lần, Vua đến thăm, tỏ lòng cung kính đối với Ngài. Ðến giờ cơm, bậc Ðại Sĩ liên tục được ngồi vào Vương tọa thọ dụng các thức ngự thiện cùng với Vua. Cứ thế mười hai năm liền trôi qua.
Lúc bấy giờ, Vua có năm vị cố vấn đã dạy Ngài các thế pháp cũng như thánh sự. Một vị trong số đó không chấp nhận thuyết Nghiệp nhân.
Một vị khác tin rằng mọi việc đều do một Ðấng Tối Cao sắp đặt.
Một vị thứ ba chủ trương thuyết Tiền nghiệp.
Vị thứ tư tin vào sự đoạn diệt sau khi chết.
Vị thứ năm chủ trương thuyết giai cấp Sát Đế Lỵ.
Vị không chấp nhận Nghiệp nhân dạy dân chúng rằng con người trong thế gian này sẽ được thanh tịnh hóa nhờ luân hồi.
Vị tin vào hành động của Ðấng Tối Cao dạy rằng Thế Giới này do vị tối cao ấy sáng tạo.
Vị tin vào kết quả của Tiền nghiệp dạy rằng mọi ưu lạc ở đời này là kết quả của một nghiệp quá khứ.
Vị tin vào thuyết đoạn diệt dạy rằng không ai ở đời này tái sinh vào một Thế Giới khác, vì Thế Giới này sẽ bị đoạn diệt.
Vị chủ trương thuyết Sát Đế Lỵ dạy rằng quyền lợi của cá nhân mình phải được thỏa mãn cho dù phải giết cả cha mẹ mình.
Năm vị này được Vua chỉ định ngồi xử án trong triều và vì tham muốn của hối lộ, họ đã tước đoạt tài sản của những người chủ nhân chính đáng.
Một ngày kia, có một kẻ bị sạp nghiệp vì một vụ xử án sai lầm, thấy bậc Ðại Sĩ đi vào cung khất thực liền đảnh lễ và than thở vào tai Ngài: Thưa Tôn Giả, tại sao Ngài thọ thực trong cung điện, mà lại thờ ơ trước những việc do những vị phán quan cầm cân nẩy mực của Thánh Thượng đang làm tan gia bại sản mọi người vì muốn ăn hối lộ?
Ngay bây giờ đây năm vị kia nhận của hối lộ từ tay một người vu cáo nên đã tước đoạt hết tài sản của tôi một cách vô lý.
Nghe vậy, bậc Ðại Sĩ động lòng thương hại, đi vào triều xử bản án lại cho đúng và trả quyền tài sản cho người kia. Dân chúng đồng tình hoan nghênh Ngài nhiệt liệt.
Vua nghe tiếng ồn ào liền hỏi có việc gì, khi nghe nói vậy, vừa lúc bậc Ðại Sĩ dùng cơm xong, đến ngồi cạnh Ngài và hỏi: Này Tôn Giả, có thực là Ngài vừa xử án như dân chúng đồn chăng?
Tâu Ðại Vương, quả vậy.
Vua bảo: Nếu Ngài xử án, Ngài sẽ đem lợi lạc cho dân chúng, vậy từ nay Ngài cần phải xử án.
Ngài đáp: Chúng thần là những kẻ tu khổ hạnh, việc này không phải là việc của chúng thần.
Này Tôn Giả, Ngài phải làm việc đó vì từ tâm đối với dân, Ngài không cần xử án suốt ngày, mà chỉ khi nào Ngài từ vườn ngự uyển đến đây thì hãy đến công đường từ sáng tinh sương để xử bốn vụ án. Rồi trở về ngự viên, sau khi thọ dụng thức ăn xong, lại xử bốn vụ nữa, như vậy dân chúng sẽ được lợi lạc. Sau khi nghe nài nỉ nhiều lần, Ngài nhận lời và từ đó xử án như vậy.
Những kẻ lừa đảo không còn cơ hội làm ăn nữa, các vị cố vấn kia không nhận hối lộ được, lâm vào cảnh khốn đốn, nghĩ thầm: Từ khi có gã khất thực Bodhi bắt đầu xử án, chúng ta chẳng được gì cả.
Bọn họ gọi Ngài là thù địch của Vua và bảo nhau: Này, chúng ta phải vu cáo nó và làm cho nó chết đi.
Họ liền đến yết kiến Vua và tâu: Tâu Ðại Vương, gã khất thực Bodhi muốn làm hại Ðại Vương.
Vua không tin họ và phán: Không đâu, Ngài là bậc thiện nhân uyên bác, Ngài không làm thế được.
Họ lại bảo: Tâu Ðại Vương, dân chúng đều là người của gã cả, chỉ có năm chúng thần là không ở trong tay gã thôi. Nếu Ðại Vương không tin chúng thần, thì lần sau khi gã đến đây, xin Ðại Vương để ý đến đám tùy tùng của gã.
Vua ưng thuận, khi đứng bên cửa sổ nhìn Ngài đi đến, Vua thấy đám người thưa kiện theo sau ẩn sĩ Bodhi mà Ngài không biết, Vua tưởng đó là tùy tùng của Ngài, liền có thành kiến với Ngài ngay, nên triệu tập đám Quốc Sư vào hỏi: Ta phải làm sao đây?
Chúng đáp: Xin Ðại Vương ra lệnh bắt gã lại.
Vua đáp: Nếu ta không thấy gã vi phạm lỗi lầm nào hiển nhiên, làm sao ta bắt gã được?
Vậy thì xin Đại Vương giảm bớt ân huệ thường dành cho gã, khi gã thấy vinh dự sa sút, là một khất sĩ khôn ngoan, gã sẽ tự ý bỏ đi không hé răng điều gì với ai đâu. Vua chấp thuận lời đề nghị ấy và dần dần giảm bớt mọi sự tôn trọng đối với Ngài. Ngày đầu tiên sau đó bọn họ mời Ngài ngồi trên một tọa sàng không có nệm.
Ngài nhận thấy thế hiểu ngay là đám kia đã vu cáo Ngài với Vua, nên khi trở về ngự viên, Ngài định ra đi ngay hôm đó, song Ngài lại suy nghĩ: Khi nào biết chắc chắn ta sẽ ra đi, nên Ngài không bỏ đi. Ngày hôm sau khi Ngài ngồi vào tọa sàng không nệm lót, quân hầu dâng ngự thiện dành cho Vua cùng nhiều thực phẩm khác, và đem cho Ngài thực phẩm trộn lẫn cả hai thứ trên.
Ngày thứ ba quân hầu không để Ngài đến gần bệ rồng mà đặt Ngài ngồi ở đầu bệ, rồi chúng đem đến Ngài các thức ăn trộn chung lại. Ngài nhận lấy và trở về ngự viên tự làm thức ăn cho mình tại đó.
Ngày thứ tư họ đặt Ngài trên hiên nhà phía dưới và đem cho Ngài cháo bột gạo, Ngài cũng đem về ngự viên tự dọn thức ăn lấy.
Vua bảo: Mặc dù mọi vinh quang dành cho gã đã giảm sút, khất sĩ đại trí vẫn không bỏ đi.
Vậy ta phải làm sao đây?
Tâu Ðại Vương Họ bảo không phải gã đến đây để khất thực mà vì gã muốn tranh quyền bá chủ. Nếu gã đến đây để khất thực thì gã đã bỏ đi ngay hôm đầu tiên gã bị coi khinh.
Vậy ta phải làm gì đây?
Xin Ðại Vương truyền lệnh giết gã ngày mai.
Vua đáp: Ðược lắm.
Vua trao kiếm vào tay các vị kia, vừa bảo: Ngày mai khi gã đến đứng trong cửa, hãy chặt đầu gã và phanh thây gã ra, chẳng cần nói gì với ai cả, cứ ném xác gã vào đống phân, rồi tắm rửa và trở về đây.
Bọn họ sẵn sàng tuân lệnh ngay và tâu: Ngày mai chúng thần xin đến làm như thế. Sau khi sắp đặt công việc với nhau, họ trở về tư thất. Còn Vua sau buổi ăn tối nằm trên Vương tọa nhớ lại mọi công đức của bậc Ðại Sĩ, nỗi ưu phiền đột nhiên kéo đến trong tâm, mồ hôi đổ ra khắp thân thể và không thể nào nằm yên trên giường, Vua cứ trằn trọc mãi.
Lúc bấy giờ chánh Hậu nằm bên cạnh Vua, song Vua chẳng thốt ra một lời nào với bà.
Vì vậy bà hỏi Vua: Tâu Thánh Thượng, tại sao Thánh Thượng không nói gì với thần thiếp?
Thần thiếp có làm điều gì xúc phạm đến Thánh Thượng chăng?
Không đâu ái Hậu Vua bảo nhưng chúng bảo Khất Sĩ Bodhi trở thành kẻ thù địch của ta rồi, nên ta đã ra lệnh cho năm vị cố vấn ngày mai phải giết gã đi, giết xong phải phanh thây gã mà vứt vào đống phân.
Nhưng trong suốt mười năm trường gã đã giảng dạy ta biết bao chân lý. Trước đây ta không hề thấy gã có một điều xúc phạm mảy may nào mà chỉ vì do sự xúi giục của kẻ khác, ta đã ra lệnh giết gã đi, vì thế ta rất ưu phiền.
Lúc ấy bà vội an ủi Vua: Tâu Thánh Thượng, nếu gã là kẻ thù của ta, tại sao Thánh Thượng lại buồn rầu khi giết gã?
Phải giữ gìn thánh thể an khang, dù cho kẻ thù phải giết đi chính là Vương Tử của Thánh Thượng. Xin Thánh Thượng đừng bận tâm làm gì. Lời bà khiến Vua an tâm và ngủ thiếp đi.
Vào lúc ấy con chó săn màu hung được cưng quý kia nghe được câu chuyện nghĩ thầm: Ngày mai ta phải dùng sức mạnh của ta để cứu người này. Thế là sáng sớm hôm sau, con chó từ hiên nhà đi xuống cửa lớn đặt đầu trên bậc thềm, canh chừng con đường từ đó bậc Ðại Sĩ đi đến. Nhưng năm vị Quốc Sư cầm kiếm trong tay đã đến từ tảng sáng và đứng bên trong cửa lớn.
Ẩn sĩ Bodhi thấy đúng giờ, từ ngự viên đi đến cửa cung.
Lúc ấy, con chó thấy Ngài liền há miệng nhe bốn răng thật lớn ra và suy nghĩ: Thưa Tôn Giả, tại sao Tôn Giả không đi khất thực nơi khác ở cõi Diêm Phù Đề?
Ðức Vua đã sắp đặt cho năm Quốc Sư cầm kiếm đứng bên trong cửa chực giết Ngài. Xin đừng đến cam phận chịu chết, mà phải nhanh chân tẩu thoát. Rồi nó sủa lớn tiếng.
Nhờ biết rõ ý nghĩa mọi thứ âm thanh nên Ẩn Sĩ Bodhi hiểu có chuyện chẳng lành, liền trở về ngự viên thu dọn mọi vật cần thiết để lên đường.
Nhưng Vua đứng bên cửa sổ, thấy Ngài không đến, liền nghĩ: Nếu người này là kẻ thù của ta thì gã sẽ trở về ngự viên thu thập mọi lực lượng để sẵn sàng hành động. Còn nếu không, chắc chắn gã sẽ lấy mọi thứ cần dùng và chuẩn bị ra đi. Ta muốn đi xem gã sắp làm gì.
Khi đến ngự viên, Vua thấy bậc Ðại Sĩ bước ra khỏi Am Tranh cùng mọi vật dụng cần thiết đặt ở cuối lối đi trong am thất, sắp sửa lên đường, Vua đảnh lễ Ngài rồi đứng qua một bên và ngâm vần kệ đầu tiên:
Có nghĩa gì chăng các vật này,
Lọng, giầy, y, gậy lại cầm tay?
Thượng y, bình bát, cùng dao quắm,
Ta muốn hiểu ra cớ sự vậy,
Ðến xứ sở nào xa cách lắm,
Sao Ngài nóng vội bỏ đi ngay?
Nghe vậy, bậc Ðại Sĩ suy nghĩ:
Ta chắc Vua không hiểu mình đã làm gì.
Ta muốn cho Vua biết.
Ngài liền ngâm hai vần kệ này:
Tâu Ðại Vương, hơn một thập niên,
Hạ thần an trú chốn hoa viên,
Từ nay về trước, chưa hề thấy
Con chó này cất tiếng sủa lên.
Hôm nay chó nọ lại nhe răng
Trắng nhởn, kiêu căng thật dữ dằn,
Vì đã nghe Ngài cùng chánh Hậu,
Báo cho thần biết, sủa vang rần!
Lúc ấy Vua đành nhận tội, và ngâm vần kệ thứ tư xin Ngài tha thứ:
Tội ấy của ta thật đúng phần,
Ðích ta đà nhắm giết tôn nhân,
Song nay ân huệ ban lần nữa,
Mong ước Tôn nhân hãy nán chân.
Nghe lời trên, bậc Ðại Sĩ đáp: Tâu Ðại Vương, các bậc trí không ở cùng với một người chẳng nhìn thấy sự việc chính mắt mình, mà lại nghe theo lời chỉ dẫn của kẻ khác.
Nói xong, Ngài vạch rõ cách xử thế sai lầm của Vua như sau:
Thực phẩm ngày xưa sạch, trắng ngần,
Kế theo màu sắc tạp nham dần,
Ðến nay đã hóa thành nâu sẫm,
Chính lúc này ta phải rút chân.
Buổi đầu tọa thực ở trên ngai,
Kế đó cầu thang, cuối bệ dài,
Trước lúc ta chờ dài cổ họng,
Ta đành tử giã chốn này thôi.
Ngài chớ mến yêu bạn bất trung:
Khác gì đâu cái giếng khô cùn,
Dù đào sâu đến bao nhiêu mẫu,
Dòng nước tuôn ra cũng đục bùn.
Phải lo kết nghĩa bạn trung can,
Hãy tránh xa liền bạn bất nhân,
Như kẻ khát đi tìm suối nước,
Bạn vàng trung tín phải theo gần.
Lưu luyến bạn thân luyến ái Ngài,
Ðem tình Ngài đáp lại tình ai,
Kẻ ruồng bỏ bạn vàng trung tín
Ðược kể là người đốn mạt thôi.
Kẻ chẳng luyến lưu bạn thủy chung,
Chẳng đem tình đáp lại tình thân,
Giữa đời là kẻ đê hèn nhất,
Ðịa vị không hơn lũ khỉ rừng.
Gặp gỡ quá nhiều cũng xấu xa,
Khác nào chẳng gặp gỡ bao giờ.
Hỏi xin ân huệ nào nhanh quá
Cũng khiến tình thân hóa nhạt nhòa!
Viếng bạn, song đừng đến viếng luôn,
Cũng không nấn ná bước dừng chân,
Ðúng thời, ta mới cầu ân huệ,
Nhờ thế tình thân chẳng lụi dần.
Ai cứ kéo dài cuộc trú chân,
Thấy thường bằng hữu hóa cừu nhân.
Trước khi ta mất tình bằng hữu,
Xin giã biệt ngay, tiến bước đường.
Vua bảo:
Dù trẫm chắp tay khẩn thiết nài,
Ngài không muốn để lọt vào tai,
Chẳng dành lời nói cho quần chúng
Tha thiết cầu ân đức của Ngài,
Trẫm khát khao Ngài ban tối huệ
Xin về đây viếng trẫm nay mai.
Bồ Tát đáp:
Nếu không gì gián đoạn dòng đời,
Ví thử Ngài, ta, Ðại đế ôi!
Còn sống, hỡi người nuôi Quốc Độ,
Ta bay về lại chốn này thôi,
Rồi ta còn dịp lành tương kiến
Trong lúc ngày đêm lờ lững trôi.
Bậc Ðại Sĩ nói thế xong còn thuyết giáo cho Vua, Ngài bảo: Xin Ðại Vương hãy luôn tỉnh giác. Sau khi rời ngự viên và đi một vòng khất thực trong khu phố của Ngài, Ngài rời thành Ba La Nại và dần dần đi đến một chỗ trong vùng Tuyết Sơn, trú tại đó một thời gian rồi Ngài hạ sơn, đến trú trong một khu rừng gần một thôn làng vùng biên địa.
Khi Ngài vừa ra đi, các cố vấn lại ngồi xử án, bóc lột dân chúng và suy nghĩ: Nếu gã Ðại Bồ Đề Khất Sĩ trở lại đây, ta sẽ mất kế sinh sống, vậy ta phải làm gì để ngăn cản gã ấy trở lại?
Rồi họ nghĩ đến điều này: Những người như vậy không thể rời vật mà họ lưu luyến.
Vậy vật gì làm gã lưu luyến đây?
Khi thấy chắc chắn đó phải là bà chánh Hậu của Vua, họ suy nghĩ: Ðây là lý do khiến gã ấy trở về đây. Ta phải nhanh tay với bọn họ và khiến bà ta phải chết.
Họ liền nói lại điều này với Vua: Tâu Ðại Vương, hôm nay có một lời đồn đại lan khắp Kinh Thành.
Ðồn đại việc gì?
Khất Sĩ Ðại Bồ Đề và chánh Hậu vẫn gửi tin tức cho nhau.
Với mục đích gì?
Dân chúng bảo, vị ấy nhắn tin với chánh Hậu như vậy: Lệnh bà có đủ khả năng giết Đức Vua và trao chiếc long trắng cho ta chăng?
Chánh hậu nhắn lại vị kia: Việc giết Vua đúng là trọng trách của ta, vậy Ngài phải đến đây gấp.
Bọn họ cứ nói đi nói lại mãi điều này cho đến khi Vua tin đó là sự thật liền hỏi: Vậy phải làm gì bây giờ?
Họ bảo: Ta phải giết chánh Hậu đi.
Rồi không cần tìm hiểu sự thật của chuyện này ra sao, Vua phán: Vậy thì giết chánh Hậu đi, rồi phanh thây bà ném vào đống phân. Họ tuân lệnh ngay, và tin Hoàng Hậu chết chấn động khắp Kinh Thành.
Lúc ấy bốn Vương Tử bảo nhau: Mẫu hậu ta dù vô tội, đã bị hành hình do lệnh người này. Và bọn họ trở thành cừu địch của Vua. Và Vua vô cùng kinh hãi.
Bậc Ðại Sĩ lúc ấy đã hay tin sự việc xảy ra liền suy nghĩ: Lúc này không có ai ngoài ta có thể làm dịu lòng các Vương Tử này và khuyên họ tha tội phụ Vương, ta sẽ về cứu mạng Vua và giải thoát các Vương Tử khỏi mục đích tội lỗi của họ.
Vì thế ngày hôm sau, Ngài đi vào ngôi làng ở biên địa, sau khi ăn thịt khỉ do dân làng cúng dường, Ngài xin miếng da khỉ đem về phơi khô trong Am Tranh cho đến khi hết mùi hôi rồi làm thành y trong, y ngoài và khoác lên vai.
Tại sao Ngài làm thế, Ngài có thể bảo: Nó rất hữu ích vào ta.
Khoác tấm da lên, Ngài đi dần vào thành Ba La Nại, tiến lại gần các Vương Tử, và bảo họ: Giết phụ thân là một việc ác khủng khiếp, các Vương Tử không nên làm vậy. Làm người không ai thoát khỏi mạng vong chết chóc. Ta phải đến đây để hòa giải các vị. Khi ta nhắn tin, chư vị phải đến gặp ta.
Sau khi khích lệ các Vương Tử xong, Ngài đi vào ngự viên trong Kinh Thành, ngồi trên phiến đá trải miếng da khỉ lên trên.
Khi người giữ vườn thấy thế, liền vội phi báo cho Vua. Vua nghe xong lòng đầy hoan hỷ, bảo năm vị cố vấn cùng đi với Vua đến đảnh lễ bậc Ðại Sĩ, rồi ngồi xuống để chuyện trò vui vẻ cùng Ngài. Bậc Ðại Sĩ chẳng hề đáp lễ thân mật gì cả, cứ tiếp tục vuốt tấm da khỉ.
Vua hỏi: Này Tôn Giả, tại sao không nói một lời nào với trẫm lại cứ vuốt tấm da, vậy nó ích lợi cho Ngài hơn trẫm chăng?
Tâu Ðại Vương, chính thế, con khỉ này thật hữu dụng bậc nhất cho bần đạo, khi bần đạo đi đây đó, thường ngồi trên lưng nói. Nó mang bình nước cho bần đạo, nó quét sạch chỗ ở của bần đạo. Nó làm đủ mọi việc lặt vặt cho bần đạo, vì tính khờ khạo của nó, bần đạo đã ăn thịt nó, lấy da phơi khô rồi trải ra, nằm lên trên. Thật nó rất ích lợi cho bần đạo.
Ngài nói vậy để đánh tan luận điệu của đám tà đạo kia, gán mọi việc làm của một con khỉ vào tấm da khỉ và với mục đích này, Ngài đã nói như trên.
Từ việc khoác tấm da khỉ, Ngài bảo: Khi bần đạo đi đây đó thường ngồi trên lưng khỉ.
Từ việc đắp da lên vai và mang bình nước, Ngài bảo: Nó mang bình nước.
Từ việc quét nhà bằng tấm da, Ngài bảo: Nó quét nhà.
Khi Ngài nằm, lưng Ngài đụng vào tấm da, khi Ngài bước lên tấm da, bàn chân Ngài đụng vào nó, Ngài bảo: Nó làm đủ mọi việc cho bần đạo.
Khi Ngài đói lòng, Ngài đã ăn thịt nó, nay Ngài bảo: Nó khờ khạo như thế nên bần đạo đã ăn thịt nói rồi.
Nghe vậy, các Quốc Sư suy nghĩ: Người này mang tội sát sinh. Hãy xem hành vi của ẩn sĩ này. Gã bảo gã giết con khỉ, ăn thịt nó rồi đi khắp nơi mang theo da khỉ, họ vỗ tay cười chê Ngài.
Bậc Ðại Sĩ thấy họ làm như vậy tự bảo: Bọn này không biết ta đến đây với tấm da này để đánh bại các tà thuyết của chúng. Ta không bảo cho chúng biết đâu.
Khi nói chuyện với kẻ không chấp nhận nghiệp nhân, Ngài hỏi: Tại sao Tôn Giả khiển trách ta?
Vì Ngài đã phạm tội phản bạn và sát sinh.
Lúc ấy bậc Ðại Sĩ bảo: Nếu người ta tin vào Tôn Giả và giáo lý của, rồi hành động theo đó, thì còn gây tội lỗi nào nữa?
Rồi để đánh bại tà thuyết của lão, Ngài nói:
Nếu thuyết Ngài cho thiện, ác hành
Ðều do duyên cớ tự nhiên sinh,
Thì trong các việc làm vô ý,
Tội lỗi làm sao thấy chỗ mình?
Nếu lý thuyết này Ngài chủ trương,
Và đây là giáo pháp như chân,
Thì hành vi của ta là đúng
Khi giết khỉ kia để hưởng phần.
Song nếu Ngài trông thấy rõ ràng
Ðây là lý thuyết thật sai lầm,
Thì Ngài sẽ chẳng bao giờ nữa
Khiển trách việc ta với luận đàm.
Bậc Ðại Sĩ đã chỉ trích lão như vậy khiến lão phải im lặng. Vua cảm thấy buồn bực ngồi xuống.
Còn bậc Ðại Sĩ, sau khi đánh bại tà thuyết của lão ấy, lại nói với kẻ tin rằng mọi việc đều do một đấng tối cao tạo ra, Ngài bảo: Này Tôn Giả, tại sao Ngài khiển trách ta khi Ngài thực sự tin vào lý thuyết cho rằng mọi vật đều do một Ðấng tối cao tạo nên?
Rồi Ngài ngâm kệ:
Nếu có Chúa Trời đủ vạn năng
Cho người thiện, ác, lạc, ưu tràn,
Ðấng kia quả thật mang đầy tội,
Người theo ý chúa, chỉ chuyên làm.
Nếu lý thuyết này Ngài chủ trương,
Và đây là giáo pháp như chân,
Thì hành vi của ta là đúng
Khi giết khỉ kia để hưởng phần.
Song nếu Ngài trông thấy rõ ràng
Ðây là lý thuyết thật sai lầm,
Thì Ngài sẽ chẳng bao giờ nữa
Khiển trách việc ta với luận đàm.
Như vậy, chẳng khác nào một người đánh ngã cây xoài bằng chính cái gậy chặt ra từ cây xoài ấy, Ngài đã đánh bại người tin vào hành động của một Ðấng Tối Cao bằng chính lý thuyết của lão ta.
Rồi Ngài lại nói với người tin vào các nghiệp quá khứ, Ngài bảo: Này Tôn Giả, tại sao Ngài chê trách ta khi Ngài tin vào lý thuyết cho rằng các nghiệp đã có sẵn trong quá khứ?
Rồi Ngài ngâm kệ:
Lạc, ưu, khởi tự nghiệp duyên xưa,
Khỉ ấy nay đền tội đã qua,
Mỗi nghiệp ta làm đều trả nợ,
Vậy thì tội lỗi ở đâu ra?
Nếu lý thuyết này Ngài chủ trương,
Và đây là giáo pháp như chân,
Thì hành vi của ta là đúng
Khi giết khỉ kia để hưởng phần.
Song nếu Ngài trông thấy rõ ràng
Ðây là lý thuyết thật sai lầm,
Thì Ngài sẽ chẳng bao giờ nữa
Khiển trách việc ta với luận đàm.
Sau khi bác bỏ tà thuyết của người này, Ngài quay lại kẻ tin vào thuyết đoạn diệt và bảo: Này Tôn Giả, Ngài chủ trương là không có thưởng phạt, mọi chúng sinh đều phải đoạn diệt ở đời này và không ai tái sinh vào đời sau.
Vậy tại sao Ngài lại trách ta?
Và Ngài ngâm kệ bác bỏ kẻ ấy:
Tứ Đại họp thành mỗi loại sinh,
Mạng chung, mọi bộ phận tan tành,
Mất đi, người chết còn đâu nữa,
Người sống vẫn theo cuộc sống mình,
Ví thử thế gian đều hủy diệt,
Người ngu, bậc trí thảy đi nhanh,
Chẳng ai tội lỗi đầy ô uế
Giữa cõi trần gian đã hoại hình.
Nếu lý thuyết này Ngài chủ trương,
Và đây là giáo pháp như chân,
Thì hành vi của ta là đúng
Khi giết khỉ kia để hưởng phần.
Song nếu Ngài trông thấy rõ ràng
Ðây là lý thuyết thật sai lầm,
Thì Ngài sẽ chẳng bao giờ nữa
Khiển trách việc ta với luận đàm.
Như thế Ngài bác bỏ tà thuyết của kẻ này nữa và tiếp theo với kẻ chủ trương thuyết Sát Đế Lỵ, Ngài bảo: Này Tôn Giả, Ngài chủ trương là con người phải phục vụ quyền lợi riêng của mình dù phải giết cha mẹ mình đi nữa.
Nếu Ngài đi truyền bá thuyết này, tại sao Ngài còn trách ta?
Và Ngài ngâm vần kệ này:
Sát Đế Lỵ kia vẫn bảo rằng:
Lũ ngu lại tưởng chúng khôn ngoan
Mẹ cha cũng giết, tùy cơ hội,
Anh chị, vợ con, nếu có cần.
Như vậy Ngài đã chống lại quan điểm của kẻ kia và nêu ra quan điểm của Ngài:
Bóng mát ta ngồi xuống nghỉ chân,
Cành cây ta chặt đứt lìa thân,
Tội kia bội nghĩa vong ơn đấy,
Bằng hữu dối gian, hãy ghét căm.
Song nếu do cơ hội nảy sinh,
Thì ta chặt gốc, rễ cây cành,
Vì cần phục vụ nhu cầu đó,
Nên giết khỉ kia cũng hợp tình.
Nếu lý thuyết này Ngài chủ trương,
Và đây là giáo pháp như chân,
Thì hành vi của ta là đúng
Khi giết khỉ kia để hưởng phần.
Song nếu Ngài trông thấy rõ ràng
Ðây là lý thuyết thật sai lầm,
Thì Ngài sẽ chẳng bao giờ nữa
Khiển trách việc ta với luận đàm.
Như vậy Ngài đã bác bỏ luận thuyết của người này nữa. Lúc bấy giờ cả năm vị tà sư ngoại đạo kia đều câm lặng, bối rối.
Ngài lại bảo Vua: Tâu Ðại Vương, những kẻ mà Ðại Vương đang thân cận đó là những tên đại đạo tặc đang cướp bóc toàn Quốc Độ của Đại Vương.
Ôi! Đại Vương thật ngu si quá, một người thân cận với những kẻ ác như thế kia sẽ phải gặp đại khổ não trong đời này lẫn đời sau.
Nói vậy xong, Ngài dạy Vua chánh pháp:
Người này quả quyết: Chẳng nguyên nhân.
Kẻ khác: Có Trời, Đấng Chí Tôn.
Kẻ nói: Nghiệp này do nghiệp trước.
Người thì: Thế Giới thảy tiêu vong.
Sát Đế Lỵ cùng ngoại Đạo Sư,
Tưởng mình có trí, cả bầy ngu,
Ác nhân gây tội, khuyên làm ác,
Truyền bá ác hành, tạo khổ ưu.
Rồi Ngài giảng rộng bài thuyết pháp bằng các ví dụ chứng minh:
Sói đội lốt cừu một thuở xưa,
Đến gần chuồng nọ chẳng ai ngờ
Giết đàn cừu hoảng hồn kinh vía,
Xông tới đồng xanh chạy thẳng giò!
Cũng vậy, Sa Môn hoặc Đạo Nhân
Thường dùng chiếc áo gạt lương dân,
Kẻ nằm trên đất, mình dơ bẩn,
Chồm hổm người ngồi, kẻ nhịn ăn.
Bọn thì không uống, bọn thì ăn
Theo luật, tạo ra vẻ Thánh Thần,
Bọn chúng đều là phường bất thiện,
Người ngu lại tưởng chúng Hiền Nhân.
Bọn này không những gây bao tội,
Chúng lại khuyên người khác lỗi lầm.
Truyền bá ác hành luôn tạo quả
Khổ đau và hoạn nạn muôn phần.
Bảo rằng: Mọi vật chẳng nguồn căn,
Chúng phủ nhận luôn mọi nghiệp nhân,
Xem nhẹ nghiệp mình cùng kẻ khác
Như là huyễn hoặc, hỡi Vương quân.
Bọn chúng đều là lũ bất lương,
Người ngu lại tưởng chúng hiền nhân,
Chúng gây tội lỗi, còn khuyên ác,
Truyền bá ác hành, tạo khổ thân.
Nếu chẳng nghiệp nhân ở chốn nào,
Cũng không có thiện, ác hành, sao
Vua thường tuyển thợ đầy tài khéo
Ðể hưởng lợi nhờ kỷ xảo cao?
Vậy cũng chính vì có nghiệp nhân
Thiện hành, ác nghiệp có thông thường,
Nên Vua chúa tuyển người tài khéo
Ðể hưởng lợi nhiều bởi kỹ năng.
Ví thử trăm năm chẳng có mưa,
Tuyết sương chẳng rớt đúng theo mùa
Ở trong Thế Giới suy tàn cả
Dân chúng diệt vong chẳng kẻ chừa.
Song có mưa rơi, với tuyết sương,
Bốn mùa thay đổi luật thông thường
Làm cho thóc lúa dần dần chín,
Ðất nước trải bao thế kỷ trường.
Bò già đi lạc giữa dòng sông,
Cả đám bò con lạc hướng luôn,
Vậy trưởng đoàn theo đường hiểm trở,
Ðưa bầy thuộc hạ đến đường cùng,
Và toàn Quốc Độ đều ân hận,
Thời đại buông lung phóng dật tràn.
Kẻ hái trái còn quá nhỏ nhoi
Trước khi trái ấy chín cho muồi,
Chính là hủy hoại bao mầm hạt,
Chẳng thể biết đâu quả ngọt bùi.
Cũng vậy người nào tri Quốc dân
Bằng nền cai trị chẳng công bằng,
Chẳng hề thưởng thức bao mùi ngọt
Phát xuất từ đường lối chánh chân.
Nhưng kẻ nào hay để trái tươi
Trên cây, khi trái chín cho muồi,
Là người giữ được bao mầm hạt,
Biết hưởng trái ngon ngọt tuyệt vời.
Cũng vậy, người nào trị Quốc dân
Bằng đường chân chánh giữ giang sơn,
Trái cây công lý bao ngon ngọt,
Có thể hưởng cho thật vẹn tròn.
Quốc Vương cai quản cả giang san
Dùng bạo quyền trị nước bất công,
Phải chịu mất đi nhiều thảo mộc
Dù cho đất kết quả bao phần.
Nếu Vua làm hại đám thần dân,
Có đủ tài sinh lợi bán buôn,
Khi lợi tức kia đà giảm sút,
Kho tàng Vua cũng cạn vơi dần.
Nếu Vua quấy nhiễu đám hùng anh
Có tài điều khiển việc đao binh,
Ðội quân sẽ giã từ Vua ấy
Và tước của Vua mọi bạo hành.
Nếu làm sai, với Thánh Hiền Nhân
Vua ấy về sau hưởng xứng phần,
Dù quý tộc mà gây tội lỗi,
Cũng đều phải mất cảnh Thiên Đàng.
Nếu hôn quân giết một Vương phi
Dầu chẳng hề gây tội lỗi gì,
Vua liền bị khổ đau xâu xé
Bởi các con cùng địa ngục kia.
Hãy xử công bằng với quốc dân,
Ân cần tử tế với toàn quân,
Với thê nhi hãy đầy thân ái,
Ðể các hiền nhân an trú chân.
Vị Vua như vậy, hỡi Vương quân,
Giải thoát được bao nỗi hận sân,
Chẳng khác In dra, Thiên Chủ ấy,
Tạo nên khiếp phục giữa Quần Thần.
Bậc Ðại Sĩ, sau khi giảng chánh pháp cho Vua xong, liền triệu bốn Vương Tử lại và dạy bảo họ, giải thích cho họ hiểu hành động của Vua, rồi Ngài nói: Hãy xin Vua cha tha tội.
Sau khi thuyết phục Vua tha thứ cho họ, Ngài bảo: Tâu Ðại Vương, từ nay xin Ðại Vương đừng nghe lời các kẻ vu cáo mà không cân nhắc thực hư, cũng đừng phạm các tội bạo hành tương tự như thế nữa. Còn các Vương Tử, xin đừng phản bội Vua cha. Như vậy, Ngài đã thuyết giáo cho tất cả hoàng tộc.
Lúc ấy, Vua bảo: Thưa Tôn Giả, chính vì những kẻ này mà trẫm phạm tội với Ngài cùng Hoàng Hậu, chính vì nghe lời chúng mà trẫm gây tội ác, trẫm muốn xử tử chúng luôn cả năm tên.
Xin Ðại Vương đừng làm vậy. Thế thì trẫm sẽ ra lệnh chặt tay chân chúng đi. Xin cũng đừng làm việc đó.
Vua ưng thuận bảo: Thôi cũng được.
Rồi Vua tước bỏ mọi tài sản của họ và hạ nhục họ bằng nhiều cách như: Buộc tóc họ thành năm chòm, xiềng họ lại và rảy phân bò lên người họ rồi đuổi ra khỏi nước.
Còn Bồ Tát sau khi ở lại vài ngày nữa để thuyết giáo Vua, khuyên Vua phải tỉnh giác đề phòng xong lại ra đi lên vùng Tuyết Sơn tu tập thần thông phát xuất từ thiền định, và suốt đời Ngài thực hành tứ vô lượng tâm nên được tái sinh vào Phạm Thiên Giới.
Bậc Ðạo Sư chấm dứt pháp thoại và bảo: Này các Tỳ Kheo, không phải chỉ bây giờ, mà cả ngày xưa nữa, Như Lai đã có đại trí đánh bại mọi kẻ tranh luận.
Rồi Ngài nhân diện tiền thân: Thời bấy giờ, năm vị tà sư đó là: Puràna Kassapa, Makkhali Gosala, Pakudha Kaccàna, Ajita Kesa kambali, Nigantha Nàthaputta, con chó màu hung là Ànanda, và khất sĩ Ðại Bồ Đề chính là ta.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Sáu Mươi Hai
Phật Thuyết Kinh Giải Tiết - Phẩm Ba - Phẩm Quán Nhất Dị
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Lục Nội Nhập Xứ
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Mười Ba - Phẩm Văn Tự
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Bốn Mươi Mốt - Phẩm Thuận Hợp Thời
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Sáu Mươi Mốt - Pháp Hội Vô Tận ý Bồ Tát - Phần Chín
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Mười Ba - Phẩm Như Lai Tánh - Phần Một