Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bảy - Phẩm Hồi Hướng
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
TIỂU PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẨM BẢY
PHẨM HỒI HƯỚNG
Khi ấy, Bồ Tát Di Lặc nói với Tu Bồ Đề: Phước đức tùy hỷ của Đại Bồ Tát này mà so với phước đức bố thí, trì giới, tu thiền của chúng sinh khác là tối thắng, tối đại, tột cùng và vi diệu.
Bấy giờ, Tu Bồ Đề hỏi Bồ Tát Di Lặc: Nếu Bồ Tát ở vô lượng thế giới khắp mười phương, vô lượng Chư Phật diệt độ thời quá khứ, Chư Phật như thế từ khi mới phát tâm cho đến khi chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, vào Vô dư Niết Bàn, cho đến lúc pháp sắp diệt độ, Chư Phật ấy khi mới phát tâm cho đến pháp sắp diệt độ.
Trong thời gian đó nếu có phước đức căn lành ứng hợp với sáu pháp Ba la mật và phước đức bố thí, trì giới, tu thiền của các đệ tử Thanh Văn, tất cả phước đức vô lậu của các bậc hữu học, vô học, giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, đại từ, đại bi của Chư Phật làm lợi ích an lạc cho chúng sinh, vô lượng Phật Pháp mà các Ngài đã nói.
Rồi chúng sinh đều học theo pháp đó để thọ học thì tất cả phước đức của các chúng sinh ấy và phước đức của các chúng sinh gieo trồng khi Phật diệt độ hợp lại đầy đủ mà Bồ Tát nào đem tâm tùy hỷ với các phước đức ấy là tối thắng, tối đại, tột cùng và vi diệu.
Tùy hỷ rồi đem hồi hướng lên ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Giác và phát nguyện như vậy: Ta nhờ phước đức này sẽ chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
Hoặc Bồ Tát lại nghĩ như vậy: Ta sẽ đem tâm ấy hồi hướng lên ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
Nếu như đối tượng của tâm là các duyên, các việc thì có thể đắc không?
Bồ Tát Di Lặc trả lời: Các duyên, các việc ấy không thể đắc, giống như tâm đã chấp tướng.
Tu Bồ Đề thưa: Nếu các duyên, các việc ấy không như vậy, thì người này sẽ không có vọng tưởng điên đảo, kiến chấp điên đảo, tâm điên đảo, vô thường cho là thường, khổ cho là vui. Bất tịnh cho là tịnh. Vô ngã cho là ngã thì bị sinh vọng tưởng điên đảo, kiến chấp điên đảo, tâm điên đảo. Nếu các duyên, các việc đúng như vậy thì bồ đề cũng như vậy, tâm cũng như vậy.
Nếu các duyên, các việc bồ đề và tâm không sai khác thì làm thế nào đem tâm tùy hỷ ấy để hồi hướng lên ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Giác?
Bồ Tát Di Lặc trả lời: Này Tu Bồ Đề! Pháp hồi hướng như vậy sẽ không hợp với Bồ Tát mới phát tâm mà Đức Phật đã nói ở trước.
Vì sao?
Vì tất cả tâm thanh tịnh, cung kính và tin ưa của người này đều sẽ bị giảm mất.
Này Tu Bồ Đề! Pháp hồi hướng như vậy chỉ thích hợp với Bồ Tát không thoái chuyển đã nói ở trước, nếu nói cho thiện tri thức thì người này nghe như vậy mà không kinh nghi sợ sệt, không bị thoái lui thì phước tùy hỷ của Bồ Tát nên như vậy mà hồi hướng nhất thiết trí, đó là dụng tâm hồi hướng.
Tâm ấy là vô tận, là tịch diệt thì lấy tâm gì để hồi hướng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác?
Nếu dùng tâm trước và tâm sau để hồi hướng thì hai tâm ấy không đi cùng. Lại nữa tâm tính không thể hồi hướng được.
Khi ấy, Thích Đề Hoàn Nhân nói với Tu Bồ Đề: Hàng Bồ Tát mới phát tâm nghe việc này sẽ không có sự kinh sợ ư?
Và hiện tại Bồ Tát phải làm thế nào để đem phước đức tùy hỷ như thật đó mà hồi hướng?
Bấy giờ, Tu Bồ Đề nhân đó liền nói với Bồ Tát Di Lặc như vậy: Bồ Tát này ở vào thời Chư Phật quá khứ, đạo đã đoạn, các hý luận đã dứt, như người đã nhổ tận gốc cây gai, đã đặt gánh nặng xuống, được lợi mình, chấm dứt các kết sử, chánh trí giải thoát và tâm được tự tại.
Trong vô lượng A tăng kỳ thế giới, tất cả năng lực phước đức căn lành của Chư Phật diệt độ và căn lành mà các đệ tử đã gieo trồng nơi Chư Phật hợp lại đầy đủ thì các phước đức ấy với tâm tùy hỷ là tối thắng, tối đại, tột cùng và vi diệu. Tùy hỷ rồi, hồi hướng lên ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Giác thì hiện tại Bồ Tát phải làm thế nào để khỏi rơi vào tưởng điên đảo, kiến chấp điên đảo và tâm điên đảo.
Nếu Bồ Tát ấy dụng tâm như vậy để hồi hướng lên ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Giác mà trong tâm ấy không sinh tướng của tâm thì đó là hồi hướng lên ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, còn như trong tâm ấy mà Bồ Tát lại sinh tướng của tâm thì sẽ rơi vào tưởng điên đảo, kiến chấp điên đảo và tâm điên đảo.
Nếu Bồ Tát tùy hỷ thì tướng của tâm tận diệt, như thật biết về tướng diệt tận, pháp của tướng diệt tận thì không thể hồi hướng, vì tâm và tướng hồi hướng cũng như vậy, pháp hồi hướng cũng như vậy. Nếu có thể hồi hướng như vậy thì đó là chánh hồi hướng.
Đại Bồ Tát nên đem phước đức tùy hỷ như vậy mà hồi hướng. Nếu tất cả phước đức của Bồ Tát đối với Chư Phật thời quá khứ cùng với các đệ tử và người phàm phu cho đến súc sanh nghe pháp rồi gieo trồng căn lành và Chư Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân… nghe pháp rồi phát tâm nhất thiết trí hợp lại đầy đủ thì các phước đức ấy với tâm tùy hỷ là tối thắng, tối đại, tột cùng và vi diệu. Tùy hỷ rồi, Bồ Tát nên hồi hướng lên ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
Nếu Bồ Tát nghĩ như vậy: Các pháp ấy đều tận diệt, cảnh giới hồi hướng cũng tận diệt. Đó gọi là phước đức tùy hỷ chân chánh hồi hướng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Nếu Bồ Tát biết không có pháp nào có thể hồi hướng thì đó gọi là chân chánh hồi hướng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Nếu Bồ Tát hồi hướng như vậy thì không bị rơi vào vọng tưởng điên đảo, kiến chấp điên đảo và tâm điên đảo.
Vì sao?
Vì Bồ Tát ấy không có tham trước về sự hồi hướng nên gọi là hồi hướng vô thượng.
Nếu có Bồ Tát nào đối với phước đức tạo ra mà chấp tướng để phân biệt thì không thể đem phước đức ấy mà hồi hướng được.
Vì sao?
Vì pháp làm ra ấy đều ly tướng và phước đức tùy hỷ cũng ly tướng.
Nếu Bồ Tát biết pháp mà mình nghĩ ra đều ly tướng thì phải biết đó là mình đã hành bát nhã Ba la mật. Lại phước đức thiện căn của Chư Phật quá khứ diệt độ cũng như vậy nên dụng hồi hướng, pháp hồi hướng, tánh hồi hướng cũng như vậy.
Nếu Bồ Tát có thể hiểu rõ như vậy thì gọi là chân chánh hồi hướng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
Vì sao?
Vì Chư Phật không chấp nhận sự hồi hướng chấp tướng. Nếu pháp quá khứ tận diệt thì pháp ấy vô tướng không thể lấy tướng để đắc. Nếu Bồ Tát phân biệt như vậy gọi là còn chấp tướng, nếu không phân biệt như vậy thì gọi là chánh hồi hướng.
Vậy hồi hướng như thế nào mà không phân biệt chấp tướng?
Bồ Tát sẽ như việc ấy sẽ được học phương tiện bát nhã Ba la mật. Nếu không nghe, không được phương tiện bát nhã Ba la mật thì không có khả năng thể nhập việc ấy. Nếu không nghe phương tiện bát nhã Ba la mật mà có thể đem các phước đức để chân chánh hồi hướng thì không có sự việc đó.
Vì sao?
Vì người này đối với thân Chư Phật trong quá khứ và các phước đức đều đã diệt tận mà còn phân biệt chấp tướng rằng mình được phước đức ấy và muốn đem hồi hướng, hồi hướng như vậy Chư Phật không chấp nhận, cũng không tùy hỷ.
Vì sao?
Vì đối với pháp ấy có sở đắc. Nghĩa là người này còn phân biệt chấp tướng là Chư Phật quá khứ có diệt độ. Ai hồi hướng mà có sở đắc thì đó là người đại tham trước. Thế nên, hồi hướng mà có tâm sở đắc thì Chư Phật không nói người này có lợi ích lớn.
Vì sao?
Vì hồi hướng như vậy là có xen lẫn chất độc, khổ não. Ví như thức ăn ngon mà trong đó có xen lẫn chất độc. Mặc dầu thức ăn rất thơm ngon nhưng lại có xen lẫn chất độc thì không thể ăn được. Nếu người ngu si, vô trí ăn thức ăn này, thoạt đầu tuy rằng cảm thấy thơm ngon vừa ý nhưng khi thức ăn sắp tiêu hóa thì họ sẽ bị hậu quả rất là đau khổ.
Cũng vậy, có người không thọ trì, đọc tụng đúng đắn, không hiểu rõ thật nghĩa đó mà lại dạy cho các đệ tử hồi hướng và nói: Thiện nam tử, hãy đến đây, như Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai, giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến cùng các căn lành mà đệ tử Thanh Văn và người phàm phu gieo trồng.
Chư Phật thọ ký cho chúng sinh chứng Bích Chi Phật. Các căn lành mà Bích Chi Phật đó gieo trồng. Đức Phật thọ ký cho Bồ Tát chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác và các căn lành mà các Bồ Tát đó gieo trồng tập hợp đầy đủ thì đó là phước đức tùy hỷ.
Tùy hỷ rồi đem hồi hướng lên ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Hồi hướng như vậy là người hồi hướng còn phân biệt và chấp tướng nên gọi đó là có xen lẫn chất độc nên người có sở đắc không được hồi hướng.
Vì sao?
Vì hễ có sở đắc đều là chất độc.
Thế nên, Bồ Tát ấy phải tư duy về phước đức thiện căn của Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại như thế.
Vậy phải hồi hướng như thế nào mới gọi là chân chánh hồi hướng lên ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Giác?
Nếu Bồ Tát muốn không hủy báng Chư Phật thì nên hồi hướng như vậy.
Phải như thật biết phước đức của Chư Phật là tướng thế nào, tánh thế nào, chứng thế nào và quả như thế nào thì ta cũng tùy hỷ như vậy. Ta sẽ đem sự tùy hỷ này hồi hướng lên ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Bồ Tát hồi hướng như vậy thì không có lỗi hủy báng Chư Phật, hồi hướng như vậy thì sẽ không bị chất độc, cũng gọi là làm theo lời dạy của Chư Phật.
Lại nữa, Bồ Tát nên đem phước đức tùy hỷ mà hồi hướng như vậy. Như giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến không bị trói buộc vào Cõi Dục, không bị trói buộc vào Cõi Sắc, cũng không bị trói buộc vào Cõi Vô Sắc.
Cũng không có quá khứ, không có vị lai và không có hiện tại. Vì không bị trói buộc nên phước đức ấy hồi hướng cũng không bị trói buộc, pháp hồi hướng không bị trói buộc, cảnh giới hồi hướng cũng không bị trói buộc, Bồ Tát nào có thể hồi hướng như vậy thì không bị chất độc, nếu ai không hồi hướng như vậy thì gọi người ấy là tà hồi hướng.
Pháp hồi hướng của Bồ Tát giống như sự hồi hướng của ba đời Chư Phật, ta cũng nên hồi hướng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác như vậy thì gọi là chánh hồi hướng.
Bấy giờ, Phật khen Tu Bồ Đề: Lành thay, lành thay, này Tu Bồ Đề! Ông có thể vì các Đại Bồ Tát mà làm Phật sự. Tu Bồ Đề! Nếu có chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới đều hành tâm từ, bi, hỷ, xả, bốn thiền, bốn vô sắc định, năm phép thần thông thì không bằng phước đức hồi hướng của Bồ Tát ấy, vì phước đức hồi hướng của Bồ Tát này là tối thắng, tối đại, tột cùng và vi diệu.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Nếu có chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới đều phát tâm cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Giác mà mỗi Bồ Tát ấy ở trong hằng hà sa kiếp đem tâm có sở đắc để bố thí các thứ cần dùng như y phục, ngọa cụ, ăn uống và thuốc men cho hằng hà sa chúng sinh trong thế giới.
Cứ mỗi Bồ Tát như vậy đều ở trong hằng hà sa kiếp đem tâm có sở đắc để bố thí tất cả các thứ cần dùng như y phục, ngọa cụ, ăn uống và thuốc men cho các Bồ Tát ấy thì ý ông nghĩ sao?
Nhờ nhân duyên này, phước đức của Bồ Tát ấy có nhiều không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Phước đức ấy rất nhiều, không thể ví dụ được. Nhưng nếu phước đức ấy có hình tướng thì chúng sinh trong hằng hà sa thế giới không thể chứa hết.
Phật khen ngợi Tu Bồ Đề: Lành thay, lành thay, này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát được bát nhã Ba la mật bảo hộ mà có thể đem phước đức ấy hồi hướng thì so với phước đức bố thí với tâm có sở đắc của Bồ Tát ở trên thì không bằng phần trăm, không bằng một phần, hay trăm ngàn, vạn, ức phần, cũng không bằng một phần cho đến toán số thí dụ cũng không thể sánh kịp.
Bấy giờ, có hai vạn Thiên Tử ở trên Cõi Trời Tứ Thiên Vương chắp tay đảnh lễ Đức Phật và thưa: Bạch Thế Tôn! Sự hồi hướng của vị Bồ Tát này gọi là hồi hướng lớn lao, vì dùng phương tiện mà vị ấy đã hơn phước đức bố thí của Bồ Tát có sở đắc.
Vì sao vậy?
Vì sự hồi hướng của Bồ Tát ấy được bát nhã Ba la mật bảo hộ.
Khi ấy, mười vạn Thiên Tử trên Cõi Trời Đao lợi đem các loại hoa Trời, hương xoa, hương bột, áo Trời, tràng phan Trời và trổi các thứ kỹ nhạc Trời để cúng dường Phật, rồi đều thưa: Bạch Thế Tôn! Sự hồi hướng của vị Bồ Tát này gọi là hồi hướng lớn lao, vì dùng phương tiện mà Bồ Tát này đã hơn phước đức của Bồ Tát có sở đắc.
Vì sao vậy?
Vì sự hồi hướng của Bồ Tát ấy được bát nhã Ba la mật bảo hộ.
Lại có mười vạn Thiên Tử trên Cõi Trời Dạ Ma, mười vạn Thiên Tử trên Cõi Trời Đâu Suất Đà, mười vạn Thiên Tử trên Cõi Trời Hóa Lạc, mười vạn Thiên Tử trên Cõi Trời Tha Hóa Tự Tại đều đem hoa Trời, hương Trời cho đến trổi các thứ kỹ nhạc Trời để cúng dường Phật và đồng thưa: Bạch Thế Tôn! Sự hồi hướng của vị Bồ Tát này gọi là hồi hướng lớn lao, vì dùng phương tiện mà vị ấy đã hơn phước đức bố thí của Bồ Tát có sở đắc.
Vì sao vậy?
Vì sự hồi hướng của vị Bồ Tát này được bát nhã Ba la mật bảo hộ.
Lại có các Thiên Tử ở Cõi Trời Phạm thế lớn tiếng xướng lên: Sự hồi hướng của Bồ Tát này gọi là Đại hồi hướng, vì dùng phương tiện mà vị ấy đã hơn phước đức bố thí của Bồ Tát có sở đắc.
Vì sao vậy?
Vì sự hồi hướng của Bồ Tát này là được bát nhã Ba la mật bảo hộ.
Lại cũng có các Thiên Tử ở trên các Cõi Trời như Phạm Phụ, Phạm Chúng, Đại Phạm, Quang Thiên, Vô Lượng Quang, Quang Âm, Tịnh, Thiểu Tịnh, Vô Lượng Tịnh, Biến Tịnh, Vô Vân Hành, Phước Sinh, Quảng Quả, Vô Quảng, Vô Nhiệt, Diệu Kiến, Thiện Kiến Cõi Trời Vô Tiểu cùng chắp tay đảnh lễ Phật, rồi đồng thưa: Bạch Thế Tôn! Việc cầu Phật đạo của thiện nam, tín nữ này rất là hiếm có, nhờ được bát nhã Ba la mật bảo hộ mà họ có thể hơn phước đức bố thí của Bồ Tát có sở đắc.
Vì sao?
Vì sự hồi hướng của Bồ Tát này là được bát nhã Ba la mật bảo hộ.
Bấy giờ, Phật dạy các Thiên Tử ở Cõi Trời Tịnh Cư: Hãy gác lại việc chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới đó qua một bên.
Nếu có hằng hà sa chúng sinh khắp mười phương ở thế giới đều phát tâm cầu Chánh Đẳng Giác thì mỗi một Bồ Tát này ở trong hằng hà sa kiếp đem tâm có sở đắc để bố thí tất cả các thứ cần dùng như y phục, ngọa cụ, ăn uống và thuốc men cho chúng sinh trong hằng hà sa khắp mười phương thế giới, cứ mỗi Bồ Tát như vậy đều ở hằng hà sa kiếp đem tâm có sở đắc để bố thí tất cả các thứ cần dùng như y phục, ngọa cụ, ăn uống và thuốc men cho các chúng sinh ấy.
Nếu có Bồ Tát đối với giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai cùng các đệ tử Thanh Văn và căn lành gieo trồng của người phàm phu tập hợp đầy đủ thì các phước đức ấy với tâm tùy hỷ là tối thắng, tối đại, tột cùng và vi diệu. Tùy hỷ rồi, đem hồi hướng lên ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Giác thì phước đức ấy rất nhiều.
Khi ấy, Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như Phật đã nói: Các phước đức ấy hợp lại mà tính với tâm tùy hỷ là tối thắng, tối đại, tột cùng và vi diệu. Tùy hỷ rồi, đem hồi hướng lên ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
Bạch Thế Tôn, vậy Bồ Tát phải tùy hỷ như thế nào mới gọi là tối thắng, tối đại, tột cùng và vi diệu?
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào đối với các pháp quá khứ, vị lai và hiện tại mà không lấy, không bỏ, không niệm, không đắc, ở trong đó không có pháp đã sinh diệt, đang sinh diệt và sẽ sinh diệt, vì thật tướng của các pháp là như thật nên sự tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác cũng như vậy.
Tu Bồ Đề! Đó là sự tùy hỷ hồi hướng của Bồ Tát ấy là tối thắng, tối đại, tột cùng và vi diệu.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào muốn tùy hỷ, Bồ Tát muốn tùy hỷ với Chư Phật quá khứ, vị lai và hiện tại, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến thì nên tùy hỷ như vậy.
Như giải thoát trì giới cũng như vậy, giải thoát, định, tuệ cũng như vậy. Giải thoát, giải thoát tri kiến cũng như vậy, giải thoát tín giải cũng như vậy, giải thoát tùy hỷ cũng như vậy, giải thoát pháp vị lai chưa sinh cũng như vậy, vô lượng A tăng kỳ Chư Phật và các đệ tử trong quá khứ ở thế giới cũng giải thoát như vậy.
Vô lượng A tăng kỳ Chư Phật và các đệ tử trong hiện tại khắp mười phương ở thế giới cũng giải thoát như vậy và vô lượng A tăng kỳ Chư Phật và các đệ tử ở vị lai khắp mười phương ở thế giới cũng giải thoát như vậy. Vì tướng của các pháp ấy không trói, không buộc, không mở, không cởi nên sự hồi hướng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác cũng không sinh, không diệt.
Tu Bồ Đề! Gọi sự tùy hỷ hồi hướng của Bồ Tát đó là tối thắng, tối đại, tột cùng và vi diệu. Vì vậy mà sự hồi hướng của Bồ Tát này hơn các Bồ Tát kia như hằng hà sa khắp mười phương ở thế giới.
Nếu mỗi Bồ Tát ở trong hằng hà sa kiếp mà đem tâm có sở đắc bố thí cho tất cả các thứ cần dùng như y phục, ngọa cụ, ăn uống và thuốc men cho chúng sinh trong hằng hà sa ở thế giới, nếu đem tâm có sở đắc bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định thì so với phước đức tùy hỷ hồi hướng này thì dù trăm ngàn phần cũng không bằng một phần, hay trăm, ngàn, vạn, ức phần cũng không bằng một phần cho đến toán số thí dụ cũng không thể sánh kịp.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Chín - Chín Pháp - Phẩm Mười - Phẩm Tham
Phật Thuyết Kinh Cha Con Gặp Nhau - Phẩm Mười Bốn - Thọ Ký Bốn đại Thiên Vương
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Bảy - Vãng Cổ - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Bốn - Phẩm Thiên đế - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bảy Mươi Ba - Phẩm Chủng Thiện Căn