Phật Thuyết Kinh Tọa Thiền Tam Muội - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT
KINH TỌA THIỀN TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẦN BỐN
Lại nữa, có cõi nước rất lạnh, có cõi nước rất nóng, có cõi nước đói khát, có cõi nước nhiều bệnh, có cõi nước nhiều giặc, có cõi nước Vương pháp không chân chánh. Đối với những thứ xấu ác của các cõi nước như vậy, tâm không nên đắm chấp. Đó là chánh quán để diệt trừ sự suy nghĩ về cõi nước.
Hỏi: Làm thế nào để diệt trừ suy nghĩ về sự bất tử?
Đáp: Nếu chỉ dạy cho hành giả như vậy: Hoặc sinh vào nhà quyền quý, hoặc con của dòng họ tài năng, có thế lực hơn người, tất cả đừng nên nhớ nghĩ.
Vì sao?
Vì khi cái chết đến thì không xem xét già, trẻ, sang, hèn, tài năng, thế lực gì cả. Thân này là các nhân duyên của tất cả sau khổ. Nếu thấy mình còn trẻ, sống lâu cho là được an ổn, thì đó là kẻ ngu si.
Vì sao?
Vì sầu não đã nương vào bốn đại này, mà bốn đại tạo tành hình thể như bốn con rắn độc chống trái lẫn nhau, thì không thể an ổn được. Một hơi thở ra thì không tin có thể trở vào.
Lại nữa, người khi ngủ mà muốn tỉnh thức chắc chắn là việc khó tin.
Từ khi vào thai cho đến lúc già yếu, cái chết thường đến, cái chết luôn tìm đến mà cứ cho là không chết thì làm sao tin được?
Ví như kẻ giết người rút dao, giương cung, tìm người để giết, không chút thương xót. Cuộc sống của người ở thế gian thì sức mạnh của cái chết là hơn hết, không có gì thắng được sức mạnh của cái chết. Dù là người tài giỏi nhất ở đời quá khứ cũng không thể thoát khỏi.
Hiện tại cũng không có bậc Đại trí nào có thể thắng nổi. Chẳng thể dùng lời nói nhỏ nhẹ để cầu cứu. Không thể dùng từ ngữ khéo léo, dối lừa, để có thể tránh thoát khỏi cái chết. Cũng không thể trì giới, tinh tấn, để từ bỏ cái chết được.
Vì vậy, nên biết mạng người là mong manh, không thể tin cậy. Chớ tin và cho rằng ta sẽ sống lâu. Bọn giặc chết ấy thường dẫn dắt người đi không đợi đến già rồi sau đó mới giết.
Như bậc A La Hán dạy cho các đệ tử bị những suy nghĩ làm não hại: Vì sao các ông không biết nhàm chán thế gian để vào đạo?
Sao lại còn khởi lên những suy nghĩ ấy?
Có người chết khi chưa sinh ra, có người chết trong khi sinh, có người chết lúc còn bú, lại có người chết khi bỏ sữa, có người chết lúc còn bé, có người chết vào thời trai tráng, có người chết khi về già.
Trong mọi thời gian đều có sự chết, ví như cây vừa có hoa, hoa liền rơi rụng, hoặc khi thành trái mới rụng, hoặc khi chưa chín đã rụng. Vì thế nên biết, phải nỗ lực tinh tấn để cầu đạo an ổn. Cùng ở với giặc có sức mạnh lớn thì không thể tin. Giặc này giống như cọp rất khéo giấu thân.
Cũng vậy, giặc chết thường tìm để giết người. Mọi thứ hiện có nơi thế gian đều rỗng không như bọt nước.
Tại sao lại nói phải đợi thời cơ rồi mới vào đạo?
Ai có thể biết chắc chắn rằng Ông sống đến già mới hành đạo được! Ví như cây to ở bên vực sâu, bên trên gặp luồng gió lớn, bên dưới thì bị dòng nước dữ cuốn khiến cho gốc rễ, đất đai sụp đổ.
Ai sẽ tin chắc là cây này tồn tại lâu dài?
Mạng người cũng như vậy, lúc trẻ cũng không thể tin. Cha như lúa giống, mẹ như ruộng tốt, nhân duyên, tội phước từ đời trước như trận mưa thấm nhuần. Chúng sinh như cây lúa, sinh tử như việc gặt lúa. Vô số các bậc Thiên Tử, Nhân Vương trí đức, như Thiên Vương giúp Chư Thiên đánh phá hàng A Tu La. Các thứ thọ lạc rất cao sang, tốt đẹp rồi cũng rơi vào chốn tối tăm.
Vì thế, chớ tin nơi mạng sống mà nói: Hôm nay ta làm việc này, ngày mai ta sẽ làm việc ấy. Như thế là quán chân chánh để trừ bỏ các tư duy về sự bất tử.
Như vậy trước tiên xả bỏ những suy nghĩ thô, sau thì đoạn trừ những tư duy vi tế, thì tâm được thanh tịnh, chứng đắc chánh đạo, tất cả kết sử đều dứt sạch, từ đây có được nơi chốn an ổn, đó là quả của hàng xuất gia, tâm được tự tại, ba nghiệp thanh tịnh bậc nhất, không còn thọ thai.
Đọc tụng vô số kinh sách, nghe nhiều, khi ấy đạt được quả báo. Lúc đạt được như vậy thì hoàn toàn phá trừ hết quân ma, lại được tôn xưng là bậc dũng mãnh đệ nhất. Nếu người từ bỏ phiền não trong thế gian mà đi thì không gọi là mạnh.
Ngược lại, nếu người có thể phá trừ giặc phiền não, tiêu diệt lửa ba độc, để được thanh tịnh, mát mẻ, vui vẻ, gối cao đầu an ổn trong rừng Niết Bàn, phát khởi đủ các thứ gió mát thiền định, năm căn, năm lực, bảy giác chi, từ bốn hướng thổi đến, nhớ nghĩ tới chúng sinh bị chìm trong biển ba độc.
Người đầy đủ diệu lực của công đức như vậy mới gọi là dũng mãnh. Như thế, những người tán tâm, nên niệm về hơi thở và học sáu pháp để đoạn trừ các suy nghĩ. Do đó nên niệm về sổ tức.
Hỏi: Trong bốn pháp quán như pháp quán bất tịnh, pháp quán niệm Phật, cũng đoạn trừ được các thứ suy nghĩ, vậy tại sao chỉ riêng nói về quán sổ tức?
Đáp: Do các pháp quán khác rộng rãi nên khó mất, còn quán so tức thì nhanh chóng nên dễ chuyển. Ví như thả bò, vì bò khó mất nên việc chăn giữ có lơ là, còn thả khỉ thì dễ mất nên phải coi giữ cẩn thận. Ở đây cũng như vậy, tâm đếm số hơi thở, không để chút thời gian nào nghĩ về việc khác, nếu nghĩ đến việc khác thì quên mất số đếm.
Do vậy, ban đầu muốn đoạn trừ các thứ suy nghĩ thì nên tu tập Quán sổ tức. Đã được pháp Quán sổ tức rồi thì nên thực hành tùy pháp để đoạn trừ mọi thứ suy nghĩ. Khi hơi thở vào đến cùng, nương theo đấy đừng đếm một. Khi thở ra đến cùng nương theo đấy, chờ đếm hai.
Ví như người mắc nợ bị người chủ nợ luôn theo sát không xa rời. Suy nghĩ như vậy, thì hơi thở vào lại thở ra có khác nhau. Hơi thở ra lại thở vào có khác nhau. Khi ấy biết được hơi thở vào khác, hơi thở ra khác.
Vì sao?
Vì hơi thở ra ấm, hơi thở vào lạnh.
Hỏi: Hơi thở vào, hơi thở ra chỉ là một hơi thở.
Vì sao?
Vì thở ra rồi lại thở vào. Ví như nước ngậm thì ấm, nhổ ra thì lạnh.
Vậy thì nước lạnh trở nên ấm, nước ấm trở nên lạnh?
Đáp: Không phải vậy. Do nội tâm động nên có hơi thở ra, ra rồi liền diệt. Mũi, miệng dẫn từ ngoài vào nên có hơi thở vào, vào rồi liền diệt, nên cũng không có hơi thở sẽ trở ra, cũng không có hơi thở sẽ trở vào.
Lại nữa, tùy theo hạng tuổi: Người còn trẻ, thanh niên, người già. Người còn trẻ thì hơi thở vô dài, thanh niên thì hơi thở vô ra đều bằng nhau, người già thì hơi thở ra dài. Vì vậy chẳng phải là một hơi thở.
Lại nữa, từ rốn hơi thở phát ra hầu như tương tục, hơi ra đến miệng, mũi, ra rồi liền mất. Ví như hơi trong quả bóng, khi mở ra liền mất. Nếu dùng duyên là mũi, miệng dẫn hơi vào, đó là từ duyên mới phát sinh. Ví như cái quạt, các duyên hợp thành thì có gió mát.
Khi ấy biết hơi thở ra vào do nhân duyên mà có, nên là hư giả không thật, luôn sinh diệt vô thường. Suy nghĩ như vậy, thì hơi thở ra là từ nhân duyên của miệng mũi dẫn dắt mà có. Hơi thở vào là do nhân duyên nơi tâm động mà phát sinh. Người mê lầm không biết, cho đó là hơi thở của mình. Hơi thở là gió, cùng với gió bên ngoài không khác. Đất, nước, lửa, hư không cũng lại như vậy.
Do nhân duyên của năm đại ấy hòa hợp nên thức sinh. Thức cũng như vậy, chẳng phải là của ta. Năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới cũng vậy. Biết rõ như thế tức thuận theo hơi thở ra vào, gọi đó là tùy pháp. Được pháp tùy rồi nên thực hành pháp chỉ.
Pháp chỉ là tâm gắn liền với sự đếm hơi thở nên trụ ý nơi lỗ mũi để nhớ nghĩ về hơi thở ra vào.
Hỏi: Vì sao phải thực hành pháp chỉ?
Đáp: Vì nhằm đoạn trừ mọi thứ suy nghĩ khiến tâm không tán loạn. Khi thực hành pháp sổ và pháp tùy thì tâm không định được, vì tâm có nhiều căng thẳng.
Với pháp chỉ thì tâm an nhàn, ít làm việc, chỉ trụ một chỗ, nhớ nghĩ về hơi thở ra vào. Ví như người giữ cửa luôn đứng bên cạnh cửa để xem xét người ra vào. Tâm chỉ cũng như vậy, biết lúc hơi thở ra từ rốn lên tim, ngực, cổ họng, đến miệng mũi. Khi hơi thở vào, từ miệng, mũi, cổ họng, tim đến rốn. Giữ tâm và một chỗ như vậy gọi là chỉ.
Lại nữa, trong pháp chỉ, tâm dừng lại để quan sát. Khi hơi thở vào, năm ấm sinh diệt khác nhau. Lúc hơi thở ra, năm ấm cũng sinh diệt khác nhau. Như thế, tâm loạn động liền được diệt trừ, nhất tâm tư duy làm cho pháp quán tăng trưởng, đó gọi là pháp quán. Bỏ việc trụ tâm ở mũi, lìa pháp quán thô. Đã lìa pháp quán thô, tức biết hơi thở là vô thường.
Đây gọi là chuyển quán. Quán năm ấm là vô thường, cũng nhớ nghĩ về hơi thở ra vào là sinh diệt vô thường, thấy từ đầu hơi thở ra vào không từ đâu tới, kế đến, quán hơi thở sau cũng không có nơi chốn dấu vết. Nhân duyên hòa hợp nên hiện hữu, nhân duyên tan rã nên không còn.
Đó là pháp chuyển quán. Trừ diệt năm thứ ngăn che và các phiền não, tuy trước đã đạt chỉ quán mà phiền não chưa tịnh, tâm còn tạp loạn, nay pháp tịnh này làm cho tâm được hoàn toàn thanh tịnh.
Lại nữa, pháp quán trước giống với việc thực hành pháp niệm hơi thở ra vào của các học phái khác. Nay hành pháp vô lậu giống như hành pháp hữu lậu một cách hoàn hảo, nên gọi là thanh tịnh. Lại nữa, pháp quán ban đầu là một phần trong thân niệm chỉ, dần dần đạt toàn thân niệm chỉ. Kế đến là hành thọ tâm niệm chỉ, trong đó chưa thanh tịnh và còn xa pháp vô lậu.
Nay trong pháp niệm chỉ, phải quán mười sáu hành để nhớ nghĩ đến hơi thở ra vào, nhằm đạt được pháp noãn, đảnh, nhẫn, thế đệ nhất, khổ pháp nhẫn, cho đến tận trí của bậc vô học mới gọi là thanh tịnh. Trong mười sáu pháp ấy, ban đầu là phần hơi thở vào co sáu loại hành quán sổ tức. Phần hơi thở ra cũng lại như vậy.
Nhất tâm nhớ nghĩ hơi thở ra vào hoặc dài hoặc ngắn. Ví như người lo sợ, chạy lên núi, hoặc mang nặng, hoặc thở lên… Những trường hợp như vậy thì hơi thở ngắn. Còn như người khi mỏi mệt được nghỉ ngơi, vui vẻ. Lại như người được thoát ra khỏi ngục tù, các trường hợp như thế thì hơi thở dài.
Tất cả hơi thở đều thuộc trong hai loại này: Hoặc dài, hoặc ngắn. Thế nên, nói hơi thở dài, hơi thở ngắn, trong ấy cũng hành sáu việc của phép niệm hơi thở.
Niệm về các hơi thở khắp thân, cũng niệm về hơi thở ra vào, đều xem xét trong thân với các hơi thở ra vào, biết rõ toàn thân cho đến ngón chân, ngón tay và các lỗ chân lông, cũng như thấm vào cát. Biết rõ hơi thở ra, từ chân cho đến tóc và khắp các lỗ chân lông cũng như nước thấm qua cát. Ví như hơi thở ra vào đều khắp nơi túi da, hơi thở ra vào nơi mũi miệng cũng như vậy.
Quán thấy hơi thở chuyển khắp toàn thân, như lỗ của cọng sen dẫn nước, như lưới đánh cá. Tâm lại quán hơi thở vào ra không riêng nơi mũi miệng mà tất cả lỗ chân lông và chín chỗ trên thân cũng thấy hơi thở ra vào. Cho nên biết hơi thở hiện bày khắp thân, ngoại trừ các hành của thân cũng niệm về hơi thở vào ra.
Người khi mới học quán về hơi thở, nếu thân tỏ ra biếng nhác, mê ngủ, nặng nề thì phải trừ bỏ. Thân thể nhẹ nhàng hòa dịu, thuận theo thiền định, tâm mới thọ nhận được niềm vui. Cũng phải niệm về hơi thở ra vào để trừ tâm, biếng nhác, mê ngủ, nặng nhọc, được tâm nhẹ nhàng, hòa dịu, thuận theo thiền định, cảm nhận niềm vui trọn vẹn.
Lại nữa, niệm hơi thở vào trong phần niệm chỉ xong, tiếp đến thực hành niệm thọ, quán chỉ xong thì đạt được thân niệm chỉ. Đây mới thật là đạt niệm chỉ thọ, mới cảm nhận niềm vui thật sự.
Lại nữa, đã biết tướng thật của thân, nay muốn biết tướng thật của tâm và các pháp của tâm, do đấy cảm nhận niềm vui, cũng niệm hơi thở ra vào, vui thích cũng niệm hơi thở ra vào, làm cho hỷ tăng trưởng, gọi là lạc.
Lại nữa, trong tâm mới sinh vui vẻ gọi là hỷ, sau sự vui ấy hiện bày khắp toàn thân gọi là lạc. Lại nữa, thọ nhận vui trong Sơ Thiền, Nhị Thiền gọi là hỷ, thọ nhận vui trong Tam Thiền, gọi là thọ lạc. Thọ nhận các hành của tâm cũng niệm hơi thở ra vào.
Các pháp sinh diệt của tâm, các pháp nhiễm của tâm, các pháp không nhiễm của tâm, các pháp tán loạn, các pháp được thâu tóm nơi tâm, các pháp chánh tà, các tướng nơi tâm như vậy gọi là các hành của tâm. Khi tâm sinh vui mừng cũng niệm hơi thở ra vào. Chỗ thọ nhận vui trước là tự sinh, chẳng phải do tâm tạo niệm mà phát sinh vui mừng.
Hỏi: Thế nào là do cố ý của tâm mà sinh vui mừng?
Đáp: Vì muốn đối trị hai loại tâm: Hoặc tâm tán loạn, hoặc tâm thâu giữ. Thực hiện như thế thì tâm thoát khỏi phiền não, nên niệm về pháp để tâm được vui vẻ. Lại nữa, nếu tâm không vui vẻ thì cố gắng khiến được vui. Khi tâm được thâu giữ cũng niệm hơi thở ra vào. Nếu tâm không an định, thì gắng sức chế ngự làm cho nó được an định.
Như trong kinh dạy: Tâm định là đạo, tâm loạn chẳng phải đạo. Lúc tâm tạo sự giải thoát cũng nên niệm hơi thở ra vào. Nếu ý không được mở bày thì phải dũng mãnh thâu phục, khiến được giải thoát. Như con dê vào lùm cỏ gai, bị gai móc, người ta phải dần dần gỡ ra cho nó. Tâm tạo sự thoát khỏi các thứ kết sử, phiền não cũng lại như vậy.
Đó gọi là tâm niệm về chỉ để phát khởi giải thoát. Quán vô thường cũng niệm hơi thở ra vào. Quán các pháp là vô thường, sinh diệt, không, không có ta, tôi. Khi sinh, các pháp là không sinh, khi diệt các pháp là không diệt. Trong đó không có nam, không có nữ, không có người, không tạo tác, không thọ nhận. Đó gọi là pháp quán thuận theo vô thường.
Quán các pháp hữu vi hiện bày tan rã cũng nên niệm hơi thở ra vào là vô thường. Đó gọi là hiện bày tan rã. Các pháp hữu vi có mặt trong đời này đều từ nhân duyên hòa hợp nơi quá khứ nên tích tập, do duyên hủy hoại nên tan rã. Như vậy, thuận theo đấy mà quán thì gọi là quán xuất tán.
Quán lìa sự trói buộc của dục, cũng niệm hơi thở ra vào. Tâm xa lìa các sự trói buộc là pháp bậc nhất. Đó gọi là pháp quán thuận theo sự lìa dục.
Quán diệt tận cũng niệm hơi thở ra vào. Các khổ của kết sử ở mọi nơi đều dứt hết là chốn an ổn. Đó gọi là pháp quán thuận theo nẻo diệt tận.
Quán buông bỏ cũng niệm hơi thở ra vào. Các thứ phiền não ái nhiễm nơi thân tâm, năm ấm và các pháp hữu vi đều buông bỏ, là sự an ổn bậc nhất. Pháp quán như thế gọi là quán tùy ý chỉ. Đó là mười sáu phần.
Thứ năm: Pháp môn đối trị đẳng phần.
Pháp môn thứ năm cần thực hành để đối trị đẳng phần và người bị tội nặng cầu Đức Phật cứu độ. Những người như vậy nên dạy cho họ pháp tam muội nhất tâm niệm Phật. Tam muội niệm Phật gồm có ba loại. Người mới tu tập, hoặc đã tu tập, hoặc đã tu tập lâu ngày.
Nếu người mới tu tập thì đưa đưa đến nơi có Tượng Phật, hoặc dạy họ quán xét kỹ tướng tốt nơi Tượng Phật, mỗi mỗi tưởng đều thấy rõ ràng, dốc lòng ghi nhớ. Lại đến nơi chốn yên tĩnh, dùng nhãn thức quán xét về Tượng Phật, làm cho tâm ý không loạn động, chú tâm vào Tượng Phật, không khởi niệm gì khác. Như có những ý niệm khác khởi lên thì thâu tóm chúng, khiến luôn trụ vào Tượng Phật.
Nếu tâm không an trú, thì vị thầy nên dạy: Ông phải tự trách tâm mình. Do ngươi đã tạo tội không thể tính kể, nơi vô lượng sinh tử, với đủ loại khổ não đã từng lãnh chịu. Nếu ở địa ngục thì uống nước đồng sôi, nuốt thỏi sắt cháy đỏ.
Hoặc ở trong loài súc sanh thì ăn phân, nhai cỏ. Còn ở trong loài ngạ quỷ thì chịu các thứ khổ về đói khát. Nếu ở trong loài người thì nghèo cùng, khốn đốn. Nếu sinh vào Cõi Trời khi mất hết dục lạc chỉ toàn sầu khổ.
Vì thường theo ngươi nên nay ta phải chịu vô lượng khổ não về thân tâm. Nay ta phải chế ngự, điều phục ngươi, ngươi phải theo ta, ta buộc ngươi ở một chỗ. Ta hoàn toàn không để ngươi làm cho khốn đốn, phải chịu thêm các thứ khổ độc nữa.
Ngươi thường làm khổ ta, ta nay cần phải dùng sự việc này để chế ngự ngươi. Tự trách liên tục như vậy thì tâm không còn tán loạn. Khi ấy, liền được mắt, tâm sáng suốt, thấy được tướng nới Tượng Phật hết sức rõ ràng, như chỗ mắt thấy không khác. Tâm trụ như vậy gọi là người mới tu tập tư duy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Nước Dụ
Phật Thuyết Kinh Nói Về Mười Hai Phẩm Sinh Tử
Phật Thuyết Kinh úc Ca La Việt Vấn Bồ Tát Hành - Phẩm Tám - Phẩm ở Nơi Vắng Vẻ - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Công đức Nhiễu Quanh Tháp Phật Vòng Theo Bên Phải
Phật Thuyết Kinh Nhân Quả Trong đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Phần Bốn