Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phổ Siêu Tam Muội - Phẩm Mười Ba - Phẩm Chúc Lụy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

VĂN THÙ SƯ LỢI PHỔ SIÊU TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI BA

PHẨM CHÚC LỤY  

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Di Lặc: Ông nên nhận lấy Chánh Pháp Minh điển này để vì vô số người mà phân biệt thuyết giảng, đem lại cho họ nhiều yên ổn, nhiều từ bi. Chư Thiên người đời đều được nhờ ân.

Bồ Tát Di Lặc bạch Đức Phật: Kính thưa Đức Thế Tôn! Con nhận lời dạy của Kinh Điển ấy rồi thì cũng theo các Bậc Đẳng Chánh Giác trong quá khứ đã nhận Kinh này. Hôm nay, con được gặp Đức Thế Tôn, được nghe pháp này.

Kính thưa Đức Đại Thánh Như Lai! Hiện tại con đem Kinh này diễn giảng khiến cho lưu truyền khắp nơi. Sau khi Đức Phật diệt độ, ở tại cung Trời Đâu Suất con sẽ vì quần sinh thuyết giảng sự phát triển các cội gốc công đức này.

Nếu thiện nam, thiện nữ ở đời sau nhưng tai được nghe Kinh ấy, chí nguyện ở đại thừa thì nên biết đó là sự kiến lập của Bồ Tát Di Lặc. Người phụng trì Kinh này, nếu có ác ma theo rình tìm sơ hở thì chúng con sẽ nương Thánh chỉ của Đức Thế Tôn mà đến hộ trì họ, khiến cho họ không lầm lỗi.

Đức Phật bảo Trời Đế Thích: Ông nên thọ lãnh phẩm A Xà Thế đoạn nhất thiết kết của Kinh này.

Vì sao?

Vì giả sử Trời và A Tu Luân hận thù mà chiến đấu, nếu Trời nghĩ đến Kinh ấy thì Chư Thiên thắng lợi, còn A Tu Luân bị hàng phục.

Đức Phật nói: Này Câu Dực! Nay ta phó chúc cho ông, nếu Kinh Điển này ở tại châu vực, quận, nước, huyện, ấp, thành quách, gò đống, xóm làng nào thì ông sẽ ủng hộ cho đất ấy, làm cho các oán hận thù địch chẳng làm gì được.

Hoặc đến Vua quan, hoặc rơi vào đám giặc, hoặc gặp cầm thú, hoặc gặp quỷ thần, hoặc gặp dâm tặc, hoặc gặp nạn khủng bố nước lửa thì liền phải nhớ đến Kinh Điển này mà thuyết giảng ca tụng. Hoặc có oan gia, giặc giã nghịch ác cũng chẳng làm gì được.

Bấy giờ Đức Phật liền bảo A Nan: Ông hãy nhận Kinh Điển này giữ gìn đọc tụng.

Vì sao?

Giả sử có người theo ông cầu học ý nghĩa của Kinh này thì thiện nam, thiện nữ ấy đoạn trừ tất cả các hồ nghi, không có do dự, rửa sạch các kết sử, trừ khử vĩnh viễn. Các ma tội ác chẳng thể che trùm được, những tai ương đời trước, tà hại ngăn ngại thì tự nhiên tiêu diệt.

Vì sao?

Vì nghe Kinh này thì không còn hồ nghi.

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ta phó chúc cho ông, ân cần răn bảo. Như có kẻ phạm nghịch tội mà hiểu rõ yếu nghĩa của Kinh này, hoan hỷ vui mừng thì không có tội nghịch nữa, cũng không nguy hại, cũng không tội lỗi.

Trưởng Lão Ca Diếp bạch Đức Thế Tôn: Kính thưa Đấng Đại Thánh! Con đã chứng kiến rõ sự vi diệu của Kinh Điển này. Trước đây, khi tề tựu ở cung Vua A Xà Thế phân biệt việc nghịch thì Vua A Xà Thế liền thành tựu được pháp Nhẫn bất khởi, lưới nghi hoặc bị tiêu trừ.

Con nghĩ rằng: Vua A Xà Thế vốn chẳng hiểu rõ các pháp, cũng chẳng phân biệt được các việc nghịch.

Kính thưa Đức Thế Tôn! Tánh các pháp tự nhiên vốn tịnh, mà trái lại tư tưởng con người chấp là ngã, ngã sở nên hình thành các kiến chấp không thể sửa đổi, rèn luyện bản tánh thanh tịnh của tất cả các nghịch tội vậy. Như việc Vua A Xà Thế chứa nhóm sự điên đảo, các tư tưởng hư ngụy nên trở thành tai họa khổ đau.

Nếu thông suốt điều này thì không có các tai nạn. Con nói từ trước đến nay các chúng sinh không có tội, không có pháp đường ác. Họ hiểu được điều này thì trở nên siêu tuyệt, không có đầu mối, kết thúc.

Đức Phật nói: Hay thay! Hay thay! Này Ca Diếp! Đúng như điều đã nói, sự chân chánh về đạo nghĩa của các Đức Phật Thế Tôn là không có trần cấu.

Hiền Giả A Nan bạch Đức Phật: Kính thưa Đức Thế Tôn! Ngài kiến lập Kinh Điển này khiến cho về sau, đời mạt thế được lưu hành ở cõi Diêm Phù Đề.

Bấy giờ, từ hai bên hông của Đức Thế Tôn phóng ra hào quang rất sáng, chiếu soi khắp tam thiên đại thiên Thế Giới.

Cây cối, tường vách đều tự nhiên phát ra âm hưởng như vậy: Đức Như Lai đã kiến lập Kinh Điển này, giả sử được Kinh Điển này ở trong biển cả hoặc nơi kiếp thiêu, khi đang nghe Kinh này thì không được dứt nửa chừng mà không nghe vậy.

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Tất cả cây cối, tường vách đã phát ra âm thanh đúng như điều ông đã nói, các Chánh Sĩ ấy gieo trồng các cội gốc công đức. Vào đời sau cùng, họ thọ nhận Kinh này nhất định chẳng đoạn dứt nửa chừng.

Khi Đức Phật thuyết giảng Kinh này, chín mươi sáu ngàn người, Trời xa lìa trần cấu, đạt được Pháp nhãn tịnh, sáu mươi tám ngàn người, Trời đều phát ý đạo vô thượng chánh chân, hai mươi hai ngàn vị Bồ Tát được pháp Nhẫn bất khởi, tám ngàn người lìa khỏi các tham dục, tam thiên đại thiên Thế Giới chấn động. Ngay khi ấy, âm thanh lớn phát ra tuyên cáo khắp trên Trời, thế gian đều hãy đến cúng dường Kinh Điển này.

Nhạc cụ của Chư Thiên chẳng tấu mà tự vang lên, tuyên cáo khắp cả trên Trời, thế gian đều đến để tung hoa, đốt hương đủ các loại hương thơm, bột thơm, hương xoa thắm đượm. Họ đều hướng về nơi chuyển pháp luân.

Đức Như Lai ở chỗ này thuyết giảng Kinh đều là vì hàng phục các tà đạo khác, trừ bỏ hạnh tà ức chế các ma. Ấn Như Lai này là tinh tấn tu hành pháp của Như Lai, các thiện nam cần phải phân biệt cầu chánh kiến cứu cánh của pháp ấn này.

Đức Phật thuyết giảng như vậy, Vua A Xà Thế, Bồ Tát Phổ Thủ, Đại Sĩ Di Lặc, tất cả vị Bồ Tát, các vị đại Thanh Văn, Tôn Giả Xá Lợi Phất, Tôn Giả Đại Ca Diếp, Tôn Giả Tu Bồ Đề, Tôn Giả A Nan… Chư Thiên, người trong thế gian, A Tu Luân, nghe điều Phật đã nói, không ai không vui mừng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần