Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Một - Phẩm Vô Thường - Tập Một
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MỘT
PHẨM VÔ THƯỜNG
TẬP MỘT
Thuở ấy, Đức Phật trụ tại nước Ba La Nại, Ngài bảo các Tỳ Kheo: Trong đời vị lai sẽ có loài chúng sinh sống lâu đến tám muôn bốn ngàn tuổi. Lúc bấy giờ, loại chúng sinh sống tám muôn bốn ngàn tuổi ấy, trong Cõi Diêm Phù này, mọi người cùng chung sống một nơi, lúa thóc trúng mùa, nhân dân đông đúc, tiếng chó sủa, tiếng gà gáy hòa quyện với nhau.
Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Các thầy nên biết, lúc bấy giờ con gái đến năm trăm tuổi mới đi lấy chồng. Lúc ấy, có vị Vua tên Nhương Khư có đầy đủ bảy báu cai trị nhân dân bằng chánh pháp, không làm những điều tà vạy. Nhà Vua có một chiếc xe báu bằng lông chim tự nhiên, cao cả ngàn khuỷu tay, rộng mười sáu khuỷu tay.
Vua cho sửa sang trang hoàng bằng nhiều chuỗi ngọc quý báu. Rồi giữa chốn đông người, Vua phân của bố thí, không hề tiếc rẻ, tạo lập công đức, dẫn đầu mọi người, các vị đắc đạo từ phương xa đến ở lại, hoặc chỉ tạt qua nghỉ đêm Vua đều cúng dường. Ai cần món gì, Vua đều ban cho hết mà lòng không hối tiếc.
Lúc con người sống tám muôn bốn ngàn tuổi ấy, có Đức Phật ra đời hiệu là Di Lặc, Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hành Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư Phật Thế Tôn, cũng như ta ngày nay, thành Vô Thượng Chánh Chân Đẳng Chánh Giác, đủ mười hiệu. Đức Phật ấy thường hộ trì vô số trăm ngàn vị Tỳ Kheo cũng như ta ngày nay hộ trì vô số trăm ngàn vị Tỳ Kheo và các đại chúng.
Ngài rộng nói pháp sâu xa, thượng, trung, hạ đều lành, nghĩa lý nhiệm mầu, thanh tịnh đầy đủ, tu hành phạm hạnh cũng như ta ngày nay vì các đại chúng rộng nói pháp sâu xa thượng, trung, hạ đều lành, nghĩa lý nhiệm mầu, thanh tịnh đầy đủ, tu hành phạm hạnh.
Rộng nói về việc Đức Di Lặc hạ sinh, như lời Đức Phật dạy, có Kinh tên Lục Cánh Lạc Đạo.
Trong Kinh ấy nói: Nếu con người sinh vào kiếp ấy, nếu mắt thấy sắc thì chỉ thấy sắc lành, không thấy sắc xấu, thấy điều đáng yêu chứ không thấy điều không đáng yêu, thấy điều đáng kính chứ không thấy điều không đáng kính, thấy điều đáng nghĩ chứ không thấy điều không đáng nghĩ, thấy sắc đẹp chứ không thấy sắc không đẹp. Các chúng sinh ấy tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân biết trơn láng, ý biết pháp, cho đến Trời Đế Thích cũng lại như thế.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đến giảng đường lớn bên bờ ao Di Hầu thuộc nước Tỳ Xá Ly. Lúc ấy, có rất nhiều chàng trai xứ Tỳ Xá Ly đều cùng nghĩ rằng: Chúng ta hãy cùng nhau đến chỗ Đức Thế Tôn thăm hỏi và đảnh lễ Ngài.
Trong số các thanh niên ấy có người cưỡi ngựa xanh, che lọng xanh, y phục cũng màu xanh, có người cưỡi ngựa màu vàng, màu xanh, màu đỏ, màu trắng, y phục đều màu trắng. Họ lên đường với tiếng chuông trống hòa nhau, tấu trỗi kỹ nhạc, trước sau theo nhau đến chỗ Thế Tôn.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Các thầy nên biết, nếu ai chưa thấy các vị Trời dạo chơi đến khu vườn ở phía sau tắm gội thì hôm nay nên nhìn các chàng thanh niên này, y phục, ngựa xe của họ sánh với các vị Trời, chẳng khác gì nhau.
Vì sao vậy?
Vì các vị Trời ăn mặc cũng giống như họ.
Bấy giờ, có hàng trăm ngàn người đang ngồi trong giảng đường ai nấy đều suy nghĩ: Chúng ta nên phát lời thệ nguyện chân thành, khiến cho đời sau chúng ta được sinh lên cõi người, Cõi Trời, thường mặc pháp phục này không bao giờ xa rời, để đời sau có Đức Phật ra đời, được nghe pháp sâu xa, lìa hẳn khổ não, đạt an vui Niết Bàn.
Đức Như Lai biết rõ tâm niệm của chúng sinh cầu sinh trong ba cõi thì không thể nào dứt hẳn khổ não, Ngài liền nói bài kệ này cho đại chúng nghe:
Hành pháp vô thường
Là pháp hoại diệt
Không thể nương cậy
Biến đổi không ngừng.
Nghe bài kệ ấy, trăm ngàn chúng sinh nhiều không thể tính kể ngay trong thời pháp ấy dứt hết lậu hoặc, mở tỏ tâm ý, đều chứng được đạo quả.
Thuở xưa, có bốn vị Bà La Môn đều chứng được thần thông, có khả năng bay đi, thần túc vô ngại.
Bốn vị Phạm Chí này nói với nhau rằng: Có người đem thức ăn ngon đến cúng dường Sa Môn Cù Đàm thì được sinh lên Cõi Trời, không lìa ngôi nhà hưởng phước, còn ai nghe pháp của ông ta thì vào được cửa giải thoát. Ngày nay chúng ta chỉ ham phước Trời, không mong giải thoát nên không cần nghe pháp.
Rồi họ ra đi, mỗi người đem một hộp đường phèn ngon ngọt.
Một người trước đến chỗ Như Lai, dâng cúng lên Ngài.
Nhận xong, Đức Như Lai nói cho vị Phạm Chí này nghe bài kệ: Các hành vô thường.
Vừa nghe xong, vị này lấy tay bịt tai lại.
Lần lượt đến người thứ hai tới chỗ Như Lai dâng đường phèn lên cúng dường, Đức Như Lai lại nói kệ rằng: Là pháp hưng suy.
Nghe xong, Phạm Chí lấy tay bịt tai lại.
Lại đến người thứ ba tới chỗ Như Lai dâng đường phèn lên cúng dường, Đức Như Lai nhận xong lại nói bài kệ: Hễ sinh, có chết.
Nghe xong, vị Phạm Chí lấy tay bịt tai lại.
Và đến người thứ tư dâng đường phèn lên cúng dường, Đức Như Lai nhận xong lại nói bài kệ: Diệt này là vui.
Nghe xong, vị này lấy tay bịt tai lại. Sau đó, họ đều từ giã Như Lai ra về. Quán sát biết tâm ý họ, là những người đáng được độ, Đức Như Lai bèn dùng phương tiện quyền xảo ẩn mình không hiện.
Bốn vị Phạm Chí nọ đến một nơi rồi nói với nhau: Dù đã cúng dường cho Sa Môn Cù Đàm nhưng tâm ý chúng ta còn mù mờ, không biết Ngài đã dạy những gì.
Trước tiên, họ hỏi người dâng cúng thứ nhất: Anh nghe Ngài dạy những gì?
Đáp: Tôi nghe Ngài dạy rằng: Các hành vô thường. Nghe câu ấy rồi, tôi liền lấy tay bịt kín tai, không thừa nhận nó.
Sau đó họ hỏi người thứ hai: Anh nghe Như Lai dạy điều gì?
Người này nói: Tôi đến chỗ cúng dường đường phèn xong.
Ngài nói với tôi câu kệ rằng: Là pháp hưng suy. Nghe câu ấy tôi liền lấy tay bịt kín tai và cũng không thừa nhận nó.
Họ hỏi tiếp người thứ ba: Anh nghe Như Lai dạy điều gì?
Người này nói: Tôi đến chỗ Như Lai cúng dường đường phèn xong.
Ngài nói với tôi câu kệ rằng: Hễ sinh, có chết. Nghe câu ấy tôi liền lấy tay bịt kín tai và cũng không thừa nhận nó.
Cuối cùng họ hỏi người thứ tư: Anh nghe Như Lai dạy điều gì?
Anh này đáp: Tôi đến chỗ Như Lai cúng dường đường phèn xong.
Ngài nói với tôi câu kệ rằng: Diệt này là vui.
Bốn người nói bài kệ ấy xong, tâm ý liền được mở tỏ, chứng quả A Na Hàm. Lúc ấy, tự biết mình đã chứng được đạo, bốn vị này liền tự trách và vội vàng đến chỗ Như Lai, trán lạy sát dưới chân Ngài rồi đứng qua một bên.
Giây lát họ lui lại ngồi xuống và bạch Thế Tôn: Cúi xin Đức Như Lai cho phép chúng con được xuất gia làm Sa Môn.
Đức Thế Tôn bảo họ: Lành thay! Tỳ Kheo, hãy mau tu phạm hạnh. Lúc đó, tóc trên đầu các vị ấy tự rơi rụng, áo đang mặc bỗng biến thành Ca Sa, liền chứng quả A La Hán trước mặt Phật.
Khi sắp vào Niết Bàn, Đức Phật bảo Ngài Đại Ca Diếp và A Na Luật: Tỳ Kheo các thầy nên vâng giữ giáo pháp của ta, cung kính phụng thờ lời Phật dạy. Hai vị chớ nên diệt độ sớm, trước phải kết tập Kinh, Luật, Luận và Tạp Tạng quý báu rồi mới nên nhập diệt. Nói rộng cho đến câu cúng dường Xá Lợi xong.
Hai Tôn Giả liền mở rộng việc kết tập Kinh Điển, với năm trăm vị A La Hán đã giải thoát, những vị thông minh lanh lợi đầy đủ các công hạnh cùng nhóm họp một nơi, thiết lập một Tòa Sư Tử cao đẹp cho Ngài A Nan rồi thỉnh Ngài A Nan lên tòa.
Sau khi Ngài A Nan lên tòa, đại chúng hỏi Ngài: Đầu tiên, Đức Phật nói pháp ở đâu?
Lúc đó Ngài A Nan mở đầu: Tôi nghe như vậy, một thuở nọ…, vừa dứt câu ấy thì năm trăm vị La Hán đều từ ghế dây đứng dậy, quỳ thẳng dưới đất bảo: Chính chúng tôi thấy Như Lai nói pháp, sao hôm nay nói là: Tôi nghe như vậy một thuở nọ… rồi toàn thể đều cất tiếng than khóc buồn thương.
Lúc đó Ngài Đại Ca Diếp liền bảo Ngài A Nan: Kể từ hôm nay trở đi, khi nói pháp sâu xa đều phải nói: Tôi nghe như vậy, chớ không được nói thấy.
Khi Đức Phật ở trong vườn Nai, chỗ của các Tiên Nhân, thuộc nước Ba La Nại, Ngài bảo năm thầy Tỳ Kheo: Nguồn gốc của khổ này vốn là điều chưa ai được nghe, chưa ai được thấy. Nói rộng như Kinh bản.
Khi mọi người đã kết tập Khế Kinh xong, Tôn Giả Ca Diếp lại hỏi Ngài A Nan: Đức Như Lai nói ra giới luật lần đầu tiên ở đâu?
Ngài A Nan đáp: Tôi nghe Đức Phật nói như vậy: Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong vườn trúc Ca Lan Đà, thuộc thành La Duyệt, con của ông Ca Lan Đà là Tu Trần Na xuất gia học đạo làm Tỳ Kheo, đầu tiên phạm luật, cho đến pháp không thể vượt qua. Nói rộng như trong giới luật.
Ngài Ca Diếp lại hỏi Ngài A Nan: Đức Như Lai giảng nói A Tỳ Đàm lần đầu tiên ở đâu?
Ngài A Nan đáp: Tôi nghe Đức Phật nói như vậy: Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong giảng đường Phổ Tập bên cạnh ao Di Hầu, thuộc thành Tỳ Xá Ly.
Bấy giờ Đức Thế Tôn thấy rõ gốc ngọn nhân duyên của dân Bạt Kỳ, bèn bảo các Tỳ Kheo rằng: Ai tâm không còn năm thứ sợ hãi, tức giận, thì sẽ không bị đọa vào đường ác, cũng không bị đọa vào địa ngục… nói rộng như trong Luận A Tỳ Đàm. Đầu hôm đại hội kết tập A Tỳ Đàm, gần sáng nói Kinh Xuất Diệu và nói bài kệ về ngủ nghỉ và tỉnh thức.
Vì sao Ngài nói về ngủ nghỉ và tỉnh thức?
Như lời Đức Thế Tôn, Đẳng Chánh Giác dạy thì sự ngủ nghỉ làm hao tổn mạng sống. Nó làm mê lầm, thương tổn, không thành tựu quả chứng. Khi chết rồi không thể cứu, không được sinh lên những cõi tốt đẹp.
Vì sao?
Vì như người thức tỉnh thì có khả năng tu đức, trồng nhiều gốc lành, trái lại kẻ ham mê ngủ nghỉ thì mất hết những việc vừa nói, nên gọi là mê lầm.
Lúc bấy giờ, giữa pháp hội có người nói: Như lời Đức Phật dạy, nếu có chúng sinh trong lúc tỉnh thức thì nhớ đến nhiều việc, còn trong khi ngủ thì điềm nhiên không còn nghĩ gì cả.
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo rằng: Chỉ ngủ nghỉ không tỉnh thức làm sao mà hiểu được! Cho nên Phật dạy đánh đuổi ngủ nghỉ, luôn nghĩ đến tỉnh thức. Như Phật nói kệ về ngủ nghỉ và tỉnh thức, phải vui mừng mà suy nghĩ lời dạy ấy. Những gì ta nói, các vị phải chuyên ý nhất tâm, chớ có loạn tưởng. Nhờ tâm ý dừng định mà tránh được lầm lạc và có khả năng nhận lãnh giáo pháp.
Cho nên nói rằng: Phải lắng nghe lời ta nói, để soạn ghi Xuất Diệu.
Nói về Xuất Diệu thì Chư Phật Thế Tôn nhiều như cát song Hằng ở đời quá khứ đều khen ngợi pháp nghĩa của Xuất Diệu. Như Lai Thế Tôn cũng gọi là Tối Thắng.
Sao gọi là Tối Thắng?
Thắng là vì vượt khỏi các pháp kết sử bất thiện, vượt khỏi dâm, nộ, si, vượt khỏi tất cả sự trói buộc của sinh tử, vượt hơn chín mươi sáu thứ tà thuật của ngoại đạo dị học như Ni Kiền Tử… vượt trội hơn hết những điều vừa nói nên gọi là Tối Thắng.
Pháp Xuất Diệu này được giảng nói thông suốt không bị vấp váp, truyền rộng ý nghĩa tốt đẹp của nó cho cả Trời, người. Cho nên nói là soạn ghi Xuất Diệu. Như lời Đức Thế Tôn dạy, là giảng nói thông suốt không vấp váp.
Như Thế Tôn dạy
Tất cả thông suốt
Vị Tiên thương xót
Chỉ còn đời này.
****
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Hai - Phẩm Hai Kệ - Phẩm Năm
Phật Thuyết Kinh Vô Lượng Thọ Phật - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Hai Mươi Bốn
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Thánh Cầu - Phần Ba - Thánh Cầu Giải Quát
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Cây Phướn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Khi ấy
Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ - Phần Mười Chín
Phật Thuyết Muôn Pháp Hội Trổ Một Hoa Vô Tướng - Phẩm Sáu - Phẩm Thọ Ký
Phật Thuyết Kinh đại Phương Tiện Phật Báo ân - Phẩm Một - Phẩm Tựa