Phật Thuyết Kinh Bản Sự - Phẩm Hai - Phẩm Hai Pháp - Phần Chín

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH BẢN SỰ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Huyền Trang, Đời Đường  

PHẨM HAI

PHẨM HAI PHÁP  

PHẦN CHÍN  

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Tất cả các pháp lược có hai loại.

Đó là:

1. Tạp nhiễm.

2. Thanh tịnh.

Nên quán sát đúng đắn chỉ do một pháp sinh ra.

Vì sao?

Vì ai ngay nơi một pháp có thể giữ gìn hoàn toàn thì đối với tất cả pháp có thể giữ gìn hoàn toàn. Ai đối với một pháp không thể giữ gìn hoàn toàn thì đối với tất cả pháp không thể giữ gìn hoàn toàn.

Một pháp là gì?

Đó là tâm của chúng sinh. Ai đối với tâm không thể giữ gìn thì không thể giữ gìn thân, ngữ, ý nghiệp. Ai không thể giữ gìn thân, ngữ, ý nghiệp, thì người như vậy tức là người thân, ngữ, ý nghiệp đều bị bại hoại.

Thân, ngữ, ý nghiệp đều bại hoại nên tâm của người đó có sự vẩn đục, cấu uế. Người có tâm vẩn đục, cấu uế mà có thể nhận biết đúng đắn việc lợi lạc cho mình, việc lợi lạc cho người, việc lợi lạc cho cả hai, thì không có lẽ đó.

Có thể nhận biết đúng đắn ý nghĩa của lời nói tốt, ý nghĩa của lời nói ác thì không có lẽ đó. Có thể chứng được tất cả pháp của Bậc Thượng Nhân thù thắng, trí, kiến của Bậc Thánh đích thực thì không thể có lẽ đó.

Vì sao?

Vì tâm của người đó vẩn đục, cấu uế. Ví như các tòa lâu đài hiện có ở thế gian, nếu ngay nơi trung tâm không được che lợp thật kín thì xà, vách, đòn tay đều bị thấm ước. Do xà, vách, đòn tay bị thấm ướt nên tất cả đều bị hư hại hết.

Lại như các ao hồ nơi thế gian do gần xóm làng, thôn ấp nên bị vẩn đục, nhơ nhớp. Người có mắt sáng đứng trên bờ ao chú ý quán sát các loại cá, rùa, bò, hến, đá, sỏi hiện có trong ao, dù đã đi đứng quanh khắp bờ ao, nhưng rất khó có thể thấy rõ được.

Vì sao?

Vì nước trong ao hồ bị vẩn đục, nhơ nhớp. Cũng vậy, ai đối với tâm không thể giữ gìn thì không thể giữ gìn thân, ngữ, ý nghiệp. Ai không thể giữ gìn thân, ngữ, ý nghiệp thì thân, ngữ, ý nghiệp của người đó đều bị bại hoại. Thân, ngữ, ý nghiệp bại hoại nên tâm người đó có sự vẩn đục, cấu uế.

Tâm người đó có sự vẩn đục, cấu uế mà có thể nhận biết đúng đắn việc lợi lạc cho mình, việc lợi lạc cho người, việc lợi lạc cho cả hai, thì không có việc ấy. Có thể nhận biết đúng đắn nghĩa của lời nói tốt, nghĩa của lời nói ác, thì không có lẽ đó. Có thể chứng được tất cả pháp của Bậc Thượng Nhân thù thắng, trí, kiến của Bậc Thánh đích thực thì không có lẽ đó.

Vì sao?

Vì tâm người đó có sự vẩn đục, cấu uế.

Ai có thể khéo giữ gìn được tâm thì có thể khéo giữ gìn thân, ngữ, ý nghiệp. Ai có thể giữ gìn hoàn toàn thân, ngữ, ý nghiệp thì có như vậy tức là người thân, ngữ, ý nghiệp hoàn toàn không bại hoại.

Thân, ngữ, ý nghiệp không bại hoại nên tâm người đó không vẩn đục, cấu uế. Người tâm không vẩn đục, cấu uế thì có thể nhận biết đúng đắn việc lợi lạc cho mình, việc lợi lạc cho người, việc lợi lạc cho cả hai, điều đó có thể được.

Có thể nhận biết đúng đắn nghĩa của lời nói tốt, nghĩa của lời nói ác, điều đó có thể được. Có thể chứng được tất cả pháp Bậc Thượng Nhân thù thắng, trí, kiến của Bậc Thánh đích thực, điều có thể được.

Vì sao?

Vì tâm người đó không bị vẩn đục, cấu uế. Ví như các tòa lâu đài hiện có ở thế gian, nếu như ở ngay nơi trung tâm được che lợp kín đáo đầy đủ thì xà, vách, đòn tay hoàn toàn không bị thấm ướt. Do xà vách và đòn tay không bị thấm ướt nên tất cả không bị hư hoại.

Lại như ao, hồ nơi thế gian đều cách xa xóm làng, thôn ấp đều không vẩn đục, nhơ nhớp. Người có mắt sáng đứng trên bờ chú ý quán sát các loại cá, rùa, sò, hến, sỏi, đá hiện có trong ao do đi đứng quanh khắp bờ ao nên rất dễ nhìn thấy.

Vì sao?

Vì nước trong ao không bị vẩn đục, nhơ nhớp. Cũng vậy, chúng sinh ai giữ gìn được tâm thì có thể giữ gìn hoàn toàn thân, ngữ, ý nghiệp. Ai có thể giữ gìn hoàn toàn thân, ngữ, ý nghiệp thì người như vậy tức là có thân, ngữ, ý nghiệp hoàn toàn không bại hoại.

Thân, ngữ, ý nghiệp không bại hoại nên tâm người đó không vẩn đục, cấu uế. Người tâm không vẩn đục, cấu uế thì có thể nhận biết đúng đắn việc lợi lạc cho mình, việc lợi lạc cho người, việc lợi lạc cho cả hai, điều đó có thể được.

Có thể nhận biết đúng đắn nghĩa của lời nói tốt, nghĩa của lời nói ác, điều đó có thể được. Có thể chứng được tất cả pháp Bậc Thượng Nhân thù thắng, trí, kiến của Bậc Thánh đích thực chân chánh, điều đó có thể được.

Vì sao?

Vì tâm người đó không bị vẩn đục, cấu uế.

Bí Sô nên biết! Tâm tạp nhiễm nên hữu tình tạp nhiễm. Tâm thanh tịnh nên hữu tình thanh tịnh. Thế nên hai pháp thanh tịnh và tạp nhiễm đều nương tựa nơi tâm, từ tâm sinh ra.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Ai không giữ gìn tâm

Tùy thuận theo các dục

Thường giong ruổi, phóng dật

Không việc gì không làm.

Ai khéo giữ gìn tâm

Không tùy thuận các dục

Không giong ruổi, phóng dật

Phòng hộ được tất cả.

Người thông minh ở đời

Phòng hộ thân, ngữ, ý

Không tạo các điều ác

Gọi Trượng phu trí dũng.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Có hai loại tri kiến làm cho các hữu tình lần lượt gây oán hại, chống trái nhau. Hai loại đó là hữu kiến và vô kiến.

Có những Sa Môn hay Bà La Môn chấp nhận hữu kiến, thường làm theo hữu kiến, đam mê hữu kiến thì cùng với những người yêu thích vô hữu kiến trái chống, oán hại nhau, đề cao hữu kiến, cho là hơn hết.

Có những Sa Môn hay Bà La Môn chấp nhận vô hữu kiến, làm theo vô hữu kiến, đắm chấp vô hữu kiến, cùng với những người ưa thích hữu kiến lần lượt trái chống, oán hại nhau, đề cao vô hữu kiến, cho là bậc nhất.

Nếu có những Sa Môn hay Bà La Môn đối với sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự lỗi lầm nguy hiểm, sự xuất ly của hai kiến này, mà không dùng trí tuệ chân chánh để nhận biết đúng như thật.

Ta nói người ấy là hạnh không có trí, kiến, là người có tham, sân, si, có sai trái, có hại, không có tuệ, không sáng suốt, không thể thoát khỏi pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu khổ não thiêu đốt, không thể giải thoát khỏi các khổ nơi sinh tử.

Nếu có Sa Môn hay Bà La Môn nào, đối với sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự lỗi lầm nguy hiểm, sự xuất ly của hai thứ kiến chấp này, có thể dùng trí tuệ chân chánh để nhận biết đúng như thật, ta nói người ấy là hạng người có trí, kiến, là người không tham, sân, si, không sai trái, không hại, có tuệ, có sáng suốt, quyết định có thể thoát khỏi các pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khổ não thiêu đốt, quyết định có thể giải thoát khỏi khổ lớn nơi sinh tử.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Thế gian do hai kiến

Lần lượt chống trái nhau

Đây kia gây oán thù

Hữu kiến, vô hữu kiến.

Đối với các kiến này

Ưa thích không thể lìa

Đó là kẻ ngu si

Luôn khen mình, chê người.

Ai không biết tập, diệt

Vị, hoạn, xuất, kiến này

Bị thương tên độc kiến

Bị vô minh che lấp.

Đầy đủ tham, sân, si

Không trí tuệ soi sáng

Quyết không thể giải thoát

Khổ sinh, già, bệnh, chết.

Ai thấy tập, diệt, vị

Hoạn, xuất của kiến này

Tên độc kiến không hại được

Phá vô minh đen tối.

Xa lìa tham, sân, si

Đầy đủ trí tuệ sáng

Quyết định được giải thoát

Hết sinh, già, bệnh, chết.

Lại nữa, tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Có hai chánh kiến, nên suy xét, lường tính quán sát kỹ càng. Ai lường tính quán sát kỹ thì có thể đắc điều chưa đắc, thông điều chưa thông, chứng điều chưa chứng, vượt khỏi ưu sầu, diệt hết khổ não, hội nhập chánh lý, đạt cam lồ, chứng Niết Bàn.

Thế nào là hai?

Nghĩa là tất cả chánh kiến ở thế gian này và chánh kiến xuất thế gian.

Thế nào là chánh kiến thế gian?

Nghĩa là có một hạng người phát sinh nhận thức như vậy, lập luận như vậy, quyết định có bố thí, có lãnh thọ, có cúng tế, có nghiệp thiện ác, có quả dị thục, có thế gian ở đây, có thế gian ở kia, có cha, có mẹ, có các chủng loại hữu tình hóa sinh ở nơi thế gian. Có các hàng Sa Môn, Bà La Môn… chánh chí, chánh hạnh nơi thế gian này và thế gian kia, tự nhiên thông đạt, tác chứng lãnh thọ. Như vậy gọi là chánh kiến thế gian.

Các Thánh Đệ Tử đối với chánh kiến thế gian đã nói này nên suy xét, lường tính quán sát nương vào chánh kiến thế gian đã nói ấy để có thể làm cho chúng sinh giải thoát hoàn toàn những pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khổ não thiêu đốt không?

Quán sát kỹ xong, liền nhận biết đúng đắn, nương vào chánh kiến thế gian đã nói ấy không làm cho chúng sinh được giải thoát hoàn toàn khỏi các pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu khổ não thiêu đốt.

Vì sao?

Vì chánh kiến thế gian đã nói ấy không phải là chánh kiến của Bậc Chân Thánh, không phải là chánh kiến xuất ly, không phải là chánh kiến đưa đến cứu cánh là chứng đắc Niết Bàn, không đưa đến nhàm chán, không đưa đến từ bỏ, không đưa đến an tịnh, không đưa đến tịch diệt, không chứng thông tuệ, không thành tựu Đẳng Giác, không đạt tới Niết Bàn, mà còn đưa đến các pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu khổ não thiêu đốt.

Biết như vậy rồi, đối với pháp thế gian sinh tưởng sợ hãi, đối với pháp xuất thế, sinh tưởng an tĩnh. Do đối với pháp thế gian sinh tưởng sợ hãi nên hoàn toàn không chấp thủ. Do không chấp thủ nên không mong cầu, không mong cầu nên bên trong chứng được cứu cánh Niết Bàn.

Chứng như vậy xong, liền tự thấu tỏ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Cũng vậy, các ông đối với chánh kiến thế gian đã nói ấy nên suy xét kỹ, lường tính kỹ, quán sát kỹ.

Thế nào là chánh kiến xuất thế gian?

Nghĩa là trí nhận biết khổ, trí nhận biết nguyên nhân của khổ, trí nhận biết khổ diệt, trí nhận biết con đường có thể hướng đến diệt khổ. Như vậy gọi là chánh kiến xuất thế gian.

Các Thánh đệ tử đối với chánh kiến xuất thế gian đã nói này nên suy nghĩ kỹ, lường tính kỹ, quán sát kỹ, nương vào chánh kiến xuất thế đã nói ấy để có thể làm cho chúng sinh hoàn toàn thoát khỏi những pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu khổ não thiêu đốt không?

Quán sát kỹ xong, liền nhận biết đúng đắn, nương vào chánh kiến xuất thế đã nói ấy, có thể làm cho chúng sinh hoàn toàn thoát khỏi những pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu khổ não thiêu đốt không?

Quán sát kỹ xong, liền nhận biết đúng đắn, nương vào chánh kiến xuất thế đã nói ấy, có thể làm cho chúng sinh hoàn toàn thoát khỏi những pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu khổ não thiêu đốt.

Vì sao?

Vì như chánh kiến xuất thế đã nói, là chánh kiến của Bậc Chân Thánh, là chánh kiến xuất ly, là chánh kiến đưa đến cứu cánh là chứng Niết Bàn, đưa đến nhàm chán, đưa đến từ bỏ, đưa đến an tĩnh, đưa đến tịch diệt, chứng thông tuệ, thành tựu Đẳng Giác, đắc Niết Bàn, vượt qua tất cả những pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu khổ não thiêu đốt. Biết như vậy rồi, đối với pháp xuất thế gian sinh tưởng tôn quý, đối với pháp thế gian sinh tưởng thấp kém.

Đối với pháp xuất thế sinh tưởng tôn quý nên liền sinh hoan hỷ. Do sinh hoan hỷ nên tâm an vui. Tâm an vui nên tâm được khinh an. Thân khinh an nên cảm thọ sự hỷ lạc, cảm thọ sự hỷ lạc nên tâm được tịch định. Tâm được tịch định nên tri kiến đúng đắn. Tri kiến đúng như thật nên nhàm chán, từ bỏ.

Càng nhàm chán từ bỏ nên ngay khi ấy lìa tham dục, lìa tham dục nên được giải thoát, được giải thoát nên tự thấu tỏ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Cũng vậy, các ông đối với chánh kiến xuất thế gian đã nói ấy nên suy xét đúng đắn, nên lường tính kỹ, quán sát kỹ.

Như vậy gọi là hai loại chánh kiến nên suy xét đúng đắn, nên lường tính kỹ, quán sát kỹ, thì có thể đắc điều chưa đắc, thông điều chưa thông, chứng điều chưa chứng, có thể vượt khỏi ưu sầu, diệt hết khổ não, hội nhập chánh lý, đạt cam lồ, chứng đắc Niết Bàn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Có hai loại chánh kiến

Thế và xuất thế gian

Người trí suy xét đúng

Có thể dứt các khổ.

Suy xét kỹ thế gian

Liền sinh tưởng tôn quý

Tâm hoan hỷ an vui

Do đây được khinh an.

Khinh an nên an lạc

An lạc tâm tịch định

Tâm định sinh giác chi

Tri kiến bốn lẽ thật.

Thấy thật, đoạn các nghi

Hết nghi, không chấp thủ

Thoát khỏi tất cả khổ

Chứng Niết Bàn vô thượng.

Bài kệ tóm tắt Kinh Phần Bản Sự ở trước:

Thí, từ cùng tập hội

Như, bất như, học chung

Hành tướng tương vi, tử

Nhiễm, tịnh, cùng hai kiến.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần