Phật Thuyết Kinh Bảo Vân - Phần Hai Mươi Mốt

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương  

PHẦN HAI MƯƠI MỐT  

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là chánh mạng.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Tâm không dua nịnh, quanh co.

2. Không nên bên ngoài cố hiện tướng oai nghi để cầu lợi dưỡng.

3. Không nên tạo sự khen chê, đề cao mình khác với đại chúng.

4. Không nên bên ngoài che giấu năm dục mà tâm cầu lợi dưỡng.

5. Không giữ lấy tài sản phi pháp.

6. Không cất giữ tài sản không thanh tịnh.

7. Không tham đắm lợi dưỡng.

8. Không nhiễm nơi lợi dưỡng.

9. Phải luôn biết đủ.

10. Đối với lợi lạc đúng như pháp luôn sinh tâm biết đủ.

Thế nào là Bồ Tát tâm không dua nịnh, quanh co?

Tức không vì lợi dưỡng mà khiến thân, khẩu, ý phải khi dối, quanh co.

Thế nào là thân dua nịnh, dối trá?

Bồ Tát chẳng vì gặp các thí chủ mà giả hiện bày các oai nghi.

Hiện bày oai nghi ra sao?

Như lúc gặp thí chủ thì mắt nhìn xuống thấp, bước đi chậm rải như mèo rình chuột.

Đó gọi là thân dua nịnh, dối trá.

Thế nào là khẩu dua nịnh, dối trá?

Bồ Tát không vì lợi dưỡng mà tạo lời nói mềm mỏng, lời nói ưu ái, lời nói nhẹ nhàng, lời nói dua theo chỗ yêu thích của kẻ khác, lời nói dua theo ý nghĩ của kẻ khác. Những thứ lời nói như thế thảy đều không nên hiện bày.

Thế nào là ý dua nịnh, dối trá?

Tức miệng nói biết đủ mà tâm thì tham đắm.

Phật dạy: Lửa thiêu đốt từ bên trong, tức miệng nói biết đủ mà tâm luôn tham cầu đắm nhiễm. Nếu không như vậy, gọi là không dua nịnh, dối trá.

Thế nào là không nên bên ngoài cố hiện bày tướng mạo oai nghi?

Bồ Tát không do khi thấy các thí chủ mà tạo các tướng mạo oai nghi. Tôi nay y phục, bình bát, thuốc thang đồ nằm đều thiếu, cũ, hư… Bồ Tát chẳng vì gặp các thí chủ mà nói như thế.

Thế nào là không nên tạo sự khen chê, đề cao mình, khác với đại chúng?

Bồ Tát trọn không nên nói: Có thí chủ kia cho tôi vật này, vì thương xót nên thọ nhận. Tôi nay trì giới thanh tịnh, đa văn đầy đủ, ít ham muốn, nên các thí chủ tín tâm đều ưa thích cung cấp cúng dường. Không nói những lời như vậy gọi là không tạo sự khen chê để tự đề cao mình.

Thế nào gọi là không nên bên ngoài che giấu năm dục mà tâm thì cầu lợi dưỡng?

Bồ Tát hoàn toàn không nên bên ngoài hiện bày đủ các hạnh khổ mà chính là cầu của cải, lợi dưỡng. Đối với lợi dưỡng của kẻ khác không ôm lòng ganh ghét, cũng không buồn phiền, bực tức. Đó gọi là không nên bên ngoài che giấu năm dục mà tâm cầu lợi dưỡng.

Thế nào gọi là không giữ lấy tài sản phi pháp?

Không nên cân nhẹ, đong thiếu, lừa dối kẻ khác để nhận lấy tài sản. Bồ Tát hoàn toàn không lừa dối, xâm đoạt.

Thế nào là không giữ lấy tài sản không thanh tịnh?

Như có người dâng cúng các vật dụng cho Tam Bảo cùng cho cả đại chúng, những vật dụng như vậy đã giữ lấy để dùng riêng cho mình, thậm chí còn đem đổi chác, mua bán để kiếm lời, tăng thu nhập cho mình.

Các vật như thế gọi là tài sản không thanh tịnh. Đại Bồ Tát nên xa lìa các vật như trên. Đó gọi là đời sống thanh tịnh. Bồ Tát nếu có được lợi dưỡng, không nên sinh tưởng đó là vật của mình.

Của cải, lợi lộc quy về mình cũng không nên dấy khởi tưởng có thể đạt được, cũng không tạo tưởng tích tập, giữ gìn, luôn nhớ nghĩ để bố thí cho các Sa Môn, Bà La Môn, Cha Mẹ, Sư Trưởng, quyến thuộc, những kẻ bần cùng, hành khất, luôn khởi tưởng ấy.

Nếu lúc cần phải thọ thực thì nên cầu nhằm tăng thêm mạng sống. Đối với các vật ngon, lạ tâm không nhiễm đắm. Như khi không được cúng dường thì cũng chẳng buồn phiền, cũng không bực bội, chẳng nên khiến cho các thí chủ tín tâm kia sinh tâm bất tín.

Nếu có được lợi dưỡng đúng như pháp thì nên chia cho Chúng Tăng cùng thọ nhận. Người có thể làm được như vậy thì Phật cũng chấp thuận, các chúng Bồ Tát không hề chê trách, cũng được Chư Thiên tán thán, các vị đồng phạm hạnh tâm không tỵ hiềm. Ở trong lợi dưỡng luôn sinh tâm biết đủ, nên lìa bỏ tà mạng.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp như thế gọi là Bồ Tát có đời sống thanh tịnh.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là không chán mệt.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Luôn vì chúng sinh nên ở lâu trong sinh tử, tâm không mệt chán.

2. Vì các chúng sinh nên có thể thọ nhận sinh tử.

3. Nơi vô lượng khổ cũng không chán, mệt.

4. Vì người theo Thanh Văn dẫn dạy tu pháp thiền, không sinh chán mệt.

5. Tâm luôn thận trọng.

6. Tu tập các pháp giác phần không sinh mệt, chán.

7. Hành trì đầy đủ pháp bồ đề chẳng sinh chán, mệt.

8. Tuy cầu đạt Niết Bàn nhưng không thủ chứng.

9. Dần dần tiến đến chỗ sâu rộng.

10. Đạt đến bờ giác ngộ.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp này gọi là Bồ Tát tâm không hề chán mệt.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là tùy thuận giáo pháp của Phật.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Chẳng trụ nơi chốn phóng dật, trừ bỏ mọi phóng dật.

2. Khéo thâu giữ thân, cũng không khiến thân dấy khởi các lỗi lầm xấu ác.

3. Khéo thâu giữ miệng, cũng không khiến miệng phát khởi những lỗi lầm xấu ác.

4. Khéo thâu giữ tâm, cũng không khiến tâm sinh khởi các lỗi lầm ác xấu.

5. Sợ hãi khổ não nơi đời sau mà tu tập đầy đủ các pháp thiện.

6. Hành trì hết thảy các pháp thiện, đoạn trừ hết mọi pháp bất thiện.

7. Nêu bày tất cả pháp thiện, chê trách hết thảy pháp ác.

8. Chê trách hết thảy các nghiệp ác, tu tập tất cả các nghiệp thiện. Đối với pháp của Như Lai không nói về chỗ sút kém.

9. Diệt trừ hết thảy các thứ phiền não cấu uế.

10. Gìn giữ các giới pháp do Phật chế ra.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp này gọi là Bồ Tát tùy thuận giáo pháp của Như Lai.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là sắc diện luôn tươi vui, lìa mọi buồn bực.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Các căn tĩnh lặng.

2. Các căn thanh tịnh.

3. Các căn đầy đủ.

4. Các căn lìa cấu uế.

5. Các căn bạch tịnh.

6. Trừ mọi não hại.

7. Diệt trừ các kết sử.

8. Khiến các kết sử không còn dấy khởi.

9. Trừ bỏ tâm hiềm hận.

10. Xa lìa mọi giận dữ.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Thế Tôn! Như con lãnh hội điều Phật giảng nói thì các căn thanh tịnh nên sắc diện vui tươi. Do sắc diện vui tươi nên lìa bỏ mọi thứ kết sử. Lìa mọi kết sử nên không còn buồn bực.

Phật bảo: Này thiện nam! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói. Các căn thanh tịnh nên sắc diện vui tươi, trừ các kết sử nên lìa mọi buồn bực.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp ấy, gọi là Bồ Tát sắc diện luôn tươi vui hòa hợp, lìa mọi buồn bực.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là đa văn.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Nhận biết đúng như thật về sinh tử như lửa cháy dữ dội.

2. Nhận biết đúng như thật về sân hận cháy bừng.

3. Nhận biết đúng như thật về vô minh tối tăm loạn động nơi sinh tử cháy bùng.

4. Nhận biết đúng như thật về tất cả các pháp hữu vi đều là vô thường.

5. Nhận biết đúng như thật về tất cả các pháp hữu vi đều là khổ.

6. Nhận biết đúng như thật về thế gian là không.

7. Nhận biết đúng như thật về tất cả pháp là vô ngã.

8. Nhận biết đúng như thật về tất cả chúng sinh tham vướng nơi sự vui chơi hoan lạc.

9. Nhận biết đúng như thật về hết thảy các pháp từ nhân duyên sinh.

10. Nhận biết đúng như thật về Niết Bàn vắng lặng, chính là từ văn tuệ, tư tuệ mà đạt được chứ không phải chỉ là lời nói.

Nhận biết như vậy rồi, vì các chúng sinh nên phát khởi tâm đại bi một cách sâu xa, dốc sức tu tập đầy đủ sự tinh tấn.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp ấy, đó là Bồ Tát hành trì đa văn.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là hộ trì chánh pháp.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Lúc pháp sắp bị diệt có năm thứ ô trược xấu ác dấy khởi, chúng sinh phước mỏng phần nhiều tin theo tà đạo.

2. Đèn trí tuệ sắp tắt, không có bậc đạo sư có thể thuyết giảng chánh pháp.

3. Các Kinh Điển lớn tuy chứa đựng những ý nghĩa sâu xa nhưng không người có khả năng lãnh hội, nêu giảng, cũng không có ai đọc tụng, thọ trì.

4. Bấy giờ Bồ Tát thấy chánh pháp bị hủy hoại, có thể tự thọ trì Kinh Tạng, tán thán, đọc tụng, vì mọi người mà mở bày, chỉ dẫn, phân biệt, giải thích, thuyết giảng.

5. Trong số đó có người nghe rồi sinh tâm tin tưởng, vui thích, hoan hỷ, không vì của cải lợi lộc, chỉ nhằm được nghe pháp.

6. Đối với vị thuyết pháp sinh tưởng như Đức Thế Tôn.

7. Nơi pháp được nghe sinh tưởng như cam lồ.

8. Tạo tưởng bất tử như các thứ thuốc vi diệu.

9. Không tiếc thân mạng dốc cầu chánh pháp.

10. Nghe pháp rồi đều tinh tấn tu tập.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp ấy gọi là Bồ Tát khéo có thể hộ trì chánh pháp.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là Bậc Pháp Vương Tử.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Dùng các tướng để trang nghiêm nơi thân.

2. Các vẻ đẹp luôn như hoa tươi thắm.

3. Các căn đầy đủ không khuyết, giảm.

4. Pháp được Như Lai thân cận Bồ Tát cũng có thể gần gũi.

5. Nẻo hành đạo của Như Lai, Bồ Tát cũng có thể thuận hành.

6. Pháp được Như Lai biện giải, Bồ Tát cũng có thể biện giải thuận hợp.

7. Tạo mọi thành tựu đầy đủ cho các chúng sinh bị khổ não.

8. Khéo tu học về giới luật.

9. Ngày đêm siêng năng hành trì bốn tâm vô lượng.

10. Nơi thành trì Như Lai dừng lại, Bồ Tát cũng có thể an trụ trong ấy.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp này gọi là Bồ Tát hành trì theo bậc Pháp Vương tử.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là vượt hơn pháp của Đế Thích, Hộ thế.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Tâm bồ đề không hề thoái chuyển.

2. Hết thảy chúng ma không thể quấy nhiễu.

3. Nơi trụ xứ của tất cả Phật gieo trồng thiện căn.

4. Có thể hội nhập nơi mọi pháp tạng sâu xa vi diệu.

5. Nơi tất cả các pháp đạt được trí bình đẳng.

6. Ở trong pháp Phật không tin theo kẻ khác.

7. Đạt được trí thanh tịnh.

8. Không chung với pháp của hàng nhị thừa.

9. Trụ nơi pháp nhẫn vô sinh.

10. Vượt qua pháp của hết thảy bậc Hộ thế.

Này thiện nam! Gồm đủ mười pháp này đó là Bồ Tát hành trì pháp vượt hơn hết thảy pháp của Đế Thích, Hộ thế.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là có thể nhận biết về căn tánh, về các thứ kết sử trong ngoài của chúng sinh.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Hoặc các chúng sinh căn tánh tham dục, Bồ Tát có thể nhận biết đúng như thật.

2. Bồ Tát có thể nhận biết đúng như thật về các chúng sinh căn tánh sân hận.

3. Bồ Tát có thể nhận biết đúng như thật về các chúng sinh căn tánh ngu si.

4. Khéo nhận biết về các thứ phiền não thượng, trung, hạ.

5. Có thể nhận biết đúng như thật về căn tánh trong ngoài sai biệt của chúng sinh.

6. Có thể nhận biết đúng như thật về căn tánh thiện của chúng sinh.

7. Có thể nhận biết đúng như thật về căn tánh cứng cỏi của chúng sinh.

8. Có thể nhận biết đúng như thật về căn tánh lớn lao của chúng sinh.

9. Nhận biết đúng như thật về căn tánh xấu ác của chúng sinh.

10. Khéo nhận biết về một chúng sinh, cũng nhận biết về căn tánh của chúng sinh nơi tất cả Thế Giới.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần