Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Năm - Phẩm Biện đại Thừa - Phần Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI ĐẦU  

PHẨM MƯỜI NĂM

 PHẨM BIỆN ĐẠI THỪA  

PHẦN BẢY  

Bạch Thế Tôn!Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa việc tự khen mình chê người?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát đối với pháp nội, ngoại, đều không thấy có, nên xa lìa việc khen mình chê người, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa việc tự khen mình chê người.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa mười nghiệp đạo bất thiện?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát khởi lên ý nghĩ thế này: Mười pháp ác này, còn trở ngại đường thiện, Nhị Thừa, Thánh Đạo, huống là vị đại giác ngộ, cho nên phải xa lìa, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa mười nghiệp đạo bất thiện.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa sự ngạo mạn tăng thượng?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát chẳng thấy có pháp có thể khởi ngạo mạn, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa sự ngạo mạn tăng thượng.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa điên đảo?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán việc điên đảo hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa điên đảo.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa do dự?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán việc do dự hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do Đại Bồ Tát nên xa lìa do dự.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa tham, sân, si?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát hoàn toàn chẳng thấy có việc tham, sân, si, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa tham, sân, si.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn sáu phép Ba La Mật Đa?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát viên mãn sáu phép Ba La Mật Đa, vượt lên các Bậc Thanh Văn và Độc Giác, lại trụ sáu phép Ba La Mật Đa này, Phật và Nhị Thừa có khả năng vượt qua năm thứ bờ biển sở tri.

Những gì là năm?

Một là quá khứ, hai là vị lai, ba là hiện tại, bốn là vô vi, năm là bất khả thuyết, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải viên mãn sáu phép Ba La Mật Đa.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa tâm Thanh Văn?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát khởi lên ý nghĩ thế này: Tâm của các Thanh Văn chẳng phải thứ tâm chứng đạo đại giác ngộ vô thượng, cho nên phải xa lìa, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa tâm Thanh Văn.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa tâm Độc Giác?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát khởi lên ý nghĩ thế này: Tâm của các Độc Giác nhất định chẳng có khả năng chứng đắc trí nhất thiết trí, cho nên ta nay phải xa lìa nó, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa tâm Độc Giác.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa tâm nhiệt não?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát khởi lên ý nghĩ thế này: Tâm sợ hãi sanh tử nhiệt não, chẳng phải là tâm chứng đắc đạo giác ngộ cao tột, cho nên phải xa lìa, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa tâm nhiệt não.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát thấy kẻ ăn xin đến, tâm chẳng nhàm chán lo lắng?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát khởi lên ý nghĩ thế này: Tâm nhàm chán lo lắng này đối với đại Bồ Đề, chẳng có khả năng chứng đạo, nên ta nay nhất định phải xa lìa, thì đó là lý do Đại Bồ Tát thấy kẻ ăn xin đến, tâm chẳng nhàm chán lo lắng.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát bỏ các vật sở hữu không có tâm hối tiếc?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát khởi lên ý nghĩ thế này: Tâm hối tiếc này đối với việc chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, nhất định là chướng ngại nên ta phải bỏ, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải bỏ các vật sở hữu, không có tâm hối tiếc.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát đối với người đến cầu xin, hoàn toàn chẳng kiêu mạn, dối gạt?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát khởi lên ý nghĩ thế này: Tâm kiêu mạn dối gạt này, nhất định chẳng phải là đạo giác ngộ cao tột.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát khi mới phát tâm cầu quả vị giác ngộ cao tột, có phát lời thề rằng: Hễ ta có vật gì đều cho người đến xin, tùy theo ý muốn, không làm lơ, nhưng tại sao bây giờ lại kiêu ngạo, dối gạt họ, thì đó là lý do Đại Bồ Tát đối với người đến xin, hoàn toàn chẳng kiêu ngạo dối gạt.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa chấp ngã, chấp hữu tình cho đến chấp cái biết, chấp cái thấy?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán ngã, hữu tình cho đến cái biết, cái thấy, rốt ráo chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa chấp ngã, chấp hữu tình cho đến chấp cái biết, cái thấy.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa chấp đoạn?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán nghĩa rốt ráo của tất cả pháp là bất sanh, vô đoạn, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa chấp đoạn.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa chấp thường?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tánh của tất cả pháp là vô thường, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa chấp thường.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa tướng tưởng?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tánh tạp nhiễm chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa tướng tưởng.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa kiến chấp về nhân v.v…?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát hoàn toàn chẳng thấy có các tánh thấy, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa kiến chấp về nhân v.v…

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa chấp danh sắc?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tánh của danh sắc hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa các danh sắc.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa chấp uẩn?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tánh của năm uẩn hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa chấp uẩn.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa chấp xứ?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tánh của mười hai xứ hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa chấp xứ.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa chấp giới?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tánh của mười tám giới v.v… hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa chấp giới.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa chấp đế?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tánh của các đế hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa chấp đế.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa chấp duyên khởi?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tánh của các duyên khởi, chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa chấp duyên khởi.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa chấp sự trụ trước tam giới?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tánh của tam giới hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa chấp sự trụ trước tam giới.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa chấp tất cả pháp?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tánh của các pháp đều như hư không, hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa tất cả pháp.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa chấp sự như lý, bất như lý đối với tất cả pháp?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tánh của các pháp hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, và tánh của các pháp không có sự như lý hoặc bất như lý, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa chấp sự như lý, bất như lý của tất cả pháp.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa kiến chấp nương vào Phật?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát biết sự kiến chấp nương vào Phật, chẳng được thấy Phật, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa kiến chấp nương vào Phật.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa kiến chấp nương vào Pháp?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát đạt được chơn pháp tánh là chẳng thể thấy được, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải xa lìa kiến chấp nương vào Pháp.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa kiến chấp nương vào Tăng?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát biết chúng hòa hợp là vô tướng, vô vi chẳng thể thấy được, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải xa lìa kiến chấp nương vào Tăng.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa kiến chấp nương vào giới?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát biết tánh tội phước hoàn toàn chẳng có, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải xa lìa kiến chấp nương vào giới.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa sự sợ hãi pháp không?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán các pháp không đều không có tự tánh, đối tượng của sự sợ hãi rốt ráo chẳng có, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải xa lìa sự sợ hãi pháp không.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải xa lìa tánh chống trái cái không?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tự tánh của tất cả pháp đều không, cái chẳng phải không cùng cái không có sự chống trái, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải xa lìa tánh chống trái cái không.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn sự thông đạt cái không?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát đạt tự tướng của tất cả pháp đều là không, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn sự thông đạt cái không.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn sự chứng đắc vô tướng?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát chẳng tư duy tất cả tướng, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn sự chứng đắc vô tướng.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn sự hiểu biết về vô nguyện?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát đối với pháp của ba cõi, tâm không có chỗ trụ, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn sự hiểu biết về vô nguyện.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn ba luân thanh tịnh?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát thanh tịnh hoàn toàn mười thiện nghiệp đạo, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn ba luân thanh tịnh.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn lòng bi mẫn hữu tình và đối với hữu tình không có sự chấp trước?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát đã chứng đắc đại bi và nghiêm tịnh cõi nước, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải viên mãn lòng bi mẫn hữu tình và đối với hữu tình không có sự chấp trước.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn cái thấy bình đẳng đối với tất cả pháp và ở trong đó không có sự chấp trước?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp, chẳng tăng, chẳng giảm và đối với trong ấy không thủ, không trụ, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn cái thấy bình đẳng đối với tất cả pháp và ở trong đó không có sự chấp trước.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn cái thấy bình đẳng đối với tất cả hữu tình và trong đó không có sự chấp trước?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát đối với các hữu tình chẳng tăng, chẳng giảm và đối với trong đó không thủ, không trụ, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn cái thấy bình đẳng đối với tất cả hữu tình và ở trong đó không có sự chấp trước.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn sự thông đạt lý thú chơn thật và ở trong đó không có sự chấp trước?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát đối với lý thú chơn thật của tất cả pháp, tuy như thật thông đạt nhưng không có đối tượng thông đạt và ở trong đó không thủ, không trụ, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn sự thông đạt lý thú chơn thật và ở trong đó không có sự chấp trước.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn trí vô sanh nhẫn?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát chịu đựng sự không sanh, không diệt, không có sự tạo tác của tất cả pháp và biết danh sắc rốt ráo chẳng sanh, thì đó là lý do Đại Bồ Tát phải viên mãn trí vô sanh nhẫn.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn thuyết tất cả pháp đều qui về lý nhất tướng?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp hành, không hai tướng, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn thuyết tất cả pháp đều qui về lý nhất tướng.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn sự diệt trừ phân biệt?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp, chẳng khởi sự phân biệt, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn sự diệt trừ phân biệt.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn sự xa lìa các tưởng?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát xa lìa tất cả tưởng lớn nhỏ vô lượng, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn sự xa lìa các tưởng.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn sự xa lìa các kiến chấp?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát xa lìa tất cả kiến chấp của Thanh Văn, Độc Giác v.v… thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn sự xa lìa các kiến chấp.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn sự xa lìa phiền não?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát xả bỏ sự tương tục của tất cả tập khí phiền não hữu lậu, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn sự xa lìa phiền não.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn Bậc Sa Ma Tha, Tỳ Bát Xá Na?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát tu trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn Bậc Sa Ma Tha, Tỳ Bát Xá Na.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn sự điều phục tâm tánh?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát đối với pháp của ba cõi, chẳng ưa, chẳng động, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn sự điều phục tâm tánh.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn sự tịch tịnh tâm tánh?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát khéo nhiếp sáu căn, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn sự tịch tịnh tâm tánh.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn tánh vô ngại trí?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát tu hành chắng đắc Phật nhãn, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn tánh vô ngại trí.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn sự không ái nhiễm?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát đối với ngoại lục xứ, có khả năng khéo xả bỏ, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn sự không ái nhiễm.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn sự tùy theo ý muốn đến các Cõi Phật, tự hiện thân trong chúng hội của Phật?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát tu hành thần thông thù thắng, từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen Chư Phật Thế Tôn, thỉnh chuyển pháp luân, làm lợi ích tất cả, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn sự tùy theo ý muốn đến các Cõi Phật, tự hiện thân trong chúng hội của Phật.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn sự ngộ nhập tâm hành của tất cả hữu tình?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát dùng trí nhất tâm, biết khắp như thật tâm và tâm sở của tất cả hữu tình, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn sự ngộ nhập tâm hành của tất cả hữu tình.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn các thần thông du hý?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát dùng các thứ thần thông tự tại dạo chơi, để được thấy Phật, từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác, cũng lại chẳng sanh ý tưởng về sự dạo chơi Cõi Phật, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn các thần thông du hý.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn cái thấy các Cõi Phật và như cái thấy ấy, mà tự trang nghiêm các Cõi Phật?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát an trụ ở một Cõi Phật mà có khả năng thấy vô biên các Cõi Phật trong mười phương, cũng có khả năng thị hiện nhưng chẳng từng sanh ý tưởng về Cõi Phật, lại vì thành thục các hữu tình, nên hiện ở trong Thế Giới ba lần ngàn, ở ngôi Chuyển Luân Vương mà tự trang nghiêm, cũng có khả năng xả bỏ mà không có sự chấp trước, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn cái thấy các Cõi Phật, và như cái thấy ấy mà tự trang nghiêm các Cõi Phật.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn sự cúng dường, thừa sự Chư Phật Thế Tôn, đối với thân Như Lai, như thật quan sát?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát vì muốn lợi ích cho các hữu tình, nên đối với nghĩa thú của pháp, như thật phân biệt, như vậy gọi là dùng pháp cúng dường, thừa sự Chư Phật, lại phải quan sát kỹ Pháp Thân Chư Phật, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn sự cúng dường, thừa sự Chư Phật Thế Tôn, đối với thân Như Lai, như thật quan sát.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn sự hiểu biết về cái trí thắng, liệt của căn cơ các hữu tình?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát an trú mười lực Phật, biết rõ như thật, các căn thắng liệt của tất cả hữu tình, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn sự hiểu biết về cái trí thắng, liệt của căn cơ các hữu tình.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn sự nghiêm tịnh Cõi Phật?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát lấy vô sở đắc làm phương tiện, nghiêm tịnh tâm hành tất cả hữu tình, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn sự nghiêm tịnh Cõi Phật.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn đẳng trì như huyễn, thường nhập vào các định?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát trụ đẳng trì này, tuy có khả năng hoàn thành tất cả sự nghiệp mà tâm chẳng động, lại tu đẳng trì đến thành thục cùng tột, chẳng khởi gia hạnh mà luôn luôn hiện tiền, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn đẳng trì như huyễn, thường nhập vào các định.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn sự tùy theo thiện căn thuần thục của các hữu tình để nhập vào các cõi, tự hiện hóa sanh?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát vì muốn thành thục thiện căn thù thắng của các loài hữu tình, tùy theo điều kiện thuận tiện của họ nên nhập vào các cõi mà thị hiện thọ sanh, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát tùy theo căn cơ thành thục của các hữu tình, nhập vào các cõi tự hiện hóa sanh.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn đại nguyện nhiếp thọ vô biên xứ sở, tùy theo sở nguyện đều viên mãn?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát vì đã tu đầy đủ sáu phép Ba La Mật Đa hết sức viên mãn rồi, nên hoặc vì nghiêm tịnh các Cõi Phật, hoặc vì thành thục các loại hữu tình, tùy sở nguyện của tâm, đều được viên mãn, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn đại nguyện nhiếp thọ vô biên xứ sở, tùy theo sở nguyện đều viên mãn.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn trí hiểu biết âm thanh, tùy theo các loài khác nhau như Chư Thiên, Rồng, Dược Xoa, Kiền Đạt Phược, A Tố Lạc, Yết Lộ Trà, Khẩn Nại Lạc, Mạc Hô Lạc Già, Nhân Phi Nhân v.v…?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát tu tập sự hiểu biết vô ngại về ngôn từ thù thắng, biết rõ sự sai biệt về âm thanh ngôn ngữ của hữu tình, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn trí hiểu biết âm thanh, tùy theo các loài khác nhau như Chư Thiên, Rồng, Dược Xoa, Kiền Đạt Phược, A Tố Lạc, Yết Lộ Trà, Khẩn Nại Lạc, Mạc Hô Lạc Già, Nhân Phi Nhân v.v… khác nhau.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn trí biện thuyết vô ngại?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát tu tập sự hiểu biết vô ngại, biện tài thù thắng, vì các hữu tình thường thuyết không dừng nghỉ, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn trí biện thuyết vô ngại.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn sự nhập thai hoàn hảo?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát tuy đối với tất cả chỗ sanh ra, sự thật là thường hóa sanh, nhưng vì lợi ích hữu tình nên hiện nhập thai tạng, ở trong đó, đầy đủ các việc thù thắng, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn việc nhập vào thai hoàn hảo.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn sự đản sanh hoàn hảo?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát vào khi xuất thai, thị hiện các việc thù thắng hy hữu, khiến các hữu tình thấy đều hoan hỷ, được lợi lạc lớn, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn sự đản sanh hoàn hảo.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn gia tộc hoàn hảo?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát hoặc sanh vào nhà thuộc dòng họ lớn Sát Đế Lợi, hoặc sanh vào nhà thuộc dòng họ lớn Bà La Môn, việc nương vào cha mẹ để ra đời không thể chê trách, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn gia tộc hoàn hảo.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn chủng tánh hoàn hảo?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát thường hội nhập trong chủng tánh các Đại Bồ Tát ở quá khứ mà sanh ra, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn chủng tánh hoàn hảo.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn quyến thuộc hoàn hảo?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát thường lấy vô lượng vô số Bồ Tát làm quyến thuộc, chẳng phải là các loại hỗn tạp tầm thường, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn quyến thuộc hoàn hảo.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn sanh thân hoàn hảo?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát vào lúc sơ sinh, thân thể hoàn hảo, tất cả tướng tốt, phóng hào quang lớn, chiếu khắp vô biên Thế Giới Chư Phật, cũng khiến Thế Giới ấy, sáu thứ biến động, hữu tình gặp được đều được lợi ích, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn sanh thân hoàn hảo.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn xuất gia hoàn hảo?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát vào lúc xuất gia, vô lượng vô số Trời, Rồng, Dược Xoa, Nhân Phi Nhân v.v… đi theo hai bên, đi đến Đạo Tràng, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, thọ trì bình bát, hướng dẫn vô lượng vô số hữu tình, khiến nương vào ba thừa mà hướng đến viên tịch, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn việc xuất gia hoàn hảo.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn việc trang nghiêm cây Bồ Đề hoàn hảo?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát có thiện căn thù thắng, nguyện lực rộng lớn, đều được cây Bồ Đề đẹp đẽ như thế này: Dùng ngọc quí phệ lưu ly làm thân, vàng ròng làm gốc, cành, lá, hoa, quả đều dùng loại bảy báu hảo hạng làm thành. Cây này cao rộng phủ khắp Cõi Phật trong Thế Giới ba lần ngàn, ánh sáng rực rỡ chiếu khắp vô số Thế Giới Chư Phật trong mười phương, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn sự trang nghiêm cây Bồ Đề hoàn hảo.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát phải viên mãn tất cả công đức hoàn hảo?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát đầy đủ tư lương trí tuệ thù thắng, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh Cõi Phật, thì đó là lý do mà Đại Bồ Tát phải viên mãn tất cả công đức hoàn hảo.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần