Phật Thuyết Kinh Bảo Vân - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật ở trên đỉnh núi Già Da cùng với bảy vạn vị đại Tỳ Kheo Tăng hội đủ.

Những vị ấy việc cần làm đã làm xong, bỏ các gánh nặng, thân tâm tự tại, dứt các ràng buộc, chánh kiến giải thoát, như Đại Long hiểu rành pháp giới, là con của Pháp Vương, xả bỏ lợi dưỡng, hoàn thiện hạnh xuất gia, khéo thọ trì giới Cụ Túc, những thứ mong muốn đều được viên mãn, trụ đạo Niết Bàn. Chỉ trừ Tôn Giả A Nan là còn ở bậc hữu học.

Lại còn có tám vạn bốn ngàn Đại Bồ Tát đều là những vị nhất sinh bổ xứ hướng đến nhất thiết trí, không còn thoái chuyển, chí cầu Phật Địa gần đến bờ kia, đạt được các pháp Đà La Ni nhiều như a tăng kỳ, sớm chứng đắc các thiền.

Tam Muội Thủ lăng nghiêm, thần thông diệu dụng, tâm đại từ bi rộng lớn biến khắp mười phương, cho đến thực hành cảnh giới không ở vô lượng, vô biên Cõi Phật, dứt trừ những sự ngăn che, dứt gốc rễ ba độc, dạo chơi nhà vô tướng, hằng muốn cứu giúp tất cả chúng sinh biết rõ Thế Giới của Chư Phật.

Được trí vô ngại, tâm như hư không, rộng sâu như biển, giống như núi Tu Di, tám thứ gió thổi chẳng động, tâm như hoa sen chẳng dính bụi nước, ý như châu báu trong ngoài sáng rỡ, như vàng ròng không còn tạp chất.

Những vị ấy tên là Bồ Tát Bảo Quang, Bồ Tát Bảo Chưởng, Bồ Tát Bảo Ấn Thủ, Bồ Tát Bảo Thiên Quan, Bồ Tát Bảo Man, Bồ Tát Bảo Tích, Bồ Tát Bảo Tạng, Bồ Tát Bảo Sơn Đảnh, Bồ Tát Bảo Tràng, Bồ Tát Kim Cang Thai, Bồ Tát Kim Thai, Bồ Tát Bảo Thai, Bồ Tát Công Đức Thai.

Bồ Tát Tịnh Vô Cấu Thai, Bồ Tát Như Lai Thai, Bồ Tát Trí Thai, Bồ Tát Nhật Thai, Bồ Tát Tam Muội Thai, Bồ Tát Liên Hoa Thai, Bồ Tát Giải Thoát Nguyệt, Bồ Tát Phổ Nguyệt, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Phổ Nhãn, Bồ Tát Liên Hoa Nhãn.

Bồ Tát Đại Nhãn, Bồ Tát Phổ Oai Nghi, Bồ Tát Phổ Đoan Nghiêm, Bồ Tát Phổ Hạnh, Bồ Tát Tri Định Ý, Bồ Tát Pháp Ý, Bồ Tát Thắng Ý, Bồ Tát Tăng Trưởng Ý, Bồ Tát Kim Cang Ý, Bồ Tát Sư Tử Thần Thông, Bồ Tát Đại Âm Thanh Vương.

Bồ Tát Sư Tử Hống Ý, Bồ Tát Thâm Âm Thanh, Bồ Tát Vô Nhiễm Ô, Bồ Tát Ly Nhất Thiết Cấu, Bồ Tát Nguyệt Quang, Bồ Tát Nhật Quang, Bồ Tát Trí Quang, Bồ Tát Trí Công Đức, Bồ Tát Nguyệt Công Đức, Bồ Tát Liên Hoa Công Đức, Bồ Tát Bảo Công Đức, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, cùng mười sáu vị Hiền Sĩ như Đại Sĩ Bà Đà Bà La…

Trong hiền kiếp, Bồ Tát Di Lặc là Thượng Thủ nơi một ngàn Đại Bồ Tát. Chư Thiên ở cõi Tứ Thiên Vương, Tứ Thiên Vương là Thượng Thủ. Chư Thiên ở Cõi Đao Lợi, Đế Thích là Thượng Thủ. Cõi Trời Diệm Ma, Diệm Ma là Thượng Thủ. Trời Đâu Suất Đà, Thiên Vương Đâu Suất Đà là Thượng Thủ. Chư Thiên cõi Hóa Lạc, Thiên Vương Hóa Lạc là Thượng Thủ.

Chư Thiên Cõi Tha Hóa Tự Tại, Thiên Vương Tha Hóa Tự Tại là Thượng Thủ. Chư Thiên Cõi Thiện Đảng, Tát Đà Là Thượng Thủ. Trong tất cả các Phạm Thiên, Đại Phạm Vương là Thượng Thủ. Chư Thiên Cõi Thủ Đà Hội, Ma Hê Thủ La là Thượng Thủ.

Cùng với A Tu La Vương Tỳ Ma Chất Đa, A Tu La Vương Bà Trĩ, A Tu La Vương La Hầu… vô lượng trăm ngàn ức A Tu La Vương. Long Vương A Na Bà Đạt Đa, Long Vương Ma Na Tư, Long Vương Bà Già La, Long Vương Nan Đà, Long Vương Hòa Tu Cát, Long Vương Đức Xoa Ca cùng trăm ngàn ức rồng, các rồng con, các rồng thể nữ… như vậy có đến trăm ngàn vạn ức chúng.

Tám bộ chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân và Phi Nhân… trăm ngàn vạn ức chúng đều đến tập hội.

Bấy giờ, trên đỉnh núi Già Da vuông vức bốn do tuần, người người đông đúc chen chúc, từ mặt đất lên hư không, đại chúng nhiều như vi trần. Chính giữa đỉnh núi là Tòa Sư Tử cao một do tuần, rộng nửa do tuần, được phủ che do tám ngàn Thiên y, trang nghiêm, sáng rực, lộng lẫy bậc nhất. Mặt đất bằng phẳng biến thành kim cương, được rưới lên một loại nước thơm tinh khiết, bên trên được trang hoàng các tua cờ, lụa, vô lượng hoa Trời rơi đầy trên ấy.

Hai bên Tòa Sư Tử mọc các hoa sen lớn như bánh xe gồm trăm ngàn vạn cánh, cọng làm bằng chân kim, lưu ly xanh biếc làm đài, nhân đà ni làm nhụy, thơm sạch, hợp ý, rất thích thú khi chạm vào. Những bông hoa tuyệt diệu như vậy dùng để cúng dường Phật. Ở bốn góc Tòa Sư Tử đều mọc cây báu cao mười lăm lý, tàng cây che phủ nửa do tuần.

Tòa Sư Tử được trang nghiêm như vậy, Đức Phật an tọa trên đó, tâm ý thanh tịnh, khéo chuyển bánh xe pháp, hàng phục ma oán, không bị tám pháp làm nhiễm ô, đạt Vô sở úy, trí biện tài thông suốt.

Tâm chẳng khiếp nhược giống như Sư Tử, ý hành thanh tịnh như ao sâu trong mát, rộng lớn như biển hay sinh ra các thứ báu, như núi Tu Di nổi bật nơi biển cả, như mặt trời chiếu sáng rực rỡ khắp nơi, như trăng tròn làm mát mẻ tất cả, mưa pháp lớn như Long Vương làm mưa, như Đại Phạm Thiên hiển hiện giữa chúng.

Vô lượng đệ tử đều đã điều thuận, vô lượng Thích, Phạm, Tứ Thiên Vương… chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn tâm không dao động.

Đức Thế Tôn như Mặt Trời trang nghiêm với các thứ báu, có khả năng chiếu sáng làm cho đại chúng ấm áp. Khi ấy, sắc thân an hòa của Đức Thế Tôn sáng dịu ấm áp lan tỏa khắp cả đại chúng, như vật báu trang nghiêm.

Từ đinh đầu, Đức Thế Tôn phóng ra luồng hào quang gọi là châu biến, tỏa khắp trăm ngàn Thế Giới với vô lượng ánh sáng làm quyến thuộc.

Ánh sáng ấy chiếu soi tận mười phương, xoay quanh Phật ba vòng rồi nhập vào kim khẩu, nhưng tất cả vẫn không thay đổi. Ví như trăng sáng chiếu khắp hư không mà hư không vẫn bình thường, ánh sáng vào từ miệng Thế Tôn cũng lại như vậy. Ví như đổ dầu lên đống cát vẫn không thấy tăng giảm, ánh sáng vào kim khẩu của Phật cũng lại như vậy.

Bấy giờ, cách cõi này vô lượng hằng hà sa Thế Giới về phương Đông có quốc độ tên là Liên hoa tự tại, Đức Phật ở Thế Giới ấy tên là Liên Hoa Nhãn gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn đang vì các Bồ Tát giảng nói pháp Nhất thừa.

Cõi đó không có danh hiệu Thanh Văn, Bích Chi Phật. Các chúng sinh nơi ấy đều hướng đến đạo quả Bồ Đề Vô Thượng, tâm không còn thoái chuyển, không dùng đoàn thực mà chỉ dùng pháp hỷ thực, thiền duyệt thực…

Cõi ấy tuy có mặt trời, mặt trăng, tinh tú nhưng không lấy đó làm ánh sáng mà chỉ dùng hào quang tỏa ra của Đức Phật.

Cõi ấy đất bằng phẳng như bàn tay, không có núi rừng, gai góc hiểm trở.

Cõi ấy có Đại Bồ Tát tên là Trừ Nhất Thiết Cái Chướng, nếu ai nghe được danh hiệu của Bồ Tát này thì tất cả tội chướng đều dứt sạch.

Khi được ánh sáng kia chạm vào thân, Đại Bồ Tát Trừ Nhất Thiết Cái Chướng lập tức đến chỗ Phật Liên Hoa Nhãn, đảnh lễ đầu mặt chạm đất, rồi lui ra một bên ngồi trên hoa sen. Lại có vô lượng Bồ Tát cũng chạm được ánh sáng kia, đều đi đến chỗ Phật, đảnh lễ đầu mặt sát đất xong lui ra ngồi một bên.

Bồ Tát Trừ Nhất Thiết Cái Chướng từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch bày vai phải, gối phải quỳ chấm đất, chắp tay hướng về Đức Phật, bạch: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì có ánh sáng này?

Người gặp ánh sáng này tâm ý đều được diệu lạc, ánh sáng như vậy từ đâu chiếu đến?

Phật Liên Hoa Nhãn đáp: Này thiện nam! Ở phương Tây có Thế Giới tên là Ta Bà, Đức Phật tên là Thích Ca Mâu Ni gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Ai nghe danh hiệu của Đức Phật ấy cũng đều đạt được không thoái chuyển. Ánh sáng như vậy từ chỗ Đức Phật ấy chiếu đến.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà nghe danh hiệu của Đức Phật ấy đều đạt được bất thoái chuyển, hướng đến quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?

Đức Phật Liên Hoa Nhãn lại bảo Bồ Tát Trừ Cái Chướng:

Đức Phật ấy khi hành đạo Bồ Tát, phát thệ nguyện: Nếu ta thành Phật, ai nghe được danh hiệu của ta thì đều phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, đạt được bất thoái chuyển.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu ai nghe danh hiệu của Đức Phật ấy cũng đều phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, đạt được bất thoái chuyển như vậy, chắc chúng sinh nơi cõi ấy đều đã đạt được hết rồi chăng?

Đức Phật Liên Hoa Nhãn đáp: Này thiện nam! Có người đạt được và cũng có người không đạt được.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Do chúng sinh nơi cõi ấy không nghe được danh hiệu của Phật kia chăng?

Đức Phật Liên Hoa Nhãn đáp: Này thiện nam! Tất cả đều nghe được.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng sinh nơi cõi ấy đều được nghe danh hiệu của Phật tại sao có người đạt được, có người không đạt được không thoái chuyển?

Đức Phật Liên Hoa Nhãn đáp: Này thiện nam! Chúng sinh nơi cõi ấy đều là bất thoái chuyển, cũng chẳng phải là bất thoái chuyển.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao đều là bất thoái chuyển, cũng chẳng phải là bất thoái chuyển?

Đức Phật Liên Hoa Nhãn đáp: Này thiện nam! Người nghe danh hiệu của Đức Phật ấy tuy được chủng tử bất thoái chuyển, nhưng vì nhân duyên chưa đầy đủ, hành chưa đầy đủ nên không được thọ ký.

Này thiện nam! Vì ông, ta nói ví dụ: Ví như trồng cây, hạt giống ấy không bị hư lép, đầy đủ nhân duyên để nảy mầm.

Vậy nên nói là mọc hay không mọc?

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nên nói là mọc.

Đức Phật Liên Hoa Nhãn dạy: Này thiện nam! Người nghe danh hiệu Đức Phật ấy được chủng tử bất thoái chuyển, nếu nhân duyên đầy đủ liền được thọ ký.

Đại Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Con muốn đến Thế Giới Ta Bà để cung kính, lễ bái Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Đức Phật Liên Hoa Nhãn liền dạy: Này thiện nam! Nay thật đúng lúc, ông nên đến đó lễ bái, cúng dường.

Các Bồ Tát có mặt ở đấy cũng bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Chúng con cũng muốn theo Bồ Tát Trừ Cái Chướng đến Thế Giới Ta Bà để lễ bái, cung kính, tôn trọng, tán thán Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Đức Phật Liên Hoa Nhãn bảo các Bồ Tát: Nay thật đúng lúc, các ông nên đến đó, chớ sinh tâm thấp kém buông lung.

Vì sao?

Vì chúng sinh ở cõi ấy rất nhiều tham dục, sân hận, ngu si, không cung kính Sa Môn, Bà La Môn, ưa làm việc phi pháp, tâm ý thô lỗ, dối trá, ác khẩu, rất cứng cỏi, khó điều phục. Lại tham lam keo kiệt, ganh ghét, lười nhác, buông lung, phá giới, bị vô lượng phiền não trói buộc. Ở trong cõi xấu ác như vậy, Đức Phật Thích Ca đã vì họ thuyết giảng chánh pháp.

Các Bồ Tát bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thật là hiếm có, trong Thế Giới chúng sinh xấu ác như vậy mà Đức Phật luôn vì họ thuyết giảng chánh pháp.

Đức Phật Liên Hoa Nhãn bảo: Này thiện nam! Đúng như lời các ông nói, hiếm có ai như thế, Đức Phật Thế Tôn ấy thường ở chỗ chúng sinh ác mà giảng nói chánh pháp cho họ. Ở Thế Giới ác đục đó, ai có thể khởi lên một niệm thiện cũng khó.

Vì sao?

Vì chúng sinh ở cõi thanh tịnh giữ lòng tin, tu thiện chẳng khó. Còn ở Thế Giới ác, trong khoảng thời gian khảy móng tay ai có thể phát sinh lòng tin, quy y Phật, Pháp, Tăng, khéo tu trì giới, khởi tâm lìa dục, sinh lòng từ bi, phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thật là rất khó.

Các Bồ Tát bạch Phật: Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu, bạch Thiện Thệ! Trong các Bồ Tát này thì Đại Bồ Tát Trừ Cái Chướng là Thượng Thủ. Đại Bồ Tát Trừ Cái Chướng cùng các Bồ Tát ghi nhận lời Phật dạy, vui mừng vô hạn, đảnh lễ dưới chân Phật rồi tất cả trở về chỗ cũ.

Các vị Bồ Tát ấy mang theo đầy đủ cây, hoa, quả báu để dâng cúng: Có vị mang cây bằng lưu ly, có vị mang cây bằng pha lê, có vị mang cây bằng vàng, có vị mang các cây báu, có vị mang cây hoa, có vị mang cây quả, có vị mang y báu, có vị mang vòng xuyến anh lạc, có vị mang mây thơm, có vị mang mây tràng hoa, có vị mang mây lọng báu, có vị mang mây cờ phướn báu, có vị mang mây âm nhạc… tất cả Bồ Tát đều tập hợp lại, cùng Đại Bồ Tát Trừ Cái Chướng đi đến Thế Giới Ta Bà.

Đại Bồ Tát Trừ Cái Chướng bảo các Bồ Tát: Chúng sinh ở Thế Giới Ta Bà kia chịu nhiều khổ não. Các ông nên hiện bày diệu lực thần thông khiến cho họ đạt được an lạc.

Các Bồ Tát nói: Thưa vâng.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Trừ Cái Chướng dùng diệu lực thần thông, từ thân phát ra ánh sáng thanh tịnh vô cấu chiếu khắp tam thiên đại thiên Thế Giới cùng với cõi Ta Bà, soi tỏa đến các chốn địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Diêm La Vương.

Những chúng sinh khổ não ở các nơi ấy nhờ ánh sáng chạm vào thân nên đều được an lạc, tham dục, sân hận được dứt sạch, vì tâm từ của Đại Bồ Tát thương xót chúng sinh như cha mẹ thương con.

Những nơi tối tăm nhất trong tam thiên đại thiên Thế Giới, ánh sáng của mặt trời, mặt trăng không thể chiếu đến, nhờ ánh sáng của Bồ Tát nên chúng sinh ở các chốn ấy được thấy nhau.

Các chốn u tối nơi Núi Thiết Vi, Núi Đại Thiết Vi, Núi Mục Chân Lân Đà, Núi Đại Mục Chân Lân Đà cùng những chỗ tăm tối nơi các núi khác trong tam thiên đại thiên Thế Giới cũng được ánh sáng của Bồ Tát Trừ Cái Chướng soi chiếu tới, trên lên đến tận cõi Phạm Thiên, dưới thấu tận địa ngục A tỳ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần