Phật Thuyết Kinh Bảo Vân - Phần Mười

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương  

PHẦN MƯỜI  

Như lúc hoa sen chưa nở thì không gọi là đầy đủ, khi hoa sen đã nở mới gọi là thanh tịnh đầy đủ. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, tuệ giác bung nở thì gọi là Phật.

Như hoa sen nở, ai thấy cũng hết sức thích thú, chạm vào mềm mại, mùi hương tràn ngập, tâm ý vui vẻ, an lạc. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, trí tuệ thuần thục, tướng ánh sáng của trí tuệ làm cho khi thấy mắt được thanh tịnh, khi nghe tai được thanh tịnh, hương giới lan xa, mũi được thanh tịnh, thân tiếp xúc cúng dường thân được thanh tịnh, tư duy về công đức ý được thanh tịnh.

Khi hoa sen sinh, sinh đã có tưởng. Nếu khi Bồ Tát xuất hiện thì Chư Phật, Bồ Tát và Tứ Thiên Vương… cũng đều gìn giữ hộ trì, sinh đã có tưởng.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát giống như hoa sen.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là tâm thù thắng lớn lao.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Bồ Tát đầy đủ các Ba la mật nên gọi là tâm thù thắng lớn lao.

2. Bồ Tát đầy đủ hết thảy pháp Phật nên gọi là tâm thù thắng lớn lao.

3. Bồ Tát hóa độ tất cả chúng sinh nên gọi là tâm thù thắng lớn lao.

4. Nơi cội Bồ Đề, Bồ Tát chứng đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác nên gọi là tâm thù thắng lớn lao.

5. Bồ Tát mới thành Chánh Giác liền chuyển pháp luân. Sa Môn, Bà La Môn, Trời, Người, Ma, Phạm chẳng thể chuyển, ngoài thế gian cũng không ai có thể chuyển. Vì Bồ Tát đang chuyển nên gọi là tâm thù thắng lớn lao.

6. Vì muốn làm lợi ích cho chúng sinh nên Bồ Tát không chỉ ở Thế Giới này mà còn ở vô lượng, vô biên Thế Giới khác, cũng đem chánh pháp thâu giữ chúng sinh cho nên gọi là tâm thù thắng lớn lao.

7. Bồ Tát dùng thuyền trí tuệ vì nhằm cứu độ chúng sinh đang lưu chuyển trong biển lớn sinh tử cho nên gọi là tâm thù thắng lớn lao.

8. Chúng sinh không có nhà cửa, không có chủ, không nơi nương tựa, không ai cứu giúp, vì thế Bồ Tát thân cận, gần gũi, làm chỗ nương tựa cho chúng sinh, do vậy gọi là tâm thù thắng lớn lao.

9. Vì muốn thị hiện oai đức của Như Lai nên Bồ Tát gầm tiếng gầm Sư Tử như Phật. Bồ Tát hiện bày thần thông diệu dụng như Phật. Bồ Tát muốn hiện tướng oai nghi của voi quý, nhìn thẳng không ngoái lui, muốn vượt hơn Trời, Người, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn, A Tu La… cùng hết thảy chúng sinh không ai sánh bằng Bồ Tát, nên gọi là tâm thù thắng lớn lao.

10. Phật với oai đức lớn đã hóa độ chúng sinh, Bồ Tát muốn làm được như Ngài thì chẳng hành hạnh phàm, tiểu, chẳng hành hạnh thô xấu, chẳng hành hạnh chướng nạn, chẳng hành hạnh thấp kém, nên gọi là tâm thù thắng lớn lao.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát đạt tâm lớn lao tối thắng.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là tâm thanh tịnh.

Đó là:

1. Thể tánh đầy đủ, thể tánh không động, thể tánh chất trực.

2. Tướng không hư ngụy.

3. Trừ các hạnh ác.

4. Không phát tâm Thanh Văn, không phát tâm Bích Chi Phật.

5. Không vì trần cấu kết sử của mình mà tu tập các công đức.

6. Ân nhỏ còn nhớ đền đáp, huống nữa là ân lớn. Thi ân cho người không cầu đền đáp, không ỷ thị.

7. Ngôn hạnh tương ưng, trọn không sai lầm.

8. Không che giấu lỗi mình, cũng không chê bai lỗi người khác.

9. Trọn đời Bồ Tát không bao giờ bên ngoài nói lời mềm mỏng mà trong lòng ôm thù hận. Cũng không nhăn nhó, hiện sắc sân hận, hành xử thô bạo khiến chúng sinh đau khổ.

10. Tự tâm không tranh cãi, cũng không khiến cho người khác khởi lên sự tranh cãi. Không nói hai lưỡi gây tranh chấp, phá hoại, não loạn người khác.

Thân thường cung kính, nói lời chân thật. Ngôn hạnh tương xứng, đều tạo nghiệp thiện đối với pháp Như Lai, không nói lời hủy báng. Phát tâm bồ đề, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, được xuất gia ở trong giáo pháp của Phật chẳng vì sợ Vua mà xuất gia, chẳng vì sợ Vương Thần mà xuất gia.

Chẳng vì làm đạo tặc mà xuất gia, chẳng vì trốn nợ mà xuất gia, chẳng vì lo sợ mà xuất gia, chẳng vì tà mạng mà xuất gia, mà chính vì tín tâm nên xuất gia. Được xuất gia rồi, luôn cầu pháp thiện, thân cận thiện hữu, tùy thuận bạn lành, ghi nhận pháp lành của bậc Tri thức thiện dạy bảo.

Nghe pháp tu hành, tâm không kiêu mạn, trọn không điên đảo chấp giữ theo pháp hư vọng. Trừ bỏ điên đảo thì nhập vào chánh đạo. Nhập vào chánh đạo rồi liền được chánh kiến. Được chánh kiến rồi thì hành trình chứng ngộ đạo quả Bồ Đề vô thượng không còn xa.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát đạt tâm thanh tịnh.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là tin sâu, không nghi.

Đó là:

1. Tin thân vi mật của Như Lai.

2. Tin khẩu vi mật của Như Lai.

3. Tin ý vi mật của Như Lai.

4. Tin vào nẻo hành hóa của Chư Bồ Tát.

5. Tin pháp Bồ Tát.

6. Tin vào Chư Phật, theo đó tu tập khiến được đầy đủ, trọn vẹn.

7. Tin Chư Phật ra đời.

8. Tin pháp nhất thừa của Chư Phật.

9. Tin Chư Phật với âm thanh sâu xa.

10. Tin Chư Phật tùy theo chúng sinh mà thuyết pháp ứng hợp.

Thế nào là tin thân vi mật của Như Lai?

Đó là tin Pháp Thân của Như Lai. Tin thân Như Lai là tịch diệt. Tin thân Như Lai là vô lượng, vô đẳng. Tin thân Như Lai là kiên cố. Tin thân Như Lai là bất hoại. Tin thân Như Lai như kim cương, sinh từ như thật… tin hiểu như vậy không hư dối, cũng không sinh nghi hoặc. Đây gọi là Bồ Tát tin thân vi mật của Như Lai.

Lại tư duy tiếp: Nghe Như Lai có khẩu mật, như thọ ký hiện tại, thọ ký bí mật, thọ ký người chưa phát tâm, thọ ký người mới phát tâm. Tin Chư Phật thường dùng bốn thứ y chỉ để thuyết pháp. Tin Chư Phật hiểu biết không sai lầm. Tin Chư Phật nói lời không sai lầm. Như trước đã nói, tin Chư Phật không nói lời hư vọng.

Vì sao?

Vì Chư Phật đã đoạn tận tất cả sai lầm, dứt trừ hết thảy trần cấu, không còn một mảy may nhiệt não, đoạn hết các kết nghiệp, tự tại vô ngại, tâm thường vắng lặng như nước tinh khiết, trong suốt không một chút bợn.

Nếu nói Như Lai thân khẩu có lỗi lầm, điều này không hề xảy ra. Quyết chắc điều ấy là như thật, không hư vọng, không sinh nghi hoặc. Đây gọi là Bồ Tát tin khẩu vi mật của Như Lai.

Bồ Tát lại nhớ nghĩ: Nghe Như Lai có ý vi mật, mỗi khi tâm tạo tác đều tùy theo trí tuệ. Tâm đó hàng Thanh Văn, Duyên Giác cùng tất cả Bồ Tát chẳng thể biết được, chỉ trừ khi Như Lai muốn khiến cho người đó biết.

Vì sao?

Vì trí tuệ của Như Lai rộng lớn, sâu xa như biển, khó dò, chẳng thể nghĩ bàn, vượt qua hết thảy mọi biểu hiện của tâm ý, vô lượng, vô biên như cõi hư không, vượt qua hết thảy sự hiểu biết của ngoại đạo chiêm tinh, xem tướng, chú thuật. Tâm của Như Lai thường như thật, không có hư vọng.

Lại nghe các Bồ Tát vì chúng sinh tạo dựng sự nghiệp không hề chán mệt, không sinh kinh sợ, ý chí kiên cường, gánh vác việc lớn, ấp ủ hoài bão lớn, muốn thành tựu đầy đủ các Ba la mật, hết thảy pháp Phật lớn dần viên mãn. Tâm của Bồ Tát vô ngại không ai sánh bằng, tinh tấn kiên cố, trang nghiêm kiên cố, trí tuệ kiên cố, thệ nguyện kiên cố, thệ nguyện bất động, thệ nguyện không ai bằng.

Vì sao?

Vì ưng tướng với đạo quả Bồ Đề ngày càng tăng trưởng rộng lớn, cho đến khi viên mãn, biết điều này đúng như thật không có hư vọng, tâm không nghi hoặc.

Thế nào là tu tập tin chắc không nghi?

Bồ Tát suy nghĩ: từ lúc mới phát tâm cho đến khi ngồi nơi đạo tràng, được trí biết khắp tất cả pháp, rõ ràng cùng tột không có chướng ngại, được thiên nhĩ, thiên nhãn, tha tâm, túc mạng, như ý túc trí, lậu tận trí, trong một sát na biết cả ba đời.

Dùng trí như vậy quan sát Thế Giới chúng sinh, thấy chúng sinh thân nghiệp bất thiện, khẩu nghiệp bất thiện, ý nghiệp bất thiện, hủy báng Hiền Thánh, khởi đại tà kiến. Bồ Tát biết rõ những người tạo nghiệp là nhân duyên của tà kiến như vậy, khi thân hoại mạng chung sẽ bị đọa vào địa ngục lớn.

Cũng quán như vậy, Bồ Tát thấy chúng sinh thân nghiệp tu thiện, khẩu nghiệp tu thiện, ý nghiệp tu thiện, không hủy báng Hiền Thánh, thành tựu chánh kiến, vì nhân duyên ấy nên thân hoại mạng chung được sinh về Cõi Trời.

Bồ Tát quan sát thấy các chúng sinh thiện ác sai biệt như vậy, liền nhớ nghĩ: Khi xưa ta tu đạo Bồ Tát, phát đại thệ nguyện: Nếu bản thân ta được giác ngộ thì cũng khiến cho kẻ khác được giác ngộ như vậy. Ta thệ nguyện đầy đủ, ngôn hạnh chân thật, không có hư vọng. Đối với những điều này Bồ Tát không có nghi hoặc.

Nghe Như Lai chỉ có một thừa, việc này chân thật không điên đảo, không hư vọng.

Vì sao?

Vì ví như vô số cồn cát nhỏ trong Cõi Diêm Phù Đề, những cồn cát nhỏ này đều nương vào cõi Diêm Phù Đề mà tồn tại. Nó cũng đồng một tên là Diêm Phù Đề. Nhất thừa của Như Lai cũng lại như vậy, hết thảy các thừa đều xuất ra từ đại thừa. Do vậy, nhất thừa gọi là Như Lai đại thừa. Đối với điều này Bồ Tát biết rõ, không nghi hoặc, tin sâu vào Như Lai thừa.

Bồ Tát cũng từng nghe Đức Như Lai thuyết pháp cho tất cả mọi tầng lớp, Kinh Điển nhiều, đủ loại, chân thật không hư dối.

Vì sao?

Vì Đức Như Lai tùy theo chúng sinh mà hóa độ, tùy theo câu hỏi pháp của chúng sinh mà trả lời cho họ. Đối với sự việc này, Bồ Tát biết rõ như thật, tin thọ không nghi.

Bồ Tát từng nghe âm thanh vi diệu sâu xa của Chư Phật, việc này chân thật, lòng tin chắc chắn, không nghi hoặc.

Vì sao?

Vì Chư Thiên tu ít phước mà còn được âm thanh thanh thoát vi diệu, huống nữa là Đức Như Lai đầy đủ vô lượng trăm ngàn vạn ức công đức. Do vậy Bồ Tát tin sâu điều này, không sinh nghi hoặc. Đây gọi là Bồ Tát tin vào âm thanh sâu xa của Đức Như Lai.

Lại tin Như Lai thuyết pháp chỉ dùng một thứ tiếng, có khả năng trừ hết mọi nghi hoặc, tùy theo từng loại tâm tính khác nhau.

Các chúng sinh này đều nghĩ: Đức Thế Tôn chỉ giảng nói riêng cho một mình ta. Hoặc dùng một thứ tiếng diễn thuyết các pháp, các chúng sinh tuy mỗi loại khác nhau nhưng tất cả đều được tin hiểu, chẳng tác tưởng, cũng chẳng không tác tưởng. Biết rõ như thật không có hư vọng. Đối với điều này, Bồ Tát không sinh nghi hoặc.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát tin sâu, không nghi hoặc.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp giống như biển lớn.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Kho chứa châu báu lớn.

2. Sâu xa khó dò.

3. Rộng lớn vô lượng.

4. Càng ra càng sâu.

5. Không ở chung một chỗ với phiền não.

6. Một tướng tịch diệt.

7. Dung nạp tất cả các sông đua nhau đổ về.

8. Nước thủy triều lên đúng giờ không sai.

9. Hay vì tha nhân làm nơi nương tựa.

10. Không bao giờ khô cạn, cùng tận.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần