Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ - Phần Mười Tám

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VŨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường  

PHẦN MƯỜI TÁM  

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này gọi là tu hạnh xả.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được thần thông diệu dụng.

Những gì là mười?

1. Thị hiện ẩn mất.

2. Thị hiện thọ sinh.

3. Thị hiện lúc niên thiếu dạo chơi nơi hậu cung.

4. Thị hiện xuất gia.

5. Thị hiện khổ hạnh.

6. Thị hiện đến nơi Đạo Tràng Bồ Đề.

7. Thị hiện hàng phục chúng ma.

8. Thị hiện thành Chánh Giác.

9. Thị hiện chuyển bánh xe chánh pháp.

10. Thị hiện đại bát Niết Bàn.

Bấy giờ, Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì các đại bồ Tát ở cung Trời Đổ Sử Đa mà thị hiện ẩn mất cho đến thị hiện nhập Đại Niết Bàn?

Phật nói: Này thiện nam! Bồ Tát ở Cõi Trời Đổ Sử Đa tối tôn, tối thắng vượt qua cảnh giới dục trong tất cả thế gian mà chẳng đắm nhiễm, Bồ Tát vì các hữu tình nên thị hiện ẩn mất, hữu tình thấy vậy lìa bỏ tưởng về thường mà khởi tưởng về vô thường, lấy sự vô thường ấy là chỗ nương tựa để không buông lung.

Này thiện nam! Các hữu tình kia vẫn còn buông lung, tuy họ đối với Bồ Tát sinh lòng tịnh tín, nhưng do ưa thích, đắm đuối vào những cảnh giới dục, chưa có khả năng hầu hạ, thờ kính, cúng dường Bồ Tát.

Vì hữu tình suy nghĩ: Bồ Tát cùng với ta ở đời thời gian còn lâu, sau này chúng ta đến chỗ Bồ Tát hầu hạ, cung kính, cúng dường cũng chẳng muộn. Vì vậy, Bồ Tát thị hiện ẩn mất để cho những hữu tình ấy khởi tâm luyến mộ mà xả bỏ buông lung. Hữu tình kia quán thấy vô thường rồi không còn buông lung nữa sẽ đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Thiện Nam! Nếu có chúng sinh nào cần ở trong thai mẹ để điều phục, thì Bồ Tát liền ở trong thai mẹ thị hiện công đức oai thần hy hữu để thuyết những pháp vi diệu, chúng sinh nghe rồi sẽ đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Thiện Nam! Nếu có hữu tình nào cần thấy Bồ Tát lúc còn nhỏ dạo chơi nơi hậu cung để được điều phục, thì Bồ Tát làm cho hữu tình ấy được thành thục, cũng vì giúp đỡ hữu tình thấp kém, ít tín căn mà hiện làm đồng tử dạo chơi trong cung.

Thiện Nam! Nếu hữu tình nào cần thấy Bồ Tát xuất gia để được thành thục, thì Bồ Tát thị hiện xuất gia để hữu tình ấy được thành thục.

Thiện Nam! Nếu Trời, Rồng, Dược Xoa, Kiền Đạt Phược cần dùng khổ hạnh để được điều phục, thì Bồ Tát thị hiện khổ hạnh để giáo hóa họ và hàng phục các ngoại đạo.

Thiện Nam! Nếu các hữu tình nhiều đời mong cầu, phát nguyện thế này: Nếu Bồ Tát đến Đạo Tràng Bồ Đề thì ta sẽ đến đó siêng tu cúng dường. Bồ Tát vì những hữu tình như vậy mà thị hiện đi đến Đạo Tràng Bồ Đề để cho hữu tình tùy thuận cúng dường, chắc chắn sẽ đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Thiện Nam! Nếu các hữu tình ngã mạn, cao ngạo, kiêu căng, buông lung, vì muốn cho họ lìa bỏ những phiền não như thế mà Bồ Tát thị hiện ngồi nơi Đạo Tràng thu phục các ma.

Nếu các hữu tình ưa vắng lặng thì Bồ Tát vì làm cho tất cả hữu tình chứng đắc pháp tối cao, thù thắng mà thị hiện ngồi nơi Đạo Tràng thành Đẳng, Chánh Giác. Bồ Tát hiện Chánh Giác rồi, vì thế Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới thảy đều vắng lặng không còn các âm thanh.

Các hữu tình kia thấy việc đó rồi cùng phát nguyện thế này: Tôi nguyện đời vị lai chúng Bồ Đề cũng như Bồ Tát ngồi nơi Đạo Tràng chứng Chánh Đẳng Giác.

Này thiện nam! Nếu các hữu tình vì nhất thiết trí mà theo tà sư thọ tà pháp, đời này đời khác không thể xuất ly, thành Đẳng Chánh Giác. Bồ Tát vì muốn thu phục và làm cho căn lành của họ thành thục, lại có chúng sinh có khả năng làm pháp khí, có khả năng thành đạo, Bồ Tát liền hiện thành Đẳng Chánh Giác đến thành Ba La Nê Tư thị hiện ba lần chuyển pháp luân mười hai hành.

Thiện Nam! Nếu các hữu tình cần nghe Niết Bàn để điều phục thì Bồ Tát liền thị hiện đại bát Niết Bàn để điều phục họ. Vì nhân duyên này mà Bồ Tát ở cung Trời Đổ Sử Đa tối thắng thị hiện ẩn mất cho đến thị hiện đại bát Niết Bàn.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được thần thông diệu dụng.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có khả năng lìa tám nạn.

Những gì là mười?

1. Lìa bỏ pháp bất thiện.

2. Đối với những học xứ Như Lai dạy không bao giờ trái nghịch.

3. Lìa xa tham lam keo kiệt.

4. Đã từng cúng dường Chư Phật Như Lai.

5. Chuyên cần tu phước nghiệp.

6. Trí tuệ viên mãn.

7. Được phương tiện thiện xảo.

8. Bản nguyện đầy đủ.

9. Chán lìa pháp thế gian.

10. Siêng năng tinh tấn.

Này thiện nam! Vì Bồ Tát đã lìa các nghiệp ác nên không đọa vào địa ngục. Các hữu tình sinh vào địa ngục chịu vô lượng khổ bứt rứt sinh tâm sân giận. Bồ Tát không như thế là vì đã thành thục tánh mười đạo nghiệp thiện, cho nên không bao giờ sinh vào địa ngục.

Này thiện nam! Bồ Tát đối với học xứ của Như Lai không trái nghịch, nên không đọa vào đường súc sanh, còn người nào sinh vào trong đó thì chịu khổ não nung nấu không cùng tột.

Này thiện nam! Bồ Tát không tham lam keo kiệt nên không sinh vào đường ngạ quỷ, còn người nào sinh vào trong đó sẽ chịu khổ não đói khát nung nấu.

Thiện Nam! Bồ Tát đã từng hầu hạ, thờ kính, cúng dường Chư Phật Như Lai nên không sinh vào nhà tà kiến. Nếu sinh vào trong đó thì các duyên không đủ, không được gần gũi tri thức thiện, cho nên Bồ Tát không sinh vào trong đó. Vì thế, Bồ Tát được sinh vào nhà chánh kiến, các duyên đầy đủ, gặp tri thức thiện tu hành pháp thiện, căn lành tăng trưởng rộng lớn thù thắng.

Này thiện nam! Các căn của Bồ Tát hoàn toàn không khiếm khuyết, nếu khiếm khuyết thì đối với pháp Phật chẳng phải là pháp khí. Nhưng vì Bồ Tát đã tích tập phước nghiệp nên đối với Phật, Pháp, Tăng và tháp thờ Phật hầu hạ, thờ kính, cúng dường, các căn lành được đầy đủ, có khả năng làm pháp khí.

Này thiện nam! Bồ Tát không sinh nơi biên địa.

Vì sao?

Vì người ở biên địa đần độn, ngu si giống như dê câm. Những kẻ như vậy đối với nghĩa thiện ác không thể hiểu biết, bất hiếu cha mẹ, không kính Sa Môn, Bà La Môn. Vì thế, Bồ Tát thường sinh nơi trung tâm của nước thông minh trí tuệ, rõ biết thấu đạt, đối với pháp Phật có thể làm bậc pháp khí.

Này thiện nam! Bồ Tát không sinh ở Cõi Trời Trường thọ, nếu sinh vào cõi ấy thì không gặp được vô lượng Chư Phật xuất hiện ở đời, không chứng được đạo chẳng có lợi ích. Cho nên, Bồ Tát sinh vào Cõi Dục gặp Phật ra đời thừa sự cúng dường, tạo mọi lợi ích cho chúng sinh.

Vì sao?

Vì Bồ Tát có thể được phương tiện thiện xảo.

Thiện Nam! Bồ Tát không sinh vào cõi không có Phật, vì trong đó không có Phật, Pháp, Tăng để cúng dường, nên Bồ Tát thường sinh vào Cõi Phật có đủ Tam Bảo.

Vì sao?

Vì các Bồ Tát đầy đủ bản nguyện.

Này thiện nam! Bồ Tát nghe những nạn xứ ấy hết lòng nhàm chán lìa bỏ, tùy loại như vậy được xa lìa rồi tu chuyên cần tinh tấn được các pháp lành, dứt hẳn tất cả các pháp bất thiện.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì xa lìa tám nạn.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được tâm Bồ Đề không thoái chuyển.

Những gì là mười?

1. Xa lìa sự lừa dối dua nịnh.

2. Chất trực thanh tịnh xa lìa các nghi hoặc.

3. Xa lìa tầm tay thầy.

4. Xa lìa pháp keo kiệt.

5. Không gây nhân duyên diệt chánh pháp.

6. Như thuyết thực hành chẳng bao giờ hư dối.

7. Gìn giữ đại thừa.

8. Đối với người đại thừa thường sinh tưởng nghĩ tôn trọng đồng như pháp.

9. Hướng đến đại thừa, tùy thuận ngộ nhập.

10. Đối với Pháp Sư nghĩ tưởng như tri thức thiện.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được tâm bồ đề không thoái chuyển.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được trí túc trụ tùy miên.

Những gì là mười?

1. Hầu hạ thờ kính Chư Phật.

2. Gìn giữ chánh pháp.

3. Trì giới thanh tịnh.

4. Chẳng làm ác.

5. Không bị chướng ngại.

6. Hoan hỷ vô lượng.

7. Tu hành nhiều.

8. Được Tam Ma Địa.

9. Được hóa sinh.

10. Tâm thức không ngu si.

Này thiện nam! Do Bồ Tát hầu hạ thờ kính vô lượng Chư Phật nên tôn trọng chánh pháp. Đối với chánh pháp thọ trì, đọc tụng, giảng nói cho mọi người, không nghĩ đến thân mạng, chuyên cần tu chánh pháp nên được giới, nghĩa là giới thân, khẩu, ý được thanh tịnh.

Do giới thanh tịnh nên không làm ác, do không làm ác nên không bị chướng ngại, do không chướng ngại nên được hoan hỷ vô lượng.

Do hoan hỷ vô lượng nên tu hành nhiều, do tu hành nhiều nên được Tam Ma Địa, do được Tam Ma Địa nên có khả năng hướng đến thanh tịnh, do thanh tịnh nên hằng được hóa sinh, do hóa sinh nên tâm thức không ngu si, do không ngu si nên sinh trí ức niệm, do đó mà có khả năng ức niệm nhiều đời, một đời hai đời cho đến vô lượng trăm ngàn đời.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được trí túc trụ tùy niệm.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì không lìa tri thức thiện.

Những gì là mười?

1. Thấy Phật, nghe Phật, niệm Phật.

2. Lắng nghe chánh pháp.

3. Phục vụ Chúng Tăng.

4. Luôn thăm hỏi Chư Phật và Bồ Tát.

5. Thường gần gũi thầy thuyết pháp để nghe nhiều.

6. Thường lắng nghe các Ba La Mật Đa.

7. Hằng nghe pháp bồ đề phần.

8. Hằng nghe ba môn giải thoát.

9. Hằng nghe bốn phạm hạnh.

10. Hằng nghe tánh nhất thiết trí.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được gần gũi tri thức thiện.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì xa lìa tri thức ác.

Những gì là mười?

1. Xa lìa người hủy phạm giới cấm.

2. Xa lìa người phá kiến.

3. Xa lìa người hủy hoại oai nghi.

4. Xa lìa người tà mạng.

5. Xa lìa người thích ở nơi ồn ào.

6. Xa lìa người lười biếng.

7. Xa lìa người tham đắm sinh tử.

8. Xa lìa người quay lưng lại với Chánh Giác.

9. Xa lìa người luyến ái sự nghiệp gia đình.

10. Xa lìa tất cả phiền não.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần