Phật Thuyết Kinh Biện ý Trưởng Giả Tử Sở Vấn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Tràng, Đời Hậu Ngụy

PHẬT THUYẾT KINH

BIỆN Ý trưởng giả TỬ SỞ VẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Tràng, Đời Hậu Ngụy  

Nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật cùng với một vạn vị Bồ Tát và một ngàn hai trăm năm mươi vị Sa Môn, ở tại vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn thường giảng nói pháp cho vô số đại chúng cùng vây quanh.

Khi ấy, ở trong thành có con của đại trưởng giả tên là Biện Ý và năm trăm người con của các trưởng giả khác, mỗi người đều đem theo năm trăm người hầu cùng nhau đi đến chỗ Đức Phật. Đến nơi, cung kính, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi sang một bên.

Lúc ấy, Biện Ý con đại trưởng giả thấy mọi người đều ngồi yên, mới nương theo oai thần của Đức Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trang nghiêm đến đảnh lễ trước Đức Phật, rồi quỳ gối chắp tay, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con có điều muốn thưa hỏi, cúi mong Đức Thế Tôn thương xót giảng giải cho con.

Đức Thế Tôn là Đấng Chí Chân, thần thông biến hóa, đạo đức không gì hơn, ở trong ba cõi tìm cách giảng giải, dẫn dắt, cứu độ chúng sinh, khiến cho họ đến với giáo pháp của Đức Phật. Nhưng về sau, vào đời ác năm trược, bị ba độc sôi sục, thiêu đốt, không còn trật tự trên dưới, đối xử nhau với lòng ác độc.

Thời điểm ấy, các hàng Vua Chúa, quần thần vì tham lam ngôi Vua mà khởi binh đánh nhau, gây nên cảnh chết chóc, lúc ấy tai họa ập đến dân lành.

Nếu bốn chúng đệ tử Phật, nhờ ân đức của Phật mà được vào đạo, bề ngoài tuy mặc áo pháp nhưng trong lòng ganh ghét không có sự kính thuận, trở lại chê bai lẫn nhau, hiển bày việc xấu, ngăn chận việc tốt, cao ngạo coi khinh người khác thì những hạng người này đều là phần tử ở trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, chỉ vì lợi ích một lúc mà không biết tai họa bao kiếp về sau.

Thế thì phải dùng phương pháp gì để giáo hóa họ?

Cúi xin Đức Thế Tôn trình bày đầy đủ những phương pháp giáo hóa, để cho những người ở đời vị lai nhờ phước đức ấy mà thoát khỏi ba đường ác, an vui vĩnh viễn.

Đức Phật khen: Lành thay, lành thay! Này Biện Ý! Ông đã đứng trước Đức Thế Tôn tạo nên tiếng gầm của Sư Tử, thưa hỏi về phương pháp khai hóa cho tất cả, để những kẻ hung ác, ngu si ở đời vị lai, nhờ phương pháp ấy mà được an vui. Những điều ông muốn hỏi, chớ có hoài nghi, Như Lai sẽ vì ông mà phân biệt giảng nói.

Biện Ý lại thưa hỏi Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà người ta được sinh lên Cõi Trời?

Vì nhân duyên gì sinh trong loài người?

Vì nhân duyên gì đọa vào địa ngục?

Vì nhân duyên gì bị đọa trong loài ngạ quỷ?

Vì nhân duyên gì bị đọa trong loài súc sinh?

Vì nhân duyên gì được sinh vào hàng tôn quý, được mọi người kính trọng?

Vì nhân duyên gì sinh trong hàng tôi tớ bị người sai khiến?

Vì nhân duyên gì sinh trong hàng thứ dân, nhưng hơi miệng lại thơm tho, sạch sẽ, thân tam thường an vui, không bị chê bai, được mọi người khen ngợi?

Vì nhân duyên gì được sinh trong loài người, nhưng thường bị người khác ghét bỏ, chê bai, hình dáng xấu xa, thân tâm không yên ổn, thường lo lắng, sợ hãi?

Vì nhân duyên gì sinh ở nơi thường được gặp Phật, nghe Pháp, vâng giữ giới luật, gặp gỡ hàng tri thức, đạt được tâm thiện?

Nếu làm Sa Môn thì thường đạt được điều mong muốn?

Những điều con hỏi như thế, cúi xin Đức Thế Tôn phân biệt, giảng giải, khiến cho mọi người ở trong chúng hội này đều được nghe chánh giáo, mong cho tất cả đều được cứu giúp đến chỗ an vui.

Đức Phật bảo: Này Biện Ý! Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ. Ta sẽ vì ông giảng nói về pháp vi diệu cần thiết. Có năm việc, ai thực hành sẽ được sinh lên Cõi Trời.

Năm việc đó là gì?

1. Tâm thương yêu, không giết hại chúng sinh, trái lại biết nuôi dưỡng mạng sống loài vật, để cho chúng được an ổn.

2. Hiền lành, không trộm cắp tài vật của người khác, trái lại phải biết bố thí, không tham lam keo kiệt, cứu giúp những kẻ khốn khổ.

3. Trong sạch, không phạm vào thân thể người nam hoặc người nữ, siêng năng ăn chay giữ giới.

4. Có lòng tin ngay thẳng, không lừa dối người khác, giữ gìn bốn lỗi của miệng, không được tham lam, dối trá.

5. Không được uống rượu, không tạo điều kiện để miệng gây điều không tốt.

Đó là năm việc, làm được sẽ sinh lên Cõi Trời.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Không giết, được sống lâu

Không bệnh, thường khỏe đẹp

Tất cả sinh Cõi Trời

Thân vui, ánh sáng tỏa.

Không trộm, thường giàu sang

Của cải tự nhiên đủ

Cung điện bằng bảy báu

Lòng luôn được an vui.

Nam nữ không tham đắm

Thân thơm, thể trong sạch

Thường sinh thân đoan nghiêm

Đức hạnh tự sáng ngời.

Không dối, hơi miệng thơm

Nói năng thường thông suốt

Luận bàn luôn trôi chảy

Lời nói nhiều người nghe.

Rượu, thịt không được dùng

Ý không bị rối loạn

Dù sinh ở nơi đâu

Trời, người thường theo hầu.

Khi người ấy qua đời

Hai lăm vị thần lớn

Năm phước tự nhiên đến

Ánh sáng rất rạng ngời.

Đức Phật bảo: Này Biện Ý! Lại có năm việc, nếu ai làm được sẽ sinh trong loài người.

Năm việc đó là gì?

1. Bố thí của cải cho kẻ khốn khổ.

2. Giữ giới, không phạm mười điều ác.

3. Nhẫn nhục, không làm náo loạn tâm ý chúng sinh.

4. Tinh tấn, khuyến hóa, không được biếng nhác.

5. Nhất tâm giữ trọn trung hiếu.

Đó là năm việc, làm được sẽ sinh trong loài người, sẽ được giàu sang, sống lâu, oai đức đoan nghiêm… được làm Vua trong loài người, được tất cả cung kính hầu hạ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Bố thí được giàu sang

Tiền của luôn dư giả

Thường sinh nơi tôn quý

Hưởng tài sản của cha.

Thường giữ giới đầy đủ

Lãnh thọ ba ngôi báu

Hết lòng không làm ác

Để mạng sống được lâu.

Nhẫn nhục, không phiền ai

Không tức giận người nào

Bị đánh, không đánh trả

Thường sinh nơi đoan chánh.

Siêng năng không biếng nhác

Luôn nhớ hạnh phải làm

Thường sinh nơi quyền quý

Được làm tướng triều đình.

Một lòng không thoái chuyển

Trung tín nhớ kỹ càng

Phụng sự các tôn trưởng

Sinh nơi không khổ nhọc.

Thực hành năm việc này

Đời sau được làm Vua

Sắc tài đều đứng đắn

Tướng dũng mãnh tự có.

Đức Phật bảo: Này Biện Ý! Lại có năm việc, nếu ai làm theo thì khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục, trải qua ức kiếp mới ra khỏi.

Năm việc đó là gì?

1. Không tin có Phật, Pháp, Tăng, chê bai khinh thường, hủy hoại Thánh đạo.

2. Đập phá tượng Phật, chùa chiền, tôn miếu.

3. Ở trong bốn chúng mà trở lại chê bai làm hại nhau, không tin tội lỗi, tai họa, không có tâm tôn kính nhường nhịn.

4. Thường chống đối nhau, không biết kẻ trên người dưới, Vua tôi, cha con không hòa thuận nhau.

5. Đời vị lai có người muốn tu đạo, được tu đạo rồi lại không vâng theo lời dạy của sư trưởng, tự cho mình là hơn hết, khinh khi, cao ngạo, chê bai sư trưởng.

Đó là năm việc, nếu ai làm thì chết bị đọa vào địa ngục, xoay vần mãi trong đó, không có kỳ hạn ra khỏi.

Đức Thế Tôn bèn nói kệ:

Người ngu si ở đời

Không tin Phật, Pháp, Tăng

Ý ngu muốn hủy hoại

Bảo Phật không thần lực.

Gặp các việc thiện, ác

Nên tạo ra các tội

Đập phá đền thờ thần

Lợi ít, mắc tội nhiều.

Đời sau trong bốn chúng

Ôm lòng độc ghét ganh

Vì danh lợi hại nhau

Không biết sau tội nặng.

Những người ác ở đời

Cha, con ganh ghét nhau

Vì của cải, lợi danh

Không có tâm kính thuận.

Vị lai những người ác

Nếu có làm Sa Môn

Không vâng lời thầy dạy

Chết mắc tội rất nặng.

Người tạo năm việc này

Tội họ nói không hết

Ức kiếp trong địa ngục

Chư Phật không thể cứu.

Này Biện Ý! Lại có năm việc, ai làm sẽ bị đọa trong loài ngạ quỷ.

Năm việc đó là gì?

1. Tham lam keo kiệt, không muốn bố thí cho người khác.

2. Trộm cắp, không hầu hạ nuôi dưỡng cha mẹ.

3. Ngu si, không có lòng thương.

4. Gom giữ của cải vật dụng, không dám ăn mặc.

5. Không cung cấp cho cha mẹ, anh em, vợ con, tôi tớ.

Đó là năm việc, nếu ai làm thì khi chết sẽ bị đọa trong loài ngạ quỷ.

Lúc này, Đức Thế Tôn nói kệ:

Keo kiệt không bố thí

Không nuôi dưỡng cha mẹ

Gom chứa sợ bỏ sót

Không thương kẻ yếu già.

Vợ con và tôi tớ

Thảy đều không cung cấp

Giữ tài sản đến chết

Đọa ngạ quỷ rất khổ.

Thân không có áo mặc

Bụng lớn, cổ như kim

Đi kiếm ăn khắp nơi

Đồng sôi rót vào miệng.

Không muốn uống nước đồng

Vả miệng, ép phải uống

Một ngụm vào trong bụng

Gan, ruột, phổi… chín nhừ.

Chịu khổ nhọc như thế

Trải qua mấy vạn năm

Hết tội mới được ra

Sinh làm người nghèo hèn.

Này Biện Ý! Lại có năm việc, ai tạo ra thì bị đọa trong loài súc sinh.

Năm việc đó là gì?

1. Phạm giới, lén trộm cắp.

2. Mắc nợ nhưng chống cự không trả.

3. Thích giết hại để nuôi dưỡng thân mình.

4. Không thích nghe và lãnh thọ Kinh pháp.

5. Luôn viện cớ việc bố thí, ăn chay giữ giới là khó làm để kết duyên với đời.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Thường lén lút trộm cắp của người

Nợ tiền không trả còn chống cự

Thích giết hại, săn bắn, chài lưới

Tạo duyên đời chẳng gặp pháp hội.

Không tin thành thật không biết đạo

Việc quá khứ, hiện tại, vị lai

Tạo các tội mà mình chẳng biết

Chút ít lần hồi đọa súc sinh.

Làm trâu, ngựa, voi, lừa, lạc đà

Heo, dê, chó… nhiều không tính đếm

Đã mang nặng chết còn lột da

Khổ lắm thay! Không thể chịu nổi.

Này Biện Ý! Lại có năm việc, ai thực hành sẽ thành người cao quý, được mọi người kính trọng.

Năm việc đó là gì?

1. Ban phát và mang lại điều tốt lành cho khắp mọi nơi.

2. Kính lễ Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng và các bậc trưởng lão.

3. Nhẫn chịu, không có tức giận.

4. Nhu hòa, khiêm tốn, nhún nhường.

5. Học rộng, nghe nhiều, đọc tụng Kinh và giữ giới.

Đó là năm việc, nếu thực hành thì làm người tôn quý, được mọi người kính trọng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Tâm bình đẳng bố thí

Cứu khắp chúng được yên

Đẹp, khỏe, thọ, không bệnh

Họ hàng đều nhờ ân.

Người kính Phật, Pháp, Tăng

Thờ lạy các tôn trưởng

Sinh vào hàng tôn quý

Thường được mọi người lạy.

Nhịn nhục không giận dữ

Cả đời được ngay thẳng

Mọi người thấy vui mừng

Ngắm hoài không biết chán.

Tâm điều phục nhu hòa

Khiêm nhường và kính thuận

Học hỏi, tụng thuộc Kinh

Mới được người tôn quý.

Này Biện Ý! Lại có năm việc, nếu ai làm thì bị sinh trong hạng thấp hèn, làm kẻ tôi tớ.

Năm việc đó là gì?

1. Kiêu mạn, không hiếu thuận với cha mẹ.

2. Ương ngạnh, không có cung kính.

3. Buông lung, không lễ lạy Tam Bảo.

4. Sinh sống bằng nghề trộm cắp.

5. Mắc nợ, trốn tránh không trả.

Đó là năm việc, nếu làm sẽ sinh trong hạng thấp hèn, làm kẻ tôi tớ.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Như có người ngu đần

Kiêu mạn với song thân

Không có tâm cung kính

Đời sau sinh thấp hèn.

Tam Bảo không thờ lạy

Ương ngạnh với tôn trưởng

Không xót thương người khác

Đời sau làm nô tỳ.

Buông thả tâm ý mình

Trộm cắp tài vật người

Nợ nần không muốn trả

Sau sinh trong tôi tớ.

Ăn mặc dựa vào chủ

Sai khiến chẳng thảnh thơi

Gắng công trả nợ chủ

Tội hết mới được ra.

Này Biện Ý! Lại có năm việc, ai thực hành thì được sinh trong hạng người hơi miệng thơm sạch, thân tâm thường an vui, không bị chê bai, được mọi người khen ngợi.

Năm việc đó là gì?

1. Rất thành thật, không lừa dối người khác.

2. Tụng Kinh, không có sự phân biệt đây, kia.

3. Giữ gìn lời nói, không nhạo báng Thánh đạo.

4. Khuyên dạy người bỏ việc ác, làm việc thiện.

5. Không soi mói việc tốt, xấu của người khác.

Đó là năm việc, làm được sẽ sinh trong hạng người hơi miệng thơm sạch, thân tâm thường an vui, không bị chê bai, được mọi người khen ngợi.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Cung kính ba ngôi báu

Không ngạo nghễ song thân

Chân thành không dối trá

Làm thế được người kính.

Giữ lời không chê bai

Tâm bình đẳng tất cả

Khuyên người xa nghiệp ác

Tụng thuộc, nhớ Kinh pháp.

Không khinh khi người đời

Kính nhau như cha mẹ

Ngăn ác, tăng điều thiện

Như thế mau thành Phật.

Này Biện Ý! Lại có năm việc, nếu có ai làm thì sau này sinh trong loài người thường bị mắng nhiếc, bị người ghét bỏ, hình dáng xấu xí, tâm ýa không an, thường ôm lòng sợ hãi.

Năm việc đó là gì?

1. Thường không có lòng chan thật, lừa dối người khác.

2. Trong pháp hội có người thuyết pháp lại chê bai người ấy.

3. Thấy bạn đồng học thì khinh thường và tìm cách để thử họ.

4. Không theo sự hướng dẫn tốt của người khác, nên làm việc gì cũng đều sai.

5. Nói hai lưỡi để hai bên đánh nhau.

Đó là năm việc, nếu làm thì sau này sinh trong loài người, thường bị mắng nhiếc, bị người ghét bỏ, hình dáng xấu xí, tâm ý không an, thường ôm lòng sợ hãi.

Lúc này, Đức Thế Tôn noi kệ:

Lừa dối mê hoặc chúng

Không có tâm chân thật

Tâm, miệng tạo ra nghiệp

Khiến thân chịu tội nặng.

Nếu đọa trong địa ngục

Móc sắt kéo lưỡi ra

Nước đồng rót vào miệng

Sớm tối chẳng nghỉ ngơi.

Nếu đời này làm người

Hơi miệng thường tanh hôi

Người gặp đều không thích

Không dịu dàng vui vẻ.

Thường gặp việc đến quan

Bị bàn tán chê cười

Mắc phải các ách nạn

Tâm ý chẳng được yên.

Chết đọa vào địa ngục

Ra khoi làm súc sinh

Xoay chuyển trong năm đường

Không thoát khỏi ách nạn.

Này Biện Ý! Lại có năm việc, ai thực hành sẽ sinh vào nơi thường được gặp Phật, Pháp, Tăng, khởi đầu không có gì sai trái, gặp Phật, nghe pháp, liền được tâm thiện. Nếu làm Sa Môn thì đạt được điều mong muốn.

Năm việc đó là gì?

1. Tự mình vâng theo Tam Bảo, khuyên người khác thờ lạy.

2. Tạo hình tượng Phật, phải làm cho sáng đẹp.

3. Thường vâng theo lời dạy bảo của thầy, không phạm giới đã thọ.

4. Thương yêu khắp tất cả chúng sinh cũng như thân mình, thương yêu như con đỏ.

5. Kinh pháp đã thọ, sớm chiều đọc tụng.

Đó là năm việc, để sinh về nơi thường được gặp Phật, Pháp, Tăng, khởi đầu không có gì sai trái, gặp Phật, nghe Pháp, liền được tâm thiện. Nếu làm Sa Môn thì đạt được điều mong muốn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Người phụng kính Tam Bảo

Giáo hóa khuyên lạy, thờ

Tạo hình tượng Phật đẹp

Vâng lời các Tôn Sư.

Nên xem cả mọi người

Như thân mình chẳng khác

Mình, người đều bình đẳng

Làm thế gặp được Phật.

Sớm tối thường học hỏi

Trí tuệ là quý nhất

Mở bày kẻ ngu dốt

Khiến đều hiểu chân đạo.

Sau khi nghe Đức Phật giảng nói về nghĩa nơi pháp chính yếu của năm mươi việc, Biện Ý liền vô cùng vui mừng, đạt được pháp nhẫn. Năm trăm người con của trưởng giả đều đạt được pháp nhãn thanh tịnh, những người trong pháp hội đều đạt được chí nguyện.

Lúc ấy, Biện Ý liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Đức Phật, quỳ gối chắp tay, bạch: Lành thay! Bạch Thế Tôn! Ngài đã vui vẻ giảng nói pháp này để cho những người trong pháp hội đều được nghe và để cứu độ ách nạn cho mai sau.

Giờ ngọ ngày mai, kính thỉnh Đức Thế Tôn và cả đại chúng ở trong hội này quá bước đến nhà con, trong một xóm nghèo để thọ thực. Khi ấy, Đức Thế Tôn yên lặng nhận lời, Biện Ý đảnh lễ Đức Phật rồi vui vẻ ra về.

Biện Ý về đến nhà, thưa với cha mẹ: Hôm nay, con thỉnh được một vị hiếm có trong loài người, gọi là Như Lai Pháp Sư Vô Thượng, cả ba cõi không ai sánh bằng.

Biện Ý liền bảo vợ mình sửa soạn đồ ăn uống, chuẩn bị đầy đủ cho bữa cúng dường. Hôm sau, Đức Thế Tôn cùng cả đại chúng đi đến nhà của Biện Ý, vào đúng chỗ ngồi ngay ngắn.

Khi thấy Đức Thế Tôn và cả đại chúng đã an tọa, Biện Ý và cha mẹ, quyến thuộc cùng đến trước đảnh lễ sát chân Phật, mỗi người tự cung kính hầu hạ. Biện Ý đứng dậy đi lấy nước cho Đức Phật và đại chúng rửa tay, rồi hết lòng cung kính dâng thức ăn.

Phật và đại chúng thọ trai chưa xong, có một cậu bé ăn xin đến trước các tòa, lần lượt xin ăn. Vì Đức Phật chưa chú nguyện nên không ai dám cho.

Cậu bé xin khắp, không được, nên tức giận, liền sinh suy nghĩ ác: Các Sa Môn này buông lung, đâu có đạo đức gì?

Còn kẻ nghèo theo xin thì dửng dưng không cho, trưởng giả mê lầm đem cơm cho họ, đây chẳng phải là lòng thương xót. Ta mà được làm Vua, sẽ dùng xe bánh sắt cán đứt đầu họ, nói rồi bỏ đi.

Đức Phật nhận phẩm vật cúng dường xong, có một cậu bé ăn xin khác lại vào xin ăn, trong buổi thọ trai mọi người đều cho nên được rất nhiều cơm, thức ăn, cậu ta vui vẻ ra về, liền phát sinh suy nghĩ thiện: Các Sa Môn này đều có lòng từ, thương ta nghèo khổ, cho ăn no nê, cứu giúp được mấy hôm.

Hay thay, trưởng giả mới có khả năng làm việc cúng dường, ông ta chẳng khác gì Bồ Tát, phước ấy vô lượng. Ta mà được làm Vua, sẽ cúng dường Đức Phật và chúng Tăng suốt trong bảy ngày, để báo đáp ân cứu giúp đói khát hôm nay, nói rồi liền đi.

Đức Phật thọ trai xong, thuyết giảng pháp rồi trở về Tinh Xá.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Từ nay về sau, nhận đồ cúng dường xong mới thọ trai, lấy đó làm khuôn phép.

Bấy giờ, hai cậu bé ăn xin, lần lượt đi xin ăn qua đến một nước khác, nằm nghỉ nơi đám cỏ rậm bên đường. Vừa lúc Vua nước ấy bỗng nhiên qua đời nhưng không có người nối ngôi.

Lúc này, trong nước có một thầy xem tướng, thông thạo về tướng pháp, mới tiên đoán: Hiện nay, có kẻ nghèo khổ là người có mạng làm Vua. Quần Thần, bá quan, ngàn xe, vạn ngựa, lần lượt đi khắp các cõi nước tìm người nào ứng với mạng làm Vua.

Nhìn thấy trong đám cỏ rậm bên đường, có đám mây che ở trên, thầy tướng xem rồi nói: Trong đó có vị thần. Liền cho người tìm và thấy một cậu bé ăn xin, có tướng ứng với Bậc Vua. Quần Thần liền cúi lạy, ra mắt và mọi người đều xưng là thần.

Cậu bé ăn xin Kinh hãi nói: Tôi là kẻ hạ tiện, chẳng phải là dòng Vua chúa.

Quần Thần đều thưa: Đã ứng với tướng làm Vua, không nên từ chối.

Liền gội đầu, tắm rửa cho cậu bé đó bằng nước ấm thơm, mặc áo của Vua, dáng vóc rất uy nghiêm, xứng với vô lượng phước lành, rồi dẫn cả đoàn người quay xe về nước.

Lúc ấy, cậu bé ăn xin có suy nghĩ ác kia, đang nằm ngủ say trong đám cỏ rậm, không hay biết gì, bị xe cán đứt đầu.

Vua về rồi thì trong nước âm dương điều hòa, khí hậu bốn mùa đều hưng thịnh, muôn dân an cư lạc nghiệp, ca tụng đức độ của Vua.

Một hôm, Vua tự nghĩ: Thuở trước, mình là một kẻ nghèo khổ.

Vì nhân duyên gì mà được làm Vua?

Nhớ thuở ấy, đi ăn xin, nhờ ân của Phật, được nhiều thức ăn, liền sinh suy nghĩ tốt: Ta được làm Vua sẽ cúng dường Đức Phật suốt bảy ngày. Nhờ ân đức của Phật, hôm nay ta đã được làm Vua.

Vua liền cho tập họp quần thần, đốt hương, hướng về nước Xá Vệ đảnh lễ và sai sứ giả đến thưa thỉnh Đức Phật: Nhờ ân của Thế Tôn nên được làm Vua, khát khao mong được Thế Tôn đến giáo hóa cho những người ngu muội của nước này, để họ nghe được những lời chỉ dạy của Thế Tôn.

Lúc đó, nhận lời thỉnh của vị quốc vương kia, Đức Phật bảo với đệ tử: Hãy nhận lời thỉnh mời của vị Vua ấy.

Đức Phật cùng rất đông các đệ tử đi đến nước ấy. Bấy giờ, Vua cùng với các quần thần ra tiếp đón, cúi đầu lạy sát chân Phật, đốt hương, rải hoa, tấu nhạc để cúng dường. Đức Phật vào trong cung điện đi đến chỗ ngồi, Vua đi lấy nước, thức ăn cúng dường, khoảnh khắc đã xong.

Lúc ấy, quốc vương đảnh lễ Đức Phật, thưa: Con vốn là hạng người thấp hèn. Có phước lành gì mà được hưởng quả vị này, ngưỡng mong Thế Tôn Giảng nói, để muôn dân trong nước này nhờ đó mà được mở mang sự hiểu biết.

Đức Phật bảo Vua: Này Đại Vương! Trước đây, trong nước Xá Vệ, có con nhà trưởng giả tên là Biện Ý, mở hội thí lớn, thỉnh Phật và chúng Tăng.

Lúc đó, Phật ngồi yên thọ thực nhưng chưa nhận phẩm vật cúng dường, có một cậu bé hành khất đến xin ăn, xin một loạt mà không được gì liền tức giận bỏ đi, khởi sinh suy nghĩ ác: Nếu ta được làm Vua, sẽ dùng xe bánh sắt cán đứt đầu họ.

Sau đó, có một cậu bé ăn xin khác đến, xin được rất nhiều thức ăn, ra về liền khởi sinh suy nghĩ thiện: Nếu ta được làm Vua, sẽ cúng dường các vị Thánh tăng này suốt bảy ngày.

Cậu bé khởi suy nghĩ thiện ấy, chính là Vua hôm nay. Còn cậu bé sinh suy nghĩ ác kia, lúc ngủ say trong đám cỏ rậm, khi Vua nhận ngôi rồi quay xe về nước, đoàn xe đã cán đứt đầu cậu ta.

Cậu ấy chết, đọa vào địa ngục, bị xe lửa cán, trải qua ức kiếp mới khỏi. Hôm nay, Vua thỉnh Phật để báo đáp lời thệ quá sâu dày, đời đời thọ phước khong hết.

Lúc này, Đức Thế Tôn nói kệ:

Tâm người là cội độc

Miệng là cửa tai họa

Tâm nghĩ và lời nói

Thân chịu tội họa thay.

Kẻ ác không nghĩ tốt

Mình làm, mình chịu tội

Ý muốn hại người khác

Không ngờ xe cán mình.

Tâm tạo pháp cam lồ

Khiến người sinh lên trời

Tâm nghĩ và lời nói

Thân thọ phước đức ấy.

Người nghèo có nghĩ tốt

Tự làm yên thân mình

Tâm nghĩ đều là tốt

Như Vua được ngôi cao.

Khi nghe Kinh, quốc vương rất vui vẻ, Quần Thần và muôn dân trong cả nước đều đạt được quả Tu Đà Hoàn. Cúng dường Đức Phật suốt bảy ngày xong, Đức Phật ra về. Vua, Quần Thần và muôn dân đều vui vẻ đảnh lễ tiễn đưa.

Đức Thế Tôn vừa về đến tinh xá ở vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ thì Hiền Giả A Nan, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Đức Phật, quỳ gối bạch: Bạch Thế Tôn! Kinh hôm nay nên gọi tên là gì? 

Thọ giữ như thế nào?

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Kinh này gọi là Những điều Biện Ý con trưởng giả đã hỏi, nên theo đấy mà thọ giữ. Cũng gọi là nghĩa thiết yếu của các pháp.

Đức Phật lại bảo Tôn Giả A Nan: Nếu có thiện nam, thiện nữ nào thực hành, vâng giữ, đọc tụng, truyền dạy Kinh này cho đời sau và bảo người khác lãnh thọ giữ gìn thì phước của người ấy như phước của người hầu hạ thân Phật không khác. Người tụng Kinh này về sau sẽ được Phật Di Lặc thọ ký. Như Lai có tướng lưỡi rộng dài nên lời nói không hư dối.

Đức Phật giảng nói Kinh xong, các chúng Trời, Rồng, Quỷ, Thần, bốn chúng đệ tử Phật, nghe Kinh đều vui vẻ, đảnh lễ Đức Phật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần