Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Bổn Nghiệp - Phẩm Bảy - Phẩm đại Chúng Thọ Học

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC BỔN NGHIỆP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BẢY 

PHẨM ĐẠI CHÚNG THỌ HỌC  

Bấy giờ, Bồ Tát Kính Thủ đảnh lễ Chư Phật, thay mặt đại chúng tóm tắt thưa hỏi về những nghĩa cốt yếu đã giảng nói trong bảy pháp hội. Bồ Tát tin thuận ba tạng Pháp Bảo.

Vì muốn một pháp không bị đoạn tuyệt, không vì danh lợi ở thế gian, muốn cho chánh pháp tồn tại lâu dài, nên Bồ Tát thưa Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Trước đây, Đức Phật thuyết giảng về nhân, về quả nơi tất cả kho tàng công đức của Hiền Thánh.

Hôm nay, đại chúng gồm mười bốn ức người, ai có thể không rời chỗ ngồi mà vẫn lãnh thọ đường lối tu hành từ trước đến sau, mỗi mỗi đều thực hành đầy đủ, tuần tự nhập vào quả vị Bồ Tát.

Lúc này, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ tướng nhục kế trên đảnh, phóng ra tất cả hào quang của Phật và Bồ Tát, nhằm triệu tập Chư Phật khắp mười phương, mỗi phương có đến trăm ức Cõi Phật, tất cả Chư Phật và Bồ Tát trong những cõi ấy đều vân tập đến.

Chính ngay vào lúc đó, ở giữa đại chúng, Đức Phật nói với các Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Pháp Tuệ, Bồ Tát Công Đức Lâm, Bồ Tát Kim Cang Tràng, Bồ Tát Kim Cang Tạng, Bồ Tát thiện Tài Đồng Tử: Các vị đã thấy Bồ Tát Kính Thủ ở giữa đại chúng thưa hỏi ba pháp quán về pháp giới.

Về đạo thanh tịnh nơi tự tánh của Chư Phật và pháp môn minh quán của các Bồ Tát cần phải tu hành. Các vị, bảy bậc Bồ Tát, mỗi vị lãnh thọ trăm vạn đại chúng, nên phải ghi nhận học quán như thế.

Này Phật Tử! Hôm nay ta lại nói thêm về pháp minh quán, đó là thứ lớp của lối vào sáu chủng tánh, ông hãy lắng nghe kỹ, tư duy tu tập các trí tuệ, khuyến khích đại chúng theo đó tu hành. Tất cả chúng sanh khi mới nhập vào biển Tam Bảo, phải dùng đức tin làm căn bản, khi vào nhà Phật rồi lấy giới làm gốc.

Này Phật Tử! Những thiện nam, thiện nữ, người không đủ các căn, kẻ huỳnh môn, dâm nam, dâm nữ, kẻ nô tỳ và hạng người biến hóa, khi mới bắt đầu làm hạnh Bồ Tát, thọ là đắc giới vì đều có tâm hướng thượng. Người nào đầu tiên phát tâm xuất gia, nối tiếp quả vị Bồ Tát, trước tiên phải thọ giới pháp chân chánh.

Giới là gốc rễ nơi kho tàng hàm chứa tất cả hạnh công đức, là hướng đúng đến con đường thành Phật, là gốc của các hạnh. Giới có công năng trừ diệt các việc cực ác như bảy kiến chấp, sáu thứ vướng mắc. Giới là gương sáng của chánh pháp.

Này Phật Tử! Hôm nay vì các Bồ Tát, ta kiết tất cả căn bản giới.

Đó là ba tụ tịnh giới ba môn thọ gồm: Nhiếp thiện pháp giới giới gồm thâu các pháp thiện, tức là tám vạn bốn ngàn pháp môn. Nhiếp chúng sanh giới giới thâu tóm các chúng sinh tức là từ, bi, hỷ, xả giáo hóa tất cả chúng sanh đều được an vui. Nhiếp luật nghi giới giới thâu gồm các luật nghi là mười pháp Ba La Di.

Này Phật Tử! Có ba cách thọ giới:

Một là đối trước Chư Phật, Bồ Tát hiện tiền mà thọ, liền được đắc giới chân thật phẩm thượng.

Hai là sau khi Chư Phật và Bồ Tát nhập diệt, trong vòng ngàn dặm có người trước đã thọ giới Bồ Tát, cung thỉnh bậc này làm vị giới sư trao giáo pháp cho mình.

Trước hết, phải đảnh lễ ngang chân vị đó, rồi thưa: Ngưỡng bạch Đại Đức Tôn Giả! Xin Đại Đức làm thầy truyền trao giới pháp cho con. Người đệ tử này đúng pháp được đắc giới, đó là đắc giới phẩm trung.

Thứ ba là sau khi Chư Phật nhập diệt, trong vòng ngàn dặm không có Pháp Sư, thì nên đối trước hình tượng Chư Phật và Bồ Tát, quỳ thẳng chấp tay tự thệ thọ giới.

Bạch như vậy: Con pháp danh là… ngưỡng bạch Chư Phật nơi mười phương và Bồ Tát đại địa, nay con xin thọ học giới của tất cả Bồ Tát. Bạch lần thứ nhất rồi, bạch lần thứ hai, lần thứ ba. Đây là giới thuộc phẩm hạ.

Này Phật Tử! Ba tụ tịnh giới có ba cách thọ giới như trên, Chư Phật quá khứ đã dạy, Chư Phật vị lai sẽ dạy, Chư Phật hiện tại đang dạy.

Các vị Bồ Tát quá khứ đã học, các vị Bồ Tát vị lai sẽ học, các vị Bồ Tát hiện tại đang học. Đây là giới pháp chân chánh của Đức Phật. Nếu tất cả Chư Phật, tất cả Bồ Tát không nhập vào pháp giới này để chứng quả vô thượng bồ đề, đạt đến ngôi vị bình đẳng như hư không thì sự kiện đó không bao giờ có.

Đức Phật lại bảo: Này Phật Tử! Hôm nay, ta chính thức nói về điều giới chính yếu. Các thiện nam, thiện nữ khi sắp thọ giới, trước tiên đảnh lễ Chư Phật ở đời quá khứ và nhiều kiếp ở quá khứ.

Đảnh lễ Chư Phật ở đời vị lai và nhiều đời ở vị lai. Đảnh lễ Chư Phật ở đời hiện tại và tất cả hiện tại. Đảnh lễ ba lượt như vậy rồi, tiếp đến đảnh lễ pháp, đảnh lễ Tăng cũng thế.

Sau đấy, dạy cho giới tử kính thọ bốn đức tin bất hoại, nương tựa bốn pháp quy y sau: Từ thân đời này đến thân sau cùng ở đời vị lai, quy y Phật, quy y giáo pháp, quy y Hiền Thánh Tăng và quy y pháp giới, nói như vậy đủ ba lần. Kế đó, phải dạy giới tử sám hối tội lỗi ở ba đời. Nếu đời hiện tại mà thân, miệng, ý tạo mười tội ác, con xin thành tâm sám hối, nguyện hoàn toàn không khởi cho đến cùng tận đời hiện tại.

Nếu đời vị lai mà thân, miệng, ý tạo mười tội ác, con xin thành tâm sám hối, nguyện hoàn toàn không khởi cho đến tận cùng đời vị lai. Nếu đời quá khứ mà thân, miệng, ý tạo mười tội ác, con xin thành tâm sám hối, nguyện hoàn toàn không khởi cho đến tận cùng đời vị lai.

Sám hối tội lỗi như vậy xong, ba nghiệp đều thanh tịnh như ngọc lưu ly, trong ngoài đều chiếu sáng, giới sư liền trao cho mười giới vô tận, bảo các giới tử hãy lắng nghe: Này Phật Tử! Từ thân đời này cho đến thân Phật.

Nơi tận cùng đời vị lai, trong thời gian đó không được giết mạng sống của người và vật. Nếu có vi phạm thì không phải là hạnh Bồ Tát, mất bốn mươi hai pháp Hiền Thánh, nên không được vi phạm.

Vậy người có thể giữ được không?

Người thọ giới đáp: Mô Phật, có thể giữ được.

Này Phật Tử! Từ thân đời này cho đến thân Phật, nơi tận cùng đời vị lai, trong thời gian đó không được cố ý nói dối. Nếu có vi phạm thì không phải là hạnh Bồ Tát, mất bốn mươi hai pháp Hiền Thánh, nên không được vi phạm.

Vậy người có thể giữ được không?

Người thọ giới đáp: Mô Phật, có thể giữ được.

Này Phật Tử! Từ thân đời này cho đến thân Phật, nơi tận cùng đời vị lai, trong thời gian đó không được cố ý dâm dục. Nếu có vi phạm thì không phải là hạnh Bồ Tát, mất bốn mươi hai pháp Hiền Thánh, nên không được vi phạm.

Vậy người có thể giữ được không?

Người thọ giới đáp: Mô Phật, có thể giữ được.

Này Phật Tử! Từ thân đời này cho đến thân Phật, nơi tận cùng đời vị lai, trong thời gian đó không được cố ý trộm cướp. Nếu có vi phạm thì không phải là hạnh Bồ Tát, mất bốn mươi hai pháp Hiền Thánh, nên không được vi phạm.

Vậy người có thể giữ được không?

Người thọ giới đáp: Mô Phật, có thể giữ được.

Này Phật Tử! Từ thân đời này cho đến thân Phật, nơi tận cùng đời vị lai, trong thời gian đó không được cố ý uống rượu. Nếu có vi phạm thì không phải là hạnh Bồ Tát, mất bốn mươi hai pháp Hiền Thánh, nên không được vi phạm.

Vậy người có thể giữ được không?

Người thọ giới đáp: Mô Phật, có thể giữ được.

Này Phật Tử! Từ thân đời này cho đến thân Phật, nơi tận cùng đời vị lai, trong thời gian đó không được cố ý nói tội lỗi của người xuất gia, tại gia Bồ Tát. Nếu có vi phạm thì không phải là hạnh Bồ Tát, mất bốn mươi hai pháp Hiền Thánh, nên không được vi phạm.

Vậy người có thể giữ được không?

Người thọ giới đáp: Mô Phật, có thể giữ được.

Này Phật Tử! Từ thân đời này cho đến thân Phật, nơi tận cùng đời vị lai, trong thời gian đó không được cố ý keo kiệt. Nếu có vi phạm thì không phải là hạnh Bồ Tát, mất bốn mươi hai pháp Hiền Thánh, nên không được vi phạm.

Vậy người có thể giữ được không?

Người thọ giới đáp: Mô Phật, có thể giữ được.

Này Phật Tử! Từ thân đời này cho đến thân Phật, nơi tận cùng đời vị lai, trong thời gian đó không được cố ý giận dữ. Nếu có vi phạm thì không phải là hạnh Bồ Tát, mất bốn mươi hai pháp Hiền Thánh, nên không được vi phạm.

Vậy người có thể giữ được không?

Người thọ giới đáp: Mô Phật, có thể giữ được.

Này Phật Tử! Từ thân đời này cho đến thân Phật, nơi tận cùng đời vị lai, trong thời gian đó không được cố ý hủy nhục người khác. Nếu có vi phạm thì không phải là hạnh Bồ Tát, mất bốn mươi hai pháp Hiền Thánh, nên không được vi phạm.

Vậy người có thể giữ được không?

Người thọ giới đáp: Mô Phật, có thể giữ được.

Này Phật Tử! Từ thân đời này cho đến thân Phật, nơi tận cùng đời vị lai, trong thời gian đó không được cố ý hủy báng Tam Bảo. Nếu có vi phạm thì không phải là hạnh Bồ Tát, mất bốn mươi hai pháp Hiền Thánh, nên không được vi phạm.

Vậy người có thể giữ được không?

Người thọ giới đáp: Mô Phật, có thể giữ được.

Này Phật Tử! Đã thọ mười giới vô tận rồi, người thọ sẽ vượt qua bốn loại ma chướng và sự khổ của ba cõi. Từ đời này đến đời khác, giới không bị mất, thường theo người tu hành cho đến khi thành Phật.

Này Phật Tử! Nếu tất cả chúng sanh ở quá khứ, vị lai, hiện tại không thọ giới Bồ Tát thì không gọi là hữu tình có hiểu biết cùng với súc sinh không khác, không gọi là người, thường xa lìa biển Tam Bảo, chẳng phải Bồ Tát, chẳng phải nam, chẳng phải nữ, chẳng phải quỷ, chẳng phải người, gọi là súc sinh, là tà kiến, là ngoại đạo, chẳng gần gũi với tình người.

Nên biết, giới Bồ Tát có pháp thọ mà không có pháp xả, có vi phạm cũng không bị mất giới, đến cùng tận đời vị lai. Nếu có người tới muốn xin thọ giới, vị Bồ Tát Pháp Sư trước hết phải giảng thuyết đọc tụng khiến họ tâm ý khai mở, sinh tâm ưa thích, sau đó mới truyền trao.

Lại nữa, vị Pháp Sư nào ở trong các cõi nước, giáo hóa một người xuất gia thọ giới Bồ Tát, thì phước đức của vị Pháp Sư ấy nhiều hơn người xây dựng tám vạn bốn ngàn Bảo Tháp, huống nữa là giáo hóa cho hai, ba, đến trăm, ngàn người, thì phước đức đó không thể tính kể hết.

Hoặc là người chồng, người vợ, hoặc người bà con trong sáu thân, được làm thầy cùng truyền trao lẫn nhau. Người thọ giới ở trong Cõi Phật và trong số chúng Bồ Tát, thì vượt khỏi những khổ não sanh tử nơi ba kiếp, thế nên cần thọ trì.

Có giới Bồ Tát, nếu phạm cũng hơn người không thọ giới dù không phạm. Có giới Bồ Tát, dù bị phạm cũng gọi Bồ Tát. Không giới Bồ Tát, nếu không phạm cũng gọi là ngoại đạo. Do đó, người nào thọ một phần giới gọi là Bồ Tát một phần, cho đến hai phần, ba phần, bốn phần, mười phần, gọi là thọ đầy đủ giới.

Thế nên, Bồ Tát có mười giới trọng, tám vạn bốn ngàn oai nghi. Nếu vi phạm mười giới trọng thì không được sám hối, nhưng được pháp thọ giới lại. Tám vạn bốn ngàn oai nghi là giới khinh, nếu có vi phạm thì được phép sám hối, đảnh lễ sám hối tội liền tiêu diệt.

Tất cả giới Bồ Tát từ phàm cho đến Thánh đều lấy tâm làm thể. Thế nên, tâm cùng tận thì giới cũng cùng tận, tâm không cùng tận thì giới cũng không cùng tận, chúng sanh trong sáu đường lãnh thọ thì đắc giới. Chỉ cần hiểu lời dạy thì đắc giới không mất.

Này Phật Tử! Tất cả Chư Phật trong ba đời đều dạy như vậy. Hôm nay, ta nơi cội Bồ Đề, vì mười bốn ức người mà giảng thuyết. Từ bậc Sơ trụ về trước, những vị Bồ Tát tin tưởng mới thọ giới pháp.

Này Phật Tử! Những Bồ Tát tin tưởng ấy trong mười ngàn kiếp thực hành mười giới pháp sẽ nhập vào mười trụ tâm.

Này Phật Tử! Trước hết vì đại chúng mà truyền trao giới Bồ Tát, sau đó vì họ giảng thuyết Kinh Anh Lạc cho người đồng kiến, đồng hành.

Bấy giờ, trong chúng có trăm ức người từ chỗ ngồi đứng dậy, xin thọ trì giới pháp của Phật. Người đứng đầu trong đại chúng tên Phạm Đà Thủ Vương cùng với vô số Thiên Tử tu mười giới đầy đủ, được vào Sơ trụ.

Này Phật Tử! Từ bậc Sơ trụ, tu hành trăm pháp minh môn, đó là mười tín, mười tấn, mười phát thú, mười thừa, mười kim cang, mười tùy hỷ, mười giới, mười nguyện, mười hộ, mười hồi hướng. Nhờ tu trăm pháp minh môn này mà thông đạt ba cõi là không, giả danh đều là không.

Tất cả các pháp không ta, không người, không thọ, không nhận, tánh đều không nhất định, tức diệt trừ được mười ba thứ trói buộc là bảy kiến chấp và sáu thứ vướng mắc, chứng tướng như thật, nhập vào quả vị sơ hạnh.

Này Phật Tử! Từ sơ hạnh này, quan sát tu tập ngàn pháp minh môn là mười tín cho đến mười hướng, tâm dần dần nhập vào pháp tánh, nhận ra các pháp vô ngã, pháp tích tập, pháp sanh khởi, pháp sanh diệt, pháp Niết Bàn, đều không có người thọ pháp, pháp như hư không, như huyễn, như mộng, như thành Càn Thát Bà, như sóng nóng.

Tất cả các pháp không có tướng, trăm ngàn sanh diệt đều không thể nắm bắt, khi đó, thể nhập vào quả vị đầu tiên trong mười hồi hướng.

Này Phật Tử! Từ hồi hướng thứ nhất này, sự sáng suốt soi chiếu lần lần thay đổi, trí tuệ chiếu soi nẻo tu học, tương tợ pháp quán bình đẳng. Sự quán này gọi là vô đắc.

Không có sở đắc nên giả gọi đắc. Ví dụ như thắp ngọn đèn sáng bằng tim đèn, ánh lửa ngọn đèn được thắp không phải là ánh lửa ngọn đèn trước đó, nhưng trong lúc ấy có sự đốt cháy, sự cháy này chẳng phải tách rời sự cháy ở trước, chẳng phải không có ánh lửa trước, nhưng khi đó có sự đốt cháy, ánh lửa sau này cũng lại như vậy.

Vì các pháp hữu vi thuộc hai đế đều lần lượt biến đổi, nên là giả, là sự đốt cháy. Vì thế nên biết ánh lửa trước đó chẳng phải là ánh lửa hiện tại. Sự cháy nơi hiện tại chẳng phải là sự cháy ở trước.

Vì cái cháy bây giờ không phải cái cháy từ trước, nên bây giờ mới có. Vì ánh lửa trước chẳng phải là bây giờ, do đó đối với hiện tại, lửa trước không còn đốt cháy, không còn đốt cháy đối với bây giờ, còn sự đốt cháy hiện tại vẫn là giả gọi.

Nếu hành giả chứng được pháp quán bình đẳng, lại cũng như vậy. Sự chứng ngộ lúc giữa chẳng phải là tâm chứng ngộ lúc đầu, cũng chẳng phải không là tâm ban đầu mà giữa đó có sự chứng ngộ. Tâm sau cũng như vậy.

Vì thế, tâm lúc đầu chẳng phải tâm ở hiện tại, sự phát khởi bây giờ chẳng phải là sự phát sanh ban đầu. Vì sự phát khởi bây giờ chẳng phải sự phát khởi trước đó, nên bây giờ mới có. Tâm lúc đầu chẳng phải tâm hiện tại, tâm hiện tại là vô đắc, không đắc đối với bây giờ.

Hiện tại đắc là giả đắc. Nơi tâm trung đạo đệ nhất nghĩa đế, mọi niệm đều vắng lặng, thể nhập trong vạn pháp minh môn. Từ mười tín cho đến mười hồi hướng, tự nhiên vào dòng trung đạo bình đẳng, không có thủ đắc, vì quán một tướng chân thật, một tướng soi tỏ tiến vào địa thứ nhất.

Này Phật Tử! Từ địa thứ nhất ấy, ở vào chánh quán của trí soi chiếu không hai, nhập vào trăm vạn A tăng kỳ môn công đức, ở trong quán môn của một tướng, cùng thời gian tu tập các hạnh cho đến quả vị thứ mười, mọi tâm đều vắng lặng, nhập tự nhiên vào dòng địa vô cấu.

Này Phật Tử! Lại từ địa này với một trí soi chiếu rõ tất cả nghiệp nhân, nghiệp quả, toàn thể pháp giới chỉ là một quán. Dùng trí tuệ biết rõ vọng thức nơi chúng sanh vừa mới khởi lên một tướng, an trú theo duyên sanh, thuận theo đệ nhất nghĩa sanh khởi gọi là niệm thiện, trái với đệ nhất nghĩa đế khởi gọi là hoặc.

Do hai thứ này làm chỗ trú nên gọi là thiện sanh đắc, hoặc sanh đắc. Do hai thứ thiện, hoặc này làm gốc mà khởi tất cả pháp thiện, hoặc về sau. Từ duyên sanh của tất cả pháp thuộc tên gọi của thiện và hoặc, tác động thành thiện, tác động thành hoặc phiền não.

Nhưng tự tâm chẳng thiện, hoặc mà từ hai thứ kia rồi đặt tên nên hai tâm thiện, hoặc, khởi lên mê lầm nơi Cõi Dục, gọi là trụ địa Dục Giới. Khởi mê lầm ở Cõi Sắc, gọi là trụ địa Sắc Giới. Khởi mê lầm ở tâm gọi là trụ địa Vô Sắc Giới. Từ bốn trụ địa này mà khởi lên tất cả phiền não, nên là cái ban đầu khởi lên bốn trụ địa.

Trước bốn trụ địa lại không có pháp khởi, nên gọi là vô thỉ vô minh trụ địa. Trí kim cang biết rõ một tướng khởi đầu tiên ấy có sự kết thuc, mà không biết pháp hữu, pháp vô trước niệm khởi đầu tiên là thế nào, nhưng biết được chúng sanh bị một trú địa tạo thành ba thứ trụ địa.

Chỉ có Chư Phật mới biết tất cả từ đầu đến cuối. Bồ Tát nơi địa Vô cấu, với Nhất thiết trí, biết sự thường trú ngang với địa mình trong đệ nhất nghĩa, rồi tự nhiên nhập vào biển trí của địa Diệu Giác.

Này Phật Tử! Ở trong địa Diệu Giác, chỉ tùy sự hiện hóa mà có tên gọi, có vô lượng nghĩa, có vô lượng tên.

Nghĩa và tên đều phát ra từ một thể gọi là diệu quả, thường trú thanh tịnh như hư không, chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể nói được, chẳng thể đếm được, chẳng thể gọi tên, nhưng đi vào khắp mọi nơi.

Này Phật Tử! Ta nói về thứ tự pháp môn nơi sáu nhập của hàng Bồ Tát có vô lượng công đức như vậy. Pháp môn sáu nhập ấy, tất cả Bồ Tát đều phải tiến vào. Hôm nay, ta ở bảo tòa này, với sự có mặt của mười bốn ức người không rời bổn tòa đều cùng vào được pháp môn sáu nhập.

Này Phật Tử! Xưa kia, lúc mới thành đạo, tại bổn tòa Bồ Đề này, ta đã nói về mười pháp môn biển Thế Giới, có chín mươi ức người cũng vào minh môn sáu nhập.

Lúc đến giảng đường Phổ Quang, ta nói về mười Cõi Phật, có trăm vạn ức người vào được minh môn sáu nhập. Ta đến điện đường của Trời Đế Thích nói về mười trụ, có năm trăm vạn người vào được minh môn sáu nhập. Lại đến điện đường nơi Cõi Trời Dạ Ma nói về mười hạnh, có ngàn vạn người vào minh môn sáu nhập.

Lại đến điện đường nơi Cõi Trời Đâu Suất nói về mười hồi hướng, có mười hằng hà sa người vào minh môn sáu nhập. Lại đến ma ni điện đường của Cõi Trời thứ sáu nói về mười địa, có trăm vạn hằng hà sa người vào minh môn sáu nhập.

Ta lại đến tinh xá Kỳ Hoàn nói phẩm Nhập Pháp Giới, có mười hai hằng hà sa người vào được minh môn sáu nhập. Hôm nay, ta lại đến bảo tòa này, ở hội thứ tám, vì mười phương vô lượng đại chúng và Bồ Tát Kính Thủ, cùng tất cả mọi người nói về minh môn sáu nhập. Tất cả đại chúng thọ trì như một không khác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường