Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Ba - Phẩm địa Ngục - Tập Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM BA
PHẨM ĐỊA NGỤC
TẬP MỘT
Lại nữa, Tỳ Kheo kia tùy thuận tư duy về pháp quả báo của nghiệp, quán chánh pháp và phi pháp.
Thế nào là nghiệp ác?
Vô lượng đủ loại nghiệp đều nhân nơi tâm mà lưu chuyển liên tục, như dòng sông chảy xiết lôi cuốn các chúng sinh, khiến họ mắc quả báo của nghiệp ác bị đọa vào địa ngục chịu khổ não cùng cực.
Tỳ Kheo kia quán nghiệp thiện, nghiệp bất thiện, ý tư duy tận tường: Các chúng sinh này vì sao bị tâm lừa dối, bị ái lừa dối phải rơi vào nơi chốn xấu ác, sinh trong địa ngục: Hoạt, Hắc thằng, Hợp, khiếu hoán, Đại khiếu hoán, tiêu nhiệt, Đại tiêu nhiệt, A tỳ.
Các địa ngục này có từng khu riêng biệt, đều có người giữ ngục, theo nghiệp tương tự, mỗi mỗi đều biết rõ.
Những nơi chốn địa ngục kia gọi là những gì?
Chúng sinh do nghiệp gì, đến địa ngục gì và rơi trong chỗ nào?
Tỳ Kheo kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Có Đại địa ngục tên địa ngục Hoạt. địa ngục này có các chỗ riêng biệt.
Có bao nhiêu chỗ riêng biệt và chúng được gọi tên là gì?
Có mười sáu chỗ riêng biệt:
1. Thỉ nê.
2. Đao luân.
3. Công thục.
4. Đa khổ.
5. Ám minh.
6. Bất hỷ.
7. Cực khổ.
8. Chúng bệnh.
9. Vũ thiết.
10. Ác trượng.
11. Hắc sắc thử lang.
12. Dị dị hồi chuyển.
13. Khổ bức.
14. Bát đầu ma man.
15. Pha trì.
16. Không trung thọ khổ.
Đây là mười sáu chốn trong địa ngục Hoạt.
Chúng sinh do tạo nghiệp gì mà rơi vào địa ngục này?
Tỳ Kheo kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Ai vui thích tạo, tạo nhiều và phổ biến về nghiệp sát sinh, tạo nghiệp sát sinh này tương ưng hòa hợp thì bị đọa vào chốn căn bản của địa ngục Hoạt. Nghiệp sát sinh có thượng, trung, hạ và thọ khổ ở địa ngục cũng có thượng, trung, hạ.
Nghiệp ở địa ngục kia sao gọi là thượng?
Người sát sinh nếu giết người hiền lành, giết người thọ giới hoặc người hành thiện, có tưởng về chúng sinh, về chúng sinh khác, có tâm sát sinh mà đoạn mạng căn của họ, tạo nên việc này, tâm không hối hận, còn đi đến chỗ người khác khen ngợi việc làm ấy rồi tiếp tục tạo tác.
Người sát sinh còn chỉ dạy người khác sát sinh, khuyến khích việc sát sinh, theo đấy mà tùy hỷ, ca ngợi việc sát sinh hoặc sai người khác sát sinh. Người ngu si cũng như vậy, tự mình làm hoặc bảo người khác làm, nghiệp của tội đã thành hình, khi qua đời sinh trong địa ngục Hoạt.
Như vậy, năm mươi năm trong cõi người là một ngày đêm ở cõi Tứ Thiên Vương. Số kia cũng như thế, ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm. Năm ngàn năm ở cõi Tứ Thiên Vương là một ngày đêm ở địa ngục Hoạt.
Vì nghiệp ác có thượng, trung, hạ nên thọ mạng ở đại địa ngục Hoạt cũng có thượng, trung, hạ, cũng có người chết nửa chừng, tùy theo chủng tử của nghiệp nhiều hay ít, nặng hay nhẹ.
Trong địa ngục Hoạt, có người thọ khổ một chỗ, có người thọ khổ hai chỗ, hoặc ba chỗ, bốn chỗ, năm chỗ, sáu chỗ. Như vậy, chịu khổ đến mười sáu chỗ mà nghiệp ác vẫn chưa hết, chưa chết, tập khí của nghiệp vẫn còn.
Sống trong địa ngục ấy năm trăm năm, là dựa vào số năm của Cõi Trời chứ không dựa vào cõi người.
Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.
Tỳ Kheo kia quán như thế nào để biết các chốn riêng biệt trong địa ngục Hoạt?
Tâm nghiệp nơi họa sĩ theo nghiệp mà vẽ ra địa phận của nghiệp quả. Có vô số tâm khác nhau thì sự thọ khổ cũng khác nhau. Có trăm ngàn ức na do tha việc ác đáng sợ, tất cả những việc ác ấy không giống nhau, không thể ví dụ được.
Đây là quan sát kỹ từng chỗ riêng biệt trong địa ngục Hoạt.
Chúng sinh vì nghiệp gì mà sinh vào chốn Thỉ nê?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Do chủng tử của nghiệp ác nào mà sinh vào chốn ấy?
Đó là sát sinh. Như tâm muốn sát hại, sai khiến chim giết hại thì thả chim cắt, chim điêu. Lại có những cách giết khác như bao vây bắt nai, săn bắn nai mà không biết hối hận. Các nghiệp được thực hiện đều khắp, nghiệp sát đã thành hình hòa hợp tương ưng, như trước đã nói.
Người kia vì nhân duyên của nghiệp ác nên sau khi qua đời, sinh vào địa ngục này ở chốn thứ nhất Thỉ nê chịu tất cả các khổ. Nghĩa là trong chốn Thỉ nê phân bùn, thiêu đốt phân cực nóng, mùi vị của nó rất đáng sợ. Lấy nước đồng sôi hòa với phân, trong phân có trùng, mỏ cứng như kim cương, bò khắp trên phân.
Những tội nhân kia ăn những phân ấy bị những trùng đó đi vào trong thân, đầu tiên chúng ăn môi, rồi ăn lưỡi, ăn răng, ăn yết hầu, tim, thận, phổi, lá lách, dạ dày, tiểu trường, đại trường, thục tạng, gân mạch, tất cả các phần mạch và thịt máu.
Người kia ở trong địa ngục bị cực khổ cùng tận như vậy và phải trải qua vô lượng trăm ngàn năm. Những người sát sinh tạo nghiệp ác như bao vây giết nai, săn bắn nai, nuôi chim bắt mồi như quạ, ưng, điêu, bảo chúng giết rồi mình đến đoạt lấy ăn thì người kia do quả báo của nghiệp ác này nên trong phân kia có nhiều trùng, mỏ cứng như kim cương, xâm nhập vào thân thể của tội nhân để rúc rỉa.
Người kia bị quả báo thiện hay bất thiện là theo nghiệp tương tự. Nếu nghiệp ác của tội nhân kia hết thì mới thoát khỏi chốn Thỉ nê này. Thoát khỏi địa ngục nghiệp tâm của kẻ ấy dứt, cũng như tâm nghiệp nơi họa sĩ vẽ màu sắc xong rồi, kẻ ấy như thế là thoát khỏi chốn đó, nếu hậu báo của nghiệp nơi người kia chưa thành thục sẽ sinh vào hàng súc sinh, thọ thân là chim bay bị các loài chim khác ăn thịt. Nếu làm thân nai thì bị bao vây săn bắt.
Nếu đời trước ai giết chim, giết nai thì người đó bị quả báo trong địa ngục. Nghiệp còn sót lại thì sinh trong hàng súc sinh. Nghiệp hết được sinh trong Cõi Trời hoặc trong cõi người. Vì đã tạo nghiệp sát sinh nên người kia sinh nơi cõi người thường bị chết yểu.
Lại nữa, Tỳ Kheo kia quán biệt xứ thứ hai trong địa ngục Hoạt tên là Đao Luân, là quả báo của nghiệp đã tạo, chúng sinh do tạo nghiệp gì mà sinh vào chốn ấy?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên Nhãn: Người nào có tâm tham của cải, vì nhân duyên như vậy mà giết hại chúng sinh, hoặc nhằm để nuôi mạng sống mà dùng dao sát sinh.
Người kia làm như vậy nhưng không hề sám hối, lại dạy cho người khác giết, nghiệp nghiệp phổ biến, như trước đã nói. Vì người kia đã tạo nhân là nghiệp ác nên sau khi qua đời, đọa vào chốn Đao luân trong địa ngục Hoạt. Chốn này luôn bị lửa thiêu đốt, bốn bên là tường bằng sắt cao mười do tuần.
Nơi chốn thứ hai của địa ngục đó lửa luôn bốc cháy dữ dội. Lửa nơi thế gian đối với lửa ở đây giống như mây. Ở chốn này thường có lửa sắt ập đến bám vào thân của tội nhân. Lửa sắt nóng ấy bằm thân của họ nát vụn như hạt cải, cháy tan tơi tả.
Những trận mưa sắt giống như mưa mùa hạ trong cõi Diêm Phù Đề. Mười phương của chốn thứ hai ấy, chỗ nào cũng có mưa sắt nóng rất là khổ não. Người trong địa ngục này tuy bị bằm vụn ra nhưng không chết, đó là do quả báo của nghiệp ác. Vừa bị bằm nát vụn ra như vậy thì người kia liền sống trở lại.
Chốn Đao luân kia có rừng lá đao, lưỡi đao rất bén, lại có hai đầu nhọn hoắt quay trở xuống. Từ xa trông thấy rừng ấy như màu xanh và có nhựa như nước. Các tội nhân trong đó luôn bị đói khát bức bách, do cùng nghiệp khổ nên la hét chạy ùa vào trong rừng ấy. Vì nhân tạo nghiệp nên bị mưa đao phủ khắp chặt bằm thân thể họ.
Lại nữa, người kia vì tham đắm mạng sống của mình mà nuôi dưỡng chúng sinh thì đó là lừa gạt họ. Quả báo của nghiệp kia là như vậy. Tâm nghiệp nơi họa sĩ vẽ nên cảnh địa ngục, như vậy địa ngục là bức tranh của nghiệp bất thiện.
Thọ báo trong địa ngục thuộc về nghiệp bất thiện. Chúng sinh ở trong địa ngục này thường bị bằm nát, trải qua vô lượng trăm ngàn năm mà nghiệp ác vẫn chưa tan hoại, tập khí của nghiệp chưa dứt sạch, như tâm nghiệp nơi họa sĩ vẽ văn hoa không mất. Nói rộng như trước.
Lại nữa, Tỳ Kheo kia quan sát chốn riêng biệt thứ ba thuộc địa ngục Hoạt tên là Công thục, là quả báo của nghiệp kia.
Chúng sinh do nghiệp gì mà sinh vào chốn ấy?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên Nhãn: Kẻ sát sinh kia giết lạc đà, giết heo dê, giết các loài chim, ngựa, thỏ, gấu. Loài súc sinh có lông thì ăn thịt, lại nhằm lột lấy lông. Người kia đem đốt, đem nấu, hoặc bỏ trong nước sôi.
Người kia do nhân duyên tạo nghiệp ác nên khi qua đời bị đọa vào chốn Công thục thuộc địa ngục Hoạt. Ai gây hạt giống nghiệp ác thế nào thì mắc quả báo tương tự như thế. Tội nhân bị bỏ trong nồi sắt, luộc nấu chín nhừ giống như đậu nấu chín.
Chúng sinh ở trong địa ngục này bị lửa dữ đốt nấu, trải qua vô lượng trăm ngàn năm. Bức tranh do tâm nghiệp nơi họa sĩ vẽ khi nào bị hủy hoại tan nát thì mới thoát khỏi địa ngục này. Tiếp đến thọ nghiệp còn sót lại, lần lượt đến tập khí của nghiệp, như đã nói ở trước. Nếu sinh trong Cõi Trời, cõi người thì luôn bị chết yểu.
Người tu hành kia ở trong nội pháp tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp và suy nghĩ như vậy: Tỳ Kheo kia đã quán xét chốn riêng biệt thứ ba là Công thục trong địa ngục Hoạt rồi, thì vị ấy làm gì?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên Nhãn: Tỳ Kheo kia là vị dũng mãnh bậc nhất, có thể phá trừ quân ma, vượt qua biển sinh tử, có thể lấy nước giới để dập tắt lửa tâm dục, dùng nước Từ bi để diệt lửa tâm sân, có thể dùng ánh sáng của ngọn đèn nhân duyên thâm diệu để trừ tâm si tối tăm, Tỳ Kheo như vậy tức có thể vượt qua biển sinh tử.
Lại nữa, Tỳ Kheo kia quán biệt xứ thứ tư trong địa ngục Hoạt tên là Đa khổ.
Chúng sinh vì nghiệp gì mà sinh vào chốn này?
Do chủng tử của nghiệp nhân như thế nào thì đưa đến quả báo tương tự thế đó. Như người tạo vô số khổ bức bách chúng sinh nhưng mạng sống của chúng sinh kia vẫn không diệt. Đó là bị cây đè nặng khiến người kia bị khổ.
Hoặc dùng dây treo lên, dùng lửa thiêu đốt, cột tóc họ rồi kéo lên cao. Hoặc hun bằng khói, hoặc kéo chạy mau trên đường, hoặc bỏ trong gai gốc trên đất khiến cho khổ não. Hoặc đánh nhào xuống đất, hoặc từ trên sườn núi cao nguy hiểm xô xuống.
Hoặc lấy kim chích, lấy dây cột, khiến cho voi đạp, hoặc quăng lên hư không để rơi chưa tới đất, lại dùng dao hứng lấy khiến tội nhân chịu khổ não. Hoặc vùi trong cát, hoặc lấy đá đè lên, lấy gậy đánh đập, hoặc kẹp đầu, hoặc cho lũ trẻ trêu chọc xô đánh, làm cho khổ não.
Hoặc bỏ trong chỗ nóng phỏng, hoặc bỏ trong nước đá băng, hoặc lấy nước ngâm, nhận chìm trong nước. Hoặc lấy áo nước bịt mặt nhét vào miệng. Hoặc cột dính vào cây, hoặc treo lên cành cây, khiến cho khổ não. Hoặc làm cho sợ hãi, từ sườn núi cao nguy hiểm rớt xuống chỗ sâu thẳm.
Hoặc giao cho giặc oán khiến họ dùng những phương cách trị phạt rất khổ sở. Hoặc cắt âm căn, rút móng tay, nhổ lông, dùng bánh xe sắt lăn cắt đầu khiến thọ khổ não. Hoặc lấy nước chì, thiếc, đồng, sắt nung sôi rưới lên thân thể tội nhân.
Hoặc cắt mũi, hoặc lấy lưỡi sắt bén, mũi cây nhọn… đâm xuyên qua chỗ đại tiện khiến bị khổ não. Hoặc ngâm trong nước, hoặc lấy dây cột từ trên cao kéo xuống.
Hoặc lấy lửa đốt xung quanh râu, hoặc nhổ tóc, hoặc bỏ trùng dữ vào thân để chúng cắn. Hoặc lột da, hoặc xô hoặc kéo, hoặc khiến cho thân thể lắc lư ngã nghiêng, hoặc bỏ vào trong nồi dùng lửa nấu khiến cho khổ não. Hoặc đánh đập rồi lấy muối xát vào người.
Hoặc lấy bụi, lấy đất, bột… nhét vào miệng, mặt. Hoặc lấy ống tre đặt trong chỗ đại tiện, thổi cho nó phồng lên. Hoặc dùng dao bén cắt ngón chân. Hoặc bắt dùng hơi thổi nhưng không cho phát ra tiếng. Hoặc lấy đá nổi mài mạnh lên thân thể.
Hoặc chặt cả tay chân, hoặc đuổi chạy dài, ngăn cản việc cần làm. Hoặc cột vào cổ họng kéo qua lại trong đám hoa hoàng lam. Hoặc lấy thứ mỡ béo pha tạp đủ loại rót vào miệng.
Hoặc lấy tất cả của cải, bằng vàng, vật báu. Hoặc đánh, hoặc đè, hoặc làm các thứ để mua vui. Hoặc đánh, bắn, hoặc đánh cho sưng lên, sưng rồi đánh tiếp. Hoặc lấy dây cột từ trên chỗ rất cao xô rơi xuống đất khiến bị khổ não. Bị vô lượng các thứ khổ não như vậy vì đã tạo những bức bách khổ nạn cho chúng sinh.
Người kia do nhân tạo nghiệp ác, sau khi qua đời, bị đọa vào chốn Đa khổ thuộc địa ngục Hoạt. Theo nghiệp ác tương tự thế nào thì chịu quả báo tương tự thế đó. Chốn thứ tư của địa ngục này có vô lượng trăm ngàn các loại quả báo không thể nói hết.
Tất cả khổ não kia do mình tạo thì chính mình nhận quả báo. Cảnh giới địa ngục kia tâm nghiệp nơi họa sĩ dùng bút ái mà vẽ, do phân biệt bất thiện mà thành tất cả màu sắc. Yêu thương vợ con, cho là thứ đẹp đẽ, chấp trước vào đó cho nó là lâu bền. Mình tạo nghiệp thì chính mình chịu khổ, chẳng phải do cha mẹ tạo.
Nghiệp ác chưa hoại, chưa tan, tập khí của nghiệp chưa dứt, ở trong các thời luôn bị khổ não không dừng nghỉ. Chốn ấy thoái chuyển, nếu ở đời quá khứ từ xa xưa về trước có nghiệp thiện thành thục thì không bị đọa vào ngạ quỷ, súc sinh.
Nếu sinh trong cõi người ở nơi đồng nghiệp thì thọ nghiệp còn sót lại, thường bị pháp Vua trị phạt, hoặc đánh, trói, lo sợ, tranh giành, bị mọi người vu khống, thường bị khổ não, bị hàng thiện tri thức, vợ con, quyến thuộc, bạn thân oán ghét.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Ba Mươi Sáu - Kinh Khoét Mắt ông Tiên
Phật Thuyết Kinh Năm Thiên Sứ Của Vua Diêm La
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Khổ Pháp
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Niệm Xứ - Phần Ba - Quán Thọ
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Tổng Trì Bảo Quang Minh - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thuyết - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Bất Thối