Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Bổn Nghiệp - Phẩm Năm - Phẩm Phật Mẫu

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC BỔN NGHIỆP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM NĂM 

PHẨM PHẬT MẪU  

Bấy giờ, Bồ Tát Kính Thủ thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Hai loại chiếu, trí của Phật và Bồ Tát từ đâu sanh ra?

Về nghĩa tịch chiếu và chiếu tịch là thế nào?

Pháp tánh của nhị đế là một hay hai?

Thuộc về có hay không?

đệ nhất nghĩa đế là như thế nào?

Đức Phật dạy: Này Phật Tử! Gọi là hữu đế, vô đế, trung đạo nơi đệ nhất nghĩa đế, là mẹ sanh ra trí tuệ của Chư Phật và Bồ Tát, cho đến tất cả pháp cũng là mẹ sanh ra trí tuệ của Chư Phật và Bồ Tát.

Vì sao?

Vì Chư Phật và Bồ Tát đều từ pháp sanh.

Này Phật Tử! Hai đế là: Thế đế hữu đế là giả có mà chẳng hoàn toàn không, vô đế là chân không nên chẳng phải có. Hai đế thường như vậy nên chẳng phải một. Bậc Thánh soi chiếu thấy chúng là không nên chẳng phải hai. Dù có Đức Phật hay không có thì pháp giới cũng không thay đổi, nên chẳng phải không.

đệ nhất nghĩa không hai nên chẳng phải có. Dù có Đức Phật hay không thì pháp giới cũng có hai tướng nên chẳng phải một. Các pháp thường thanh tịnh nên chẳng phải hai. Vì Chư Phật trở lại làm phàm phu nên chẳng phải không. Vì không là không nên chẳng phải có.

Vì không thật nên chẳng phải một. Bổn tế không sanh nên chẳng phải hai. Không hủy hoại giả danh nơi tướng của các pháp nên chẳng phải không. Các pháp tức chẳng phải các pháp, nên chẳng phải có. Pháp chẳng phải pháp nên chẳng phải hai. Chẳng phải phi pháp nên chẳng phải một.

Này Phật Tử! Nghĩa của hai đế là chẳng phải một cũng chẳng phải hai, chẳng thường cũng chẳng đoạn, không đến cũng không đi, không sanh cũng không diệt, mà hai là tướng tức như Thánh trí không hai không có hai nên gọi là mẹ sanh ra trí tuệ của Chư Phật và Bồ Tát.

Này Phật Tử! Vô số Cõi Phật ở mười phương đều cũng như vậy. Hôm nay ta vì đại chúng nói tóm lược về nghĩa căn bản của hai đế trong Kinh Minh Nguyệt Anh Lạc này.

Lúc ấy, Bồ Tát Kính Thủ bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Chư Phật, Bồ Tát với đại trí tuệ phương tiện bình đẳng, chiếu soi các pháp giới, làm cho giác ngộ nhanh hay chậm?

Tạng thức vô minh và tâm là một hay khác?

Số lượng lâu mau như thế nào?

Đức Phật dạy: Này Phật Tử! Ông ở đời quá khứ, trong giáo pháp của bảy Đức Phật trước, mỗi mỗi đều đã thưa hỏi, chẳng phải là không rõ! Nay vì mười bốn ức vị trong đại chúng này, ông muốn khiến cho đại chúng hiểu rõ pháp ấy nên thưa hỏi chăng?

Này Phật Tử! Hôm nay, vì đại chúng mười bốn ức người, Ta dùng kim cang khẩu nói về liễu nghĩa quyết định.

Pháp hội thuở xưa của ta có một ức tám ngàn Bồ Tát ở địa vô cấu, ngay tại chỗ ngồi đạt được nguồn gốc của pháp tánh, liền giác ngộ nhanh chóng về lý không hai, các pháp tướng hợp nhất.

Các Đức Phật rời khỏi pháp hội, mỗi vị an tọa ở Thế Giới khắp mười phương giảng nói về Bảo Tạng Anh Lạc của Bồ Tát. Ngay pháp hội đại chúng đang ngồi đều thấy rõ một ức tám ngàn đức Thế Tôn, gọi là Đốn giác Như Lai. Mỗi vị đều ngồi nơi tòa Sư Tử hống bằng trăm thứ báu.

Khi ấy, vô lượng đại chúng cũng ngồi một chỗ, lắng nghe vị Đẳng Giác Như Lai thuyết giảng về Tạng pháp anh lạc, vì thế không có sự giác ngộ dần dần của Thế Tôn mà chỉ có giác ngộ lập tức của Như Lai. Chư Phật ba đời đều thuyết giảng như vậy không khác, ta nay cũng thế.

Này Phật Tử! Trước ông đã hỏi về Tạng thức vô minh và tâm là một. Điều này không phải như thế. Nếu giải thoát khổ và các kiến chấp mê lầm là một tướng thì lẽ ra không trói, không buộc, Phật và phàm chẳng hai.

Vì sao?

Vì phiền não đồng một thể tướng.

Sao thế?

Vì cùng một tâm sanh diệt cùng một lúc, nên không khác, không sai biệt.

Này Phật Tử! Nếu trói và mở là một tướng thì bốn đại có thể là một, sáu vị chẳng khác nhau, nhưng mỗi đại mỗi khác, mỗi vị mỗi khác, nên trói buộc, giải thoát cũng như vậy.

Này Phật Tử! Tất cả Bồ Tát khi còn là phàm phu đều đầy đủ các kiết sử, nhưng khi trừ diệt thì phần thô bỏ trước, phần vi tế diệt sau. Nếu nhất tâm và phiền não là một, lẽ ra phải có hai thể sáng tối.

Này Phật Tử! Lấy gần để luận, nếu lấy xa hơn thì trong tâm thiện của hàng phàm phu còn không có tâm bất thiện, huống chi trong tâm vô tướng lại có vô minh.

Này Phật Tử! Cho thiện, ác cùng một tâm, đó là bài kệ của An Sư Đà, kẻ ngoại đạo của nước Vua Bình Sa: Sáng tối là một tướng, thiện ác đồng một tâm.

Này Phật Tử! Theo nghĩa đúng trong pháp của ta mà nói: thiện ác đồng một hành uẩn có trói buộc, có giải thoát, có phàm, có Phật, tiếp nối nơi trăm kiếp cũng đồng một hành, không được nói: thiện ác đồng một tâm.

Chư Phật xưa thường nói: Lửa của trí vô tướng diệt trừ bóng tối vô minh mà thiện, ác có hai thứ sai khác, nhưng cho là đồng một quả báo, điều này cũng không đúng.

Tất cả thiện đều thọ nhận quả Phật, vô minh phải chịu nhận quả hữu vi sanh diệt, vì thế, quả thiện từ nhân thiện sanh, quả ác từ nhân ác sanh. Cho nên gọi thiện không thọ nhận quả sanh diệt, chỉ thường lãnh thọ quả Phật.

Nếu tất cả pháp thiện của Thánh nhân và phàm phu đều gọi là vô lậu, không lãnh thọ quả hữu lậu, nhưng nói lãnh thọ quả hữu lậu là Phật giáo hóa chúng sanh đổi ác làm lành, làm nhân duyên để sanh quả báo hữu vi, chẳng phải vô lậu.

Vô minh là nhân làm nghiệp thọ quả, nên gọi là ba thọ, ba khổ. Ba khổ là khổ khổ, hành khổ, hoại khổ. Ba thọ là khổ thọ, lạc thọ, xả thọ. Hai thọ lạc thọ và xả thọ làm duyên tốt cho nhân và quả, khổ thọ là duyên của nhân quả ác. Tất cả pháp ấy đều khổ, vô minh là gốc.

Này Phật Tử! Trước đây ông đã hỏi về kiếp số hành đạo của chư Bồ Tát lâu, mau.

Việc đó là: Ví như một tảng đá một dặm, hai dặm cho đến mười dặm, vuông vức như vậy, có người dùng áo Trời nặng bằng ba thù, lấy theo lịch âm dương nơi cõi người, ba năm một lần lau tảng đá đó, lau đến khi mòn hết tảng đá, khoảng thời gian ấy là một tiểu kiếp.

Hoặc lau mòn tảng đá vuông vức một dặm, hai dặm cho đến bốn mươi dặm, cũng gọi một tiểu kiếp. Lại lấy tảng đá vuông vức tám mươi dặm cũng dùng chiếc áo Trời Phạm Thiên nặng chừng ba thù và Cõi Phạm Thiên có thứ ánh sáng trăm báu của ngọc minh châu phát ra làm ngày, tháng, năm, cứ ba năm một lần lau tảng đá ấy. Lau cho đến lúc mòn hết, thời gian đó gọi là một trung kiếp.

Lại lấy tảng đá vuông vức tám trăm dặm, dùng chiếc áo nặng chừng ba thù của Trời Tịnh Cư. Trong cõi này có gương sáng soi do ngàn thứ ngọc phát ra ánh sáng làm ngày, tháng, năm, cứ ba năm một lần lau tảng đá ấy. Lau cho đến lúc mòn hết, thời gian đó gọi là một đại A tăng kỳ kiếp.

Này Phật Tử! Cách tính và gọi kiếp như sau: Tảng đá vuông vức một dặm, hai dặm, cho đến mười dặm, lau mòn hết gọi là một lý kiếp, hai lý kiếp. Nếu tảng đá vuông vức năm mươi dặm lau mòn hết gọi là năm mươi lý kiếp.

Tảng đá trăm dặm, lau mòn hết gọi là một trăm lý kiếp. Tảng đá vuông vức ngàn dặm, vạn dặm cũng vậy, lau đến khi mòn hết gọi là ngàn lý kiếp, vạn lý kiếp.

Này Phật Tử! Tất cả Hiền Thánh đều ở cùng số lượng kiếp ấy, tu tất cả pháp môn. Thời gian lâu mau để chứng quả Phật, phải kể một trăm đại kiếp mới đạt đến ngôi vị Đẳng Giác. Nếu như tất cả chúng sanh ở vào số kiếp ấy tu hành thì không lâu sẽ chứng quả vị Phật. Nếu không ở vào thời gian đó thì chẳng gọi là Bồ Tát.

Này Phật Tử! Pháp môn này là mười tâm tín làm gốc cho tất cả hạnh. Do đó trong mười tâm tín, mỗi tâm tín có mười phẩm tâm tín, làm ra trăm pháp minh môn.

Lại từ trăm pháp minh môn, mỗi tâm còn có trăm tâm, cho nên thành ra một ngàn minh môn, cứ mỗi tâm lại có một ngàn tâm, cứ như vậy mà tăng cho đến vô lượng minh môn. Lại cứ lần lượt hơn lên cho đến những pháp của thượng thượng sẽ thành minh minh pháp môn với hàng trăm vạn A tăng kỳ công đức. Tất cả các hạnh đều nhập hết vào trong minh môn ấy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường