Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Năm - Phẩm Hai Mươi - Bài Kệ - Chuyện Lộc Vương Rohanta Tiền Thân Rohanta Miga
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG MƯỜI NĂM
PHẨM HAI MƯƠI
BÀI KỆ
CHUYỆN LỘC VƯƠNG ROHANTA
TIỀN THÂN ROHANTA MIGA
Hãi kinh thần chết hỡi Citta. Câu chuyện này bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Trúc Lâm Veluvana về Tôn Giả Ànanda A Nan đã hy sinh tính mạng mình.
Sự hy sinh này được miêu tả trong chương hai mươi mốt. Tiền Thân Culla Hansa, tập năm. Chuyện Điều phục con voi Dhanapàla Tài hộ. Sau khi Tôn Giả đã hy sinh tính mạng mình vì bậc Đạo Sư, Tăng Chúng bàn tán việc ấy trong chánh pháp đường.
Này Hiền Giả, Tôn Giả Ànanda, sau khi đạt tri kiến đầy đủ về con đường tu tập giáo pháp, đã hy sinh tính mạng mình vì Đấng Thập Lực Dasabala, Danh Hiệu của Đức Phật. Bậc Đạo Sư bước vào, hỏi Tăng Chúng nói chuyện gì trong khi ngồi tại đó. Tăng Chúng trình bày với Ngài.
Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, đây không phải là lần đầu tiên vị ấy hy sinh tánh mạng vì Ta, mà trước kia cũng đã làm như vậy.
Rồi Ngài kể cho hội chúng nghe một chuyện quá khứ. Một thuở nọ, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba La Nại, chánh hậu của Vua tên là Khemà Thái Hòa. Thời ấy Bồ Tát được sinh làm con Hươu ở vùng Tuyết Sơn có màu da vàng óng ả tuyệt đẹp, và em trai của Ngài là Citta Miga hay Hươu sao, và em gái Ngài là Sutanà cũng có màu da như thế. Bấy giờ bậc Đại Sĩ có tên Rohanta làm chúa tể đàn hươu lớn.
Vượt băng ngang qua hai rặng núi, vào đến rặng thứ ba, Ngài sống ở bên hồ Rohanta và được cả bầy hươu nai tám mươi ngàn con vây quanh hầu hạ. Thời ấy Ngài phải phụng dưỡng song thân Ngài già cả mù lòa. Bấy giờ một người thợ săn ở trong một làng săn gần Ba La Nại đến vùng Tuyết Sơn và chợt thấy bậc Đại Sĩ.
Lão trở về làng mình và vào lúc lâm chung, lão dặn con trai: Này con, ở một nơi nọ trong vùng đất cha săn bắn, có một con hươu màu vàng ròng, nếu bao giờ Đức Vua chợt phán hỏi thì con hãy xin phép tâu trình với Ngài về chuyện đó.
Một ngày kia Hoàng Hậu Khemà, trong một giấc mộng về sáng, nằm mơ thấy cảnh như vậy: Một con hươu màu vàng ròng ngồi trên một chiếc kim đôn thuyết pháp cho Hoàng Hậu nghe bằng giọng nói ngọt ngào như mật, chẳng khác gì tiếng chuông ngân vang.
Song trước khi bài giảng chấm dứt, con hươu đứng lên và chạy mất, bà giật mình tỉnh dậy và kêu to: Bắt lấy con hươu!
Đám nữ tỳ nghe tiếng bà kêu, bật cười ròn rã: Đây là cung thất đóng kín mọi cửa lớn lẫn cửa sổ, ngay cả một mảy gió cũng không lọt vào được, giữa lúc này mà lệnh bà gọi lớn bảo bắt con hươu kia!
Đến khi ấy bà mới biết đó chỉ là giấc mộng.
Song bà tự nhủ: Nếu ta bảo đó là giấc mộng thì Đức Vua sẽ không để ý. Nhưng nếu ta bảo đó là nỗi ước ao của một thai phụ thì Ngài sẽ quan tâm lo lắng ngay. Vậy ta quyết phải nghe cho được lời thuyết pháp của chính con hươu màu hoàng kim ấy!
Sau đó bà liền nằm xuống giả vờ ngã bệnh.
Vua bước vào: Này ái khanh có việc gì thế?
Ngài hỏi.
Ôi tâu Chúa Thượng, đó chỉ là nỗi ao ước tự nhiên của thần thiếp.
Thế ái khanh muốn điều gì?
Thần thiếp ước ao được nghe lời thuyết pháp của một con hươu màu hoàng kim chân chánh.
Kìa ái khanh, điều ái khanh ao ước không hề có: Chẳng bao giờ có con vật nào là loài hươu hoàng kim cả.
Bà đáp: Nếu thần thiếp không được như ý, thần thiếp sẽ phải chết ngay lập tức. Bà liền quay lưng lại về phía Vua và nằm im.
Vua bảo: Nếu có một con vật như thế trên đời này thì nó sẽ được bắt về ngay. Sau đó Vua hỏi các triều thần và các Bà La Môn như trong chuyện Tiền Thân khổng tước số một trăm hai mươi chín, tập một để xem thử có loài vật nào là hươu hoàng kim chăng.
Khi được biết là hiện có, Ngài triệu tập các thợ săn vào và hỏi: Trong các người, ai đã từng thấy hoặc nghe nói về một con vật như thế chăng?
Con trai của lão thợ săn mà ta đã nói trên đây liền kể lại câu chuyện gã nghe được.
Vua phán: Này ngươi, khi nào ngươi đem về cho trẫm con hươu kia thì trẫm sẽ ban thưởng ngươi rất trọng hậu, vậy ngươi hãy đi tìm kiếm nó và đem về đây. Ngài bảo đưa tiền lộ phí cho gã và bảo gã lui ra.
Người thợ săn tâu: Xin Chúa Thượng đừng lo, nếu như Tiểu Thần không đem được con hươu ấy về thì Tiểu Thần cũng đem được bộ da nó về, nếu không đem được da thì cũng đem được lông nó về đây. Sau đó người ấy trở lại nhà, đưa số tiền Vua ban cho gia đình mình rồi ra đi vào rừng và trông thấy Lộc Vương.
Gã suy nghĩ: Ta phải đặt bẫy ở đâu để bắt hươu đây?
Gã thấy ngay cơ hội tốt ở chỗ hươu nai uống nước. Gã kết một sợi dây bằng da thật chặt và đặt sợi dây vào một cái sào ở nơi mà bậc Đại Sĩ thường xuống để uống nước.
Hôm sau bậc Đại Sĩ cùng với tám mươi ngàn con hươu trong lúc tìm kiếm thức ăn, đi đến đó để uống nước tại bến sông thường lệ. Ngài vừa đặt chân xuống liền bị kẹt ngay vào dây thòng lọng.
Ngài suy nghĩ: Nếu ta rống lên tiếng kêu bị nạn thì cả đàn hươu sẽ kinh hoàng chạy trốn mà không được ăn uống gì cả. Vì thế, mặc dầu Ngài bị siết chặt ở đầu cây sào, Ngài vẫn đứng giả vờ uống nước, như thể đang còn được tự do.
Khi tám mươu ngàn con hươu đã uống xong và bấy giờ chúng đã bước ra khỏi nước, Ngài liền lắc mạnh cái thòng lọng ấy ba lần cố làm nó đứt ra.
Lần đầu Ngài làm rách da, lần thứ hai nó đâm sâu vào thịt và lần thứ ba làm giãn gân ra, vì thế cái thòng lọng siết tới tận xương tủy.
Sau đó vẫn không thể nào phá đứt thòng lọng, Ngài rống lên kêu bị nạn: Cả bầy hươu kinh hoàng chạy thoát thân thành ba đàn lớn.
Citta Miga không tìm được bậc Đại Sĩ trong ba đàn ấy liền suy nghĩ: Mối hiểm họa này vừa xảy ra cho bọn ta đã gieo xuống đại huynh của ta. Khi quay về, chú hươu em thấy Ngài đã bị mắc bẫy thật chặt.
Bậc Đại Sĩ chợt thấy em mình, liền kêu lên:
Này hiền đệ, đừng đứng đây nữa, ở đây nguy hiểm lắm.
Rồi Ngài ngâm kệ, thúc giục em chạy trốn:
Hãi kinh thần chết, hỡi Citta,
Cả đám hươu kia chạy thoát xa
Hiền đệ hãy đi, vì bọn chúng
Cùng em sẽ sống, chớ chần chờ.
Ba vần kệ sau do anh em đối đáp nhau:
Citta:
Em chẳng đi đâu, hỡi Lỗ hân,
Tim em đã kéo bước em gần,
Chẳng lìa anh tại nơi này nữa,
Em sẵn sàng từ bỏ tấm thân.
Rohanta:
Chẳng ai bảo dưỡng lại mù lòa,
Phải chết song thân, mẹ lẫn cha,
Em hãy về ngay cùng phụ mẫu,
Hỡi em đừng nấn ná gần ta.
Citta:
Em chẳng đi đâu, hỡi Lỗ hân,
Tim em đã kéo bước em gần,
Chẳng rời anh ở nơi này nữa,
Em sẵn sàng từ bỏ tấm thân.
Rồi Citta đứng vững làm chỗ dựa cho Bồ Tát ở bên phải và cố làm vui vẻ để Ngài phấn khởi tinh thần.
Còn Sutanà, là bé Hươu còn non tơ, cứ chạy quanh quẩn giữa bầy hươu, song không tìm thấy hai anh đâu cả, cô bé Hươu non suy nghĩ: Chắc tai họa đã xẩy ra cho hai anh của ta rồi.
Bé Hươu quay lại, đến chỗ hai anh và khi bậc Đại Sĩ thấy em gái tới, liền ngâm vần kệ thứ năm:
Hươu nhút nhát, mau chạy trốn xa,
Bạo tàn thòng lọng siết chân ta,
Hãy đi theo chúng đừng lưu luyến,
Em phải sống cùng với mẹ cha.
Ba vần kệ sau lại được hai anh em đối đáp như trên:
Sutanà:
Em chẳng đi đâu, hỡi Lỗ hân,
Tim em đã kéo bước em gần,
Chẳng rời anh ở nơi này nữa,
Em sẵn sàng từ bỏ tấm thân.
Rohanta:
Chẳng ai bảo dưỡng lại mù lòa,
Phải chết song thân, mẹ lẫn cha,
Em hãy về ngay cùng phụ mẫu,
Hỡi em đừng nấn ná gần ta.
Sutanà:
Em chẳng đi đâu, hỡi Lỗ hân,
Tim em đã kéo bước em gần,
Em liều mất mạng, song không thể
Bỏ mặc anh sa bẫy buộc chân.
Như vậy nàng hươu non cũng không chịu nghe lời Ngài, nên cứ đứng bên cạnh Ngài mà an ủi vỗ về.
Bấy giờ người thợ săn thấy bầy hươu đã chạy trốn mất và nghe tiếng kêu của con vật mắc cạn: Ắt hản là hươu chúa đã bị lọt bẫy rồi! Gã nói xong, nai nịt dây đai thật kỹ và chạy vội đi.
Bậc Đại Sĩ ngâm vần kệ thứ chín, Ngài vừa thấy gã đến:
Thợ săn hung dữ, dáo trong tay
Nhìn gã, kìa đang bước đến đây!
Rồi với mũi tên hay ngọn giáo,
Chúng mình, gã giết nội, ngày nay!
Citta không chạy trốn, dù chú hươu này cũng trông thấy gã thợ săn. Còn bé Sutanà không đủ mạnh dạn để đứng yên, cứ vẫn chạy loanh quanh vì sợ chết.
Rồi nàng hươu bé bỏng kia suy nghĩ: Ta sẽ chạy thoát đi đâu nếu ta bỏ mặc các anh của ta?
Thế là cô nàng quay lại, dành chịu hy sinh tánh mạng, mặc cho tử thần ghi dấu trên đôi mày và đứng yên phía bên trái anh mình.
Bậc Đạo Sư ngâm vần kệ thứ mười để giải thích việc này:
Hươu non mềm yếu quá kinh hoàng,
Sợ hãi chạy quanh cố kiếm đường,
Rồi có hành vi đầy quyết liệt:
Vì nàng đành chịu phận đau thương.
Khi người thợ săn đến nơi, gã thấy cả ba sinh vật này đứng bên nhau. Một ý tưởng từ mẫn thương xót nổi lên trong lòng, vì gã đoán chúng là anh em cùng một mẹ.
Gã suy nghĩ: Chỉ một mình hươu chúa đàn bị mắc bẫy, còn hai Hươu kia thì bị ràng buộc bởi những mối liên hệ thương yêu tôn trọng mà thôi.
Thế chúng có họ hàng gì với hươu chúa chăng?
Gã hỏi câu ấy như vậy:
Đôi lộc dù không bị buộc chân,
Là ai, chầu chực cạnh tù nhân,
Không đành bỏ mặc chàng hươu chúa,
Và chạy trốn đi để thoát thân?
Bồ Tát liền đáp:
Em gái, em trai ấy thật là,
Cùng chung một mẹ đã sinh ra,
Không đành phận được riêng mình sống,
Bỏ mặc ta trơ trọi đấy mà.
Những lời này lại làm cho tim gã mềm dịu xúc cảm tột độ.
Lộc Vương đệ Citta nhận thấy lòng gã thợ săn đã trở thành thân ái nhu hòa, liền nói: Này Hiền hữu thợ săn, hiền hữu đừng tưởng rằng đây là một con hươu tầm thường chứ không có gì khác, Ngài đây chính là Lộc Vương của tám mươi ngàn con hươu. Ngài đã sống đời đạo hạnh, có từ tâm đối với muôn loài và trí tuệ cao minh, Ngài đã phụng dưỡng song thân nay đã già cả mù lòa.
Nếu hiền hữu giết một bậc chân chánh như vậy, tức là giết chết song thân ta, em gái ta và ta nữa, luôn năm mạng tất cả. Còn nếu hiền hữu tha mạng Ngài, là hiền hữu đem cuộc sống lại cho cả năm mạng ta đó.
Rồi Hươu này ngâm kệ:
Chẳng ai chăm sóc lại mù lòa,
Đành phải chết luôn cả mẹ cha,
Thiện hữu hãy tha năm mạng ấy,
Và xin thiện hữu thả anh ta.
Khi người thợ săn nghe lời thuyết giáo đầy hiếu thảo này, lòng gã vô cùng hoan hỷ, gã đáp:
Xin chúa công đừng sợ.
Rồi gã ngâm kệ tiếp đáp lời:
Thôi được, này xem ta thả ra,
Chúa Hươu hiếu dưỡng mẹ cùng cha,
Khi nhìn con bảo toàn thân mạng,
Cha mẹ vui mừng sẽ múa ca.
Trong khi nói thế, gã suy nghĩ: Nay ta còn thiết gì đến Đức Vua cùng các danh vọng Ngài ban cho nữa?
Nếu ta làm hại hươu chúa này, thì hoặc là mặt đất sẽ há miệng ra nuốt chửng ta, hoặc là Thiên lôi sẽ giáng xuống đánh tan xác ta. Vậy ta quyết thả hươu này thôi.
Vì thế gã đến gần bậc Đại Sĩ, hạ cây sào xuống và cắt sợi dây da. Sau đó gã ôm lấy hươu chúa vào lòng, đặt Hươu xuống gần mặt nước, nhẹ nhàng êm ái tháo gỡ nút dây thòng lọng ra khỏi chân Hươu, nối các đầu dây gân lại với nhau, làm kín vết thương trên da thịt cùng các mép da bị sây sát, lấy nước rửa sạch máu, rồi cứ thoa bóp hươu khắp mình mẩy một cách đầy thương xót.
Nhờ uy lực của lòng thân ái kia cùng với công hạnh viên mãn của bậc Đại Sĩ, nên toàn thân Ngài bình phục như trước, đủ gân cổ, da, thịt, lông tơ và da non bao phủ cẳng chân, nên không ai đoán biết được chỗ nào hươu đã bị trọng thương cả.
Bậc Đại Sĩ đứng tại đó và tràn ngập hạnh phúc trong lòng, Citta nhìn Ngài vô cùng hoan hỷ nên ngỏ lời cảm tạ người thợ săn qua vần kệ này:
Chú thợ, cầu mong phước lộc tràn,
Ước ao hạnh phúc cả thân bằng,
Như ta hạnh phúc khi nhìn ngắm
Đại lộc Vương nay được thoát nàn.
Lúc ấy bậc Đại Sĩ suy nghĩ: Phải chăng vì tự ý mà người thợ săn đánh bẫy ta, hay do lệnh của một ai khác?
Và Ngài hỏi nguyên nhân bắt hươu này.
Người thợ săn đáp: Tâu chúa công, kẻ hèn này không có liên can gì đến chúa công cả, chính Vương Hậu Khemà của Đức Vua ước mong nghe Ngài thuyết giảng Chánh Pháp, cho nên kẻ hèn này đã đánh bẫy Ngài theo lệnh Vua truyền.
Hiền hữu, bạn đã dám cả gan thả ta ra ư?
Mau lên, đưa ta vào yết kiến Đức Vua, rồi ta sẽ thuyết giáo trước mặt Hoàng Hậu. Quả thật, tâu chúa công, các Vua chúa thường ác độc lắm.
Làm sao ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra?
Kẻ hèn này chẳng màng thứ công danh gì mà Đức Vua có thể ban cho mình đâu. Vậy Ngài hãy ra đi nơi nào như ý. Nhưng bậc Đại Sĩ lại suy nghĩ rằng gã thả Ngài ra là một việc qúa liều lĩnh, nên Ngài phải tìm cơ hội cho gã đạt vinh quang danh vọng đã được Vua hứa hẹn trước ấy.
Vì thế Ngài bảo: Này Hiền hữu, hãy lấy tay xát mạnh vào lưng ta. Gã làm y lời, bàn tay gã liền dính dầy lông tơ vàng óng.
Tâu chúa công, kẻ hèn này sẽ làm gì với đám lông tơ này đây?
Này Hiền hữu, hãy đem chúng về trình lên Đức Vua cùng Hoàng Hậu, tâu các Ngài rằng đây là đám lông tơ của Hoàng Kim Lộc Vương kia, rồi hãy thay mặt ta thuyết giáo cho hai vị ấy nghe các lời kệ mà ta sắp ngâm đây. Khi Hoàng Hậu nghe lời hiền hữu như thế là cũng đủ làm thỏa mãn niềm khát khao của Hoàng Hậu rồi.
Tâu Lộc Vương, xin Ngài hãy thuyết pháp. Người thợ săn nói và hươu chúa dạy cho gã mười vần kệ về đời sống Thánh hạnh, trình bày ngũ giới đức và bảo gã ra đi với lời dặn dò khuyên nhủ gã phải tỉnh giác hộ phòng.
Người thợ săn cư xử với bậc Đại Sĩ như cách người ta đồn đãi tôn trọng một bậc thầy vậy. Gã đi diễu quanh Ngài ba lần hướng về phía hữu, đảnh lễ bốn lần rất cung kính và gói ghém đám lông tơ vàng ấy trong ngọn lá sen rồi ra đi. Ba anh em chúa hươu tiễn đưa gã đi một đoạn đường. Sau khi ăn uống xong, ba vị liền trở về với cha mẹ.
Song thân vội hỏi Ngài: Này con yêu Rohanta, cha mẹ đã nghe con bị bắt, làm sao con trở về được tự do đây?
Hai vị hỏi qua vần kệ:
Làm thế nào con được tự do,
Khi đời con suýt dứt đường tơ?
Sao người săn nọ cho con thoát,
Chiếc bẫy giăng kia đã phỉnh lừa?
Bồ Tát ngâm ba vần kệ đáp lời:
Citta đã giải thoát cho con
Bằng những lời rung động tâm hồn,
Mê mẩn đôi tai, xuyên thấu dạ,
Lời đưa trong sáng thật du dương.
Suta đã giải thoát cho con,
Bằng những lời rung động tâm hồn,
Mê mẩn đôi tai, xuyên thấu dạ,
Lời đưa trong sáng thật du dương.
Chú thợ kia đã giải thoát con,
Khi nghe lời nói thật mê hồn,
Thấm sâu tâm trí, xuyên vào dạ,
Lời lẽ thanh tao dịu ngọt tuôn.
Song thân của Ngài bày tỏ lòng cảm ơn bằng một vần kệ:
Ta chúc người, gia quyến, vợ con,
Cầu mong các vị phước duyên tròn,
Như ta hạnh phúc khi nhìn ngắm
Nay chúa Lỗ Hân được thoát nàn.
Bấy giờ người thợ săn ra khỏi rừng đi về yết kiến Vua, gã đảnh lễ Ngài và đứng chầu một bên.
Khi Vua trông thấy gã liền bảo:
Lạp hộ, mau lên , nói trẫm hay,
Nhà ngươi có phải muốn thưa vậy
Tâu Hoàng Thượng, tấm da hươu chúa,
Nay tiểu thần dâng ngự lãm ngay.
Hoặc giả da hươu ngươi chẳng có
Để dâng, vì cớ sự gì đây?
Thợ săn:
Chúa hươu đã đến tận tay rồi
Vào bẫy nằm sâu kín của tôi.
Bị bắt liền, song đôi lộc khác
Thong dong chầu chực một bên Ngài.
Xót thương, thần rợn cả làn da
Từ mẫn lạ thường mới khởi ra:
Nếu giết hươu này thần nghĩ ngợi,
Đời thần ắt cũng hóa ra ma!
Nhà Vua:
Lạp hộ, bầy hươu ấy thế nào,
Phong tư, cốt cách chúng ra sao,
Màu lông, đặc tính gì trong chúng
Xứng đáng lời kia tán tụng cao?
Vua cứ hỏi đi hỏi lại câu này mãi như thể một người tràn đầy kinh ngạc.
Gã thợ săn đáp lời qua vần kệ:
Đôi sừng như bạc, dáng cao sang,
Với bộ lông da sáng rỡ ràng,
Chân đỏ, mắt ngời sao chói lọi,
Toàn thân tuyệt mỹ giữa trần gian.
Trong lúc ngâm kệ, gã vừa đem đặt vào lòng bàn tay Vua một nắm lông tơ vàng ánh của bậc Đại Sĩ và qua một vần kệ khác, gã trình bày sơ lược đặc tính của các hươu này:
Phong tư, cốt cách chúng như vậy,
Tâu chúa công, là đám lộc này,
Chúng vẫn tìm mồi nuôi phụ mẫu,
Thần không đem được chúng về đây.
Qua những lời này, gã miêu tả các đức tính của bậc Đại Sĩ, của chú hươu em Citta và cô bé hươu non Sutanà, rồi nói thêm điều này: Tâu Đại Vương, hươu chúa cho tiểu thần một nắm lông, lại bảo thần thay thế địa vị Ngài mà thuyết pháp trước Hoàng Hậu qua mười vần kệ về đời sống theo Thánh hạnh.
Trong lúc gã thợ săn vừa ngồi trên bảo tọa bằng vàng, gã thuyết pháp lành vần kệ này: Theo bản Kinh Miến Điện, Vua đặt gã thợ săn lên chiếc Vương tọa được chạm cẩn với bảy loại châu báu. Còn chính Vua cùng Hoàng Hậu ngồi trên một bảo tọa thấp hơn, đặt ở một bên, rồi cung kính đảnh lễ, thỉnh cầu gã thuyết giảng.
Người thợ săn thuyết giảng pháp lành như vậy:
Tâu Hoàng Thượng, đối với song thân,
Xin thực hành đường lối chánh chân,
Nhờ vậy sống theo đời đức hạnh,
Đại Vương sẽ đến Cõi Thiên Đường.
Với đàn thê tử, tấu Quân Vương,
Xin thực hành đường lối chánh chân
Nhờ vậy sống theo đời đức hạnh,
Đại Vương sẽ đến Cõi Thiên Đường
Đại Vương với thân hữu Quần Thần
Xin thực hành đường lối chánh chân,
Nhờ vậy sống theo đời đức hạnh
Đại Vương sẽ đến Cõi Thiên Đường.
Trong bước lãng du, hoặc chiến trường,
Thực hành đường lối sống thuần lương,
Vì nhờ sống cuộc đời chân chánh,
Thiên Giới sẽ về, tấu Đại Vương
Trong làng, thị trấn, tấu Quân Vương,
Xin thực hành đường lối chánh chân,
Nhờ vậy sống theo đời đức hạnh
Đại Vương sẽ đến Cõi Thiên Đường.
Mọi miền Quốc Độ, tấu Quân Vương
Xin thực hành đường lối chánh chân,
Nhờ vậy sống theo đời đức hạnh,
Đại Vương sẽ đến Cõi Thiên Đường
Với các Sa Môn, Bà La Môn,
Thực hành đường lối sống Hiền Nhân,
Vì nhờ sống cuộc đời chân chánh
Thiên Giới sẽ về , tấu Đại Vương!
Với loài cầm thú, tấu Quân Vương,
Xin thực hành đường lối chánh chân
Nhờ vậy sống theo đời đức hạnh,
Đại Vương sẽ đến Cõi Thiên Đường.
Xin thực hành chân chánh Đại Vương
Từ đây nguồn hạnh phúc tuôn tràn,
Nhờ đi theo cuộc đời chân chánh
Chúa Thượng sẽ lên cõi ngọc đường
Hộ phòng tỉnh giác, tấu Quân Vương
Tiến bước trên đường lối thiện lương,
Thiên Chủ, Chư Thiên cùng Giáo Sĩ,
Từ lâu đã đạt Cõi Thiên Đường.
Ngàn xưa đây chính các phương ngôn,
Đi đúng theo đường lối Trí nhân,
Thiên Nữ được tràn đầy hạnh phúc,
Tự mình thăng tiến Cõi Thiên Đường.
Người thợ săn đã thuyết pháp như trên, theo cách bậc Đại Sĩ đã giảng bày cho gã với tài năng của một bậc giác ngộ, chẳng khác nào người đem từ bầu Trời xuống trần thế cả giải Thiên hà kia. Hội chúng gồm đủ ngàn giọng nói đồng reo hò tán thán. Lòng khát khao của Hoàng Hậu đã được thỏa mãn lúc bà nghe lời thuyết pháp ấy.
Vua đầy hoan hỷ liền ngâm các vần kệ này, khi Ngài ban thưởng người thợ săn đại vinh hoa phú quý:
Nạm ngọc vòng tai, trẫm muốn ban,
Tặng khanh cùng với sáu cân vàng,
Xinh tươi, bảo tọa như hoa tấm
Với nệm nằm chen cả bốn hàng.
Hai vợ cùng giai cấp xứng đôi,
Trâu bò thường đúng một trăm rồi
Trẫm nguyền sẽ trị dân công chính
Mãi mãi, ân nhân của trẫm ôi!
Cho vay, cày ruộng hoặc kinh doanh,
Hễ đó là nghề nghiệp của khanh,
Trẫm thấy khanh không làm việc ác,
Song nhờ đó cấp dưỡng gia đình.
Khi nghe Vua nói những lời này, người ấy đáp: Tiểu Thần không có nhà cửa hay gia đình gì nữa, xin Chúa Thượng cho phép tiểu thần được làm Ẩn Sĩ khổ hạnh.
Sau khi được Vua chấp thuận, người ấy đem mọi vật Vua ban thưởng trọng hậu ấy về cho vợ con, gia đình, xong rồi lại ra đi lên vùng Tuyết Sơn, nơi đây người ấy sống theo đời khổ hạnh, tu tập tám thiền chứng và được sinh lên Cõi Phạm Thiên.
Còn Vua vẫn tuân hành lời giáo huấn của bậc Đại Sĩ, nên về sau lên cộng trú với hội chúng Chư Thiên Dục Giới. Lời giáo huấn ấy tồn tại cả ngàn năm sau nữa.
Khi Pháp Thoại chấm dứt, bậc Đạo Sư bảo: Như vậy, này các Tỳ Kheo, xưa kia cũng như bây giờ, Ànanda hy sinh tính mạng vì Ta.
Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Lúc bấy giờ Channa Xa Nặc là người thợ săn, Sàriputta Xá Lợi Phất là Vua, một Tỳ Kheo Ni là Hoàng Hậu Khemà, hai người trong hoàng tộc là mẹ cha của chúa hươu, Uppalavannà Liên Hoa Sắc là Sutanà, Ànanda la Citta, dòng họ Sàkya Thích Ca này là đàn hươu tám mươi ngàn con, và ta chính là Lộc Vương Rohanta.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Quán Tưởng Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật đa Bồ Tát
Phật Thuyết Kinh đại Bi - Phẩm Bảy - Phẩm Xá Lợi
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Mốt - Phẩm Như Lai - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Ba Pháp Quán Bảy Xứ - Kinh Số Ba Mươi Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Sắc Thị Ngã - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Năm Và Ba - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thiện Giới - Phẩm Mười Chín - Phẩm Những Pháp Trợ Bồ đề Khác