Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Ba - Phẩm Trang Nghiêm Cây Bồ đề - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BA

PHẨM TRANG NGHIÊM CÂY BỒ ĐỀ  

PHẦN MỘT  

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các vị Hiền Giả: Ta từ xưa, trải qua vô số A tăng kỳ kiếp, luôn tích lũy công hạnh, tu tập các pháp thanh tịnh. Những lúc ngồi, nằm hay kinh hành không hề rời bốn tâm vô lượng. Chỉ trong khoảnh khắc, một lúc, một bước đi hay một niệm đều tu tập đủ mười pháp.

Những gì là mười pháp?

1. Từ Cõi Trời Đâu Suất giáng trần hạ sinh, thấy đủ khắp vô số Cõi Phật trong mười phương, thấy các vị Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ thảy đều đến chỗ cây Bồ Đề tu tập pháp Anh Lạc thanh tịnh, nên cất chân bên phải muốn đi tới Đạo Tràng để thể hiện lòng từ bi thương xót chúng sinh. Các Quốc Độ trong Tam Thiên Đại Thiên thảy đều chấn động.

Bồ Tát tự suy nghĩ: Ta từ xưa đã thệ nguyện, ngày hôm nay đã đến lúc, sẽ phá trừ cõi ma và trang nghiêm cảnh giới Phật. Đó gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát tu pháp Đại từ Anh Lạc, dốc lòng hướng tới Đạo Tràng, tâm không thoái chuyển.

2. Thấy đủ khắp trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới các vị Bồ Tát Đại Sĩ tâm thức luôn nhớ nghĩ, lại nhập pháp tam muội định ý dứt mọi vọng loạn.

Hoặc thấy các vị Bồ Tát thành đạo nơi hư không, hoặc thấy nơi chốn vắng vẻ tịch tĩnh bên gốc cây, hoặc nhập vào pháp tam muội Thủy quang không giới, làm trang nghiêm cây Bồ Đề, không lìa tâm đại bi. Đó gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát tu pháp đại bi anh lạc, dốc hướng tới Đạo Tràng, tâm không thoái chuyển.

3. Bồ Tát Ma Ha Tát thấy khắp cõi tam thiên đại thiên Thế Giới đều dốc chí đi tới Đạo Tràng, không rời tâm hoan hỷ, nên cho rằng: Ta nay thành Phật, tất nhiên không còn nghi ngờ, nguyện đem gốc các pháp của ta mà làm cho tất cả chúng sinh đều được thấm nhuần.

Tất cùng với chúng sinh chung một màu sắc vàng óng, ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, được vô số chúng trước sau vây quanh, hủy diệt các lớp lưới ma, tạo thành Quốc Độ cho mình. Đó gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát tu pháp hỷ anh lạc, tâm không thoái chuyển.

4. Bồ Tát Ma Ha Tát muốn hướng tới Đạo Tràng, đi đến chỗ Phật, bên gốc cây Bồ Đề, thấy hết cả A tăng kỳ cõi trong mười phương với các vị Bồ Tát Đại Sĩ Nhất sinh bổ xứ, dốc chí tu tập giữ gìn tâm, làm trang nghiêm cội Bồ Đề, khiến cho vô số chúng sinh cùng dốc giữ gìn tâm mình, không rời tất cả các pháp định ý anh lạc. Đó gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát dốc tới Đạo Tràng thực hiện pháp chánh thọ, giữ gìn tâm, tâm không hề thoái chuyển.

5. Bồ Tát Ma Ha Tát lại trông thấy vô số Quốc Độ trong mười phương với đông đảo các vị Bồ Tát Đại Sĩ Nhất sinh bổ xứ thảy đều chuyển pháp luân, hành hóa không thoái chuyển.

Pháp ấy không thể ngôn thuyết, cũng không hình tướng, đều cùng một tướng là vô tướng, không cõi, vô hình, không cũng như vô không, lẽ nào có cõi của pháp ấy sao?

Đó là Bồ Tát Ma Ha Tát tu tập pháp Anh Lạc không, không hình tướng.

6. Bồ Tát Ma Ha Tát xem khắp hằng sa Quốc Độ trong mười phương, dùng trí tuệ để thông tỏ các căn của chúng sinh đã thuần thục, ý hướng tới ba thừa, không rời bỏ pháp nhẫn, với lòng từ, bi, hỷ, hộ hành hóa sáu pháp quan trọng, bốn thứ trí tuệ vô ngại, cùng dốc hướng về pháp nhẫn, tự biết rõ về sự thọ ký của mình.

Cũng thấy người khác được nhận lấy sự thọ ký như thế. Hoặc được thọ ký đạo quả A La Hán, Bích Chi Phật.

Bồ Tát tự suy nghĩ: Ta từ vô số A tăng kỳ kiếp, bỏ đi rồi nhận lấy thân mạng nối tiếp nhau đều là sự huyễn hóa, không phải là pháp chân thật. Nay được thọ ký, phải dốc tiến tới đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thành Bậc Giác Ngộ tối thượng, du hóa khắp hư không.

Đi đến, qua lại không chút trở ngại. Một lúc, một nơi đạt được sự thâu tóm, nắm giữ các pháp định. Chư Phật đều tán dương về các pháp khổ, tập, tận diệt, đạo.

Khổ ấy chẳng phải là khổ, khổ do từ đâu sinh?

Hiểu rõ khổ là không khổ mới thích ứng với trí tuệ sáng suốt. Tập là do ái dấy khởi, gốc của ái là vô hình, cũng không thể thấy.

Gốc của sinh là không sinh, huống hồ pháp có diệt sao?

Chúng sinh do ngu si, mê lầm nên theo sự dấy khởi. Lại vui với tập cho là đạt được sự thật, điều đúng.

Rõ được tập là không tập thì mới thích ứng với trí tuệ sáng suốt.

Các pháp là không sinh, làm sao lại có diệt?

Thấu đạt tận cùng diệu lý vô sinh cũng là không có tận cùng. Các pháp là vô tận. Chúng sinh do ngu muội mê lầm mà cho rằng tận cùng hoặc chẳng phải tận cùng. Ở trong tưởng được dấy khởi, chớ làm cho các pháp bị lẫn lộn. Thấu đạt tận cùng như vậy mới thật là cùng tận. Ấy chính là trí tuệ thông đạt, giác ngộ.

Đạo không hình tướng, dung mạo. Chẳng phải là cảnh giới, đối tượng có thể nhận thức của mắt. Với tám con đường chân chánh, Bồ Tát an nhiên không còn sự ngăn ngại nào. Ấy chính là trí tuệ giác ngộ. Đó gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát dốc tiến tới Đạo Tràng, tâm không thoái chuyển.

7. Bồ Tát Ma Ha Tát xem xét hết cả các Quốc Độ trong tam thiên đại thiên Thế Giới, mọi căn trí của chúng sinh có cao thấp, lớn nhỏ, hoặc cùng với tâm Như Lai nhận thức đồng cõi, bản hạnh cùng hợp với trí tuệ không tăng giảm, đem lòng đại từ bi mà trang nghiêm nơi thân mình.

Tu tập các pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ với các phương tiện quyền xảo, mười sáu hành thâm diệu cùng với hàng trăm ngàn các pháp tổng trì.

Tâm ấy thật rộng lớn, không phải là chốn nhỏ hẹp. Tuy thấy rõ nẻo hành hóa của các bậc A La Hán, Bích Chi Phật, nhưng tâm không đắm vướng, không đi theo con đường đó. Đấy gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát trang nghiêm cây Bồ Đề, tâm không thoái chuyển.

8. Bồ Tát Ma Ha Tát dốc lòng tu tập tám trăm pháp môn tổng trì, pháp môn đức hạnh. Bồ Tát đã đạt được pháp môn ấy thì mọi sự hành hóa đều đầy đủ, viên mãn, lấy đó làm trang nghiêm cội Bồ Đề.

Lại có pháp môn Phổ nhẫn. Bồ Tát tu tập đạt được pháp môn đó thì sẽ tuôn xuống cho tất cả chúng sinh thấm nhuần những cơn mưa pháp cam lồ.

Lại có pháp môn Vô tướng. Bồ Tát tu tập đạt được pháp môn ấy thì có thể hội nhập tận cùng vào diệu hành không, an trụ nơi quả địa không còn thoái chuyển.

Còn có pháp môn Âm hưởng. Bồ Tát đạt được pháp môn này thì đối với tám nẻo hành hóa luôn được đầy đủ, không còn bị tác động do một âm hưởng nào khác gây nên.

Còn có pháp môn Thân hành. Bồ Tát đạt được pháp môn ấy thì thân hành hóa luôn thanh tịnh, không tạo tác các sự việc xấu ác.

Lại có pháp môn Khẩu hành. Bồ Tát đạt được pháp môn này thì không gây ra bốn thứ lỗi lầm, cũng không khiến kẻ khác làm điều ác hại.

Còn có pháp môn Ý hành. Bồ Tát đạt được pháp môn đó thì tâm ý không còn giong ruổi với các tưởng mà luôn được tịch tĩnh, tự tại.

Còn có pháp môn Vô niệm. Bồ Tát đạt được pháp môn ấy thì có thể nhập vào pháp định diệt tận, quan sát thấu đạt các đối tượng vô hình.

Lại có pháp môn Cứu cánh. Bồ Tát có được pháp môn này thì sẽ từ bờ sinh tử này đi đến bờ giác ngộ kia.

Lại có pháp môn Vô trước. Bồ Tát tu tập đạt được pháp môn ấy thì dù ở nơi pháp sinh tử cũng không hề dấy sự tham đắm hay bị cấu nhiễm.

Còn có pháp môn Vô ngại. Bồ Tát đạt được pháp môn này thì mọi sự qua lại xưa nay đều thông đạt, không bị ngưng trệ trong cõi sinh tử.

Lại có pháp môn Ứng thanh. Bồ Tát đạt được pháp môn ấy thì luôn theo con đường hành hóa tiến tới, không bị mọi người chê trách, vấn nạn.

Còn có pháp môn Thần Túc. Bồ Tát đạt được pháp môn đó thì sẽ tự do biến hóa, lễ bái cúng dường Chư Phật.

Lại có pháp môn Thanh tịnh, Bồ Tát tu tập đạt được pháp môn này thì trí tuệ luôn được thanh tịnh, không còn các tưởng về Quốc Độ, bờ cõi.

Còn có pháp môn Không hành. Bồ Tát tu tập có được pháp môn đó thì sẽ thông tỏ các pháp là hư dối, không thật.

Lại có pháp môn Huyễn hóa. Bồ Tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ quan sát một cách thấu đáo về sự kết hợp quyền biến giả trá của chúng sinh, không thể mô phỏng theo hình tượng đó.

Còn có pháp môn Vô hình. Bồ Tát đạt được pháp môn này thì đối với cội nguồn của muôn loài chúng sinh không có thể suy cứu tận cùng được.

Lại có pháp môn Đạo chủng. Bồ Tát đạt được pháp môn ấy thì sự tu tập ba mươi bảy món đạo phẩm luôn được liên tục, không hề gián đoạn.

Còn có pháp môn Ý chỉ. Bồ Tát tu đạt pháp môn đó thì luôn quan sát trong ngoài thân mình niệm niệm không hề đứt đoạn.

Lại có pháp môn Ý đoạn. Bồ Tát đạt được pháp môn này thì sự quan sát các pháp môn không dấy các tưởng về chúng.

Còn có pháp môn Thần Túc. Bồ Tát tu đạt được pháp môn ấy thì thọ mạng trụ thế trong vô số A tăng kỳ kiếp.

Lại còn có pháp môn Chư căn. Bồ Tát đạt được pháp môn đó thì có được ánh sáng giác ngộ thâm diệu hết mực, lại luôn bền chắc không hề bị ngăn ngại.

Còn có pháp môn Thần lực. Bồ Tát tu tập có được pháp môn này thì luôn an trụ nơi các pháp không hề bị hủy hoại.

Lại có pháp môn Giác ý. Bồ Tát tu tập đạt được pháp môn ấy sẽ có được hoa giác ý, không bị bụi bặm phiền não làm cho ô nhiễm.

Còn có pháp môn Đạo phẩm. Bồ Tát dốc tu đạt được pháp môn đó thì mọi trường hợp nhập định luôn thông đạt, tâm không hề rối loạn, lầm lẫn.

Lại có pháp môn Không tuệ. Bồ Tát dốc sức tu đạt được pháp môn này thì luôn tạo được nơi chốn an ổn trong chúng sinh, vĩnh viễn lìa bỏ tham dục, giận dữ.

Còn có pháp môn Vô tướng. Bồ Tát đạt được pháp môn ấy thì luôn dẫn dắt chúng sinh đến với đạo pháp.

Lại có pháp môn Vô nguyện. Bồ Tát đạt được pháp môn đó thì thường thuận lợi trong việc giáo hóa chúng sinh, dứt bỏ sự cầu nguyện.

Đó là các bậc Bồ Tát Ma Ha Tát tu tập tám trăm pháp Tổng trì, chỉ lược nêu những điểm cốt yếu. Từ đó tiến đến Đạo Tràng trang nghiêm cội Bồ Đề, tâm như Kim Cang không gì có thể hủy hoại được.

9. Bồ Tát Ma Ha Tát xem khắp cõi tam thiên đại thiên Thế Giới ấy với vô số loài chúng sinh, hoặc loài một chân, hai chân, ba bốn chân, cho tới vô số chân. Loài tâm có ái dục, loài tâm không có ái dục, loài tâm có giận dữ, loài tâm không giận dữ. Loài tâm có ngu si, loài tâm không ngu si.

Loài tâm có vui khổ, loài tâm không vui khổ… chỉ trong khoảnh khắc, một lúc, một dấy khởi, một niệm Bồ Tát đều có thể phân biệt để vì các loài ấy mà thuyết giảng về các pháp khổ, không, dứt mọi tưởng chấp về nhân, ngã. Đấy gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát thực hiện pháp Định Vô Tưởng, tiến tới Đạo Tràng trang nghiêm cội Bồ Đề.

10. Bồ Tát Ma Ha Tát lại quan sát khắp Cõi Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, với tâm của vô số chúng sinh trong quá khứ, hiện tại và vị lai, các căn đều tịch tĩnh, có thể thực hiện thích ứng đối với đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Đó gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát dốc tiến tới Đạo Tràng trang nghiêm cội Bồ Đề.

Đức Phật bảo các vị Tộc Tánh Tử: Bồ Tát Ma Ha Tát lúc đưa chân bên phải để bước đi bước thứ nhất thì ở trong khoảng ấy đã tu tập đến mười pháp, nhằm tiến tới Đạo Tràng trang nghiêm cây Bồ Đề.

Những gì là mười pháp?

1. Bồ Tát Ma Ha Tát lúc vừa đưa chân bên phải giẫm lên đất, đã tự xưng danh hiệu là bậc chí tôn trong ba cõi. Hằng sa Chư Phật thời quá khứ đều bước đi bảy bước. Chư Phật đời vị lai cũng đều thể hiện như vậy.

Ta nay trong thời hiện tại này xuất hiện nơi thế gian là bậc riêng được tôn quý trong ba cõi, cũng không gì có thể sánh được, nêu lên điểm sáng cho Chư Phật, khiến ánh sáng đạo pháp không thể bị mất mát. Đó gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát tiến tới Đạo Tràng trang nghiêm cội Bồ Đề.

2. Lại nữa, Bồ Tát lúc vừa cất chân bên phải giẫm lên đất, liền suy nghĩ rằng: Ta nay đã đạt được đạo quả không còn thoái chuyển, thì cũng khiến cho mọi chúng sinh cùng với mình hướng tới đạo quả ấy, không rời bỏ thệ nguyện lớn lao vốn là biểu thị của tâm đại từ bi mênh mông. Đấy gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát dốc đi tới Đạo Tràng nhằm trang nghiêm cây Bồ Đề.

3. Lại nữa, Bồ Tát lúc vừa cất chân bên phải giẫm lên mặt đất, lại suy nghĩ như vậy: Chư Phật thời quá khứ đều thực hành trước pháp ấy.

Ta sẽ xem vị Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ nối tiếp cõi của ta, danh hiệu của vị ấy là ai?

Tức là vị Bồ Tát đang ở bên phải ta, các vị nên xoay lại để nhìn rõ, đó là Bồ Tát Di Lặc. Bồ Tát ấy sau này không lâu sẽ thành Phật như ta.

Hàng trăm ngàn Chư Thiên, người, nghe Đức Phật nói vậy thảy đều vui mừng, khác tiếng nhưng cùng lời, ca ngợi muôn điều tốt đẹp vô lượng: Vui sướng thay bậc đại hùng trong đời! Phật chủng không hề bị gián đoạn!

Ngay bấy giờ có đến mười một na thuật Chư Thiên, chúng nhân nhận thấy Bồ Tát Di Lặc được Đức Phật thọ ký, ấn chỉ thì đều dốc phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Đó gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát dốc đi tới Đạo Tràng trang nghiêm cội Bồ Đề.

4. Lại nữa, Bồ Tát lúc vừa cất chân bên phải giẫm lên mặt đất, liền suy nghĩ: Ta nay đã đạt được mọi trí tuệ tự tại, ánh sáng thần diệu không chút ngăn ngại, cùng các biện tài thông suốt.

Nhưng các loài chúng sinh kia do bị hồ nghi buộc chặt nên mãi chìm đắm trong biển phiền não cấu uế, không mong gì thoát khỏi được. Ta nay sẽ đem ánh lửa trí tuệ thiêu đốt sạch mọi mảng rừng rậm hồ nghi trong tâm của chúng sinh. Đó gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát dốc chí đi tới Đạo Tràng trang nghiêm cây Bồ Đề.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần