Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Ba Mươi - Phẩm Ba đường, Ba Thừa - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BA MƯƠI

PHẨM BA ĐƯỜNG, BA THỪA  

PHẦN MỘT

 

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Tôn Giả hãy xem Bồ Tát Tuệ Nhãn ấy đã đạt được bốn pháp biện tài, các trí tự tại, tâm ý tu tập an định, đã ở nơi giữa đại chúng diễn giảng thông suốt về các pháp thâm diệu của Bồ Tát.

Vị Bồ Tát đó như chẳng còn lâu nữa sẽ thành Bậc Chánh Giác chăng?

Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Hàng Thanh Văn chúng con kiến thức còn ít ỏi, sao có thể lường tính nổi hết các pháp thâm diệu của bậc Đại Giác ngộ?

Kính mong Thế Tôn hãy giảng giải rộng khắp các giáo pháp cần hóa độ để cho các vị trong chúng hội thảy được nghe các điều trọng yếu.

Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Vậy thì Tôn Giả hãy lắng nghe và khéo nghĩ ngợi ghi nhớ!

Ta sẽ vì Tôn Giả mà nêu giảng tường tận về các pháp cốt yếu.

Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa: Kính bạch Thế Tôn! Con xin lắng nghe!

Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Về phương Tây Bắc cách cõi này mười bốn hằng sa Quốc Độ, có một Cõi Phật tên là Chúng Trí Tự Tại, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Tuệ Đạo Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ.

Đức Phật Như Lai ấy ngay từ lúc mới phát tâm Bồ Đề đã phát thệ nguyện rộng lớn không bờ bến, vượt cả các Bậc Giác Ngộ đã từng thọ ký cho Đức Phật ấy.

Đức Như Lai Tuệ Đạo phát thệ nguyện lớn lao như thế này: Như tôi thành Phật Đạo quả Phật Đà dứt lìa mọi nẻo sinh tử, không ở nơi chốn ồn tạp náo nhiệt đầy năm thứ uế trược cấu nhiễm, khiến cho Quốc Độ của tôi luôn được thanh tịnh. Tôi đã được thành Phật đều khiến cho những người theo hầu đều thành tựu đạo quả, nam nữ đều cách biệt dứt hết mọi tâm tham dục.

Đức Phật Tuệ Đạo còn phát nguyện: Sẽ khiến cho tất cả chúng sinh nơi Quốc Độ của tôi đều có hào quang cùng chiếu tỏa sáng, không có ánh sáng của tinh tú cùng mặt trời, mặt trăng, dùng bảy thứ châu báu như thủy tinh, lưu ly, xa cừ, mã não ngọc trai, hổ phách, vàng bạc để trang nghiêm cõi nước ấy.

Sẽ khiến cho Quốc Độ của tôi cùng có chung một thứ nước uống như sữa, có một ao tắm gội lớn rộng như cõi bốn thiên hạ. Các loài chim quý như hồng nhạn vịt trời uyên ương thân thảy đều bằng bảy thứ châu báu, tiếng hót vang ra cùng hòa hợp đem lại sự vui thích.

Về mặt Đông của ao tắm kia có chỗ tiếp giáp với nguồn nước trải rộng đến một ngàn do tuần. Các mặt Nam, Tây, Bắc của ao ấy cũng đều tiếp giáp với nguồn nước trải rộng đến một ngàn do tuần. Nơi chính giữa ao tắm, có một tòa cao làm bằng bảy thứ châu báu tự nhiên xuất hiện, mỗi bề dài rộng cao đều một ngàn do tuần.

Hết thảy các vị Bồ Tát đại thừa nơi vô số, vô lượng, vô cùng tận hằng hà sa Quốc Độ, từng an tọa ở gốc cây Bồ Đề dứt trừ hoàn toàn mọi thứ phiền não trói buộc tâm ý, hàng phục chúng ma, thành tựu đạo quả vô thượng, liền nội trong một ngày thảy đều vân tập đến Quốc Độ ấy, tới nơi ao tắm kia bước lên tòa bảy báu để diễn nói về các pháp đại thừa với hành không thoái chuyển.

Những người cùng theo pháp đại thừa phát thệ nguyện rộng lớn đều cùng đến Quốc Độ của tôi, khiến cho Quốc Độ này không còn phân biệt những người tu tập đại thừa vốn là các vị Bồ Tát, các vị Bích Chi Phật hay các vị Thanh Văn.

Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Hiện nay, Bồ Tát Tuệ nhãn ấy với tâm đại thừa kiên cố không gì có thể hủy hoại được, sẽ sinh về cõi đó mà thành Bậc Chánh Giác, giáo hóa chúng sinh vô cùng tận.

Thọ mạng của dân chúng ở Quốc Độ đó đều như nhau không có những kẻ giữa chừng mạng yểu, muốn biết thọ mạng ở cõi ấy thì cũng như vô lượng các Cõi Phật khác, chỉ có chúng sinh nam nữ thì không như Cõi Phật A Di Đà thảy đều đắc đạo.

Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất nghe Đức Phật nói về điều lạ lùng chưa từng có, khiến cho hết thảy các vị trong chúng hội thảy mang lòng hồ nghi, liền rời chỗ ngồi đứng dậy để trần vai bên phải, đến trước Đức Phật quỳ mọp, đầu gối bên phải chạm sát đất.

Chắp tay cung kính thưa: Kính bạch Thế Tôn! Nay nghe Đức Như Lai diễn giảng về hành chẳng thoái chuyển của pháp đại thừa, những người đi theo ủng hộ đại thừa tạo thành Quốc Độ cho mình, con mong muốn được nghe giảng giải rõ.

Thế nào là Bồ Tát đại thừa?

Thế nào là Bích Chi Phật đại thừa?

Thế nào là Thanh Văn đại thừa?

Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Ba thừa của Bồ Tát có ba phẩm, ba thừa của Bích Chi Phật cũng có ba phẩm, ba thừa của Thanh Văn cũng vậy.

Này Tôn Giả Xá Lợi Phất! Những gì là ba thừa của Bồ Tát?

Nay ta sẽ nêu để Tôn Giả rõ: Có Bồ Tát đại thừa, có Bồ Tát Bích Chi Phật thừa, có Bồ Tát Thanh Văn thừa. Đó gọi là ba thừa của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tôn Giả Xá Lợi Phất! Ba thừa của Bích Chi Phật ấy, tức có Bích Chi Phật đại thừa, có Bích Chi Phật Duyên Giác thừa, có Bích Chi Phật Thanh Văn thừa. Đó gọi là ba thừa của Bích Chi Phật.

Này Tôn Giả Xá Lợi Phất! Ba thừa của Thanh Văn, tức có Thanh Văn đại thừa, có Thanh Văn Bích Chi Phật thừa, có Thanh Văn Vô trước thừa. Đó gọi là ba thừa của Thanh Văn.

Tôn Giả Xá Lợi Phất lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát đại thừa?

Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Như Quốc Độ sẽ được sinh đến của Bồ Tát Tuệ Nhãn là cảnh giới của Đức Như Lai Tuệ Đạo. Nếu có các vị Đại Bồ Tát phát thệ nguyện rộng lớn, tâm không ham thích các pháp nhỏ, như sở nguyện kể trên, thì thảy được sinh nơi Quốc Độ của Đức Tuệ Đạo Như Lai.

Tôn Giả Xá Lợi Phất lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát Bích Chi Phật thừa?

Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Về phương Tây Bắc cách cõi này mười bốn hằng sa Quốc Độ, lại qua mười bốn hằng sa Quốc Độ nữa, có một Cõi Phật tên là Tịnh Thái, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Vô Động Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ.

Quốc Độ ấy luôn thanh tịnh không có tham dâm, giận dữ, si mê, trên dưới đều khiêm cung thuận hợp dốc tu tập các pháp thanh tịnh hư tịch. Chúng sinh ở cõi ấy đều cùng tu tập một hạnh, thảy đều xuất gia tu học Vô Thượng, Chánh Giác, tu nẻo giác ngộ bình đẳng. Cảnh giới của Đức Phật ấy có một ao tắm rộng lớn như một Thế Giới của Phật.

Bốn mặt Đông, Nam, Tây, Bắc của ao tắm đó đều trải rộng đến trăm ngàn vạn do tuần. Các vị Bồ Tát tu tập theo đại thừa Bích Chi Phật thảy đều sinh ở Quốc Độ ấy. Trong ao tắm rộng lớn đó có nhiều loài chim kỳ lạ đến hàng chục hàng trăm thứ vui đùa nhảy nhót. Lại có vô số hương xông tỏa khắp mọi nơi chốn, vô số các thứ cây bảy báu tươi tốt với hoa quả thơm ngon tinh khiết.

Còn có nhiều thứ hoa quý nơi ao ấy như hoa Ưu Bát Liên, hoa Bát Đầu Ma, hoa Câu Vật Đầu, hoa Phân Đà Lợi. Nơi chính giữa ao to có một tòa cao làm bằng bảy thứ châu báu, trải rộng trên dưới hơn cả một Thế Giới chúng sinh, hết thảy các Bậc Thánh Hiền đều ở nơi tòa cao này.

Này Tôn Giả Xá Lợi Phất! Như thế là Quốc Độ của Đức Phật ấy không có hàng Bồ Tát đại thừa, chỉ có hàng Bồ Tát Bích Chi Phật thừa, đều là do sở nguyện từ đời trước mà được sinh vào cõi này, đều nhận rõ ba mươi bảy phẩm đạo pháp, cùng nhau tạo sự an lạc để diễn giảng giáo pháp khắp mọi nơi chốn.

Này vị Tộc Tánh Tử! Đó gọi là trú xứ của Bồ Tát Bích Chi Phật thừa, chẳng phải chốn của hàng Bồ Tát Thanh Văn thừa có thể đạt đến.

Bấy giờ Đức Thế Tôn, vì Tôn Giả Xá Lợi Phất, đọc bài kệ:

Như Lai vượt nghĩ bàn

Các pháp đều thù thắng

Tuệ Bồ Tát đại thừa

Quốc Độ cũng đề khác.

Hiền Thánh Bích Chi thừa

Hợp khắp cùng một vị

Quyền hiện cùng giáo hóa

Diễn khắp pháp vô lượng

Âm thanh tịnh nêu bày

Bình đẳng không hai tâm

Do bản nguyện đời trước

Nên sinh Quốc Độ ấy

Ở tòa cao bảy báu

Sấm rền vang ba cõi

Nẻo hóa độ vô lượng

Tự nhiên hợp giáo pháp

Chẳng vướng gốc sinh tử

Chẳng mang tưởng buồn vui

Chẳng chấp hành không, có

Chẳng tính gốc ngọn không

Nay Tôn Giả Thu Tử

Muốn rõ Bích Chi thừa

Quốc Độ, Phật, Tôn hiệu

Nên nêu bày như thế.

Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, đã dùng tướng lưỡi rộng lớn với thần khẩu để diễn giảng về hàng Bồ Tát đại thừa và Bồ Tát Duyên Giác thừa đã được gồm đủ.

Nay con muốn được nghe nói về hàng Bồ Tát Thanh Văn thừa với nẻo hành hóa cùng phép tắc ra sao?

Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Về phương Tây Bắc, cách cõi này hai mươi bốn hằng sa Quốc Độ, lại vượt qua hai mươi bốn hằng sa Quốc Độ nữa, có Cõi Phật tên là Mao Khổng Quang, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Pháp Quán Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ.

Quốc Độ ấy luôn thanh tịnh, hết thảy mọi chúng sinh đều đạt đủ bốn pháp định không, thần túc biến hóa hơn cả các bậc Hiền Thánh. Quốc Độ ấy cũng có ao tắm rộng lớn như đã nêu trên không khác.

Thảy đều do sở nguyện từ đời trước mà được sinh nơi Quốc Độ đó, nên đều cạo bỏ râu tóc mặc lấy pháp phục là ca sa tu tập đủ sáu pháp độ, không, vô tướng, vô nguyện, số lượng chúng sinh được hóa độ là không thể tính kể hết được. Ở cõi ấy, các vị Bồ Tát Thanh Văn thừa đông đảo hơn các vị Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ nơi Quốc Độ của ta.

Sở dĩ như thế là vì, hiện nay các vị Bồ Tát đó đã đạt quả vị A duy nhan Nhất sinh bổ xứ, trải qua trăm kiếp giáo hóa, thảy đều khiến cho mọi chúng sinh hướng về cửa đạo pháp, mỗi mỗi đều thành tựu, đứng vững không hề thoái chuyển, cũng không bằng hàng Bồ Tát Thanh Văn thừa ở Quốc Độ của Đức Như Lai Pháp Quán chỉ trong một ngày giáo hóa tế độ chúng sinh, số lượng này còn gấp trăm ngàn vạn ức lần nhiều hơn trước, không thể dùng thí dụ để so sánh.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Tôn Giả Xá Lợi Phất, lại đọc bài tụng:

Thanh tịnh như vàng ròng

Cũng như trăng trong ao

Uy nghi giới luật đủ

Nên sinh Quốc Độ ấy.

Đại Thánh Hiền Pháp Quán

Xưa chứa vô lượng hạnh

Nhận rõ tuệ hư không

Tâm chính dứt mọi tưởng.

Thuyết pháp độ chúng sinh

Một hội hằng sa số

Thảy đều thành tựu đủ

Bồ Tát Thanh Văn thừa.

Ta xưa từng phát tâm

Khổ hạnh chẳng thể lường

Chẳng cùng nhân duyên ấy

Vua cõi năm trược này

Nay tuy thành Phật Đạo

Thần túc đều tự tại

Muốn được đến cõi đó

Đâu dễ đã tới được.

Cảnh giới Phật khác nhau

Hạnh nguyện cũng chẳng đồng

Muốn tạo được duyên ấy

Sao không sớm phát nguyện?

Đức Thế Tôn đã vì Tôn Giả Xá Lợi Phất nói xong bài kệ, bấy giờ nơi tòa ngồi có đến trăm ức na thuật Chư Thiên và chúng nhân thảy đều phát tâm với thệ nguyện rộng lớn vui thích mong muốn được sinh lên Cõi Phật của Đức Như Lai Pháp Quán để được làm Bồ Tát Thanh Văn thừa.

Ở Quốc Độ của Đức Như Lai ấy không có Bồ Tát đại thừa, không có Bồ Tát, Bích Chi Phật thừa, chỉ có hàng Bồ Tát Thanh Văn thừa. Các vị ấy thảy sinh nơi Quốc Độ đó cùng tạo sự an lạc, đều là do sở nguyện từ đời trước mà được phước báo ấy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần