Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Thiên Tử Cõi Trời Tịnh Cư Hỏi Pháp - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BA MƯƠI TÁM

PHẨM THIÊN TỬ CÕI TRỜI

 TỊNH CƯ HỎI PHÁP  

PHẦN NĂM  

Bấy giờ Bồ Tát phân biệt nhận rõ các pháp thảy quy về không tịch, nên thường tự tạo sự giữ gìn cần thiết khỏi bị bọn ma xấu ác tự tiện lung lạc. Hướng tới nơi không chốn hướng, chuyển ở chốn không chốn chuyển, như thế là đã hội nhập vào pháp giới của tuệ không vô lượng, có thể lấy đó làm pháp của các tướng để tự trang nghiêm.

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Cũng như mắt tiếp cận với sắc trong ngoài đều không chủ, phải có đủ ba yếu tố duyên hợp thì nhãn thức mới thành. Thống thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy, trong ngoài thành tựu thì mới thành các thức.

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Ta nay vì ông mà nêu dẫn ví dụ, kẻ trí thông qua thí dụ sẽ tự thông tỏ. Cũng như Long Vương Y La Bát, trú xứ nằm ngay bên cạnh núi Phước kim. Cung điện, đền đài, tường thành, hàng cây đều làm bằng bảy thứ châu báu, cả đến thang leo, thềm bệ, đường lớn, ngõ hẹp… cũng đều do bảy thứ châu báu tạo thành. Các đồ vật được chạm trổ, khắc đúc cũng đều được tạo nên do các thứ châu báu.

Lúc này, Long Vương Y La Bát thân thể toàn màu trắng xóa như ngọc tuyết, có chiếc lọng báu bằng vàng cùng đi theo sau, hương thơm cùng xâu chuỗi trang điểm nơi thân thảy đều làm bằng bảy thứ châu báu. Lại dùng bảy báu để tạo ra các vật dụng đựng thức ăn, cũng dùng thuần thứ vàng ròng để tạo các vòng hoa, chuông trống, các thứ nhạc khí khác.

Bảy chốn nơi thân tướng đều cân đối, miệng răng cũng ngay ngắn hài hòa, dung mạo đoan nghiêm khiến người xem không biết chán. Nói chung là rất thanh tịnh tươi đẹp, hai bên xoay chuyển ung dung không hề trở ngại, những phước đức có được ấy là chẳng thể nêu bày lường tính hết nổi.

Nhưng Thích Đề Hoàn Nhân thống lãnh ba mươi Ba Cõi Trời, là Bậc Thiên Vương được tôn quý.

Lúc này, Thích Đề Hoàn Nhân đang có điều tâm niệm, chỉ trong khoảnh khắc búng ngón tay, muốn được sử dụng Long Vương Y La Bát ở bên cạnh núi Phước kim, nên chỉ trong khoảng thời gian co giãn cánh tay, Long Vương Y La Bát đã đi tới Cõi Trời Tam thập tam thiên, được đám theo hầu hạ hai bên chỉ dẫn nên việc tìm đến chỗ Thiên Vương không gặp trở ngại gì.

Bấy giờ Thiên Vương Thích Đề Hoàn Nhân, muốn khiến cho Chư Thiên thấy rõ công đức ấy, liền dùng đủ bảy thứ châu báu để trang nghiêm thân tướng Long Vương. Thế là Thiên Đế Thích liền cỡi Thần long ấy đi đến khắp mọi nơi chốn để quan sát thưởng ngoan cảnh sắc.

Cùng trong lúc ấy, Long Vương Y La Bát lại dùng thần lực hóa ra đủ thứ đủ loại để cúng dường, cung phụng hết mực vị Thiên Đế Thích ấy. Long Vương tự hóa hình tướng có ba mươi hai đầu. Nơi mỗi mỗi đầu, miệng có bảy cái răng. Trên mỗi mỗi chiếc răng lớn có bảy ao tắm. Trong mỗi mỗi ao tắm ấy có bảy trăm đóa hoa sen.

Trên mỗi mỗi đóa hoa sen có đến bảy trăm ngọc nữ. Mỗi mỗi ngọc nữ lại dẫn theo bảy trăm người phục vụ để cùng hòa tấu ca nhạc múa hát chung vui. Về phần Thích Đề Hoàn Nhân dạo ngắm đã chán, liền trở về cung điện bảy báu nghỉ ngơi, sau đấy thì đến nơi một ao tắm tên là Hương Khiết. Bước vào đấy, cởi Long Vương Y La Bát thỏa thích vui đùa.

Lúc này Thiên Vương Thích Đề Hoàn Nhân đã vào một ao tắm đẹp đẽ, cỡi Long Vương ấy dạo chơi, vô số các thứ châu báu xen lẫn la liệt trong và nơi bờ ao tăng thêm vẻ trang nghiêm cho thân tướng. Lại thêm âm nhạc hòa tấu, ca múa, cùng với năm thứ dục lạc cùng nhau vui thú thật chẳng thể kể xiết.

Bấy giờ, Long Vương Y La Bát rời bỏ hình tướng gốc của mình không làm thân Long nữa, dùng chính thần lực mình hóa làm cảnh tượng Cõi Trời Tam Thập Tam. Lại đi vào một ao tắm để cùng với các vị Chư Thiên và đám ngọc nữ vui đùa thích thú, cũng như Thiên Đế Thích không khác.

Những người theo hầu hạ xem thấy sự biến hóa ấy, với Thân Thiên Thân Long đều không có gì khác. Thân cùng với thân Thiên Đồng, sắc cùng với sắc Thiên Đồng, đều cùng ở nơi ao tắm không có sự biến hóa đổi khác. Thân Thích Đề Hoàn Nhân và thân Long Vương như là một chứ không hai.

Vì sao?

Vì đều do sự tích chứa công đức từ đời trước mà có được. Ví như hai người ấy gốc cầu đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thì hôm nay thành Phật lại cũng không còn lâu, hành hóa theo tâm đạt được tâm thanh tịnh và thành tựu đạo quả. Như Thiên cung đó, gốc không rõ từ chốn nào lại, đi cũng không có chỗ tới. Tất cả các hành thảy đều là không là tịch!

Thiên Tử nên biết! Thân ông hiện nay cùng với Thiên cung và Thiên Tử Nhật Nguyệt tất thảy chịu chung về sự hao mòn hủy diệt không có thể giữ lấy lâu dài.

Này vị Thiên Tử! Vì thế mà phải lãnh hội đúng về tánh của các pháp, về sự thành hoại sinh diệt luôn phân chia ly cách. Duy chỉ có cảnh giới Nê Hoàn là an lạc vi diệu tột bực, chẳng thể dùng đao kiếm hay chú thuật để phá hoại hủy diệt được.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo vị Thiên Tử: Đại Bồ Tát cũng như vậy, với thệ nguyện rộng lớn bền chắc, đạt được pháp định ý vô ngại.

Dùng pháp Tam Muội Bồ Tát làm bảy thứ châu báu để tự trang nghiêm, dùng hoa bảy giác ý để tô điểm cho thân tướng, khéo an trụ nơi pháp định ý vô ngại dứt mọi vọng loạn, thân phóng ánh sáng không đâu là không tỏa chiếu. Khua mạnh tiếng trống chánh pháp để âm thanh vang động khắp mười phương, dựng cao ngọn cờ đạo pháp làm hiển lộ mọi uy nghi.

Gân cốt rắn chắc, sức lực hơn cả trời người, luôn được tăng trưởng với tất cả các pháp Ba la mật, đối với mọi giới pháp đều tự nhiên thành tựu. Vóc dáng uyển chuyển mềm mại không thọ nhận các thứ bụi bặm cấu nhiễm, nêu bày ánh sáng pháp luân, là bậc Pháp Vương hơn hết, đã hội nhập vào kho tàng chánh pháp thâm diệu.

Dùng các vị Bồ Tát làm hàng quyến thuộc, dùng nước ở ao tắm gồm đủ tám vị giải thoát để rửa sạch tâm cấu uế, không làm gián đoạn gốc của thệ nguyện lớn lao vì mọi người an tọa nơi gốc cội Bồ Đề, lìa bỏ tất cả mọi nẻo ngôi nước vinh hoa không chút luyến tiếc, dùng sự thi ân lớn lao đó góp phần làm thành tựu Phật Đạo.

Chính vào lúc này đã phát ra âm thanh vang vọng: Ta không thành Phật thì không hề rời khỏi tòa ngồi này! Phải thông tỏ những điều cần được giác ngộ thì mới rời tòa ngồi này! Chỉ có vị thần giữ đất cây mới rõ tâm ta lúc ấy.

Lúc này, Đức Thế Tôn nói xong lời đó, thì cả vô lượng hằng sa Quốc Độ trong khắp mười phương, có tới tám mươi ức cai chư Bồ Tát đạt được thần thông, thảy đều tề tựu đông đủ, trời đất chuyển động lớn.

Chư Phật trong mười phương, mỗi vị đều ở nơi cõi mình xưng tán công đức kia, nói với bốn bộ chúng rằng: Hôm nay, Bồ Tát Thích Ca Văn, ở nơi Thế Giới Ta Bà sẽ thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Các vị hãy cố gắng đi đến cõi ấy, phải thu giữ tâm ý giữ gìn đủ uy nghi thì mới đến gần để chiêm bái kính lễ.

Bấy giờ, chư Bồ Tát thần thông khắp trong mười phương vâng theo Thánh chỉ của Phật, thảy cùng cung kính lễ Phật ba lượt, đều mang theo hương hoa đi đến Thế Giới Ta Bà, dốc tâm cúng dường kính lễ đi nhiễu quanh gốc cây Bồ Đề, khéo bày tỏ vô lượng lời xưng tán Bồ Tát.

Trong khi ấy Bồ Tát vẫn an tọa, tâm nhẫn như đại địa, lớp chân lông trên thân tướng cũng im lìm. Tâm ý như gắn chặt với giờ phút hiện tại, mắt không hề dòm ngó hai bên.

Tâm từ bi thể hiện trọn vẹn sự thương xót đối với mọi khổ ách của muôn loài: Ta nay sở dĩ thành tựu đạo quả Phật Đà là vì thương xót muốn cứu độ mọi chúng sinh! Lúc nói xong lời ấy, thì cả trời đất đều hiện đủ sáu cách chấn động.

Bấy giờ Đức Thế Tôn đưa mắt nhìn thẳng về phía trước, bảy ngày không hề lay động. Chư Thiên, Long, Thần, tám bộ chúng thảy cùng đến để vây quanh hộ trì che chở cho Bồ Tát, nhằm hỗ trợ cho đạo quả Bồ Tát đạt đến cứu cánh. Như thế là ta cũng không hề rời bỏ nẻo hành hóa của Bồ Tát.

Lại nữa, này vị Thiên Tử! Bồ Tát với thần túc của mình tu tập thực hiện sáu pháp của Bậc Giác Ngộ, tiến tới trên con đường tu học, thành Phật mới tạo nên giáo pháp hóa độ chúng sinh. Ta trước khi thành Phật, cũng do tu tập thực hiện sáu pháp ấy cùng thể hiện lòng từ bi rộng lớn.

Những gì là sáu pháp?

1. Luôn thể hiện lòng từ bi nhân ái thương xót đối với những chúng sinh chưa được hóa độ.

2. Bố thí giúp đỡ đối với hết thảy mọi đối tượng.

3. Diễn giảng rộng khắp, ánh sáng giác ngộ không có tiến thoái.

4. Thực hiện ba pháp tuệ không đem lại sự thanh tịnh ổn định cho Quốc Độ.

5. Thu giữ giữ lấy Quốc Độ, tâm không dao động thay đổi.

6. Thọ nhận sự ấn chứng tin tưởng nơi Đức Phật để có thể trao lại cho chúng sinh.

Đó gọi là sáu pháp giúp cho việc thành tựu Bậc Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Đại Bồ Tát lại có sáu pháp, khiến luôn nhớ nghĩ đến việc hóa độ chúng sinh, không mang lòng lười nhác hay khinh thường, mà lại thực hiện đầy đủ mọi nguyện vọng của tất cả chúng sinh.

Sáu pháp ấy gồm:

1. Tinh tấn đoạn trừ các lậu, kết sử.

2. Dù khổ hạnh cũng không rời đạo tâm.

3. Luôn tự nhớ nghĩ để thu giữ thân, khẩu, ý.

4. Tìm Thầy để mong được thọ nhận chánh pháp.

5. Tu tập các đức là nhằm vì chúng sinh.

6. Thực hành các pháp định, quan sát lãnh hội mọi cội nguồn.

Đó gọi là sáu pháp giúp cho Đại Bồ Tát tạo được thuận hợp với trí tuệ giác ngộ.

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Chư Phật Thế Tôn tu tập sáu pháp ấy, thành tựu được đạo quả vô thượng bồ đề, hóa độ rộng khắp chúng sinh, chuyển pháp luân thâm diệu, hội nhập vào cửa tổng trì.

Thế nào là tổng trì?

Gọi là tổng trì, tức là pháp tổng trì pháp Anh Lạc thanh tịnh. Bồ Tát hội nhập pháp tổng trì ấy, thì có thể khiến cho chúng sinh luôn được an vui với sự diệu lạc của pháp an lạc đó.

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Lại có pháp tổng trì vô biên tế, Bồ Tát đạt được pháp tổng trì ấy thì có thể khiến cho vô biên vô tận chúng sinh luôn đứng vững trong tám nẻo giải thoát.

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Lại có pháp tổng trì Vô đoạn chuyển pháp, Bồ Tát đạt được pháp tổng trì này sẽ khiến cho chúng sinh nghe pháp không hề bị gián đoạn. Lại có pháp tổng trì giác đạo liễu chúng sinh bản, Bồ Tát đạt được pháp tổng trì ấy thì sẽ khiến cho A tăng kỳ chúng sinh biết rõ được gốc từ chốn nào đến.

Lại có pháp tổng trì hành tích vô ngại, Bồ Tát đạt được pháp tổng trì này thì sẽ thông tỏ tính chất như nhiên của các pháp, không có sinh, diệt. Lại có pháp tổng trì tụng pháp bất vong, Bồ Tát đạt được pháp tổng trì ấy thì sẽ thu đạt được các pháp môn, không hề dấy khởi tưởng chấp về các pháp.

Này vị Thiên Tử! Các pháp tổng trì của Bồ Tát như thế là có đến vô lượng trăm ngàn vạn ức vượt khỏi sự suy niệm của tâm. Bồ Tát do đạt được các pháp tổng trì ấy nên liền đạt hàng trăm ngàn pháp tam muội an lạc tự tại.

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Có bốn pháp Biện tài của hàng Hiền Thánh Như Lai, Bồ Tát đạt được bốn pháp đó thì đối với con đường hướng tới cửa ngõ Niết Bàn giải thoát không còn trở ngại gì. Thế nào là các pháp Biện tài của hàng Hiền Thánh?

Này vị Thiên Tử! Hoặc có vị Bồ Tát tâm ban đầu mới nhập định, tâm sau đấy hướng đến đạo thực hiện theo trí tuệ của Như Lai, không hề hủy hoại tâm trước, tức tâm ý lúc nhập định. Đó gọi là Bồ Tát đạt được pháp Biện tài của hàng Hiền Thánh.

Lại nữa, này vị Thiên Tử! Bồ Tát nhập định, niệm trước niệm sau luôn tịch nhiên chẳng động, có thể gồm đủ các tướng tốt hiện rõ khắp cho người đời được thấy, dùng thuần các vị Bồ Tát ở bên cạnh để giúp đỡ giữ gìn. Đó gọi là Bồ Tát đạt pháp biện tài của hàng Hiền Thánh.

Lại nữa, này vị Thiên Tử! Hoặc có Bồ Tát hiện rõ việc nhập định, tâm đi đến khắp vô lượng Thế Giới Chư Phật thu nhận lấy các giới pháp thù diệu của Bậc Giác Ngộ, mà không một chúng sinh nào hay biết cả.

Lại nữa, này vị Thiên Tử! Lại có Bồ Tát nhập pháp tam muội diệt tận là pháp chánh định vô hình, lại ra khỏi pháp định ấy và tạo ra vô số biến hóa, nhưng tất cả chúng sinh đều không hay biết được. Hoặc hiện một kiếp đến trăm ngàn kiếp.

Hoặc hiện một tháng, hoặc hiện một ngày cho đến bảy ngày. Hoặc hiện thành Phật chọn lấy cảnh giới Bát Nê Hoàn.

Này vị Thiên Tử! Đó gọi là Bồ Tát đạt được biện tài với vô lượng công đức.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo vị Thiên Tử: Như có hàng Bồ Tát riêng mình đi khắp ba cõi để cúng dường Chư Phật Thế Tôn, thì trước nên tu tập pháp Biện tài của hàng Hiền Thánh ấy, để nhằm vượt qua hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật.

Để nhằm dốc cúng dường Chư Phật Thế Tôn. Để nhằm thấu đạt tận cùng vô lượng pháp trong ba đời. Để nhằm đạt được sự giải thoát như Phật đã đạt được. Để nhằm khiến cho chúng sinh trong một thời đều được thành Phật.

Này vị Thiên Tử! Các vị Đại Bồ Tát ấy như vậy là phải tu tập pháp biện tài của hàng Hiền Thánh đó, lại thọ trì đọc tụng và thuyết giảng cho nhiều người cùng được lãnh hội. Cho dù chỉ với những thời gian ít ỏi nhất, hạn hẹp nhất, kể cả chỉ trong khoảnh khắc chốc lát.

Vì sao?

Vì Chư Phật trong ba đời cũng như tất cả các con đường tu tập thảy đều từ đấy phát sinh, đem đến ánh sáng cho thế gian khiến những người khốn khổ tự nhiên được an lành. Như có các hàng Thiện Nam, Thiện Nữ thân thể mang bệnh nhọt bướu đầy những máu mủ nhớp nhúa, kẻ đó nếu được nghe pháp biện tài của hàng Thánh Hiền ấy, tức thì liền được tiêu trừ khỏi bệnh.

Hoặc các Thiện Nam, Thiện Nữ mang các tật như xương sống bị cong vẹo, mắt mù, tai điếc, câm ngọng không nói được, nếu được gặp gỡ bậc thiện tri thức thuyết giảng cho nghe bốn pháp Biện tài của hàng Hiền Thánh ấy, tức thì liền được giải thoát khỏi mọi khổ nạn đó.

Này vị Thiên Tử! Nếu ta ngày trước chẳng đạt được bốn pháp biện tài của hàng Hiền Thánh ấy, thì rốt cuộc cũng chẳng thể thành tựu được chúng.

Vì sao?

Vì công đức phước báo của các pháp đó là khó có thể lường tính được. Như từ một kiếp cho đến trăm ngàn kiếp, vô số hằng sa kiếp, trong ấy cũng không thể dùng thí dụ để ca ngợi pháp diệu ấy cho hết được.

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Ta nay sẽ nêu sơ lược một số điểm chính. Như có các hàng Thiện Nam, Thiện Nữ, đi đến chỗ của Như Lai, cung kính đảnh lễ ngang chân Phật, lấy điều ấy làm hàng đầu. Cho đến vô lượng Quốc Độ trong mười phương, kính lễ cúng dường, tín tâm được thể hiện trọn vẹn.

Mang vô số các thứ hương hoa, giăng treo các loại cờ phướn dù lọng, hỏi Phật về ý nghĩa thâm diệu của sự tăng trưởng công đức nhận biết tất cả các pháp như huyễn như hóa, cùng thuyết giảng về con đường tu tập của Bồ Tát để hóa độ tất cả.

Mỗi mỗi phân biệt nhận rõ về đạo lớn bình đẳng, như vô số các hành của Bồ Tát thì không đồng, các hành của tánh chúng sinh cũng như thế. Lớp lớp Bồ Tát an trụ nơi cảnh giới. Lớp lớp Bồ Tát đầy đủ trí tuệ. Lớp lớp Bồ Tát gồm đủ uy nghi.

Lớp lớp Bồ Tát với các hành thâm diệu. Lớp lớp Bồ Tát đạt được thần túc. Lớp lớp Bồ Tát với con đường đạt tới giải thoát. Lớp lớp Bồ Tát hội nhập vào cảnh giới dứt mọi tham đắm cấu nhiễm. Lớp lớp Bồ Tát dứt sạch mọi mê lầm, tâm luôn tự an lạc.

Lớp lớp Bồ Tát thông tỏ nẻo xâu xa của các pháp, nên đã phân biệt nhận rõ vô lượng pháp. Lớp lớp Bồ Tát với trí tuệ thông đạt, nên có thể quan sát nhận biết căn tính của chúng sinh đã thuần thục. Lớp lớp Bồ Tát đạt được trí tuệ giác ngộ, nên không hề rời bỏ gốc ngọn các pháp định.

Lớp lớp Bồ Tát đạt được các pháp quán sâu xa, luôn thực hiện các pháp định ý. Lớp lớp Bồ Tát với thệ nguyện lớn lao, nên không hề trái với bản nguyện. Lớp lớp Bồ Tát dũng mãnh nên luôn thành tựu đầy đủ các pháp. Lớp lớp Bồ Tát tinh tấn nên không hề tỏ ra biếng trễ. Lớp lớp Bồ Tát chịu đựng khổ hoạn nên không hề nhớ nghĩ về kiếp gần kiếp xa.

Lớp lớp Bồ Tát với lòng từ bi rộng lớn nên tâm luôn thể hiện sự bình đẳng. Lớp lớp Bồ Tát với lòng thương xót lớn lao nên luôn thương nhớ nghĩ đến muôn loài. Lớp lớp Bồ Tát tâm luôn vui mừng nên chưa từng dấy khởi giận dữ. Lớp lớp Bồ Tát với tâm xả, nên luôn buông xả đối với tất cả.

Lớp lớp Bồ Tát thực hành pháp quán Bất Tịnh nên luôn quán tưởng bên trong các pháp. Lớp lớp Bồ Tát thực hiện pháp quán về hơi thở ra vào nên luôn tự thu giữ tâm ý. Lớp lớp Bồ Tát thấu đạt diệu lý mười hai duyên khởi, nên luôn tự dứt sạch mọi thứ ràng buộc của các pháp. Lớp lớp Bồ Tát quán tỏ năm ấm dấy mạnh, nên luôn nhớ nghĩ nhằm dứt trừ các tưởng.

Này vị Thiên Tử! Như thế là các vị Đại Bồ Tát đã quan sát các pháp chẳng thể nghĩ bàn, làm thanh tịnh mọi nẻo dấu vết, thuận hợp tất cả các trí, thành tựu trọn vẹn một đạo, gốc quy về một cõi Niết Bàn giải thoát, như thế mới thích hợp với pháp Biện tài của hàng Hiền Thánh, từ đấy phân biệt nhận rõ về chỗ thuyết giảng Kinh pháp của Như Lai.

Thế nào là Kinh?

Gọi là kinh đó chính là Khế Kinh, Ca, Thọ Quyết, Bản Mạt Cữu Viễn Sự, Tương Ưng, Sinh, Kinh Phương Đẳng, Vị Tằng Hữu Pháp, Nhân Duyên Kinh, Thí Dụ, Thâm Tạng, Đoạn Kết.

Này vị Thiên Tử! Đó gọi là các vị Đại Bồ Tát tu học pháp ấy nên có thể đạt được đầy đủ mọi sự thông tỏ.

Đức Phật bảo Thiên Tử: Như có Bồ Tát, muốn đạt được đầy đủ thân tướng của Như Lai, với ba hai tướng của Bậc Đại Nhân, tám mươi vẻ đẹp, và tám thứ âm thanh của loài chim Yết Tỳ Ca Lăng Tần Già cùng vòng tròn hào quang tỏa ra đến bảy thước, nói chung là muốn đạt tướng hảo như vậy, thì phải tu học pháp biện tài của hàng Hiền Thánh.

Muốn đạt được Pháp Thân Như Lai gồm đủ năm phần Pháp Thân, thì phải tu học pháp biện tài của hàng Hiền Thánh ấy. Muốn thu giữ giữ lấy tất cả sáu pháp tu Ba la mật của Bồ Tát, thành tựu nhất thiết trí, đầy đủ các pháp Phật, thì phải dốc tu học pháp biện tài của hàng Hiền Thánh ấy.

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Như có chúng sinh muốn không rời bỏ các pháp, không dựa vào bốn đại, thông đạt các pháp thâm diệu sâu xa của Như Lai, nói chung là muốn đạt được như thế thì phải dốc tu học pháp biện tài của hàng Hiền Thánh ấy. Lại muốn hội nhập vào cõi trí tuệ sâu rộng vô bờ, nương theo ba đạt trí để du hóa tự tại với trăm ngàn pháp Tam Muội, thì phải tu học pháp biện tài của hàng Hiền Thánh ấy.

Như lại muốn dứt bỏ sạch danh hiệu, tên họ gốc chúng sinh của mình để thành tựu được tôn hiệu Như Lai, muốn lìa bỏ mọi nẻo trói buộc, mọi nơi chốn tạo tác đau khổ, bất an, nói chung là muốn đạt được những điều ấy, thì cũng phải dốc tu học pháp biện tài của hàng Hiền Thánh đó.

Này vị Thiên Tử! Như thế là các vị Đại Bồ Tát tu học thông tỏ các pháp, đã tạo lập được con đường Đại Thừa, thực hiện đầy đủ bản nguyện, làm thanh tịnh chúng sinh, thành tựu Cõi Phật, đối với Pháp tạng của Phật không còn một trở ngại nào, nhờ đấy mà thấu đạt các pháp như huyễn hóa, như tiếng vang, như thân cây chuối, như bóng hình trong gương, như mọi cảnh tượng được thấy trong mộng, do như cảnh huyễn hóa nên chúng không thực có.

Này vị Thiên Tử! Bồ Tát như vậy là đã lãnh hội rõ về các pháp, nên liền có thể bày tỏ sự kính lễ đối với Chư Phật Thế Tôn, từ một Cõi Phật này đến một Cõi Phật khác để lắng nghe thọ nhận các pháp Phật, hội nhập vào kho tàng thâm diệu ấy.

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, muốn được làm bậc Chuyển Luân Thánh Vương luôn có bảy báu bên mình, thống lãnh bốn cõi Thiên Tử. Muốn làm bậc Phạm Thiên Vương cùng Thích Đề Hoàn Nhân, tóm lại là muốn đạt được các bậc ấy, thì phải tu học giới luật của bậc Hiền Thánh.

Lúc Đức Thế Tôn nói xong lời này, thì có đến chín mươi tám ức vị đã đạt đạo quả A La Hán thảy đều thay đổi chí hướng, nên đã cùng đến trước Đức Phật thưa: Kính bạch Thế Tôn! Chúng con vì quá lơ là trong việc tu tập từ gốc, nên nay bị rơi ở chốn biên vực, kính bạch Thế Tôn rủ lòng thương xót chỉ dạy, để chúng con được tu tập pháp Biện tài của hàng Hiền Thánh.

Các vị ấy thưa đến lần thứ ba, Đức Phật mới im lặng chấp nhận. Lại có vô số chúng sinh được nghe pháp ấy tức thì mọi thứ bụi bặm cấu nhiễm thảy đều dứt sạch và đạt được pháp nhãn thanh tịnh.

Đức Phật bảo vị Thiên Tử Cõi Trời Tịnh Cư: Ở trong hiền kiếp này có bảy trăm vị Phật đi trước ông và sẽ thành Phật, hiệu là Trí Tích Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần