Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Pháp Hữu Hành Vô Hành - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI MƯƠI BỐN

PHẨM PHÁP HỮU HÀNH  VÔ HÀNH  

PHẦN MỘT  

Bấy giờ Bồ Tát Vô Đảnh Tướng liền rời chỗ ngồi đứng dậy, để trần vai bên phải đến trước Đức Phật quỳ mọp, chắp tay cung kính thưa: Kính bạch Thế Tôn! Con có thể xin nhận lấy công việc đứng trước Đức Như Lai để nói về pháp hữu hành, vô hành.

Đức Phật nói: Lành thay, lành thay! Này vị Tộc Tánh Tử! Như có thể nêu bày pháp ấy thì lúc này là rất thích hợp.

Bồ Tát Vô Đảnh Tướng thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Nếu có các vị Đại Bồ Tát lãnh hội thấu đạt về gốc không thì đó là hữu hành. Gốc không như nhiên không tịch không hình tướng, đó là vô hành. Các vị Bồ Tát lần lượt nêu bày.

Bồ Tát Quảng Tấn nói: Hiện ra Cõi Phật với những thần túc để giáo hóa chúng sinh, đó là hữu hành. Chẳng thấy có Quốc Độ cùng chúng sinh được hóa độ, đó là vô hành.

Bồ TátTri Sinh thưa: Niết Bàn tịch tĩnh không còn sinh diệt, đó là hữu hành. Chẳng thấy có Niết Bàn cùng hình tướng của Niết Bàn, đó là vô hành.

Bồ Tát Pháp Bảo nêu: Thuyết giảng đạo và chẳng phải đạo, đó là hữu hành. Chẳng phải có đạo cũng chẳng phải không có đạo, đó là vô hành.

Bồ Tát Tịnh Diệu thưa: Thực hiện pháp quán thanh tịnh, đó là hữu hành. Cũng chẳng thấy có pháp quán thanh tịnh ấy, đó là vô hành.

Bồ Tát Thú Đạo thưa: Thấy được thần lực của Phật, đó là hữu hành. Chẳng còn thấy Phật, cũng chẳng thấy thần lực, đó là vô hành.

Bồ Tát Phổ Thí thưa: Thực hành việc nhập định, đó là hữu hành. Chẳng thấy việc tu tập, cũng chẳng còn thấy nhập định, đó là vô hành.

Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu nói: Nhận thấy thân tướng Phật có trong khắp cõi tam thiên đại thiên Thế Giới, đó là hữu hành. Chẳng còn thấy Phật cùng với mọi tướng tốt, đó là vô hành.

Bồ Tát Ai Thế thưa: Còn thấy có ta tôi thọ mạng, đó là hữu hành. Không còn thấy có thọ mạng, cũng chẳng còn thấy có tôi ta, đó là vô hành.

Bồ Tát Vô Úy nêu: Thuyết pháp không tưởng chấp về pháp, đó là hữu hành. Không còn thấy pháp, chẳng phải không có pháp, đó là vô hành.

Như vậy là các vị Đại Bồ Tát, đối với pháp hữu hành, vô hành, liền đạt được đầy đủ pháp Anh Lạc của Bồ Tát.

Bồ Tát Vô Lượng nói: Có thể đi quá hạn lượng của Phật mà không thể đến giới hạn, đó là hữu hành. Chẳng còn thấy có hạn lượng, cũng chẳng thấy chẳng phải hạn lượng, đó là vô hành.

Bồ Tát Tâm Niệm thưa: Dùng sáu pháp thần thông đi đến các Quốc Độ Chư Phật không hề tự khen ngợi đề cao về nẻo thần thông của mình, đó là hữu hành. Chẳng còn thấy có Quốc Độ cùng có chốn tiếp độ, đó là vô hành.

Bồ Tát Hiền Hộ nêu: Có thể hóa tất cả thảy là hình tướng Phật, đó là hữu hành. Không thấy có sự biến hóa cũng như không thấy có Phật, đó là vô hành.

Bồ Tát Vô Biên Tế nói: Cõi Phật là vô lượng, các pháp tổng trì không hề quên, đó là hữu hành. Gốc là không có pháp tổng trì, cũng không có Tam Bảo, đó là vô hành.

Bồ Tát Thường Bi thưa: Thấy có những chúng sinh phát tâm đại thừa, đó là hữu hành.

Không còn thấy có đại thừa, cũng không có đạo, đó là vô hành.

Bồ Tát Bất Tư Nghì thưa: Phật là chẳng thể nghĩ bàn, chánh pháp cũng vậy, pháp chẳng thể nghĩ bàn, thọ báo cũng thế, đó là hữu hành. Chẳng còn thấy có nghĩ bàn, cũng chẳng thấy có chẳng thể nghĩ bàn, đó là vô hành.

Bồ Tát Chu Toàn thưa: Tuệ không là một, chẳng phải là chẳng có tuệ, đó là hữu hành. Tuệ cũng là hư tịch, chẳng có tuệ, cũng chẳng không có tuệ, đó là vô hành.

Bồ Tát Pháp Tạo thưa: Như Lai là một, cõi chân cũng như vậy, đó là hữu hành. Chẳng còn thấy có Như Lai, cũng chẳng thấy có cõi chân, không một, không phải không một, đó là vô hành.

Bồ Tát Thiện Quyền nói: Tuệ quán nhận rõ hết thảy các pháp, đó là hữu hành. Không còn thấy có tuệ quán, cũng lại không còn có các pháp, đó là vô hành.

Bồ Tát Vô Dữ Đẳng thưa: Một tướng vô tướng đó là hữu hành. Không còn thấy có tướng cũng không thấy vô tướng, đó là vô hành.

Như thế, các vị Đại Bồ Tát đã nói về pháp hữu hành, vô hành, đều có thể đạt được đầy đủ các pháp Anh Lạc Bồ Tát.

Bồ Tát Công Huân nói: Chẳng thấy có sinh cũng chẳng thấy không có sinh, đó là hữu hành. Sinh cũng là vô sinh, vô sinh cũng là sinh, đó là vô hành.

Bồ Tát Giác Ngộ thưa: Hữu thường, vô thường, đó là hữu hành. Chẳng còn thấy có thường, cũng chẳng thấy vô thường, đó là vô hành.

Bồ Tát Thành Tựu thưa: Chẳng tạo hành thân, cũng không có chốn vướng chấp, đó là hữu hành. Không còn thấy có tạo tác, cũng không thấy không có tạo tác, đó là vô hành.

Bồ Tát Nguyện Lạc nói: Chẳng tạo hành khẩu, cũng không có chỗ tham vướng, đó là hữu hành. Không còn thấy có tạo tác, cũng chẳng thấy không có tạo tác, đó là vô hành.

Bồ Tát Vô Xứ Sở thưa: Không tạo hành ý, cũng không có chỗ vướng mắc, đó là hữu hành. Không còn thấy có tạo tác hay không tạo tác, đó là vô hành.

Bồ Tát Vô Ngại Trí nêu: Giác ngộ về pháp không có chốn giác ngộ, đó là hữu hành. Không thấy có giác ngộ, lại cũng không dấy tưởng là có chúng sinh, đó là vô hành.

Bồ Tát Hương Tích nói: Thông tỏ đạo gốc là không, pháp tánh không khác, đó là hữu hành. Chẳng còn thấy có đạo hay pháp tánh, đó là vô hành.

Bồ Tát Chuyển Pháp Luân thưa: Nơi gốc cây Bồ Đề tuyên giảng thông suốt về bốn đạo quả chứng đắc, đó là hữu hành. Thuyết pháp không dấy tưởng về pháp, cũng không còn thấy có bốn đạo quả, đó là vô hành.

Bồ Tát Tự Quán nêu: Thuyết giảng về năm ấm là sắc, thống thọ, tưởng, hành, thức là không, đó là hữu hành. Không còn thấy có năm ấm với những thành hoại, đó là vô hành.

Bồ Tát Chúng Trí nói: Thực hiện quán với bốn ý chỉ để nhận biết trong ngoài thảy đều không, đó là hữu hành. Nhận rõ gốc của ý chỉ là không từ chốn nào lại, đến, cũng không có chốn tới, đó là vô hành.

Bồ Tát Đa Văn thưa: Tu tập các pháp cho đến ba mươi bảy phẩm đạo, đó là hữu hành. Không còn thấy có sự dốc sức tu tập cùng hết thảy các pháp, đó là vô hành.

Bồ Tát Pháp Thân nêu: Nhận thấy tất cả các pháp là có động chuyển hay không động chuyển, đó là hữu hành. Không còn thấy có động chuyển hay chẳng động chuyển, đó là vô hành.

Bồ Tát Vô Nộ nói: Hết thảy các pháp là như nhiên, quán pháp cũng thế, quán pháp là như nhiên, hết thảy các pháp cũng thế, đó là hữu hành. Các pháp gốc là không, cũng không có quán pháp, đó là vô hành.

Bồ Tát Thượng Thủ nêu: Phân biệt tuệ của Phật, nhận biết tính chất hư tịch, đó là hữu hành. Quán tuệ thâm diệu của Phật bản tánh là như nhiên cũng không có tên gọi, đó là vô hành.

Bồ Tát Đạo Nghị thưa: Thông tỏ về năm phần pháp thân không hề xa lìa, đó là hữu hành. Mỗi mỗi quan sát về tánh tự nó là không hình, cũng không có sinh diệt, đó là vô hành.

Bồ Tát Bản Tộ nói: Tất cả các pháp đều không có chỗ dựa cậy, không dựa cả trong ngoài không, đó là hữu hành. Rõ trong ngoài không cùng hết thảy các pháp, chẳng thấy sinh cũng chẳng thấy diệt, thảy đều không chút tham chấp vướng mắc, đó là vô hành.

Bồ Tát Quyền Hiện nêu: Đi đến khắp chốn lễ bái cúng dường Chư Phật, không thấy có Cõi Phật thanh tịnh cùng chúng sinh bất tịnh ham thích việc xấu ác, đó là hữu hành. Không còn thấy có bản thân mình cùng các Quốc Độ Chư Phật với bao sự tốt xấu trong đục, đó là vô hành.

Bồ Tát Vô Tưởng Trước thưa: Các pháp không loạn động, an nhiên không dời đổi, không xem khổ vui là thường vô thường hoặc tốt đẹp hoặc xấu xí, đó là hữu hành. Vô lượng trí tuệ thảy quy về không, chẳng còn thấy có loạn định, khổ, vui, tốt, xấu, đó là vô hành.

Bồ Tát Đại Từ nói: Không thấy các pháp có hướng tới hay không hướng tới, đó là hữu hành. Vĩnh viễn không có hướng tới, cũng chẳng thấy nẻo hướng ấy đó là vô hành.

Bồ Tát Nhẫn Hành nêu: Tỏ thông về không, vô tướng, vô nguyện, cùng với hư không thức giới chân như là nhất tánh, đó là hữu hành. Không, vô tướng, vô nguyện cũng là không. Không cũng là không, vô tướng, vô nguyện, cũng không báo ứng, đó là vô hành.

Bồ Tát Bảo Chưởng thưa: Thực hiện một pháp định ý tất rõ mọi uy nghi của Chư Phật cùng nẻo hành hóa với các phép tắc, đó là hữu hành. Tuy nhập thiền định nhưng hoàn toàn lìa bỏ hình tướng của các pháp, đó là vô hành.

Bồ Tát Hỷ Khánh nêu: Cội rễ của ba độc là tự nhiên sinh diệt, không còn biết nẻo do đâu sinh diệt của chúng, đó là hữu hành. Quán cội rễ của ba độc tự chúng là không hình tướng mầm mống, hoàn toàn là không sinh diệt, đó là vô hành.

Bồ Tát Quán Tấn nói: Giữ gìn giới luật không sai phạm, cũng không thấy có sự sai phạm, đó là hữu hành. Gốc vốn không giới luật cũng không có sai phạm, bản tánh là như nhiên, đó là vô hành.

Bồ Tát Thường Hỷ thưa: Nhận rõ mười hai pháp môn giải thoát, đó là hữu hành. Chẳng còn thấy có giải thoát cùng các pháp bảo là có sinh có diệt, đó là vô hành.

Bồ Tát Tuyên Sướng nêu: Pháp sinh khổ sinh, gốc là không có nơi chốn, đó là hữu hành. Nhận biết cội gốc của khổ mà cũng chẳng còn thấy cõi ấy đó là vô hành.

Bồ Tát Tu Đạo nói: Đạo lớn là nhất tướng, Niết Bàn vô hình, không còn thấy chí dốc cầu đạo vô thượng, đó là hữu hành. Nẻo diễn giảng đạo pháp không còn thấy tính chất tinh vi, pháp giới tự nhiên không thể chuyển đổi, đó là vô hành.

Bồ Tát Giảng Pháp thưa: Chốn tạo lập đạo pháp chẳng thể nghĩ bàn, tuy có chốn uế trược nhưng xem như không có nơi chốn ấy, đó là hữu hành. Thấu đạt năm tịnh cùng với năm trọc là tánh hư, chẳng phải thật cũng không có chốn có, đó là vô hành.

Bấy giờ, vô số hằng hà sa số các vị Bồ Tát trong mười phương, mỗi mỗi vị đều lần lượt nêu bày về pháp hữu hành, vô hành, xong thì trở lại an tọa nơi chỗ cũ.

Lúc này, Tôn Giả Đại Ca Diếp liền rời chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục cho ngay ngắn, đến trước Đức Phật quỳ mọp chắp tay cung kính thưa: Kính bạch Thế Tôn! Con cũng xin nhận lãnh việc diễn nói về pháp hữu hành, vô hành. Nếu được thấy Đức Thế Tôn chấp nhận thì mới dám bày tỏ.

Đức Phật bảo Tôn Giả Đại Ca Diếp: Hiện nay đại chúng đông đảo ở đây đều hết lòng ngưỡng mộ Tôn Giả từ lâu. Nếu có thể nêu bày về pháp ấy thì chính là lúc này.

Tôn Giả Đại Ca Diếp thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ phụng trì giới luật đúng đắn tu tập mười hai pháp Đầu Đà khó đạt, không hề thất thoát dù là mảy may, cũng không dấy tưởng sinh tâm thị phi, thì đấy nên gọi là hữu hành bậc nhất.

Tôn Giả Đại Ca Diếp lại thưa với Đức Phật: Như các hàng thiện nam, thiện nữ, dốc hết mọi ý niệm chuyên tinh không hề quên, có thể giảng diễn đạo pháp, chí hướng luôn thể hiện sung mãn, cho đến khi thành Phật cũng không thay đổi thệ nguyện lớn, đấy cũng được gọi là hữu hành bậc nhất.

Tôn Giả Đại Ca Diếp lại thưa với Đức Phật: Nếu lại có các vị thiện nam, thiện nữ tinh tấn học hỏi tu tập pháp môn thiền quán, đối với mọi tuệ thông không hề có sự vướng chấp, chí mong cầu đạo pháp đều khiến luôn vui vẻ.

Lại có thể dẫn dắt chỉ rõ con đường chánh pháp, theo tâm người đi trước để đạt được quả như sở nguyện, những người cầu pháp đại thừa thì chí nguyện được thành tựu, không khiến bị rơi rớt nơi những khó khăn trở ngại nửa chừng. Như lại muốn đạt đạo quả Bích Chi Phật thì lại cũng hỗ trợ để đạt giải thoát. Đấy cũng được gọi là hữu hành bậc nhất.

Tôn Giả Đại Ca Diếp lại thưa với Đức Phật: Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ muốn được tu tập pháp vô hành ấy, đối với tất cả những chúng sinh có gốc rễ tội lỗi sâu dày khó có thể cứu độ, vì những kẻ gây nên tội lỗi ấy cùng với con không có duyên do để được hóa độ.

Nhưng Đức Thế Tôn của con luôn nêu bày một cách tinh tế quyền xảo để dẫn tới các phương tiện thích hợp, biết rõ nẻo tạo tác của đối tượng nhằm tạo nhân duyên khiến mọi đối tượng đều đội ơn che phủ đùm bọc, đó là vô hành.

Tôn Giả Đại Ca Diếp lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Như các hàng thiện nam, thiện nữ, gốc không có đạo tâm, ở nơi hàng phàm phu, liền có thể được dẫn dạy trao truyền khiến phát tâm Bồ Đề, rốt cuộc đã thành tựu đạo quả không nửa chừng bị rơi vào trong hai địa, đó là vô hành.

Kính bạch Thế Tôn! Lại nữa, nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ, từ vô số kiếp đã tích lũy công đức cùng phát thệ nguyện hết sức rộng lớn: Nếu ta thành đạo tại một Quốc Độ nào đấy mình đang sống, được gặp gỡ vị Thánh nào đấy với các đệ tử theo hầu cận cũng đều như vậy.

Nhưng các vị thiện nam, thiện nữ ấy đã trái với sở nguyện của mình, vì giữa chừng gặp bậc Hiền Thánh có Đức Phật ra đời nên liền theo Đức Phật đó mà đạt được giải thoát, đó là vô hành.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả Đại Ca Diếp: Này vị Trưởng Lão! Hãy nên thân trọng! Tôn Giả hiện chưa phát huy được tâm rộng mở hướng tới tầm cao để lượng định nêu bày vấn đề này.

Vì sao?

Vì đây là vấn đề giữ vững cùng đạt được căn lực của hàng Đại Bồ Tát, như thế mà hãy còn chưa nêu bày đầy đủ về pháp hữu hành, vô hành.

Huống nữa Tôn Giả lại quá chú trọng vào những tiểu tiết thì sao có thể nêu bày thấu đáo được?

Điều ấy là không thể được! Xin Tôn Giả hãy trở lại chỗ ngồi của mình và giữ lấy uy nghi như trước.

Lúc này, Tôn Giả Đại Ca Diếp mặt mày biến sắc cảm thấy hổ thẹn, liền đảnh lễ ngang chân Phật rồi trở lại chỗ ngồi của mình.

Bấy giờ Trưởng Lão A Nhã Câu Lân lại rời chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Đức Phật cung kính thưa: Kính bạch Thế Tôn! Con nay xin nhận lấy việc đứng trước Đức Như Lai để nêu bày rõ về pháp hữu hành, vô hành.

Đức Phật nói: Lành thay! Này vị Tộc Tánh Tử! Nay chính là lúc Trưởng Lão nên bày tỏ những sở đắc của mình.

Trưởng Lão A Nhã Câu Lân thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Nếu có hàng thiện nam, thiện nữ tu tập tám Chánh đạo, ở trong tám pháp ấy không hề dấy hồ nghi, đó là hữu hành.

Như lại có các vị thiện nam, thiện nữ tu tập đạt được vô lượng pháp tuệ nhận rõ tám pháp thảy là không chốn có, gốc vốn không có một pháp nào huống hồ lại có tám pháp chánh?

Không có tên gọi các pháp, cũng không có sự tích chứa. Đấy nên gọi là pháp vô hành tối thắng bậc nhất.

Kính bạch Thế Tôn! Lại nữa, như các hàng thiện nam, thiện nữ đối với bốn pháp thiền hành mỗi mỗi đều tư duy, ý luôn tập trung không phân tám, ý gắn chặt nơi sáng suốt không làm mất các pháp thích hợp, tất đạt được đạo quả không còn hồ nghi.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần