Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Không Còn Dấy Thức Vướng Chấp

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI MƯƠI HAI

PHẨM KHÔNG CÒN

DẤY THỨC VƯỚNG CHẤP  

Bấy giờ có vị Bồ Tát tên là Tịnh Quán, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, để trần vai bên phải, đến trước Đức Phật quỳ mọp, đầu gối bên phải chạm sát đất, chắp tay cung kính thưa: Kính bạch Thế Tôn! Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng Kinh Điển này thì con xin được vui mừng thay cho họ.

Vì sao?

Vì chư Như Lai quá khứ đều không hề chấp vào nẻo tu tập để đạt được đạo quả Vô Thượng, Chánh Giác. Các vị Như Lai vị lai cũng sẽ tu tập pháp ấy để thành tựu đạo quả. Như Đức Như Lai Vô Thượng, Chánh Giác hiện nay của chúng con đã nêu giảng pháp ấy, khéo dùng phương tiện để giáo hóa dẫn dắt chúng sinh.

Bồ Tát Tịnh Quán lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Nếu có các vị Đại Bồ Tát nêu giảng truyền bá pháp này đến khắp mọi người trong đời hiện tại thì sẽ có được hai mươi hành công đức.

Những gì là hai mươi công đức ấy?

Các pháp Tổng trì Anh Lạc nên không hủy hoại pháp giới. Tộc họ Anh Lạc nên mọi việc gia đình đều thành tựu. Phương tiện quyền xảo Anh Lạc không làm hao tổn các pháp. Hóa sinh Anh Lạc nên không còn chịu cảnh thọ thai.

Giáo hóa thanh tịnh Anh Lạc tránh các pháp tranh chấp hơn thưa. Pháp thân Anh Lạc thông tỏ được bản tánh trong lành. Thọ nhập Anh Lạc nên luôn thành tựu được các hành không. Chúng sinh Anh Lạc nên hóa độ được hết thảy muôn loài.

Diệt độ Anh Lạc vì đã dứt sạch mọi thứ trần cấu. Sinh tận Anh Lạc vì tâm thức vốn là Không. Vô lượng Anh Lạc nên cấu nhiễm trở nên thanh tịnh. Số kiếp Anh Lạc nên dứt mọi khái niệm xa gần. Nhận biết về đời sống Anh Lạc nên luôn ca ngợi gốc không. Đạo đức Anh Lạc nên mọi hành của mình đều tịch diệt. Pháp Đại Thừa Anh Lạc nên mọi căn đều được gồm đủ.

Giải thoát Anh Lạc nên không còn thấy có chúng sinh. Pháp Vương Anh Lạc nên mọi pháp đạo thuyết giảng là vô cùng. Không chán Anh Lạc nên thọ nhận các pháp không hề biết mệt mỏi. Văn tự Anh Lạc nên sức ghi nhớ luôn mạnh mẽ không hề quên.

Pháp Giới Anh Lạc nên các hành luôn đầy đủ. Gốc pháp Anh Lạc nên Ba la mật gốc là không. Pháp tánh Anh Lạc nên dứt sạch mọi nẻo sinh diệt. Thệ nguyện rộng lớn Anh Lạc nên đạo tánh và tự tánh là một. Chân như Anh Lạc nên gốc thiện luôn gồm đủ.

Thanh tịnh Anh Lạc nên luôn lìa sinh diệt để đạt đến gốc không. Vô ngại Anh Lạc nên mọi nẻo qua lại đi đến đều thông đạt. Pháp dấy khởi Anh Lạc nên không vướng chấp vào ba chốn. Nếu có các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di thọ trì đọc tụng pháp Anh Lạc ấy thì liền có được đầy đủ hai mươi công đức về các Pháp Môn Tổng trì.

Bồ Tát Tịnh Quán lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Nếu có các vị thiện nam, thiện nữ có thể khiến cho hết thảy chúng sinh trong khắp cõi tam thiên đại thiên Thế Giới mỗi mỗi chúng sinh đều xây dựng một ngôi tháp bằng bảy thứ châu báu, thì không bằng các vị thiện nam, thiện nữ dốc tâm đọc tụng pháp Anh Lạc ấy, công đức phước báu của sự đọc tụng này là không thể nêu tính.

Vì sao?

Vì Chư Phật Thế Tôn đều nhờ tu tập pháp ấy mà thành tựu đạo quả. Nếu có các vị thiện nam, thiện nữ xây dựng tháp miếu bằng bảy thứ châu báu, đầy khắp trong tam thiên đại thiên Thế Giới, thì không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng thực hiện pháp Anh Lạc đó, công đức phước báo của trường hợp này thật không thể lường tính nêu bày được.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Tịnh Quán: Lành thay! Lành thay! Này vị Tộc Tánh Tử! Bồ Tát đã có thể đứng trước Như Lai tạo được tiếng sư tử rống.

Này vị Tộc Tánh Tử! Ý ông nghĩ sao?

Nếu có các vị thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng pháp Anh Lạc này, lại khiến có được hằng sa chúng sinh thành tựu được năm giới, thì phước ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh Quán thưa: Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không bằng các vị thiện nam, thiện nữ đạt được pháp Anh Lạc vô tận tạng, công đức phước báo của trường hợp này là không thể lường tính, gấp bội hàng trăm ngàn vạn lần, hàng vạn ức lần nhiều hơn, không thể dùng thí dụ để so sánh.

Vì sao?

Vì chỉ một hằng sa chúng sinh thành tựu được năm giới, đều nhờ pháp Anh Lạc ấy mà có được đầy đủ các đạo quả cùng phước báo.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh Quán: Này vị Tộc Tánh Tử! Ý ông nghĩ sao?

Nếu có một hằng sa chúng sinh thảy đạt được năm thứ thần thông thành tựu mọi nẻo hành hóa của năm pháp ấy, lại thêm dốc tu tập năm giới và mười điều thiện, thì công đức phước báo ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh Quán thưa: Kính bạch Thế Tôn! Công đức phước báo ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng thực hành các pháp Anh Lạc ấy. Công đức phước báo trong trường hợp này là chẳng thể lường tính.

Vì sao?

Vì một hằng sa chúng sinh đó đạt được năm thần thông thảy đều thành tựu là đều nhờ vào pháp Anh Lạc kia mà có được đầy đủ các đạo quả phước báo.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh Quán: Này vị Tộc Tánh Tử! Ý ông nghĩ sao?

Nếu có một hằng sa chúng sinh thực hiện bốn tâm vô lượng là từ, bi, hỷ, hộ xả, hành bốn bậc Thiền từ đệ nhất thiền đến đệ tứ thiền, nhớ nghĩ, tự giữ lấy sự an vui bền vững, lại thực hành bốn pháp định không, mỗi mỗi đều đầy đủ, thì công đức phước báo ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh Quán thưa: Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là vô cùng nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không bằng các thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng thực hiện pháp Anh Lạc ấy. Công đức và phước báo trong trường hợp này là không thể nêu tính được.

Vì sao?

Vì một hằng sa chúng sinh thực hành bốn tâm vô lượng là từ, bi, hỷ, hộ xả, thực hiện bốn bậc thiền, luôn nhớ nghĩ giữ lấy sự an vui bền vững, thực hành bốn pháp định không, là đều do nhờ pháp Anh Lạc kia mà đạt được đầy đủ các đạo quả cùng phước báo.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh Quán: Này vị Tộc Tánh Tử! Nếu có một hằng sa chúng sinh thảy đạt quả Tu Đà Hoàn dứt trừ mọi vọng tưởng, tất cả thảy đều thành tựu thông đạt, thế thì công đức phước báo ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh Quán thưa: Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy nhiều vô cùng.

Đức Phật nói: Nhưng không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng thực hiện pháp Anh Lạc ấy, phước báo công đức của trường hợp này là không thể nêu bày lường tính được.

Vì sao?

Vì một hằng sa chúng sinh kia thảy đạt được đạo quả Tu Đà Hoàn và mỗi mỗi đều được thành tựu là đều nhờ vào pháp Anh Lạc ấy mà có được đầy đủ các đạo quả cùng phước báo.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh Quán: Này vị Tộc Tánh Tử! Nếu có một hằng sa chúng sinh thảy đạt quả Tư Đà Hàm không còn mối hồ nghi nào và thảy đều được thành tựu, thế thì phước báo công đức ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh Quán thưa: Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng thực hiện pháp Anh Lạc ấy, công đức phước báo trong trường hợp này là không thể lường tính.

Vì sao?

Vì một hằng sa chúng sinh đó đạt được quả Tư Đà Hàm, thành tựu được hết thảy cùng dứt mọi hồ nghi, đều nhờ pháp Anh Lạc ấy mà đạt được đầy đủ các đạo quả, phước báo.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh Quán: Này vị Tộc Tánh Tử! Nếu có một hằng sa chúng sinh thảy đạt quả A Na Hàm, mọi sự việc đều thành tựu, dứt hết hồ nghi, thì phước báo công đức ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh Quán thưa: Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không bằng các vị thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng thực hiện pháp Anh Lạc ấy, công đức phước báo trong trường hợp này là chẳng thể lường tính nêu bày.

Vì sao?

Vì một hằng sa chúng sinh đó thảy đạt được quả A Na Hàm, mỗi mỗi đều thành tựu và dứt hết hồ nghi, đều nhờ pháp Anh Lạc ấy mà có đầy đủ các đạo quả phước báo.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh Quán: Nếu có một hằng sa chúng sinh thảy đạt đạo quả A La Hán, mỗi mỗi đều thành tựu không còn hồ nghi, thì công đức phước báo ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh Quán thưa: Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng thực hiện pháp Anh Lạc ấy, phước báo công đức trong trường hợp này là không thể nêu bày lường tính.

Vì sao?

Vì một hằng sa chúng sinh đó thảy đạt được đạo quả A La Hán, mỗi mỗi đều thành tựu và dứt sạch hồ nghi, đều nhờ vào pháp Anh Lạc ấy mà có đầy đủ các đạo quả cùng phước báo.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh Quán: Này vị Tộc Tánh Tử! Nếu có một hằng sa chúng sinh thảy đạt được đạo quả Bích Chi Phật, mỗi mỗi đều thành tựu không còn hồ nghi, thì phước báo công đức ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh Quán thưa: Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói: NHư Không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng thực hiện pháp Anh Lạc ấy, phước báo công đức trong trường hợp này là không thể nêu bày lường tính.

Vì sao?

Vì một hằng sa chúng sinh kia đạt được đạo quả Bích Chi Phật, mỗi mỗi đều thành tựu không còn hồ nghi, đều nhờ pháp Anh Lạc ấy mà có được đầy đủ các đạo quả, phước báo.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh Quán: Này vị Tộc Tánh Tử! Nếu có một hằng sa chúng sinh thành tựu được Nhất trụ, thực hiện từ sự phát tâm dốc hướng đến đạo quả, tu tập mười tám pháp, ba mươi bảy phẩm đạo, các pháp không, vô tướng, vô nguyện, thì công đức phước báo ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh Quán thưa: Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng thực hiện pháp Anh Lạc ấy, phước báo công đức trong trường hợp này là không thể lường tính nêu bày.

Vì sao?

Vì một hằng sa chúng sinh kia thảy thành tựu Nhất trụ, thực hiện từ phát tâm dốc đạt tới đạo quả, tu tập mười tám pháp, ba mươi bảy phẩm đạo và các pháp không, vô tướng, vô nguyện, mỗi mỗi đều thành tựu không còn hồ nghi, là đều nhờ ở pháp Anh Lạc ấy mà có được đầy đủ các đạo quả cùng phước báo.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh Quán: Này vị Tộc Tánh Tử! Nếu có một hằng sa chúng sinh vượt qua địa thứ nhất và trụ nơi địa thứ hai, tu tập tám pháp cùng mười tám pháp, ba mươi bảy phẩm đạo, các pháp không, vô tướng, vô nguyện, thế thì phước báo công đức ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh Quán thưa: Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ thực hiện pháp Anh Lạc ấy, phước báo công đức trong trường hợp này là không thể nêu bày lường tính được.

Vì sao?

Vì một hằng sa chúng sinh kia đã vượt qua nhất trụ địa, trụ nơi địa thứ hai, tu tập tám pháp cùng mười tám pháp, ba mươi bảy phẩm đạo, các pháp không, vô tướng, vô nguyện, mỗi mỗi đều thành tựu không còn hồ nghi, là đều nhờ vào pháp Anh Lạc ấy mà có được đầy đủ các đạo quả cùng phước báo.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh Quán: Này vị Tộc Tánh Tử! Nếu có một hằng sa chúng sinh vượt qua địa thứ nhất, địa thứ hai, trụ nơi địa thứ ba, tu tập năm pháp tịnh, hành năm pháp quán, cùng tu tập tám pháp và mười tám pháp, ba mươi bảy phẩm đạo, các pháp không, vô tướng, vô nguyện, thế thì phước báo công đức ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh Quán thưa: Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ tu tập thực hiện pháp Anh Lạc ấy, phước báo công đức trong trường hợp này là không thể lường tính nêu bày hết.

Vì sao?

Vì một hằng sa chúng sinh kia vượt qua hai địa trước, trụ ở địa thứ ba, tu năm pháp tịnh thực hành năm pháp quán, cùng tu tám pháp, mười tám pháp, ba mươi bảy phẩm đạo, các pháp không, vô tướng, vô nguyện, mỗi mỗi đều thành tựu không còn hồ nghi, là đều nhờ ở pháp Anh Lạc đó mà đạt được đầy đủ các đạo quả, phước báo.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh Quán: Này vị Tộc Tánh Tử! Nếu có hằng sa chúng sinh, từ trụ địa thứ nhất, trụ địa thứ hai, trụ địa thứ ba và trụ nơi địa thứ tư, tu tập bốn pháp cùng thực hiện bảy pháp quán, năm pháp tịnh, năm pháp quán, tu tập tám pháp, mười tám pháp, ba mươi bảy phẩm đạo, các pháp không, vô tướng, vô nguyện, thế thì công đức phước báo ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh Quán thưa: Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không bằng các vị thiện nam, thiện nữ thực hiện pháp Anh Lạc ấy, công đức phước báo trong trường hợp này là không thể nêu tính hết được.

Vì sao?

Vì một hằng sa chúng sinh kia đã tu tập cùng thực hành các pháp vừa kể mỗi mỗi đều thành tựu dứt sạch hết mọi hồ nghi, là đều nhờ vào pháp Anh Lạc đó mà đạt được đầy đủ các đạo quả cùng phước báo.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh Quán: Này vị Tộc Tánh Tử! Như có một hằng sa chúng sinh trụ nơi địa thứ năm, tu tập mười hai pháp, tâm ý dứt hết các hoặc, gánh vác công việc giáo hóa chúng sinh cùng tu bốn pháp, hành bảy pháp quán, tu năm pháp tịnh, hành năm pháp quán, cũng tu tập tám pháp, mười tám pháp, ba mươi bảy phẩm đạo, các pháp không, vô tướng, vô nguyện, thế thì công đức phước báo ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh Quán thưa: Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không bằng các vị thiện nam, thiện nữ thực hiện pháp Anh Lạc ấy, công đức phước báo trong trường hợp này là không thể nêu tính hết được.

Vì sao?

Vì một hằng sa chúng sinh kia đã tu tập cùng thực hành các pháp vừa kể mỗi mỗi đều thành tựu dứt sạch hết mọi hồ nghi, là đều nhờ vào pháp Anh Lạc đó mà đạt được đầy đủ các đạo quả cùng phước báo.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh Quán: Này vị Tộc Tánh Tử! Như có một hằng sa chúng sinh đều an trụ nơi địa thứ sáu, tu tập thực hiện sáu pháp Ba la mật là bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, nhất tâm và trí tuệ.

Tu mười hai pháp tâm ý dứt hoặc, gánh vác việc giáo hóa chúng sinh, cùng tu tập và thực hành bốn pháp, bảy thứ quán, năm pháp tịnh, năm pháp quán, tám pháp, mười tám pháp, ba mươi bảy phẩm đạo, các pháp không, vô tướng, vô nguyện, thế thì công đức phước báo ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh Quán thưa: Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không bằng các vị thiện nam, thiện nữ thực hiện pháp Anh Lạc ấy, công đức phước báo trong trường hợp này là không thể nêu tính hết được.

Vì sao?

Vì một hằng sa chúng sinh kia, an trụ nơi địa thứ sáu, tu tập cùng thực hành các pháp vừa kể mỗi mỗi đều thành tựu dứt sạch hết mọi hồ nghi, là đều nhờ vào pháp Anh Lạc đó mà đạt được đầy đủ các đạo quả cùng phước báo.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh Quán: Này vị Tộc Tánh Tử! Nếu như có một hằng sa chúng sinh trụ nơi địa thứ bảy, đạt pháp không thoái chuyển, hành mười ba pháp, chí nguyện hết sức kiên cố, sẽ thành Bậc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, đạt bốn pháp vô úy, bốn biện tài, hành sáu pháp Ba la mật.

Tu tập mười hai pháp tâm ý dứt sạch các hoặc, gánh vác công việc giáo hóa chúng sinh cùng tu tập thực hành bốn pháp, bảy thứ quán, năm pháp tịnh, năm quán, tám pháp, mười tám pháp, ba mươi bảy phẩm đạo, các pháp không, vô tướng, vô nguyện… thế thì công đức phước báo ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh Quán thưa: Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không bằng các vị thiện nam, thiện nữ thực hiện pháp Anh Lạc ấy, công đức phước báo trong trường hợp này là không thể nêu tính hết được.

Vì sao?

Vì một hằng sa chúng sinh kia trụ nơi địa thứ bảy đạt pháp không thoái chuyển, chí nguyện kiên cố, sẽ đạt quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, đạt bốn pháp vô úy, bốn biện tài, tu tập sáu pháp Ba la mật đã tu tập cùng thực hành các pháp vừa kể trên, mỗi mỗi đều thành tựu không còn hồ nghi, là đều nhờ vào pháp Anh Lạc đó mà đạt được đầy đủ các đạo quả cùng phước báo.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh Quán: Này vị Tộc Tánh Tử! Như có một hằng sa chúng sinh trụ nơi địa thứ tám, vững chắc ở trụ đồng chân, thành tựu được mười hai pháp diệu cùng với năm nẻo tuệ, tu tập mười ba pháp, chí nguyện kiên cố sẽ thành Bậc Tối Chánh Giác, đạt bốn vô úy, bốn biện tài, hành sáu pháp Ba la mật cũng như đã tu tập các pháp như trước, thế thì phước báo công đức ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh Quán thưa: Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là vô cùng nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không bằng các vị thiện nam, thiện nữ thực hiện pháp Anh Lạc ấy, công đức phước báo trong trường hợp này là không thể nêu tính hết được.

Vì sao?

Vì một hằng sa chúng sinh kia trụ nơi địa thứ tám, vững vàng với trụ đồng chân, thành tựu được mười hai pháp diệu, tâm ý dứt sạch hoặc, gánh vác việc giáo hóa chúng sinh đã tu tập cùng thực hành các pháp như đã nêu trước, mỗi mỗi đều thành tựu dứt sạch hết mọi hồ nghi, là đều nhờ vào pháp Anh Lạc đó mà đạt được đầy đủ các đạo quả cùng phước báo.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh Quán: Này vị Tộc Tánh Tử! Nếu có một hằng sa chúng sinh an trụ nơi địa thứ chín, thảy đều vững chắc nơi đạo quả của mình, đạt được vô lượng thần đức với các nẻo hành hóa của Phật, hoàn toàn xả hết mọi ràng buộc của các pháp, không còn trở lại con đường tu tập nữa, sẽ tiến tới thành Phật không còn thoái chuyển, thế thì công đức phước báo ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh Quán thưa: Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không bằng các vị thiện nam, thiện nữ thực hiện pháp Anh Lạc ấy, công đức phước báo trong trường hợp này là không thể nêu tính hết được.

Vì sao?

Vì một hằng sa chúng sinh kia an trụ nơi địa thứ chín, vững vàng với hạnh đồng chân, thành tựu được mười hai pháp diệu, tâm ý dứt sạch hoặc, gánh vác công việc giáo hóa chúng sinh.

Cũng như vậy, nhưng là khắp cả mười phương hằng sa chúng sinh đều đạt được các pháp như trên, cũng từ địa thứ nhất, địa thứ hai và đạt tới địa thứ chín.

Mỗi mỗi đều thành tựu dứt sạch hết mọi hồ nghi, là đều nhờ vào pháp Anh Lạc đó mà đạt được đầy đủ các đạo quả cùng phước báo. Nói chung là đều không bằng sự tu tập thực hiện pháp Anh Lạc, vì công đức phước báo của nó là không thể nêu bày lường tính nổi.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Tịnh Quán: Như ta hôm nay là Bậc Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, là bậc được tôn quý bậc nhất trong ba cõi, kể cả trong khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, nên có hiệu là Thiên Trung Thiên.

Tất cả đều nhờ tu tập thực hiện pháp Anh Lạc đó mà được thành tựu, công đức phước báo thật không thể nêu bày tính toán hết được, nhờ đấy mà đạt được đầy đủ các đạo quả cùng phước báo thâm yếu.

Bấy giờ có một vị Bồ Tát tên là Biện Thông, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Đức Phật quỳ mọp, chắp tay cung kính thưa: Kính bạch Thế Tôn! Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ tâm ý ưa thích muốn được tu tập pháp Anh Lạc ấy, thì phải thế nào, hành theo pháp nào để thành tựu được ánh sáng của pháp Anh Lạc đó?

Đức Phật nói: Lành thay! Lành thay! Này vị Tộc Tánh Tử! Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ muốn được tu tập pháp Anh Lạc ấy thì phải nên trừ bỏ vọng tưởng, không dấy thức vướng chấp, mọi niệm đầy đủ để thực hiện các pháp định, đi đến vô lượng Thế Giới trong mười phương từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác để phụng sự cúng dường Chư Phật Thế Tôn.

Vì sao?

Vì thảy đều do không còn dấy thức chấp tưởng tham đắm, nhờ đấy mà đạt được các đạo quả cùng phước báo.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần